Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 17/2017/TT-BTC hướng dẫn thu, nộp, quản lý và sử dụng phí, lệ phí hàng hải. Theo đó, Thông tư quy định phần trăm mức nộp phí, lệ phí vào ngân sách trung ương như sau:
Nội dung Thông tư 17/2017/TT-BTC
BỘ TÀI CHÍNH | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 17/2017/TT-BTC | Hà Nội, ngày 28 tháng 02 năm 2017 |
THÔNG TƯ
HƯỚNG DẪN THU, NỘP, QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG PHÍ, LỆ PHÍ HÀNG HẢI
Căn cứ Luật Phí và lệ phí ngày 25 tháng 11 năm 2015;
Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ngày 25 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Nghị định số 120/2016/NĐ-CP ngày 23 tháng 8 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật phí và lệ phí;
Căn cứ Nghị định số 163/2016/NĐ-CP ngày 21 tháng 12 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Ngân sách nhà nước;
Căn cứ Nghị định số 215/2013/NĐ-CP ngày 23 tháng 12 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tài chính Hành chính sự nghiệp;
Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư hướng dẫn thu, nộp, quản lý và sử dụng phí, lệ phí hàng hải.
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Phạm vi điều chỉnh: Thông tư này hướng dẫn thu, nộp, quản lý và sử dụng phí, lệ phí hàng hải do các Cảng vụ hàng hải được giao nhiệm vụ tổ chức thu.
2. Phí, lệ phí hàng hải do các Cảng vụ hàng hải tổ chức thu bao gồm: phí trọng tải tàu, thuyền; phí sử dụng vị trí neo, đậu; phí xác nhận kháng nghị hàng hải và lệ phí ra, vào cảng biển.
3. Đối tượng áp dụng: Các Cảng vụ hàng hải trực thuộc Cục Hàng hải Việt Nam; cơ quan quản lý nhà nước và tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến hoạt động hàng hải.
Điều 2. Mức thu và kê khai, thu, nộp phí, lệ phí
1. Mức thu phí trọng tải tàu, thuyền; phí sử dụng vị trí neo, đậu tại khu nước, vùng nước; phí xác nhận kháng nghị hàng hải (sau đây gọi chung là phí cảng vụ hàng hải) và lệ phí ra, vào cảng biển thực hiện theo Thông tư số 261/2016/TT-BTC ngày 14 tháng 11 năm 2016 của Bộ Tài chính quy định về phí, lệ phí hàng hải và biểu mức thu phí, lệ phí hàng hải và Thông tư sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế (nếu có).
2. Kê khai, thu, nộp phí, lệ phí
a) Định kỳ 02 tuần một lần, chậm nhất là ngày thứ hai của tuần thứ 3, tổ chức thu phí, lệ phí (các Cảng vụ hàng hải) phải nộp số tiền phí thu được trong kỳ vào tài khoản phí chờ nộp ngân sách nhà nước mở tại Kho bạc Nhà nước.
b) Các Cảng vụ hàng hải thực hiện kê khai, nộp phí, lệ phí thu được theo tháng, quyết toán năm theo quy định tại khoản 3 Điều 19 và khoản 2 Điều 26 Thông tư số 156/2013/TT-BTC ngày 06 tháng 11 năm 2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành một số điều của Luật quản lý thuế; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật quản lý thuế và Nghị định số 83/2013/NĐ-CP ngày 22 tháng 7 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của luật quản lý thuế và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật quản lý thuế.
Điều 3. Quản lý, sử dụng phí, lệ phí
1. Các Cảng vụ hàng hải có trách nhiệm nộp 100% (một trăm phần trăm) tổng số tiền lệ phí ra, vào cảng biển thu được vào ngân sách trung ương theo chương, mục, tiểu mục của Mục lục ngân sách nhà nước.
2. Các Cảng vụ hàng hải được để lại 57% tiền phí thu được để trang trải chi phí theo quy định tại khoản 3 Điều này, trong đó bao gồm chi đặc thù của Cục Hàng hải Việt Nam theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ và nộp 43% tiền phí thu được vào ngân sách trung ương theo chương, mục, tiểu mục của Mục lục ngân sách nhà nước.
3. Số tiền phí để lại được quản lý và sử dụng theo quy định tại Điều 5 Nghị định số 120/2016/NĐ-CP ngày 23/8/2016 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật phí và lệ phí; trong đó, bao gồm các nội dung chi sau:
- Các khoản chi thường xuyên khác liên quan đến thực hiện công việc, dịch vụ và thu phí của các Cảng vụ hàng hải: Chi bồi dưỡng nâng cao trình độ nghiệp vụ chuyên môn; chi bảo hộ lao động hoặc đồng phục theo chế độ quy định; chi quản lý, vận hành thường xuyên phục vụ hoạt động của hệ thống giám sát, điều khiển tàu thuyền đảm bảo an toàn hàng hải trên luồng hàng hải (hệ thống VTS); chi phí hoạt động phục vụ công tác cải cách hành chính tại cảng biển thuộc nhiệm vụ của cảng vụ hàng hải.
