Ngày 05/12/2022, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư 17/2022/TT-BGDĐT sửa đổi Quy chế bồi dưỡng thường xuyên giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông và giáo viên trung tâm giáo dục thường xuyên kèm theo Thông tư 19/2019/TT-BGDĐT.
Theo đó, báo cáo viên bồi dưỡng thường xuyên phải đáp ứng các tiêu chuẩn sau:
- Có bằng tốt nghiệp từ đại học trở lên và phẩm chất, năng lực nghề nghiệp tốt;
- Nắm vững Chương trình bồi dưỡng thường xuyên, có khả năng truyền đạt nội dung tài liệu bồi dưỡng thường xuyên phù hợp với đối tượng bồi dưỡng;
- Có kinh nghiệm trong công tác bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý;
- Có kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin trong thiết kế, xây dựng và phát triển tài liệu, học liệu để bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý.
BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 17/2022/TT-BGDĐT | Hà Nội, ngày 05 tháng 12 năm 2022 |
THÔNG TƯ
SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA QUY CHẾ BỒI DƯỠNG THƯỜNG XUYÊN GIÁO VIÊN, CÁN BỘ QUẢN LÝ CƠ SỞ GIÁO DỤC MẦM NON, CƠ SỞ GIÁO DỤC PHỔ THÔNG VÀ GIÁO VIÊN TRUNG TÂM GIÁO DỤC THƯỜNG XUYÊN BAN HÀNH KÈM THEO THÔNG TƯ SỐ 19/2019/TT-BGDĐT NGÀY 12 THÁNG 11 NĂM 2019 CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
Căn cứ Luật Giáo dục ngày 14 tháng 6 năm 2019;
Căn cứ Nghị định số 86/2022/NĐ-CP ngày 24 tháng 10 năm 2022 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giáo dục và Đào tạo;
Căn cứ Nghị định số 101/2017/NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2017 của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức; Nghị định số 89/2021/NĐ-CP ngày 18 tháng 10 năm 2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 101/2017/NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2017 của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức;
Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục;
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế bồi dưỡng thường xuyên giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông và giáo viên trung tâm giáo dục thường xuyên ban hành kèm theo Thông tư số 19/2019/TT-BGDĐT ngày 12 tháng 11 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế bồi dưỡng thường xuyên giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông và giáo viên trung tâm giáo dục thường xuyên ban hành kèm theo Thông tư số 19/2019/TT-BGDĐT ngày 12 tháng 11 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo
1. Sửa đổi, bổ sung khoản 1, khoản 2 Điều 2 như sau:
“1. Giáo viên đang nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục tại trường mầm non, trường mẫu giáo, nhà trẻ, nhóm trẻ độc lập, lớp mẫu giáo độc lập, lớp mầm non độc lập (gọi chung là cơ sở giáo dục mầm non); giáo viên đang giảng dạy tại trường tiểu học, trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông, trường phổ thông có nhiều cấp học, trường chuyên, trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú, trường phổ thông dành cho người khuyết tật (gọi chung là cơ sở giáo dục phổ thông); giáo viên đang giảng dạy tại trung tâm giáo dục thường xuyên, giáo viên giảng dạy chương trình giáo dục thuộc chương trình để cấp văn bằng của hệ thống giáo dục quốc dân tại trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên (gọi chung là trung tâm giáo dục thường xuyên).
Giáo viên cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông và trung tâm giáo dục thường xuyên được gọi chung là giáo viên.
2. Hiệu trưởng, phó hiệu trưởng cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông; giám đốc, phó giám đốc trung tâm giáo dục thường xuyên (gọi chung là cán bộ quản lý).”.
2. Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 3 như sau:
“1. Bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng theo yêu cầu của vị trí việc làm đối với giáo viên, cán bộ quản lý; là căn cứ để quản lý, chỉ đạo, tổ chức bồi dưỡng, tự bồi dưỡng nhằm nâng cao phẩm chất, năng lực chuyên môn nghiệp vụ của giáo viên, cán bộ quản lý; nâng cao mức độ đáp ứng của giáo viên, cán bộ quản lý theo yêu cầu vị trí việc làm; đáp ứng yêu cầu phát triển giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên và đáp ứng yêu cầu của chuẩn nghề nghiệp.”.
3. Sửa đổi, bổ sung điểm b khoản 1 Điều 7 như sau:
“b) Tài liệu phải bảo đảm kết hợp giữa lý luận và thực tiễn; kiến thức, kinh nghiệm và kỹ năng thực hành; tích hợp, lồng ghép các chương trình bồi dưỡng có nội dung tương đồng; không được trùng lặp. Chương trình, tài liệu phải thường xuyên được bổ sung, cập nhật, nâng cao phù hợp với tình hình thực tế;”.
4. Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 9 như sau:
“1. Báo cáo viên bồi dưỡng thường xuyên: Là nhà giáo thuộc các cơ sở giáo dục thực hiện nhiệm vụ bồi dưỡng thường xuyên; chuyên gia, cán bộ quản lý giáo dục; giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông cốt cán; giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục thường xuyên đáp ứng tiêu chuẩn được quy định tại khoản 2 Điều này.”.
5. Sửa đổi, bổ sung điểm c, điểm d khoản 2 Điều 9 như sau:
“c) Có kinh nghiệm trong công tác bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý; có tinh thần trách nhiệm, khả năng cộng tác với đồng nghiệp; có khả năng hướng dẫn, tư vấn giáo viên, cán bộ quản lý tự học; nắm vững quy trình tổ chức, nội dung, kỹ thuật, phương pháp, hình thức đánh giá kết quả bồi dưỡng thường xuyên;
d) Có kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin trong thiết kế, xây dựng và phát triển tài liệu, học liệu để bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý.”.
6. Sửa đổi, bổ sung Điều 11 như sau:
“1. Đánh giá việc vận dụng kiến thức bồi dưỡng thường xuyên vào thực tiễn dạy học, giáo dục trẻ em, học sinh, học viên; thực tiễn quản lý cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông và trung tâm giáo dục thường xuyên. Đánh giá cần kết hợp giữa đánh giá thường xuyên với đánh giá định kì bằng nhiều phương pháp, hình thức phù hợp thông qua bài kiểm tra, bài tập nghiên cứu, bài thu hoạch bảo đảm về mục tiêu, yêu cầu cần đạt, nội dung Chương trình bồi dưỡng thường xuyên, phù hợp với thực tiễn và các quy định tại Quy chế này.
2. Các bài kiểm tra, bài tập nghiên cứu, bài thu hoạch được chấm theo thang điểm 10 (mười) và được xếp loại đạt yêu cầu nếu đạt điểm 5 (năm) trở lên.
3. Xếp loại kết quả bồi dưỡng thường xuyên:
a) Hoàn thành kế hoạch bồi dưỡng thường xuyên: Giáo viên, cán bộ quản lý được xếp loại hoàn thành kế hoạch bồi dưỡng thường xuyên khi thực hiện đầy đủ quy định của các khóa bồi dưỡng trong năm học; hoàn thành đầy đủ các bài kiểm tra, bài tập nghiên cứu, bài thu hoạch với kết quả đạt yêu cầu theo quy định tại khoản 2 Điều này.
b) Không hoàn thành kế hoạch bồi dưỡng thường xuyên: Giáo viên, cán bộ quản lý không đáp ứng được các yêu cầu theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều này.
4. Kết quả đánh giá, xếp loại bồi dưỡng thường xuyên được lưu vào hồ sơ và là căn cứ thực hiện chế độ, chính sách bồi dưỡng phát triển nghề nghiệp và sử dụng giáo viên, cán bộ quản lý.”.
7. Sửa đổi, bổ sung Điều 12 như sau:
“Điều 12. Công nhận hoàn thành kế hoạch bồi dưỡng thường xuyên
Giáo viên, cán bộ quản lý hoàn thành các khóa bồi dưỡng trong năm học theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 11 thì được Sở Giáo dục và Đào tạo công nhận hoàn thành kế hoạch bồi dưỡng thường xuyên.”.
8. Sửa đổi, bổ sung điểm c khoản 2 Điều 13 như sau:
“c) Thực hiện bồi dưỡng thường xuyên; đánh giá, xếp loại và gửi kết quả bồi dưỡng thường xuyên về Sở Giáo dục và Đào tạo.”.
9. Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 19 như sau:
“1. Thực hiện theo cơ chế phối hợp được quy định tại Điều 13 của Quy chế này; xây dựng chương trình, tài liệu bồi dưỡng và công khai danh sách đội ngũ báo cáo viên trước khi tổ chức bồi dưỡng.”.
Điều 2. Hiệu lực thi hành
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20 tháng 01 năm 2023.
Điều 3. Trách nhiệm tổ chức thực hiện
Các ông (bà) Chánh Văn phòng, Chánh Thanh tra, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục, Thủ trưởng các đơn vị có liên quan thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Giám đốc các Sở giáo dục và Đào tạo, các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này./.
Nơi nhận: | KT. B Ộ TRƯỞNG |