TOP 5 bài Thuyết minh về một phiên chợ quê Việt Nam ngắn gọn, đặc sắc nhất, giúp các em học sinh lớp 9 có thêm nhiều thông tin bổ ích, nhanh chóng hoàn thiện bài văn thuyết minh của mình thật hay.
Chợ quê là nơi mua bán, trao đổi hàng hóa, mỗi chợ sẽ có tên gọi riêng và có phiên chợ vào một số này nhất định ở trong tháng. Với 5 bài Giới thiệu chợ quê Việt Nam trong bài viết dưới đây của Download.vn, các em sẽ rèn luyện kỹ năng viết văn thuyết minh thật tốt, để ngày càng học tốt môn Văn 9.
Thuyết minh về một phiên chợ quê Việt Nam
Dàn ý thuyết minh phiên chợ quê Việt Nam
Dàn ý 1
1. Mở bài:
* Giới thiệu chung: Chợ họp ở đâu? Một tháng mấy phiên?
2. Thân bài:
* Tả cảnh chợ:
+ Thời gian và địa điểm họp chợ.
+ Quang cảnh:
- Hàng hoá đủ loại.
- Người đông vui, nhộn nhịp.
- Cảnh mua bán tấp nập.
3. Kết bài:
- Phiên chợ làm cho khung cảnh làng quê em vui vẻ hơn, sống động hơn.
Dàn ý 2
1. Mở bài
- Giới thiệu những nét khái quát về đối tượng thuyết minh: Phiên chợ quê Việt Nam.
2. Thân bài
a. Giới thiệu chung về vị trí và lịch sử hình thành
- Được hình thành từ lâu đời.
- Chợ quê thường nằm ở đầu mỗi làng, xã hoặc là nơi giao nhau của các làng, xã.
- Mỗi chợ sẽ có những tên gọi riêng và có phiên chợ vào một số này nhất định ở trong tháng.
b. Giới thiệu về khung cảnh sinh hoạt và những hoạt động của phiên chợ
- Kết cấu, quang cảnh rất đơn giản, thường là những lều bằng lá tranh, lá cọ và cột làm bằng tre.
- Những phiên chợ quê thường bắt đầu từ lúc sáng sớm tinh mơ và kết thúc khi buổi xế chiều.
- Từ sáng sớm, những người buôn bán đã mang rất nhiều hàng hóa đến chợ và bày biện, mỗi người, mỗi gian hàng có những món hàng hóa khác nhau.
- Ngay từ cổng chợ, âm thanh náo nhiệt, ồn ào, tấp nập kẻ mua người bán, người mời hàng, người trả giá và còn có cả tiếng trò chuyện vui vẻ của những cô những bác đi chợ.
- Những phiên chợ quê luôn bày bán rất nhiều những món hàng: Những gánh phở, các loại bánh như bánh gạo tẻ, bánh bao, bánh chưng, những nhu yếu phẩm thiết yếu hằng ngày,...
c. Giá trị, ý nghĩa của phiên chợ quê
- Là nơi mua bán, trao đổi hàng hóa
- Phiên chợ quê là nét đặc trưng, là nét đẹp riêng của làng quê Việt từ ngàn đời nay và có rất nhiều họa sĩ đã lấy cảm hứng từ đây để vẽ nên những bức tranh thật tuyệt.
- Là nơi lưu giữ những kỉ niệm, những kí ức tuổi thơ hồn nhiên của những đứa trẻ nơi làng quê Việt.
3. Kết bài: Khái quát những đặc điểm cơ bản, giá trị, ý nghĩa của phiên chợ quê Việt Nam và nêu cảm nhận của bản thân.
Thuyết minh chợ quê ngắn gọn
Chợ Tết ở quê chính là đặc sản của mỗi vùng quê mỗi dịp tết đến xuân về, đây chính là phong tục tập quán trao đổi hàng hóa, mua bán hình thành từ bao đời nay của dân tộc Việt Nam. Được về lại thăm chợ quê thanh bình của làng, em thực sự cảm thấy choáng ngợp vui thích khi được hòa mình vào dòng người náo nức, đón một cái Tết đoàn viên.
