Văn mẫu lớp 8: Trình bày suy nghĩ của em về tính kỉ luật gồm 3 bài văn mẫu, giúp các em học sinh lớp 8 tham khảo, dễ dàng nêu lên suy nghĩ của mình về tính kỷ luật. Đồng thời, cũng củng cố thêm kỹ năng viết văn để chuẩn bị thật tốt cho bài kiểm tra sắp tới của mình.
Kỉ luật là một đức tính cần có ở mỗi con người, nhờ đó để tập trung cũng như vượt qua khó khăn, trở ngại trong cuộc sống. Vậy mời các em cùng theo dõi nội dung chi tiết trong bài viết dưới đây:
Trình bày suy nghĩ của em về tính kỉ luật
Suy nghĩ của em về tính kỉ luật - Mẫu 1
Để đạt được điều bản thân mong muốn hay tiến tới thành công, chúng ta đều phải đi một chặng đường dài. Trên con đường ấy, có nhiều đã đi lệch hướng và không bao giờ đến đích. Đó không hẳn là vì họ chưa cố gắng mà là do bản thân chưa có tính kỉ luật, bởi Jim Rohn từng nói: “Kỉ luật là cầu nối giữa mục tiêu và thành tựu”.
Kỉ luật là sự tuân theo các nguyên tắc, luật lệ, quy định chung được đặt ra nhằm tạo ra sự thống nhất hành động để đạt chất lượng, hiệu quả trong công việc và trong cuộc sống. Khi bạn là một người kỉ luật thì mọi vấn đề diễn ra đều được nắm bắt và kiểm soát dễ dàng. Nhưng là một người kỉ luật không có nghĩa là bạn làm theo những điều người khác đặt ra mà bạn phải tự đặt điều lệ riêng cho bản thân, làm được điều đó thì bạn sẽ trở nên khác biệt và tách mình ra khỏi cộng đồng để tiến xa hơn.
Trong cuộc đời cũng vậy, đôi khi chính những yếu tố ta cho rằng kiềm hãm mình, lại là yếu tố giúp chúng ta bay cao, đó chính là bản chất cốt lõi của kỷ luật.
Khi có tính kỉ luật cao thì mọi rắc rối sẽ được giải quyết dễ dàng hơn và ta sẽ trở nên năng động hơn trong mọi việc. Nhờ vậy, ta cũng sẽ có thêm ý chí và nghị lực để vượt qua khó khăn. Tính kỉ luật cũng sẽ giúp ta đi đúng hướng đến thành công, nó sẽ giúp ta xác định rõ mục tiêu cần thực hiện và tránh cho ta không kiệt sức trên đường đi. Nhiều người vẫn thường đưa ra những lời bao biện cho sự bỏ cuộc và đi tìm con đường ngắn hơn để đi. Nhưng bạn hãy nhớ rằng không bao giờ có đường tắt đến thành công mà chỉ có một hướng đúng và chính tính kỉ luật sẽ đưa bạn đến.
Khi có tính kỉ luật thì bạn sẽ vượt trội hơn mọi người khác, bạn sẽ là tâm điểm để được mọi người tin tưởng và cùng làm việc. Bạn hãy thử tưởng tượng xem nếu mỗi buổi sáng bạn đều muốn ngủ thêm một ít nữa thì bạn sẽ trễ giờ đến cơ quan. Có thể mọi người xung quanh sẽ không trách mắng nhưng họ sẽ không tin tưởng bạn, hay công việc sẽ không mất đi nhưng bạn sẽ không bao giờ được thăng tiến cao hơn. Kỉ luật chỉ đơn giản là những việc nhỏ như thế nhưng nếu bạn không tự thay đổi để làm đúng thì cơ hội thành công sẽ không bao giờ đến.
