TOP 3 bài Thuyết minh về chùa Tam Chúc hay, đặc sắc nhất, giúp các em học sinh lớp 9 hiểu rõ hơn về vị trí địa lí, cấu tạo, kiến trúc và khái quát chung về chùa Tam Chúc để viết bài văn thuyết minh thật hay.
Chùa Tam Chúc thuộc địa phận tỉnh Hà Nam, là ngôi chùa linh thiêng, khoác lên mình vẻ đẹp ngút ngàn như cõi mộng mơ. Vậy mời các em cùng theo dõi bài viết dưới đây của Download.vn, có thêm nhiều vốn từ để hoàn thiện bài văn Thuyết minh về một nét đặc sắc trong di tích thắng cảnh quê em.
Thuyết minh về chùa Tam Chúc hay nhất
Dàn ý thuyết minh về chùa Tam Chúc
Dàn ý 1
1. Mở bài
- Giới thiệu về đối tượng cần thuyết minh: Chùa Tam Chúc
2. Thân bài
a. Giới thiệu tổng quan về chùa Tam Chúc
- Vị trí: thuộc địa phận thị trấn Ba Sao, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam
- Nằm trong khuôn viên quần thể khu du lịch quốc gia Tam Chúc
- Quy mô, diện tích của chùa: tổng diện tích gần 5000 ha, quy mô gồm hồ nước, rừng và núi đá, thung lũng
- Chùa Tam Chúc đã có niên đại lên đến trên 1000 năm xây từ thời nhà Đinh
b. Thuyết minh về cảnh quan, các chi tiết và bối cảnh nổi bật
- Các địa điểm chính: nhà khách Thủy Đình, Chùa Ngọc, Điện Tam Bảo, Điện thờ pháp chủ Thích Ca Mâu Ni, Đình Tam Chúc, Vườn kinh
- Hồ Lục Nhạc ở trước mặt chùa Tam Chúc: rộng, có các quả núi giữa lòng hồ, có dịch vụ đi thuyền trên hồ tham quan cảnh chùa.
- Có tới 12000 bức tranh đá miêu tả cuộc đời của Đức Phật
- Vườn cột kinh bằng đá cao 12m, nặng 200 tấn (hiện đang xây dựng khoảng 36 cột)
c. Sức hấp dẫn và những điều đặc biệt chỉ có ở chùa Tam Chúc
- Là ngôi chùa có diện tích lớn nhất thế giới
- Ngôi chùa có tượng phật bằng đồng lớn nhất Đông Nam Á
- Mỗi năm thu hút hàng triệu lượt khách tham quan trong và ngoài nước, doanh thu ước tính hàng nghìn tỷ đồng
- Mỗi ngày có hàng ngàn đến chục ngàn khách đến tham quan chiêm bái
3. Kết bài
- Khẳng định vẻ đẹp và ý nghĩa giá trị du lịch, tâm linh của chùa Tam Chúc
Dàn ý 2
I. Mở bài:
- Giới thiệu về chùa Tam chúc - địa điểm du lịch nổi tiếng của tỉnh Hà Nam.
II. Thân bài:
- Vị trí địa lí của ngôi chùa
- Diện tích ngôi chùa
- Di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh ở nơi đây
- Truyền thuyết " Tiền lục nhạn, hậu thất tinh" về ngôi chùa
- Các điểm du lịch đáng chua ý
- Bày tỏ cảm xúc của bản thân khi nói về ngôi chùa : ngưỡng mộ, tự hào trước một danh lam thắng cảnh đẹp.
III. Kết bài:
- Khẳng định vẻ đẹp của ngôi chùa và mời gọi du khách đến tham quan và chiêm ngưỡng chùa.
