Thực hiện quyền trẻ em - GDCD 6 sách Chân trời sáng tạo

GDCD 6 Bài 12: Thực hiện quyền trẻ em

Giáo dục công dân lớp 6 trang 48 sách Chân trời sáng tạo

Giải Giáo dục công dân 6 Bài 12: Thực hiện quyền trẻ em  giúp các em học sinh lớp 6 nhanh chóng trả lời các câu hỏi SGK Giáo dục công dân 6 sách Chân trời sáng tạo trang 48, 49, 50, 51.

Nhờ đó, các em biết cách viết một lá thư bày tỏ lòng biết ơn gửi đến người thân đã tạo điều kiện cho mình được hưởng đầy đủ các quyền trẻ em. Đồng thời, cũng giúp thầy cô soạn giáo án GDCD 6 Bài 12 CTST theo sách mới. Vậy mời thầy cô và các em cùng theo dõi bài viết dưới đây của Download.vn:

I. Khởi động GDCD 6 trang 48

❓Em hãy lắng nghe bài hát Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai (Lời thơ: Phùng Ngọc Hùng, phổ nhạc: Lê Mây) và trả lời câu hỏi:

Từ bài hát, em rút ra được thông điệp gì về quyền trẻ em?

Gợi ý trả lời

Từ bài hát, em rút ra được thông điệp về quyền trẻ em: trẻ em của ngày hôm nay thì sau này sẽ là mầm non tương lai cho đất nước , sau này có thể xây dựng lại đất nước ta ngày càng giàu đẹp hơn.

II. Khám phá GDCD 6 trang 48, 49, 50

Khám phá 1

❓Em hãy đọc thông tin dưới đây và trả lời câu hỏi:

Thông tin: Làng Hòa Bình (Bệnh viện Từ Dũ, Thành phố Hồ Chí Minh) là nơi cưu mang trẻ nhiễm chất độc màu da cam, trẻ bị bỏ rơi, với đủ mọi lứa tuổi. Có khoảng 2/3 số trẻ bị bố mẹ bỏ rơi từ lúc nhỏ. Giờ đây, trong lòng các em không còn chỗ của hận thù mà chỉ tràn ngập tình thương yêu nhờ sự quan tâm, chăm sóc của các em “mẹ” trong làng. Một số em đã vượt lên số phận và thi đỗ vào các trường đại học danh tiếng như Đại học sư phạm, Đại học Kiến trúc thành phố HCM...

1. Hoạt động của làng Hòa Bình đã thực hiện quyền nào của trẻ em?

2. Hoạt động trên có ý nghĩa gì?

Gợi ý trả lời

1. Hoạt động của làng Hòa Bình đã thực hiện quyền được chăm sóc, nuôi dưỡng, bảo vệ của trẻ em.

2. Hoạt động trên có ý nghĩa: thể hiện lòng yêu thương của cộng đồng dành cho trẻ em, nhờ tình yêu thương của các mẹ trong làng trẻ đã bù đắp lại những đau thương, mất mát mà trẻ em phải gánh chịu. Những đứa trẻ được cưu mang tại làng trẻ coi làng là gia đình, là ngôi nhà thân yêu của chúng, nơi đã sưởi ấm trái tim chúng như cha mẹ ruột thịt.

Khám phá 2

❓Em hãy quan sát các bức tranh sau đề xác định các hành vi đúng và chưa đúng trong việc thực hiện quyền trẻ em.

Quyền trẻ em

Gợi ý trả lời

  • Hành vi đúng: 1, 3, 4
  • Hành vi chưa đúng: 2

Khám phá 3

❓Đọc thông tin sau và trả lời câu hỏi:

Thông tin:

Trích khoản 1 Điều 37 Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam năm 2013

1. Trẻ em được Nhà nước, gia đình và xã hội bảo vệ, chăm sóc và giáo dục; được tham gia vào các vấn đề về trẻ em. Nghiêm cấm xâm hại, hành hạ, ngược đãi, bỏ mặc, lạm dụng, bóc lột sức lao động và những hành vi khác vi phạm quyền trẻ em.

