Ngày 07/01/2022, Bộ TN&MT đã ban hành Thông tư 01/2022/TT-BTNMT về việc quy định chi tiết thi hành Luật Bảo vệ môi trường về ứng phó với biến đổi khí hậu, có hiệu lực kể từ ngày ban hành.
Theo đó, nội dung đánh giá tác động của biến đổi khí hậu bao gồm 03 nội dung chính như sau:
- Đánh giá tác động của biến đổi khí hậu đến hệ thống tự nhiên, gồm tài nguyên đất, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, tài nguyên rừng, đa dạng sinh học, tài nguyên biển, đảo và các tài nguyên, yếu tố môi trường khác;
- Đánh giá tác động của biến đổi khí hậu đến hệ thống kinh tế, gồm hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, cơ sở hạ tầng thuộc các lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, GTVT, xây dựng và đô thị, công nghiệp, năng lượng
- Đánh giá tác động của biến đổi khí hậu đến hệ thống xã hội, gồm phân bố dân cư, nhà ở và điều kiện sống, dịch vụ y tế, sức khỏe, văn hóa, giáo dục, đối tượng dễ bị tổn thương, giới và giảm nghèo.
BỘ TÀI NGUYÊN VÀ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 01/2022/TT-BTNMT | Hà Nội, ngày 07 tháng 01 năm 2022 |
THÔNG TƯ 01/2022/TT-BTNMT
QUY ĐỊNH CHI TIẾT THI HÀNH LUẬT BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG VỀ ỨNG PHÓ VỚI BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU
Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường ngày 17 tháng 11 năm 2020;
Căn cứ Nghị định số 36/2017/NĐ-CP ngày 04 tháng 4 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài nguyên và Môi trường;
Căn cứ Nghị định số 06/2022/NĐ-CP ngày 07 tháng 01 năm 2022 của Chính phủ quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn;
Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu và Vụ trưởng Vụ Pháp chế;
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Thông tư quy định chi tiết thi hành Luật Bảo vệ môi trường về ứng phó với biến đổi khí hậu.
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Thông tư này quy định chi tiết điểm g khoản 2 Điều 27, điểm c khoản 3 Điều 90, điểm c khoản 4 Điều 91, điểm b khoản 3 và khoản 6 Điều 92 Luật Bảo vệ môi trường; điểm d khoản 4 Điều 10, khoản 5 và khoản 6 Điều 11, điểm d khoản 5 Điều 22 và khoản 4 Điều 28 Nghị định số 06/2022/NĐ-CP ngày 07 tháng 01 năm 2022 của Chính phủ quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Thông tư này áp dụng đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu; hoạt động kiểm kê khí nhà kính và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính; hoạt động liên quan đến các chất làm suy giảm tầng ô-dôn, chất gây hiệu ứng nhà kính được kiểm soát thuộc Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giảm tầng ô-dôn.
Điều 3. Giải thích từ ngữ
Trong nội dung Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Đánh giá tác động của biến đổi khí hậu là việc xác định mức độ ảnh hưởng tích cực, tiêu cực, ngắn hạn và dài hạn; tính dễ bị tổn thương, rủi ro và tổn thất, thiệt hại do biến đổi khí hậu đến hệ thống tự nhiên, kinh tế, xã hội trong phạm vi không gian và thời gian xác định.
2. Hiểm họa là khả năng xảy ra các sự kiện, hiện tượng khí hậu bất thường gây thiệt hại về người, tài sản, cơ sở vật chất, hoạt động kinh tế, xã hội, tài nguyên và môi trường.
3. Phơi bày là sự hiện diện của con người, hoạt động kinh tế - xã hội, hệ sinh thái, tài nguyên, cơ sở hạ tầng, công trình văn hóa ở những khu vực có thể chịu ảnh hưởng tiêu cực của biến đổi khí hậu.
4. Mức độ nhạy cảm là mức độ mà hệ thống tự nhiên, kinh tế, xã hội bị ảnh hưởng bởi các tác động tiêu cực hoặc tích cực của biến đổi khí hậu.
5. Khả năng thích ứng là sự điều chỉnh trong hệ thống tự nhiên, hoạt động kinh tế, xã hội và thể chế, chính sách, nguồn lực nhằm giảm nhẹ các tác động tiêu cực và tận dụng các cơ hội do tác động của biến đổi khí hậu.
6. Tính dễ bị tổn thương là xu hướng của hệ thống tự nhiên, kinh tế, xã hội bị ảnh hưởng tiêu cực do tác động của biến đổi khí hậu. Tính dễ bị tổn thương được cấu thành bởi mức độ nhạy cảm và khả năng thích ứng với những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu.
7. Rủi ro là hậu quả tiềm tàng của hiểm họa do biến đổi khí hậu gây ra cho con người, tài sản, cơ sở vật chất, hoạt động kinh tế, xã hội, tài nguyên và môi trường. Rủi ro là kết quả của sự tương tác giữa tính dễ bị tổn thương, phơi bày và hiểm họa do biến đổi khí hậu.
8. Tổn thất và thiệt hại là những mất mát, thiệt hại về kinh tế và phi kinh tế đối với hệ thống tự nhiên, kinh tế, xã hội do các tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu gây ra.