Thuyết minh về chùa Tam Chúc - Mẫu 1
Chùa Tam Chúc là ngôi chùa linh thiêng nổi tiếng ở miền Bắc Việt Nam. Chùa Tam Chúc đẹp tựa bức tranh thủy mặc khổng lồ chân thực, những đường nét hài hòa tuyệt mỹ giữa sự sắp đặt của tạo hóa và sự tôn tạo của con người. Chỉ nghe sự nổi tiếng của chùa Tam Chúc qua báo đài hay mạng internet là không thể đủ để cảm nhận vẻ đẹp của ngôi chùa này, nếu không thể trực tiếp tham quan mời các bạn hãy theo chân bài viết này để cùng chiêm ngưỡng vẻ đẹp của chốn bồng lai tiên cảnh.
Những ngày đầu xuân năm mới, chùa Tam Chúc là địa điểm đã thu hút lượng khách tham quan cao kỷ lục trong dịp tết xuân Nhâm Dần 2022 này với khoảng gần 1,5 triệu lượt khách du lịch. Chùa Tam Chúc thuộc địa phận thị xã Ba Sao, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam, tuy gần đây mới được khởi công xây dựng với quy mô rộng lớn nhưng về nguồn gốc Chùa Tam Chúc đã có niên đại lên đến trên 1000 năm và được xây từ thời nhà Đinh. Đến nay vị trí ngôi chùa nằm trong khuôn viên quần thể khu du lịch quốc gia Tam Chúc bao gồm rất nhiều hạng mục như: Khu du lịch tâm linh (Chùa Tam Chúc), sân golf Kim Bảng, Khu Bảo tồn tự nhiên Quèn Vồng... Với mức kinh phí đầu tư xây dựng lên đến hơn 11000 tỷ đồng, chùa Tam Chúc có quy mô diện tích lên đến gần 5000 ha gồm hồ nước, rừng và núi đá, thung lũng, tất cả tạo nên cảnh quan non nước hùng vĩ, vừa hoang sơ vừa hiện đại.
Đặt chân đến chùa Tam Chúc bạn sẽ ấn tượng ngay với sự rộng lớn, mênh mông, như lạc vào một không gian, cảnh giới khác lạ, không còn bóng dáng của nhà cửa đường xá tấp nập, chỉ thấy xung quanh là núi non, hồ nước và cây cối xanh vút tầm mắt. Du khách có hai sự lựa chọn để đi vào chùa đó là đi bằng xe điện hoặc đi bằng thuyền tản mạn trên hồ Lục Nhạc. Nơi tiếp đón khách tham quan chính là nhà khách Thủy Đình, bên trong mọi thứ được bày biện rất trang nghiêm, bàn ghế rộng rãi và thoáng đãng dù lượng khách có đông cũng không gây chật chội. Chiếc cổng Tam Quan của chùa Tam Chúc rất lớn, hai bên là lối đi bộ lên các điện chính lớn của chùa. Hồ nước, bến thuyền, nhà Thủy Đình và cổng Tam Quan chính là những địa điểm được "check in" nhiều nhất vì bao quát phong cảnh và khiến du khách có ấn tượng mạnh.
Trong khuôn viên chùa còn có rất nhiều hạng mục ấn tượng như vườn cột kinh, các cột kinh này cao 12m, nặng 200 tấn (hiện đang xây dựng khoảng 36 cột). Tổng thể chùa Tam Chúc có ba điện chính: Điện Tam Thế, Điện Pháp chủ và Điện Quan m, tam điện này đều rất nguy nga và rộng lớn, bên trong có nhiều những bức phù điêu tạc tượng bằng đá núi lửa từ Indonesia. Trên những bức phù điêu là những câu chuyện sự tích về cuộc đời của Đức Phật. Tham quan chùa Tam Chúc theo trình tự từ thấp lên cao cho ta cảm giác như đang từng bước đến gần hơn với chốn bồng lai. Cảnh sắc luôn thay đổi, càng lên cao lại càng hấp dẫn, có thác nước chảy nhẹ, có cây xanh bao quanh và nhiều loài hoa khoe sắc. Từ trên vị trí cao nhất của chùa chính là Chùa Ngọc, phóng mắt ra xa bạn sẽ thấy hồ Lục Nhạn của Tam Chúc như một vịnh Hạ Long thu nhỏ.
