Thông tư 24/2020/TT-BTC - thuviensachvn.com

Thông tư 24/2020/TT-BTC

Sửa đổi Thông tư 20/2016/TT-BTC về cơ chế quản lý tài chính bảo hiểm

Vào ngày 13/04/2020 Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 24/2020/TT-BTC về việc sửa đổi Thông tư 20/2016/TT-BTC về cơ chế quản lý tài chính bảo hiểm. Văn bản này có hiệu lực bắt đầu từ ngày 30/05/2020. Sau đây là nội dung của thông tư, mời các bạn tham khảo và tải tại đây.

B TÀI CHÍNH

________

Số: 24/2020/TT-BTC

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

________________________

Hà Nội, ngày 13 tháng 4 năm 2020

THÔNG TƯ 24/2020/TT-BTC

Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 20/2016/TT-BTC ngày 03/02/2016 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện cơ chế quản lý tài chính về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và chi phí quản lý bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp

______________

Căn cứ Luật Bảo hiểm xã hội ngày 20 tháng 11 năm 2014;

Căn cứ Luật Việc làm ngày 16 tháng 11 năm 2013;

Căn cứ Luật An toàn, vệ sinh lao động ngày 25 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Bảo hiểm y tế ngày 14 tháng 11 năm 2008 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế ngày 13 tháng 6 năm 2014;

Căn cứ Nghị định số 87/2017/NĐ-CP ngày 26 tháng 7 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;

Căn cứ Quyết định số 60/2015/QĐ-TTg ngày 27 tháng 11 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế quản lý tài chính về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và chi phí quản lý bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp (sau đây viết tắt là Quyết định số 60/2015/QĐ-TTg);

Căn cứ Quyết định số 38/2019/QĐ-TTg ngày 31 tháng 12 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 60/2015/QĐ-TTg ngày 27 tháng 11 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế quản lý tài chính về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và chi phí quản lý bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp (sau đây viết tắt là Quyết định số 38/2019/QĐ-TTg);

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tài chính hành chính sự nghiệp;

Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 20/2016/TT-BTC ngày 03 tháng 02 năm 2016 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện cơ chế quản lý tài chính về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và chi phí quản lý tài chính về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.

Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 20/2016/TT-BTC như sau:

1. Sửa đổi Khoản 2 và Khoản 3 Điều 2 như sau:

“2. Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, tổ chức bảo hiểm thất nghiệp trực thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội được giao thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp (sau đây gọi chung là tổ chức bảo hiểm thất nghiệp); Cơ quan, tổ chức thuộc ngành Lao động - Thương binh và Xã hội được giao tổ chức thực hiện nhiệm vụ tiếp nhận hồ sơ, giải quyết chế độ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và các nhiệm vụ liên quan đến quản lý, sử dụng quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp,

3. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến cơ chế quản lý tài chính về bảo hiểm xã hội (bao gồm bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp), bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và chi phí quản lý bảo hiểm xã hội (sau đây viết tắt là BHXH), bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.”

2. Sửa đổi Điểm c Khoản 2 Điều 3 như sau:

“c) Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội lập dự toán chi các chế độ bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (sau đây viết tắt là BH TNLĐ, BNN) và chi phí quản lý bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm TNLĐ, BNN theo quy định tại Điểm a và b Khoản 1 Điều này, gửi BHXH Việt Nam (mẫu số 02, 04 và 05 ban hành kèm theo Thông tư này).”

3. Sửa đổi Điều 4 như sau:

“Điều 4. Phân bổ, giao dự toán, chuyển kinh phí

1. Về phân bổ dự toán, chuyển kinh phí chi lương hưu, trợ cấp Bảo hiểm xã hội từ nguồn ngân sách nhà nước đảm bảo:

a) Căn cứ dự toán chi ngân sách nhà nước được cấp có thẩm quyền giao, BHXH Việt Nam phân bổ dự toán chi tiết theo các chế độ quy định tại Điều 27 Nghị định số 115/2015/NĐ-CP ngày 11 tháng 11 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật BHXH về BHXH bắt buộc, gửi Bộ Tài chính để thẩm định theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước;

