Thuyết minh quê hương em gồm 9 bài văn mẫu siêu hay. Thuyết minh về quê hương em các bạn học sinh có thể lựa chọn cho mình một cách tiếp cận, một giọng điệu văn thích hợp, để sau đó nó trở thành kiến thức tâm đắc của chính mình.
TOP 9 bài thuyết minh về miền quê hay vùng quê được viết rất hay với văn phong rõ ràng, dễ hiểu có thể tự học để mở rộng, nâng cao kiến thức, sẽ giúp các em học môn Ngữ văn tốt hơn và có sự chuẩn bị tốt hơn khi học. Vậy sau đây là trọn bộ bài văn mẫu mời các bạn cùng theo dõi nhé. Ngoài ra các bạn xem thêm: thuyết minh về tác hại của ma túy, thuyết minh về ngôi trường.
Thuyết minh về quê hương em hay nhất
- Thuyết minh về làng Sen quê Bác
- Thuyết minh về quê hương em
- Thuyết minh về quê hương
- Thuyết minh về một miền quê
Thuyết minh về làng Sen quê Bác
Ai về Nghệ An, nhớ ghé thăm làng Sen quê Bác. Nơi ấy có mái nhà tranh đơn sơ, dưới những lũy tre xanh bóng mát, có tiếng khung cửi mẹ dệt trong trưa hè oi ả, có hương hoa sen tỏa ngát cả một vùng trời. Đó chính là những hình ảnh gắn bó một thời của chủ tịch Hồ Chí Minh – địa điểm du lịch Nghệ An.
Nằm trên trục đường 46, cách thành phố Vinh 13km, Nam Đàn là vùng đất địa linh nhân kiệt đã sản sinh ra nhiều bậc danh nhân, hào kiệt. Hiện nay Nam Đàn còn lưu giữ nhiều di tích lịch sử văn hóa có ý nghĩa to lớn đặc biệt là Khu tích Kim Liên gắn liền với thời niên thiếu của Chủ tịch Hồ Chí Minh với các cụm di tích quan trọng là làng Hoàng Trù quê ngoại và làng Sen quê nội Bác, mộ bà Hoàng Thị Loan và núi Chung, Nhà thờ họ Nguyễn Sinh, nhà cụ Nguyễn Sinh Nhậm, nhà thờ cụ cử Vương Thúc Quý….
Cụm di tích Hoàng Trù nằm gọn trong khuôn viên rộng khoảng 3500 m2, bao gồm: Ngôi nhà thờ chi nhánh họ Hoàng Xuân, ngôi nhà cụ Hoàng Đường (ông ngoại Bác), ngôi nhà của cụ Nguyễn Sinh Sắc và bà Hoàng Thị Loan. Đây là một ngôi nhà nhỏ ba gian, lợp tranh, trên đất vườn của ông bà ngoại. Cũng là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh cất tiếng khóc chào đời và sống ở đây cho tới năm lên 5 tuổi. Gian ngoài cạnh cửa sổ có chiếc án thư với nghiên mực, hộp đựng bút lông, hai chiếc ghế vuông, chếch về phía trong là hai giá sách đựng sách thánh hiền. Tại gian nhà này cụ Hoàng Đường thường qua đây đàm đạo với ông Sắc về văn chương, chữ nghĩa. Gian giữa, sát phên có chiếc giường nhỏ bằng gỗ xoan, liếp nứa, trải chiếu mộc, chiếc màn bằng vải nhuộm nâu là nơi nghỉ của ông Sắc và bà Loan. Sát bên chiếc giường là chiếc rương gỗ nhỏ dùng đựng lương thực và các vật quý của gia đình. Chiếc khung cửi đặt ở gian thứ ba là công cụ lao động của bà Loan dùng để dệt vải, dệt lụa nuôi sống cả nhà. Bà Hoàng Thị Loan vừa dệt vải vừa hát ru con để chồng yên tâm việc bút nghiên. Tại đây còn có chiếc võng gai đơn sơ, nơi xưa kia tuổi ấu thơ Bác Hồ đã thường nằm nghe tiếng à ơi của mẹ và những câu chuyện cổ tích của bà ngoại. Tuổi thơ của Người đã được mẹ và bà ngoại chăm sóc, vun đắp bằng những làn điệu dân ca bay bổng chứa đựng những ước mơ cao đẹp, hy vọng sâu xa.
Làng Sen – quê nội của Chủ tịch Hồ Chí Minh, một làng quê thơm ngát hương sen, đó chính là nơi người đã sống trong thời niên thiếu (1901-1906). Làng Sen – ngôi làng mà những hình ảnh thân thương gần gũi đã đã in sâu vào tâm thức người Việt. Nơi ấy có những mái nhà tranh dưới những lũy tre xanh, có nhịp võng trưa hè cùng tiếng ru ầu ơ của mẹ, có câu dân ca mênh mang cùng đồng ruộng núi sông… Ngôi làng mang tên làng Sen vì luôn ngát hương sen; là quê hương của Bác Hồ kính yêu, người con ưu tú của dân tộc!
