Từ ngày 05/11/2018, Thông tư 86/2018/TT-BTC do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành ngày 18/09/2018 chính thức có hiệu lực. Thông tư hướng dẫn quản lý và sử dụng kinh phí sự nghiệp thực hiện Chương trình mục tiêu Giáo dục vùng núi, vùng dân tộc thiểu số, vùng khó khăn giai đoạn 2016-2020.
Theo đó, kinh phí sự nghiệp được chi cho một số nội dung sau đây:
- Chi mua sắm trang thiết bị dạy học tối thiểu, bàn ghế học sinh; trang thiết bị, đồ dùng cho nhà ăn, nhà bếp, khu nội trú học sinh; sửa chữa, cải tạo nhà ăn, nhà bếp, khu nội trú;
- Chi xây dựng và triển khai Chương trình; xây dựng bộ chỉ số, hệ thống giám sát, đánh giá Chương trình; xây dựng hệ thống các biểu mẫu báo cáo, cơ chế thu thập thông tin;
- Chi thuê chuyên gia tư vấn trong nước;
- Chi tập huấn phổ biến chỉ số, hệ thống giám sát, đánh giá Chương trình cho cán bộ quản lý; tổ chức các hội nghị, hội thảo, giao ban tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn để thực hiện chương trình;
- Chi cập nhật số liệu, thu thập và xử lý thông tin, xây dựng phần mềm quản lý dữ liệu của Chương trình ở cấp trung ương;
BỘ TÀI CHÍNH | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 86/2018/TT-BTC | Hà Nội, ngày 18 tháng 9 năm 2018 |
THÔNG TƯ 86/2018/TT-BTC
HƯỚNG DẪN QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG KINH PHÍ SỰ NGHIỆP THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU GIÁO DỤC VÙNG NÚI, VÙNG DÂN TỘC THIỂU SỐ, VÙNG KHÓ KHĂN GIAI ĐOẠN 2016 - 2020
Căn cứ Nghị định số 163/2016/NĐ-CP ngày 21 tháng 12 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách Nhà nước;
Căn cứ Nghị định số 87/2017/NĐ-CP ngày 26 tháng 7 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;
Thực hiện Quyết định số 775/QĐ-TTg ngày 27 tháng 6 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu Giáo dục vùng núi, vùng dân tộc thiểu số, vùng khó khăn giai đoạn 2016 – 2020;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tài chính Hành chính sự nghiệp;
Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư hướng dẫn quản lý và sử dụng kinh phí sự nghiệp thực hiện Chương trình mục tiêu Giáo dục vùng núi, vùng dân tộc thiểu số, vùng khó khăn giai đoạn 2016 - 2020:
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Phạm vi điều chỉnh
Thông tư này hướng dẫn quản lý, sử dụng kinh phí sự nghiệp thực hiện Chương trình mục tiêu Giáo dục vùng núi, vùng dân tộc thiểu số, vùng khó khăn giai đoạn 2016 - 2020 (sau đây viết tắt là CTMT Giáo dục) được quy định tại Quyết định số 775/QĐ-TTg ngày 27 tháng 6 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ, gồm:
a) Hỗ trợ mua sắm bổ sung trang thiết bị dạy học tối thiểu và bàn ghế học sinh cho 1.070 trường và điểm trường phổ thông dân tộc bán trú và các trường, điểm trường tiểu học, trung học cơ sở công lập có học sinh bán trú tại các vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn.
b) Hỗ trợ mua sắm bổ sung trang thiết bị, đồ dùng cho 1.045 nhà ăn, nhà bếp, 1.045 khu nội trú học sinh trường phổ thông dân tộc bán trú và các trường, điểm trường tiểu học, trung học cơ sở công lập có học sinh bán trú tại các vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn.
c) Hỗ trợ sửa chữa, cải tạo theo hướng nâng cấp, mở rộng đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật trường học theo quy định hiện hành cho 760 nhà ăn, nhà bếp, 760 khu ở nội trú trường phổ thông dân tộc bán trú và các trường, điểm trường tiểu học, trung học cơ sở công lập có học sinh bán trú tại các vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó.
d) Các hoạt động giám sát, đánh giá và triển khai Chương trình ở trung ương do Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện.
2. Đối tượng áp dụng
Thông tư này áp dụng đối với các cơ quan, đơn vị có sử dụng kinh phí sự nghiệp CTMT Giáo dục để thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của chương trình; các cơ quan quản lý CTMT Giáo dục theo quy định tại Quyết định số 775/QĐ-TTg ngày 27 tháng 6 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ.
Điều 2. Nguồn kinh phí sự nghiệp thực hiện CTMT Giáo dục
1. Nguồn kinh phí sự nghiệp thực hiện CTMT Giáo dục gồm: Nguồn ngân sách nhà nước (ngân sách trung ương, ngân sách địa phương) và các nguồn vốn huy động hợp pháp khác.
2. Nguyên tắc sử dụng kinh phí
a) Việc sử dụng nguồn kinh phí sự nghiệp để thực hiện CTMT Giáo dục theo đúng quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản pháp luật có liên quan.