Trích khoản 3, 5, 6 Điều 47 Luật trẻ em năm 2016

3. Cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình, cá nhân có trách nhiệm bảo vệ trẻ em. Việc bảo vệ trẻ em phải tuân thủ các quy định của pháp luật, quy trình, tiêu chuẩn do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành.

5. Bố mẹ, người chăm sóc trẻ em và trẻ em phải được cung cấp thông tin, được tham gia ý kiến với cơ quan, cá nhân có thẩm quyền trong việc ra quyết định can thiệp, hỗ trợ để bảo vệ trẻ em.

6. Coi trọng phòng ngừa, ngăn chặn nguy cơ gây tổn hại cho trẻ em; kịp thời can thiệp, giải quyết để giảm thiểu hậu quả; tích cực hỗ trợ để phục hồi, tái hòa nhập cộng đồng cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.

Trích Khoản 1 Điều 51 Luật trẻ em năm 2016

1. Cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình, cá nhân có trách nhiệm thông tin, thông báo, tố giác hành vi xâm hại trẻ em, trường hợp trẻ em bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị bạo lực, bóc bột, bỏ rơi đến cơ quan có thẩm quyền.

Điều 105 Luật trẻ em năm 2016

Cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm quy định của Luật này thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lí kỉ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

1. Theo quy định của pháp luật, những chủ thể nào có trách nhiệm bảo vệ quyền trẻ em?

2. Hãy kể ra một số việc làm thể hiện trách nhiệm của gia đình, nhà trường, xã hội và công dân trong việc thực hiện quyền trẻ em.

3. Theo em, những hành vi xâm phạm quyền trẻ em bị xử lí như thế nào?

Gợi ý trả lời

1. Theo quy định của pháp luật, những chủ thể có trách nhiệm bảo vệ quyền trẻ em gồm: cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình, cá nhân có trách nhiệm bảo vệ quyền trẻ em.

2. Một số việc làm thể hiện trách nhiệm của gia đình, nhà trường, xã hội và công dân trong việc thực hiện quyền trẻ em:

  • Trẻ em được Nhà nước, gia đình và xã hội bảo vệ, chăm sóc và giáo dục; được tham gia vào các vấn đề về trẻ em. Nghiêm cấm xâm hại, hành hạ, ngược đãi, bỏ mặc, lạm dụng, bóc lột sức lao động và những hành vi khác vi phạm quyền trẻ em.
  • Tạo điều kiện cho các em được đến trường; mở viện mồ côi; ưu tiên khám chữa bệnh cho trẻ em

3. Theo em, những hành vi xâm phạm quyền trẻ em bị xử lý: Cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm quy định của Luật này thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lí kỉ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

Khám phá 4

❓Em hãy đọc các tình huống dưới đây và trả lời câu hỏi:

Tình huống 1: Thắm có một tủ sách rất quý. Mùa hè vừa qua, Thắm được thưởng khá nhiều sách mới. Nhân dịp trường Thắm có phong trào tặng sách cho các bạn vùng sâu vùng xa, Thắm mang một ít sách tặng các bạn. Chị của Thắm không đồng ý với Thắm.

Tình huống 2: Thời gian gần đây, bố mẹ thường xuyên tranh luận bàn về việc học tập của Hùng dù em luôn ở trong các nhóm học tốt nhất lớp. Nguyên nhân do bố Hùng muốn em tham gia học thêm đủ các ngày trong tuần để thi vào trường Trung học phổ thông chuyên của tỉnh. Song, mẹ Hùng lại muốn dành thời gian để Hùng tham gia các hoạt động ngoại khóa. Biết chuyện, ông nội của Hùng đã khuyên bố Hùng nên dành cho bạn thời gian để vui chơi, giải trí vì đây cũng là quyền của trẻ em.

