Viết bài văn tả một cây hoa (hoặc cây ăn quả, cây bóng mát, cây lương thực, cây cảnh) mà em yêu thích gồm 4 mẫu, giúp các em học sinh lớp 4 viết bài văn tả cây cối thật hay, dễ dàng đạt điểm 9, điểm 10.
Mỗi loài cây đều mang những đặc điểm, vẻ đẹp riêng. Với 4 bài văn tả cây cối dưới đây, hy vọng sẽ giúp ích các em rất nhiều trong quá trình trả lời các câu hỏi tiết Luyện tập tả cây cối - SGK Tiếng Việt 4 tập 1 Cánh diều trang 75.
Viết bài văn tả một cây hoa (hoặc cây ăn quả, cây bóng mát, cây lương thực, cây cảnh) mà em yêu thích
Tả cây quất
Vậy là một cái Tết nữa sắp đến rồi. Ai nấy đều tất bật dọn dẹp nhà cửa cho gọn gàng sạch sẽ và chuẩn bị sắm Tết. Gia đình tôi, mỗi khi Tết đến lại quây quần cùng nhau gói bánh chưng. Bố tôi luôn được cả nhà "tín nhiệm" giao nhiệm vụ mua đào. Mọi năm, bố tôi thường mang về một cành đào Sơn La hay đào phai Nhật Tân nhưng sao năm nay, hôm 29 Tết vừa rồi, bố lại khệ nệ bê về một cây quất.
Bố cẩn thận để cây quất vào chậu sứ trắng, ngay sát bộ tràng kỉ. Sau đó, bố phủ kín những chiếc rễ ngoằn ngoèo bằng một lớp đất. Mỗi cây quất được người trồng uốn tạo những hình dáng khác nhau, tạo nên nét đặc trưng riêng biệt của cây. Người trồng quất gọi đó là tạo "thế" cho cây. Những thế cây thường là "phu phụ, tam đa, tứ quý,…" nhưng cây quất nhà tôi lại có thế "ngũ phúc", tức là có một cành ở trên và bốn cành ở dưới.
Gốc cây sần sùi, màu nâu sẫm. Nhìn kĩ tôi mới phát hiện ra đôi chỗ gốc nổi lên những cái bướu nhỏ. Cành quất toả ra các phía, có khi lại vươn lên trên hoặc đan chéo vào nhau. Càng cao lên trên, cành quất càng nhỏ và màu nâu cũng dần nhạt theo. Lá cây nhỏ, dày. Chạm tay vào, tôi có cảm giác lá rất mịn. Mặt trên lá màu xanh thẫm, nhìn không rõ những đường gân. Mặt dưới lá màu xanh nhạt hơn. Đầu cành, đúng vào độ xuân sang, từng chiếc lá non nhỏ mà ta gọi.là "lộc" hé mở, e ấp nhìn trời đất bao la. Lộc cây xanh mướt, đầy sức sống như chúc mừng gia chủ một năm mới sức khoẻ, bằng an và thành đạt. Quả quất chín to, tròn đều, vỏ căng bóng trông như những chiếc đèn lồng bé xíu của Tết Trung thu. Các quả quất chưa chín thì nhỏ hom, màu xanh sẫm, trên vỏ vẫn lấm tấm những chấm li ti màu cam. Sau tận mấy lớp lá xanh, từng bông hoa trắng muốt như hoa chanh lấp ló, nhè nhẹ đung đưa. Hoa có năm cánh, nhuỵ vàng, hương thơm man mát, rất dễ chịu. Cánh hoa mỏng manh, nhẹ nhàng như cánh bướm.
Tôi cùng em gái vui vẻ, lon ton chạy khắp phòng khách, trang trí cây quất sao cho thật đẹp. Tôi viết những lời chúc Tết vào bưu thiếp và gài lên cây quất. Dưới ánh đèn vàng của phòng khách, trông cây quất giống cây thông Nô-en rực rỡ và lung linh sắc màu. Mẹ tôi khen cây quất vừa có dáng đẹp lại vừa hội tụ được cả "tứ quý" – có quả xanh, quả chín, hoa, lộc.
