Soạn Sử 12 Bài 22 giúp các bạn học sinh có thêm nhiều gợi ý tham khảo để trả lời các câu hỏi phần nội dung bài học và câu hỏi cuối bài Nhân dân hai miền trực tiếp chiến đấu chống đế quốc Mĩ xâm lược, nhân dân miền bắc vừa chiến đấu vừa sản xuất (1965-1973).
Lịch sử 12 Bài 22 được biên soạn với các lời giải chi tiết, đầy đủ và chính xác bám sát chương trình sách giáo khoa. Hi vọng đây sẽ là tài liệu cực kì hữu ích hỗ trợ các em học sinh lớp 12 trong quá trình giải bài tập. Vậy sau đây là nội dung chi tiết bài soạn Lịch sử 12 Bài 22: Nhân dân hai miền trực tiếp chiến đấu chống đế quốc Mĩ xâm lược, nhân dân miền bắc vừa chiến đấu vừa sản xuất (1965-1973) mời các bạn cùng theo dõi tại đây.
Soạn Sử 12 bài 22 trang 188
Lý thuyết Sử 12 bài 22
1. Chiến lược “Chiến tranh cục bộ” của Mĩ ở miền Nam
a. Âm mưu
- Chiến lược “chiến tranh đặc biệt” bị phá sản, Mỹ phải chuyển sang chiến lược “chiến tranh cục bộ” ở miền Nam và mở rộng chiến tranh phá hoại ra miền Bắc.
- Đây là hình thức chiến tranh xâm lược thực dân kiểu mới, được tiến hành bằng quân Mỹ, đồng minh và quân đội Sài Gòn với phương tiện chiến tranh hiện đại. Quân số lúc cao nhất (1969) lên đến 1,5 triệu tên (Mỹ hơn 0,5 triệu)
b. Thủ đoạn
- Mỹ nhanh chóng tạo ra ưu thế về binh lực và hỏa lực có thể áp đảo quân chủ lực ta bằng chiến lược: “tìm diệt”, giành thế chủ động trên chiến trường, đẩy ta về phòng ngự, buộc ta phải phân tán nhỏ…làm cho chiến tranh tàn lụi dần.
- Với ưu thế về quân sự, Mỹ cho mở cuộc hành quân “tìm, diệt” vào Vạn Tường và 2 cuộc phản công 2 mùa khô 1965 - 1966 và 1966 - 1967 nhằm “tìm diệt” và “bình định” vào vùng căn cứ kháng chiến. (vùng "đất thánh Việt Cộng") hòng tiêu diệt cơ quan đầu não và lực lượng kháng chiến của ta.
2. Chiến đấu chống “chiến tranh cục bộ”của Mỹ
Quân dân ta chiến đấu chống “chiến tranh cục bộ” bằng sức mạnh cả dân tộc, của tiền tuyến và hậu phương với ý chí quyết chiến quyết thắng giặc Mỹ xâm lược.
a. Quân sự
* Trận Vạn Tường (Quãng Ngãi)
18/08/1965: Mỹ huy động 9000 quân tấn công Vạn Tường.
Kết quả: Sau 1 ngày chiến đấu, ta loại khỏi vòng chiến 900 địch, nhiều xe tăng, nhiều máy bay…..
Ý nghĩa: Vạn Tường được coi là “Ấp Bắc” đối với Mỹ, mở đầu cho cao trào “tìm Mỹ đánh, tìm ngụy diệt” trên khắp miền Nam.
* Cuộc tấn công 2 mùa khô
- 1965 - 1966:
+ Mỹ huy động 72 vạn quân (22 vạn Mỹ và đồng minh), mở 450 cuộc hành quân, trong đó có 5cuộc hành quân “tìm diệt” lớn, nhắm vào hai hướng chiến lược chính: Liên khu V và Đông Nam Bộ với mục tiêu đánh bại quân chủ lực giải phóng
+ Ta tấn công khắp nơi, giành nhiều thắng lợi, loại khỏi vòng chiến 104.000 địch (có 45.500 Mỹ và đồng minh), bắn rơi 1430 máy bay.
- 1966 - 1967
+ Mỹ huy động 98 vạn quân (44 vạn Mỹ và đồng minh), mở 895 cuộc hành quân, có 3 cuộc hành quân “bình định” và “tìm diệt” lớn, lớn nhất là Gian-xơn Xi-ti đánh vào căn cứ Dương Minh Châu (Bắc Tây Ninh) nhằm tiêu diệt quân chủ lực và cơ quan đầu não của ta.
+ Ta tấn công khắp nơi, đập tan cuộc hành quân “tìm diệt” và “bình định” của Mỹ, loại khỏi vòng chiến 151.000 địch (73.500 Mỹ và đồng minh), bắn rơi 1231 máy bay.
b. Chính trị
- Từ thành thị đến nông thôn, nhân dân nổi dậy đấu tranh trừng trị ác ôn, phá Ấp chiến lược, đòi Mỹ rút về nước, đòi tự do dân chủ.