9. Bể hấp thụ khí nhà kính là các hệ thống tự nhiên hoặc nhân tạo có khả năng hấp thụ và lưu trữ khí nhà kính từ khí quyển. Các bể hấp thụ khí nhà kính chính là rừng (thông qua quá trình quang hợp của thực vật) và đại dương (thông qua quá trình quang hợp của sinh vật biển và hoạt động của các dòng hải lưu).
10. Tiềm năng làm nóng lên toàn cầu (GWP) là khả năng hấp thụ nhiệt trong khí quyển của khí nhà kính theo thời gian (thường là 100 năm) so với CO2.
11. Tiềm năng làm suy giảm tầng ô-dôn (ODP) là mức độ phá hủy tầng ô-dôn mà một chất có thể gây ra.
Chương II
ĐÁNH GIÁ TÁC ĐỘNG, TÍNH DỄ BỊ TỔN THƯƠNG, RỦI RO, TỔN THẤT VÀ THIỆT HẠI DO BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU
Điều 4. Yêu cầu thực hiện đánh giá
1. Việc đánh giá tác động, tính dễ bị tổn thương, rủi ro, tổn thất và thiệt hại do biến đổi khí hậu (gọi tắt là đánh giá tác động của biến đổi khí hậu) phải đảm bảo khách quan, có cơ sở khoa học; phản ánh đầy đủ, nhất quán thông tin, phương pháp sử dụng và kết quả đánh giá.
2. Việc đánh giá tác động của biến đổi khí hậu phải thực hiện đầy đủ nội dung, trình tự đánh giá theo quy định tại Thông tư này.
Điều 5. Thông tin, dữ liệu phục vụ đánh giá
1. Kịch bản biến đổi khí hậu cập nhật do Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố, gồm các bản đồ và thông tin, dữ liệu theo không gian, thời gian như sau:
a) Nhiệt độ: bao gồm nhiệt độ trung bình năm, trung bình theo mùa và nhiệt độ tối cao, tối thấp;
b) Lượng mưa: bao gồm lượng mưa trung bình năm, trung bình theo mùa; lượng mưa một ngày lớn nhất, năm ngày lớn nhất và số ngày mưa lớn hơn 50 mm;
c) Các hiện tượng khí hậu cực đoan: bao gồm bão và áp thấp nhiệt đới, gió mùa, rét đậm, rét hại, nắng nóng, hạn hán và các hiện tượng khí hậu cực đoan khác;
d) Nước biển dâng: bao gồm nước biển dâng khu vực ven biển và hải đảo, mực nước cực trị (nước dâng do bão, thủy triều ven bờ biển, nước dâng do bão kết hợp với thủy triều), nguy cơ ngập do nước biển dâng;
đ) Các thông tin khác có liên quan.
2. Thông tin, dữ liệu quan trắc khí tượng, thủy văn, hải văn và các hiện tượng cực đoan liên quan trong quá khứ và hiện tại.
3. Chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngành, lĩnh vực.
4. Các quy định về định mức kinh tế - kỹ thuật, đơn giá, suất đầu tư do cơ quan có thẩm quyền ban hành.
5. Số liệu thống kê và các tài liệu khác có liên quan.
Điều 6. Nội dung đánh giá
1. Nội dung đánh giá tác động của biến đổi khí hậu bao gồm:
a) Đánh giá tác động của biến đổi khí hậu đến hệ thống tự nhiên, gồm tài nguyên đất, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, tài nguyên rừng, đa dạng sinh học, tài nguyên biển, đảo và các tài nguyên, yếu tố môi trường khác;
b) Đánh giá tác động của biến đổi khí hậu đến hệ thống kinh tế, gồm hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, cơ sở hạ tầng thuộc các lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, giao thông vận tải, xây dựng và đô thị, công nghiệp, năng lượng, thông tin và truyền thông, du lịch, thương mại và dịch vụ, các hoạt động khác có liên quan;
c) Đánh giá tác động của biến đổi khí hậu đến hệ thống xã hội, gồm phân bố dân cư, nhà ở và điều kiện sống, dịch vụ y tế, sức khỏe, văn hóa, giáo dục, đối tượng dễ bị tổn thương, giới và giảm nghèo.
2. Việc đánh giá tác động của biến đổi khí hậu theo lĩnh vực, khu vực cụ thể cần căn cứ nội dung đánh giá được quy định tại khoản I Điều này để áp dụng cho phù hợp với phạm vi đánh giá.
Điều 7. Trình tự thực hiện đánh giá
1. Xác định phạm vi đánh giá
a) Phạm vi không gian là phạm vi địa lý xác định cho khu vực đánh giá tác động của biến đổi khí hậu;
b) Phạm vi thời gian là giai đoạn thực hiện đánh giá, bao gồm khoảng thời gian trong quá khứ và tương lai. Khoảng thời gian trong quá khứ ít nhất là 5 năm tính từ thời điểm đánh giá, khoảng thời gian trong tương lai được xác định theo mục tiêu đánh giá.
2. Xác định đối tượng đánh giá bao gồm: các đối tượng thuộc hệ thống tự nhiên, hệ thống kinh tế, hệ thống xã hội quy định tại khoản 1 Điều 6 Thông tư này.