Người Việt Nam ta nổi tiếng thông minh hơn cả Pháp hay Nhật nhưng vì lý do gì mà đã nhiều năm trôi qua, chúng ta chẳng thể bắt kịp nền kinh tế của Nhật? Đó là vì mỗi người dân Nhật Bản đều tự ý thức được tầm quan trọng của kỉ luật và họ luôn tự giác thực hiện theo. Đó là thứ mọi đứa bé Nhật được dạy từ khi vừa vào mẫu giáo. Còn người Việt Nam ta đến cả bố mẹ còn không có tính kỉ luật làm sao dạy được trẻ con. Vì thế kỉ luật là điều mà cả xã hội đều phải có và mỗi đứa trẻ,mầm non tương lai của đất nước cần phải được dạy và khuyến khích phát triển điều ấy từ phía gia đình và nhà trường.
Chính nhờ biết kỉ luật, con người dần khắc phục được những hạn chế của bản thân, loại bỏ thói xấu, hình thành phẩm chất tố đẹp, nâng cao năng lực, làm tăng khả năng thành công trong công việc và đời sống. Người có tính kỉ luật thường tạo được cảm hứng làm việc cho người khác, trở thành gương mẫu để người khác học hỏi và làm theo.
Tuy nhiên, kỉ luật không phải tự ràng buộc bản thân vào những điều vô lý hoặc không phù hợp, vì nếu cố gắng làm thế thì ta chỉ đang lãng phí thời gian. Ta cần phải xem xét và nhận định đúng về tầm quan trọng và sự ảnh hưởng của một điều luật lên công việc. Chuck Yeager đã từng nói: “Luật lệ được tạo ra cho những người không sẵn lòng xây dựng luật lệ cho bản thân mình”. Vì vậy ta hãy chủ động thay thế chúng bằng những điều luật của riêng mình. Nếu nhà trường quy định bảy giờ sáng sẽ bắt đầu vào học không có nghĩa là đúng giờ đó ta mới đến trường, mà thay vì vậy hãy đến sớm hơn để phòng tránh mọi vấn đề có thể xảy ra. Đừng vội thấy việc tuân theo đúng một luật lệ là khó khăn rồi bỏ cuộc hoặc cho rằng điều luật ấy không cần thiết.
Chúng ta không ai là hoàn hảo và chẳng có ai có được cuộc sống như mong muốn nhưng nếu chịu khó rèn luyện tính kỉ luật thì những điều đó sẽ không là vấn đề. Kỉ luật đôi khi có thể mang cho ta những kết quả tốt ngoài mong đợi nhưng nó đòi hỏi ta phải tập chấp nhận và thực hiện tốt hằng ngày. Nhưng nếu bạn đã rèn luyện thành công thì những điều ta cần tuân theo sẽ trở thành một thói quen tốt. Tất cả mọi người đều có chung điểm xuất phát nhưng do luôn tuân theo kỉ luật và xác định đúng mục tiêu nên mới có những người thành công như Bill Gates hay Steve Job.
Cần nghiêm khắc với bản thân và cởi mở với người khác. Đừng áp dụng sự kỉ luật của mình đối với người khác, điều đó là khiên cưỡng, không phù hợp, dễ dẫn đến kết quả tồi tệ. Xây dựng kế hoạch làm việc rõ ràng, khoa học và kiên trì với kế hoạch ấy. Sống khiêm tốn, giản dị, chí công vô tư, không tham lam, ích kỉ, hay ganh đua với người khác. Nghiêm khắc tuân thủ quy định của nhóm, tập thể, hướng đến công việc và lợi ích chung, không lơ là, tắc trách, buông bỏ trách nhiệm.
Đôi khi kỉ luật cũng có lợi cho cả cá nhân lẫn cộng đồng, đã bao giờ bạn cảm thấy khó chịu khi đã đến hạn nộp báo cáo mà người chung nhóm với bạn vẫn chưa làm xong. Chỉ vì một người không coi trọng kỉ luật mà làm ảnh hưởng đến cả tập thể. Hay khi tham gia giao thông, nhiều người mất kiên nhẫn nên bỏ qua những điều luật để gây ra tai nạn không mong muốn. Chúng ta có thể lựa chọn giữa chịu đựng kỉ luật hoặc nhận lấy sự thất vọng, vì vậy ta hãy tự tôn trọng bản thân và xã hội bằng cách trở thành một con người kỉ luật.