Chùa Tam Chúc không chỉ nổi tiếng là ngôi chùa có diện tích lớn nhất thế giới mà còn là ngôi chùa có tượng phật bằng đồng lớn nhất Đông Nam Á. Thêm vào đó với vẻ đẹp cảnh quan và cảnh sắc thiên nhiên khiến cho ai cũng khó mà kìm lòng. Mỗi năm chùa Tam Chúc thu hút hàng triệu lượt khách tham quan trong và ngoài nước, doanh thu ước tính hàng nghìn tỷ đồng, chỉ riêng quý I năm 2022 đã đạt 1,5 triệu lượt khách đạt doanh thu 900 tỷ đồng, mỗi ngày có hàng ngàn đến chục ngàn khách đến tham quan chiêm bái.
Sẽ không quá lời khi nói chùa Tam Chúc là tiên cảnh nơi trần gian, bởi thực sự con người ta cảm nhận được trời đất giao hòa, tâm thanh ý tịnh ở nơi đây. Trên cả một địa điểm du lịch tâm linh, chùa Tam Chúc còn là nơi để mọi người được hòa mình vào không gian văn hóa Phật giáo để từ đó hướng về cái thiện, tìm về với an yên và giác ngộ.
Thuyết minh về chùa Tam Chúc - Mẫu 2
Khu du lịch Tam Chúc (Ba Sao Hà Nam) được mệnh danh là 'Vịnh Hạ Long trên cạn', nơi khoác trên mình vẻ ngút ngàn và đẹp như cõi mộng, nơi mà du khách đến sẽ cảm nhận được sự thuần khiết, thanh bình và yên ả đến lạ thường.
Quần thể khu du lịch Tam Chúc tọa lạc trên mảnh đất Ba Sao, Kim Bảng, Hà Nam. Nơi đây được Thủ tướng công nhận là Khu du lịch quốc gia theo Quyết định số 201/QĐ-TTG ngày 22/01/2013. Đặc biệt, Chùa Tam Chúc sẽ là nơi đăng cai Đại lễ Vesak năm 2019 (Đại hội Phật giáo thế giới) tổ chức vào tháng 5/2019 và cũng là thời điểm Chùa được khánh thành giai đoạn I.
Chùa Tam Chúc có tổng diện tích gần 5.000 ha, bao gồm hồ nước: 1.000 ha, núi đá rừng tự nhiên: 3.000 ha, các thung lũng: 1.000 ha. Đây là ngôi chùa vô cùng đặc biệt với cảnh quan hùng vĩ: Tiền lục nhạn, hậu thất tinh (tiền lục nhạn nghĩa là mặt trước chùa có 6 quả núi giữa lòng hồ, tương truyền rằng đây là 6 quả chuông của nhà trời đưa xuống; hậu thất tinh là đằng sau có 7 ngọn núi có thể phát sáng khi có ánh sáng vào ban đêm).
Ngôi chùa được thi công bởi rất nhiều những người thợ thủ công lành nghề của Phật giáo, Ấn Độ giáo, Hồi giáo và Thiên Chúa giáo. Năm 2000, khi khảo sát làm thủy lợi lòng hồ Tam Chúc, công nhân xây dựng đã phát hiện ra rất nhiều dấu tích các hiện vật liên quan đến chùa Tam Chúc xưa. Từ các hiện vật khảo cổ, bước đầu có thể kết luận rằng chùa Tam Chúc đã có niên đại trên 1000 năm.
Trải qua rất nhiều năm tháng, giờ chỉ còn lại những di tích cột gỗ, cột đá, xà đá còn vùi lấp ở nền móng cũ, trong đó có những cột gỗ có đường kính trên 1m, những xà đá, cột đá rất lớn mà chúng ta chưa thể hiểu được ông cha ta trước kia dựng chùa bằng cách nào với kích thước lớn như vậy.
