Thông tư 41/2018/TT-BTC - Nguyên tắc xử lý tài chính khi cổ phần hóa DNNN

Thông tư 41/2018/TT-BTC

Nguyên tắc xử lý tài chính khi cổ phần hóa DNNN

Từ ngày 18/06/2018, Thông tư 41/2018/TT-BTC do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành ngày 04/05/2018 chính thức có hiệu lực. Thông tư hướng dẫn về xử lý tài chính và xác định giá trị doanh nghiệp khi chuyển doanh nghiệp nhà nước và công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do doanh nghiệp nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ thành công ty cổ phần. Sau đây là nội dung chi tiết, mời các bạn cùng tham khảo và tải Thông tư tại đây.

BỘ TÀI CHÍNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 41/2018/TT-BTC

Hà Nội, ngày 4 tháng 5 năm 2018

THÔNG TƯ
HƯỚNG DẪN MỘT SỐ NỘI DUNG VỀ XỬ LÝ TÀI CHÍNH VÀ XÁC ĐỊNH GIÁ TRỊ DOANH NGHIỆP KHI CHUYỂN DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC VÀ CÔNG TY TRÁCH NHIỆM HỮU HẠN MỘT THÀNH VIÊN DO DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC ĐẦU TƯ 100% VỐN ĐIỀU LỆ THÀNH CÔNG TY CỔ PHẦN

Căn cứ Luật Doanh nghiệp số 68/2014/QH13 ngày 26/11/2014;

Căn cứ Luật quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp số 69/2014/QH13 ngày 26/11/2014;

Căn cứ Nghị định số 87/2017/NĐ-CP ngày 26/7/2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;

Căn cứ Nghị định số 126/2017/NĐ-CP ngày 16/11/2017 của Chính phủ về chuyển doanh nghiệp nhà nước và công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do doanh nghiệp nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ thành công ty cổ phần;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp;

Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư hướng dẫn một số nội dung về xử lý tài chính và xác định giá trị doanh nghiệp khi chuyển doanh nghiệp nhà nước và công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do doanh nghiệp nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ thành công ty cổ phần,

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Phạm vi điều chỉnh:

Thông tư này hướng dẫn một số nội dung về xử lý tài chính và xác định giá trị doanh nghiệp khi thực hiện chuyển doanh nghiệp nhà nước và công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do doanh nghiệp nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ thành công ty cổ phần theo quy định tại Nghị định số 126/2017/NĐ-CP ngày 16/11/2017 của Chính phủ về chuyển doanh nghiệp nhà nước và công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do doanh nghiệp nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ thành công ty cổ phần (sau đây gọi tắt là Nghị định số 126/2017/NĐ-CP).

2. Đối tượng áp dụng:

a) Các doanh nghiệp quy định tại Khoản 2 và Khoản 3 Điều 2 Nghị định số 126/2017/NĐ-CP (sau đây gọi tắt là doanh nghiệp cổ phần hóa).

b) Cơ quan đại diện chủ sở hữu và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan quy định tại Khoản 1 và Khoản 4 Điều 2 Nghị định số 126/2017/NĐ-CP.

Điều 2. Một số nguyên tắc về xử lý tài chính và xác định giá trị doanh nghiệp khi thực hiện cổ Phần hóa.

1. Căn cứ danh mục doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, doanh nghiệp phải chủ động thực hiện xử lý các vấn đề về tài chính theo quy định hiện hành; đồng thời xây dựng trình cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án sử dụng đất theo quy định pháp luật về đất đai, pháp luật về sắp xếp lại, xử lý nhà đất thuộc sở hữu nhà nước trước thời điểm quyết định cổ phần hoá.

2. Khi nhận được quyết định cổ phần hóa của cơ quan có thẩm quyền, doanh nghiệp phải thực hiện tổ chức kiểm kê, phân loại tài sản, nguồn vốn và xử lý các vấn đề về tài chính tại thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp theo quy định tại Điều 13 Nghị định số 126/2017/NĐ-CP và các nội dung hướng dẫn tại Mục I, Mục II Chương 2 Thông tư này làm cơ sở để lập báo cáo tài chính tại thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp và tại thời điểm doanh nghiệp cổ phần hoá chuyển sang công ty cổ phần.