Ít người sinh ra đã can đảm; rất nhiều trở thành như vậy qua rèn luyện và kỷ luật. Lừa lọc và dối trá không cho chúng ta điều gì tốt đẹp cả, nó chỉ làm xấu danh dự, nhân phẩm của một con người. Kỉ luật là tự do. Những người không có kỷ luật là nô lệ cho cảm xúc, dục vọng, và đam mê. Vì vậy, ta đừng vì những khó khăn trước mắt mà ngừng cố gắng để đạt được. Rèn luyện tính kỉ luật tuy rất khó khăn nhưng đằng sau nó có thể tạo nên nguồn sức mạnh đưa ta đến thành công.
Suy nghĩ của em về tính kỉ luật - Mẫu 2
Trên con đường đưa đến sự thành công, học tập là một vấn đề hết sức quan trọng và là yếu tố cần thiết nhất để mang đến sự thành đạt cho mỗi con người. Chính vì thế, môi trường học đường đang và rất được mọi người chú trọng đến, đặc biệt là kỉ luật học đường.
Kỉ luật là những quy định cho một tập thể trong một phạm vi nào đó nhằm mục đích cho sự phát triển toàn diện của tập thể đó. Vì vậy kỉ luật học đường là những nội quy trong môi trường học đường mà giáo viên và học sinh đều phải tuân thủ nhằm đạt được mục đích tốt, mang lại hiệu quả tối đa trong việc dạy và học. Chẳng hạn như học sinh phải đi học đúng giờ, giáo viên cũng phải nhận lớp đúng lúc để không làm ảnh hưởng đến việc tiếp thu và truyền đạt kiến thức,v.v…
Ngày nay, vấn đề kỉ luật học đường cần phải được nâng cao và quản lí chặt chẽ hơn nữa vì trường học là nơi giáo dục, bồi dưỡng các em trở thành những người giúp ích cho tương lai của đất nước thì những vấn đề về kỉ luật trong học đường càng trở nên quan trọng trong quá trình bồi dưỡng nhân cách sau này của các em. Chẳng hạn như phải tập cho các em thói quen lễ phép với người lớn hơn mình, quan tâm giúp đỡ mọi người và những người khó khăn là phẩm chất mà học sinh cần có được. Một người học sinh biết tuân thủ đúng kỉ luật, nội quy chung bao giờ cũng là người được người khác kính trọng, yêu quý, tự làm chủ được bản thân, nhận được sự tin tưởng của mọi người, là người công dân tốt cho xã hội. Lấy điển hình là một học sinh luôn đi học đúng giờ, lễ phép với giáo viên và mọi người, luôn làm bài tập được giao và biết tự trau dồi kiến thức cho mình, chắc chắn sẽ trở thành một người con ngoan trò giỏi, được giáo viên yêu mến và luôn nhận được sự kính trọng của mọi người xung quanh.
Song song đó vẫn còn khá nhiều học sinh vẫn không nhận thức được tầm quan trọng của kỉ luật học đường, vẫn còn thường xuyên vi phạm và xem thường sự nhắc nhở của mọi người. Chính vì thể cần phải có những hình thức xử phạt thật nghiêm đối với những học sinh là thành phần cá biệt. Đối với các trường hợp đi học trễ, thường xuyên không làm bài, không nghe giảng trên lớp hoặc lo ra, cúp học, cần phải thông báo cho gia đình và xử phạt thật nghiêm khắc để kịp uốn nắn các em khi còn có thể, đảm bảo cho việc học tập và giáo dục các em trở thành con ngoan, trò giỏi, công dân tốt cho đất nước.
Chính vì vậy, ngay từ bây giờ chúng ta phải thực hiện tốt những nội quy, kỉ luật mà tập thể đề ra. Bên cạnh đó cần có những phần thưởng khuyến khích và động viên các em để các em có thể cố gắp phấn đấu học tập và chấp hành tốt nội quy của nhà trường. Riêng em, em sẽ cố gắng chấp hành tốt nội quy để thầy cô vui lòng, bạn bè quý mến và đem lại niềm vui cho ba mẹ.