b) Trước ngày 25 hằng tháng, Bộ Tài chính chuyển từ ngân sách trung ương một khoản kinh phí bằng mức chi bình quân một tháng của dự toán được cấp có thẩm quyền giao trong năm (trong đó có chi phí chi trả) vào quỹ BHXH để BHXH Việt Nam thực hiện chi trả cho người thụ hưởng trong tháng tiếp theo;

c) Sau khi quyết toán năm được duyệt, nếu số kinh phí Bộ Tài chính đã chuyển vào quỹ BHXH lớn hơn số quyết toán, BHXH Việt Nam nộp trả ngân sách trung ương phần chênh lệch thừa. Trường hợp số kinh phí Bộ Tài chính đã chuyển vào quỹ BHXH nhỏ hơn số quyết toán, Bộ Tài chính trình cấp có thẩm quyền cấp bổ sung phần chênh lệch thiếu cho BHXH Việt Nam.

2. Về phân bổ, giao dự toán chi phí quản lý bảo hiểm thất nghiệp, BHTNLĐ- BNN: Trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được quyết định giao dự toán của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hoàn thành việc phân bổ và giao dự toán chi phí quản lý bảo hiểm thất nghiệp cho Cục Việc làm và các Trung tâm dịch vụ việc làm thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội; chi phí quản lý bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho Cục An toàn lao động và các Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.

3. Chuyển kinh phí chi trả chế độ và chi phí quản lý BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, BH TNLĐ BNN cho BHXH Bộ Quốc phòng, BHXH Bộ Công an và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội:

a) Trước ngày 25 hằng tháng, BHXH Việt Nam chuyển kinh phí chi trả chế độ BHXH, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp bằng mức chi bình quân một tháng của dự toán được cấp có thẩm quyền giao trong năm để BHXH Bộ Quốc phòng, BHXH Bộ Công an thực hiện chi trả cho người thụ hưởng trong tháng tiếp theo. Trường hợp mức chi trong tháng thay đổi, BHXH Bộ Quốc phòng, BHXH Bộ Công an có văn bản gửi BHXH Việt Nam để cấp kinh phí chi trả chế độ kịp thời. Việc chuyển kinh phí chi khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế theo quy định của Luật Bảo hiểm y tế;

b) Định kỳ trước ngày 10 của tháng đầu tiên trong quý, BHXH Việt Nam chuyển chi phí quản lý của BHXH Bộ Quốc phòng, BHXH Bộ Công an và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (Cục Việc làm, Cục An toàn lao động) bằng bình quân một quý của dự toán được giao. Việc chuyển kinh phí ứng dụng công nghệ thông tin theo quy định tại Nghị định số 64/2007/NĐ-CP ngày 10 tháng 4 năm 2007 của Chính phủ về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước;

c) Trường hợp đến thời gian chuyển kinh phí chi chế độ BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và chi phí quản lý cho các đơn vị theo quy định nhưng chưa có dự toán được cấp có thẩm quyền giao, BHXH Việt Nam tạm cấp kinh phí như sau: Chi phí quản lý bằng bình quân một tháng của dự toán giao năm trước liền kề; chi BHXH, bảo hiểm thất nghiệp đảm bảo đủ kinh phí chi trả chế độ BHXH, bảo hiểm thất nghiệp cho người hưởng theo thực tế; mức tạm ứng chi khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế, theo quy định của Luật Bảo hiểm y tế.”

