Thuyết minh về tấm gương học tốt của lớp em gồm dàn ý và 5 bài văn mẫu hay, ấn tượng nhất. Qua đó giúp các bạn học sinh lớp 10 có thêm nhiều gợi ý ôn tập, trau dồi kiến thức, biết cách làm và hướng giải quyết vấn đề. Từ đó nhanh chóng viết thành một bài văn thuyết minh hay, đầy đủ ý.
Qua 5 bài văn thuyết minh tấm gương học tập tốt, chúng ta phải biết trân trọng và noi theo những tấm gương đó, phải kiên trì vượt lên hoàn cảnh, bất chấp số phận nghiệt ngã, không ngừng cố gắng học tập để đưa gia đình qua khỏi cảnh nghèo khổ, cực nhọc. Nội dung chi tiết, mời các bạn cùng theo dõi 5 bài văn mẫu tại đây.
Thuyết minh về tấm gương học tốt của lớp em
- Dàn ý thuyết minh tấm gương học tốt của lớp em
- Thuyết minh về tấm gương học tốt của lớp em - Mẫu 1
- Thuyết minh về tấm gương học tốt của lớp em - Mẫu 2
- Thuyết minh về tấm gương học tốt của lớp em - Mẫu 3
- Thuyết minh về tấm gương học tốt của lớp em - Mẫu 4
- Thuyết minh về tấm gương học tốt của lớp em - Mẫu 5
Dàn ý thuyết minh tấm gương học tốt của lớp em
Dàn ý số 1
1. Mở bài
- Giới thiệu về người bạn tốt mà em sắp kể.
- Giới thiệu qua về thành tích học tập hay việc tốt của bạn.
2. Thân bài
- Kể những điểm nổi bật về người bạn của em.
+ Hoàn cảnh gia đình.
+ Thành tích học tập.
+ Lối sống.
+ Quan hệ bạn bè, thầy cô ra sao?
- Kỉ lại một kỉ niệm sâu sắc của người bạn đó để lại ấn tượng trong lòng em.
- Học được điều gì khi chơi với người bạn đó?
3. Kết bài
- Viết ra những cảm nghĩ của em về người bạn đó (tự hào, thán phục).
- Nêu bài học về việc giao lưu với bạn (gần mực thì đen, gần đèn thì rạng).
Dàn ý số 2
1/ Mở bài
- Giới thiệu người bạn tốt hoặc việc tốt mà em dự định kế.
- Giới thiệu thành tích học tập hoặc việc tốt của bạn.
2/ Thân bài
- Kể về thành tích người bạn mà em dự định kể.
- Hoàn cảnh gia đình của bạn
- Thành tích học tập.
- Tính tình của bạn ấy.
- Trong học tập quan hệ bạn bè, thầy cô ra sao?
- Kể về một việc làm em ấn tượng về người bạn đó.
- Em đã học tập được những gì về người bạn đó.
3/ Kết bài:
Nêu lên cảm nghĩ về người bạn đó ví dụ như tự hào, thán phục, noi gương,…
Thuyết minh về tấm gương học tốt của lớp em - Mẫu 1
Nước Việt ta trải qua hàng nghìn năm đấu tranh giữ nước và dựng nước, chính điều đó đã hun đúc cho dân tộc ta ý chí bất khuất, kiên cường, dám đương đầu với khó khăn và không bao giờ đầu hàng trước số phận. Trong cuộc sống đời thường không đó để bắt gặp những tấm gương vượt khó, một trong số đó có Nguyễn Nhật Minh – một bạn học sinh của trường THPT Phạm Văn Đồng, có hoàn cảnh gia đình nhiều éo le nhưng luôn nỗ lực, phấn đấu hết mình trong học tập.
