Trong chương trình THCS, ở môn học Ngữ văn theo chương trình sách giáo khoa mới, học sinh sẽ được viết các bài văn cảm nhận về các bài thơ.
Vì vậy, Download.vn sẽ cung cấp tài liệu Tổng hợp các đoạn văn cảm nhận về bài thơ, hướng dẫn cách viết bài văn cảm nhận và tổng hợp lại các mẫu cảm nhận về bài thơ của các lớp 6, 7 và 8. Mời tham khảo ngay nội dung chi tiết ngay sau đây.
Tổng hợp các đoạn văn cảm nhận về bài thơ
Tổng hợp các đoạn văn cảm nhận về bài thơ lớp 6
Bài thơ có yếu tố tự sự và miêu tả
Dàn ý
1. Mở đoạn
- Giới thiệu tác giả và bài thơ
- Nêu khái quát ấn tượng, cảm xúc về bài thơ
2. Thân đoạn
- Nêu ấn tượng, cảm xúc của em về câu chuyện được kể hoặc các chi tiết miêu tả có trong bài thơ
- Làm rõ nghệ thuật kể chuyện và miêu tả của tác giả
- Đánh giá tác dụng của việc kể lại câu chuyện kết hợp với các chi tiết miêu tả trong bài thơ.
3. Kết đoạn
Nêu khái quát điều em tâm đắc về bài thơ (trong đó có nói tới đặc điểm nghệ thuật riêng của bài thơ đã được phân tích ở thân đoạn).
Đoạn văn mẫu số 1
“Mây và sóng” là một trong những tác phẩm tiêu biểu của nhà thơ Ta-go. Bài thơ đã gợi ra cho người đọc cảm nhận sâu sắc về tình mẫu tử thiêng liêng. Em bé trong bài thơ được mời gọi đến thế giới kỳ diệu ở “trên mây” và “trong sóng”. Với sự hiếu kỳ của một đứa trẻ, em đã cất tiếng hỏi: “Nhưng làm thế nào mình lên đó được?”, “Nhưng làm thế nào mình ra ngoài đó được?”. Nhưng khi em bé nhớ đến mẹ vẫn luôn chờ đợi mình ở nhà, em đã từng chối đầy kiên quyết: “ Làm sao có thể rời mẹ mà đến được?”, “Làm sao có thể rời mẹ mà đi được?”. Chẳng có niềm hạnh phúc nào bằng được ở bên cạnh mẹ mặc dù thế giới ngoài kia nhiều hấp dẫn. Để rồi, em bé đã sáng tạo ra những trò chơi còn thú vị hơn của những người “trên mây” và “trong sóng”. Trong trò chơi đó, em sẽ là mây, là sóng tinh nghịch nô đùa; còn mẹ sẽ là vầng trăng, là bờ biển dịu hiền, ôm ấp và che chở con. Những câu thơ giàu tính tự sự và miêu tả nhưng lại góp phần bộc lộ cảm xúc của nhân vật trong bài thơ. Ta-go đã sử dụng trong bài thơ những lời thoại, chi tiết được kể tuần tự, vừa lặp lại vừa biến hóa kết hợp với hình ảnh giàu tính biểu tượng. Bài thơ chính là một câu chuyện cảm động về tình mẫu tử thiêng liêng, bất diệt.
Bài thơ lục bát
Dàn ý
1. Mở đoạn
Giới thiệu tên bài thơ, tác giả (nếu có), cảm nghĩ chung về bài thơ.
2. Thân đoạn
- Chỉ ra nội dung hoặc nghệ thuật cụ thể của bài thơ khiến em yêu thích và có nhiều cảm xúc, suy nghĩ. Ví dụ: về nội dung, bài thơ viết về đề tài gia đình thân thuộc, về tình cảm yêu thương gắn bó giữa mọi người…; về hình thức, bài thơ sử dụng thể lục bát quen thuộc, gần gũi, có cách ngắt nhịp và gieo vần phù hợp với việc thể hiện nội dung tình cảm gia đình…
- Nêu lên các lý do khiến em yêu thích. Ví dụ: về nội dung, bài thơ cho em những kỉ niệm, tình cảm, cảm xúc thân thương về ông, bà, cha, mẹ... ; về nghệ thuật, tác giả đã sử dụng các từ ngữ, hình ảnh rất sinh động, gợi cảm; các biện pháp tu từ và cách gieo vần, ngắt nhịp độc đáo của thơ lục bát…
3. Kết đoạn
Khái quát lại cảm nghĩ của bản thân về ý nghĩa của bài thơ.