3. Phân tích kịch bản biến đổi khí hậu
Trên cơ sở kịch bản biến đổi khí hậu cập nhật do Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố, căn cứ phạm vi và đối tượng đánh giá đã xác định, thực hiện:
a) Bổ sung, chi tiết hóa thông tin, dữ liệu cho phạm vi, đối tượng đánh giá;
b) Phân tích các đặc trưng, xu hướng thay đổi của khí hậu;
c) Xác định, phân tích các yếu tố khí hậu quan trọng đối với đối tượng đánh giá;
d) Tính toán bổ sung các thông số liên quan khác phục vụ đánh giá.
4. Phân tích dự báo phát triển kinh tế - xã hội
Phân tích các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngành, lĩnh vực và các tài liệu liên quan khác để xác định:
a) Mục tiêu, định hướng phát triển trong tương tai của khu vực, lĩnh vực đánh giá;
b) Nội dung, phạm vi không gian về kế hoạch phát triển trong tương lai liên quan đến đối tượng đánh giá.
5. Lựa chọn phương pháp đánh giá
a) Đánh giá ảnh hưởng của biến đổi khí hậu áp dụng phương pháp định lượng và phương pháp định tính. Phương pháp định lượng gồm mô hình dự báo, chồng xếp bản đồ, đánh giá nhanh, thống kê thực nghiệm. Phương pháp định tính gồm ma trận đánh giá, lập bảng liệt kê, phương pháp mạng lưới, điều tra phỏng vấn, phương pháp chuyên gia, đánh giá có sự tham gia;
b) Đánh giá tính dễ bị tổn thương, rủi ro do biến đổi khí hậu áp dụng phương pháp điều tra phỏng vấn, tham vấn, thống kê thực nghiệm, mô hình hóa, chồng xếp bản đồ;
c) Đánh giá tổn thất, thiệt hại do biến đổi khí hậu áp dụng phương pháp xác định tổn thất, thiệt hại về kinh tế và phi kinh tế. Phương pháp xác định tổn thất, thiệt hại về kinh tế gồm các phương pháp: điều tra khảo sát, thống kê, phân tích chi phí - lợi ích. Phương pháp xác định tổn thất, thiệt hại phi kinh tế gồm: mô hình dự báo, phân tích chỉ số rủi ro tổng hợp, đánh giá có sự tham gia;
d) Việc lựa chọn, áp dụng phương pháp đánh giá quy định tại điểm a, b, c khoản này phải phù hợp với đối tượng và phạm vi đánh giá; khả năng đáp ứng các yêu cầu về thông tin và mức độ sẵn có của dữ liệu.
6. Đánh giá ảnh hưởng của biến đổi khí hậu
a) Nhận diện, sàng lọc và xác định các loại ảnh hưởng của biến đổi khí hậu dựa trên đối tượng đánh giá, kịch bản biến đổi khí hậu và các nội dung cần thực hiện; gồm các ảnh hưởng tích cực, tiêu cực, ngắn hạn và dài hạn;
b) Điều tra, thu thập, tổng hợp thông tin phục vụ việc xác định ảnh hưởng của biến đổi khí hậu trong quá khứ gồm thông tin về hệ thống tự nhiên, kinh tế, xã hội của đối tượng đánh giá quy định tại khoản 1 Điều 6 Thông tư này.
c) Điều tra, thu thập, tổng hợp thông tin để dự báo ảnh hưởng của biến đổi khí hậu trong tương lai gồm dữ liệu, bản đồ của các yếu tố trong kịch bản biến đổi khí hậu; thông tin và bản đồ thể hiện quy hoạch, kế hoạch phát triển (bản đồ sử dụng đất, kế hoạch phát triển đô thị và dân cư, kế hoạch phát triển cơ sở hạ tầng) và thông tin khác có liên quan;
d) Phân tích, xác định ảnh hưởng tích cực, tiêu cực, ngắn hạn và dài hạn của biến đổi khí hậu đối với đối tượng đánh giá.
7. Đánh giá tính dễ bị tổn thương, rủi ro do biến đổi khí hậu
a) Xác định hiểm họa đối với đối tượng đánh giá trên cơ sở phân tích ảnh hưởng tiêu cực của biến đổi khí hậu;
b) Xác định các chỉ số thành phần phản ánh hiểm họa, mức độ phơi bày, mức độ nhạy cảm và khả năng thích ứng phù hợp với phạm vi và đối tượng đánh giá, bảo đảm tính đại diện và khả thi.
Các chỉ số thành phần của hiểm họa được xác định dựa trên các yếu tố thay đổi khí hậu (nhiệt độ, lượng mưa, nước biển dâng, hiện tượng khí hậu cực đoan) có thể gây ra các tác động tiêu cực đến đối tượng đánh giá.
Các chỉ số thành phần của mức độ phơi bày được xác định dựa trên mức độ tiếp xúc (vị trí) của đối tượng đánh giá với các tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu.
Các chỉ số thành phần của mức độ nhạy cảm được xác định dựa trên các yếu tố khí hậu có ảnh hưởng lớn tới đối tượng đánh giá.
