Thông tư 180/2012/TT-BTC hướng dẫn xử lý tài chính về chi trợ cấp mất việc làm cho người lao động tại doanh nghiệp.
BỘ TÀI CHÍNH ------------ Số: 180/2012/TT-BTC | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Hà Nội, ngày 24 tháng 10 năm 2012 |
THÔNG TƯ
HƯỚNG DẪN XỬ LÝ TÀI CHÍNH VỀ CHI TRỢ CẤP MẤT VIỆC LÀM CHO NGƯỜI LAO ĐỘNG TẠI DOANH NGHIỆP
Căn cứ Bộ Luật Lao động ngày 23 tháng 6 năm 1994; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ Luật Lao động ngày 02 tháng 4 năm 2002, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật lao động ngày 29 tháng 11 năm 2006;
Căn cứ Bộ Luật Lao động ngày 18 tháng 6 năm 2012;
Căn cứ Nghị định số 39/2003/NĐ-CP ngày 18/04/2003 của Chính phủ Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ Luật lao động về việc làm;
Căn cứ Nghị định số 118/2008/NĐ-CP ngày 27/11/2008 của Chính phủ quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức Bộ Tài chính;
Căn cứ Nghị định số 122/2011/NĐ-CP ngày 27/12/2011 của Chính phủ Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 124/2008/NĐ-CP ngày 11 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp;
Xét đề nghị của Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp;
Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư hướng dẫn xử lý tài chính về chi trợ cấp mất việc làm cho người lao động tại doanh nghiệp:
Điều 1. Đối tượng áp dụng và phạm vi điều chỉnh
1. Thông tư này hướng dẫn xử lý tài chính về chi trợ cấp mất việc làm cho người lao động trong các doanh nghiệp được thành lập và hoạt động tại Việt Nam theo quy định của pháp luật.
2. Đối với các doanh nghiệp liên doanh được thành lập trên cơ sở các Hiệp định ký giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước ngoài, nếu Hiệp định có các quy định về trích lập và chi trợ cấp mất việc làm khác với hướng dẫn tại Thông tư này thì thực hiện theo quy định của Hiệp định đó.
Điều 2. Căn cứ xác định khoản chi trợ cấp mất việc làm của doanh nghiệp được hạch toán vào chi phí
1. Khoản chi trợ cấp mất việc làm cho người lao động trong trường hợp doanh nghiệp có thay đổi cơ cấu hoặc công nghệ theo quy định tại khoản 1 Điều 17 của Bộ luật Lao động năm 1994, Điều 11 Nghị định số 39/2003/NĐ-CP ngày 18/04/2003 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ Luật lao động về việc làm.
2. Khoản chi trợ cấp mất việc làm được tính theo thời gian người lao động làm việc tại doanh nghiệp từ ngày 31/12/2008 trở về trước được xác định theo quy định tại Thông tư số 39/2009/TT-BLĐTBXH ngày 18 tháng 11 năm 2009 của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội hướng dẫn thi hành Điều 12 Nghị định số 39/2003/NĐ-CP ngày 18 tháng 4 năm 2003 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về việc làm.
3. Trường hợp khi Bộ luật Lao động số 10/2012/QH13 được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 3 thông qua ngày 18 tháng 6 năm 2012 có hiệu lực thi hành, các văn bản nêu trên bị thay thế bằng các văn bản khác thì việc xác định khoản trợ cấp mất việc làm của doanh nghiệp được thực hiện theo quy định của văn bản thay thế.
Điều 3. Xử lý tài chính về chi trợ cấp mất việc làm và số dư Quỹ dự phòng trợ cấp mất việc làm tại doanh nghiệp
1. Khi phát sinh chi trợ cấp mất việc làm doanh nghiệp được hạch toán khoản chi trợ cấp mất việc làm cho người lao động theo quy định tại Thông tư này vào chi phí quản lý doanh nghiệp và được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp của doanh nghiệp.
Riêng năm 2012, doanh nghiệp được sử dụng số dư Quỹ dự phòng về trợ cấp mất việc làm đã trích lập theo quy định tại Thông tư số 82/2003/TT-BTC ngày 14/8/2003 của Bộ Tài chính đến 31/12/2011 (nếu có) để chi trợ cấp mất việc làm cho người lao động. Nếu số dư Quỹ dự phòng trợ cấp mất việc làm không đủ hoặc doanh nghiệp không có số dư Quỹ để chi trợ cấp mất việc làm cho người lao động thì toàn bộ phần chi còn thiếu doanh nghiệp được hạch toán vào chi phí quản lý doanh nghiệp tại thời điểm lập báo cáo tài chính năm và được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định. Trường hợp khi lập báo cáo tài chính năm 2012, nếu nguồn Quỹ dự phòng trợ cấp mất việc làm của doanh nghiệp còn số dư (sau khi đã chi trợ cấp mất việc làm trong năm 2012) doanh nghiệp hạch toán tăng thu nhập khác năm 2012 của doanh nghiệp, doanh nghiệp không được chuyển số dư Quỹ sang năm sau sử dụng.