Đoạn văn mẫu số 1
Ca dao Việt Nam có rất nhiều bài nói về công ơn của cha mẹ, nhưng tôi cảm thấy yêu thích nhất là bài:
“Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra
Một lòng thờ mẹ kính cha
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con”
Qua bài ca dao, tác giả dân gian đã khẳng định công ơn to lớn của đấng sinh thành, và qua đó khuyên nhủ con cái phải biết hiếu thảo với cha mẹ. Không chỉ nội dung ý nghĩa, mà nghệ thuật được sử dụng cũng khiến tôi cảm thấy ấn tượng. “Công cha” được so sánh với “núi Thái Sơn” - một ngọn núi có thật ở Trung Quốc. Đây là ngọn núi cao, có địa hình hiểm trở và từng trở thành cảm hứng sáng tác của nhiều nhà văn nhà thơ. Khi so sánh công ơn dưỡng dục của người cha với núi Thái Sơn, mỗi người mới hiểu hết được sự lớn lao của cha. Trên hành trình của sự trưởng thành, cha chính là người dạy dỗ con những điều hay lẽ phải, hướng con trở thành một người có đạo đức. Tiếp đến là “nghĩa mẹ” được so sánh với hình ảnh “nước trong nguồn chảy ra” - dòng nước mát mẻ và tinh khiết. Hình ảnh so sánh gợi nhắc về những hy sinh của mẹ. Người mẹ mang nặng đẻ đau suốt chín tháng mười ngày, sinh con ra và chăm sóc con từng miếng ăn giấc ngủ. Con lớn lên nhờ dòng sữa trong trẻo và ngọt ngào của mẹ. Ngay cả khi trưởng thành, dù có bất cứ khó khăn gì, đứa con vẫn đều tìm về bên mẹ để được vỗ về, yêu thương. Như vậy, bài ca dao đã đem đến cho tôi bài học suy ngẫm sâu sắc.
Tổng hợp các đoạn văn cảm nhận về bài thơ lớp 7
Bài thơ bốn chữ hoặc năm chữ
Dàn ý
1. Mở bài
Dẫn dắt, giới thiệu về tác giả, tác phẩm và cảm xúc chung về bài thơ.
Gợi ý: Đến với bài thơ “Con chim chiền chiện” của Huy Cận, người đọc đã cảm nhận tình yêu thiên nhiên.
2. Thân bài
- Cảm xúc về nội dung của bài thơ:
- Ý nghĩa nhan đề trong việc thể hiện nội dung của bài thơ (nếu có)
- Chủ đề của bài thơ
- Phân tích một số từ ngữ, hình ảnh trong bài thơ mà người viết cảm thấy ấn tượng.
- Ấn tượng về tình cảm, cảm xúc mà nhân vật trữ tình bộc lộ trong bài thơ.
- Nội dung tư tưởng, tình cảm mà tác giả muốn gửi gắm.
- Cảm xúc về nghệ thuật của bài thơ
- Thể thơ bốn chữ hoặc năm chữ ngắn gọn, hàm súc.
- Các biện pháp tu từ được sử dụng và hiệu quả nghệ thuật.
- Cách gieo vần, giọng điệu và nhịp thơ có gì đặc sắc?
- Các yếu tố miêu tả, tự sự được sử dụng như thế nào?
3. Kết bài
Khẳng định lại cảm xúc với bài thơ cũng như nêu được giá trị của bài thơ.
Gợi ý: Có thể khẳng định rằng, bài thơ Con chim chiền chiện đã giúp em cảm nhận được vẻ đẹp của thiên nhiên, cũng như thêm yêu và gắn bó với thiên nhiên, vạn vật nhiều hơn.