Các chỉ số thành phần của khả năng thích ứng được xác định dựa trên năng lực của tổ chức, năng lực kỹ thuật, tài chính và các yếu tố khác;
c) Điều tra, thu thập, tổng hợp thông tin liên quan để xác định các chỉ số thành phần của mức độ nhạy cảm, khả năng thích ứng, hiểm họa và mức độ phơi bày;
d) Chuẩn hóa giá trị các chỉ số thành phần đã lựa chọn trong khoảng giá trị từ 0 đến 1. Từng chỉ số thành phần được chuẩn hóa theo phạm vi không gian đánh giá và dựa trên mối quan hệ đồng biến hoặc nghịch biến giữa chỉ số thành phần cần chuẩn hóa với chỉ số tính dễ bị tổn thương hoặc chỉ số rủi ro để áp dụng công thức tính chuẩn hóa cho phù hợp;
đ) Xác định trọng số của từng chỉ số thành phần dựa trên mức độ quan trọng của chỉ số thành phần đó;
e) Xác định tính dễ bị tổn thương dựa trên mức độ nhạy cảm và khả năng thích ứng; xác định rủi ro dựa trên hiểm họa, mức độ phơi bày và tính dễ bị tổn thương. Chi tiết về lựa chọn, xác định các chỉ số phản ánh tính dễ bị tổn thương, rủi ro do biến đổi khí hậu được hướng dẫn tại Phụ lục I.1 ban hành kèm theo Thông tư này;
g) Tổng hợp, phân cấp tính dễ bị tổn thương, rủi ro dựa trên kết quả tính toán có giá trị trong khoảng từ 0 đến 1 và phân thành 05 cấp: rất thấp, thấp, trung bình, cao hoặc rất cao;
h) Lập bản đồ phân cấp tính dễ bị tổn thương, rủi ro do biến đổi khí hậu cho từng đối tượng đánh giá với từng loại hiểm họa theo quy định kỹ thuật về đo đạc, bản đồ.
8. Đánh giá tổn thất, thiệt hại do biến đổi khí hậu
a) Xác định các chỉ số tổn thất, thiệt hại về kinh tế và phi kinh tế đối với hệ thống tự nhiên, kinh tế, xã hội theo nguyên tắc: tổn thất, thiệt hại có thể nhận diện, mang tính trực tiếp, đo đếm được về khối lượng và mức độ tổn thất, thiệt hại.
Chỉ số tổn thất, thiệt hại về kinh tế áp dụng đối với hệ thống kinh tế gồm các chỉ số thành phần về hoạt động sản xuất, thương mại và dịch vụ, cơ sở hạ tầng, nhà ở và tài sản, thu nhập, việc làm và các loại khác.
Chỉ số tổn thất, thiệt hại phi kinh tế áp dụng đối với các hệ thống tự nhiên, xã hội. Đối với hệ thống tự nhiên, các chỉ số thành phần gồm mất đất do ngập lụt, sạt lở đất, nhiễm mặn, mất đa dạng sinh học, suy giảm dịch vụ hệ sinh thái và các loại khác. Các chỉ số thành phần đối với xã hội gồm thiệt hại về người, sức khỏe, tri thức truyền thống, di sản văn hóa và các loại khác;
b) Điều tra, thu thập, tổng hợp thông tin, dữ liệu về tổn thất, thiệt hại do biến đổi khí hậu trong quá khứ. Thông tin, dữ liệu điều tra, thu thập gồm thời gian xảy ra, khối lượng, quy mô, mức độ thiệt hại, chi phí khắc phục và thông tin khác có liên quan;
c) Điều tra, thu thập, tổng hợp thông tin, dữ liệu về tổn thất, thiệt hại do biến đổi khí hậu trong tương lai căn cứ mốc thời gian theo mục tiêu đánh giá. Thông tin, dữ liệu điều tra, thu thập gồm dự báo về khối lượng, quy mô, mức độ tổn thất, thiệt hại;
d) Tính toán, phân tích tổn thất, thiệt hại về kinh tế trong quá khứ và tương lai theo đối tượng, các chỉ số tổn thất, thiệt hại đã xác định.
Giá trị tổn thất, thiệt hại đối với từng chỉ số thành phần tính theo công thức tổng quát sau:
L = D x C
Trong đó:
L là giá trị tổn thất, thiệt hại tính bằng tiền (VND);
D là khối lượng tổn thất, thiệt hại;
C là giá, chi phí phục hồi, khắc phục đối với một đơn vị tổn thất, thiệt hại về điều kiện bình thường trước khi bị tác động của biến đổi khí hậu.
Giá trị tổn thất, thiệt hại tính toán trong quá khứ và tương lai phải được quy về thời điểm đánh giá dựa trên tỷ lệ chiết khấu phù hợp. Tỷ lệ chiết khấu phù hợp được cân nhắc dựa trên tỷ lệ sinh lời thực tế, tỷ lệ lạm phát và tỷ lệ bù đắp rủi ro. Giá trị các tỷ lệ này cần tính trung bình căn cứ trên số liệu của giai đoạn tối thiểu là 05 năm trước thời điểm đánh giá;
đ) Phân tích tổn thất, thiệt hại phi kinh tế trong quá khứ và tương lai theo đối tượng và chỉ số tổn thất, thiệt hại thông qua việc mô tả, đánh giá đối với các loại tổn thất, thiệt hại đã xác định;
e) Tổng hợp kết quả tính toán, xác định tổn thất, thiệt hại về kinh tế và phi kinh tế đối với đối tượng đánh giá;
g) Chi tiết về xác định tổn thất và thiệt hại do biến đổi khí hậu được hướng dẫn tại Phụ lục I.2 ban hành kèm theo Thông tư này.