Minh sinh ra và lớn lên ở Đắk Nông – một tỉnh của vùng đất Tây Nguyên đầy nắng và gió. Xuất thân trong một gia đình nông dân nghèo khó, quanh năm chật vật lo cái ăn cái mặc. Minh là con trai lớn trong nhà, đằng sau là ba đứa em đang còn thơ dại, sớm thấu hiểu được sự vất vả của cha mẹ, sau mỗi giờ học bạn đỡ đần công việc nhà và chiều chiều lại lên nương rẫy cùng cha. Những khi vắng việc đồng áng, bạn đạp xe khắp các xã làm thuê cho người ta với hI vọng kiếm ít tiền đỡ đần cho gia đình. Sau một ngày dài mệt mỏi, tối là thời gian Minh vùi đầu vào bài vở, niềm tin nhỏ nhoi về một ngày mai tươi sáng hơn luôn tràn ngập trong suy nghĩ của cậu nam sinh ngày ấy.
Những tưởng cuộc sống dẫu có khăn nhưng vẫn còn gia đình là chỗ dựa, thì biến cố lớn lại xảy đến. Ngày Minh bước vào lớp mười hai cũng là lúc bố Minh bỏ đi theo người phụ nữ khác, mẹ Minh vì quá đau khổ, túng quẫn trước cảnh nhà éo le cũng bỏ nhà đi biệt xứ để lại những đứa con đang còn thơ dại. Bốn anh em dọn về dưới vòng tay cưu mang của bà nội, bà đã gần bảy mươi, tuổi già sức yếu, hàng ngày tiền sinh hoạt chỉ dựa vào tiệm tạp hoá nhỏ ven đường. Cuộc sống khó khăn chồng chất khó khăn, bao nhiêu gánh nặng dồn lên đôi vai của cậu con trai đang đứng trước bước ngoặt cuộc đời.
Sau biến cố, Minh trầm lặng hơn nhưng trong đôi mắt cậu bạn ấy luôn chứa đựng đầy sự quyết tâm, nỗ lực vượt qua những thử thách cuộc đời. Mọi nơi trong trường đều trở thành góc học tập lý tưởng, bất kể là ghế đá hay gốc cây phượng tôi vẫn thường xuyên bắt gặp dáng vẻ cao gầy của chàng trai ấy đang say sưa học bài. Minh yêu thích và học rất giỏi môn Toán với những xấp bài tập dày cộm, chi chít nét chữ và con số. Nhận thức được sự thiếu thốn của mình không làm Minh tự ti hay chùn bước, cậu biết mình luôn phải cố gắng, nỗ lực gấp đôi bạn bè. Trong khi lũ bạn chiều chiều được đi luyện thi ở các trung tâm lớn nhỏ, được bố mẹ chăm sóc bảo ban thì Minh phải đi làm thuê lo cho các em đỡ đần bà nội, đêm đến chẳng cần nghỉ ngơi Minh lại thức thâu đêm nghiên cứu từng tài liệu mượn của bạn bè, thời gian không còn nhiều đây chính là thời khắc cuối thời học sinh mở ra một trang mới cho cuộc đời mỗi con người. Trong mỗi giờ ra chơi, bạn ấy vẫn ngồi đấy mặc cho bạn bè vui chơi, chăm chú xem lại từng bài giảng của thầy cô. Ba năm liền kết quả học tập luôn đứng đầu lớp và là thành viên trong đội tuyển học sinh giỏi của trường, Minh đã đem về cho mình nhiều giải thưởng của tỉnh cũng như khu vực, đặc biệt là huy chương vàng Toán học cấp khu vực các tỉnh Tây Nguyên. Chúng tôi ai cũng nhìn bạn ấy với ánh mắt ngưỡng mộ, thán phục, thầy cô cũng thấu hiểu được hoàn cảnh gia đình Minh nên luôn giúp đỡ, bảo ban tận tình. Vất vả là thế, nhưng chưa một lần tôi thấy Minh vắng mặt trong lớp học, bất kể là mưa bão hay ốm đau bệnh nặng bạn cũng vượt con đường hàng chục cây số từ xã lên thị trấn để học đều đặn hàng ngày.