4. Sửa đổi Điểm a Khoản 1 Điều 7 như sau:

“a) Khi thẩm định quyết toán năm đối với quỹ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế của BHXH cấp tỉnh, có trách nhiệm ghi rõ trong biên bản thẩm định quyết toán khoản 20% kinh phí dành cho khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế chưa sử dụng hết (nếu có) được sử dụng tại địa phương theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 35 Luật Bảo hiểm y tế năm 2008 đã được sửa đổi, bổ sung năm 2014 (sau đây viết tắt là khoản 20% được sử dụng tại địa phương);”

5. Sửa đổi Khoản 1, Khoản 2 Điều 8 như sau:

“1. Căn cứ nội dung và mức chi phí quản lý quy định tại Điều 9 và Điều 10 Quyết định số 60/2015/QĐ-TTg đã được sửa đổi, bổ sung tại Khoản 9 và Khoản 10 Điều 1 Quyết định số 38/2019/QĐ-TTg, Tổng giám đốc BHXH Việt Nam xây dựng và ban hành quy chế chi tiêu nội bộ đối với các đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam trên cơ sở tiêu chuẩn, định mức, chế độ do Nhà nước quy định để tổ chức thực hiện”.

2. Phương pháp phân bổ khoản chi phí thu BHXH tự nguyện, thu BHYT của người tham gia theo hộ gia đình, của học sinh, sinh viên đang theo học tại các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân (chi phí thu) theo quy định tại điểm b khoản 9 Điều 1 Quyết định số 38/2019/QĐ-TTg:

a) Mức chi phí thu bình quân toàn ngành bằng 7,5% số tiền đóng của người tham gia; BHXH Việt Nam thực hiện như sau:

- Mức chi thù lao cho tổ chức làm đại lý thu theo quy định tại Điểm b Khoản 9 Điều 1 Quyết định số 38/2019/QĐ-TTg. Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam quyết định mức chi thù lao đại lý cụ thể đối với từng nhóm đối tượng tham gia (đối tượng tham gia lần đầu, đối tượng tiếp tục tham gia) và của từng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phù hợp với tình hình thực tế và trong phạm vi mức thù lao được trích;

- Chi phí thu còn lại sau khi chi thù lao cho đại lý thu được để lại cho Ngành BHXH sử dụng chi phí cho việc đào tạo, tập huấn công tác thu, kiểm tra đại lý thu và tổ chức hội nghị khách hàng. BHXH Việt Nam phân bổ cho BHXH các tỉnh, thành phố và các đơn vị có liên quan để tổ chức thực hiện;

b) Cơ quan BHXH căn cứ số tiền và danh sách tham gia do đại lý thu nộp để chi trả chi phí thù lao cho đại lý thu; số tiền chi trả tương ứng mức chi thù lao theo tỷ lệ % trên số thu do Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam quy định;

c) Cơ quan BHXH có trách nhiệm cung cấp mẫu biểu để tổ chức làm đại lý thu tự in ấn phục vụ cho việc lập danh sách người tham gia.”

6. Sửa đổi Khoản 3 Điều 8 như sau:

“3. Phương pháp phân bổ khoản chi phí chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH và trợ cấp thất nghiệp theo quy định tại Khoản 4 và Điểm b Khoản 9 Điều 1 Quyết định số 38/2019/QĐ-TTg:

a) Mức chi phí chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp thất nghiệp (mức chi phí chi trả) bình quân toàn ngành bằng 0,65% tổng số tiền chi trả các chế độ BHXH theo quy định tại Khoản 4 và Điểm b Khoản 9 Điều 1 Quyết định số 38/2019/QĐ-TTg, BHXH Việt Nam thực hiện như sau:

- Trích 70% trên mức chi phí chi trả bình quân toàn ngành để chi cho tổ chức làm đại lý chi trả;

+ Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam quyết định mức chi phí chi trả (theo tỷ lệ % hoặc theo số tuyệt đối) trên số tiền chi trả cho tổ chức làm đại lý chi trả của từng tỉnh, thành phố để BHXH cấp tỉnh thanh toán cho tổ chức làm đại lý chi trả;

+ Tổ chức làm đại lý chi trả tự quyết định và chịu trách nhiệm về việc sử dụng chi phí cho việc chi trả do cơ quan BHXH thanh toán nhưng phải đảm bảo việc chi trả an toàn, đúng đối tượng, đúng chính sách và theo hợp đồng đã ký giữa cơ quan BHXH và tổ chức làm đại lý chi trả;

+ Cơ quan BHXH phải quy định cụ thể các công việc tổ chức làm đại lý chi trả phải thực hiện trong hợp đồng ký với tổ chức làm đại lý chi trả;