- Uy tín Mặt trận Dân tộc GPMN Việt Nam lên cao. Cương lĩnh của mặt trận được 41 nước, 12 tổ chức quốc tế và 5 tổ chức khu vực ủng hộ.
3. Cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968
a. Hoàn cảnh lịch sử
- Mùa xuân 1968, trên cơ sở nhận định và so sánh lực lượng đã thay đổi có lợi cho ta
- Lợi dụng mâu thuẫn trong bầu cử Tổng thống Mỹ.
* Mục tiêu
- Tiêu diệt bộ phận quan trọng quân Mỹ và đồng minh.
- Đánh đòn mạnh vào chính quyền Sai gòn, buộc Mỹ phải tiến hành đàm phán rút quân.
b. Diễn biến: 3 đợt
* Đợt 1: Từ 30/1/1968 đến 25/02/1968
- Ta đồng loạt tấn công và nổi dậy ở hầu hết các tỉnh, đô thị, quận lỵ.
- Tại Sài Gòn, ta tấn công các vị trí đầu não của địch (Dinh Độc lập, Toà đại sứ Mỹ, Bộ tổng tham mưu Ngụy, Tổng nha cảnh sát Sài Gòn, sân bay Tân Sơn Nhất, Đài phát thanh…).
- Ta loại khỏi vòng chiến 147.000 địch (43.000 Mỹ), phá hủy khối lượng lớn vật chất và các phương tiện chiến tranh của địch.
- Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình được thành lập.
* Đợt 2 (tháng 5, 6) và đợt 3 (tháng 8, 9)
Đây là một đòn bất ngờ làm cho địch choáng váng, nhưng do lực lượng của địch còn mạnh, nên chúng đã nhanh chóng tổ chức phản công giành lại những mục tiêu bị ta chiếm và đồng thời cũng đã làm cho ta bị tổn thất khá nặng nề, trong đợt 2 (tháng 5, 6) và đợt 3 (tháng 8, 9):
* Hạn chế: Do ta “chủ quan trong đánh giá tình hình, đề ra yêu cầu chưa sát với thực tế…, không kịp thời kiểm điểm rút kinh nghiệm để đánh giá tình hình và có chủ trương chuyển hướng kịp thời, chậm thấy những cố gắng mới của địch và khó khăn lúc đó của ta”
c. Ý nghĩa
- Làm lung lay ý chí xâm lược của Mỹ.
- Buộc Mỹ phải tuyên bố “phi Mỹ hoá” chiến tranh (tức thừa nhận thất bại chiến tranh cục bộ) và chấm dứt chiến tranh phá hoại miền Bắc, chấp nhận đến bàn hội nghị Paris đàm phán về chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam
Trả lời câu hỏi Lịch sử 12 Bài 22
Trả lời câu hỏi trang 177
- Những thắng lợi của quân dân ta trong chiến đấu chống chiến lược “Chiến tranh cục bộ” của Mĩ tiếp sau thắng lợi Vạn Tường (8 - 1965). Ý nghĩa của chiến thắng Vạn Tường.
Trả lời:
* Những thắng lợi:
- Quân và dân ta đã đẩy lùi cuộc hành quân của địch, loại khỏi vòng chiến đấu nhiều tên địch, phá hủy các phương tiện chiến tranh của địch.
- Bước vào mùa khô thứ nhất (1965 - 1966) quân ta đã đánh địch bằng nhiều phương thức tác chiến, trên mọi hướng.
- Bước vào mùa khô thứ hai (1966 - 1967), Mĩ tiếp tục mở cuộc phản công với quy mô lớn hơn nhằm tiêu diệt quân chủ lực và cơ quan đầu não của ta, cũng bị quân ta đánh trả lại.
- Ở các vùng nông thôn và thành thị, công nhân, các tầng lớp lao động khác, học sinh, sinh viên, Phật tử, một số binh sĩ quân đội Sài Gòn...đấu tranh đòi Mĩ rút về nước, đòi tự do dân chủ.
- Vùng giải phóng được mở rộng, uy tín của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam được nâng cao trên trường quốc tế.
* Ý nghĩa của chiến thắng Vạn Tường.
- Chiến thắng Vạn Tường đã mở đầu cao trào “Tìm Mĩ mà đánh, lùng ngụy mà diệt” trên khắp miền Nam.
- Chiến thắng này đã chứng tỏ rằng: quân và dân miền Nam hoàn toàn có khả năng đánh bại “Chiến tranh cục bộ” của đế quốc Mĩ về quân sự.
Câu hỏi trang 180
- Âm mưu và thủ đoạn của Mĩ trong cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc từ năm 1965 đến năm 1968 như thế nào?