Ngôi chùa Tam Chúc được xây dựng lại có tới 12.000 bức tranh đá miêu tả các sự tích của Đức Phật, được những người Hồi giáo Indonesia tạc bằng đá núi lửa ở Indonesia sau đó đưa sang Việt Nam.
Chùa Tam Chúc đang thiết lập một vườn cột kinh khổng lồ với 1.000 cột đá, mỗi cột cao 12m, nặng 200 tấn. Hiện tại đang dựng được khoảng 36 cột kinh do các nghệ nhân lành nghề Việt Nam tạc và dựng. Đây sẽ là vườn cột kinh lớn nhất thế giới khi hoàn thành.
Trên trục thần đạo Chùa Tam Chúc gồm: Chùa Ngọc, Điện Tam Thế, Điện Pháp Chủ, Điện Quan Âm, Cổng Tam Quan, Phòng họp Quốc tế. Những ngôi điện, các pho tượng Phật tại chùa Tam Chúc có diện tích, kích thước rất lớn.
Chùa Ngọc nằm trên đỉnh núi Thất Tinh đang được thi công bởi những nghệ nhân Ấn Độ giáo và sẽ sớm hoàn thành trong năm 2018.
Điện Tam Thế có chiều cao 39m, diện tích sàn 5.400m², giúp cho 5.000 Phật tử có thể hành lễ cùng một lúc. Bên dưới Điện Tam Thế là Điện Pháp chủ với pho tượng bằng đồng nguyên khối nặng 150 tấn.
Phòng họp Quốc tế nổi trên mặt hồ, có diện tích sàn 10.000m², có sức chứa 3.500 chỗ ngồi và Cổng Tam Quan đang trong quá trình thi công. Dự tính, thời gian hoàn thành quần thể chùa vào năm 2048. Từ khi khởi công đến khi hoàn thành là 50 năm.
Quần thể khu du lịch Tam Chúc, Ba Sao thực sự là một điểm đến tâm linh hấp dẫn, bởi nơi đây là sự kết hợp hoàn hảo giữa vẻ đẹp cổ kính của ngôi chùa nghìn năm tuổi với vẻ hùng vĩ của non nước bao la. Đặc biệt, không khí trong lành và tiếng chim hót líu lo giữa núi rừng rộng lớn là điều mà bất kỳ du khách nào cũng sẽ không thể nào quên khi đặt chân đến mảnh đất này.
Hiện nay, hệ thống giao thông kết nối Hà Nội và Hà Nam vô cùng thuận lợi. Chùa Tam Chúc cách chùa Bái Đính 30km và cách chùa Hương 4,5km tạo thành một quần thể ”Tam giác vàng” du lịch tâm linh, nhằm đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí của khách du lịch trong và ngoài nước. Với mục tiêu quản lý, khai thác hiệu quả các giá trị về cảnh quan thiên nhiên, bảo tồn giữ gìn cảnh quan môi trường sinh thái bền vững, trong thời gian không xa, khu du lịch Tam Chúc sẽ là điểm nhấn và được kỳ vọng sẽ tạo bước đột phá trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho tỉnh Hà Nam.
Thuyết minh về chùa Tam Chúc - Mẫu 3
Tam Chúc là một khu du lịch quốc gia ở Việt Nam, có điểm nhấn là chùa Tam Chúc. Toàn khu vực rộng 5.100 ha, bao gồm hệ thống các công trình văn hóa thể thao được xây dựng mới gắn với hồ Tam Chúc nằm ở thị trấn Ba Sao và xã Khả Phong, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam. Chủ đầu tư là doanh nghiệp Xuân Trường của ông Nguyễn Văn Trường ở Ninh Bình với chi phí là 11 ngàn tỷ đồng.