- Còn lại 30% trên mức chi phí chi trả bình quân toàn ngành để lại cho ngành BHXH sử dụng để phục vụ việc chi trả (gồm: bảo quản, lưu trữ hồ sơ người thụ hưởng; kiểm tra, giám sát việc chi trả; làm đêm, thêm giờ; hỗ trợ công chức, viên chức và người lao động có liên quan trong những ngày chi trả). BHXH Việt Nam phân bổ cho BHXH các tỉnh, thành phố và đơn vị có liên quan để tổ chức thực hiện;

b) Cơ quan BHXH căn cứ số tiền mà tổ chức làm đại lý chi trả cho người thụ hưởng, thực hiện chuyển chi phí chi trả vào tài khoản của tổ chức làm đại lý (không thanh toán bằng tiền mặt); số tiền chuyển tương ứng mức chi phí chi trả theo tỷ lệ % trên số tiền chi trả do Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam quy định.”

7. Sửa đổi Điểm a, b và c Khoản 1 Điều 9 như sau:

“a) Chi tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ; cải cách thủ tục hành chính; quản lý người tham gia, người thụ hưởng BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; chi công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và chi hiện đại hóa hệ thống quản lý: Thực hiện theo các nội dung chi có liên quan quy định tại các Khoản 1, Khoản 2, Khoản 3, Khoản 4, Điểm b, c Khoản 6, Khoản 8 và Khoản 11 Điều 9 Quyết định số 60/2015/QĐ-TTg, Điểm a và c Khoản 9 Điều 1 Quyết định số 38/2019/QĐ-TTg;

b) Chi phục vụ công tác thu BHXH tự nguyện; thu bảo hiểm y tế của học sinh, sinh viên hệ dân sự đang theo học tại cơ sở giáo dục do Bộ Quốc phòng, Bộ Công an quản lý: Mức chi tối đa bằng 7,5% số tiền đóng của người tham gia (không bao gồm số thu do ngân sách nhà nước, tổ chức, cá nhân hỗ trợ), trong đó: mức chi thù lao bình quân cho tổ chức làm đại lý thu bảo hiểm xã hội tự nguyện tối đa bằng 14% số tiền đóng của người tham gia BHXH tự nguyện; mức chi thù lao bình quân cho cơ sở giáo dục tối đa bằng 2,5% số tiền đóng của học sinh, sinh viên; mức chi thù lao bình quân đại lý thu bảo hiểm y tế của các đối tượng còn lại tối đa bằng 7,0% số tiền đóng bảo hiểm y tế của người tham gia;

c) Chi phí chi trả các chế độ bảo hiểm xã hội bằng 0,65% số tiền chi trả các chế độ BHXH (trừ các khoản chi: phí khám giám định; dưỡng sức, phục hồi sức khỏe; hỗ trợ phòng ngừa, chia sẻ rủi ro về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp cho người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp khi trở lại làm việc; đóng bảo hiểm y tế); trong đó mức chi cho tổ chức làm đại lý chi trả bằng 70% tổng số chi phí chi trả.”

8. Sửa đổi tiêu đề Khoản 2 Điều 9 như sau:

“2. Trong phạm vi nguồn chi phí quản lý được sử dụng, đơn vị thực hiện các biện pháp tiết kiệm kinh phí, số kinh phí tiết kiệm được sử dụng theo quy định tại Điều 10 Quyết định số 60/2015/QĐ-TTg và Khoản 10 Điều 1 Quyết định số 38/2019/QĐ-TTg. Riêng việc trích lập quỹ bổ sung thu nhập và quỹ khen thưởng, phúc lợi thực hiện như sau:”

