TOP 4 bài Phân tích tâm trạng của người lính sau chiến tranh trong bài thơ Ánh trăng hay, đặc sắc nhất, gúp các em học sinh lớp 9 hiểu rõ hơn tâm trạng của người lính sau khi cuộc chiến tranh kết thúc, trở về với thành phố.
Qua sự thay đổi trong tâm trạng của người lính, Nguyễn Duy muốn nhắc nhở con người phải luôn ghi nhớ đến những năm tháng gian lao đã qua. Mời các em cùng theo dõi bài viết dưới đây của Download.vn để có thêm nhiều vốn từ, ngày càng học tốt môn Văn 9:
Phân tích tâm trạng của người lính sau chiến tranh qua bài Ánh trăng
Dàn ý tâm trạng của người lính sau chiến tranh
Dàn ý 1
A. Mở bài
- Giới thiệu tác giả: Nguyễn Duy
- Là nhà thơ trưởng thành trong cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước
- Tác phẩm tiêu biểu
- Giới thiệu tác phẩm: Ánh trăng
- Là lời tự nhắc nhở bản thân của nhà thơ về những năm tháng gian lao đã qua của cuộc đời người lính.
- Vầng trăng gắn bó với tác giả suốt cả một quãng đời tuổi thơ. Trăng lại tiếp tục dõi theo từng bước chân hành quân trong suốt cuộc chiến, cùng chia sẻ những khó khăn gian khổ và cùng tận hưởng chiến thắng. Người và trăng lúc ấy gắn bó với nhau như những người bạn tri âm tri kỉ.
- Giới thiệu khái quát về sự chuyển biến tâm tư của người lính qua bài thơ.
B. Thân bài
1. Khổ thơ
“Từ hồi về thành phố
Quen ánh điện cửa gương
Vầng trăng đi qua ngõ
Như người dưng qua đường”
- Chiến tranh kết thúc, những người lính rời khỏi chiến trường khốc liệt để trở về quê hương xứ sở. Họ tận hưởng một cuộc sống ngày càng trở nên hiện đại, văn minh hơn.
- Chính điều đó đã khiến người lính vô tình quên đi người bạn tri âm, tri kỉ.
2. Khổ thơ "Thình lình đèn điện tắt ... đột ngột vầng trăng tròn"
- Trước mặt người lính bây giờ là “vầng trăng tròn”, người bạn tri âm tri kỉ đã bị lãng quên bấy lâu nay.
- Trăng không bỏ đi dù người lính có lãng quên trăng. Trăng không trách cứ hờn dỗi dù có bị xem là “người dưng”.
3. Khổ thơ "Trăng cứ... giật mình" - vầng trăng đã thực sự thức tỉnh con người:
- Hình ảnh vầng trăng đã mang một ý nghĩa biểu tượng: trăng là quá khứ nghĩa tình, là vẻ đẹp bình dị vĩnh hằng trong đời sống.
- Vầng trăng “tròn vành vạnh” thể hiện một vẻ đẹp viên mãn trọn vẹn, bất chấp sự vô tình của con người.
- Trăng “im phăng phắc”, không nói gì mà chỉ nhìn.
=> Trăng đã trở thành hiện thân của quá khứ chân tình, chung thủy và nghiêm khắc nhắc nhở con người tự soi rọi lại chính mình => Bài thơ chính là cuộc gặp gỡ có ý nghĩa gợi nhắc cho người đọc một thái độ sống một đạo lý cao đẹp của dân tộc Việt Nam mà không ai được lãng quên - Uống nước nhớ nguồn
C. Kết bài
- Khẳng định giá trị của ba khổ thơ cuối nói riêng và bài thơ nói chung
- Tình cảm của em dành cho tác phẩm
Dàn ý 2
I. Mở bài
- Ánh trăng là đề tài quen thuộc của thi ca, là cảm hứng sáng tác vô tận cho các nhà thơ.
