Ngày 10/11/2017, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Thông tư 20/2017/TT-BNNPTNT hướng dẫn Nghị định 39/2017/NĐ-CP về quản lý thức ăn chăn nuôi, thủy sản. Thông tư bắt đầu có hiệu lực kể từ ngày 25/12/2017. Theo đó, thông tư áp dụng đối với tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài có hoạt động liên quan đến thức ăn chăn nuôi, thủy sản trên lãnh thổ Việt Nam. Mời các bạn cùng tham khảo.
BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 20/2017/TT-BNNPTNT | Hà Nội, ngày 10 tháng 11 năm 2017 |
THÔNG TƯ
HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN NGHỊ ĐỊNH SỐ 39/2017/NĐ-CP NGÀY 04 THÁNG 4 NĂM 2017 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ QUẢN LÝ THỨC ĂN CHĂN NUÔI, THỦY SẢN
Căn cứ Nghị định số 15/2017/NĐ-CP ngày 17 tháng 02 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
Căn cứ Nghị định số 39/2017/NĐ-CP ngày 04 tháng 4 năm 2017 của Chính phủ về quản lý thức ăn chăn nuôi, thủy sản;
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn chi tiết một số nội dung của Nghị định số 39/2017/NĐ-CP ngày 04 tháng 4 năm 2017 của Chính phủ về quản lý thức ăn chăn nuôi, thủy sản.
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Thông tư này hướng dẫn thực hiện một số nội dung của Nghị định số 39/2017/NĐ-CP ngày 04/4/2017 của Chính phủ về quản lý thức ăn chăn nuôi, thủy sản (sau đây gọi chung là Nghị định số 39/2017/NĐ-CP).
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Thông tư này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài có hoạt động liên quan đến thức ăn chăn nuôi, thủy sản trên lãnh thổ Việt Nam.
Chương II
NỘI DUNG HƯỚNG DẪN
Điều 3. Chất chính trong thức ăn chăn nuôi, thủy sản
1. Chất chính trong thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh và thức ăn đậm đặc cho gia súc, gia cầm và thủy sản, thức ăn tinh cho gia súc ăn cỏ là protein thô và lysine tổng số.
2. Chất chính trong thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh cho động vật cảnh là protein thô.
3. Chất chính trong các loại nguyên liệu và thức ăn chăn nuôi, thủy sản khác là các chỉ tiêu quyết định bản chất, công dụng của sản phẩm do nhà sản xuất công bố và được ghi trên nhãn hàng hóa hoặc tài liệu kỹ thuật kèm theo.
Điều 4. Quy trình khảo nghiệm thức ăn chăn nuôi, thủy sản mới
Thức ăn chăn nuôi, thủy sản mới phải được khảo nghiệm theo quy trình do Tổng cục Thủy sản, Cục Chăn nuôi xây dựng, trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành phù hợp với từng đối tượng vật nuôi. Trường hợp đối tượng vật nuôi chưa có quy trình khảo nghiệm do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành thì khảo nghiệm theo quy trình do cơ sở khảo nghiệm tự xây dựng và được hội đồng thẩm định đề cương khảo nghiệm do Tổng cục Thủy sản, Cục Chăn nuôi thành lập chấp nhận. Quy trình khảo nghiệm phải đáp ứng được các yêu cầu sau:
1. Kiểm tra ban đầu: Phân tích trong phòng thí nghiệm về thành phần hóa học, các chất dinh dưỡng, các chất độc hại của thức ăn khảo nghiệm theo tiêu chuẩn chất lượng công bố, quy chuẩn kỹ thuật tương ứng và yêu cầu của hội đồng thẩm định đề cương khảo nghiệm.
2. Đánh giá tác động của sản phẩm trên vật nuôi về khả năng sinh trưởng, phát triển, sức sản xuất của vật nuôi và môi trường, đảm bảo các yêu cầu:
a) Thời gian khảo nghiệm ít nhất một chu kỳ nuôi hoặc một giai đoạn nuôi, số lần lặp lại của mỗi công thức khảo nghiệm tối thiểu là 03 lần;
b) Bố trí khảo nghiệm phải phù hợp với từng đối tượng, lứa tuổi của vật nuôi;
c) Yếu tố kỹ thuật cần được đảm bảo thống nhất trong quá trình khảo nghiệm: Chất lượng con giống đưa vào khảo nghiệm phải đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật tương ứng; mật độ nuôi đúng theo tiêu chuẩn hoặc quy trình kỹ thuật đã được cơ quan có thẩm quyền ban hành. Các lô thí nghiệm và đối chứng có cùng chế độ chăm sóc, nuôi dưỡng, chỉ khác biệt lô thí nghiệm và đối chứng là thức ăn khảo nghiệm.