Chợ Tết quê em thường bắt đầu từ ngày 22 Tết hàng năm, nhưng có những năm thì tầm đến ngày 24 thì chợ mới bán do hàng hóa bị chậm. Do nhu cầu tiêu dùng lớn nên chợ thường mở từ 5h sáng đến 9h tối mới ngớt khách. Chợ ở quê thì chủ yếu bán những nông phẩm, đồ tiêu dùng mộc mạc, giản dị chứ không như siêu thị trên thành phố vì nhu cầu của người nông thôn cũng khá dung dị. Với những người nông thôn, họ ưa thích những đồ tươi ngon, giá cả hợp lý hơn là đồ đóng gói sẵn.
Em đã thức dậy rất sớm với mẹ và đi chợ quê sắm sửa đồ Tết vào ngày 25. Mới sáng sớm nhưng chợ đã đông nghịt dòng người. Những sạp bán rau tươi rói, những sạp bán thịt của nhà đã bày chật kín đường. Chợ quê vô cùng bình dị, những lồng trứng, lồng gà,... được bày bán khắp nơi. Tiếng nói cười náo nhiệt nhưng ấm áp, tràn ngập không khí Tết vô cùng. Em đã cùng mẹ mua hoa thắp hương, mua thực phẩm làm cơm, mua cả 1 cành đào đặt bàn thờ nữa. Hai mẹ con phải đi đến trưa mới xách được đống đồ về được đến nhà. Thực phẩm của chợ thì sạch sẽ và tươi ngon nên đảm bảo lắm.
Tóm lại, chợ quê là phong tục đẹp của làng quê Việt Nam, em rất thích đi chợ quê để được sắm sửa đón Tết sang.
Thuyết minh phiên chợ quê Việt Nam
Những làng quê trên mọi miền của đất nước Việt Nam luôn để lại dấu ấn đậm sâu trong mỗi người với những lũy tre làng xanh tươi rì rào trong gió, những cánh đồng thẳng cánh cò bay, với giếng nước, gốc đa,... Và có lẽ hơn tất cả, nơi in dấu những kỉ niệm tuổi thơ, nơi hội tụ đầy đủ nhất những nét đặc trưng của làng quê đó chính là phiên chợ quê.
Từ ngàn đời nay, chợ quê luôn là một nét đẹp trong văn hóa của làng quê Việt và nó được hình thành từ lâu đời. Chợ quê thường nằm ở đầu mỗi làng, xã hoặc là nơi giao nhau của các làng, xã. Sở dĩ như vậy bởi là nơi trao đổi hàng hóa của những người trong làng, hoặc trong xã. Cùng với đó, mỗi chợ sẽ có những tên gọi riêng, có thể dựa vào đặc điểm của chợ hay của làng xã mà đặt tên cho nó. Đồng thời, mỗi chợ sẽ có phiên chợ vào một số này nhất định ở trong tháng và những ngày này luôn cố định, không thay đổi theo thời gian.
Chợ quê thường có kết cấu, quang cảnh rất đơn giản, thường là những lều bằng lá tranh, lá cọ và cột làm bằng tre. Ngày nay, có nhiều nơi đã được xây bằng gạch, thành những gian hàng khang trang hơn. Những phiên chợ quê thường bắt đầu từ lúc sáng sớm tinh mơ và kết thúc khi buổi xế chiều. Từ sáng sớm, những người buôn bán đã mang rất nhiều hàng hóa đến chợ và bày biện, mỗi người, mỗi gian hàng có những món hàng hóa khác nhau. Ngay từ cổng chợ, người ta đã nghe thấy âm thanh náo nhiệt, ồn ào, tấp nập kẻ mua người bán, người mời hàng, người trả giá và còn có cả tiếng trò chuyện vui vẻ của những cô những bác đi chợ. Thêm vào đó còn có những em bé theo mẹ đi chợ, vừa đi vừa ngắm nhìn khung cảnh xung quanh. Những phiên chợ quê luôn bày bán rất nhiều những món hàng. Từ đầu chợ đã nghe thấy mùi thơm của những gánh phở, mùi hương của những loại bánh như bánh gạo tẻ, bánh bao, bánh chưng,... Không dừng lại ở đó, chợ còn là nơi bày bán những nhu yếu phẩm thiết yếu hằng ngày cho mọi người như rau củ, thịt, cá, các loại hoa quả, các loại gạo,... Có lẽ những gian hàng này luôn là nơi được nhiều người quan tâm nhất vì vậy lúc nào cũng đông đúc, nhộn nhịp. Thêm vào đó, ở chợ, người ta còn bày bán các loại áo quần, giày dép, mũ nón,... để mọi người có thể ghé lựa chọn và mua. Những phiên chợ quê bao giờ cũng vậy, luôn đầy đủ mọi món đồ và là niềm mong ước của những đứa trẻ.