9. Xây dựng báo cáo đánh giá tác động của biến đổi khí hậu.
Điều 8. Báo cáo đánh giá
1. Báo cáo đánh giá tác động của biến đổi khí hậu được lập theo mẫu quy định tại Phụ lục I.3 ban hành kèm theo Thông tư này.
2. Nội dung chính của báo cáo đánh giá tác động của biến đổi khí hậu gồm:
a) Mục tiêu, nội dung, đối tượng, phạm vi và phương pháp đánh giá;
b) Đặc điểm khu vực và đối tượng đánh giá;
c) Phân tích kịch bản biến đổi khí hậu;
d) Phân tích dự báo phát triển kinh tế - xã hội và tài liệu khác có liên quan;
đ) Kết quả đánh giá ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, tính dễ bị tổn thương, rủi ro và tổn thất, thiệt hại do biến đổi khí hậu;
e) Đề xuất giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu.
2. Cơ quan, tổ chức thực hiện đánh giá có trách nhiệm công bố báo cáo đánh giá tác động của biến đổi khí hậu trên trang thông tin điện tử của mình.
Chương III
THẨM ĐỊNH KẾT QUẢ KIỂM KÊ KHÍ NHÀ KÍNH VÀ THẨM ĐỊNH GIẢM NHẸ PHÁT THẢI KHÍ NHÀ KÍNH
Điều 9. Yêu cầu khi thực hiện thẩm định
1. Đảm bảo khách quan, có cơ sở khoa học khi đánh giá kết quả kiểm kê khí nhà kính và kết quả giảm nhẹ phát thải khí nhà kính cấp lĩnh vực và cấp cơ sở.
2. Thực hiện đúng quy trình và phản ánh đầy đủ nội dung thẩm định theo quy định tại Thông tư này.
Điều 10. Quy trình thẩm định kết quả kiểm kê khí nhà kính cấp lĩnh vực
1. Bộ quản lý lĩnh vực thành lập và tổ chức họp Hội đồng thẩm định kết quả kiểm kê khí nhà kính cấp lĩnh vực. Thành phần Hội đồng thẩm định gồm: đại diện Bộ quản lý lĩnh vực, Bộ Tài nguyên và Môi trường, các Bộ có liên quan và các chuyên gia có chuyên môn phù hợp.
2. Các thành viên Hội đồng thẩm định đánh giá kết quả kiểm kê khí nhà kính theo các nội dung chính như sau:
a) Sự đầy đủ về nội dung, thông tin, dữ liệu kiểm kê khí nhà kính;
b) Sự phù hợp về việc xác định các nguồn phát thải, bể hấp thụ khí nhà kính;
c) Sự phù hợp của phương pháp kiểm kê khí nhà kính, hệ số phát thải áp dụng, phương pháp kiểm soát chất lượng, đảm bảo chất lượng và hệ thống thông tin, dữ liệu về phát thải khí nhà kính của Bộ quản lý lĩnh vực;
d) Đánh giá sự chính xác và độ tin cậy của kết quả kiểm kê khí nhà kính.
3. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, Hội đồng thẩm định thông qua và gửi Bộ quản lý lĩnh vực biên bản họp với các nội dung chính như sau:
a) Đánh giá về quá trình thực hiện và kết quả kiểm kê khí nhà kính;
b) Những tồn tại, hạn chế của kết quả kiểm kê khí nhà kính;
c) Các yêu cầu, khuyến nghị liên quan đến việc hoàn thiện kết quả kiểm kê khí nhà kính trên cơ sở ý kiến của các thành viên hội đồng;
d) Kết luận của Hội đồng thẩm định.
4. Bộ quản lý lĩnh vực tổ chức hiệu chỉnh kết quả kiểm kê khí nhà kính theo kết luận của Hội đồng thẩm định, làm cơ sở xây dựng báo cáo của Bộ quản lý lĩnh vực phục vụ kiểm kê khí nhà kính cấp quốc gia.
Điều 11. Quy trình thẩm định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính cấp lĩnh vực
1. Bộ quản lý lĩnh vực thành lập và tổ chức họp Hội đồng thẩm định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính cấp lĩnh vực. Thành phần Hội đồng thẩm định gồm: đại diện Bộ quản lý lĩnh vực, Bộ Tài nguyên và Môi trường, các Bộ có liên quan và các chuyên gia có chuyên môn phù hợp.
2. Các thành viên Hội đồng thẩm định đánh giá báo cáo giảm nhẹ phát thải khí nhà kính theo các nội dung chính như sau:
a) Sự phù hợp của chính sách, biện pháp quản lý nhằm giảm nhẹ phát thải khí nhà kính của lĩnh vực với chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển của lĩnh vực;
b) Độ tin cậy, tính đầy đủ của thông tin, dữ liệu về kiểm kê khí nhà kính và kịch bản phát triển thông thường trong kỳ kế hoạch;
c) Sự phù hợp của các phương pháp định lượng giảm nhẹ phát thải khí nhà kính của các chính sách, biện pháp quản lý giảm nhẹ phát thải khí nhà kính;
d) Sự chính xác và độ tin cậy của kết quả giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và so sánh với kịch bản phát triển thông thường trong kỳ kế hoạch;
đ) Khả năng tính hai lần đối với kết quả giảm nhẹ phát thải khí nhà kính.
3. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, Hội đồng thẩm định thông qua và gửi Bộ quản lý lĩnh vực biên bản họp với các nội dung chính như sau:
a) Đánh giá về quá trình thực hiện và kết quả giảm nhẹ phát thải khí nhà kính;
b) Những tồn tại, hạn chế của báo cáo giảm nhẹ phát thải khí nhà kính;
c) Các yêu cầu, khuyến nghị liên quan đến việc hoàn thiện báo cáo giảm nhẹ phát thải khí nhà kính trên cơ sở ý kiến của các thành viên hội đồng;
d) Kết luận của Hội đồng thẩm định.
4. Bộ quản lý lĩnh vực lập báo cáo thẩm định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính cấp lĩnh vực theo mẫu quy định tại Phụ lục II.1 ban hành kèm theo Thông tư này, gửi kèm theo báo cáo giảm nhẹ phát thải khí nhà kính cấp lĩnh vực đã được hoàn thiện theo kết luận của Hội đồng thẩm định đến Bộ Tài nguyên và Môi trường.
5. Bộ quản lý lĩnh vực có trách nhiệm quản lý, lưu giữ hồ sơ thẩm định và báo cáo thẩm định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính cấp lĩnh vực.
Điều 12. Quy trình thẩm định kết quả kiểm kê khí nhà kính cấp cơ sở
1. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được báo cáo kiểm kê khí nhà kính cấp cơ sở, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giao cơ quan chuyên môn trực thuộc (sau đây gọi là cơ quan thẩm định) thực hiện thẩm định các thông tin và kết quả kiểm kê khí nhà kính do cơ sở cung cấp.
2. Cơ quan thẩm định đánh giá kết quả kiểm kê khí nhà kính cấp cơ sở theo các nội dung chính như sau:
a) Sự đầy đủ về nội dung, thông tin, dữ liệu của báo cáo kiểm kê khí nhà kính;
b) Sự phù hợp về việc xác định các nguồn phát thải, bể hấp thụ khí nhà kính trình bày trong báo cáo kiểm kê khí nhà kính cấp cơ sở;
c) Sự phù hợp của phương pháp kiểm kê khí nhà kính, hệ số phát thải áp dụng, phương pháp kiểm soát chất lượng, đảm bảo chất lượng kiểm kê khí nhà kính và hệ thống thông tin, dữ liệu về phát thải khí nhà kính của cơ sở;
d) Sự chính xác của kết quả kiểm kê khí nhà kính cấp cơ sở.
3. Trong thời hạn 20 ngày làm việc, cơ quan thẩm định thông báo kết quả thẩm định, bao gồm yêu cầu hiệu chỉnh, bổ sung (nếu có) đối với báo cáo kiểm kê khí nhà kính tới các cơ sở. Trường hợp phải hiệu chỉnh, bổ sung, cơ sở tổ chức hoàn thiện báo cáo kết quả kiểm kê khí nhà kính theo thông báo kết quả thẩm định.
4. Cơ sở gửi báo cáo kết quả kiểm kê khí nhà kính đã hoàn thiện cho cơ quan thẩm định và Bộ Tài nguyên và Môi trường.
5. Trong quá trình thẩm định, cơ quan thẩm định có quyền:
a) Mời tổ chức, cá nhân có chuyên môn, năng lực, kinh nghiệm phù hợp tham gia thực hiện thẩm định;
b) Yêu cầu chủ cơ sở cung cấp các số liệu hoạt động, thông tin liên quan phục vụ kiểm kê khí nhà kính của cơ sở (nếu cần thiết);
c) Yêu cầu thực hiện kiểm tra thực tế, lấy mẫu đại diện tại cơ sở (nếu cần thiết).
6. Cơ quan thẩm định có trách nhiệm quản lý, lưu giữ hồ sơ thẩm định và gửi báo cáo kết quả kiểm kê khí nhà kính đã được cơ sở hoàn thiện về Bộ quản lý lĩnh vực để cập nhật vào cơ sở dữ liệu trực tuyến về kiểm kê khí nhà kính trong phạm vi lĩnh vực quản lý.
Điều 13. Quy trình thẩm định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính cấp cơ sở
1. Đơn vị thẩm định tổ chức thực hiện thẩm định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính khi nhận được báo cáo giảm nhẹ phát thải khí nhà kính của cơ sở.
2. Đơn vị thẩm định đánh giá giảm nhẹ phát thải khí nhà kính cấp cơ sở theo các nội dung chính như sau:
a) Độ tin cậy, tính đầy đủ của thông tin, dữ liệu trong báo cáo giảm nhẹ phát thải khí nhà kính;
b) Sự phù hợp của biện pháp giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, phương pháp định lượng mức giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và hệ thống thông tin, dữ liệu của cơ sở được trình bày trong báo cáo giảm nhẹ phát thải khí nhà kính;
c) Kết quả thực hiện giảm nhẹ phát thải khí nhà kính theo kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính của cơ sở và hạn ngạch phát thải khí nhà kinh được cấp cho cơ sở.