- Nguyễn Duy - một nhà thơ tiêu biểu cho thế hệ các nhà thơ trẻ sau năm 1975 cũng góp vào mảng thơ về đề tài này với bài thơ “Ánh trăng”.
- Với Nguyễn Duy, ánh trăng không chỉ là niềm thơ mà còn được biểu đạt một hàm nghĩa mới, mang dấu ấn của tình cảm thời đại: Ánh trăng là biểu tượng cho quá khứ trong mỗi đời người.
- Đối diện trước vầng trăng, người lính đã giật mình về sự vô tình trước thiên nhiên, vô tình với những kỉ niệm nghĩa tình của một thời đã qua. Bài thơ “Ánh trăng” giản dị như một niềm ân hận trong tâm sự sâu kín ấy của nhà thơ.
II. Thân bài
1. Cảm nghĩ về vầng trăng hiện tại
“Từ hồi về thành phố
quen ánh điện cửa gương
vầng trăng đi qua ngõ
như người dưng qua đường”
- Vầng trăng tri kỷ ngày nào nay đã trở thành “người dưng” - người khách qua đường xa lạ:
- Sự thay đổi của hoàn cảnh sống - không gian khác biệt, thời gian cách biệt, điều kiện sống thay đổi.
- Hành động “vội bật tung cửa sổ” và cảm giác nhận ra “đột ngột vầng trăng tròn”, cho thấy quan hệ giữa người và trăng không còn là tri kỉ, tình nghĩa như xưa vì con người lúc này thấy trăng như một vật chiếu sáng thay thế cho điện sáng mà thôi.
- Câu thơ dưng dưng - lạnh lùng - nhức nhối, xót xa miêu tả một điều gì bội bạc, nhẫn tâm vẫn thường xảy ra trong cuộc sống.
=> Từ sự xa lạ giữa người với trăng ấy, nhà thơ muốn nhắc nhở: đừng để những giá trị vật chất điều khiển chúng ta....
2. Niềm suy tư của tác giả và tấm lòng của vầng trăng
- Trăng và con người đã gặp nhau trong một giây phút tình cờ.
- Vầng trăng xuất hiện vẫn một tình cảm tròn đầy, không mảy may sứt mẻ.
- “Trăng tròn”, hình ảnh thơ khá hay, tình cảm trọn vẹn, chung thuỷ như năm xưa.
- Tư thế “ngửa mặt lên nhìn mặt” là tư thế đối mặt: “mặt” ở đây chính là vầng trăng tròn (nhân hoá). Con người thấy mặt trăng là thấy được người bạn tri kỷ ngày nào. Cách viết thật lạ và sâu sắc.
- Ánh trăng đã thức dậy những kỉ niệm quá khứ tốt đẹp, đánh thức lại tình cảm bạn bè năm xưa, đánh thức lại những gì con người đã lãng quên:
- Cảm xúc “rưng rưng” là biểu thị của một tâm hồn đang rung động, xao xuyến, gợi nhớ gợi thương khi gặp lại bạn tri kỷ.
- Nhịp thơ hối hả dâng trào như tình người dào dạt. Niềm hạnh phúc của nhà thơ như đang được sống lại một giấc chiêm bao.
- Ánh trăng hiện lên đáng giá biết bao, cao thượng vị tha biết chừng nào:
“Trăng cứ tròn vành vạnh
…
đủ cho ta giật mình”
- Trăng tròn vành vạnh là hiện diện cho quá khứ đẹp đẽ không thể phai mờ. Ánh trăng chính là người bạn nghĩa tình mà nghiêm khắc nhắc nhở nhà thơ và cả mỗi chúng ta: con người có thể vô tình, có thể lãng quên nhưng thiên nhiên, nghĩa tình quá khứ thì luôn tròn đầy, bất diệt.