Tới cụm di tích Làng Sen, du khách sẽ được vào thăm ngôi nhà lá 5 gian mộc mạc do bà con làng Sen quyết định xuất quỹ công dựng lên để mừng ông Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc năm xưa. Trong ngôi nhà đơn sơ này, cụ Sắc đã dành hai gian rộng rãi để đặt bàn thờ bà Hoàng Thị Loan và để tiếp khách. Bàn thờ được làm bằng liếp tre nứa trên trải chiếu nhỏ để bát hương, cây nến và bài vị bằng gỗ giản dị. Gian thứ tư là nơi nghỉ của cụ Sắc, ở đây có bộ phản gỗ kê bên cửa sổ chính, bên cạnh có chiếc án thư nơi cụ dạy các con học chữ và đây cũng là nơi vào các buổi tối cụ thường mời bà con ngồi quây quần uống nước chè xanh. Nhân cách cao thượng của người cha và lòng nhân ái vị tha của người mẹ đã ảnh hưởng rất lớn tới nhân cách các con của cụ Sắc. Hiện nay các kỷ vật trong gian nhà của cụ Sắc còn được giữ lại hầu như nguyên vẹn. Hai bộ phản gỗ là nơi nghỉ của cụ phó bảng và hai con trai. Chiếc giường xinh xinh là của bà Thanh, con gái cụ. Chiếc rương đựng lương thực, chiếc tủ đứng hai ngăn đựng đồ dùng, chiếc mâm bằng gỗ sơn đen vẫn còn nguyên đó. Tham quan khu di tích, du khách có thể cảm nhận một cách đầy đủ hơn về một làng quê Việt Nam, một làng quê xứ Nghệ, được vào thăm những ngôi nhà hàng xóm thân thiết với gia đình Bác thời kỳ đó như: lò rèn Cố Điền; nhà cụ cử Vương Thúc Quý; nhà của cụ đồ nho; nhà của một lương y bốc thuốc Nam với dao cầu, thuyền tán và vườn cây thuốc quanh nhà, hay nhà một hộ nông dân với cuốc cày, chõng tre, nồi đất, cối xay lúa, giã gạo… nhà thờ họ Nguyễn Sinh; nhà cụ Nguyễn Sinh Nhậm – ông nội của Bác; các di tích cây đa, giếng Cốc, sân vận động Làng Sen; Khu trưng bày các hiện vật, tài liệu và Nhà tưởng niệm Bác Hồ. Những cảnh quan và hiện vật quá đỗi thân thuộc, dung dị của lũy tre làng, đường đất nhỏ, se sợi, khung cửi, bờ dâu… cùng các hiện vật trong khu di tích, gắn liền với hình ảnh Bác Hồ, như vẫn còn đọng lại trong đó hơi ấm của Người.
Làng Sen quê nội và Hoàng Trù quê ngoại của Bác Hồ hôm nay đang đổi mới từng ngày. Đường nhựa đã vào tận trung tâm xã và con đường đất dẫn vào các ngõ xóm, làng quê ngày nào giờ được thay bằng đường bê-tông kiên cố. Đời sống kinh tế phát triển hơn nhưng Kim Liên, Nam Đàn vẫn giữ được cho mình những giá trị văn hóa truyền thống, đậm đà bản sắc và từng bước tạo dựng trở thành một sản phẩm du lịch văn hóa phục vụ du khách. Dẫu đã qua cả thế kỷ, vạn vật đổi thay nhưng những hình ảnh xưa cũ của làng Sen gắn liền với tuổi thơ Bác vẫn được lưu giữ đến bây giờ như một miền ký ức đẹp và là tấm gương sáng cho mọi những thế hệ. Đến với Làng Sen, du khách vừa được chiêm ngưỡng cảnh làng quê điển hình của Việt Nam đồng thời chứng kiến những kỷ vật thiêng liêng gắn bó một thời của Hồ Chủ Tịch, người cha già của dân tộc Việt Nam, một danh nhân của thế giới.
Thuyết minh về quê hương em
Với những ai đã từng đến thăm mảnh đất Hải Dương, không thể không biết đến di tích lịch sử Côn Sơn Kiếp Bạc, đây được coi là một trong số các di tích đặc biệt cấp quốc gia gắn liền với những sự kiện lịch sử đầy oai hùng của dân tộc Việt Nam ta.
Quần thể di tích Côn Sơn Kiếp Bạc tọa lạc tại xã Cộng Hòa, Chí Linh, tỉnh Hải Dương, gắn liền với các chiến công đánh thắng quân Nguyên Mông của dân tộc vào thế kỉ XIII, cuộc kháng chiến đánh đuổi giặc Minh xâm lược ở thế kỉ XV đồng thời gắn với các vị anh hùng dân tộc, danh nhân lớn như Nguyễn Trãi, Trần Hưng Đạo.
Đến với quần thể Côn Sơn Kiếp Bạc, ta không chỉ được thưởng thức cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp nơi đây mà còn được tìm hiểu những kiến thức văn hóa lịch sử vô cùng hữu ích về chùa Côn Sơn, đền Kiếp Bạc và các đền thờ (đền thờ Nguyễn Trãi, đền thờ Trần Nguyên Hãn).
Trước tiên, cùng ghé thăm chùa Côn Sơn hay còn gọi là Thiên Tư Phúc Tự (chùa được trời ban phước lành), hoặc chùa Hun – gắn với sự kiện quân dân ta hun gỗ làm than, hỏa công hun giặc khi Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn 12 sứ quân (thế kỉ X). Ngôi chùa được xây dựng từ thời Đinh năm 1329 và được mở rộng hơn về quy mô dưới thời nhà Trần.