Từ thành phố Phủ Lý, theo đường quốc lộ 21 đi khoảng 12 km thì đến hồ Tam Chúc với diện tích tới 545ha. Từ Hà Nội đi quốc lộ 1A hoặc theo tuyến đường Mỹ Đình - Ba Sao - Bái Đính đến khu du lịch khoảng 60 km. Cách chùa Hương khoảng 10 km.
Theo quy hoạch, khu du lịch quốc gia Tam Chúc sẽ có diện tích vùng lõi là 4.000 ha. Khu du lịch quốc gia Tam Chúc thuộc thị trấn Ba Sao và 3 thôn Vồng, Khuyến Công và Khả Phong thuộc xã Khả Phong, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam. Khu du lịch sẽ phát triển 6 khu chức năng gồm khu trung tâm đón tiếp, khu văn hóa tâm linh Tam Chúc, khu bảo tồn tự nhiên Quèn Vồng và hồ Tam Chúc, khu nghỉ dưỡng chăm sóc sức khỏe và du lịch cộng đồng Tam Chúc, khu sân golf Kim Bảng và hồ Ba Hang và trung tâm dịch vụ hậu cần phục vụ hoạt động khu du lịch tại Thị trấn Ba Sao.
Nơi đây là vùng ngập nước núi đá vôi, trong khu vực và lân cận có nhiều di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh như: động Vòng, chùa Bà Đanh, đền Trúc, miếu Trung, chùa Đặng Xá, đền Bạch Mã, miếu Bóng Bà, Động Thủy, động Lim, động Chùa, đền Lê Chân, chùa Ông, chùa Tam Giáo, chùa Kiêu, chùa Vân Mộng.
Khu du lịch hồ Tam Chúc có vị trí đặc biệt là gạch nối giữa Khu du lịch Chùa Hương với khu bảo tồn thiên nhiên Vân Long, chùa Bái Đính, Tràng An, Tam Cốc tạo thành một quần thể các khu du lịch sinh thái vùng ngập nước.
Liên kết phát triển tuyến du lịch chùa Hương (Hà Nội) - Tam Chúc (Hà Nam) - chùa Bái Đính (Ninh Bình) là ý tưởng đã được Tổng cục Du lịch và các tỉnh, thành phố Hà Nội, Hà Nam, Ninh Bình lên kế hoạch thực hiện. Một con đường thẳng nối từ chùa Hương sang Tam Chúc rồi đi thẳng đến chùa Bái Đính đã được quy hoạch xây dựng, chỉ dài có hơn 20km đồng thời sẽ biến chùa Hương - Tam Chúc - chùa Bái Đính trở thành tuyến du lịch tâm linh lớn nhất Việt Nam.
Tại làm việc về công tác tổ chức Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc năm 2019 vào ngày 5/12/2018, Thủ tướng chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đồng ý để Hà Nam phối hợp với các địa phương liên quan lập hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận quần thể Tam Chúc (Hà Nam)-Chùa Hương (Hà Nội)-Vân Long (Ninh Bình)-Đồng Tâm (Hòa Bình) trở thành di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, và giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu đề xuất, báo cáo Thủ tướng theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa.
Đình Tam Chúc hiện nay là một công trình kiến trúc được phục dựng giữa lòng hồ Tam Chúc. Đình làng Tam Chúc nằm trên một hòn đảo nhỏ với một lối đi vào bằng đường bộ. Đình Tam Chúc nhỏ, mang kiến trúc đặc trưng của đình đền Bắc Bộ. Đình làng Tam Chúc xưa thờ Hoàng hậu nhà Đinh Dương Thị Nguyệt, Đinh Tiên Hoàng Đế và thần Bạch Mã. Sự tích cho biết rằng khi Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn 12 sứ quân, đã đến vùng Kim Bảng ngày nay chiêu mộ binh mã, tích trữ lương thảo đã tiến đến đền thần Linh Lang Bạch Mã cầu đảo. Khi lên ngôi Hoàng đế, Đinh Tiên Hoàng lệnh cho dân Kim Bảng lập đền thờ Thần Linh Lang Bạch Mã.