Ngoài nguồn kinh phí từ ngân sách nhà nước, Nhà nước khuyến khích các cơ quan, đơn vị sử dụng các nguồn kinh phí hợp pháp khác theo quy định của pháp luật để thực hiện CTMT Giáo dục.
b) Ngân sách trung ương hỗ trợ cho các địa phương để thực hiện CTMT Giáo dục theo khả năng nguồn vốn, theo quy mô và nhiệm vụ giao cho các trường, điểm trường, các địa phương thuộc đối tượng của CTMT Giáo dục; theo nhu cầu, khả năng đối ứng vốn của địa phương, trong đó ưu tiên hỗ trợ các địa bàn, cơ sở giáo dục khó khăn và có sự điều chỉnh linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tế khách quan tại các địa phương trong từng năm nhưng phải bảo đảm hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ của CTMT Giáo dục cả giai đoạn 2016 – 2020.
c) Không hỗ trợ kinh phí của CTMT Giáo dục để mua sắm mới, cải tạo, sửa chữa các trường, điểm trường thuộc diện quy hoạch lại và thay đổi địa điểm.
Điều 3. Nội dung và mức chi
1. Chi mua sắm trang thiết bị dạy học tối thiểu, bàn ghế học sinh; trang thiết bị, đồ dùng cho nhà ăn, nhà bếp, khu nội trú học sinh; sửa chữa, cải tạo nhà ăn, nhà bếp, khu nội trú của các trường phổ thông dân tộc bán trú và các trường, điểm trường tiểu học, trung học cơ sở công lập có học sinh bán trú: thực hiện theo đúng quy định của Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13 ngày 26 tháng 11 năm 2013 và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.
Trong trường hợp địa phương chịu ảnh hưởng của thiên tai như bão, lũ lụt làm ảnh hưởng lớn đến cơ sở vật chất của các trường, điểm trường thuộc đối tượng của CTMT Giáo dục; Căn cứ tình hình thực tế về nhu cầu cần thiết, cấp bách phải sửa chữa, cải tạo, trang cấp trang thiết bị phục vụ dạy, học và phục vụ ăn, ở của học sinh, Sở Giáo dục và Đào tạo báo cáo Ủy ban nhân dân các tỉnh xin ý kiến thống nhất của Bộ Giáo dục và Đào tạo để quyết định việc điều chỉnh chủng loại, số lượng trang thiết bị cần mua sắm, điều chỉnh nội dung sửa chữa, cải tạo và sử dụng nguồn kinh phí CTMT Giáo dục được giao trong năm để thực hiện mua sắm, sửa chữa, cải tạo bảo đảm phù hợp nhu cầu sử dụng và thực tế khách quan tại từng trường, điểm trường; đồng thời bảo đảm hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ của CTMT Giáo dục trên địa bàn trong cả giai đoạn 2016-2020.
2. Chi giám sát, đánh giá và triển khai Chương trình
a) Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì tổ chức công tác giám sát, đánh giá, triển khai thực hiện CTMT Giáo dục và sử dụng kinh phí kiểm tra, giám sát được bố trí để thực hiện, cụ thể:
- Chi xây dựng và triển khai chương trình; chi xây dựng bộ chỉ số, hệ thống giám sát, đánh giá chương trình; Chi xây dựng hệ thống các biểu mẫu báo cáo, cơ chế thu thập thông tin: Thực hiện theo quy định tại Thông tư số 338/2016/TT-BTC ngày 28 tháng 12 năm 2016 của Bộ Tài chính quy định lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí của ngân sách nhà nước bảo đảm cho công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và hoàn thiện hệ thống pháp luật.
- Chi thuê chuyên gia tư vấn trong nước: Căn cứ mức độ cần thiết triển khai các hoạt động của CTMT Giáo dục và dự toán ngân sách được giao, Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định việc thuê chuyên gia trong nước. Mức chi thực hiện theo quy định tại Thông tư số 02/2015/TT-BLĐTBXH ngày 12 tháng 1 năm 2015 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định mức lương đối với chuyên gia tư vấn trong nước làm cơ sở dự toán gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn áp dụng hình thức theo hợp đồng theo thời gian sử dụng vốn nhà nước. Trường hợp thuê tổ chức tư vấn độc lập thì thực hiện theo dự toán được cấp có thẩm quyền phê duyệt và tuân thủ quy định của pháp luật về đấu thầu.
- Chi tập huấn phổ biến chỉ số, hệ thống giám sát, đánh giá Chương trình cho cán bộ quản lý tại trung ương, địa phương; Chi tổ chức các hội nghị, hội thảo, giao ban tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn để thực hiện CTMT Giáo dục: thực hiện theo quy định tại Thông tư số 40/2017/TT-BTC ngày 28 tháng 4 năm 2017 của Bộ Tài chính quy định chế độ công tác phí, chế độ chi hội nghị.