Tình huống 3: Em Hải mồ côi cha mẹ từ nhỏ và được vợ chồng bà Mùi – chủ một quán ăn nhận nuôi. Mới học hết tiểu học nhưng Hải đã phải nghỉ học để phụ giúp việc trong quán. Suốt 3 năm, Hải phải làm việc quần quật, thường xuyên bị hành hạ. Một bác hàng xóm biết được sự việc trình báo công an, sau đó vợ chồng bà Mùi bị bắt giữ và xét xử theo pháp luật. Còn Hải được nhận vào học tiếp ở một trung tâm giáo dục thường xuyên. Ngoài học văn hóa, Hải còn được học nghề.

Tình huống 1

1. Theo em, Thắm có quyền tặng sách cho các vùng sâu vùng xa không? Tại sao?

2. Chị của Thắm có quyền ngăn cản việc làm của Thắm không? Vì sao?

Gợi ý trả lời

1. Theo em, Thắm có quyền tặng sách cho các bạn vùng sâu vùng xa. Vì đó là những quyển sách thuộc quyền sở hữu của Thắm và Thắm đang chia sẻ sự yêu thương đến các bạn trẻ thiệt thòi hơn mình.

2. Chị của Thắm không quyền ngăn cản việc làm của thắm. Vì thắm đang thực hiện bổn phận chia sẻ giúp đỡ với các bạn khó khăn, đây là việc làm đáng được tuyên dương và khen ngợi.

Tình huống 2

Theo em, trong gia đình Hùng, ai thực hiện tốt quyền trẻ em? Vì sao?

Gợi ý trả lời

Theo em, trong gia đình Hùng ông nội thực hiện tốt quyền trẻ em. Vì ông tạo điều kiện cho Hùng được thoải mái tự do vui chơi sau những ngày học mệt mỏi, như vậy Hùng mới có cơ hội để khám phá và phát triển toàn diện hơn.

Tình huống 3

1. Vợ chồng, bà Mùi vi phạm những quyền trẻ em nào?

2. Theo em, nhà trường và xã hội có trách nhiệm như thế nào trong việc thực hiện quyền trẻ em?

Gợi ý trả lời

1. Vợ chồng bà Mùi vi phạm những quyền trẻ em: quyền được học tập, quyền tự do, quyền bảo vệ và chăm sóc. và quyền được vui chơi.

2. Theo em, nhà trường và xã hội có trách nhiệm tạo mọi điều kiện tốt nhất để bảo vệ quyền lợi của trẻ em, có trách nhiệm chăm sóc, giáo dục, bồi dưỡng trẻ em trở thành công dân có ích cho đất nước.

III. Luyện tập GDCD 6 trang 51

❓Em hãy xử lí tình huống sau:

Tình huống 1: Sinh ra trong một gia đình có điều kiện kinh tế bình thường nhưng Huy được bố mẹ rất mực yêu thương và tạo mọi điều kiện để tập trung học tập. Biết Huy yêu thích và có năng khiếu vẽ tranh, ngoài giờ học ở trường, bố mẹ tìm lớp cho Huy học thêm mĩ thuật. Huy rất thông minh và chăm chỉ học tập nên nhiều năm liền đạt danh hiệu học sinh xuất sắc và là học sinh gương mẫu của lớp, của trường. Năm học vừa qua, Huy được giải đặc biệt trong kì thi vẽ tranh của thành phố với chủ đề “Bảo vệ môi trường”. Huy là niềm tự hào của bố mẹ, thầy cô.

1. Gia đình đã đảm bảo những quyền nào của Huy? Huy đã thực hiện tốt bổn phận của mình như thế nào?

2. Xung quanh em có trường hợp gia đình nào chưa đảm bảo quyền trẻ em không? Hãy chia sẻ cùng các bạn và thầy cô?

Gợi ý trả lời

1. Gia đình đã đảm bảo những quyền học tập, bảo vệ, chăm sóc, tự do phát triển của Huy. Huy đã thực hiện tốt bổn phận của mình bằng cách nỗ lực, cố gắng học tập mang lại kết quả tốt nhất.

2. Xung quanh em không có trường hợp gia đình nào chưa đảm bảo quyền trẻ em. Vì ở thị trấn khu em đang sinh sống các gia đình đều rất văn minh, am hiểu về quyền và trách nhiệm của trẻ em. Nên trẻ em đều được sinh ra và lớn lên trong môi trường giáo dục tốt của gia đình và nhà trường.

