Thông tư 07/2017/TT-BLĐTBXH quy định chế độ làm việc của nhà giáo giáo dục nghề nghiệp
Thông tư 07/2017/TT-BLĐTBXH quy định chế độ làm việc của nhà giáo giảng dạy trong các trường cao đẳng, trường trung cấp, trung tâm giáo dục nghề nghiệp và các cơ sở giáo dục đại học, doanh nghiệp có đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp công lập, tư thục, có vốn đầu tư nước ngoài.
1. Nhiệm vụ và chế độ làm việc của nhà giáo dạy trình độ cao đẳng, trung cấp
- Thông tư số 07/2017 quy định thời giờ làm việc của nhà giáo dạy trình độ cao đẳng, trung cấp là 44 tuần/năm theo chế độ làm việc 40 giờ/tuần, trong đó:
+ Giảng dạy và giáo dục học viên, học sinh, sinh viên là 32 tuần với nhà giáo dạy cao đẳng và 36 tuần với nhà giáo dạy trung cấp.
+ Học tập, bồi dưỡng chuẩn hóa, bồi dưỡng nâng cao, nghiên cứu khoa học là 08 tuần đối với nhà giáo dạy cao đẳng và 04 tuần đối với nhà giáo dạy trung cấp.
+ Thực tập tại doanh nghiệp hoặc cơ quan chuyên môn: 04 tuần đối với nhà giáo dạy trình độ cao đẳng, trung cấp.
- Thông tư 07/TT-BLĐTBXH quy định định mức giờ giảng của nhà giáo trong một năm học như sau:
+ Từ 380 đến 450 giờ chuẩn đối với nhà giáo dạy trình độ cao đẳng;
+ Từ 430 đến 510 giờ chuẩn đối với nhà giáo dạy trình độ trung cấp.
- Bên cạnh đó, định mức giờ giảng của nhà giáo dạy các môn học chung trong một năm học là 450 giờ chuẩn đối với nhà giáo dạy trình độ cao đẳng; 510 giờ chuẩn đối với nhà giáo dạy trình độ trung cấp.
- Ngoài ra, theo Thông tư số 07 thì nhà giáo dạy trình độ cao đẳng, trung cấp phải đảm bảo các nhiệm vụ trong công tác giảng dạy, coi thi, kiểm tra đánh giá kết quả; hướng dẫn, đánh giá chuyên đề, khóa luận tốt nghiệp và các công tác khác.
2. Nhiệm vụ và chế độ làm việc của nhà giáo dạy trình độ sơ cấp
- Tương tự thì thời gian làm việc của nhà giáo dạy trình độ sơ cấp theo Thông tư 07/2017 là 46 tuần/năm theo chế độ làm việc 40 giờ/tuần. Trong đó:
+ 42 tuần thực hiện công tác giảng dạy và giáo dục học viên, học sinh;
+ 02 tuần học tập, bồi dưỡng chuẩn hóa, bồi dưỡng nâng cao; dự giờ, trao đổi kinh nghiệm giảng dạy; tham gia các hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ;
+ 02 tuần thực tập tại doanh nghiệp hoặc cơ quan chuyên môn.
- Thông tư số 07/2017/BLĐTBXH quy định định mức giờ giảng của nhà giáo dạy trình độ sơ cấp trong một năm học là từ 500 đến 580 giờ chuẩn.
3. Chế độ dạy thêm giờ, giảm giờ giảng và quy đổi các hoạt động chuyên môn khác ra giờ chuẩn
- Theo Thông tư 07/BLĐTBXH, nhà giáo, công chức, viên chức quản lý và viên chức các phòng, ban, tổ chuyên môn, nghiệp vụ tham gia giảng có số giờ giảng vượt định mức quy định thì được tính là dạy thêm giờ.
Bên cạnh đó, một số nhà giáo làm công tác quản lý như cố vấn học tập, chủ nhiệm lớp, phụ trách thư viện, trưởng khoa, trưởng bộ môn và nhà giáo làm công tác Đảng, đoàn thể sẽ được giảm định mức giờ giảng theo quy định.
