Thông tư 12/2012/TT-BNV - Điều kiện thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức

Thông tư 12/2012/TT-BNV

Điều kiện thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức

Ngày 18/12/2012, Bộ Nội vụ đã ban hành Thông tư 12/2012/TT-BNV quy định về chức danh nghề nghiệp và thay đổi chức danh nghề nghiệp đối với viên chức. Theo đó, để được đăng ký dự thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp, Viên chức cần phải đáp ứng các tiêu chí như sau:

  • - Công tác tốt trong 3 năm liên tục gần nhất, có phẩm chất và đạo đức nghề nghiệp, không bị kỷ luật;
  • - Đạt đủ trình độ và năng lực của chức danh hạng cao hơn hạng hiện giữ cùng ngành, lĩnh vực;
  • - Và khi đơn vị sự nghiệp công lập có nhu cầu.
  • Viên chức trúng tuyển khi đạt tối thiểu đạt 55 điểm/bài theo thang điểm 100, trừ những môn được miễn thi theo quy định.

BỘ NỘI VỤ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 12/2012/TT-BNV

Hà Nội, ngày 18 tháng 12 năm 2012

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH VỀ CHỨC DANH NGHỀ NGHIỆP VÀ THAY ĐỔI CHỨC DANH NGHỀ NGHIỆP ĐỐI VỚI VIÊN CHỨC

Căn cứ Luật Viên chức ngày 15 tháng 11 năm 2010;

Căn cứ Nghị định số 29/2012/NĐ-CP ngày 12 tháng 4 năm 2012 của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức;

Căn cứ Nghị định số 61/2012/NĐ-CP ngày 10 tháng 8 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nội vụ;

Bộ trưởng Bộ Nội vụ ban hành Thông tư quy định về chức danh nghề nghiệp và thay đổi chức danh nghề nghiệp đối với viên chức,

Chương 1.

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

Thông tư này quy định về trình tự, thủ tục xây dựng chức danh nghề nghiệp, thay đổi chức danh nghề nghiệp đối với viên chức trong đơn vị sự nghiệp công lập.

Điều 2. Nội dung quản lý đối với chức danh nghề nghiệp

1. Chức danh nghề nghiệp là tên gọi thể hiện trình độ, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của viên chức trong từng lĩnh vực nghề nghiệp; được sử dụng làm căn cứ để thực hiện công tác tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức.

2. Bộ Nội vụ quy định danh mục, mã số và việc phân hạng chức danh nghề nghiệp đối với viên chức.

3. Bộ quản lý chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành (sau đây gọi tắt là Bộ quản lý viên chức chuyên ngành) quy định Bộ tiêu chuẩn nghiệp vụ các chức danh nghề nghiệp của viên chức thuộc ngành, lĩnh vực sự nghiệp cụ thể trong phạm vi được giao quản lý sau khi thống nhất với Bộ Nội vụ. Bộ tiêu chuẩn nghiệp vụ các chức danh nghề nghiệp của viên chức bao gồm danh mục các chức danh nghề nghiệp và tiêu chuẩn cụ thể của từng chức danh nghề nghiệp, được phân loại thành các cấp độ từ hạng I đến hạng IV theo quy định tại Khoản 2 Điều 3 Nghị định số 29/2012/NĐ-CP ngày 12 tháng 4 năm 2012 của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức (sau đây gọi tắt là Nghị định số 29/2012/NĐ-CP).

Điều 3. Tổ chức thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp

1. Bộ quản lý viên chức chuyên ngành quy định cụ thể về tiêu chuẩn, điều kiện đăng ký dự thi hoặc dự xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp đối với viên chức sau khi có ý kiến thống nhất của Bộ Nội vụ.

2. Việc tổ chức thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp phải thực hiện theo các quy định của Quy chế tổ chức thi và xét thăng hạng; Nội quy thi tuyển, thi và xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp.

3. Căn cứ vào đặc điểm của hoạt động nghề nghiệp và điều kiện cụ thể của đơn vị, ngành, lĩnh vực hoạt động sự nghiệp, các cơ quan, đơn vị được phân công, phân cấp tổ chức thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp quyết định hình thức thi hoặc hình thức xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp đối với viên chức theo thẩm quyền quy định tại Điều 30 Nghị định số 29/2012/NĐ-CP.

Chương 2.