Đoạn văn mẫu số 1
Bài thơ Sang thu của Hữu Thỉnh giúp người đọc thấy được sự biến chuyển đầy tinh tế của cảnh vật trong không gian cuối hạ đầu thu. Mùa thu được nhà thơ cảm nhận qua từng giác quan như khứu giác (hương ổi), xúc giác (gió se), thị giác (sương chùng chình). Từ đó, những tín hiệu đặc trưng nhất của mùa thu cũng lần lượt xuất hiện. Dưới mặt đất, dòng chảy của con sông trở nên chậm hơn, không cuồn cuộn như lúc hè về. Trên bầu trời, từng đàn chim sải cánh bay bắt đầu trở nên vội vã, âu lo tìm về phương nam tránh cái lạnh. Đám mây của mùa hạ nay đã “vắt nửa mình sang thu”, nửa nghiêng về mùa hạ, nửa lại nghiêng về mùa thu. Dường như, những sự vật thiên nhiên trong bài thơ đã được tác giả thổi vào đó những hành động của con người. Ở hai khổ thơ đầu, tác giả bộc lộ cảm xúc trước vẻ đẹp thiên nhiên. Thì đến khổ thơ cuối, dòng cảm xúc ấy chuyển sang suy tư, triết lý. Những hiện tượng thiên nhiên như “nắng”, “mưa”, “sấm” là biểu tượng cho những biến cố xảy đến với con người trong cuộc sống. Còn “hàng cây đứng tuổi” chính là hình ảnh của những con người đã từng trải, đã bước qua thời tuổi trẻ. Triết lí mà nhà thơ muốn gửi gắm là những con người từng trải khi gặp phải sóng gió sẽ biết cách đối diện, đương đầu một cách bình thản, trưởng thành hơn. Như vậy, bài thơ đã gợi lên những cảm nhận tinh tế về sự chuyển biến của đất trời từ cuối hạ sang đầu thu. Và từ những tín hiệu của mùa thu đến khung cảnh thiên nhiên lúc vào thu, tác giả đã có những suy tư sâu sắc về cuộc đời.
Tổng hợp các đoạn văn cảm nhận về bài thơ lớp 8
Bài thơ tự do
Dàn ý
1. Mở bài
Giới thiệu nhan đề, tác giả và nêu cảm nghĩ chung về bài thơ.
2. Thân bài
- Chỉ ra nội dung hoặc nghệ thuật cụ thể của bài thơ khiến em yêu thích và có nhiều cảm xúc, suy nghĩ.
- Nêu ra các lý do khiến em yêu thích (nội dung, nghệ thuật của bài thơ…)
3. Kết bài
Khẳng định lại cảm nghĩ về bài thơ và ý nghĩa của bài thơ.
Đoạn văn mẫu số 1
Một trong những bài thơ mà tôi cảm thấy yêu thích nhất là “Những cánh buồm” của Hoàng Trung Thông. Bài thơ được sáng tác theo thể thơ tự do với những hình ảnh giản dị mà vô cùng đẹp đẽ. Trong những câu thơ mở đầu, tác giả đã khắc họa một không gian khoáng đãng của biển cả, với ánh mắt trời rực rỡ. Hình ảnh người cha và đứa con bước đi trên cát cho thấy sự gắn bó, gần gũi. Cha bỗng trở nên già dặn hơn, tuổi đời như trải dài trong chiếc bóng dài lênh khênh. Còn con thì lại trở nên thật bé bỏng, đáng yêu trong chiếc bóng tròn chắc nịch. Hai hình ảnh đối lập giữa “bóng cha” và “bóng con” thật ngộ nghĩnh, dễ thương nhưng cũng góp phần khắc họa được sự khác biệt của hai thế hệ cha - con. Khi người con nhìn về phía chân trời và hỏi cha rằng ở đó có những gì. Câu trả lời của người cha đã khơi gợi trí tò mò của đứa trẻ về một thế giới mà ngay cả người lớn như cha của mình vẫn chưa hề đi đến. Điều đó làm nhân vật con khao khát được khám phá, vì vậy mà con đã mong muốn cha mượn một cánh buồm “trắng” để con đi. Người con muốn đi khắp nơi, muốn chinh phục thế giới rộng lớn ngoài kia. Nghe thấy lời đề nghị của con, người cha đã bắt gặp chính mình trong ước muốn đó. Vậy là, giờ đây, ước mơ chưa thể thực hiện của cha sẽ được gửi gắm nơi con. Có lẽ mỗi bạn đọc đều sẽ bắt gặp được hình ảnh của bản thân trong nhân vật người con. Bài thơ Những cánh buồm thể hiện niềm tự hào của người cha khi thấy con mình cũng ấp ủ những ước mơ cao đẹp. Qua đó, tác giả còn ca ngợi ước mơ được khám phá cuộc sống của trẻ thơ - đó là những ước mơ làm cho cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn. Như vậy, “Những cánh buồm” được đánh giá là một trong những tác phẩm hay về ngôn từ, âm hưởng và có sức gợi cảm.