Nội dung Thông tư 07/2017/TT-BLĐTBXH
BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI -------- | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- |
Số: 07/2017/TT-BLĐTBXH | Hà Nội, ngày 10 tháng 03 năm 2017 |
THÔNG TƯ
QUY ĐỊNH CHẾ ĐỘ LÀM VIỆC CỦA NHÀ GIÁO GIÁO DỤC NGHỀ NGHIỆP
Căn cứ Bộ Luật Lao động ngày 18 tháng 6 năm 2012;
Căn cứ Luật Giáo dục nghề nghiệp ngày 27 tháng 11 năm 2014;
Căn cứ Luật Viên chức ngày 15 tháng 11 năm 2010;
Căn cứ Nghị định số 14/2017/NĐ-CP ngày 17 tháng 02 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;
Căn cứ Nghị định số 48/2015/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Giáo dục nghề nghiệp;
Theo đề nghị của Tổng Cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp;
Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành Thông tư quy định chế độ làm việc của nhà giáo giáo dục nghề nghiệp.
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Thông tư này quy định chế độ làm việc của nhà giáo giảng dạy trong các trường cao đẳng, trường trung cấp, trung tâm giáo dục nghề nghiệp và các cơ sở giáo dục đại học, doanh nghiệp có đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp công lập, tư thục, có vốn đầu tư nước ngoài (sau đây gọi chung là cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp).
2. Thông tư này áp dụng đối với nhà giáo, công chức, viên chức quản lý tham gia giảng dạy trình độ cao đẳng, trung cấp, sơ cấp trong các cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp; cơ quan, tổ chức và cá nhân khác có liên quan.
3. Thông tư này không áp dụng đối với các trường sư phạm và nhà giáo giảng dạy nhóm ngành đào tạo giáo viên thuộc thẩm quyền quản lý nhà nước của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Điều 2. Giờ chuẩn, thời gian giảng dạy, định mức giờ giảng, quy mô lớp học
1. Giờ chuẩn là đơn vị thời gian quy đổi từ số giờ lao động cần thiết trước, trong và sau giờ giảng để hoàn thành nhiệm vụ giảng dạy gồm: chuẩn bị giảng dạy; thực hiện giảng dạy; kiểm tra định kỳ kết quả học tập của mô-đun, môn học.
2. Thời gian giảng dạy trong kế hoạch đào tạo được tính bằng giờ chuẩn, trong đó:
a) Một giờ dạy lý thuyết là 45 phút được tính bằng 1 giờ chuẩn;
b) Một giờ dạy tích hợp (kết hợp cả lý thuyết và thực hành) là 60 phút được tính bằng 1 giờ chuẩn;
c) Một giờ dạy thực hành là 60 phút được tính bằng 1 giờ chuẩn.
3. Định mức giờ giảng được xác định là số giờ chuẩn cho mỗi nhà giáo phải giảng dạy, được quy định theo năm học.
4. Quy mô lớp học: Lớp học lý thuyết không quá 35 học viên, học sinh, sinh viên. Lớp học thực hành, tích hợp không quá 18 học viên, học sinh, sinh viên đối với nghề bình thường; không quá 10 học viên, học sinh, sinh viên đối với ngành, nghề học nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm theo Danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành. Hiệu trưởng, giám đốc các cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp quyết định số học viên, học sinh, sinh viên cụ thể của lớp học, đảm bảo phù hợp với đặc điểm của từng ngành, nghề.
Chương II
NHIỆM VỤ VÀ CHẾ ĐỘ LÀM VIỆC CỦA NHÀ GIÁO DẠY TRÌNH ĐỘ CAO ĐẲNG, TRUNG CẤP
Điều 3. Nhiệm vụ
1. Công tác giảng dạy, bao gồm:
a) Chuẩn bị giảng dạy: Soạn giáo án, lập đề cương bài giảng, chuẩn bị tài liệu, trang thiết bị phục vụ cho việc giảng dạy mô-đun, môn học được phân công giảng dạy;
b) Giảng dạy mô-đun, môn học được phân công theo kế hoạch và quy định của chương trình;
c) Đánh giá kết quả học tập của học viên, học sinh, sinh viên gồm: Soạn đề kiểm tra, coi kiểm tra, đánh giá kiểm tra định kỳ.
2. Coi thi, kiểm tra, đánh giá kết thúc mô-đun, môn học; chấm thi tuyển sinh; chấm thi tốt nghiệp; hướng dẫn, đánh giá chuyên đề, khóa luận tốt nghiệp; đánh giá kết quả nghiên cứu của học viên, học sinh, sinh viên.