XÂY DỰNG CHỨC DANH NGHỀ NGHIỆP

Điều 4. Trình tự, thủ tục xây dựng chức danh nghề nghiệp

1. Bộ quản lý viên chức chuyên ngành căn cứ yêu cầu, đặc điểm, tính chất của hoạt động nghề nghiệp, chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan xây dựng, ban hành Bộ tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp của viên chức thuộc ngành, lĩnh vực sự nghiệp được giao quản lý theo các bước như sau:

a) Tổ chức điều tra, khảo sát, đánh giá thực trạng về số lượng, cơ cấu và chất lượng đội ngũ viên chức của ngành, lĩnh vực; thực trạng hệ thống đào tạo theo yêu cầu của chức danh nghề nghiệp; hệ thống và tiêu chuẩn các ngạch viên chức hiện đang được sử dụng;

b) Trên cơ sở kết quả điều tra, khảo sát, đánh giá về thực trạng đội ngũ viên chức quy định tại Điểm a Khoản này và định hướng chiến lược phát triển ngành, lĩnh vực quản lý, xác định sự cần thiết xây dựng mới hoặc sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện tiêu chuẩn, đề xuất danh mục, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp của viên chức chuyên ngành và hạng của các chức danh này;

c) Dự thảo Bộ tiêu chuẩn các chức danh nghề nghiệp của viên chức chuyên ngành;

2. Bộ Nội vụ thống nhất với Bộ quản lý viên chức chuyên ngành về dự thảo Bộ tiêu chuẩn các chức danh nghề nghiệp của viên chức chuyên ngành; cấp mã số cho từng chức danh nghề nghiệp cụ thể.

3. Bộ quản lý viên chức chuyên ngành tiếp thu, hoàn chỉnh trên cơ sở ý kiến của Bộ Nội vụ, ban hành Bộ tiêu chuẩn các chức danh nghề nghiệp của viên chức theo thẩm quyền.

Điều 5. Kết cấu chung của tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp

Mỗi chức danh nghề nghiệp được kết cấu bao gồm:

1. Tên và hạng của chức danh nghề nghiệp;

2. Nhiệm vụ: liệt kê chi tiết và cụ thể những công việc phải thực hiện có mức độ phức tạp phù hợp với hạng chức danh nghề nghiệp;

3. Tiêu chuẩn về đạo đức nghề nghiệp;

4. Tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng;

5. Tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ.

Chương 3.

THAY ĐỔI CHỨC DANH NGHỀ NGHIỆP

Điều 6. Xét chuyển chức danh nghề nghiệp

1. Việc xét chuyển từ chức danh nghề nghiệp này sang chức danh nghề nghiệp khác cùng hạng đối với viên chức phải bảo đảm các điều kiện sau:

a) Viên chức được bố trí sang vị trí việc làm mới có yêu cầu chức danh nghề nghiệp chuyên ngành khác cùng hạng với chức danh nghề nghiệp đang đảm nhiệm;

b) Viên chức đáp ứng đúng tiêu chuẩn của chức danh nghề nghiệp mới.

2. Việc xét chuyển sang chức danh nghề nghiệp khác cùng hạng đối với viên chức được tiến hành như sau:

a) Người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập tổ chức xem xét các văn bằng, chứng chỉ đào tạo, bồi dưỡng của viên chức; kiểm tra, sát hạch về hiểu biết, về chuyên môn, nghiệp vụ và các yêu cầu khác theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp tương ứng với vị trí việc làm mới bằng hình thức phỏng vấn hoặc thực hành;

b) Nếu viên chức đáp ứng đủ tiêu chuẩn của chức danh nghề nghiệp tương ứng với vị trí việc làm mới thì người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập ra quyết định bổ nhiệm theo thẩm quyền hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền quản lý viên chức bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp mới.

3. Khi xét chuyển sang chức danh nghề nghiệp khác cùng hạng không kết hợp nâng bậc lương đối với viên chức.

Điều 7. Xây dựng kế hoạch thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp

1. Căn cứ đề nghị chỉ tiêu thăng hạng chức danh nghề nghiệp của các đơn vị theo Báo cáo tại Mẫu số 1 ban hành kèm theo Thông tư này, cơ quan được giao thẩm quyền tổ chức thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp xây dựng kế hoạch tổ chức thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp để tổ chức thực hiện theo thẩm quyền quy định tại Điều 30 Nghị định số 29/2012/NĐ-CP.

2. Cơ quan có thẩm quyền tổ chức thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức gửi đề án và kế hoạch đến các cơ quan quy định tại Khoản 1, Khoản 2 Điều 31 Nghị định số 29/2012/NĐ-CP.

Điều 8. Căn cứ và trách nhiệm cử viên chức tham dự thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp

1. Việc thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp của viên chức được thực hiện căn cứ vào:

a) Số lượng vị trí việc làm và cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp của đơn vị sự nghiệp công lập;

b) Nhu cầu của đơn vị sự nghiệp công lập;

c) Tiêu chuẩn, điều kiện của chức danh nghề nghiệp đăng ký dự thù hoặc xét thăng hạng.

2. Người đứng đầu cơ quan, đơn vị có thẩm quyền cử viên chức dự thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp phải chịu trách nhiệm về điều kiện, tiêu chuẩn của viên chức được cử đi dự thi hoặc xét.

3. Viên chức được cử dự thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp không bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện hoặc không đúng yêu cầu của vị trí việc làm (thì không được tham dự thi hoặc xét. Nếu viên chức sử dụng văn bằng, chứng chỉ không hợp pháp, kê khai không đúng sự thật để đủ tiêu chuẩn, điều kiện dự thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp, khi bị phát hiện sẽ bị xử lý kỷ luật theo quy định và hủy kết quả thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp. Cơ quan có thẩm quyền tổ chức thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp chịu trách nhiệm hủy kết quả thi hoặc xét.