- “Giật mình” là cảm giác và phản xạ tâm lý có thật của một người biết suy nghĩ, chợt nhận ra sự vô tình, bạc bẽo, sự nông nổi trong cách sống của mình. Cái “giật mình” của sự ăn năn, tự trách, tự thấy phải đổi thay trong cách sống. Cái “giật mình” tự nhắc nhở bản thân không bao giờ được làm người phản bội quá khứ, phản bội thiên nhiên, sùng bái tiện nghi mà coi rẻ thiên nhiên.
=> Câu thơ là lời tự nhắc nhở chúng ta, những người đang sống trong hòa bình, hưởng những tiện nghi hiện đại, đừng bao giờ quên công sức đấu tranh cách mạng của biết bao người đi trước.
III. Kết bài
- Bài thơ “Ánh trăng” là một lần “giật mình” của Nguyễn Duy về sự vô tình trước thiên nhiên, vô tình với những kỉ niệm nghĩa tình của một thời đã qua.
- Nó gợi ra trong lòng chúng ta nhiều suy ngẫm sâu sắc về cách sống, cách làm người, cách sống ân nghĩa thuỷ chung ở đời.
- Ánh trăng thật sự đã như một tấm gương soi để thấy được gương mặt thực của mình, để tìm lại cái đẹp tinh khôi mà chúng ta tưởng đã ngủ ngon trong quên lãng.
Tâm trạng của người lính sau chiến tranh - Mẫu 1
Cuộc kháng chiến đã qua đi, người lính trong chiến tranh giờ đây đã về với cuộc sống hàng ngày. Tưởng như sự bận rộn hôm nay sẽ khiến người ta quên lãng quá khứ. Nhưng có một lúc nào đó trong đời thường những kỷ niệm chiến tranh lại như những thước phim quay chậm hiện về. Nguyễn Duy gửi tới bạn đọc thi phẩm “Ánh trăng” cũng chính là gửi tới bạn đọc thông điệp: Không nên sống vô tình, phải biết thủy chung nghĩa tình cùng quá khứ:
“Hồi nhỏ sống với đồn
với sông rồi với bể
hồi chiến tranh ở rừng
vầng trăng thành tri kỉ”
Hình ảnh những “đồng, sông, bể, rừng” nguyên sơ, thuần hậu trong khổ thơ đầu này là nơi đã nuôi dưỡng, che chở cho tuổi thơ và năm tháng chiến tranh, cả một quãng đường dài sống trong tình thương yêu, gắn bó với thiên nhiên, với những miền quê ấy, vầng trăng thành tri kỉ. Trăng như mái nhà, như người bạn thân thiết của tâm hồn. Ở đó tâm hồn tình cảm con người cũng đơn sơ thuần phác như chính thiên nhiên. “Trăng và người” đã tạo nên mối giao tiếp, giao hoà thủy chung tưởng như không bao giờ có thể quên được:
“Từ hồi về thành phố
quen ánh điện cửa gương
vầng trăng đi qua ngõ
như người dưng qua đường”
Khi chiến tranh kết thúc. Người lính trở về bị hấp dẫn bởi đô thị, với ánh điện, cửa gương, những ánh sáng nhân tạo đã làm họ quên đi ánh sáng tự nhiên hiền dịu của trăng. Cuộc sống hiện đại với nhiều tiện nghi đã làm cho con người thờ ơ, vô tình với những ngày gian khổ, cùng đồng đội, đồng chí chung một chiến hào mà trăng là biểu tượng:
“Vầng trăng đi qua ngõ
như người dưng qua đường”
Từ hình ảnh vầng trăng “tri kỉ”, vầng trăng tình nghĩa trở thành người dưng qua đường, Nguyễn Duy đã diễn tả được cái đổi thay của lòng người, cái lãng quên, dửng dưng đến phũ phàng. Cái so sánh thật thấm thía: “như người dưng qua đường”.