3. Hoàn thiện các biểu mẫu, sổ sách quản lý lớp học được bố trí, phân công giảng dạy theo quy định.
4. Hướng dẫn sinh viên làm chuyên đề, khóa luận tốt nghiệp (nếu có); hướng dẫn thực tập, thực tập kết hợp với lao động sản xuất; luyện thi cho học viên, học sinh, sinh viên giỏi tham gia kỳ thi các cấp.
5. Biên soạn giáo trình, tài liệu giảng dạy; góp ý kiến xây dựng chương trình, nội dung mô-đun, môn học được phân công giảng dạy.
6. Tham gia thiết kế, xây dựng phòng học chuyên môn; thiết kế, cải tiến, tự làm đồ dùng, trang thiết bị giáo dục nghề nghiệp.
7. Tổ chức các hoạt động giáo dục và rèn luyện học viên, học sinh, sinh viên.
8. Học tập, bồi dưỡng chuẩn hóa, bồi dưỡng nâng cao; thực tập tại doanh nghiệp hoặc cơ quan chuyên môn; dự giờ, trao đổi kinh nghiệm giảng dạy.
9. Tham gia bồi dưỡng cho nhà giáo theo yêu cầu phát triển chuyên môn, nghiệp vụ của trường, khoa, bộ môn.
10. Nghiên cứu khoa học; hướng dẫn học viên, học sinh, sinh viên tham gia nghiên cứu khoa học; ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật hoặc sáng kiến, cải tiến kỹ thuật vào giảng dạy và thực tiễn sản xuất.
11. Tham gia sinh hoạt chuyên môn, nghiệp vụ, tham gia công tác quản lý đào tạo.
12. Thực hiện các nhiệm vụ khác theo yêu cầu của Hiệu trưởng, giám đốc cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp.
Điều 4. Thời gian làm việc, thời gian nghỉ hằng năm
1. Thời gian làm việc của nhà giáo dạy trình độ cao đẳng, trung cấp là 44 tuần/năm theo chế độ tuần làm việc 40 giờ, trong đó:
a) Thực hiện công tác giảng dạy và giáo dục học viên, học sinh,sinh viên: 32 tuần đối với nhà giáo dạy trình độ cao đẳng; 36 tuần đối với nhà giáo dạy trình độ trung cấp;
b) Học tập, bồi dưỡng chuẩn hóa, bồi dưỡng nâng cao, nghiên cứu khoa học: 08 tuần đối với nhà giáo dạy trình độ cao đẳng; 04 tuần đối với nhà giáo dạy trình độ trung cấp;
c) Thực tập tại doanh nghiệp hoặc cơ quan chuyên môn: 04 tuần đối với nhà giáo dạy trình độ cao đẳng, trung cấp;
d) Trường hợp nhà giáo sử dụng không hết thời gian để học tập, bồi dưỡng chuẩn hóa, bồi dưỡng nâng cao, nghiên cứu khoa học theo quy định thì Hiệu trưởng, giám đốc quy đổi thời gian còn lại chuyển sang làm công tác giảng dạy hoặc thực hiện các nhiệm vụ khác do Hiệu trưởng, giám đốc giao. Số giờ quy đổi được tính thêm vào định mức giờ giảng trong năm học của nhà giáo. Tính số giờ quy đổi theo tỷ lệ tương ứng giữa thời gian không sử dụng để học tập, bồi dưỡng chuẩn hóa, bồi dưỡng nâng cao, nghiên cứu khoa học với thời gian thực hiện công tác giảng dạy và giáo dục học viên, học sinh, sinh viên được quy định tại điểm a khoản này. Trường hợp nhà giáo tham gia các khóa học tập, bồi dưỡng chuẩn hóa, bồi dưỡng nâng cao vượt quá 04 tuần thì được giảm giờ theo quy định tại điểm a khoản 4 Điều 10 Thông tư này.
2. Thời gian nghỉ hằng năm của nhà giáo là 08 tuần, của viên chức quản lý có tham gia giảng dạy được quy định tại khoản 5 Điều 5 của Thông tư này là 06 tuần, bao gồm nghỉ hè, nghỉ Tết, nghỉ các ngày lễ, trong đó
a) Thời gian nghỉ hè thay cho nghỉ phép hằng năm, được hưởng nguyên lương và phụ cấp (nếu có);
b) Các chế độ nghỉ khác thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành;
c) Căn cứ kế hoạch năm học và điều kiện cụ thể của từng cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp, Hiệu trưởng, giám đốc bố trí cho nhà giáo nghỉ vào thời gian thích hợp.