Những phiên chợ quê đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống của con người Việt Nam nói chung và ở những làng quê nói riêng. Nó không chỉ là nơi mua bán, trao đổi hàng hóa mà hơn thế phiên chợ quê là nét đặc trưng, là nét đẹp riêng của làng quê Việt từ ngàn đời nay và có thật nhiều họa sĩ đã lấy cảm hứng từ đây để vẽ nên những bức tranh thật tuyệt. Cùng với đó, những phiên chợ quê còn là nơi lưu giữ những kỉ niệm, những kí ức tuổi thơ hồn nhiên của những đứa trẻ nơi làng quê Việt.
Như vậy, cùng với câu đa, giếng nước, sân đình, những phiên chợ quê là nét đẹp, là biểu tượng của làng quê Việt. Hình ảnh những phiên chợ quê luôn là dấu ấn đậm sâu trong lòng mỗi người con khi xa quê.
Thuyết minh về phiên chợ Tết quê em
Năm nào cũng thế, cứ mỗi dịp Tết đến, mẹ lại cho tôi tới chợ để sắm Tết. Những ngày này, chợ Tết bao giờ cũng rất đông vui, náo nhiệt. Nhưng chợ Tết năm nay để lại cho tôi ấn tượng sâu sắc nhất
Sáng sớm, hai mẹ con tôi đã đến chợ. Phía đông, mặt trời còn ngái ngủ sau lớp mây hồng phơn phớt. Vậy mà, chợ đã khá đông rồi. Có lẽ ai cũng muốn nhanh chân lựa những món hàng còn mới. Từng tốp, từng tốp người quang gánh kĩu kịt, tíu tít đổ về chợ. Tiếng trò chuyện râm ran khiến cả khu chợ ồn ào, náo nhiệt khác với ngày thường. Ngay lối vào chợ là hàng bán lá dong. Lá dong được xếp thành từng đống lớn gọn ghẽ, xanh mươn mướt.
Cạnh đó là những bó ống dang để chẻ lạt, gói bánh chưng. Kế đó là dãy bán măng khô, nấm hương, mộc nhĩ,… và các loại cây thuốc quý như cam thảo, sa nhân, hồi, quế – những đặc sản mang hương vị của núi rừng. Các cô bán hàng, giọng ngọt như đường, đon đả chào mời khách mua hàng. Bên trái chợ là khu bán hoa quả. Những quả chuối vàng ruộm, mập mạp, đều đặn trông như những ngón tay đang khum khum xoè ra. Quả bưởi to, tròn màu nắng ấm, còn nguyên cuống lá xanh. Những rổ cam ngọt lành, quả hồng xiêm màu nâu xám. Còn nữa là chùm nho tím với những quả treo lúc lỉu, mọng nước… Tất cả đều được cô bán hàng sắp xếp nhìn thật vui mắt. Chếch sang một chút là nơi bán rau, đủ các loại cây nhà lá vườn. Củ su hào còn nguyên phấn trắng, cải bẹ mỡ màng. Cà chua đỏ ối, chín căng mọng xếp vào từng giỏ lớn cạnh những bó hành dọc xanh, củ trắng nõn nà. Tất cả đều tươi xanh roi rói. Đi tiến lên chút nữa là quầy bán bánh kẹo. Những hộp mứt, hộp kẹo, bánh được trang trí với nhiều hình dạng và màu sắc sặc sỡ trông thật bắt mắt. Những thỏi kẹo sôcôla hay những gói bánh trứng càng vì thế mà ngon lành hơn. Những lon bia, chai rượu cũng được tô điểm mới lạ, đẹp hơn mọi ngày. Mẹ tôi vào lựa hai chai rượu một gói bánh về chuẩn bị thắp hương. Bước ra khỏi quầy bánh kẹo, tôi và mẹ đến xem quần áo tại một cửa hàng đối diện. Những tấm thổ cẩm, những tấm vải dệt rực rỡ sắc màu làm tôi hoa cả mắt. Kẻ mua, người bán ồn ào, tấp nập. Mấy cô gái trẻ ướm thử những thứ mình định mua rồi quay ra nhìn nhau cười khúc khích. Mẹ chọn cho tôi và Đạt mỗi đứa một bộ để