Tình huống 2: Trên đường đi học, em thường gặp một người ép buộc các bạn nhỏ đi ăn xin mỗi ngày. Cứ hai tuần, có một nhóm bạn nhỏ xuất hiện khoảng 3 ngày, sau đó di chuyển đến nơi khác. Sau đó lại có mặt...

1. Theo em, các bạn nhỏ đã bị xâm phạm quyền nào của trẻ em?

2. Em hãy bày tỏ nhu cầu để thực hiện tốt hơn quyền trẻ em.

Gợi ý trả lời

1. Theo em các bạn nhỏ đã bị xâm phạm quyền: tự do, quyền được bảo vệ, quyền được chăm sóc

2. Nhu cầu để thực hiện tốt hơn quyền trẻ em: xã hội, gia đình cũng như cá nhân mỗi người phải luôn tạo cho các em có một môi trường sống tốt nhất, được phát triển 1 cách toàn diện...

IV. Vận dụng GDCD 6 trang 51

Câu 1

Từ 5 điều Bác Hồ dạy, em hãy thuyết trình ngắn về bổn phận của trẻ em mà em đã thực hiện được.

Gợi ý trả lời

Mẫu 1:

5 điều Bác Hồ dạy:

  • Yêu tổ quốc, yêu đồng bào
  • Học tập tốt, lao động tốt
  • Đoàn kết tốt, kỷ luật tốt
  • Giữ gìn vệ sinh thật tốt
  • Khiêm tốn thật thà dũng cảm.

Từ 5 điều Bác Hồ dạy, trong quá trình học tập và rèn luyện em đã làm được rất nhiều điều có ích. Em được hưởng các quyền cơ bản của trẻ em như: em được bố mẹ sinh ra và lớn lên, dưới sự chăm sóc và quan tâm của ông bà, bố mẹ em được đến trường đi học, em được tham gia các trò chơi vui chơi giải trí, học được rất nhiều điều bổ ích và có ý nghĩa. Bên cạnh đó, em cũng đã thực hiện đúng bổn phận và trách nhiệm của mình, em đã biết giúp đỡ ông bà, cha mẹ những công việc nhà như: rửa bát, quét nhà, lau nhà, dọn đồ đạc của em, tưới cây, tắm cho chó,... Hằng ngày, em đi học ở trường em thường xuyên giúp đỡ các bạn, hỗ trợ cô giáo nếu cô cần, hòa đồng thân thiện, chấp hành đúng nội quy của nhà trường,... Vì vậy em rất được thầy cô, bạn bè yêu quý năm nào em cũng được giấy khen học sinh giỏi, bố mẹ rất tự hào về em. Em tự nhủ bản thân rằng, mình phải cố gắng, nỗ lực trong mọi công việc, thực hiện tốt trách nhiệm của một người học sinh và tương lai sẽ trở thành người công dân có ích cho xã hội.

Mẫu 2:

5 điều Bác dạy thiếu niên, nhi đồng đã được phổ biến rộng khắp trong các trường học ở Việt Nam. Nghe theo lời dạy của Người, thiếu niên, nhi đồng Việt Nam hăng hái thi đua tham gia phong trào “Hai tốt”, phong trào “Thiếu nhi làm nghìn việc tốt”. Chính những đóng góp nhỏ bé đã góp phần xứng đáng vào sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc và sự nghiệp dựng xây đất nước.

Ngày nay, trong sự nghiệp đổi mới đất nước, 5 điều Bác dạy thiếu niên nhi đồng vẫn là bài học thuộc lòng quý giá để ghi nhớ, học tập, rèn luyện và noi theo.

Qua đó em đã thực hiện được một số việc về bổn phận của trẻ em như:

* Đối với bản thân:

- Chăm chỉ học tập, hoàn thành chương trình phổ cập giáo dục.

- Không đánh bạc, nghiện hút thuốc, uống rượu hay dùng các chất kích thích có hại cho sức khoẻ.