3. Trường hợp sau khi đã được xử lý tài chính và xác định lại giá trị doanh nghiệp theo quy định mà giá trị thực tế doanh nghiệp thấp hơn các khoản phải trả thì xử lý theo quy định tại Khoản 2 Điều 4 Nghị định số 126/2017/NĐ-CP.

4. Quá trình xử lý tài chính và xác định giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa phải đảm bảo chặt chẽ, công khai, minh bạch, đảm bảo đúng quy định của Nhà nước. Các tổ chức, cá nhân có liên quan khi thực hiện xử lý tài chính và xác định giá trị doanh nghiệp không chấp hành đúng chế độ quy định, gây ra tổn thất hoặc thất thoát tài sản nhà nước thì tổ chức, cá nhân đó chịu trách nhiệm hành chính, bồi thường vật chất hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

5. Trường hợp phát hiện kê khai thiếu hoặc bỏ sót các tài sản, công nợ trong quá trình kiểm kê tài sản, đối chiếu xác nhận công nợ dẫn đến giảm giá trị doanh nghiệp và vốn nhà nước tại doanh nghiệp cổ phần hóa do nguyên nhân chủ quan thì doanh nghiệp cổ phần hoá và các tổ chức, cá nhân liên quan phải chịu trách nhiệm bồi hoàn nộp vào Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp toàn bộ giá trị tài sản, công nợ kê khai thiếu hoặc bỏ sót; trường hợp cố tình kê khai thiếu hoặc cố tình bỏ sót thì sẽ phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật. Riêng các khoản phải nộp ngân sách nhà nước bị bỏ sót thì phải thực hiện kê khai và nộp vào ngân sách nhà nước theo đúng quy định của pháp luật.

6. Cơ quan đại diện chủ sở hữu chịu trách nhiệm giải quyết các vấn đề về tài chính trong quá trình cổ phần hóa theo quy định tại Nghị định số 126/2017/NĐ-CP và những vấn đề về tài chính phát sinh (nếu có) có liên quan đến quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp sau khi doanh nghiệp cổ phần hóa chính thức chuyển thành công ty cổ phần.

7. Các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ tại thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp và thời điểm doanh nghiệp cổ phần hóa chính thức chuyển thành công ty cổ phần (bao gồm: khoản mục tiền và tương đương tiền, nợ phải thu, nợ phải trả, đặt cọc, ký cược, ký quỹ) được xác định lại theo tỷ giá quy định của chế độ kế toán doanh nghiệp hiện hành.

8. Tại thời điểm doanh nghiệp cổ phần hóa được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cổ phần lần đầu, doanh nghiệp lập báo cáo tài chính và xử lý các vấn đề về tài chính theo quy định tại Điều 21 Nghị định số 126/2017/NĐ-CP.

Trường hợp doanh nghiệp đã được cơ quan có thẩm quyền quyết định điều chỉnh giảm vốn nhà nước tại thời điểm doanh nghiệp cổ phần hóa được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh tương ứng với số lỗ phát sinh theo quy định tại Khoản 7 Điều 21 Nghị định số 126/2017/NĐ-CP thì công ty cổ phần không được chuyển số lỗ này khi xác định thu nhập chịu thuế của các năm sau theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp và các văn bản hướng dẫn có liên quan.

9. Tổ chức tư vấn xác định giá trị doanh nghiệp phải thực hiện xác định giá trị doanh nghiệp theo phương pháp tài sản quy định tại Mục 2 Chương III Nghị định số 126/2017/NĐ-CP ngày 16/11/2017 của Chính phủ và hướng dẫn cụ thể tại Thông tư này; đồng thời được lựa chọn thêm các phương pháp xác định giá trị doanh nghiệp thích hợp theo quy định của pháp luật giá và thẩm định giá để xác định giá trị doanh nghiệp, đảm bảo mỗi doanh nghiệp cổ phần hóa phải được áp dụng tối thiểu 02 phương pháp xác định giá trị doanh nghiệp khác nhau trình cơ quan đại diện chủ sở hữu xem xét, quyết định.