diện đi chơi Tết. Chen giữa dòng người, hai mẹ con tôi như bị cuốn đi trong những tiếng chào mời tíu tít. Luồn lách mãi mới đến được hàng hoa. Vươn lên tán lá dày, xanh mát là hàng chục bông hồng đua nhau toả hương khoe sắc. Chúng khoác lên mình bộ dạ hội đỏ thắm, cao sang cùng những viên kim cương điểm xuyết cho tà áo rực rỡ. Cạnh đó là những bông cúc gắn liền với mùa thu trong sáng, dịu êm. Những bông hoa vàng tươi, kiêu hãnh chao nghiêng theo làn gió nhẹ khoe những cánh vàng e ấp, mịn màng. Chúng như mời gọi các nàng ong, nàng bướm tụ hội. A, kia rồi! Cây bích đào duyên dáng với hàng ngàn, hàng vạn chồi non, lộc biếc như vô vàn những ánh nến lấp lánh ẩn hiện dưới nắng sớm. Nép sau tà áo xanh mơn mởn, những cánh hoa phơn phớt hồng đầu tiên đã hé nở, chào đón Tết đến. Cạnh đó là nơi bán đèn lồng. Những chiếc đèn lồng đỏ rực rỡ để trang trí nhà cửa, cầu cho mọi người năm mới tốt lành.
Chợ Tết năm nay còn bán cả cá cảnh. Những chú cá vàng, cá đen múa lượn, khoe vẻ kiều diễm của mình trong làn nước trong lành. Gần cuối chợ là nơi bán gia súc. Những chú lợn con bị nhốt trong rọ, nghếch mõm ngó người mua. Đàn gà nhép lông mượt như tơ, liếp chiếp trong lồng, nhớn nhác nhìn cảnh lạ. Lũ vịt bị trói chân thành từng cặp, lâu lâu lại đập cánh phành phạch rồi kêu “cạc… cạc” ầm ĩ. Chị mái mơ “cục ta… cục tác” hồi lâu khi bị lạc đàn. Rồi anh chàng lợn tinh vi cũng hùa theo“ụt…ịt”. Tất cả làm khu chợ càng trở nên huyên náo. Ôi, nhanh thật! Vậy là đã đến cửa hàng cuối cùng của chợ. Đó là hàng bán câu đối và tranh Tết. Trên những dải lụa đỏ thắm, mềm mại là những vần thơ bay bướm mà thấu tình người. Những bức tranh gà, tranh lợn, tranh cá chép trông trăng được người dân nơi tôi rất thích thú. Người ta mua chúng về để nhà cửa thêm đẹp và sang trọng, cầu mong một năm mới an khang, thịnh vượng. Quả là một thú vui tao nhã. Giờ đây, chợ đã đông nghìn nghịt và hai mẹ con tôi cũng đã xem xong hết các mặt hàng. Tôi và mẹ nhanh chân rảo bước về nhà với chiếc làn nặng trĩu đồ đạc. Chợ Tết năm nay vui quá!
Niềm vui ở chợ Tết theo bước chân mẹ con tôi đến tận nhà. Tôi mong rằng chợ Tết năm sau mình sẽ được ngắm nhìn nhiều điều mới lạ hơn nữa.
Thuyết minh phiên chợ ngày Tết
Thấm thoát thế mà tháng chạp lại về. Năm nọ cứ gối tiếp qua năm kia, ngày tháng trôi đi nhanh quá. Một cái Tết nữa lại đến…Từ khi hết Noel, qua Tết dương lịch, không khí Tết đã len lỏi đâu đây. Các công sở đã râm ran chuyện thưởng Tết, phố phường Hà Nội trang hoàng hơn. Xa hơn nữa, khu vực ngoại thành, các làng hoa, cây cảnh chờ đợi mùa Tết đến để mang sản phẩm đem bán.
Còn ở các vùng quê phải chờ đến tận ngoài rằm tháng chạp… nhưng thực sự chỉ bắt đầu từ ngày 23 âm lịch, khi ông Công, ông Táo cưỡi cá chép về chầu trời. Có lẽ đông đúc vào ngày 28 đến 30 Tết âm lịch. Giáp Tết, người nông dân vẫn ra đồng, vẫn chăm nom bờ bãi, bón cây, tỉa củ, mang những sản phẩm mình làm đem ra chợ bán, kiếm một chút lấy tiền tiêu Tết.