Theo Ngọc phả làng Đặng Xá, Kim Bảng, tỉnh Hà Nam, thì khi Trần Lãm mất, Đinh Bộ Lĩnh đem tướng sĩ về Hoa Lư chiêu mộ hào kiệt đi dẹp loạn 12 sứ quân. Ngài đã được vợ chồng vị hào trưởng Dương Đỉnh và vợ tên là Đặng Thị Kính (vốn người Đặng Xá, Kim Bảng) gả con gái tên là Dương Thị Nguyệt về làm vợ và đã sinh ra con gái Đinh Thị Ngọc. Đinh Bộ Lĩnh đã về Kim Bảng lập đồn trại và truyền hịch Cần Vương dẹp giặc và đã có trên 600 người ứng mộ cùng với 180 tráng đinh thuộc các xã Văn Xá, Đồng Hóa, Khả Phong, Ba Sao. Bình được 12 sứ quân thống nhất đất nước, đón Dương Nguyệt Nương về kinh đô Hoa Lư lập làm Hoàng hậu. Bà Hoàng hậu quê Hà Nam cũng chính là người đã truyền dạy trò Xuân Phả hiện còn lưu giữ đến ngày nay ở Thanh Hóa. Tại di tích Nghè Xuân Phả ở xã Xuân Trường, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa Hoàng hậu Dương Thị Nguyệt cũng được người Việt đúc tượng thờ cùng Đại Hải Long Vương với vai trò là người truyền dạy trò Xuân Phả cho dân làng.
Khi Đinh Tiên Hoàng mất, Hoàng hậu Dương Thị Nguyệt cùng công chúa Ngọc Nương đã trở về quê hương Đặng Xá giúp dân Kim Bảng dựng chùa, trồng cây và ổn định cuộc sống. Sau này khi Lê Hoàn lên ngôi Hoàng đế, đã truyền chỉ cho thiên hạ cứ nơi nào vua Đinh Tiên Hoàng đã lập đồn trại… thì đều được rước sắc về lập đền thờ cúng. Riêng tại Hà Nam có đền Lăng ở Thanh Liêm, miếu Thượng ở Đồng Lạc, đình Lạc Nhuế ở xã Đồng Hóa, đền Đặng Xá ở xã Văn Xá, Kim Bảng, đền Ung Liêm ở Phủ Lý, đình Yến ở xã Thanh Hà,... là những di tích thờ Vua Đinh.
Chùa Tam Chúc cổ được xây dựng từ thời nhà Đinh, gắn với truyền thuyết “Tiền Lục nhạc - hậu Thất Tinh”. Theo đó, trên dãy núi 99 ngọn nằm ở phía Tây Nam hướng về chùa Hương có 7 ngọn núi gần làng Tam Chúc. Tích xưa kể lại cả bảy ngọn núi này đều xuất hiện một đốm sáng lớn tựa như 7 ngôi sao, sáng suốt đêm ngày. Ánh sáng lung linh từ trên cao rọi xuống một vùng rộng lớn. Dân làng gọi đó là núi “Thất Tinh” và ngôi chùa ở đây được gọi là chùa “Thất Tinh”. Sau đó, có người đến núi Thất Tinh đục đẽo, hòng lấy đi 7 ngôi sao đặc biệt đó. Họ chất củi thành đống lớn và đốt nhiều ngày khiến cho 4 ngôi sao bị mờ dần đi, cuối cùng chỉ còn lại 3 ngôi sao. Vì thế, chùa “Thất Tinh” sau này được đổi thành chùa “Ba Sao” và thị trấn Ba Sao (Kim Bảng) cũng được lấy tên gọi từ tích ấy
Theo thượng tọa Thích Minh Quang, Phó Chánh Văn phòng TƯ GHPGVN: “Quốc sư Nguyễn Minh Không thời Lý (1066-1141) đi theo men theo núi từ Ninh Bình đến Mỹ Đức (Hà Nội) tìm cây thuốc cứu dân độ thế. Ngài đi đến đâu thấy có hang động đẹp thì lại xây chùa bái Phật. Ngày nay, Giáo hội Phật giáo Việt Nam cùng doanh nghiệp Xuân Trường đã xây dựng tuyến du lịch tâm linh Con đường Phật giáo dài hơn 100km bằng việc kết nối 3 quần thể di tích và danh lam thắng cảnh chùa Hương, chùa Tam Chúc, chùa Bái Đính theo con đường hành hương của Quốc sư Nguyễn Minh Không”.[Dưới thời Lý, Quốc sư Nguyễn Minh Không đã về Hà Nam mở rộng chùa Tam Chúc và hành đạo cứu người.