Cũng như dòng sông có khúc phẳng lặng êm đềm, cũng có khúc ghềnh thác dữ dội. Cuộc đời vốn cũng nhiều biến động. Ghi lại một tình huống, cuộc sống nơi thị thành, của những con người từ rừng về thành phố, Nguyễn Duy đặt con người vào một tình huống:
“Thình lình đèn điện tắt
phòng buyn-đinh tối om
vội bật tung cửa sổ
đột ngột vầng trăng tròn”
Khi ánh trăng nhân tạo vụt tắt, bóng tối bao trùm khắp không gian thì vầng trăng xuất hiện khiến con người ngỡ ngàng trước ánh trăng thân thương của tuổi thơ trên những nẻo đường ta sống và trong cuộc chiến gian khổ, ác liệt. Cuộc sống hiện đại làm cho lòng người thay đổi… Trước người bạn vô tình ấy, trăng chẳng nói, chẳng trách khiến người lính cảm thấy có cái gì rưng rưng. Ánh trăng soi chiếu khiến người ta nhận ra độ lệch của nhân cách mình:
“Trăng cứ tròn vành vạnh
kể chi người vô tình
ánh trăng phăng phắc
đủ cho ta giật mình”
Ánh trăng trước sau vẫn vậy mộc mạc, giản dị và thủy chung. Trăng lặng lẽ tròn đầy một cách trong sáng, vô tư, mặc cho thời gian trôi, mặc cho bạn bầu xưa ai đó quay lưng dù trong quá khứ trăng là tri kỉ. Nhưng trăng cũng khơi gợi niềm xúc động, đánh thức lương tâm ở con người. Cái giật mình được diễn tả trong khổ thơ “vô ngôn” thể hiện sự bình tĩnh đáng quý. Qua bài thơ Nguyễn Duy đã khám phá ra vẻ đẹp không bao giờ kết thúc. Dường như cuộc sống mới đầy đủ hơn khiến cho con người lãng quên ánh trăng. Hành trình đi tìm những hạt ngọc ẩn dấu trong tâm hồn con người không bao giờ ngơi nghỉ và việc hoàn thiện mình của chính mỗi con người cũng không phải một sớm một chiều.
Cuộc đấu tranh hướng thiện âm thầm mà khốc liệt, nó đòi hỏi lòng dũng cảm của con người. Người lính năm xưa đã dành trọn quá khứ soi mình trong hiện tại để đấu tranh loại bỏ sự vô tình vô nghĩa của bản thân, hướng tới sự cao cả, tốt đẹp.
“Ánh trăng” là bài thơ không quên về quá trình hướng thiện, quá trình hoàn thiện mình của mỗi con người trong cuộc sống hôm nay.
Tâm trạng của người lính sau chiến tranh - Mẫu 2
Nguyễn Duy thuộc thế hệ nhà thơ trẻ trưởng thành trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Một trong những sáng tiêu biểu của ông là bài thơ “Ánh trăng”. Qua bài thơ này, tác giả đã thể hiện được tâm trạng của người lính sau khi cuộc chiến tranh kết thúc, trở về với thành phố.
