Ngày 27/04/2018, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành Thông tư 12/2018/TT-NHNN sửa đổi Thông tư 22/2014/TT-NHNN hướng dẫn thực hiện chính sách tín dụng theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP về chính sách phát triển thủy sản. Thông tư có hiệu lực kể từ ngày ban hành. Sau đây là nội dung chi tiết, mời các bạn cùng tham khảo.
NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 12/2018/TT-NHNN | Hà Nội, ngày 27 tháng 04 năm 2018 |
THÔNG TƯ
SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA THÔNG TƯ SỐ 22/2014/TT-NHNN NGÀY 15 THÁNG 8 NĂM 2014 CỦA NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC VIỆT NAM HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH TÍN DỤNG THEO NGHỊ ĐỊNH SỐ 67/2014/NĐ-CP NGÀY 07 THÁNG 7 NĂM 2014 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ MỘT SỐ CHÍNH SÁCH PHÁT TRIỂN THỦY SẢN
Căn cứ Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ngày 16 tháng 6 năm 2010;
Căn cứ Luật các tổ chức tín dụng ngày 16 tháng 6 năm 2010 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các tổ chức tín dụng ngày 20 tháng 11 năm 2017;
Căn cứ Nghị định số 16/2017/NĐ-CP ngày 17 tháng 02 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;
Căn cứ Nghị định số 67/2014/NĐ-CP ngày 07 tháng 7 năm 2014 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản; Nghị định số 89/2015/NĐ-CP ngày 07 tháng 10 năm 2015 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 67/2014/NĐ-CP ngày 07 tháng 7 năm 2014 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản; Nghị định số 17/2018/NĐ-CP ngày 02 tháng 02 năm 2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 67/2014/NĐ-CP ngày 07 tháng 7 năm 2014 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế;
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 22/2014/TT-NHNN ngày 15 tháng 8 năm 2014 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn thực hiện chính sách tín dụng theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP ngày 07 tháng 7 năm 2014 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản (sau đây gọi tắt là Thông tư số 22/2014/TT-NHNN).
Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 22/2014/TT-NHNN
1. Khoản 1 Điều 1 được sửa đổi, bổ sung như sau:
“1. Phạm vi điều chỉnh:
Thông tư này quy định việc cho vay đặt hàng đóng mới, nâng cấp tàu khai thác hải sản xa bờ, tàu dịch vụ hậu cần khai thác hải sản xa bờ; cho vay vốn lưu động để khai thác hải sản xa bờ và cung cấp dịch vụ hậu cần khai thác hải sản xa bờ theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP ngày 07 tháng 7 năm 2014 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản (sau đây gọi tắt là Nghị định số 67/2014/NĐ-CP), Nghị định số 89/2015/NĐ-CP ngày 07 tháng 10 năm 2015 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 67/2014/NĐ-CP (sau đây gọi tắt là Nghị định số 89/2015/NĐ-CP) và Nghị định số 17/2018/NĐ-CP ngày 02 tháng 02 năm 2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 67/2014/NĐ-CP (sau đây gọi tắt là Nghị định số 17/2018/NĐ-CP).”
2. Khoản 2 Điều 3 được sửa đổi như sau:
“2. Cho vay vốn lưu động đối với chủ tàu khai thác hải sản xa bờ và chủ tàu dịch vụ hậu cần khai thác hải sản xa bờ theo quy định tại khoản 3 Điều 4 Nghị định số 67/2014/NĐ-CP (đã được sửa đổi bởi khoản 4 Điều 1 Nghị định số 17/2018/NĐ-CP)."
3. Khoản 2 Điều 4 được sửa đổi như sau:
“2. Đối với cho vay vốn lưu động:
Chủ tàu vay vốn lưu động đáp ứng các quy định của pháp luật hiện hành về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng đối với khách hàng trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.”
4. Khoản 1 Điều 5 được sửa đổi như sau:
“1. Hạn mức, lãi suất cho vay được thực hiện theo quy định tại điểm e, điểm c khoản 1 Điều 4 Nghị định số 67/2014/NĐ-CP (đã được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 3 Điều 1 Nghị định số 89/2015/NĐ-CP).”