Bài thơ sáu chữ, bảy chữ
Dàn ý
1. Mở bài
Nêu cảm nghĩ chung về yếu tố nội dung hay nghệ thuật ở dòng, khổ, đoạn hoặc bài thơ.
2. Thân bài
Nêu cụ thể, cảm nhận suy nghĩ về yếu tố nội dung hay nghệ thuật đã xác định ở mở đoạn.
Đánh giá về giá trị của bài thơ, tư tưởng tác giả muốn gửi gắm.
3. Kết bài
Khái quát lại cảm xúc, suy nghĩ của bản thân về yếu tố nội dung hoặc nghệ thuật đã trình bày.
Đoạn văn mẫu số 1
Bài thơ “Qua đèo Ngang” của Bà Huyện Thanh Quan đã gợi cho tôi nhiều cảm xúc:
“Bước tới Đèo Ngang, bóng xế tà,
Cỏ cây chen đá, lá chen hoa.
Lom khom dưới núi tiều vài chú
Lác đác bên sông chợ mấy nhà”
Cụm từ “bóng xế tà” cho thấy đây là thời điểm kết thúc của một ngày, khi con người trở về nhà sau nghỉ ngơi một ngày lao động vất vả. Vậy mà nhà thơ lại một mình tại nơi đèo Ngang càng khiến cho nỗi cô đơn trở nên tột cùng. Còn khung cảnh đèo Ngang hiện lên qua câu thơ “Cỏ cây chen đá, lá chen hoa” là hình ảnh ước lệ, mang tính biểu tượng. Việc sử dụng điệp từ “chen” kết hợp với hình ảnh “đá, lá, hoa” thật tinh tế. Tác giả đã gợi ra một thiên nhiên tuy hoang sơ nhưng lại tràn đầy sức sống. Khung cảnh thiên nhiên Đèo Ngang được nhà thơ khắc họa chỉ bằng vài nét nhưng lại hiện ra đầy chân thực và sinh động. Trong cái nền thiên nhiên rộng lớn đẹp đẽ đó, con người cũng xuất hiện. Ở hai câu thơ tiếp, tác giả đã sử dụng cụm từ “lom khom - tiều vài chú” gợi ra hình ảnh dáng đứng lom khom dưới chân núi. Còn cụm từ “lác đác - chợ mấy nhà” gợi ra hình ảnh vài căn nhà nhỏ bé thưa thớt, lác đác bên sông. Nhà thơ đã thật khéo léo sử dụng biện pháp đảo ngữ để nhấn mạnh vào sự nhỏ bé của con người. Giữa vũ trụ bao la, con người chỉ nằm là một chấm buồn lặng lẽ, nhỏ bé mà thôi. Từ đó, nhà thơ bộc lộ nỗi lòng của một con người yêu quê hương, đất nước:
“Nhớ nước, đau lòng, con quốc quốc,
Thương nhà mỏi miệng, cái gia gia.
“Dừng chân đứng lại trời, non, nước
Một mảnh tình riêng, ta với ta."
Ở đây “con quốc quốc” và “cái gia gia” không chỉ là hình ảnh thực về hai loại chim (chim đỗ quyên, chim đa đa). Việc sử dụng thủ pháp lấy động tả tĩnh: tiếng kêu “quốc quốc”, “đa đa” để qua đó bộc lộ nỗi lòng nhớ thương của mình với đất nước, quê hương. Người đọc dường như có thể cảm nhận được tiếng kêu đến xé lòng. Câu thơ “Dừng chân đứng lại, trời, non, nước” khắc họa hình ảnh nhà thơ một mình đứng tại nơi Đèo Ngang, đưa mắt nhìn ra xa cũng chỉ thấy thiên nhiên rộng lớn phía trước (có bầu trời, có núi non, dòng sông). Sự cô đơn của nhà thơ: “một mảnh tình riêng” - tình cảm riêng tư của nhà thơ không có ai để chia sẻ. Bà Huyện Thanh Quan lại sử dụng cụm từ “ta với ta” ở đây đều chỉ nhà thơ, lúc này bà chỉ có một mình đối diện với chính mình. Từ đó, nhà thơ muốn nhận mạnh nỗi nhớ về quê hương, cũng như tình yêu đất nước sâu nặng. Có thể khẳng định, “Qua Đèo Ngang” rất tiêu biểu cho phong cách thơ Bà Huyện Thanh Quan.
.........Tham khảo chi tiết tại file tải dưới đây.........