3. Các chỉ tiêu theo dõi bao gồm:
a) Đánh giá khả năng sinh trưởng, phát triển, sức sản xuất của vật nuôi;
b) Tỷ lệ nuôi sống, trạng thái sức khỏe qua các giai đoạn phát triển của vật nuôi;
c) Hệ số chuyển hóa thức ăn;
d) Dư lượng kháng sinh, hóa chất độc hại khác trong sản phẩm vật nuôi và môi trường (nêu cụ thể trong đề cương khảo nghiệm);
đ) Đánh giá biến động các chỉ tiêu môi trường trong quá trình nuôi có liên quan đến đặc tính sản phẩm (đối với thức ăn thủy sản);
e) Các chỉ tiêu khác có liên quan (nếu có).
Điều 5. Sử dụng thuốc thú y có thành phần kháng sinh trong thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm
1. Thuốc thú y được sử dụng trộn vào thức ăn chăn nuôi nhằm mục đích phòng bệnh, trị bệnh cho gia súc, gia cầm phải có tên trong danh mục thuốc thú y được phép lưu hành tại Việt Nam hoặc được Cơ quan thẩm quyền cho phép để phòng bệnh, trị bệnh cho gia súc, gia cầm.
2. Tổ chức, cá nhân sử dụng thuốc thú y có thành phần kháng sinh trong thức ăn chăn nuôi nhằm mục đích phòng bệnh cho gia súc, gia cầm non và trị bệnh cho gia súc, gia cầm không phải công bố tên, hàm lượng của kháng sinh trong tiêu chuẩn công bố áp dụng và mẫu nhãn sản phẩm khi đăng ký sản phẩm thức ăn chăn nuôi được phép lưu hành tại Việt Nam nhưng phải công bố tên, hàm lượng kháng sinh, hướng dẫn sử dụng, thời gian ngừng sử dụng trên nhãn hàng hóa hoặc nhãn phụ, bao bì hoặc tài liệu kèm theo khi lưu hành trên thị trường; lưu các thông tin về kháng sinh nêu trên trong hồ sơ sản xuất.
3. Tổ chức, cá nhân sử dụng thuốc thú y không có thành phần kháng sinh trong thức ăn chăn nuôi nhằm mục đích phòng bệnh, trị bệnh thì thực hiện theo quy định về thuốc thú y, nhưng không bắt buộc phải kê đơn; không phải công bố tên, hàm lượng của hoạt chất trong tiêu chuẩn công bố áp dụng và mẫu nhãn sản phẩm khi đăng ký sản phẩm thức ăn chăn nuôi được phép lưu hành tại Việt Nam nhưng phải công bố tên, hàm lượng hoạt chất, hướng dẫn sử dụng, thời gian ngừng sử dụng trên nhãn hàng hóa hoặc nhãn phụ, bao bì hoặc tài liệu kèm theo khi lưu hành trên thị trường; lưu các thông tin về hoạt chất nêu trên trong hồ sơ sản xuất.
4. Việc kê đơn thuốc thú y có thành phần kháng sinh trong thức ăn chăn nuôi nhằm mục đích phòng bệnh, trị bệnh cho gia súc, gia cầm được thực hiện bởi bác sĩ thú y có chứng chỉ hành nghề về phòng bệnh, trị bệnh cho động vật.
Đơn kê phải thể hiện tên thuốc, hoạt chất, công dụng, liều dùng, thời gian sử dụng, thời gian ngừng sử dụng thuốc đảm bảo không gây kháng thuốc và tồn dư kháng sinh, hóa chất ảnh hưởng đến an toàn thực phẩm sản phẩm chăn nuôi và những khuyến cáo khác (nếu có).
5. Thuốc thú y trộn vào thức ăn chăn nuôi trong quá trình chế biến phải đảm bảo chất lượng, an toàn và hiệu quả của thuốc trong thời hạn sử dụng của từng loại thức ăn chăn nuôi.
6. Chỉ được sử dụng thuốc thú y nhằm mục đích phòng bệnh, trị bệnh trong thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh cho gia súc, gia cầm; thức ăn tinh cho gia súc ăn cỏ được phép lưu hành tại Việt Nam.
7. Cơ sở chăn nuôi sử dụng thức ăn chăn nuôi có chứa thuốc thú y nhằm mục đích phòng bệnh, trị bệnh cho gia súc, gia cầm phải theo đúng hướng dẫn của nhà sản xuất và ghi nhật ký quá trình sử dụng.