Chương II

XỬ LÝ TÀI CHÍNH KHI CỔ PHẦN HÓA VÀ XÁC ĐỊNH GIÁ TRỊ DOANH NGHIỆP THEO PHƯƠNG PHÁP TÀI SẢN

MỤC I. KIỂM KÊ TÀI SẢN, ĐỐI CHIẾU CÔNG NỢ

Điều 3. Kiểm kê, phân loại tài sản

1. Doanh nghiệp cổ phần hóa có trách nhiệm kiểm kê, phân loại tài sản, các nguồn vốn và quỹ đang quản lý, sử dụng tại thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp; phối hợp với Tổ chức tư vấn (nếu có) thực hiện kiểm kê, phân loại tài sản.

2. Tại thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp, doanh nghiệp phải lập bảng kê xác định đúng số lượng, hiện trạng thực tế, chất lượng và giá trị của tài sản hiện có do doanh nghiệp đang quản lý và sử dụng; kiểm quỹ tiền mặt, đối chiếu số dư tiền gửi ngân hàng; xác định tài sản, tiền mặt thừa, thiếu so với sổ kế toán, phân tích rõ nguyên nhân thừa, thiếu và trách nhiệm của những người có liên quan, xác định mức bồi thường theo quy định của pháp luật.

3. Tài sản đã kiểm kê được phân loại theo các nhóm sau:

a) Tài sản dùng trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

b) Tài sản không cần dùng, tài sản ứ đọng, chậm luân chuyển, tài sản chờ thanh lý.

c) Tài sản hình thành từ nguồn quỹ khen thưởng, quỹ phúc lợi (nếu có).

d) Tài sản thuê, mượn, vật tư hàng hóa nhận giữ hộ, nhận gia công, nhận đại lý, nhận ký gửi, tài sản nhận góp vốn liên doanh, liên kết và các tài sản khác không phải của doanh nghiệp.

đ) Tài sản gắn liền với đất thuộc diện phải xử lý theo phương án sắp xếp lại, xử lý đối với các cơ sở nhà, đất theo quyết định phê duyệt của cơ quan có thẩm quyền phù hợp với pháp luật về sắp xếp lại, xử lý nhà đất thuộc sở hữu nhà nước.

e) Tài sản của các đơn vị sự nghiệp có thu (các cơ sở nhà đất của các đơn vị sự nghiệp có thu theo pháp luật về sắp xếp lại, xử lý nhà đất thuộc sở hữu nhà nước), tài sản hoạt động sự nghiệp.

g) Tài sản chờ quyết định xử lý của các cơ quan có thẩm quyền.

h) Các khoản đầu tư tài chính (góp vốn liên doanh, góp vốn thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn, các hoạt động góp vốn khác) bằng giá trị quyền sử dụng đất.

i) Tài sản khác (nếu có).

Điều 4. Đối chiếu, xác nhận và phân loại các khoản công nợ.

Doanh nghiệp cổ phần hóa đối chiếu, xác nhận và phân loại các khoản công nợ theo quy định tại Điều 15, Điều 16 Nghị định số 126/2017/NĐ-CP, lập bảng kê chi tiết đối với từng khách nợ, chủ nợ tại thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp và các nội dung hướng dẫn cụ thể sau:

1. Nợ phải thu:

a) Đối chiếu, xác nhận các khoản nợ phải thu theo từng khách nợ, bao gồm:

- Toàn bộ các khoản nợ phải thu đến hạn, chưa đến hạn và đã quá hạn thanh toán; đối với ngân hàng thương mại phải đối chiếu, xác nhận cả các khoản nợ phải thu ngoại bảng.

- Phân tích rõ các khoản nợ phải thu khó đòi là nợ phải thu đã quá hạn thanh toán ghi trên hợp đồng và nợ phải thu chưa đến thời hạn thanh toán nhưng tổ chức kinh tế (các công ty, doanh nghiệp tư nhân, hợp tác xã, tổ chức tín dụng) đã lâm vào tình trạng phá sản hoặc đang làm thủ tục giải thể hoặc người nợ là cá nhân đã mất tích, bỏ trốn, đang bị các cơ quan pháp luật truy tố, giam giữ, xét xử, đang thi hành án hoặc đã chết. Xác định rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan đối với các khoản nợ phải thu không xác định được bên có nghĩa vụ trả nợ.