Chùa Tam Chúc mới hiện nay được xây dựng với các hạng mục cổng Tam Quan, Vườn cột kinh, điện Quan Âm, điện Pháp Chủ, điện Tam Thế và Tháp Ngọc.Chùa nằm ở phía Tây và nhìn ra hồ Tam Chúc.
Điện Tam Thế là tòa lớn nhất. Bước qua hàng cửa gỗ chạm lộng tinh xảo, phía trước là ba pho Tam Thế đại diện cho quá khứ, hiện tại và vị lai. Trên các bức tường của điện Tam Thế là những bức phù điêu về cõi Niết Bàn.
Điện Pháp Chủ nằm dưới điện Tam Thế. Điểm nhấn trong điện Pháp Chủ là 4 bức phù điêu lớn bao trùm toàn bộ các bức tường, mỗi bức phù điêu nói về một giai đoạn bước ngoặt trong cuộc đời đức Phật Thích Ca Mâu Ni từ khi Ngài Đản sinh, thành Đạo, thuyết Pháp cho tới khi nhập Niết Bàn.
Điện Quan Âm thờ Phật nghìn tay nghìn mắt, là một kho tàng phong phú với những tích chuyện về tấm lòng từ bi, nhân hậu của đức Phật, thể hiện qua các lần ứng thân trải qua vô số kiếp luân hồi.
Chùa Ngọc có chiều cao 15m được xây dựng bằng các phiến đá đỏ Granit lấy từ Ấn Độ. Tháp có 3 tầng mái cong, diện tích 36m2, trong tháp đặt pho tượng bằng đá ngọc nặng 4,9 tấn. Tại Chùa Ngọc, Doanh nghiệp Xây dựng Xuân Trường còn dự định sẽ đặt tại đây 7 viên đá thiên thạch mà ông vừa đấu giá mua được.
Vườn cột kinh nằm ngay sau cổng Tam quan, đây là là những cột kinh nguyên phục dựng giống Bảo vật quốc gia cột kinh chùa Nhất Trụ ở cố đô Hoa Lư, Ninh Bình. Giữa khoảng sân từ Tam quan tới điện Quan Âm có 32 cột kinh được bằng đá xanh Thanh Hóa, cao 13,5m, rộng khoảng 2m, mỗi cột nặng khoảng 200 tấn. Đế cột là khối đá tròn được tạo hình cánh sen xung quanh, phía trên phần thân cột là một đấu cột hình lục giác, phía trên đấu cột là một bát đỡ một nụ sen. Những lời Phật dạy sẽ được khắc lên những cột kinh này để nhắc nhở thế hệ hiện tại cũng như mai sau tu nhân tích đức.
Với những vẻ đẹp đã kể trên, chùa Tam Chúc xứng đáng là chốn bồng lai tiên cảnh, là địa điểm du lịch hấp dẫn du khách thập phương tìm về. Và nếu có dịp, bạn hãy một lần đặt chân đến vùng đất hứa này, chắc chắn Chùa Tam Chúc với vẻ đẹp nguy nga sẽ không làm bạn thất vọng.