Điều 9. Tiêu chuẩn, điều kiện đăng ký dự thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp

Viên chức được đăng ký dự thi hoặc dự xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp khi đảm bảo đủ các tiêu chuẩn, điều kiện sau:

1. Đơn vị sự nghiệp công lập có nhu cầu;

2. Hoàn thành tốt nhiệm vụ trong thời gian công tác 03 năm liên tục gần nhất; có phẩm chất và đạo đức nghề nghiệp; không trong thời gian thi hành kỷ luật hoặc đã có thông báo về việc xem xét kỷ luật của cơ quan, đơn vị có thẩm quyền;

3. Có đủ trình độ đào tạo, bồi dưỡng và năng lực chuyên môn nghiệp vụ của chức danh nghề nghiệp ở hạng cao hơn hạng hiện giữ trong cùng ngành, lĩnh vực;

4. Đáp ứng các yêu cầu khác do Bộ quản lý viên chức chuyên ngành quy định.

Điều 10. Hồ sơ đăng ký dự thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp

1. Hồ sơ đăng ký dự thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp bao gồm:

a) Đơn đăng ký dự thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp;

b) Bản sơ yếu lý lịch của viên chức theo Mẫu số 2 ban hành kèm theo Thông tư này, có xác nhận của cơ quan sử dụng hoặc quản lý viên chức;

c) Bản nhận xét, đánh giá của người đứng đầu cơ quan sử dụng viên chức không giữ chức vụ quản lý hoặc của người đứng đầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền bổ nhiệm viên chức quản lý;

d) Bản sao văn bằng, chứng chỉ theo yêu cầu của chức danh nghề nghiệp đăng ký dự thi hoặc xét được cơ quan có thẩm quyền chứng thực;

đ) Các yêu cầu khác theo quy định về tiêu chuẩn của hạng chức danh nghề nghiệp mà viên chức dự thi hoặc xét thăng hạng.

2. Việc lưu giữ, quản lý hồ sơ đăng ký dự thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp của viên chức được thực hiện như sau:

a) Đối với kỳ thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp từ hạng II lên hạng I, hồ sơ của viên chức được cử tham dự thi hoặc xét thăng hạng được gửi về Bộ Nội vụ để xem xét, quyết định và lưu giữ, quản lý;

b) Đối với kỳ thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp từ hạng IV lên hạng III và từ hạng III lên hạng II, hồ sơ của viên chức được cử tham dự thi hoặc xét thăng hạng do cơ quan có thẩm quyền cử viên chức dự thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp lưu giữ, quản lý.

Điều 11. Trình tự, thủ tục và thẩm quyền cử viên chức tham dự thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp

1. Căn cứ hướng dẫn tổ chức thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp của cơ quan có thẩm quyền tổ chức thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập lập danh sách và hồ sơ viên chức có đủ các tiêu chuẩn, điều kiện gửi đến cơ quan có thẩm quyền cử viên chức dự thi hoặc xét kèm theo báo cáo danh mục vị trí việc làm và cơ cấu chức danh nghề nghiệp đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; báo cáo thực trạng chất lượng đội ngũ viên chức hiện có của đơn vị.

2. Cơ quan có thẩm quyền cử viên chức dự thi hoặc dự xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp tiến hành tổng hợp đề nghị của các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc quyền quản lý, tổ chức sơ tuyển và cử viên chức đủ tiêu chuẩn, điều kiện dự thi hoặc dự xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp theo quy định.

3. Văn bản cử viên chức dự thi hoặc dự xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp gửi cơ quan có thẩm quyền tổ chức thi hoặc xét kèm theo danh sách trích ngang của viên chức dự thi hoặc dự xét thăng hạng theo Mẫu số 3 ban hành kèm theo Thông tư này.

4. Thẩm quyền quyết định viên chức tham dự thi hoặc dự xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp:

a) Bộ Nội vụ thẩm định và quyết định danh sách viên chức tham dự kỳ thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp từ hạng II lên hạng I.

b) Cơ quan có thẩm quyền tổ chức thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp từ hạng III lên hạng II quy định tại Điểm a Khoản 2 Điều 30 Nghị định số 29/2012/NĐ-CP quyết định danh sách viên chức tham dự kỳ thi hoặc tham dự kỳ xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp sau khi có ý kiến thống nhất của Bộ Nội vụ.

c) Người đứng đầu cơ quan, đơn vị có thẩm quyền tổ chức thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức từ hạng IV lên hạng III quyết định danh sách viên chức đủ tiêu chuẩn, điều kiện dự thi hoặc dự xét theo phân công, phân cấp của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Download file tài liệu để xem thêm nội dung chi tiết.

Liên kết tải về

pdf Thông tư 12/2012/TT-BNV
doc Thông tư 12/2012/TT-BNV 1

Chia sẻ

Chia sẻ qua Facebook Chia sẻ

Liên hệ hợp tác hoặc quảng cáo: gmail

Điều khoản dịch vụ

Copyright © 2021 HOCTAPSGK