Theo chỉ thị 16/CT-TTg, mọi người dân phải cách ly xã hội trong vòng 15 ngày, để phòng chống dịch Covid-19. Chính vì vậy, để giúp cho Việt Nam có thể dập tắt được dịch Covid-19 thì lúc này chúng ta nên làm theo chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ. Và trong mấy ngày vừa qua khắp các trang mạng xã hội đều xuất hiện thông điệp "Hãy đứng yên khi tổ quốc cần"
Để là rõ ý nghĩa của thông điệp này, hôm nay chúng tôi xin mời các bạn cùng tham khảo một số bài văn mẫu lớp 8 suy nghĩ về thông điệp "Hãy đứng yên khi tổ quốc cần". Đây là tài liệu vô cùng hữu ích giúp cho các bạn học sinh có thể củng cố thêm kiến thức viết văn nghị luận xã hội của mình.
Suy nghĩ về thông điệp "Hãy đứng yên khi tổ quốc cần"
Suy nghĩ về thông điệp ''Hãy đứng yên khi tổ quốc cần" - Mẫu 1
Chắc hẳn dạo gần đây, chúng ta đều quen thuộc với thông điệp "Hãy đứng yên khi Tổ quốc cần". Khi mới nghe qua chắc hẳn ai cũng thấy lạ lẫm, thắc mắc. Nhưng đặt vào hoàn cảnh hiện nay mới thấy không thể có thông điệp nào chính xác hơn. Bởi lẽ khi mà dịch Covid-19 đang có diễn biến phức tạp thì đây chính là một trong những hướng dẫn quan trọng của Bộ Y tế. Hiện tại, Tổ quốc chưa cần chúng ta phải làm gì nhiều ngoài việc tự bảo vệ sức khỏe của bản thân. Để làm được điều ấy, mỗi người trước hết hãy ở yên trong nhà. Chúng ta không ra ngoài khi không cần thiết. Đó chính là một hành động giúp đỡ đất nước vượt qua đại dịch này. Đảng và Nhà nước ta đang làm rất tốt trong công tác phòng chống dịch. Vì vậy, mỗi người dân chúng ta hãy tin tưởng và thực hiện đúng theo những chỉ thị đó.
Suy nghĩ về thông điệp ''Hãy đứng yên khi tổ quốc cần" - Mẫu 2
"Hãy đứng yên khi tổ quốc cần". Tất cả chúng ta đã biết bây giờ chúng ta đều đang phải đối mặt với đại dịch lớn, Covid 19. Đây là con virus làm chúng ta bị bệnh viêm đường hô hấp cấp, tất cả mọi người đều có thể nguy cơ nhiễm bệnh là rất cao nếu chúng ta tụ tập đông người hay đi đến tâm dịch hoặc đi du lịch. Chúng ta đâu cần phải thể hiện mình là người giàu có, đâu phải đang thời điểm dịch bệnh mà cứ sang nhà nhau để ngồi cà phê uống nước như mọi ngày. Vậy mà tại sao rất nhiều người lại coi thường tâm dịch như vậy trong khi đã có số người mắc bệnh là rất cao và đã có số người tử vong, có người chưa nhiễm bệnh ngay đâu mà phải để một thời gian dài ủ bệnh thì nó mới bắt đầu bùng phát. Chúng ta nên ở nhà hơn là đi ra ngoài đường như vậy, nó có chán quá không? không hề chán. Theo kết quả cho thấy rất nhiều nhân viên muốn ở nhà làm việc hơn là đến công ty vì ở nhà giúp họ tập trung hơn và cũng có thời gian với con nhiều hơn là đi đến công ty. Ở nhà là đã giúp Việt Nam chúng ta chống dịch, giúp chúng ta kiểm soát dịch tốt hơn bao giờ hết. "CHÚNG TÔI Ở NHÀ VÌ BẠN, BẠN CŨNG Ở NHÀ VÌ CHÚNG TÔI CHỨ"
Suy nghĩ về thông điệp ''Hãy đứng yên khi tổ quốc cần" - Mẫu 3