Sau một mùa đông dài lạnh giá, cây khô lá vàng, cùng với các loại cây khác, quất bừng lên đâm chồi nảy lộc ra hoa kết trái để đón chào một mùa xuân tươi đẹp và những ngày Tết cổ truyền của dân tộc. Những cây đào, mai, quất không chỉ tô điểm cho căn nhà mà còn mang đến những lời chúc tốt đẹp, may mắn cho mỗi gia đình trong dịp xuân sang.
Tả cây hoa hướng dương
Trên thế giới có rất nhiều loài hoa đẹp. Mỗi loài lại mang một ý nghĩa tượng trưng riêng. Trong đó, em yêu thích nhất là cây hoa hướng dương.
Hoa hướng dương hay còn được gọi là hoa Mặt Trời bởi chúng luôn hướng về phía ánh sáng Mặt Trời. Loài hoa này thường được trồng thành từng vườn, tạo nên khung cảnh vừa đẹp đẽ, vừa rực rỡ.
Cây hoa hướng dương thuộc loại cây thân mềm. Khi trưởng thành, thân cây cũng chỉ to bằng một ngón tay người lớn, cao khoảng một mét. Nó có màu xanh sẫm, được bao phủ bởi một lớp lông mỏng mà phải nhìn kĩ ta mới có thể thấy được. Lá hướng dương to bản, đồng màu với thân. Bên viền lá còn có một lớp răng cưa, tựa như lớp lá chắn bảo vệ cho cây. Nhìn vào cả một vườn hướng dương, ta sẽ thấy những chiếc lá tỏa ra, phập phồng hứng gió trông hết sức vui mắt.
Điểm đặc biệt nhất của loài cây này chính là bông hoa hướng dương xinh đẹp. Những cánh hoa có màu vàng rực rỡ tựa như màu của nắng. Chúng xếp liền kề, xen kẽ với nhau thành từng lớp, bao xung quanh nhụy hoa ở giữa. Khác với các loài hoa khác, nhụy hoa hướng dương hình tròn, to lớn, có màu nâu đậm. Ẩn chứa trong đó là những hạt hướng dương đen nhỏ - một món ăn vặt vô cùng quen thuộc của con người. Nhìn từ xa, những bông hoa hướng dương đứng cạnh nhau trông tựa như nhiều Mặt Trời nhỏ bé đang tỏa sáng lung linh.
Có một điều rất thú vị ở hoa hướng dương. Như ta đã biết, loài hoa này thường được trồng ở nơi có nhiều ánh sáng bởi chúng luôn hướng về phía Mặt Trời. Nhưng khi đêm đến, Mặt Trời lặn mất, những bông hoa ấy sẽ hướng về nhau. Bởi màu vàng rực rỡ cùng cơ chế đặc biệt như vậy, hoa hướng dương được con người ưu ái đặt làm biểu tượng của chân lí, của niềm hi vọng và khát vọng tìm đến sự sống, niềm tin vào tương lai tươi sáng trong cuộc đời.
Hoa hướng dương không chỉ có sắc đẹp mà còn mang ý nghĩa vô cùng cao cả. Chính vì vậy, loài hoa này được rất nhiều người yêu thích. Mong rằng sẽ có nhiều người biết đến và trân trọng những bông hoa xinh đẹp này hơn trong tương lai.
Tả cây lưỡi hổ
Trong các loài cây, cây ổi, cây xoài, hay cây sung, đó là những loài cây ăn quả, còn đối với em, em thích nhất cây cảnh và trong số đó em yêu thích nhất cây lưỡi hổ.