Chùa nằm ẩn mình dưới những vòm cổ thụ xanh rì bên chân núi Côn Sơn với lối kiến trúc độc đáo hình chữ công. Cấu trúc chùa bao gồm Thượng điện, Tiền đường, Thiêu lương, nhà Tổ. Nơi đây không chỉ thờ Phật mà còn thờ các vị Tổ có công tu tạo chùa như vua Trần Nhân Tông, thiền sư Huyền Quang, thiền sư Pháp Loa và là nơi gìn giữ rất nhiều cổ vật giá trị.
Tiếp đến là đền Kiếp Bạc, nằm giữa hai thôn nên tên đền là sự ghép tên của làng Kiếp (Vạn Yên) và làng Bạc (Dược Sơn) , thuộc xã Hưng Đạo, thành phố Chí Linh. Vị trí của đền một bên nằm gần Lục Đầu Giang, chính là nơi tụ hội của 6 con sông: Sông Cầu, Thương, Lục Nam, Đuống, Kinh Thầy và sông Thái Bình; một bên được bao bọc bởi Đền cách thủ đô Hà Nội khoảng 80 cây số và khoảng 5 cây so với chùa Côn Sơn.
Lịch sử ra đời của đền Kiếp Bạc gắn với sự kiện Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn chọn nơi đây làm nơi huấn luyện quân binh, cất giấu vũ khí, lương thực chuẩn bị cho cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông. Sau khi giành thắng lợi giòn giã, đến thế kỉ XIV, để tưởng nhớ công ơn của vị tướng kiệt xuất này, nhân dân đã xây dựng đền thờ Kiếp Bạc. Tại nơi đây, bước qua cánh cổng lớn, du khách sẽ nhìn thấy Giếng Ngọc mắt rồng, men theo con đường lát đá sạch sẽ là nơi để kiệu và một án thờ.
Đền Kiếp Bạc gồm tòa điện bên ngoài thờ Phạm Ngũ Lão, tòa tiếp thờ Trần Hưng Đạo và trong cùng là thờ công chúa Thiên Thành (vợ ông) cùng Nhị vị Vương cô (hai con gái). Ngoài những bức tượng đồng, trong điện còn trưng bày bài vị thờ các con trai Hưng Đạo Vương và hai tướng Yết Kiêu, Dã Tượng. Đền mở hội vào đúng ngày mất của Trần Hưng Đạo (20/8 Âm lịch hằng năm) với phần lễ và phần hội trang nghiêm nhằm tưởng nhớ công lao to lớn của ông.
Ngoài chùa Côn Sơn và đền Kiếp Bạc, du khách đến với quần thể di tích Côn Sơn và Kiếp Bạc còn được tham quan đền thờ Nguyễn Trãi – danh nhân văn hóa thế giới, được xây dựng trên khu đất rộng gần 10 nghìn mét vuông, tọa lạc tại chân núi Ngũ Nhạc và đền thờ Trần Nguyên Hãn – đại công thần nhà Lê, cũng là em con cậu ruột của Nguyễn Trãi với kiến trúc độc đáo, hòa hợp với thiên nhiên, đất trời.
Nếu có dịp, bạn hãy một lần tới thăm Côn Sơn, Kiếp Bạc để tận hưởng vẻ đẹp của cảnh sắc nơi đây, để cùng hòa mình vào thiên nhiên như năm xưa Nguyễn Trãi đã từng miêu tả trong những vần thơ trữ tình đặc sắc:
“Côn Sơn suối chảy rì rầm
Ta nghe như tiếng đàn cầm bên tai
Côn Sơn có đá rêu phơi
Ta ngồi trên đá như ngồi đệm êm
Trong rừng có bóng trúc râm
Dưới màu xanh mát, ta ngâm thơ nhàn…”
Thuyết minh về quê hương
Bài làm mẫu 1
Quê hương..!
Trong trái tim mỗi người Việt Nam, tình yêu quê hương có lẽ là thứ tình cảm thiêng liêng nhất. Mỗi người sinh ra, ai mà không có cội nguồn gốc gác, ai mà không có quê hương. Quê hương là nơi ta sinh ra và lớn lên, nơi chôn rau cắt rốn của ta. Quê hương cho ta những kỷ niệm ngọt ngào, cho ta tuổi thơ tươi đẹp. Quê hương dạy ta những bài học làm người đầy ý nghĩa, để cho ta lớn khôn và trưởng thành. Với tôi, quê hương có một vị trí vô cùng đặc biệt, chiếm một vị trí quan trọng trong trái tim tôi.
Vùng quê tôi nghèo lắm. Con người sống chủ yếu bằng nghề nông, ngày ngày làm việc trên cánh đồng, quanh năm bán mặt cho đất bán lưng cho trời. Cuộc sống cơ cực, vất vả, đầy khó khăn, thiếu thốn, có những lúc còn không đủ ăn, đủ no. Mặc dù sống trong cảnh bần hàn, khó khăn là thế, nhưng con người nơi đây sống có tình có nghĩa. Xóm làng yêu thương đùm bọc lẫn nhau. Họ sống với một tình cảm chân thành, chất phác, trong sáng, một thứ tình cảm chỉ có ở những người nông dân nghèo. Quê hương Hưng Yên chính là nơi tôi cất tiếng khóc chào đời, đó cũng là nơi đã cho tôi tuổi thơ tươi đẹp, ngọt ngào. Có thể nói, tôi sinh ra trong sự yêu thương của gia đình và lớn lên trong sự đùm bọc, ấm áp tình làng nghĩa xóm.