2. Trường hợp trong năm doanh nghiệp có thay đổi cơ cấu hoặc công nghệ, số lượng lao động mất việc làm phát sinh lớn, nếu hạch toán đủ vào chi phí số tiền đã chi trợ cấp mất việc làm (trừ số dư Quỹ dự phòng về trợ cấp mất việc làm đã sử dụng để chi nếu có) cho người lao động của doanh nghiệp mà phát sinh lỗ, thì doanh nghiệp được hạch toán phân bổ số tiền đã chi trả trợ cấp mất việc làm cho người lao động vào chi phí quản lý doanh nghiệp các năm sau, thời gian phân bổ tối đa là 3 năm.
Điều 4. Phương pháp hạch toán kế toán khoản chi trợ cấp mất việc làm cho người lao động tại doanh nghiệp
Phương pháp hạch toán kế toán khoản chi trợ cấp mất việc làm cho người lao động tại doanh nghiệp thực hiện theo quy định của chế độ kế toán doanh nghiệp ban hành kèm theo Quyết định số 15/2006/QĐ-BTC ngày 20/3/2006 của Bộ trưởng Bộ Tài chính và hướng dẫn tại Thông tư này, cụ thể như sau:
a. Khi chi trả trợ cấp mất việc làm cho người lao động từ nguồn dư Quỹ tại thời điểm 31/12/2011 ghi:
Nợ TK 351 - Quỹ trợ cấp mất việc làm
Có các TK 111, 112,………
b. Khoản chi trợ cấp mất việc làm cho người lao động trong năm tài chính được hạch toán vào chi phí quản lý doanh nghiệp, ghi:
Nợ TK 642 - Chi phí quản lý doanh nghiệp
Có các TK 111, 112,.......
c. Trường hợp số tiền chi trả trợ cấp mất việc làm trong năm phát sinh lớn, hạch toán vào chi phí của doanh nghiệp mà phát sinh lỗ, doanh nghiệp được hạch toán phân bổ vào chi phí quản lý doanh nghiệp năm sau, thời gian phân bổ tối đa là 3 năm, sau khi chi trả ghi:
Nợ TK 242 - Chi phí trả trước dài hạn.
Có các TK 111, 112, ……..
Khi phân bổ ghi:
Nợ TK 642 - Chi phí quản lý doanh nghiệp
Có TK 242 - Chi phí trả trước dài hạn.
d. Nguồn dư Quỹ dự phòng trợ cấp mất việc làm của doanh nghiệp (nếu có) khi lập báo cáo tài chính năm 2012 hạch toán tăng thu nhập khác của doanh nghiệp ghi:
Nợ TK 351 - Quỹ trợ cấp mất việc làm
Có TK 711 - Thu nhập khác.
Điều 5. Hiệu lực thi hành
1. Thông tư này có hiệu lực từ ngày 10 tháng 12 năm 2012.
2. Thông tư này thay thế Thông tư số 82/2003/TT-BTC ngày 14/8/2003 của Bộ Tài chính hướng dẫn trích lập, quản lý, sử dụng và hạch toán Quỹ trợ cấp mất việc làm tại doanh nghiệp.
3. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, đề nghị cơ quan, doanh nghiệp phản ánh về Bộ Tài chính để nghiên cứu sửa đổi, bổ sung./.
Nơi nhận: - Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ; - Văn phòng Tổng Bí thư; - Văn phòng Chủ tịch nước; - Văn phòng Chính phủ; - Văn phòng TW và các Ban của Đảng; - Văn phòng Quốc hội; - VP BCĐ Trung ương về phòng, chống tham nhũng; - Viện Kiểm sát NDTC; - Tòa án NDTC; - Kiểm toán nhà nước; - Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; - Cơ quan TW các đoàn thể; - UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW; - Công báo; - Cục Kiểm tra văn bản (Bộ Tư pháp); - Sở Tài chính, Cục Thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc TW; - Các Tập đoàn kinh tế; - Các Tổng công ty nhà nước; - Website Chính phủ; - Website Bộ Tài chính; - Các đơn vị thuộc Bộ Tài chính; - Lưu: VT, Cục TCDN. | KT. BỘ TRƯỞNG (đã ký)
|