Trời không phụ lòng người, năm ấy Minh thi đỗ vào đại học Bách khoa thành phố Hồ Chí Minh ngành công nghệ thông tin với số điểm hai mươi bảy, cũng là thủ khoa của trường cấp ba. Cái tên Nguyễn Nhật Minh năm ấy nổi tiếng khắp vùng, là niềm tự hào của trường, của xã, đặc biệt là những giọt nước mắt hạnh phúc của người bà đã rơi xuống. Rời quê lên Sài Gòn phồn hoa, tấp nập, nỗi lo cơm áo gạo tiền lại dai dẳng bám theo, may mắn thay biết được hoàn cảnh khó khăn và sự nỗ lực không ngừng nghỉ của cậu học trò nghèo, tỉnh đã quyết định trao cho Minh học bổng hỗ trợ suốt bốn năm đại học. Vậy là giờ đây, Minh có thể yên tâm học tập xây dựng một tương lai tươi sáng, mai này có thể phụng dưỡng bà nội, lo cho các em ăn học.
Cuộc sống vốn là những khó khăn, thử thách, con đường tới thành công thì không bao giờ trải đầy hoa hồng. Muốn trở thành một người thành đạt, có địa vị, tạo ra những giá trị cho xã hội thì ta phải biết dấn thân, hy sinh công sức và nỗ lực hết mình cho mục tiêu ấy, đừng bao giờ bỏ cuộc hay đầu hàng trước số phận nghiệt ngã, hãy học tập và làm theo những tấm gương người tốt, giàu nghị lực quanh ta
Thuyết minh về tấm gương học tốt của lớp em - Mẫu 2
“Người có ý chí vượt qua tất cả sự nặng nhọc có thể đạt được bất cứ mục tiêu nào” (Menander) – Vâng, với một cậu học sinh lớp 6 quen được sống trong sự đùm bọc của ba mẹ, sống đúng nghĩa “biết ăn, biết ngủ, biết học hành là ngoan” như tôi, thì câu nói đó quả thật nghe như là một triết lí suông. Nhưng từ khi được biết đến tấm gương hiếu học Nguyễn Thế Hoàn, tôi hoàn toàn tin vào điều đó. Nguyễn Thế Hoàn – thần tượng của tôi!
Vốn là một học sinh rất đam mê học Toán, ngoài việc đam mê giải các bài Toán, tôi còn có sở thích tìm hiểu những thông tin về các cuộc thi Toán học. Một lần tình cờ, tôi đọc được trên mạng thông tin về thành tích của đoàn Việt Nam trong kì thi Olympic Toán. Tôi đã thật sự xúc động trước câu chuyện của anh Nguyễn Thế Hoàn.
Anh Hoàn hiện là học sinh lớp 12 Trường THPT chuyên Tự nhiên đã xuất sắc giành huy chương Vàng Olympic Toán học quốc tế 2014. Điều đó đã khiến biết bao người nể phục, nhưng đằng sau vinh quang đó của anh còn là một câu chuyện lấy đi nước mắt của không ít người. Câu chuyện của ý chí, của sự kiên trì, của một tấm gương dám ước mơ và thực hiện ước mơ, và trên hết đó là câu chuyện của tình cảm gia đình rất đỗi thiêng liêng.
Tìm hiểu thông tin về anh, tôi đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác.Trước tiên đó là câu chuyện về chàng trai tên Hoàn bắt đầu với chiếc mũ thêu tên mình. Đó là món quà anh được bố mẹ tặng. Một món quà thật giản đơn, tưởng như quá đỗi bình thường với tôi – một cậu nhóc thành phố vốn quen với những món quà đắt tiền, hiện đại. Lúc đó, anh Hoàn mới 3 tuổi nhưng đã tỏ ra là một cậu bé vô cùng thông minh. Khi được mẹ anh cho biết ý nghĩa của nét thêu trên mũ, ngày nào anh cũng hí hoáy lấy viên gạch vẽ tên mình lên khắp sân. Tưởng như chỉ là sự bắt chước giản đơn, nhưng không phải vây! Khi anh đọc vanh vách những chữ trên mặt báo mà người hàng xóm sang chơi thì mọi người trong gia đình anh mới ngã ngửa ra khi biết rằng anh đã tự học thuộc được các mặt chữ. Tôi vốn không tin lắm vào việc có thần đồng, nhưng câu chuyện từ thuở lên ba của anh làm tôi suy nghĩ lại!