Kỉ luật là nhân tố quan trọng góp phần quyết định nên chất lượng đào tạo học sinh cho trường học. Chính vì thế chúng ta cần phải chấp hành thật tốt nội quy để có thể tạo nên một trường học tốt, chất lượng cao và kỉ luật đúng đắn.
Suy nghĩ của em về tính kỉ luật - Mẫu 3
Để thành công trong cuộc sống con người phải biết tự kỉ luật và tuân thủ kỉ luật của tổ chức, đoàn thể. Thực tế đã chứng minh người có tính kỉ luật thường dễ thành công trong cuộc sống.
Kỉ luật là một đức tính cần có ở mỗi con người. Tính kỉ luật là sự tuân thủ thực hiện các nguyên tắc trong công việc và cuộc sống một cách nghiêm khắc nhằm đạt được mục tiêu đã đề ra trong công việc và thành công trong cuộc sống. Nhờ có tính kỉ luật con người mới tập trung được năng lực, vượt qua khó khăn trở ngại, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đạt đến thành công. Tính kỉ luật giúp con người xác định rõ ràng mục tiêu cần hướng đến, vạch rõ kế hoạch và tập trung được mọi nguồn sức mạnh để hoàn thành công việc một cách xuất sắc nhất. Kỉ luật là cầu nối giữa mục tiêu và thành tựu. Tính kỉ luật giúp con người không bao giờ rời bỏ mục tiêu dù có khó khăn, trở ngại đến mấy.
Nhờ tính kỉ luật cao, công việc càng khó khăn càng khiến họ hứng thú và quyết tâm chinh phục hơn. Họ làm việc hăng say, không biết mệt mỏi, không than vãn cho đến khi đạt được mục tiêu mới thôi. Tính kỉ luật có sức mạnh lan truyền nghị lực cho người khác, khơi bùng được tình yêu và niềm hăng say lao động trong tập thể và cộng đồng. Nhờ tính kỉ luật con người đã biết tuân thủ giờ giấc làm việc, hình dung mức độ và tiến trình công việc. Việc hoàn thành công việc là một điều tất yếu không thể khác. Người có tính kỉ luật lúc nào cũng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, được người người kính trọng, tin tưởng và giúp đỡ. Bởi thế họ thường là những người gặt hái được nhiều thành công. Điển hình như Cha đẻ của hàng nghìn phát minh vĩ đại trên thế giới Thomas Edison đã kiên trì, tự kỷ luật bản thân mình bao nhiêu năm để phát minh ra máy móc và trở thành nhà phát minh vĩ đại của nhân loại với 1.907 phát minh được cấp bằng sáng chế. Đối với ông: “Thiên tài là 1 Trong cuộc sống, còn có rất nhiều người không biết tự kỉ luật bản thân, không tuân thủ kỉ luật của tập thể. Họ sống ích kỉ, lười biếng, thường né tránh khó khăn, tắc trách trong công việc, tranh giành lợi ích, lúc nào cũng muốn được phần hơn. Họ thường bị tập thể khinh chê và thất bại trong cuộc sống. Những người như thế thật đáng chê trách. Mỗi người chúng ta trong cuộc sống cần rèn luyện ý chí, quyết tâm, hoài bão lớn. Có khát vọng chinh phục những giá trị đỉnh cao trong cuộc sống. Trong công việc phải hăng say, sáng tạo, kiên trì với mục tiêu cho đến khi đạt được nó. Tự chủ được bản thân, vượt qua được những cám dỗ đời thường, hướng đến lí tưởng cao đẹp.
Quyết tâm duy trì và phát triển tính kỉ luật của bản thân, của tập thể, không lúc nào lơ là. Không có kỉ luật thì không có thành công. Ít người sinh ra đã can đảm. Rất nhiều người trở nên can đảm hơn là nhờ biết tự rèn luyện tính kỉ luật cho mình. Qua đó, chúng ta cần thấy rằng kỉ luật là một đức tính cần có ở mỗi con người chúng ta.