9. Sửa đổi Khoản 3 Điều 10 như sau:

“3. Xử lý số dư kinh phí cuối năm, xét duyệt và tổng hợp quyết toán:

a) Kinh phí bố trí cho các nhiệm vụ trong năm đến cuối năm chưa sử dụng được chuyển nguồn sang năm sau tiếp tục sử dụng;

b) Xét duyệt và tổng hợp quyết toán: Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm xét duyệt quyết toán và thông báo kết quả xét duyệt quyết toán năm đối với nguồn kinh phí quản lý bảo hiểm thất nghiệp cho các đơn vị theo quy định tại Thông tư số 137/2017/TT-BTC ngày 25 tháng 12 năm 2017 của Bộ Tài chính quy định xét duyệt, thẩm định, thông báo và tổng hợp quyết toán năm (sau đây viết tắt là Thông tư số 137/2017/TT-BTC); tổng hợp và lập báo cáo quyết toán năm nguồn kinh phí quản lý bảo hiểm thất nghiệp của Cục Việc làm và các Trung tâm dịch vụ việc làm thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã được xét duyệt vào nguồn hoạt động khác được để lại (mẫu biểu thực hiện theo phần C Biểu số B01/BCQT, phụ biểu F01-01/BCQT và Biểu số B02/BCQT ban hành kèm Thông tư số 107/2017/TT-BTC ngày 10 tháng 10 năm 2017 của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ kế toán hành chính sự nghiệp (sau đây viết tắt là Thông tư số 107/2017/TT-BTC) và Biểu số 03 ban hành kèm theo Thông tư số 137/2017/TT-BTC), gửi BHXH Việt Nam tổng hợp quyết toán theo quy định.”

10. Bổ sung Điều 10a như sau:

“Điều 10a. Chi phí quản lý đối với BH TNLĐ, BNN

1. Nội dung và mức chi:

a) Hỗ trợ chi tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về BH TNLĐ, BNN, các biện pháp cải thiện điều kiện lao động, công tác phòng ngừa TNLĐ, BNN; tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ về BH TNLĐ, BNN; cải cách thủ tục hành chính về BH TNLĐ, BNN; chi mua sắm hiện đại hóa hệ thống quản lý: Thực hiện theo nội dung chi có liên quan quy định tại các khoản 1, 2, 3, 8 và 11 Điều 9 Quyết định số 60/2015/QĐ-TTg;

b) Hỗ trợ chi phí in ấn, văn phòng phẩm, phô tô tài liệu, biểu mẫu, thông báo, báo cáo;

c) Hỗ trợ chi phí bảo quản, lưu trữ tài liệu có liên quan về BH TNLĐ, BNN;

d) Chi hỗ trợ cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội, cơ quan có liên quan trong việc thực hiện chế độ bảo hiểm BH TNLĐ, BNN, thanh tra, kiểm tra và các nhiệm vụ liên quan về BH TNLĐ, BNN (bao gồm cả việc tổng hợp, tiếp nhận, thẩm định hồ sơ hoạt động hỗ trợ phòng ngừa, chia sẻ rủi ro về TNLĐ, BNN và điều chỉnh mức đóng bảo hiểm TNLĐ, BNN). Mức hỗ trợ cụ thể do Thủ trưởng đơn vị quyết định trong phạm vi nguồn chi phí quản lý được sử dụng;

đ) Đối với công chức, viên chức thường xuyên phải đi kiểm tra, xác minh hồ sơ đối tượng hưởng BH TNLĐ, BNN tại khu dân cư mà tự túc bằng phương tiện cá nhân và không thuộc phạm vi thanh toán chế độ công tác phí theo quy định, thì được hỗ trợ theo phương thức khoán tiền tự túc phương tiện (gồm tiền nhiên liệu, khấu hao xe và chi phí gửi xe) tối đa không quá 01 lần mức lương cơ sở/người/tháng. Mức khoán cụ thể do thủ trưởng đơn vị quyết định trong phạm vi nguồn chi phí quản lý được sử dụng;

e) Chi phí chuyển tiền chi phí quản lý BH TNLĐ, BNN cho Kho bạc nhà nước, ngân hàng thương mại;

g) Chi hoạt động phối hợp kiểm tra, giám sát việc giải quyết chế độ BH TNLĐ, BNN và các nhiệm vụ liên quan về BH TNLĐ, BNN: Hỗ trợ công tác phối hợp chỉ đạo, chế độ công tác phí, làm đêm, thêm giờ, chi phí xăng xe hoặc thuê phương tiện phục vụ công tác kiểm tra, giám sát;

h) Chi không thường xuyên, gồm:

- Hỗ trợ chi nghiên cứu khoa học cấp cơ sở: Thực hiện theo quy định của pháp luật về chế độ chi tiêu đối với các nhiệm vụ khoa học và công nghệ;

- Hỗ trợ chi học tập, trao đổi kinh nghiệm ở nước ngoài và đón tiếp khách nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam về thực hiện chính sách chế độ BH TNLĐ, BNN do cấp có thẩm quyền quyết định;

- Các khoản chi khác theo quy định của pháp luật.

2. Quản lý và sử dụng kinh phí:

a) Căn cứ dự toán được giao, các đơn vị quản lý và sử dụng kinh phí để thực hiện các nhiệm vụ theo phân công của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và nội dung chi theo quy định tại khoản 1 Điều này;

b) Kinh phí bố trí cho các nhiệm vụ trong năm đến cuối năm chưa sử dụng được chuyển nguồn sang năm sau tiếp tục sử dụng;

c) Kết thúc năm ngân sách, các đơn vị có trách nhiệm lập và gửi báo cáo quyết toán năm theo quy định tại Thông tư số 107/2017/TT-BTC, gửi Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trước ngày 31 tháng 3 hằng năm để xét duyệt, tổng hợp, báo cáo quyết toán gửi BHXH Việt Nam.

3. Xét duyệt và tổng hợp quyết toán:

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm xét duyệt quyết toán và thông báo kết quả xét duyệt quyết toán năm đối với nguồn kinh phí quản lý BH TNLĐ, BNN cho các đơn vị theo quy định tại Thông tư số 137/2017/TT-BTC; tổng hợp và lập báo cáo quyết toán năm đối với nguồn kinh phí quản lý BH TNLĐ, BNN vào nguồn hoạt động khác được để lại (mẫu biểu thực hiện theo phần C Biểu số B01/BCQT, phụ biểu F01-01/BCQT và Biểu số B02/BCQT ban hành kèm Thông tư số 107/2017/TT-BTC và Biểu số 03 ban hành kèm theo Thông tư số 137/2017/TT-BTC), gửi BHXH Việt Nam tổng hợp quyết toán theo quy định.”

Điều 2. Hiệu lực thi hành

Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 30 tháng 5 năm 2020. Riêng đối với các nội dung quy định tại các khoản 1, 2, 3, 5, 6 và 7 Điều 1 Thông tư này được thực hiện từ năm tài chính 2019 theo quy định tại Quyết định số 38/2019/QĐ-TTg; nội dung và mức chi chi phí quản lý BH TNLĐ, BNN tại khoản 10 Điều 1 Thông tư này được thực hiện từ năm tài chính 2020.

Điều 3. Tổ chức thực hiện

Cơ quan, đơn vị quy định tại Thông tư này và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thực hiện Thông tư này.

Trong quá trình thực hiện có vướng mắc, đề nghị phản ánh kịp thời về Bộ Tài chính để xem xét, giải quyết./.

Nơi nhận:

- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- BHXH Bộ Quốc phòng; BHXH Bộ Công an;
- Sở Tài chính, Sở LĐTBXH; BHXH, trung tâm dịch vụ việc làm các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Cục Kiểm tra văn bản QPPL (Bộ Tư pháp);
- Cổng Thông tin điện tử Chính phủ;
- Cổng Thông tin điện tử Bộ Tài chính;
- Các đơn vị thuộc Bộ Tài chính;
- Lưu: VT, HCSN (300b)

KT. BỘ TRƯỞNG

THỨ TRƯỞNG

Đỗ Hoàng Anh Tuấn

Liên kết tải về

pdf Thông tư 24/2020/TT-BTC
doc Thông tư 24/2020/TT-BTC 1

Chia sẻ

Chia sẻ qua Facebook Chia sẻ

Liên hệ hợp tác hoặc quảng cáo: gmail

Điều khoản dịch vụ

Copyright © 2021 HOCTAPSGK