Anh Hoàn sống trong một gia đình thuần nông. Ba sào ruộng cấy lúa quanh năm làm sao nuôi đủ bốn người, huống hồ gì là anh Hoàn và em trai đang trong tuổi ăn, tuổi học. Hoàn cảnh gia đình khó khăn, thế nhưng anh đã vượt qua mọi khó khăn để hiện thực hóa ước mơ. Học cấp ba, dù nhà xa nhưng trưa nào anh cũng đạp xe về nhà ăn cơm. Đơn giản bởi với anh thì tiền một suất ăn trưa bằng tiền mua thức ăn cho cả hai anh em. Tôi chợt nghĩ về những lần làm nũng mẹ, những món quà ăn vặt mà không có nó tôi còn không muốn tới lớp. Tôi thấy mình thật trẻ con, thật vô tâm. Tôi tự thấy xấu hổ với mình.
Anh luôn là học sinh giỏi toàn diện, đạt thành tích cao trong các cuộc thi học sinh giỏi. Với một loạt thành tích cao nhưng chưa một lần nào anh đi học thêm mà đều tự rèn luyện ở nhà. Điều đó khiến tôi phải tự suy ngẫm lại phương pháp học của mình và rồi thêm khâm phục chàng trai giàu nghị lực và kiên trì ấy.
Hết lớp 9, anh Hoàn cùng lúc thi đỗ vào lớp 10 chuyên toán của 3 ngôi trường mà nhiều người mơ ước. Anh đã chọn vào học trường THPT Chuyên thuộc trường vì ở đó có nhiều tấm gương như Lê Hùng Việt Bảo, Ngô Đăng Tuấn làm động lực học tập. Nhà nghèo, để anh được học ở Hà Nội, bố mẹ anh cũng khăn gói lên thủ đô kiếm tiền. Bố mẹ anh người làm thợ xây, người làm phụ hồ nuôi con ăn học. Bố mẹ anh không thuê nhà trọ mà sống tạm trong chiếc lều bạt, dựng bên cạnh công trường xây dựng. Tôi chợt thấy thương bố mẹ tôi vô cùng. Đã bao đêm tôi nghe tiếng bố thở dài bên bàn làm việc, đã bao lần mẹ thức tới sáng bên giường tôi khi tôi ốm. Tôi tự hỏi phải chăng người bố, người mẹ nào cũng có thể trở nên vĩ đại như vậy vì con mình?
Thế rồi “Khổ tận cam lai”, chắc hẳn bố mẹ anh đến giờ vẫn chưa hết mừng vì cậu con trai bé nhỏ trở thành niềm tự hào không chỉ của gia đình mà còn của cả đất nước Việt Nam. Tấm Huy chương Vàng Olympic mà anh giành được là món quà vô giá anh dành tặng bố mẹ mình.
Không ngủ quên trên chiến thắng, anh làm tôi thêm phần nể phục khi anh dự định, trong năm tới sẽ học thêm tiếng Anh để đi du học. Đồng thời, anh cũng cố gắng kiếm càng nhiều học bổng càng tốt vì điều kiện gia đình rất khó khăn.Tôi tin rằng anh sẽ không đơn độc trên con đường học tập vì giờ đây, anh sẽ là tấm gương, là động lực cho những bạn trẻ khác vượt lên chính mình để tìm đến thành công, trong đó có tôi.
“Khi nhiều trông đợi được đặt lên vai một cá nhân, anh ta có thể bắt nhịp vào thời thế và biến giấc mơ thành hiện thực” (Elbert Hubbard) – vâng, không phải chân lí nào cũng mang tính tuyệt đối và hẳn nhiên không phải trong trường hợp nào câu nói trên đây vẫn đúng. Nhưng thiết nghĩ với tấm gương hiếu học Nguyễn Thế Hoàn thì điều đó hoàn toàn đúng. Ở anh, tôi học được một tấm gương của lòng hiếu học, của ý chí và trên hết là sự nỗ lực vươn lên không ngừng để dám ước mơ, dám thực hiện ước mơ. Một bài học bằng xương, bằng thịt chứ không phải là một lý thuyết hay một công thức làm người sáo rỗng. Tôi tự hứa sẽ nỗ lực hết mình từng giây, từng phút, vì ngoài kia còn có bao nhiêu người ở điểm xuất phát thấp nhưng đang vượt xa tôi. Phải rồi, vạch xuất phát đâu có gì quan trọng, quan trọng là cách thức để đến đích thôi mà. Tôi sẽ đến đích!