Xa quê hương từ bé. Cho nên, nhiều kỷ niệm thời thơ ấu, tôi đã khóa chặt trong ký ức. Những lần từ HN trở lại quê hương thường gắn liền với những mất mát vô cùng to lớn đối với tôi và gia đình. Vì vậy, có nhiều ký ức vẫn nằm sâu trong ngăn kéo trái tim. Giờ đây mới có dịp trở về thăm quê hương, ký ức bỗng nhiên tràn về. Những cảm xúc khó diễn tả tràn ngập trong cõi lòng. Tôi sanh ra vào một ngày hè oi bức trên quê hương. Ngày ấy, gia đình tôi cũng nghèo lắm. Tuổi thơ tôi 4 năm sống trên quê hương. Quãng thời gian ấy đủ cho tôi có những ký ức, kỷ niệm ngọt ngào. Khi mới sanh ra đời, tôi bụ bẫm, đáng yêu lắm (Chứ không đáng ghét như bây giờ đâu). Xóm làng, ai cũng yêu quý và thích bế tôi. Dòng sữa ngọt ngào, mát lành đã nuôi tôi lớn suốt thời thơ ấu không chỉ của mẹ tôi. Tôi ở quê với mẹ và anh trai. Cha tôi một mình trên HN cực nhọc kiếm từng đồng tiền gửi về quê, không có điều kiện về thăm mẹ con thường xuyên. Một mình mẹ tôi với hai anh em nơi quê nghèo xoay sở hết sức khó khăn. Chính những lúc khó khăn ấy, sự cưu mang, đùm bọc của làng xóm đã cho mẹ con tôi động lực để vượt qua tất cả, cho tôi những kỷ niệm ngọt ngào. Tôi nhớ thời bé thơ được mọi người bồng bé, âu yếm, hát cho tôi nghe những lời hát ru đưa tôi vào giấc ngủ, nhớ những dòng sữa mát lành nuôi tôi lớn khôn. Tôi nhớ cả những lần ngồi trên thúng được mẹ gồng gồng gánh gánh theo ra đồng; nhớ mùi thơm béo ngậy của những con muồm muỗm, mẹ bắt ngoài đồng, dùng đóm nướng cho ăn. (Đóm là những cây que rất mỏng, vót từ cây tre, rồi phơi khô, dùng để hút điếu cầy và thắp đèn ngày xưa). Tôi nhớ cả những lần lễ tết, xóm làng mổ lợn đêm, mình thức trắng đêm xem mổ lợn chỉ để xin cái đuôi. Tôi nhớ mùi thơm của hương lúa, rơm rạ, mùi hương dịu nhẹ của hoa nhài, hoa bưởi; nhớ những cánh đồng mênh mông, bát ngát; nhớ ao nước bầy vịt; nhớ cây gạo đầu đình; nhớ bụi tre xanh; nhớ mỗi tối hàng xóm quây quần ngồi hát, mình ngủ trong lòng mẹ lúc nào không hay; nhớ cây kẹo kéo, kẹo mút, nhớ hạt bỏng ngô; nhớ hòn bi ve; nhớ cả những hàng vải um tùm, chi chít quả; nhớ trẻ dắt trâu ăn cỏ ngoài đồng, dắt bò về nhà mỗi tối, nhớ bãi phân trâu; nhớ những mái nhà lợp ngói, câu cau hoa rụng sân nhà, con chó con mèo nằm sưởi nắng; nhớ tiếng ếch nhái kêu ồm ộp… Giờ đây đứng trên đất quê hương, nhìn trên bầu trời đêm sao sáng, tôi lại nhớ những đêm cùng nhau đùa rỡn dưới trăng, rồi khi mệt nhoài, nằm lăn ra sân ngắm sao trời lung linh. Tôi nhớ cảnh thanh bình nơi quê hương. Tôi nhớ ông nội tôi. Tôi là đứa cháu được ông cưng chiều nhất. Ông nội là người thường cõng tôi đi chợ và mua cho tôi rất nhiều quà bánh. Ông nội thường xuyên dắt tôi đi chơi, thăm làng thăm xóm. Tên của tôi do chính ông đặt. Và ông nội cũng chính là người dạy tôi học ăn, học nói, dạy cho tôi những bài học đạo đức đầu tiên. Nhiều ký ức đẹp tôi có được từ ông. Tuổi thơ tôi ấm áp tình cảm ông nội dành cho tôi. Mặc dù ông nội đã mất từ khi tôi còn rất nhỏ, nhưng tình cảm ông nội dành cho tôi suốt đời không quên. Có thể nói, tình làng nghĩa xóm, cảnh vật thanh bình nơi quê hương đã in dấu trong tôi những ký ức thật đẹp đẽ, ngọt ngào, khiến cho tình yêu quê hương đối với tôi trở lên thiêng liêng.