Nếu trước đó, trong quá khứ, vầng trăng là người bạn gắn bó với người lính trong suốt những năm tháng tuổi thơ sống hòa mình với thiên nhiên. Và trong cả những năm tháng chiến tranh khốc liệt, vầng trăng đã cùng người lính sẻ chia những khó khăn, nguy hiểm nơi chiến trường. Thì khi trở về hiện tại, sống nơi thành phố, người lính đã dần lãng quên đi cái vầng trăng tình nghĩa ấy:
“Từ hồi về thành phố
quen ánh điện, cửa gương
vầng trăng đi qua ngõ
như người dưng qua đường”
Khi cuộc chiến tranh kết thúc, người lính từ biệt nơi chiến trường đau thương để về với thành phố. Cuộc sống hiện đại của thành phố với “ánh điện”, “cửa gương” - đó là ánh sáng của văn minh hiện đại đã khiến con người dần quên đi những năm tháng chiến tranh đau thương. Và sự thay đổi hoàn cảnh sống đã dẫn đến sự thay đổi về tình cảm. Những ánh sáng của văn minh, làm khuất đi ánh sáng vốn rất quen thuộc của ánh trăng. Để rồi ngay cả khi vầng trăng vô tình đi qua ngõ, lại giống như người dưng qua đường. Nhà thơ đã sử dụng biện pháp tu từ so sánh: “vầng trăng” - “người dưng”. Hai chữ “người dưng” dùng để chỉ những người không quen biết, không có quan hệ thân thiết và hoàn toàn xa lạ. Thật đáng buồn làm sao khi “ánh trăng” - một người bạn tri kỷ từng gắn bó giờ lại trở nên xa lạ. Để rồi chỉ khi rơi vào tình huống thật bất ngờ, nhân vật trữ tình mới chợt nhận ra:
“Thình lình đèn điện tắt
phòng buyn-đinh tối om
vội bật tung cửa sổ
đột ngột vầng trăng tròn”
Tình huống bất ngờ xảy ra ở đây bỗng thành phố mất điện, khiến cho “phòng buyn-đinh” trở nên tối om. Trong đêm tối, nhân vật trữ tình vội vàng “bật tung cửa sổ” - một hành động mạnh mẽ, quyết liệt để tìm kiếm ánh sáng. Và rồi ánh trăng hiện ra ngay trước mắt. Không phải đến hôm nay ánh trăng mới xuất hiện, trăng vẫn ở đó, chỉ có con người là không để ý. Cách dùng từ “đột ngột” gợi ra một cảm giác bất ngờ, không báo trước khiến con người thấy bàng hoàng và xúc động. Thì ra biết bao lâu nay, ánh trăng vẫn ở đó, tròn đầy và sáng rõ. Trước đó sự gặp gỡ chỉ là một cách tình cờ, thì ở đây lại là sự đối mặt trực tiếp:
“Ngửa mặt lên nhìn mặt
có cái gì rưng rưng
như là đồng là bể
như là sông là rừng”
Khi đối mặt với ánh trăng gần, những kỉ niệm xưa cũ lại quay về. Câu thơ “Có cái gì rưng rưng” diễn tả sự xúc động nghẹn ngào của nhân vật trữ tình khi nhớ về kỉ niệm tuổi thơ hòa mình với thiên nhiên, nhờ về những ngày tháng chiến đấu gian khổ bên vầng trăng hiện về. Khổ thơ cuối đọc lên như một lời tự trách bản thân:
“Trăng cứ tròn vành vạnh
kể chi người vô tình
ánh trăng im phăng phắc
đủ cho ta giật mình”
Nếu ánh trăng cứ trách móc, có lẽ trong lòng người lính sẽ cảm thấy nhẹ nhõm. Vậy mà nó vẫn cứ như vậy, tròn đầy và im lặng, mang trong nó một tình cảm thủy chung chân thành. Nhưng con người thì lại vô tình thay đổi. “Giật mình” là một phản xạ tâm lý có thật của một người biết suy nghĩ. Ở đây nhân vật trữ tình đã tự nhận ra sự vô tình của bản thân. Cái “giật mình” của sự ăn năn, tự trách, tự thấy phải đổi thay trong cách sống. Để rồi tự nhắc nhở bản thân không bao giờ được làm người phản bội quá khứ, phản bội thiên nhiên, sùng bái tiện nghi mà coi rẻ thiên nhiên.
Như vậy, bài thơ “Ánh trăng” của Nguyễn Duy đã khắc họa được tâm trạng của người lính sau cuộc chiến tranh, từ đó đem đến một bài học về truyền thống “uống nước nhớ nguồn” - một truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.