Thuyết minh về tấm gương học tốt của lớp em - Mẫu 3
Về trường Trung học cơ sở Nguyễn Bỉnh Khiêm, thuộc phường Hòa Minh – Quận Liên Chiểu, tôi được nghe những câu chuyện cảm động của các em học sinh nghèo, hoàn cảnh gia đình rất khó khăn nhưng vẫn vươn lên học giỏi toàn diện.
Trong đó một em đã để lại ấn tượng cho tôi nhiều nhất là em Lê Hồng Ân, học lớp 6/3. Mặc dù gia đình em có hoàn cảnh rất khó khăn, một mình mẹ em phải bươn chải kiếm tiền nuôi hai chị em ăn học. Như cô Phan Thị Lệ, mẹ em tâm sự: "Nhà cửa và mọi thứ đồ đạc trong nhà đều do người thân mua cho.Tôi làm công nhân ở khu công nghiệp tiền lương rất ít, phải chi tiêu thật tiết kiệm mới có tiền để hai con ăn học. Nhiều khi em Ân phải nhịn ăn sáng để dành tiền mua dụng cụ học tập. Nhưng tôi hạnh phúc là có được một đứa con học giỏi và ngoan hiền đến như vậy."
Hoàn cảnh gia đình khó khăn là vậy nhưng em Ân trong sáu năm liền là học sinh giỏi toàn diện của trường. Và hằng năm em luôn được thành phố trao học bổng học sinh hiếu học, có tinh thần vượt khó trong học tập. Ngoài ra, em còn được nhận học bổng từ các Hội khuyến học Quận, công ty bia Huế, công ty nhà máy nhựa.
Em không chỉ là một học sinh ngoan hiền, học giỏi mà còn là một HS tham gia rất năng nổ các hoạt động của trường giao phó. Như cô Tổng phụ trách Hệ Thị Mỹ Đức nhận xét: "Em là một liên đội trưởng xuất sắc nhất của trường Tiểu học Duy Tân. Đến lớp 6 em vừa là một lớp trưởng, vừa là một chi đội trưởng rất năng động, nhiệt tình. Và em là một học sinh có nhiều đóng góp trong những phong trào của đoàn trường".
Ân học giỏi toàn diện các môn, trong đó đáng biểu dương là em thi được giải ba học sinh giỏi cấp thành phố năm lớp 5 . Ngoài ra, em còn có tố chất năng khiếu rất nhiều lĩnh vực như vẽ, đàn, sáng tạo dụng cụ học tập, các phong trào thể thao. Đặc biệt là phong trào thể thao em đã được giải nhì bóng bàn năm lớp 4 , đến lớp 6 em được giải ba cấp quận.
Em đứng đầu trong việc làm báo tường của lớp với những hình vẽ rất đẹp và có ý nghĩa.
Là một học sinh giỏi và có phẩm chất đạo đức tốt nên em rất được các thầy cô giáo và bạn bè trong trường quý mến. Cô Phan Thị Mỹ Vân, chủ nhiệm lớp nhận xét: "Em là một học sinh rất ngoan hiền, học giỏi tất cả các môn. Và là học sinh có kết quả học tập trong học kì I năm học 2008- 2009 cao nhất trường (9,5). Ngoài ra, em còn là một lớp trưởng rất năng động, nhiệt tình vì vậy mà tôi rất yên tâm khi giao cho em công việc điều hành lớp". Mặt khác, em là một học sinh rất giàu lòng tương thân tương ái, sẵn sàng giúp đỡ những bạn học sinh yếu kém trong lớp vươn lên trong học tập. Như em Nguyễn Quang Đạt, bạn cùng lớp em đã khen ngợi: "Ân là một người bạn rất tốt, nhiệt tình giúp đỡ em trong học tập. Và từ việc học nhóm với Ân mà em đã tiến bộ hơn rất nhiều".