Người dân quê tôi tôn thờ đạo Phật lắm. Ai cũng có Phật ở trong tâm. Vì thế, dù rất nghèo nhưng mọi người luôn tâm niệm: “ Đói cho sạch, rách cho thơm”. Họ sống trong sáng, giản dị. Làng xóm yêu thương, đùm bọc lẫn nhau: “ Lá lành đùm lá rách”, hay “ Lá rách ít đùm lá rách nhiều”. Cho nên, dù cho cuộc sống thiếu thốn, nhưng con người nơi đây vẫn luôn vui vẻ, lạc quan. Và nét đẹp tôi thấy được từ người dân quê, cũng như ở mẹ tôi, đó là sự chân thật. Mọi tình cảm mà người dân nơi đây dành cho nhau đều rất chân thành, trong sáng. Tôi nhìn những cụ già và trẻ nhỏ nơi quê nhà, ở họ toát lên một nét gì đó thật an bình. Nhưng người dân quê tôi tôn thờ đạo Phật không chỉ vì đạo Phật dạy cho con người ta cách sống lạc quan trước những khó khăn. Mà điều quan trọng, đạo Phật dạy con người sống phải có hiếu. Có lẽ vì thế, một nét đẹp mà tôi thấy được ở người dân quê, đó là: “ Họ sống có thứ tự trên dưới, kính trên nhường dưới. Mỗi khi có của ngon vật lạ, trước tiên phải mời tổ tiên ông bà trước, sau đó mới nhường con cháu. Mọi người sống trong cùng một gia đình, dòng họ sống đoàn kết, gắn bó, không bao giờ cãi vã hay to tiếng”. Người dân nơi đây sống luôn nhớ về cội nguồn, gốc gác. Vì thế, quê hương tôi có rất nhiều đình chùa, miếu thờ đâu cũng thấy. Mỗi nhà đều có một bàn thờ tổ tiên, quanh năm thắp hương khấn bái. Mỗi dịp cuối năm, tết đến xuân về. Dù cho có bận việc đồng áng đến thế nào, mọi người ai cũng đến mộ tổ tiên, ông bà thắp hương, cho tròn đạo hiếu, tỏ lòng biết ơn tổ tiên. Tất cả đều là những nét văn hóa thật đẹp vẫn còn đọng lại trong ký ức tôi.
Nhân ngày tết ông công ông táo năm nay, tôi có dịp trở về quê nhà cùng với mẹ đi tảo mộ. Tôi trở về quê hương để nhớ về cội nguồn; trở về quê hương để tỏ lòng nhớ ơn tổ tiên, ông bà; trở về quê hương để làm sống dậy những ký ức một thời thơ ấu; trở về quê hương để thấy mình khôn lớn và trưởng thành; trở về quê hương để thấy nơi đây đã giàu mạnh và ngày càng đổi mới… Tôi vui lắm khi thấy ông bà ngoại tôi, dù đã gần 80 tuổi nhưng vẫn còn khỏe mạnh; vui vì thấy làng xóm, ai cũng nhớ thằng kết bé nhỏ này nào, ai cũng nhận ra mình, tay bắt mặt mừng; vui vì được nhìn thấy cảnh đồng quê, cánh đồng, sống nước ngày xưa; vui vì thấy quê hương đổi mới, mọi người đã có cuộc sống no đủ, nhà cửa khang trang hơn, điện nước đầy đủ, nhà ai cũng có tivi, xe máy…
Những điều làm tôi vui mừng hơn cả, đó là: Tình cảm của làng xóm dành cho tôi vẫn như xưa, không hề thay đổi. Cảnh thanh bình của làng quê mà ngày xưa tôi đã thấy, trong mắt tôi giờ đây vẫn còn đấy. Thật đáng tiếc! Vì tôi không có máy ảnh để chia sẻ cho các bạn những cảnh thanh bình đó. Nhưng nếu bạn muốn, sẽ có một ngày, tôi cùng bạn về quê hương, để thấy được cảnh thanh bình tuyệt vời nơi đây. Thật là hạnh phúc! Quê hương tôi…!
Bài làm mẫu 2
Em sinh ra và lớn lên tại thành phố Đà Nẵng, nơi được mệnh danh là thành phố đáng sống nhất Việt Nam. Và em khẳng định rằng điều đó là hoàn toàn đúng bởi sự phát triển, môi trường sống, cảnh trí thiên nhiên, và nhiều những yếu tố khác đều làm cho em yêu thích và tự hào không thôi.
Đà Nẵng là một thành phố thuộc dải đất miền trung, với điều kiện không thuận lợi, đất xen lẫn cát, việc canh tác gặp nhiều trở ngại, thời tiết cực đoan với 4 mùa không rõ rệt, trong đó khắc nghiệt nhất là mùa hè với cái nắng đổ lửa đặc trưng kéo dài tận mấy tháng trời. Nhưng bỏ qua tất cả những khó khăn, thì Đà Nẵng thực sự là một nơi rất đẹp, rất đáng sống, nơi đây được mệnh danh là thành phố của những cây cầu nổi tiếng và độc đáo. Cho đến giờ phút này em đã đi qua 12 cây cầu của Đà Nẵng, trong đó ấn tượng nhất là những cái tên như Cầu Rồng, cầu Sông Hàn, cầu Trần Thị Lý, cầu Thuận Phước và có cả cầu vượt Ngã Ba Huế, với quy mô và tầm cỡ khu vực. Đặc biệt Đà Nẵng còn nổi tiếng với những danh lam thắng cảnh nổi tiếng, thu hút khách du lịch từ khắp nơi trong nước cũng như ngoài nước đến tham quan và trải nghiệm. Đó là chùa Linh Ứng bên cạnh bán đảo Sơn Trà với kiến trúc độc đáo, nguy nga, cùng tượng phật bà Quan Thế Âm cao 67 mét, thềm tầm nhìn đẹp hướng ra biển Đông bao la và ngọn Hải Vân mờ mờ phía xa. Nổi danh không kém là khu danh thắng Ngũ Hành Sơn nổi tiếng với những ngôi chùa cổ và hệ thống hang động bậc thang kỳ thú.