Tâm trạng của người lính sau chiến tranh - Mẫu 3
Bài thơ “Ánh trăng” được Nguyễn Duy sáng tác sau năm 1978. Qua bài thơ, Nguyễn Duy đã diễn tả được dòng tâm trạng của người lính sau khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
“Ánh trăng” - một hình ảnh có tính biểu tượng, xuyên suốt cả bài thơ và chứa đựng nhiều ý nghĩa. Trong quá khứ, ánh trăng gắn bó với người lính suốt những năm tháng tuổi thơ hay khi trưởng thành, tham gia vào cuộc kháng chiến:
“Hồi nhỏ sống với đồng
với sông rồi với bể
hồi chiến tranh ở rừng
vầng trăng thành tri kỉ”
Người lính cứ ngỡ sẽ không bao giờ quên đi được cái vầng trăng tình nghĩa ấy. Nhưng khi cuộc chiến tranh qua đi, trở về với cuộc sống bình yên, hoàn cảnh sống thay đổi đã khiến vầng trăng dần bị rơi vào quên lãng:
“Từ hồi về thành phố
quen ánh điện, cửa gương
vầng trăng đi qua ngõ
như người dưng qua đường”
“Ánh trăng” ở hiện tại là khi mà cuộc kháng chiến chống Mỹ đã kết thúc. Người lính từ biệt nơi núi rừng khắc nghiệt để về với thành phố của hòa bình, của hiện đại. Dần quen với những thứ ánh sáng của văn minh là “ánh điện”, “cửa gương” - thứ ánh sáng rực rỡ của nơi thủ đô hoa lệ. Những ánh sáng đã che khuất đi ánh sáng của vầng trăng. Và người lính dần quên đi cái vầng trăng từng bầu bạn suốt những năm tháng chiến tranh. Ánh trăng lúc này đã trở thành một “người dưng”. Hai từ “người dưng” để chỉ những người vốn chẳng hề quen biết, hoàn toàn xa lạ. Hình ảnh so sánh “vầng trăng đi qua ngõ” giống như “người dưng qua đường” đã cho thấy một sự thật đau lòng, đó là sự lãng quên của con người.
Chỉ đến khi tình huống thật bất ngờ xảy ra, thành phố mất điện, mọi không gian chìm vào bóng tối:
"Thình lình đèn điện tắt
phòng buyn-đinh tối om
vội bật tung cửa sổ
đột ngột vầng trăng tròn"
Nhân vật trữ tình liền vội vàng “bật tung cửa sổ”, một hành động đầy mạnh mẽ, quyết liệt để tìm kiếm ánh sáng. Thì bỗng nhiên nhìn thấy hiện ra trước mắt là “đột ngột vầng trăng tròn”. Từ láy “đột ngột” diễn tả một sự việc xảy ra không báo trước. Thì ra bấy lâu nay, ánh trăng vẫn còn đó, vẫn cứ hiện diện trong cuộc sống của con người. Ở đây, nhân vật trữ tình cảm thấy thật ngỡ ngàng trước sự xuất hiện của vầng trăng - một người bạn đã từng thân quen. Vầng trăng xuất hiện khiến những kỉ niệm quá khứ bỗng nhiên hiện ra trước mắt người lính.
"Ngửa mặt lên nhìn mặt
có cái gì rưng rưng
như là đồng là bể
như là sông là rừng"
Bây giờ, khi đối mặt trực tiếp với vầng trăng ấy, người lính cảm thấy thật bồi hồi . Để rồi bao nhiêu kỉ niệm trong quá khứ lại ùa về khiến anh cảm thấy “có gì đó rưng rưng” - thể hiện sự xúc động, nghẹn ngào. Đó là những năm tháng tuổi thơ hòa mình với thiên nhiên có vầng trăng bầu bạn, những năm tháng sống ở nơi rừng núi, chiến đấu có ánh trăng sẻ chia…
“Trăng cứ tròn vành vạnh
kể chi người vô tình
ánh trăng im phăng phắc
đủ cho ta giật mình”
Ánh trăng ấy trải qua bao nhiêu năm tháng vẫn cứ như vậy, vẫn tròn đầy vẹn nguyên. Giống như tình nghĩa thủy chung của người bạn tri kỷ dành cho người lính. Vầng trăng không một chút trách móc con người kia đã quá vô tình, quên đi tình nghĩa bao nhiêu năm chia sẻ, gắn bó. Ánh trăng chỉ lặng im dõi theo từng bước đi của con người với cái nhìn bao dung, rộng mở. Cụm từ “im phăng phăng” gợi ra một không gian tĩnh lặng đến lạ thường. Chính trong không gian ấy, người lính mới có cơ hội soi chiếu lại lòng mình. Cũng chính sự im lặng ấy đã khiến cho “ta giật mình”. Sự giật mình ấy là sự thức tỉnh để rồi chợt nhận ra rằng bản thân đã quá vô tâm, quên đi những người bạn tri kỷ. Sự giật mình nhận ra lỗi lầm của bản thân, để rồi cảm giác hối hận bao trùm.