3. Đơn vị thẩm định lập và gửi báo cáo thẩm định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính tới cơ sở theo mẫu quy định tại Phụ lục II.2 ban hành kèm theo Thông tư này.
4. Sau khi nhận được báo cáo thẩm định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, cơ sở gửi báo cáo giảm nhẹ phát thải khi nhà kính đã được hoàn thiện kèm theo báo cáo thẩm định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính đến Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ quản lý lĩnh vực.
Điều 14. Quy trình thẩm định báo cáo tổng hợp giảm nhẹ phát thải khí nhà kính
1. Bộ Tài nguyên và Môi trường thành lập Hội đồng thẩm định báo cáo tổng hợp giảm nhẹ phát thải khí nhà kính. Hội đồng thẩm định có số lượng thành viên ít nhất là 09 người, bao gồm Chủ tịch hội đồng, Phó Chủ tịch hội đồng, Ủy viên thư ký, 02 Ủy viên phản biện và ít nhất 04 Ủy viên hội đồng. Các Ủy viên hội đồng là đại diện cơ quan quản lý nhà nước có liên quan thuộc các Bộ: Công Thương, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng và các chuyên gia có chuyên môn phù hợp.
2. Các thành viên Hội đồng thẩm định nghiên cứu báo cáo tổng hợp giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và đánh giá theo các nội dung chính như sau:
a) Sự đầy đủ về nội dung, thông tin, dữ liệu của báo cáo báo cáo tổng hợp giảm nhẹ phát thải khí nhà kính;
b) Sự phù hợp của chính sách, biện pháp quản lý nhằm giảm nhẹ phát thải khí nhà kính trong các lĩnh vực với chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển của quốc gia;
c) Sự phù hợp của các phương pháp định lượng giảm nhẹ phát thải khí nhà kính của các chính sách, biện pháp quản lý giảm nhẹ phát thải khí nhà kính;
d) Kết quả giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và so sánh với kịch bản phát triển thông thường của quốc gia trong kỳ kế hoạch;
đ) Khả năng tính hai lần đối với kết quả giảm nhẹ phát thải khí nhà kính.
3. Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày tổ chức họp thẩm định, Hội đồng thẩm định có trách nhiệm thông qua và gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường biên bản họp với các nội dung chính như sau:
a) Đánh giá chung về báo cáo tổng hợp giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và kết quả giảm nhẹ phát thải khí nhà kính của Bộ quản lý lĩnh vực;
b) Những tồn tại, hạn chế của báo cáo tổng hợp giảm nhẹ phát thải khí nhà kính;
c) Các yêu cầu, khuyến nghị liên quan đến việc hoàn thiện báo cáo tổng hợp giảm nhẹ phát thải khí nhà kính dựa trên cơ sở ý kiến của các thành viên hội đồng thẩm định;
d) Kết luận của Hội đồng thẩm định.
4. Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức hoàn thiện báo cáo tổng hợp giảm nhẹ phát thải khí nhà kính theo kết luận của Hội đồng thẩm định.
5. Hội đồng thẩm định tổ chức họp khi có sụ tham gia (hiện diện trực tiếp tại phiên họp hoặc tham gia họp trực tuyến) từ hai phần ba trở lên số lượng thành viên Hội đồng thẩm định, trong đó bắt buộc phải có Chủ tịch hội đồng hoặc Phó Chủ tịch hội đồng, Ủy viên thư ký và ít nhất 01 Ủy viên phản biện.
6. Chủ tịch hội đồng có trách nhiệm:
a) Điều hành các cuộc họp Hội đồng hoặc ủy quyền cho Phó Chủ tịch hội đồng;
b) Xử lý các ý kiến được nêu trong cuộc họp của Hội đồng, kết luận cuộc họp Hội đồng và chịu trách nhiệm về các kết luận của Hội đồng;
c) Ký biên bản cuộc họp Hội đồng và chịu trách nhiệm về tính đầy đủ, trung thực của các nội dung ghi trong biên bản cuộc họp Hội đồng.
Chương IV
DANH MỤC, HƯỚNG DẪN SỬ DỤNG, THU GOM, VẬN CHUYỂN, TÁI CHẾ, TÁI SỬ DỤNG VÀ XỬ LÝ CÁC CHẤT ĐƯỢC KIỂM SOÁT
Điều 15. Danh mục các chất được kiểm soát
1. Danh mục các chất được kiểm soát cấm sản xuất, nhập khẩu và tiêu thụ theo điểm d khoản 5 Điều 22 Nghị định số 06/2022/NĐ-CP được quy định tại Phụ lục III.1 kèm theo Thông tư này.
2. Danh mục các chất làm suy giảm tầng ô-dôn được kiểm soát theo điểm b khoản 3 Điều 92 Luật Bảo vệ môi trường được quy định tại Phụ lục III.2 kèm theo Thông tư này.
3. Danh mục các chất gây hiệu ứng khí nhà kính được kiểm soát theo điểm b khoản 3 Điều 92 Luật Bảo vệ môi trường được quy định tại Phụ lục III.3 kèm theo Thông tư này.
4. Danh mục các sản phẩm, thiết bị, hàng hóa có chứa hoặc sản xuất từ chất được kiểm soát theo điểm b khoản 3 Điều 92 Luật Bảo vệ môi trường được quy định tại Phụ lục III.4 kèm theo Thông tư này.