Ngoài ra còn có khu dịch Bà Nà Hill với lối kiến trúc Pháp, Anh độc đáo, kết hợp với các loại hình vui chơi nghệ thuật vô cùng thu hút. Sống ở Đà Nẵng mảnh đất thân yêu này, em cảm nhận rõ ràng được không khí của một cuộc sống bình thản, không quá xô bồ, vội vã, đặc biệt là người dân cực kỳ thân thiện, dễ mến. em thích nhất là những ngày thứ bảy, chủ nhật được cha mẹ dẫn ra bờ sông Hàn ngắm cảnh, hóng gió, nhìn cầu sông Hàn lấp lánh, cầu Rồng phun lửa, và cảm nhận sự tươi mắt thư thái mà dòng sông mang lại, cảm nhận sự náo nhiệt từ những người đi bộ, em lại càng thêm yêu cuộc sống nơi đây.
Đà Nẵng là một thành phố đẹp, cũng là nơi em yêu thương và vô cùng gắn bó. Nếu có một ngày phải rời xa nơi này, em sẽ vẫn luôn nhớ về nó, dành cho mảnh đất này một vị trí đặc biệt trong trái tim và mang nó theo suốt cuộc đời.
Bài làm mẫu 3
Lũng Vân ở độ cao 1200m thuộc huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình, được mệnh danh là "nóc nhà" của xứ Mường Bi.
Từ bao đời nay, Lũng Vân được gọi là "Thung Mây". Hầu như bốn mùa mây phủ; đỉnh núi, lưng đèo, con suối, bản làng, mái nhà sàn đều quyện trong mây. Các cô gái Mường xinh đẹp trong bộ váy áo dân tộc như gắn mây xuống núi đi chợ.
Đường lên Lũng Vân nhìn từ xa, từ trên cao giống như những sợi chỉ hồng mỏng manh vắt qua các con đèo, các dãy núi. Sớm sớm chiều chiều, mây trắng như mơ màng, huyền ảo.
Lũng Vân đẹp nhất từ sau Tết đến tháng Tư âm lịch hàng năm, đó là thời gian có nhiều mây bao phủ nhất. Mây bắt đầu từ chiều tối và đến sáng sớm hôm sau thì tan dần, đến giữa trưa thì trời quang hẳn. Đó cũng là lúc ăn xôi nếp Mai Châu với thịt lợn nướng Mường Khến là thơm ngon nhất, du khách sẽ nhớ đời. Ai còn nhớ câu thơ của Quang Dũng viết năm 1948, trong bài "Tây tiến": "Mai Châu mùa em thơm nếp xôi" …
Lũng Vân không chỉ là xứ sở của mây mà còn hấp dẫn du khách bởi những ruộng bậc thang trập trùng lớp lớp uốn lượn. Ruộng bậc thang của người Mường Bi không giống ruộng bậc thang của người Mông ở Lào Cai, Hà Giang … . Ruộng bậc thang của người Mông "leo" tít từ ngọn núi này qua ngọn núi khác, trái lại, ruộng bậc thang của đồng bào Mường thường uốn quanh các chân đôi, các thung lũng gần nguồn nước. Vào tháng sáu hoặc tháng mười, lúc chín làm cho Lũng Vân bao la một màu vàng tươi, tỏa hương thơm khắp suối đèo, làng bản. Tiếng cồng từ các bản mường lại rung lên khắp Thung Mây. Hàng đàn chim trời hót ríu rít khắp các lưng đèo như reo mừng mùa lúa mới.
Mùa gặt ở Lũng Vân nhộn nhịp, đông vui như ngày hội. Các thiếu nữ Mường xinh đẹp thêm. Con suối cũng trong veo hơn. Trẻ em đến trường lại được bố mẹ mua cho quần áo mới.
Thuyết minh về một miền quê
Bài làm mẫu 1
Hải Phòng – một thành phố cảng trung dũng, quyết thắng, một thành phố có nhiều cảnh đẹp, một nơi có những con người hiền lành, chất phác, dịu dàng – là nơi tôi đã sinh ra và lớn lên.
Hải Phòng là đô thị loại một nằm ở phía đông bắc Việt Nam giáp với biển Đông. Vì vậy ở đây có rất nhiều cảng, cũng chính vì thế mà người ta gọi đây là thành phố cảng. Thời tiết ở đây mang một thứ gì đó rất riêng biệt của miền Bắc mà chỉ miền Bắc mới có. Nếu bạn đã từng đến thăm Hải Phòng thì tôi đoán chắc rằng bạn sẽ tận hưởng được thời tiết đó. Cái nắng gay gắt, chói chang của mùa hè, những cơn mưa rào chợt đến rồi lại chợt đi, bầu trời trong xanh không một gợn mây. Trái với thời tiết của mùa hè là mùa đông. Mùa đông có lá rụng, có cái rét căm căm đến cắt da cắt thịt, cái nắng yếu ớt trên bầu trời phủ đầy sương.