- Chi cập nhật số liệu, thu thập và xử lý thông tin, xây dựng phần mềm quản lý dữ liệu của Chương trình ở cấp trung ương: thực hiện theo quy định tại Thông tư liên tịch số 19/2012/TTLT-BTC-BKHĐT-BTTTT ngày 15 tháng 02 năm 2012 của Liên Bộ Tài chính - Bộ Kế hoạch và Đầu tư - Bộ Thông tin và Truyền thông hướng dẫn quản lý và sử dụng kinh phí thực hiện Chương trình quốc gia về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước và Thông tư số 194/2012/TT-BTC ngày 15 tháng 11 năm 2012 của Bộ Tài chính hướng dẫn mức chi tạo lập thông tin điện tử.
- Công tác phí đối với các đợt kiểm tra, giám sát: thực hiện theo quy định tại Thông tư số 40/2017/TT-BTC ngày 28 tháng 4 năm 2017 của Bộ Tài chính quy định chế độ công tác phí, chế độ chi hội nghị.
Bộ Giáo dục và Đào tạo chịu trách nhiệm thanh toán chi phí cho các đoàn công tác giám sát, đánh giá CTMT Giáo dục theo chế độ quy định (tiền tàu xe đi lại, phụ cấp lưu trú, tiền thuê chỗ ở nơi đến và cước hành lý, tài liệu mang theo để làm việc). Để tránh chi trùng lắp, Bộ Giáo dục và Đào tạo thông báo bằng văn bản (trong giấy mời, triệu tập) cho cơ quan, đơn vị cử người đi công tác về nguồn kinh phí kiểm tra, giám sát và nêu rõ cơ quan, đơn vị cử người không phải thanh toán các khoản chi này.
- Thực hiện kiểm toán đối với việc sử dụng các nguồn vốn của Chương trình (kiểm toán nhà nước, kiểm toán độc lập).
b) Trường hợp các địa phương thực hiện công tác giám sát, đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ, mục tiêu, chỉ tiêu của CTMT Giáo dục tại địa phương, đề nghị sử dụng nguồn kinh phí chi sự nghiệp giáo dục – đào tạo, dạy nghề thuộc ngân sách địa phương hoặc các nguồn kinh phí hợp pháp khác theo quy định của pháp luật để thực hiện. Nội dung chi, mức chi được vận dụng thực hiện theo quy định tại Điểm a Khoản 2 Điều 3 của Thông tư này.
Điều 4. Lập, phân bổ dự toán, quản lý và quyết toán kinh phí thực hiện CTMT Giáo dục
1. Việc lập, phân bổ, chấp hành dự toán và quyết toán kinh phí CTMT Giáo dục thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Ngân sách nhà nước, đảm bảo hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ của CTMT Giáo dục.
2. Sở Giáo dục và Đào tạo các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng kế hoạch và dự toán kinh phí thực hiện CTMT Giáo dục của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương gửi Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp trình Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phê duyệt và gửi Bộ Giáo dục và Đào tạo.
3. Hằng năm, căn cứ đề xuất của các tỉnh về nội dung, nhiệm vụ, kinh phí thực hiện CTMT Giáo dục; căn cứ tình hình thực hiện các mục tiêu của CTMT Giáo dục năm trước, mục tiêu của từng nhiệm vụ giai đoạn 2016-2020 và dự kiến kinh phí ngân sách trung ương năm sau; Bộ Giáo dục và Đào tạo rà soát đối tượng, mục tiêu, nhiệm vụ CTMT Giáo dục và xây dựng kế hoạch dự toán kinh phí thực hiện CTMT Giáo dục gửi Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp theo quy định.
4. Căn cứ dự toán ngân sách được Thủ tướng Chính phủ giao về kinh phí CTMT Giáo dục; Căn cứ hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương giao Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì phối hợp với Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan liên quan xây dựng phương án phân bổ dự toán kinh phí thực hiện CTMT Giáo dục từ nguồn ngân sách Trung ương và bố trí nguồn ngân sách địa phương, huy động các nguồn kinh phí khác để thực hiện CTMT Giáo dục ở địa phương. Mức kinh phí phân bổ đảm bảo không thấp hơn dự toán kinh phí CTMT Giáo dục được Thủ tướng Chính phủ giao.
Sau khi phương án phân bổ kinh phí CTMT Giáo dục được phê duyệt, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm gửi kết quả phân bổ dự toán kinh phí CTMT Giáo dục (chi tiết từng nhiệm vụ) về Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư theo quy định.
Điều 5. Tổ chức thực hiện
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 05 tháng 11 năm 2018.
2. Đối với khối lượng công việc đã triển khai thực hiện trước khi Thông tư này có hiệu lực thi hành; các Bộ, cơ quan Trung ương, các địa phương căn cứ quy định tại Thông tư này và chứng từ chi tiêu thực tế hợp pháp, hợp lệ để quyết toán kinh phí theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.
3. Trường hợp các văn bản dẫn chiếu tại Thông tư này được sửa đổi, bổ sung, thay thế thì áp dụng theo các văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế đó.
4. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, đề nghị các đơn vị kịp thời phản ánh về Bộ Tài chính nghiên cứu, giải quyết./.
Nơi nhận: | KT. BỘ TRƯỞNG |