Điều 6. Quy trình thẩm định chỉ định tổ chức chứng nhận sự phù hợp thức ăn chăn nuôi, thủy sản xuất khẩu, nhập khẩu
1. Trong thời gian không quá 15 ngày làm việc kể từ khi nhận được hồ sơ hợp lệ quy định tại Khoản 2 Điều 17 Nghị định số 39/2017/NĐ-CP, Tổng cục Thủy sản, Cục Chăn nuôi tiến hành thành lập đoàn đánh giá năng lực của tổ chức đăng ký thông qua việc thẩm định hồ sơ, đánh giá năng lực thực tế tại cơ sở (nếu cần), đánh giá quy trình kiểm tra, xác nhận sự phù hợp chất lượng thức ăn chăn nuôi, thủy sản xuất khẩu, nhập khẩu do tổ chức đăng ký xây dựng và ban hành quyết định chỉ định sau khi được Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chấp thuận (áp dụng đối với trường hợp đăng ký chỉ định lần đầu).
2. Quy trình kiểm tra, xác nhận sự phù hợp chất lượng thức ăn chăn nuôi, thủy sản xuất khẩu, nhập khẩu của tổ chức đăng ký phải phù hợp với từng loại thức ăn chăn nuôi, thủy sản: hàng bao gói, hàng rời, hàng container, chất lỏng, các chất cần bảo quản đặc biệt, trong đó phải đưa ra được các yếu tố rủi ro và phương pháp khắc phục nhằm đảm bảo chất lượng, hiệu quả của việc kiểm tra, xác nhận chất lượng thức ăn chăn nuôi, thủy sản xuất khẩu, nhập khẩu.
Điều 7. Căn cứ kiểm tra chất lượng, độ dao động cho phép trong kiểm tra chất lượng thức ăn chăn nuôi, thủy sản
1. Căn cứ kiểm tra chất lượng thức ăn chăn nuôi, thủy sản
a) Tiêu chuẩn công bố áp dụng: Các nội dung bắt buộc phải có trong tiêu chuẩn công bố áp dụng của sản phẩm thức ăn chăn nuôi, thủy sản được quy định tại Phụ lục 1 ban hành kèm theo Thông tư này. Các chỉ tiêu kỹ thuật tối thiểu bắt buộc phải công bố trong tiêu chuẩn chất lượng thức ăn chăn nuôi, thủy sản được quy định tại Phụ lục 2 ban hành kèm theo Thông tư này.
b) Nhãn hàng hóa: Các nội dung tối thiểu phải thể hiện trên nhãn hàng hóa thức ăn chăn nuôi, thủy sản được quy định tại Phụ lục 3 ban hành kèm theo Thông tư này.
c) Quy chuẩn kỹ thuật tương ứng; các quy định về kháng sinh, chất cấm sử dụng trong chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản.
d) Các trường hợp khác căn cứ theo yêu cầu của cơ quan kiểm tra hoặc đề nghị của tổ chức, cá nhân có nhu cầu.
2. Độ dao động cho phép trong kiểm tra chất lượng thức ăn chăn nuôi, thủy sản được quy định tại Phụ lục 4 ban hành kèm theo Thông tư này.
Điều 8. Thử nghiệm chất lượng thức ăn chăn nuôi, thủy sản
1. Việc thử nghiệm thức ăn chăn nuôi, thủy sản theo yêu cầu quản lý nhà nước phải được thực hiện tại phòng thử nghiệm và theo phương pháp thử được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hoặc Tổng cục Thủy sản, Cục Chăn nuôi, Cục Quản lý chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản chỉ định.
2. Đối với các chỉ tiêu thử nghiệm theo yêu cầu quản lý nhà nước chưa có phương pháp thử được chỉ định hoặc phương pháp thử được chỉ định và phương pháp thử nêu trong tiêu chuẩn công bố áp dụng khác nhau, Tổng cục Thủy sản, Cục Chăn nuôi thành lập hội đồng tư vấn đối với những phương pháp thử phức tạp, có nhiều ý kiến khác nhau hoặc lấy ý kiến tối thiểu của 03 chuyên gia đối với những phương pháp thử đơn giản để xác định phương pháp thử phù hợp. Căn cứ kết luận của hội đồng tư vấn hoặc ý kiến chuyên gia, Tổng cục Thủy sản, Cục Chăn nuôi quyết định phương pháp tạm áp dụng trong hoạt động quản lý nhà nước.
3. Thành phần hội đồng tư vấn
Hội đồng tư vấn gồm ít nhất 05 người, bao gồm đại diện Tổng cục Thủy sản hoặc Cục Chăn nuôi, đại diện các phòng thử nghiệm và các chuyên gia có liên quan đến phương pháp thử.
Download file tài liệu để xem thêm nội dung chi tiết.