Ở khía cạnh nào đó, câu nói trên biểu đạt khá rõ thông điệp cần làm trong những ngày đầu Việt Nam có những ca dương tính Covid- 19 trở lại. Trong ngày đầu, khi thông tin về ca nhiễm số 17 công bố, rất nhiều người ở Hà Nội đã hoang mang lao ra chợ từ sáng sớm. Họ xếp hàng, giành giật những thùng mì tôm, những cân thịt, rau củ để tích trữ trong nhà. Trớ trêu ở chỗ, ngay buổi chiều hôm đó, các quầy hàng ở siêu thị lại ngập đồ. Và, trong suốt ngày hôm sau nữa, các cửa hàng tạp hóa, siêu thị hay hàng thịt, rau củ đều ế ẩm. Vì người dân đang phải ăn nhiều kg thực phẩm đã trót mua để… tích trữ. Tâm trạng lo lắng của người dân khi thấy bệnh dịch kéo đến có thể thông cảm. Song, để sự lo lắng ấy biến thành hoang mang, thành hành động phi ra chợ lúc sáng sớm, xếp hàng dài, tụ tập đông người vô tình tạo điều kiện để virus có khả năng lây lan là đáng trách. Bên cạnh việc mua hàng tích trữ không cần thiết, việc di chuyển khỏi Hà Nội hoặc các vùng có bệnh nhân dương tính cũng rất nguy hại. Bởi, khi chính quyền đang nỗ lực khoanh vùng dịch bệnh, luồng cư dân di chuyển (nếu có) là trở lực rất lớn. Bởi nó tạo sai số thông tin. Và trong mấy ngày đầu khi dịch bệnh xuất hiện trở lại là khoảnh khắc vàng để dập dịch. Lúc này, thông tin là chìa khóa của mọi bài toán. Khi thông tin không chính xác, việc dập dịch khó khăn hơn rất nhiều. Thêm nữa, việc các gia đình dắt díu nhau từ vùng dịch về quê tạo áp lực tới các địa phương. Hay nói cách khác, con virus không chừa một ai cả. Và không ai trong chúng ta đoán chắc được mình không phải vật chủ chứa virus nếu chưa qua xét nghiệm. Nên, chúng ta hoàn toàn có thể “chở” virus từ nơi này tới nơi khác. Chưa cần bàn tới những giá trị đạo đức cơ bản trong việc lây lan dịch bệnh, thử hình dung “nơi khác” ở đây là đâu? Là quê mình, nơi có ông bà, bố mẹ, người thân họ hàng. Vẫn biết là biến cố làm ta trở nên rối ren hơn, nhưng làm người ai lại ích kỷ, nhỏ nhen đến thế!
Suy nghĩ về thông điệp ''Hãy đứng yên khi tổ quốc cần" - Mẫu 4
Trong những ngày dịch bệnh diễn ra, một trong những thông điệp được kêu gọi nhiều nhất chính là "Hãy đứng yên khi tổ quốc cần". Lời kêu gọi này có ý nghĩa là mọi người dân trong những ngày dịch bệnh diễn ra cần ở yên trong nhà, nghiêm túc thực hiện cách ly xã hội và chỉ đi ra ngoài khi có những lý do thực sự cần thiết như: đi cấp cứu, đi mua thuốc, đi mua thực phẩm..... Việc nghiêm túc chấp hành ở yên trong nhà như vậy không chỉ có lợi cho chính mỗi cá nhân mà nó còn là việc làm góp phần vào công tác phòng chống dịch bệnh lây lan nhanh như hiện nay trong cộng đồng. Đầu tiên, việc ở yên trong nhà sẽ giúp cho chính mỗi cá nhân khỏi nguy cơ mắc bệnh bên ngoài. Ở trong nhà, mỗi người cần cố gắng xây dựng cho mình thói quen làm việc hàng ngày ở trong chính ngôi nhà của mình như: làm việc, tập thể dục,... Việc ở trong nhà sẽ không hề nhàm chán nếu như chúng ta có những cách khác nhau để thích ứng. Thứ hai, việc ở yên trong nhà trong những ngày dịch bệnh diễn ra sẽ giúp cho hạn chế việc lây nhiễm trong cộng đồng. Vì căn bệnh có tính chất lây lan nhanh chóng và nguy hiểm đến tính mạng nên chỉ cần 1 người có ý thức thì dịch bệnh chắc chắn sẽ dễ kiểm soát hơn rất nhiều. Hơn nữa, nếu như dịch bệnh có xuất hiện thì việc khoanh vùng và xét nghiệm sau đó cũng dễ dàng hơn. Trong tình hình dịch bệnh nguy hiểm, việc mỗi người có ý thức chính là để góp phần vào công tác phòng chống dịch bệnh chung của xã hội và đất nước.