Ở trên đất này, mọi người đều thân thiện, hiền lành, chất phác. Nếu bạn siêng năng, chịu khó thì những người nơi đây luôn dang rộng đôi tay đón chào và bạn sẽ trở thành một công dân của thành phố cảng.
Cảnh vật nơi đây thật đẹp với những ngọn đuốc khổng lồ thắp sáng cả thành phố. Mùa hè, nếu dạo theo hai bên đường bạn còn được nghe thấy tiếng ve râm ran, tiếng chim líu lo trong vòm lá và đặc biệt mắt bạn sẽ ngợp trong màu đỏ của hoa phượng. Chính vì vậy Hải Phòng còn được gọi là thành phố hoa phượng đỏ. Nếu trong những ngày hè chói chang, nóng nực mà được đi du lịch ở đảo Cát Bà thì quả là tuyệt, ở đấy có những hàng cây xanh, có đường uốn theo sườn núi, có rừng quốc gia với nhiều động vật quý hiếm, có làn nước biển trong xanh với bãi cát vàng óng lấp lánh trong nắng.
Hải Phòng không chỉ nổi tiếng bởi Cát Bà mà còn có khu du lịch Đồ Sơn. Đồ Sơn nổi tiếng về rừng thông reo vi vu trong gió, những tòa nhà biệt thự cao tầng, hàng dừa tán rộng… Hàng năm Đồ Sơn còn tổ chức lễ hội chọi trâu thu hút nhiều người từ mọi miền Tổ quốc.
Dù ai buôn đâu bán đâu
Mồng chín tháng tám chọi trâu mà về
Dù ai buôn bán trăm nghề
Mồng chín tháng tám nhớ về chọi trâu
Tôi yêu thành phố Hải Phòng, yêu màu hoa phượng vĩ trong nắng sớm. Tôi sẽ học tập tốt để xây dựng thành phố quê hương.
Bài làm mẫu 2
Tiên Lãng – quê hương tôi là một huyện ven biển của thành phố Hải Phòng. Quê tôi được biết đến như một ốc đảo nhỏ nằm giữa các con sông Thái Bình và Văn Úc.
Có một niềm vui lớn đã đến với bà con Tiên Lãng quê tôi: ngày 6 – 10, cây cầu Khuể (nhịp cầu nối những bờ vui giữa quê tôi với huyện bạn An Lão, với trung tâm thành phố, với những miền xa trên đất nước mà có thể tôi chưa từng biết đến) đã được khánh thành trong niềm vui hân hoan, náo nức của mọi người.
Bạn có biết không? Quê hương Tiên Lãng của tôi chính là nơi quê cha đất tổ của thượng thư Nhữ Văn Lan, ông ngoại của danh nhân văn hóa- trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm. Thật tự hào cho tôi là người con của mảnh đất Tiên Lãng, nơi được thừa hưởng một truyền thống vô cùng tốt đẹp của sự học muôn đời!
Không chỉ có vậy, người dân Tiên Lãng còn rất dũng cảm. bất khuất. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, Tiên Lãng còn là một hậu phương anh dũng, tiêu biểu là trận càn Cờ- lốt năm 1953 đã để lại tiếng vang lớn cho hậu thế muôn đời. Cũng trong hoàn cảnh đó, huyện Tiên Lãng đã có người anh hùng Phạm Ngọc Đa đã anh dũng hi sinh không khai ra hầm trú ẩn của giặc dù bị chặt chân, tay, máu chảy ròng ròng. Đến thời kì đổi mới, quê tôi lại có thêm những người anh hùng không tiếc thân mình hi sinh vì đàn em thân yêu, vì tổ quốc; đó là gương của chị Bùi Thu Nội, anh Nguyễn Văn Hiệp,…
Nhắc đến Tiên Lãng, những người con xa quê lại nhớ về những mùa hè chói chang bên những phê thuốc lào- đặc sản mà có lẽ chỉ có ở Tiên Lãng mới có. Từ trung tâm huyện đi xuống khoảng 1-2 cây số là làng nghề chiếu cói Lật Dương. Xa hơn chút nữa, theo con đường 212 liên xã của huyện, xuống đến con đê, ta sẽ bắt gặp những lớp sóng xô dạt dào với rừng thông, phi lao xanh quanh năm. Nếu có dịp thì xin mời các bạn về thăm Tiên Lãng quê tôi, để hiểu hơn về mảnh đất và con người nơi ven biển này nhé!
Bài làm mẫu 3
Cực bắc của đất nước ta, nơi có hơn 22 dân tộc anh em sinh sống hòa thuận, nơi có những địa danh được nhiều người biết đến như suối nước khoáng Thanh Hà, cửa khẩu Thanh Thủy, cột cờ Lũng Cú,… Hà Giang đã và đang là điểm đến của nhiều du khách.