Ân là một học sinh không chỉ giỏi mà còn rất ham học và có tinh thần vượt khó. Ở trường, em là một học sinh giỏi, ngoan hiền được thầy cô bạn bè quý mến. Còn ở nhà em là một đứa con hết mực hiếu thảo, em luôn làm những công việc nhà khi mẹ đi vắng. Dù là còn nhỏ tuổi nhưng em nhận thức được hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn của gia đình vì thế mà em đã ra sức nỗ lực học tập. Và em đã bộc lộ ước mơ của mình: "Em sẽ cố gắng học thật giỏi để trở thành một kiến trúc sư, đáp ứng được lòng mong mỏi của gia đình, thầy cô và bạn bè. Và để mẹ em đỡ khổ và vất vả hơn."
Với khả năng học giỏi toàn diện và nỗ lực "vượt lên trên hoàn cảnh" cùng với sự dạy bảo của các thầy cô giáo, sự giúp đỡ của các cơ quan ban ngành, đoàn thể… Tôi tin rằng Ân sẽ thực hiện được ước mơ của mình. Tinh thần hiếu học và nghị lực vươn lên không ngừng của Ân thật đáng khâm phục. Đó là tấm gương sáng để cho các bạn học sinh noi theo
Thuyết minh về tấm gương học tốt của lớp em - Mẫu 4
Có những con người được may mắn sống trong một gia đình giàu có, với điều kiện tốt, họ học tốt là điều đương nhiên. Những con người sống trong hoàn cảnh khó khăn, nhưng có ý chí vươn lên học tập tốt với là những con người đáng ca ngợi và tự hào. Tấm gương đó không ai xa lạ, chính là bạn Lan, học cùng lớp với tôi.
Lan là một cô con gái lớn trong một gia đình nghèo có tới 5 chị em. Mẹ Lan là người ốm yếu bệnh tật, người trụ cột trong gia đình là cha cũng chỉ kiếm được vài chục nghìn một ngày để nuôi sống cả gia đình.
Là chị lớn trong gia đình nên Lan cũng phải lo toan mọi việc trong gia đình. Tan trường về nhà, Lan dọn dẹp mọi việc cho cha mẹ rồi đi bán vé số để tăng thu nhập cho gia đình.
Cuộc sống của gia đình Lan vốn dĩ đã khó khăn, nay càng khó khăn hơn. Vào một ngày giá rét, ba của Lan đã đột ngột ra đi, gánh nặng gia đình đổ hết lên đôi vai nhỏ bé của mẹ quanh năm đau yếu. Khó khăn là thế nhưng Lan không hề ngã trước sự nghiệt ngã của số phận. Tan học, Lan đào khoai về luộc và đi bán khắp các con hẻm. Khách mua khoai rất đông và phần lớn toàn lao động nghèo quanh khu ga xe lửa. Vừa học, vừa lao động kiếm sống nhưng Lan học rất giỏi, có thể xếp vào hàng nhất nhì của lớp. Cuộc sống của Lan luôn gắn liền với nỗi lo cơm áo gạo tiền, vậy mà không hề ảnh hưởng tới kết quả học tập của bạn. Từ lớp 6 cho tới tận bây giờ bạn luôn là học sinh xuất sắc nhất của lớp tôi.
Tôi đã tự hỏi lòng mình, tai sao trong hoàn cảnh thiếu thốn như vậy, mà Lan vẫn làm được điều phi thường. Phải chăng ông trời đã cho bạn một trí tuệ hơn người, hay nhờ ý chí nghị lực phi thường mà bạn được kết quả học tập như vậy.
Đó là một tấm gương sáng vượt khó trong muôn vàn tấm gương về học tập, chúng ta phải biết trân trọng và noi theo những tấm gương đó, phải kiên trì vượt lên hoàn cảnh, bất chấp số phận nghiệt ngã, không ngừng cố gắng học tập để đưa gia đình qua khỏi cảnh nghèo khổ, cực nhọc.