Không khí Tết ở chợ quê khác hẳn chợ thành phố. Giữa muôn trùng hàng hóa của thời đại công nghiệp rượu bia, bánh kẹo, đồ hộp, những sản phẩm của người nông dân làm ra không thể thiếu, góp phần làm nên sự độc đáo của chợ quê. Những đôi quang gánh, nhiều khi chỉ là vài củ su hào, mấy mớ mùi thơm hay những nải chuối xanh, quả cau, quả bưởi… đều được người nông dân mang ra chợ.
Chợ ngày tết đông đúc, nhiều người qua lại, ướt lép nhép, nhưng vẫn tấp nập đông vui. Một thành phần không thể thiếu ở chợ quê ngày Tết đó là rất nhiều em bé được mẹ cho theo đi chợ. Đối với trẻ em ở các miền quê, đi chợ Tết là được ăn quà thỏa thích. Đi chợ để mua những cái bánh tẻ, bánh rán, cái kẹo bông… hay những quả bóng bay thổi để đỏ chót mồm hay để mua những bộ quần áo mới bằng những đồng tiền tiết kiệm được dành dụm cả năm…
Như thế là đã quá đủ đối với các em… Nhiều em nhỏ được mẹ cho đi chợ, được đặt ngồi một bên thúng để mẹ gánh cho cân, bên kia là một ít sản phẩm mang đi bán hay những em bé được ông bà cho đi chợ. Có khi cả 3, 4 đứa ngồi trên một cái xe đạp, trên tay cầm những quả bóng mà mặt mũi thì hớn hở vô cùng…
Chợ Tết quê cũng không thể thiếu hoa tươi, cây cảnh, hoa hồng, hoa cúc, rồi thược dược, đào, quất và cả mai vàng… Cũng những hạt hướng dương, kẹo lạc, hoa quả… nhưng có một cái gì đó đặc chất quê. Những con đường đất, những gian chợ nhỏ, người nông dân ra chợ vẫn chấn lấm tay bùn. Sản phẩm bán ra lại rẻ nếu so với đi chợ ngoài thành phố.
Người thành phố vẫn bảo nhau, bây giờ đi chợ đắt đỏ, đi chợ cứ như mất cắp, nhất là Tết đến, cái gì cũng phải mua sắm tốn kém. Ở quê, người nông dân tự tay mang sản phẩm của mình làm ra đi bán, có khi chỉ rẻ một nửa mà vừa tươi, vừa ngon. Chẳng hạn rau cũng cắt từ ruộng, hoa cũng tự tay trồng… Làm cho người ta có một cảm giác rất yên tâm và thoải mái.
Lâu lắm mới được đi chợ Tết. Nhìn hình ảnh các em nhỏ, lòng chợt lại nhớ cái thuở xưa, như lại thấy hình ảnh của mình ngày thơ bé. Ngày ấy áo quần còn thiếu thốn, trời thì rét mà ăn mặc phong phanh, thế mà cả 4, 5 anh em dắt díu nhau đi chợ Tết. Đi chợ chỉ để được ăn quà cho thoải mái, rồi mua quả bóng bay, thổi to lên và treo đầy nhà. Còn các bà các mẹ, cắt gánh rau khoai lang đi bán, nải chuối xanh trong vườn quả cong quả thẳng, ghép đôi lại hai nải mới thành nải chuối thờ tổ tiên ngày Tết.
Ai có gì cũng mang ra chợ bán để lấy tiền sắm Tết. Trời rét, mưa phùn, chợ quê se sắt, các bà các mẹ quàng áo tấm ám mưa, gánh gồng ra chợ… đổi lấy khi thì bó lá rong, khi thì gói hương trầm hay chỉ đôi ba lạng chè, gói thuốc… Cứ sắm Tết dần đến chiều 30 thì trong nhà cũng đã có đủ nồi bánh chưng, cân giò lụa… hay trên bàn thờ cũng đủ hương nến thờ cúng tổ tiên.