Như vậy, sự thay đổi trong tâm trạng của người lính đã mà Nguyễn Duy xây dựng nhằm nhắc nhở con người phải luôn ghi nhớ đến những năm tháng gian lao đã qua.
Cảm nhận về sự chuyển biến tâm tư của người lính
Không biết tự bao giờ, trăng đã trở thành niềm cảm hứng sáng tác của các nhà văn, nhà thơ. Ta có thể bắt gặp một ánh trăng lãng mạn và chất chứa nhiều cảm xúc trong "Nguyên tiêu" của Hồ Chí Minh hay là một ánh trăng gợi lên nỗi nhớ da diết trong "Tình dạ tứ" của Lý Bạch. Đến với trăng của Nguyễn Duy, ta như thấy được bắt gặp sự chuyển biến tâm tư của người lính.
Bài thơ “Ánh trăng” là lời tự nhắc nhở bản thân của nhà thơ về những năm tháng gian lao đã qua của cuộc đời người lính. Vầng trăng gắn bó với tác giả suốt cả một quãng đời tuổi thơ. Trăng lại tiếp tục dõi theo từng bước chân hành quân trong suốt cuộc chiến, cùng chia sẻ những khó khăn gian khổ và cùng tận hưởng chiến thắng. Người và trăng lúc ấy gắn bó với nhau như những người bạn tri âm tri kỉ.
Ngỡ như không bao giờ quên được “vầng trăng tình nghĩa” nhưng sự thay đổi của lòng người như một nhát chổi cuốn phăng đi tất cả những kỉ niệm, hình ảnh về vầng trăng:
“Từ hồi về thành phố
Quen ánh điện cửa gương
Vầng trăng đi qua ngõ
Như người dưng qua đường”
Chiến tranh kết thúc, những người lính rời khỏi chiến trường khốc liệt để trở về quê hương xứ sở. Họ tận hưởng một cuộc sống ngày càng trở nên hiện đại, văn minh hơn. Người lính ngày xưa bây giờ được sống trong “ánh điện, cửa gương” và vầng trăng dần dần bị phai nhạt trong kí ức của họ. Vầng trăng giờ đây không còn là “vầng trăng tri kỉ” hay “vầng trăng tình nghĩa” nữa mà đã trở thành một “người dưng”, một người không có bất kì mối quan hệ nào với người lính. Phép nhân hóa “người dưng qua đường” đã gây xúc động mạnh trong lòng người đọc. Nó đã làm nổi bật lên sự thay đổi của lòng người. Sự ồn ã của phố phường, sự bận bịu mưu sinh bươn chải kiếm sống cùng với sự vô tâm của người lính đã lấn át đi lí trí của họ mà xóa bỏ vầng trăng ra khỏi trí nhớ. Điều này cũng nói lên một thực tế: khi con người được tận hưởng sự sung sướng đến từ vật chất thì họ bắt đầu lãng quên những kí ức gắn bó với mình lúc khó khăn.
