Thông tư 48/2016/TT-BTTTT hướng dẫn việc cấp giấy phép hoạt động báo in và báo điện tử, xuất bản thêm ấn phẩm, mở chuyên trang của báo điện tử, xuất bản phụ trương, xuất bản bản tin, xuất bản đặc san do Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành ngày 26/12/2016 bắt đầu có hiệu lực kể từ ngày 15/02/2017.
Theo đó, Bộ trưởng Bộ TT&TT cấp giấy phép hoạt động báo in và báo điện tử; cấp giấy phép xuất bản thêm ấn phẩm theo quy định của pháp luật và quy định tại Thông tư này.
Về hồ sơ, thủ tục cấp giấy phép hoạt động báo in, Thông tư nêu rõ: Cơ quan, tổ chức đề nghị cấp giấy phép hoạt động báo in (gồm báo in, tạp chí in) gửi trực tiếp hoặc qua hệ thống bưu chính 01 bộ hồ sơ về Bộ TT&TT.
Hồ sơ gồm có: Tờ khai đề nghị cấp giấy phép hoạt động báo in; đề án hoạt động báo in có xác nhận của cơ quan, tổ chức, gồm các nội dung quy định; danh sách dự kiến nhân sự của báo in; sơ yếu lý lịch người dự kiến là tổng biên tập; mẫu trình bày tên gọi của ấn phẩm báo chí có xác nhận của cơ quan, tổ chức đề nghị cấp giấy phép hoạt động báo in.
Đối với hồ sơ, thủ tục cấp giấy phép hoạt động báo điện tử, Thông tư quy định: Cơ quan, tổ chức đề nghị cấp giấy phép hoạt động báo điện tử (gồm báo điện tử, tạp chí điện tử) gửi trực tiếp hoặc qua hệ thống bưu chính 01 bộ hồ sơ về Bộ TT&TT.
Bộ hồ sơ này gồm: Tờ khai đề nghị cấp giấy phép hoạt động báo điện tử; đề án hoạt động báo điện tử có xác nhận của cơ quan, tổ chức; danh sách nhân sự dự kiến; sơ yếu lý lịch của người dự kiến là tổng biên tập; bản in màu giao diện trang chủ báo điện tử có xác nhận của cơ quan, tổ chức đề nghị cấp phép; văn bản chứng minh sở hữu tên miền còn thời gian sử dụng tối thiểu 6 tháng tính từ thời điểm đề nghị cấp phép.
Nội dung Thông tư 48/2016/TT-BTTTT
BỘ THÔNG TIN VÀ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 48/2016/TT-BTTTT | Hà Nội, ngày 16 tháng 12 năm 2016 |
THÔNG TƯ
QUY ĐỊNH CHI TIẾT VÀ HƯỚNG DẪN VIỆC CẤP GIẤY PHÉP HOẠT ĐỘNG BÁO IN VÀ BÁO ĐIỆN TỬ, XUẤT BẢN THÊM ẤN PHẨM, MỞ CHUYÊN TRANG CỦA BÁO ĐIỆN TỬ, XUẤT BẢN PHỤ TRƯƠNG, XUẤT BẢN BẢN TIN, XUẤT BẢN ĐẶC SAN
Căn cứ Luật báo chí ngày 05 tháng 4 năm 2016;
Căn cứ Nghị định số 132/2013/NĐ-CP ngày 16 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Thông tin và Truyền thông;
Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Báo chí;
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành Thông tư quy định chi tiết và hướng dẫn việc cấp giấy phép hoạt động báo in và báo điện tử, xuất bản thêm ấn phẩm, mở chuyên trang của báo điện tử, xuất bản phụ trương, xuất bản bản tin, xuất bản đặc san.
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Thông tư này quy định chi tiết và hướng dẫn việc cấp giấy phép hoạt động báo in và báo điện tử, xuất bản thêm ấn phẩm, mở chuyên trang của báo điện tử, xuất bản phụ trương, xuất bản bản tin, xuất bản đặc san theo quy định tại Điều 18, Điều 20, Điều 31, Điều 34, Điều 35 Luật báo chí.
Điều 2. Đối tượng được đề nghị cấp giấy phép
1. Các đối tượng được thành lập cơ quan báo chí quy định tại Điều 14 Luật báo chí có đủ điều kiện theo quy định tại Điều 17 Luật báo chí được đề nghị cấp giấy phép hoạt động báo in và báo điện tử, xuất bản thêm ấn phẩm, mở chuyên trang của báo điện tử, xuất bản phụ trương.
2. Cơ quan, tổ chức quy định tại khoản 3 Điều 34 Luật báo chí được đề nghị cấp giấy phép xuất bản bản tin.
3. Cơ quan, tổ chức quy định tại khoản 2 Điều 35 và khoản 1 Điều 56 Luật báo chí được đề nghị cấp giấy phép xuất bản đặc san.
Điều 3. Thẩm quyền cấp giấy phép
1. Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cấp giấy phép hoạt động báo in và báo điện tử; cấp giấy phép xuất bản thêm ấn phẩm theo quy định của pháp luật và quy định tại Thông tư này.
2. Cục trưởng Cục Báo chí cấp giấy phép xuất bản phụ trương; cấp giấy phép chuyên trang của báo điện tử; cấp giấy phép xuất bản đặc san; cấp giấy phép xuất bản bản tin cho các cơ quan, tổ chức của trung ương, cơ quan đại diện nước ngoài, tổ chức nước ngoài tại Việt Nam theo quy định của pháp luật và quy định tại Thông tư này.
3. Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp giấy phép xuất bản bản tin cho các cơ quan, tổ chức ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương theo quy định của pháp luật và quy định tại Thông tư này.
Điều 4. Tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ
1. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị, cơ quan cấp giấy phép kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ. Trường hợp hồ sơ chưa hợp lệ, cơ quan cấp giấy phép có văn bản thông báo cho cơ quan, tổ chức nộp hồ sơ về việc bổ sung, hoàn thiện hồ sơ.
2. Thời gian xem xét việc cấp giấy phép được tính kể từ ngày cơ quan cấp giấy phép nhận đủ hồ sơ hợp lệ của cơ quan, tổ chức đề nghị cấp phép.