Các khoản nợ phải thu không có khả năng thu hồi phải có đủ tài liệu chứng minh là không thu hồi được theo quy định tại Khoản 3 Điều 7 của Thông tư này.

b) Rà soát các hợp đồng để xác định các khoản đã trả trước cho người cung cấp hàng hóa dịch vụ nhưng đã hạch toán toàn bộ giá trị trả trước vào chi phí kinh doanh như: tiền thuê nhà, tiền thuê đất, tiền mua hàng, tiền mua bảo hiểm dài hạn, tiền lương, tiền công....

c) Trường hợp đến thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa mà vẫn còn một số khoản nợ phải thu có đầy đủ hồ sơ nhưng chưa được đối chiếu, xác nhận thì doanh nghiệp cổ phần hóa có trách nhiệm báo cáo cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định xử lý theo quy định tại Khoản 2 Điều 15 Nghị định số 126/2017/NĐ-CP.

2. Nợ phải trả các tổ chức, cá nhân (bao gồm các khoản nợ đến hạn, chưa đến hạn và quá hạn thanh toán) tại thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp:

a) Căn cứ hợp đồng, giấy báo nợ, đối chiếu nợ để lập bảng kê các khoản nợ vay theo từng chủ nợ; xác định các khoản nợ thuế và khoản phải nộp ngân sách nhà nước khác; phân tích cụ thể các khoản nợ vay theo hợp đồng (vay trong nước, vay nước ngoài), vay có bảo lãnh, vay do phát hành trái phiếu; các khoản nợ phải trả trong hạn, đến hạn và đã quá hạn thanh toán; khoản nợ gốc, nợ lãi, khoản nợ phải trả nhưng không phải trả.

b) Nợ phải trả nhưng không phải trả là khoản nợ mà chủ nợ của doanh nghiệp cổ phần hóa khi thực hiện đối chiếu xác nhận nợ thuộc một trong các trường hợp sau:

- Nợ của các doanh nghiệp đã giải thể hoặc phá sản nhưng không xác định cơ quan hoặc cá nhân kế thừa nợ theo phương án giải thể, phá sản đã được cơ quan có thẩm quyền quyết định.

- Nợ của các cá nhân đã chết nhưng không xác định người kế thừa theo quy định của pháp luật thừa kế tài sản.

- Nợ của các chủ nợ khác đã quá hạn nhưng chủ nợ không đến đối chiếu, xác nhận. Trong trường hợp này doanh nghiệp cổ phần hóa phải có văn bản thông báo gửi trực tiếp đến chủ nợ đồng thời thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng trước thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp ít nhất 10 ngày làm việc.

Điều 5. Đối chiếu, xác nhận các khoản đầu tư tài chính; các khoản được chia; các khoản nhận góp vốn.

1. Doanh nghiệp cổ phần hóa lập bảng kê chi tiết đối chiếu, xác nhận các khoản đầu tư tài chính, khoản lợi nhuận được chia của doanh nghiệp bao gồm: các khoản đầu tư góp vốn liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp, tổ chức; góp vốn cổ phần, góp vốn thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn; vốn đầu tư thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do doanh nghiệp cổ phần hóa làm chủ sở hữu; lợi nhuận được chia từ hoạt động đầu tư góp vốn (đã có Nghị quyết của Đại hội cổ đông, Hội đồng thành viên tại tổ chức nhận góp vốn) nhưng thực tế chưa nhận được tiền tính đến thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp.

2. Xác định số lượng, giá trị các loại chứng khoán (cổ phiếu, trái phiếu ...) đã mua; số lượng cổ phiếu doanh nghiệp cổ phần hóa được chia.

3. Đối với các khoản nhận góp vốn liên doanh, liên kết, doanh nghiệp cổ phần hóa căn cứ hợp đồng liên doanh, liên kết lập bảng kê chi tiết theo từng đối tác đã góp vốn vào doanh nghiệp cổ phần hóa và thông báo cho chủ góp vốn biết để cùng với công ty cổ phần kế thừa các hợp đồng đã ký trước đây hoặc thanh lý hợp đồng.