Điều 16. Hướng dẫn sử dụng các chất được kiểm soát
1. Tổ chức sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu, tiêu thụ các chất được kiểm soát tuân thủ biện pháp quản lý như sau:
a) Đăng ký sử dụng chất được kiểm soát;
b) Giấy phép nhập khẩu, xuất khẩu;
c) Hạn ngạch sản xuất, nhập khẩu.
Chi tiết về biện pháp quản lý và thời hạn áp dụng đối với từng chất được kiểm soát quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư này.
2. Tổ chức xuất khẩu, nhập khẩu sản phẩm, hàng hóa, thiết bị có chứa các chất được kiểm soát phải ghi rõ thông tin về chất được kiểm soát khi thực hiện thủ tục hải quan.
3. Tổ chức xuất khẩu, nhập khẩu các chất được kiểm soát có cùng mã HS phải ghi rõ thông tin từng chất khi thực hiện thủ tục hải quan.
Điều 17. Thu gom, vận chuyển, tái chế, tái sử dụng và xử lý các chất được kiểm soát
1. Tổ chức, cơ sở sử dụng thiết bị, sản phẩm có chứa hoặc sử dụng chất được kiểm soát quy định tại khoản 6 Điều 92 Luật Bảo vệ môi trường bao gồm:
a) Tổ chức, cơ sở có hoạt động sản xuất chất được kiểm soát thuộc đối tượng quy định tại điểm a khoản 1 Điều 24 Nghị định số 06/2022/NĐ-CP;
b) Tổ chức, cơ sở sản xuất, nhập khẩu thiết bị, sản phẩm có chứa hoặc sản xuất từ các chất được kiểm soát thuộc đối tượng quy định tại điểm c khoản 1 Điều 24 Nghị định số 06/2022/NĐ-CP;
c) Tổ chức, cơ sở sở hữu thiết bị có chứa các chất được kiểm soát: máy điều hòa không khí có năng suất lạnh danh định lớn hơn 26,5 kW (90.000 BTU/h) và có tổng năng suất lạnh danh định của các thiết bị lớn hơn 586 kW (2.000.000 BTU/h); thiết bị lạnh công nghiệp có công suất diện lớn hơn 40 kW thuộc đối tượng quy định tại điểm d khoản 1 Điều 24 Nghị định số 06/2022/NĐ-CP;
d) Tổ chức, cơ sở thực hiện dịch vụ lắp đặt, bảo trì, sửa chữa, bảo dưỡng thiết bị lạnh và điều hòa không khí.
2. Tổ chức, cơ sở quy định tại khoản 1 Điều này tuân thủ quy định về thu gom, vận chuyển, lưu giữ, tái chế, tái sử dụng và xử lý các chất được kiểm soát theo quy định tại Điều 28 Nghị định số 06/2022/NĐ-CP.
3. Kỹ thuật viên thực hiện lắp đặt, vận hành, bảo dưỡng, sửa chữa thiết bị có chứa các chất được kiểm soát theo quy định tại khoản 4 Điều 28 Nghị định số 06/2022/NĐ-CP phải có bằng tốt nghiệp trình độ trung cấp trở lên thuộc một trong các ngành, nghề sau:
a) Công nghệ kỹ thuật nhiệt;
b) Công nghệ điện tử và năng lượng tòa nhà;
c) Công nghệ cơ khí, sưởi ấm và điều hòa không khí;
d) Lắp đặt thiết bị lạnh;
đ) Bảo trì và sửa chữa thiết bị nhiệt;
e) Kỹ thuật máy lạnh và điều hoà không khí;
g) Vận hành, sửa chữa thiết bị lạnh;
h) Cơ điện lạnh thủy sản.
Điều 18. Xử lý các chất được kiểm soát
1. Các chất được kiểm soát sau khi được thu gom không thể tái chế, tái sử dụng thì phải được xử lý và không để phát tán ra môi trường.
2. Tổ chức, cá nhân xử lý các chất được kiểm soát thực hiện theo quy định pháp luật về quản lý chất thải nguy hại.
Chương V
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 19. Quy định chuyển tiếp
Kết quả đánh giá tác động của biến đổi khí hậu được thực hiện trước ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành được xem xét, thẩm định theo quy định tại Thông tư số 08/2016/TT-BTNMT ngày 16 tháng 5 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định về đánh giá tác động của biến đổi khí hậu và đánh giá khí hậu quốc gia.
Điều 20. Hiệu lực thi hành
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 07 tháng 01 năm 2022.
2. Bãi bỏ quy định tại Điều 5 Thông tư số 08/2016/TT-BTNMT ngày 16 tháng 5 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định về đánh giá tác động của biến đổi khí hậu và đánh giá khí hậu quốc gia.
Điều 21. Tổ chức thực hiện
1. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này.
2. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, đề nghị các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan kịp thời phản ánh về Bộ Tài nguyên và Môi trường để nghiên cứu, hướng dẫn, sửa đổi, bổ sung./.
Nơi nhận: - Thủ tướng Chính phủ và các Phó Thủ tướng Chính phủ; | KT. BỘ TRƯỞNG |
.......................
Mời các bạn tải File tài liệu để xem thêm nội dung Thông tư