- Tôn trọng pháp luật.(Không được ăn cắp tài sản người khác, không xả rác bừa bãi...)

- Phải biết bảo vệ quyền của mình và quyền của người khác.

- Giữ gìn vệ sinh thân thể, thực hiện trật tự an toàn giao thông.

* Đối với gia đình:

- Yêu quý, kính trọng ông bà cha mẹ.

- Phải vâng lời ông bà, cha mẹ.

- Khi lớn, phải biết chăm sóc, phụng dưỡng cha mẹ chúng ta.

=> Làm được những điều đó mới trở thành đứa con hiếu thảo.

* Đối với nhà trường:

- Kính trọng lễ phép với thầy cô giáo.(Phải biết vâng lời...)

- Phải sống khiêm tốn, trung thực và thực hiện theo những nội quy nhà trường(Dám nhận lỗ khi mắc khuyết điểm, vâng lời thầy cô giáo...)

- Thương yêu các em nhỏ.

- Đoàn kết, hoà đồng với bạn bè trong lớp.

* Đối với xã hội:

- Yêu Tổ quốc, có ý thức xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam Xã hội chủ nghĩa.(Học hành chăm chỉ để sau này giúp ích cho đất nước....)

- Giúp đỡ mọi người xung quanh.

Câu 2

 ❓Em hãy tìm hiểu về các tổ chức chăm sóc và giúp đỡ trẻ em.

Gợi ý trả lời

Làng trẻ em SOS, qũy bảo vệ trẻ em, các trường nuôi dạy trẻ khuyết tật; quỹ nhi đồng Liên hợp quốc, quỹ bảo trợ trẻ em VN...

Câu 3

Em hãy viết một lá thư bày tỏ lòng biết ơn gửi đến người thân đã tạo điều kiện cho em được hưởng đầy đủ các quyền trẻ em.

Gợi ý trả lời

Cha mẹ kính mến!

Thế là con đã bước sang tuổi 18. Một cái tuổi đủ để con nhận ra những gì quan trọng nhất đối với cuộc đời mình. Cảm ơn cha! Cảm ơn mẹ đã sinh ra con và nuôi nấng con nên Người. Đã vì con mà chịu nhiều vất vả để con được đến trường học được nhiều điều hay lẽ phải, để có con như ngày hôm nay. Để giờ đây, con nhận ra rằng: công lao sinh thành dưỡng dục của cha mẹ thật lớn lao và không ai trên đời này quan trọng hơn cha mẹ. Hôm nay, con đã là một học sinh cuối cấp, đứng trước ngưỡng cửa của cuộc đời, nhìn lại quãng thời gian đã qua con thấy thương và biết ơn cha mẹ vô cùng!

Chín tháng mười ngày mang nặng đẻ đau. Con đâu biết được cha mẹ đã cực khổ thế nào để nuôi con khôn lớn. Nhớ ngày còn tấm bé, bao đêm mẹ thức trắng vì con. Mắt mẹ lại thâm quầng vì những đêm thức trông con ốm. Con được sinh ra trên đời này, lớn lên trong vòng tay ba mẹ chưa làm được điều gì cho ba mẹ vui lòng thì đã để những giọt buồn rơi trên mắt mẹ. Thế nhưng, âm thầm lặng lẽ ba mẹ đã tìm được niềm vui khi trông thấy con chập chững những bước đi đầu đời. Con lớn lên trong tình thương của ba mẹ, rồi đến lúc con đến trường cũng là lúc ba mẹ phải lo lắng nhiều hơn, vất vả nhiều hơn. Bàn tay cha thêm những vết chai sần. Vầng trán mẹ lại thêm nhiều vết nhăn. Cha vất vả kiếm tiền lo cho con ăn học, mẹ vun vén trong ngoài, lo cho con từng bữa ăn giấc ngủ. Từ những ngày hè nóng nực đến những ngày đông lạnh giá, mẹ đã chăm sóc, lo lắng, thức cùng con trong những đêm khuya con học bài. Mẹ đi nhém mùng mỗi khi con học xong lăn vào ngủ vội. Con quên sao được những ngày con đau ốm. Cha mẹ là người đã bên cạnh con, lo lắng chăm sóc thuốc men, bàn tay mẹ lại nhẫn nại đút cho con từng muỗng cháo. Những tình cảm đó của cha mẹ dành cho con cả đời này con sao có thể quên được.