- Chi nhiệm vụ không thường xuyên của các Cảng vụ hàng hải: Bảo trì, bảo dưỡng, sửa chữa hệ thống VTS và trang thiết bị phục vụ công tác đảm bảo an toàn, an ninh hàng hải của cảng vụ hàng hải tại khu vực cảng biển; chi thuê trụ sở, đại diện cảng vụ hàng hải, bến ca nô, bến tàu công vụ (nếu có); chi cho công tác tìm kiếm cứu nạn người, hàng hóa, phương tiện, tàu biển bị tai nạn; chi xử lý công việc có liên quan đến phòng ngừa ô nhiễm môi trường trong vùng nước cảng biển.
- Chi đặc thù của Cục Hàng hải Việt Nam theo Quyết định số 46/2013/QĐ-TTg ngày 26 tháng 7 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về thí điểm áp dụng một số chế độ chi đặc thù của Cục Hàng hải Việt Nam.
Điều 4. Lập, phân bổ, giao dự toán thu, chi phí, lệ phí hàng hải
Việc lập, phân bổ, giao dự toán thu, chi phí, lệ phí hàng hải thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn hiện hành; Thông tư này hướng dẫn thêm một số nội dung cụ thể như sau:
1. Lập dự toán
Hàng năm căn cứ vào Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư của Bộ Tài chính về hướng dẫn lập dự toán ngân sách nhà nước; Bộ Giao thông vận tải thông báo số kiểm tra cho Cục Hàng hải Việt Nam. Căn cứ mức thu của từng loại phí, lệ phí, dự báo sản lượng tàu thuyền, hàng hóa thông qua cảng biển và khối lượng công việc được giao, dự báo tăng trưởng kinh tế hàng hải tại khu vực; các Cảng vụ hàng hải lập dự toán thu phí, lệ phí; dự toán chi thường xuyên, chi nhiệm vụ không thường xuyên; số nộp ngân sách về phí, lệ phí. Trên cơ sở dự toán thu, chi của các Cảng vụ hàng hải, Cục Hàng hải Việt Nam rà soát, tổng hợp dự toán thu, chi phí, lệ phí hàng hải để báo cáo Bộ Giao thông vận tải tổng hợp gửi Bộ Tài chính theo quy định.
2. Phân bổ và giao dự toán
Hàng năm, căn cứ dự toán thu, chi phí, lệ phí được cấp có thẩm quyền giao; Cục Hàng hải Việt Nam dự kiến phân bổ dự toán thu, chi, nộp ngân sách nhà nước phí, lệ phí cho từng Cảng vụ hàng hải (đảm bảo nguyên tắc điều hoà số thu phí được để lại chi giữa các Cảng vụ hàng hải), báo cáo Bộ Giao thông vận tải.
Bộ Giao thông vận tải, Cục Hàng hải Việt Nam phân bổ và giao dự toán thu, chi phí, lệ phí hàng hải theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn hiện hành.
3. Điều chỉnh dự toán
Trong năm trường hợp số thu phí biến động tăng (hoặc giảm) so với dự toán được giao đầu năm, Bộ Giao thông vận tải có trách nhiệm tổng hợp kịp thời, gửi Bộ Tài chính để thống nhất làm căn cứ cho các đơn vị thực hiện.
Điều 5. Quyết toán thu, chi phí, lệ phí
Việc quyết toán thu, chi phí, lệ phí hàng hải thực hiện theo quy định tại Thông tư số 01/2007/TT-BTC ngày 02 tháng 01 năm 2007 của Bộ Tài chính hướng dẫn xét duyệt, thẩm định và thông báo quyết toán năm đối với các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, tổ chức được ngân sách nhà nước hỗ trợ và ngân sách các cấp và văn bản sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế (nếu có).
Điều 6. Tổ chức thực hiện
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 18 tháng 4 năm 2017 và áp dụng từ năm tài chính 2017.
2. Thông tư này bãi bỏ các văn bản sau:
- Quyết định số 100/2004/QĐ-BTC ngày 24 tháng 12 năm 2004 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định tỷ lệ chi và nộp phí, lệ phí hàng hải cho cơ quan, tổ chức thu phí, lệ phí;
- Quyết định số 21/2007/QĐ-BTC ngày 29 tháng 3 năm 2007 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc sửa đổi bổ sung Quyết định số 100/2004/QĐ-BTC ngày 24 tháng 12 năm 2004 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định tỷ lệ chi và nộp phí, lệ phí hàng hải cho cơ quan, tổ chức thu phí, lệ phí;
3. Các nội dung khác liên quan đến việc thu, nộp, quản lý, sử dụng, chứng từ thu, công khai chế độ thu phí, lệ phí không đề cập tại Thông tư này được thực hiện theo quy định tại Luật phí và lệ phí; Nghị định số 120/2016/NĐ-CP ngày 23/8/2016 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật phí và lệ phí; Thông tư số 156/2013/TT-BTC ngày 06 tháng 11 năm 2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành một số điều của Luật quản lý thuế; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật quản lý thuế và Nghị định số 83/2013/NĐ-CP ngày 22 tháng 7 năm 2013 của Chính phủ và Thông tư số 303/2016/TT-BTC ngày 15 tháng 11 năm 2016 của Bộ Tài chính hướng dẫn việc in, phát hành, quản lý và sử dụng các loại chứng từ thu tiền phí, lệ phí thuộc ngân sách nhà nước và các văn bản sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế (nếu có).
4. Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có vướng mắc, đề nghị các cơ quan, đơn vị có liên quan phản ánh về Bộ Tài chính, để xem xét, hướng dẫn./.
Nơi nhận: | KT. BỘ TRƯỞNG |