Điều 6. Kiểm kê, đối chiếu, xác nhận, phân loại tài sản và các khoản nợ khi cổ phần hóa các ngân hàng thương mại nhà nước.

Việc kiểm kê, đánh giá, phân loại tài sản là vốn bằng tiền, tài sản cho thuê tài chính, các khoản công nợ của ngân hàng thương mại nhà nước thực hiện theo quy định tại Điều 3, Điều 4, Điều 5 Thông tư này và các nội dung hướng dẫn cụ thể sau:

1. Kiểm kê, đối chiếu các khoản tiền gửi của khách hàng, chứng chỉ tiền gửi (tín phiếu, kỳ phiếu, trái phiếu) như sau:

a) Kiểm kê chi tiết từng khoản trên sổ kế toán.

b) Đối chiếu xác nhận số dư tiền gửi của các khách hàng là pháp nhân.

c) Tiền gửi tiết kiệm, tiền gửi cá nhân, chứng chỉ tiền gửi phải đối chiếu với hồ sơ sổ sách kế toán lưu tại ngân hàng và thực hiện đối chiếu trực tiếp với các khách hàng. Trường hợp chưa tổ chức đối chiếu được hết với các khách hàng thì thực hiện theo quy định tại Khoản 1 Điều 16 Nghị định số 126/2017/NĐ-CP.

2. Đối chiếu tài sản là dư nợ tín dụng (kể cả dư nợ được theo dõi ngoài bảng) như sau:

a) Căn cứ hồ sơ tín dụng của từng khách hàng tại ngân hàng thương mại để lập danh sách những khách hàng còn dư nợ tín dụng và số dư nợ tín dụng của từng khách hàng, chi tiết theo từng hợp đồng tín dụng.

b) Đối chiếu giữa số liệu xác định theo hồ sơ tín dụng với số liệu hạch toán trên sổ kế toán của ngân hàng thương mại; đối chiếu dư nợ tín dụng với từng khách hàng để có xác nhận của khách hàng về số dư nợ tín dụng.

Đối với khách hàng là cá nhân, trường hợp không tổ chức đối chiếu được với khách hàng thì ngân hàng thương mại phải đối chiếu với hồ sơ sổ sách kế toán lưu tại ngân hàng.

c) Trường hợp có sự chênh lệch số liệu giữa hồ sơ tín dụng với sổ kế toán và xác nhận của khách hàng thì ngân hàng thương mại phải làm rõ nguyên nhân chênh lệch và xác định trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan để xử lý theo quy định hiện hành của Nhà nước.

3. Phân loại các khoản nợ phải thu tồn đọng đã đủ điều kiện được sử dụng dự phòng rủi ro theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

4. Đối với các tài sản cho thuê tài chính: phải thực hiện đối chiếu với từng khách hàng, xác định rõ số nợ còn phải trả của từng tài sản cho thuê tài chính.

MỤC II. XỬ LÝ TÀI CHÍNH TẠI THỜI ĐIỂM XÁC ĐỊNH GIÁ TRỊ DOANH NGHIỆP VÀ TẠI THỜI ĐIỂM CHUYỂN THÀNH CÔNG TY CỔ PHẦN

Điều 7. Xử lý về tài chính tại thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp.

1. Doanh nghiệp thực hiện xử lý tài chính tại thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp (trước khi tổ chức tư vấn xác định giá trị doanh nghiệp) theo quy định từ Điều 14 đến Điều 20 Nghị định số 126/2017/NĐ-CP và các nội dung hướng dẫn cụ thể tại Khoản 2, Khoản 3 và Khoản 4 Điều này.

2. Căn cứ vào kết quả kiểm kê, phân loại tài sản: đối với tài sản thừa, thiếu, doanh nghiệp phải phân tích làm rõ nguyên nhân và xử lý như sau:

a) Tài sản thiếu phải xác định trách nhiệm của tổ chức, cá nhân để xử lý bồi thường vật chất theo quy định hiện hành; giá trị tài sản thiếu sau khi trừ khoản bồi thường của tổ chức, cá nhân (nếu có), doanh nghiệp hạch toán vào kết quả kinh doanh khi lập báo cáo tài chính tại thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp.

b) Tài sản thừa phải xác định rõ nguyên nhân, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân để xử lý theo quy định hiện hành; giá trị tài sản thừa không phải trả, doanh nghiệp hạch toán vào kết quả kinh doanh khi lập báo cáo tài chính tại thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp.