Ở lớp em cô có trang trí vài cây lưỡi hổ ở sổ lớp. Em thích lắm. Lưỡi hổ là một loại cây thảo có phần rễ mọc ngang, cây cao khoảng từ 30 cho đến 50cm. Lá có hình dải nó dài và cứng, phần gốc có bẹ to và mọc ốp vào với nhau. Đầu lá thuôn dài thành mũi nhọn, phần mép nguyên. Đối với loại lưỡi hổ mép vàng thì mép lá đặc trưng bởi màu hơi vàng. Cả 2 mặt lá đều có những vằn ngang sẫm màu trông giống như đuôi hổ vậy!
Hoa có màu trắng lúc hoặc lục nhạt, cụm hoa mọc thảnh thành chùm ở giữa túm lá trên 1 cán dài khoảng 30 cho đến 60cm. Bao hoa chứa 6 phiến bằng nhau hàn liền ngay dưới thành ống. Có nhị 6 và chỉ nhị mảnh. Mùa hoa rơi vào khoảng tháng 5 hằng năm.
Quả cây lưỡi hổ mọng có hình cầu và khi chín thường có màu vàng da cam. Mùa quả rơi vào khoảng tháng 9 hằng năm.
Hằng ngày đến lớp, em chỉ muốn ngắm nó mãi. Cây lưỡi hổ đã làm tăng vẻ đẹp của hành lang lớp em. Em rất yêu quý loài cây này.
Tả cây lúa
Cây lúa suốt bao đời nay đã gắn liền với đời sống sinh hoạt của con người Việt Nam ta. Nó chính là hình ảnh tượng trưng cho người nông dân, cho công sức, sự chăm chỉ và tảo tần mà họ đã bỏ ra cho đời.
Cây lúa là một trong những loại cây lương thực phổ biến nhất ở Việt Nam nói riêng và trên toàn thế giới nói chung. Không ai biết chúng xuất hiện trên Trái Đất từ thời gian nào. Thế nhưng hình ảnh những cánh đồng lúa bát ngát từ lâu đã trở thành điều không thể thiếu mỗi khi nhắc đến làng quê.
Lúa thuộc giống cây thân cỏ, rễ chùm. Rễ của chúng ban đầu có màu trắng sữa, dần dần sẽ chuyển sang màu nâu và càng ngày càng đen sậm. Từng chùm rễ tỏa ra bám chặt vào bùn đất. Nó vừa có nhiệm vụ giữ chắc cho cây, vừa hút chất dinh dưỡng để nuôi cây. Thân lúa khá ngắn và nhỏ, chỉ dài khoảng 50 - 60 xăng-ti-mét và có màu xanh đậm. Bởi sự mềm dẻo của mình, chúng thường bị cong xuống bởi sức nặng của những hạt lúa bụ bẫm. Lá cây lúa dài, mỏng và cong. Mặt lá hơi nhám và có gân chạy song song. Khi trưởng thành, lá cây có màu xanh mướt đầy sức sống.
Có lẽ rất ít người biết rằng cây lúa cũng ra hoa. Thế nhưng những bông hoa ấy chỉ nhỏ li ti, không có cánh mà toàn là các vảy nhỏ bọc lấy nhụy. Dần dần, nó trở thành những hạt gạo trắng ngần nằm gọn gàng trong lớp vỏ màu vàng. Đó chính là hạt thóc mà người nông dân thu hoạch được. Đến vụ mùa, những hạt thóc sẽ được đem về phơi khô, xát, đãi và cho ra vô số hạt gạo mà ta được thấy bây giờ.
Đối với con người, cây lúa đóng vai trò vô cùng quan trọng. Chúng không chỉ cung cấp lương thực cho chúng ta mà còn trở thành mặt hàng buôn bán, trao đổi, giúp phát triển nền kinh tế nước nhà. Những hạt gạo chính là minh chứng cho sự vất vả, tần tảo, "một nắng hai sương" của người nông dân.
Có thể nói, cây lúa mang những ý nghĩa rất lớn đối với đời sống con người. Qua đây, em lại càng thêm trân trọng công sức của người nông dân. Đồng thời, biết quý trọng hơn những hạt gạo mà mình ăn hàng ngày.