5. Khoản 1 Điều 7 được sửa đổi như sau:
“1. Việc phân loại nợ, trích lập dự phòng rủi ro và sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro thực hiện theo quy định hiện hành, bao gồm khoản nợ vay của chủ tàu mới khi nhận bàn giao từ chủ tàu cũ theo cơ chế chuyển đổi chủ tàu quy định tại khoản 3 Điều 1 Nghị định số 17/2018/NĐ-CP.”
6. Bổ sung Điều 7a như sau:
“Điều 7a. Cơ chế bàn giao khoản nợ vay
Việc bàn giao lại tàu và khoản nợ vay đóng mới, nâng cấp tàu của chủ tàu không còn khả năng tiếp tục thực hiện dự án đóng mới, nâng cấp tàu hoặc đã hoàn thành đóng mới nhưng không đủ năng lực để hoạt động (sau đây gọi là chủ tàu cũ) cho chủ tàu được Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phê duyệt thay thế (sau đây gọi là chủ tàu mới) theo cơ chế chuyển đổi chủ tàu quy định tại khoản 3 Điều 1 Nghị định số 17/2018/NĐ-CP được thực hiện như sau:
a) Chủ tàu mới nhận bàn giao toàn bộ khoản nợ vay từ chủ tàu cũ, bao gồm cả nợ gốc quá hạn và lãi phát sinh mà chủ tàu cũ chưa trả cho ngân hàng cho vay trước thời điểm bàn giao (nếu có). Việc hỗ trợ lãi suất đối với chủ tàu mới được thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Tài chính;
b) Căn cứ thỏa thuận giữa chủ tàu cũ và chủ tàu mới về việc bàn giao lại tàu và khoản nợ vay, ngân hàng thương mại, chủ tàu cũ và chủ tàu mới ký thỏa thuận bàn giao nợ, trong đó nêu rõ dư nợ vay, số tiền lãi phát sinh (nếu có), thời gian vay vốn, tài sản bảo đảm của khoản nợ vay, quyền hạn, nghĩa vụ của các bên và các nội dung khác phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành;
c) Chủ tàu mới và ngân hàng thương mại ký kết thỏa thuận cho vay và hợp đồng bảo đảm tiền vay theo quy định của pháp luật hiện hành. Thời gian vay vốn hỗ trợ lãi suất do ngân hàng và chủ tàu mới thỏa thuận nhưng không vượt quá thời gian vay vốn hỗ trợ lãi suất còn lại theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 4 Nghị định số 67/2014/NĐ-CP (đã được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 4 Điều 1 Nghị định số 89/2015/NĐ-CP) sau khi trừ đi thời gian vay vốn hỗ trợ lãi suất của chủ tàu cũ tại thời điểm bàn giao khoản nợ vay;
d) Thời điểm ký kết thỏa thuận cho vay giữa ngân hàng thương mại và chủ tàu mới không phụ thuộc vào quy định về thời gian ký kết hợp đồng tín dụng đóng mới, nâng cấp tàu tại khoản 4 Điều 13 Nghị định số 67/2014/NĐ-CP (đã được sửa đổi bởi khoản 19 Điều 1 Nghị định số 17/2018/NĐ-CP). Thời gian giải ngân vốn vay hỗ trợ lãi suất đối với chủ tàu mới để tiếp tục đóng mới, nâng cấp tàu trong trường hợp chủ tàu cũ chưa hoàn thành việc đóng mới, nâng cấp tàu được thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 11 Thông tư này.”
7. Bổ sung khoản 4 vào Điều 8 như sau:
“4. Chủ tàu mới nhận bàn giao khoản nợ vay và tài sản hình thành từ vốn vay từ chủ tàu cũ theo cơ chế chuyển đổi chủ tàu quy định tại khoản 3 Điều 1 Nghị định số 17/2018/NĐ-CP có trách nhiệm thực hiện đầy đủ quyền và trách nhiệm của chủ tàu theo quy định tại Thông tư này và các văn bản khác có liên quan.”