Bao nhiêu năm đã qua đi, hình ảnh những cái Tết quê không thể phai mờ trong tâm trí. Tuổi thơ gắn bó với gia đình, với bà, với mẹ… Giờ đây, khi đã lớn khôn nhưng mỗi khi tết, xuân về, cái cảm giác nao nao vẫn quay trở lại. Mong ước được trở về với tuổi thơ, lại được đi chợ Tết, mặc dù ngày ấy còn thiếu thốn biết bao…
Giới thiệu về chợ quê
Người con nào xuất thân từ những vùng nông thôn Việt Nam lam lũ, sau này đi xa sẽ nhớ vô cùng bóng dáng của những phiên chợ quê gắn liền với các bà, các mẹ. Đó như một miền kí ức khó quên mà ai cũng rưng rưng khi nhớ về.
Chợ quê Việt Nam hình thành rất đặc biệt. Ở nông thôn, thường mỗi xã hoặc một vài làng liền kề nhau có một cái chợ. Chợ là nơi trao đổi hàng hoá của cư dân địa phương. Chợ đặt ở làng nào, xã nào thường lấy tên của làng, xã ấy mà gọi. Nói nôm na đó là loại chợ quê. Quang cảnh chợ quê rất đơn giản, vài cái lều lợp gianh, lợp lá trên mấy cái cọc tre nhỏ, đơn giản. Có khi không có lều quán mà chỉ là một bãi đất trống. Người bán bày sản phẩm thành hàng, thành dãy hai bên lối đi. Chủng loại hàng hoá, đa phần là những sản vật địa phương do vậy mà thay đổi theo mùa, vụ.
Chợ quê cũng có sự "phân cấp" một cách tự nhiên thành chợ Làng, chợ xã, chợ huyện, chợ tình... Người ta gọi chợ theo cấp hành chính và quy mô chợ cũng từ đó mà to dần lên. Ngày nay chỉ còn dấu vết chợ quê ở làng, ở xã, còn chợ huyện, chợ tỉnh hầu như đã biến thành những trung tâm buôn bán lớn trong vùng. Do nhu cầu trao đổi, mua bán nên ngày nào cũng họp chợ. Vì vậy mà mất đi phiên chợ truyền thống ngày trước.
Chợ quê lại có hai loại, chợ phiên và chợ hôm. Chợ phiên họp vào những ngày theo một chu kỳ nhất định. Khi nói chợ họp ngày ba và ngày tám, có nghĩa là phiên chợ họp vào những ngày mồng ba, mồng tám, mười ba, mười tám, hai ba, hai tám hàng tháng (theo âm lịch). Gần đây nhiều chợ chọn ngày chủ nhật làm phiên họp chính. Phiên chợ chính bao giờ cũng đông người hơn phiên chợ xép (chợ họp không đúng phiên). Ngoài những sản phẩm địa phương, ở chợ phiên mặt hàng đa dạng hơn bởi sự góp mặt của các hàng công nghiệp đắt tiền.
Chợ hôm thì ngày nào cũng họp. Người mua người bán chỉ thưa thớt, trao đổi những hàng thiết yếu hàng ngày, hàng tươi sống như rau, hoa quả, dầu, muối, tôm cá, trứng... Chợ thường họp vào buổi sáng sớm hay chiều. Nếu chợ họp vào buổi chiều người ta hay gọi là chợ chiều.
Chợ quê đặc biệt hơn cả vào những dịp lễ tết. Khi ông mặt trời còn ngái ngủ sau lớp mây hồng phơn phớt, chợ đã khá đông rồi. Có lẽ ai cũng muốn nhanh chân lựa những món hàng còn mới. Từng tốp, từng tốp người quang gánh kĩu kịt, tíu tít đổ về chợ. Tiếng trò chuyện râm ran khiến cả khu chợ ồn ào, náo nhiệt khác với ngày thường. Ngay lối vào chợ là hàng bán lá dong. Lá dong được xếp thành từng đống lớn gọn ghẽ, xanh mươn mướt. Trẻ em đi theo mẹ để được sắm những bộ đồ đón tết. Ai cũng hồ hởi, nô nức sắm những thức ngon về dâng lên bàn thờ tổ tiên và đón năm mới.
Niềm vui ở chợ quê theo bước chân lon ton của các bé em đến tận nhà và theo cả niềm trông chờ của những đôi mắt hấp háy nô đùa ở ngoài sân đợi mẹ đi chợ về để được cái bánh, cây kẹo. Chợ quê mãi là miền hồi ức xinh đẹp của những người con lớn lên từ nông thôn. Cùng với cây đa, bến nước, sân đình, chợ quê mãi là một nét văn hóa đẹp đẽ của người Việt in đậm dấu ấn thôn dã bình yên.