Thuyết minh về tấm gương học tốt của lớp em - Mẫu 5
Trong cuộc sống quanh ta có rất nhiều tấm gương sáng vươn lên bằng ý chí và nghị lực, họ vượt khó để chiến thắng hoàn cảnh, chiến thắng số phận. Ngày nay không có ít những tấm gương sáng của tuổi thiếu niên nghèo mà hiếu học. Có những người còn được ca ngợi trên báo chí được cả nước biết đến nhưng trong đó vẫn có những người âm thầm vượt lên với cuộc sống đói nghèo để nuôi dưỡng được và thực hiện những ước mơ khát vọng cháy bỏng của mình. Sau đây là một tấm gương sáng học sinh nghèo luôn học giỏi trong nhiều năm, cái tên đó là: Trần Bình Gấm, cô bé bán khoai đậu ba trường đại học.
Chắc mọi người vẫn nhớ vì cách đây sáu năm báo chí viết nhiều về chị. Chị Gấm là một cô con gái lớn trong một gia đình nghèo, ba chị đi đạp xích lô. Mẹ chị đi bán khoai để có thêm thu nhập cho gia đình. Cuộc sống mỗi ngày chỉ kiếm được mấy chục nghìn đồng, số tiền ít ỏi ấy dùng cho sáu người. Vì gia đình không có nhà riêng nên phải sống ở nhà bà ngoại ven kênh. Dưới chị là mấy em nhỏ. Thương ba mẹ làm vất vả, các em còn nhỏ thơ nên chị Gấm đã một mình lo toan công việc gia đình.
Nửa ngày chị Gấm đi học, nửa ngày còn lại chị đi bán vé số để tăng thu nhập cho gia đình. Có những ngày gặp mưa, vé số bán hoài không hết, chị cố gắng vào quán cà phê năn nỉ khách mua giùm. Tấm thân gầy guộc ấy run rẩy lẩy bẩy vì lạnh trong những ngày mưa mà không oán trách một câu gì. Nhìn cô gái gầy guộc, xanh xao, mắt bị cận thị nặng không ai có thể đoán ra được đó là người có ý chí nghị lực phi thường, vươn lên trước số phận nghiệt ngã.
Rồi một ngày bất ngờ xảy ra đối với gia đình chị, ba chị ra đi vì lao lực, chị vô cùng đau khổ. Gánh nặng gia đình đổ hết lên đôi vai nhỏ bé của mẹ chị. Nhưng chị vẫn không lùi bước. Hôm nào cũng san sẻ gánh nặng đó cho đôi vai của mẹ nhẹ bớt sự lo toan. Chị luôn tìm cách để giúp đỡ cho mẹ đỡ vất vả. Tan học, chị về nhà ngay rồi đi bán khắp các con hẻm. Khách mua khoai rất đông và phần lớn toàn lao động nghèo quanh khu ga xe lửa. Có điều rất lạ là dù nghèo khổ như vậy mà chị Gấm vẫn học giỏi, nhất là những môn tự nhiên.
Rồi một ngày cái tin chị Gấm thi đậu liền ba trường đại học đã khiến cho cả xóm nghèo chấn động. Rất nhiều niềm xúc động, sự khâm phục của mọi người đối với chị. Người trong xóm luôn đem chị ra làm tấm gương cho con cháu họ. Cuối cùng chị chọn vào trường đại học y để thỏa mãn ước trở thành bác sĩ chữa bệnh cho người nghèo. Hiện giờ chị đã tốt nghiệp đại học trở thành bác sĩ chuyên khoa não. Cuộc sống của cô gái đầy nghị lực đó đã được cải thiện và đầy đủ hơn.
Đó là một tấm gương sáng vượt khó trong muôn vàn tấm gương về học tập, nhìn vào đó ta thấy chị Gấm đã kiên trì vượt lên hoàn cảnh, bất chấp số phận nghiệt ngã, không ngừng cố gắng học tập để đưa gia đình qua khỏi cảnh nghèo khổ, cực nhọc.