8. Điều 9 được sửa đổi, bổ sung như sau:
“Điều 9. Trách nhiệm của ngân hàng thương mại
1. Xây dựng kế hoạch, bố trí nguồn vốn và tích cực triển khai việc cho vay đối với chủ tàu theo quy định tại Nghị định số 67/2014/NĐ-CP và Thông tư này.
2. Xây dựng quy định nội bộ hướng dẫn cho vay đối với chủ tàu đảm bảo trình tự, thủ tục đơn giản, nhanh gọn và an toàn về nguồn vốn cho vay phù hợp với quy định tại Thông tư này và các quy định của pháp luật có liên quan.
3. Báo cáo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khi phát sinh khó khăn về nguồn vốn cho vay thực hiện chính sách tín dụng theo quy định tại Thông tư này hoặc khi mặt bằng lãi suất tăng ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh để được tái cấp vốn theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
4. Thực hiện theo dõi, kiểm tra, giám sát khoản vay và quản lý riêng hồ sơ vay vốn của chủ tàu đảm bảo thuận tiện cho việc kiểm tra, giám sát của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
5. Thực hiện báo cáo tình hình cho vay đóng mới, nâng cấp tàu theo chế độ báo cáo thống kê của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
6. Phối hợp với chủ tàu để xem xét điều chỉnh thời gian cho vay đóng mới tàu khai thác hải sản xa bờ, tàu dịch vụ hậu cần khai thác hải sản xa bờ phù hợp với quy định tại điểm d khoản 1 Điều 4 Nghị định số 67/2014/NĐ-CP (đã được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 4 Điều 1 Nghị định số 89/2015/NĐ-CP).
7. Căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 4 Thông tư này và kết quả thẩm định đối với chủ tàu mới để có ý kiến về việc bàn giao lại tàu và khoản nợ vay từ chủ tàu cũ sang chủ tàu mới, làm cơ sở để Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xem xét, quyết định phê duyệt chủ tàu mới thay thế chủ tàu cũ theo cơ chế chuyển đổi chủ tàu quy định tại khoản 3 Điều 1 Nghị định số 17/2018/NĐ-CP.
8. Hướng dẫn chi nhánh, phòng giao dịch thống nhất về hồ sơ, tài liệu liên quan, đồng thời chủ động phối hợp với chủ tàu mới để thực hiện các thủ tục bàn giao khoản nợ vay, tài sản bảo đảm của khoản nợ vay từ chủ tàu cũ theo quy định của pháp luật hiện hành.
9. Báo cáo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai cho vay để được xem xét xử lý kịp thời.”
9. Khoản 2 Điều 11 được sửa đổi như sau:
“2. Ngân hàng thương mại và chủ tàu ký kết hợp đồng tín dụng đóng mới, nâng cấp tàu theo quy định tại khoản 1 Điều 4 Nghị định số 67/2014/NĐ-CP đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2017 và giải ngân đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2018. Đối với các khoản giải ngân sau ngày 31 tháng 12 năm 2018, lãi suất cho vay do ngân hàng thương mại và khách hàng thỏa thuận phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành và chủ tàu không được hưởng hỗ trợ lãi suất.”
Điều 2. Bãi bỏ khoản 2 Điều 6 Thông tư số 22/2014/TT-NHNN và khoản 1, khoản 4, khoản 6 Điều 1 Thông tư số 21/2015/TT-NHNN ngày 16 tháng 11 năm 2015 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 22/2014/TT-NHNN.
Điều 3. Điều khoản thi hành
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 27 tháng 4 năm 2018.
2. Đối với việc cho vay vốn lưu động, ngân hàng thương mại và chủ tàu thỏa thuận về việc tiếp tục thực hiện các nội dung đã ký kết hoặc thỏa thuận sửa đổi, bổ sung phù hợp với quy định tại Thông tư này.
3. Chánh Văn phòng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế và Thủ trưởng các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Chủ tịch Hội đồng thành viên, Chủ tịch Hội đồng quản trị và Tổng giám đốc ngân hàng thương mại chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện Thông tư này./.
Nơi nhận: | KT. THỐNG ĐỐC |