Cuộc đời cũng như dòng sông có lắm thác ghềnh quanh co uốn khúc, đôi khi xảy ra những chuyện không bao giờ lường trước được:
“Thình lình đèn điện tắt
Phòng buyn-đinh tối om
Vội bật tung cửa sổ
Đột ngột vầng trăng tròn”
Đèn điện tắt, cuộc sống hiện đại xa hoa của chốn thị thành bất chợt dừng lại và bao quanh con người giờ đây chỉ là một màn đêm. Như là một bản năng, con người không bao giờ muốn ở trong bóng đêm, họ tìm mọi cách để có được ánh sáng thế là “vội bật tung cửa sổ”. Trước mặt người lính bây giờ là “vầng trăng tròn”, người bạn tri âm tri kỉ đã bị lãng quên bấy lâu nay. Vầng trăng ấy vẫn cứ “tròn”, vẫn lành lặn vẹn nguyên như hồi nào. Trăng không bỏ đi dù người lính có lãng quên trăng. Trăng không trách cứ hờn dỗi dù có bị xem là “người dưng”.
Cái lòng vị tha, bao dung của ánh trăng đã làm thức dậy trong nhà thơ những suy nghĩ bâng khuâng:
“Ngửa mặt lên nhìn mặt
Có cái gì rưng rưng
Như là đồng, là bể
Như là sông, là rừng”
Mặt người phải đối diện với mặt trăng hay chính tác giả đang phải đối diện với người bạn tri kỉ của mình? Vầng trăng im lặng, chẳng nói, chẳng trách móc mà nhà thơ vẫn cứ cảm thấy “có cái gì rưng rưng”. Cảm xúc giờ đây như muốn trào ra thành từng giọt nước mắt. Điệp từ “như là” cùng với cấu trúc song hành và nghệ thuật liệt kê đã làm nổi bật lên dòng kí ức tuôn trào, vỡ òa trong thâm tâm của nhà thơ. “Đồng, bể, sông, rừng”, những cảnh vật đã gắn bó với người lính ngày xưa ùa về. Nó như là một thước phim chiếu lại những kỉ niệm thân thương mà bị lãng quên. Giọt nước mắt bây giờ khiến cho tâm hồn nhà thơ trở nên thanh thản, trong sáng lại, giúp ông nhận ra lỗi lầm của mình.
Ở khổ cuối, vầng trăng đã thực sự thức tỉnh con người:
"Trăng cứ tròn vành vạnh
Kể chi người vô tình
Ánh trăng im phăng phắc
Đủ cho ta giật mình"
Đến đây, hình ảnh vầng trăng đã mang một ý nghĩa biểu tượng: trăng là quá khứ nghĩa tình, là vẻ đẹp bình dị vĩnh hằng trong đời sống. Vầng trăng “tròn vành vạnh” thể hiện một vẻ đẹp viên mãn trọn vẹn, bất chấp sự vô tình của con người. Trăng “im phăng phắc”, không nói gì mà chỉ nhìn. Trăng đã trở thành hiện thân của quá khứ chân tình, chung thủy và nghiêm khắc nhắc nhở con người tự soi rọi lại chính mình. Con người có thể lãng quên, chối bỏ quá khứ nhưng quá khứ vẫn cứ mãi bất diệt, vẹn nguyên.
Thể thơ năm chữ cùng với nhịp thơ trôi chảy, tự nhiên và nhịp nhàng theo lời kể đã thể hiện được tâm trạng suy tư của tác giả. Giọng điệu tâm tình tự nhiên của nhà thơ cùng kết cấu độc đáo của đoạn thơ tạo nên tính chân thực, có sức truyền cảm sâu sắc cho người đọc. Cùng với phép nhân hóa và so sánh, vầng trăng hiện lên như một con người có tri giác, một người bạn tri âm tri kỉ không bao giờ bỏ rơi người lính.
Bài thơ “Ánh trăng” không chỉ là lời tự nhắc nhở bản thân của tác giả mà đó còn là thông điệp mà nhà thơ muốn gửi gắm đến mọi người. Bài thơ đồng thời củng cố ở người đọc về thái độ sống “Uống nước nhớ nguồn”, ân nghĩa thủy chung cùng quá khứ.