3. Các khoản nợ phải thu (ngoại trừ dư nợ tín dụng của ngân hàng thương mại nhà nước thực hiện cổ phần hóa) được xác định là nợ phải thu không có khả năng thu hồi được loại ra khỏi giá trị doanh nghiệp khi có đủ tài liệu chứng minh, cụ thể như sau:

a) Sổ kế toán, chứng từ, tài liệu chứng minh khoản nợ chưa thu hồi được đến thời điểm xử lý nợ doanh nghiệp đang hạch toán nợ phải thu trên sổ kế toán của doanh nghiệp như: hợp đồng kinh tế; khế ước vay nợ; cam kết nợ; bản thanh lý hợp đồng (nếu có); đối chiếu công nợ (nếu có); văn bản đề nghị đối chiếu công nợ hoặc văn bản đòi nợ do doanh nghiệp đã gửi (có dấu bưu điện hoặc xác nhận của đơn vị chuyển phát); bảng kê công nợ và các chứng từ khác có liên quan.

b) Trường hợp đối với tổ chức kinh tế:

- Khách nợ đã phá sản: có quyết định của Tòa án tuyên bố phá sản doanh nghiệp theo Luật phá sản.

- Khách nợ đã ngừng hoạt động, giải thể, bỏ trốn: có xác nhận của cơ quan quyết định thành lập doanh nghiệp hoặc tổ chức đăng ký kinh doanh hoặc cơ quan thuế quản lý trực tiếp về việc doanh nghiệp, tổ chức đã ngừng hoạt động, giải thể, bỏ trốn; hoặc khoản nợ đã được doanh nghiệp, tổ chức khởi kiện ra tòa án theo quy định, có bản án, quyết định của tòa và có ý kiến xác nhận của cơ quan thi hành án về việc khách nợ không có tài sản hoặc giá trị tài sản không đủ để thi hành án.

- Đối với khoản nợ phải thu nhưng khách nợ đã được cơ quan có thẩm quyền quyết định cho xoá nợ theo quy định của pháp luật; khoản chênh lệch thiệt hại được cơ quan có thẩm quyền quyết định cho bán nợ.

c) Trường hợp đối với cá nhân:

- Giấy chứng tử (bản sao chứng thực hoặc bản sao từ sổ gốc) hoặc xác nhận của chính quyền địa phương đối với người nợ đã chết.

- Lệnh truy nã hoặc xác nhận của cơ quan pháp luật đối với người nợ đã bỏ trốn hoặc đang bị truy tố, đang thi hành án.

- Giấy xác nhận của chính quyền địa phương đối với người nợ đã được Toà án tuyên bố mất tích theo quy định của Bộ luật dân sự.

d) Khoản nợ phải thu mà dự toán chi phí thu hồi nợ lớn hơn giá trị khoản nợ phải thu được cơ quan đại diện chủ sở hữu phê duyệt và chịu trách nhiệm theo pháp luật quy định.

4. Doanh nghiệp cổ phần hóa không thực hiện điều chỉnh lại số liệu trong sổ sách kế toán đã lập tại thời Điểm xác định giá trị doanh nghiệp khi thực hiện xử lý tài chính theo quy định tại Khoản 1, Khoản 4 và Khoản 5 Điều 17 Nghị định số 126/2017/NĐ-CP. Các nội dung xử lý tài chính này chỉ sử dụng để xác định giá trị thực tế phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp làm cơ sở xác định giá khởi điểm theo quy định tại Điều 24 Nghị định số 126/2017/NĐ-CP.

..........

Download file tài liệu để xem thêm nội dung chi tiết

Liên kết tải về

pdf Thông tư 41/2018/TT-BTC
doc Thông tư 41/2018/TT-BTC 1

Chia sẻ

Chia sẻ qua Facebook Chia sẻ

Liên hệ hợp tác hoặc quảng cáo: gmail

Điều khoản dịch vụ

Copyright © 2021 HOCTAPSGK