Hà Giang là một tỉnh nằm ở phía Đông Bắc, cách Hà Nội hơn 300km theo quốc lộ số 2. Hà Giang có đường biên giới giáp với Trung Quốc, có cửa khẩu Thanh Thủy thông thương với nước bạn. Đến nơi đây bạn sẽ được ngắm cảnh thiên nhiên hùng vĩ, những thác nước, các hang động. Bạn còn được ăn những món ăn như mèn mén, cơm lam, cơm xôi. Đi chợ phiên, bạn sẽ được ngắm các cô thiếu nữ dân tộc trong bộ váy áo lộng lẫy, thấy từng đàn ngựa thồ hàng nối đuôi nhau xuống chợ. Đến chợ, những trái cam, quýt Hà Giang chín mọng sẽ làm bạn quên đi cơn khát và sự mệt mỏi.
Đi sâu vào trong rừng, bạn sẽ được mắt thấy, tai nghe tiếng chim kêu vượn hót, ngắm nhìn đàn khỉ, đàn vọc leo trèo thoăn thoắt. Đi vào các hang động bạn sẽ được thấy các bức tượng do nhũ đá tạo thành rất đẹp, thấy những đàn dơi treo mình trên vách hang, thấy cua đá, ốc cạn sống trong hang.
Rừng cây ở đây xanh tươi quanh năm, là nơi trú ngụ của nhiều loài thú, chim chóc, các loài sinh vật, thực vật. Nhiều loại thực vật được dùng làm dược liệu quý. Nếu bạn leo lên đến đỉnh núi cao, phóng tầm mắt ra xa, bạn sẽ thấy cảnh núi cao trùng điệp, xen giữa các dãy núi là thung lũng, nơi sinh sống của các đồng bào dân tộc H'mông, Dao… Bạn sẽ thấy những căn nhà sàn thấp thoáng bên những ruộng bậc thang. Chiều chiều, bạn sẽ được nghe tiếng khèn, tiếng sáo bay lên cùng ngọn khói.
Hà Giang có đủ bốn mùa. Mỗi mùa có đặc trưng riêng. Mùa đông giá rét, sương muối, cảnh vật chỉ một màu trắng xóa. Mùa xuân, núi rừng khoác áo chồi lộc xanh non, hồng tươi sắc hoa đào. Mùa hạ cây trong vườn đơm hoa, kết trái, mang lại vị ngọt cho đời. Mùa thu không khí trong lành, mát mẻ.
Nếu có dịp, mời bạn đến với Hà Giang quê tôi nhé! Hãy đến với “cổng trời”, với một “thành phố ngủ trong rừng” để khám phá thiên nhiên, con người nơi đây.
Bài làm mẫu 4
Bạc Liêu ở cực Nam đất nước, liền kề với Cà Mau.Từ Thành phố Hồ Chí Minh, vượt sông Tiền Giang, qua sông Hậu Giang, du khách đi thẳng tới Bạc Liêu, một hành trình dài 280km. Đó là một miền đất thoáng đãng, trù mật, với bao cảnh vật đáng yêu, với những con người tuyệt đẹp, chất phác, siêng năng, thẳng thắn và phòng khoáng, cởi mở.
Bạc Liêu có diện tích tự nhiên 2520,6 km2 .Dân số khoảng 800.000 người, có 20 dân tộc, đông nhất là người Kinh. Các thế hệ người Kinh, người Hoa, người Khơ-me ... đã chung vai sát cánh qua nhiều thế kỉ, lấn biển, đào kênh, bắt sấu, khai phá ruộng đồng, đánh giặc giữ làng mới có một Bạc Liêu giàu đẹp như ngày nay.
Ai đã từng đến thăm thú Bạc Liêu đôi lần chắc sẽ không bao giờ quên cảnh sắc hương vị nơi đây. Chùa Xiêm Cán ở Vĩnh Trạch Đông, chùa Cái Giá ở xã Hưng Hội, Huyện Vĩnh Lợi ... lộng lẫy, uy nghi, với mái chùa uốn cong, gác chuông cao vút giữa trời xanh, với hàng trăm pho tượng thếp vàng tráng lệ.
Những ruộng muối vùng Kinh Tư bao la, muối trắng lấp lánh trong nắng chiều, những đụn muối trắng chạy dài như muôn ngàn gò đống nhấp nhô. Vườn chim Lập Điền có nhiều loài chim quý, hiếm, được nhắc đến trong sách Đỏ. Khu du lịch Phật Bà Nam Hải nổi tiếng linh thiêng. ...Nếu như nhãn lồng Hưng Yên là đặc sản của miền Bắc thì ở miền Nam tổ quốc thân yêu nổi tiếng với vườn nhãn Bạc Liêu, trái tròn to, cùi dày trắng phau, ngọt ngào và thơm ngát. Đến thăm vườn nhãn, du khách còn được thưởng thức bánh xèo A Mật và nghe các ca sĩ tài tư đổ câu vọng nổi tiếng "Từ là từ phu tướng..." của cố nhạc sĩ Văn Cao Lầu. Ta hãy đến Phước Long và Hồng Dân thăm các làng nghề thủ công đan lát, dệt chiếu, làm nón...và đừng quên thưởng thức món bánh tằm bì hay bún bì ở Ngan Dừa, Hồng Dân.
Cảnh sắc và con người Bạc Liêu thật đáng yêu và đáng nhớ. Tiếng hát, tiếng hò của ai đó cất lên trên dòng kênh giữa màu xanh của rừng tràm, rừng đước như giăng mắc hồn du khách, lơ lửng đến mọi chân trời xa:
"Bớ chiếc ghe sau chèo mau anh đợi
Qua khúc sông này bờ bụi tối tăm"...