Chính cha mẹ, với tình thương con vô bờ bến đã nuôi nấng và dạy dỗ để có con như ngày hôm nay. Thế nhưng đáp lại tình thương yêu của cha mẹ con đã làm được gì để cha mẹ vui lòng? Thương con, lo lắng cho con có lẽ ba mẹ vui ít mà buồn nhiều. Đã có lúc con cãi lời ba mẹ để rồi ngay sau đó con nhận ra rằng mình đã sai. Con còn quá nhỏ để hiểu được lẽ đời. Đã có lúc vì ham theo đuổi những cuộc chơi cùng bạn bè mà con đã để ba mẹ ngồi giữa đêm khuya lo lắng đợi con về. Đến trường, con lại gây lỗi, vi phạm nội quy của trường, không chuyên tâm học hành lại làm cha mẹ phải phiền lòng. Con xin lỗi cha mẹ! Nhưng vượt qua tất cả, hôm nay dưới mái trường này con đã là một học trò ngoan, một công dân tốt. Từ đây, con sẽ cố gắng học hành để đền đáp công ơn nuôi dưỡng của cha mẹ. Con sẽ cố gắng hết sức để hoàn thành tốt hai kì thi sắp tới để ba mẹ vui lòng.

Rồi đây trên hành trình cuộc đời sẽ có lúc con rời xa vòng tay yêu thương của cha mẹ để theo đuổi ước mơ của đời mình. Nhưng dù ở phương trời nào con cũng sẽ luôn nhớ và khắc ghi công ơn của ba mẹ. Vì con biết rằng cha mẹ là người quan trọng nhất trong đời con. Chặng đường phía trước còn dài, cuộc sống còn nhiều chông gai mà con thì đủ lớn nhưng chưa đủ khôn. Chắc chắn rằng sẽ có lúc con lầm đường lỡ bước. Con cần lắm vòng tay yêu thương của mẹ và lí trí sáng suốt của cha để giúp con vượt qua những vấp ngã trong cuộc đời. Và con tin rằng, dù ở đâu ba mẹ cũng luôn dõi theo những bước đường con đi, rơi lệ mỗi lúc con gặp khó khăn và mỉm cười khi thấy con thành đạt. Cha mẹ sẽ là ngọn đèn soi sáng cho con đi đến thành công.

Giấy ngắn tình dài không nói hết được lòng con đối với ba mẹ. Từ trong đáy lòng con muốn nói rằng: Con yêu ba mẹ! Cảm ơn ba mẹ đã sinh ra con và nuôi dạy con nên Người. Con sẽ cố gắng học tập và làm việc thật tốt để thành công vì con biết rằng:

Đi khắp thế gian không ai tốt bằng mẹ
Gánh nặng cuộc đời không ai khổ bằng cha
Nước biển đông không đong đầy tình mẹ
Mây trời lồng lộng không phủ kín công cha
Tần tảo sớm hôm mẹ nuôi ta khôn lớn
Mang cả tấm thân gầy cha che chở cho con…

>> Tham khảo: Viết thư bày tỏ lòng biết ơn tới người thân đã tạo điều kiện cho em hưởng đầy đủ các quyền trẻ em

Liên kết tải về

pdf GDCD 6 Bài 12: Thực hiện quyền trẻ em
doc GDCD 6 Bài 12: Thực hiện quyền trẻ em 1

Chủ đề liên quan

Học tập

Lớp 6

Công dân 6 CTST

Chia sẻ

Chia sẻ qua Facebook Chia sẻ

Liên hệ hợp tác hoặc quảng cáo: gmail

Điều khoản dịch vụ

Copyright © 2021 HOCTAPSGK