Trả lời:
* Âm mưu :
- Phá hoại tiềm lực kinh tế, quốc phòng, phá công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc.
- Ngăn chặn nguồn chi viện từ bên ngoài vào miền Bắc và từ miền Bắc vào miền Nam.
- Uy hiếp tinh thần, làm lay ý chí chống Mĩ của nhân ta ở hai miền.
* Thủ đoạn:
- Đẩy mạnh chiến tranh xâm lược, mở rộng chiến tranh bằng không quân và hải quân phá hoại miền Bắc.
- Mĩ dựng lên “Sự kiện vịnh Bắc Bộ’ (ngày 5 - 8 - 1964), chính thức gây ra cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ nhất.
Miền Bắc đã lập được những thành tích gì trong sản xuất và chiến đấu chống tranh phá hoại của Mĩ từ năm 1965 đến năm 1968?
- Trong chiến đấu:
+ Thực hiện quân sự hóa toàn dân, đào lắp công sự, hầm hào...
+ Chống lại hành động phá hoại của kẻ thù bằng các phương tiện, vũ khí hiện đại.
- Trong sản xuất:
+ Phong trào thi đua chống Mĩ, cứu nước phát triển rộng rãi, thu hút đông đảo nhân dân.
+ Trong nông nghiệp: diện tích canh tác được mở rộng, năng suất lao động không ngừng tăng lên.
+ Trong công nghiệp: năng lực sản xuất ở một số ngành được giữ vững. Công nghiệp địa phương và công nghiệp quốc phòng đều phát triển.
+ Giao thông vận tải được bảo đảm thường xuyên và thông suốt.
Giải bài tập Lịch sử 12 trang 188
Câu 1
Lập bảng so sánh những điểm giống và khác nhau giữa hai chiến lược “Chiến tranh cục bộ” (1965 - 1968) và “Việt Nam hóa chiến tranh” (1969 - 1973) của Mĩ ở miền Nam Việt Nam.
Lời giải:
* Giống nhau:
- Tính chất: đều là hình thức chiến tranh xâm lược kiểu mới nhằm chiếm đất giành dân và đặt ách thống trị thực dân mới của Mĩ.
- Thủ đoạn: đều tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược miền Nam, đồng thời phá hoại miền Bắc, có sự phối hợp trên cả 3 mặt trận quân sự, chính trị, ngoại giao.
* Khác nhau
Đặc điểm | Chiến lược “Chiến tranh cục bộ” | Chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” |
Lực lượng tham chiến | Gồm 3 loại quân: quân Mĩ (giữ vai trò quan trọng), quân Đồng Minh và quân đội Sài Gòn | Gồm 3 loại quân: quân đội Sài Gòn (chủ yếu), quân Mĩ và quân Đồng Minh (tham chiến giai đoạn đầu) |
Vai trò của người Mĩ trên chiến trường | Chỉ huy, cố vấn, tham chiến trực tiếp | Chỉ huy, cố vấn, tham chiến (giai đoạn đầu) |
Quy mô, mức độ ác liệt | - Quy mô lớn hơn “chiến tranh đặc biệt”, mở rộng ra cả miền Bắc bằng chiến tranh phá hoại. - Ác liệt hơn “chiến tranh đặc biệt” giai đoạn trước đó. | - Quy mô lớn hơn, toàn diện hơn “chiến tranh cục bộ”, mở rộng ra toàn Đông Dương và thế giới (bằng thủ đoạn ngoại giao). - Ác liệt nhất |
Câu 2
Miền Bắc đã thực hiện nghĩa vụ hậu phương lớn như thế nào đối với tiền tuyến lớn miền Nam từ năm 1965 đến năm 1973?
Lời giải:
*Giai đoạn 1965 - 1968:
- Khẩu hiệu: “mỗi người làm việc bằng hai”, “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”.
- Xây dựng tuyến đường vận chuyển Bắc - Nam và trên biển, nối liền hậu phương với tiền tuyến.
- Cung cấp hàng chục vạn tấn vũ khí, đạn dược, quân trang, quân dụng, xăng dầu, lương thực, thực phẩm, thuốc men và nhiều vật dụng khác…cho miền Nam.
* Giai đoạn 1968 - 1973:
- Tiếp tục chi viện cho tiền tuyến miền Nam và cho cả chiến trường Lào, Campuchia.
- Trong 3 năm (1969 - 1971), hàng chục vạn thanh niên miền Bắc được gọi là nhập ngũ bổ sung cho các chiến trường miền Nam, Lào, Campuchia; khối lượng vật chất đưa vào các chiến trường tăng gấp 1,6 lần so với 3 năm trước đó...
Câu 3
Đế quốc Mĩ đã dùng những thủ đoạn gì nhằm phá vỡ liên minh đoàn kết chiến đấu của ba dân tộc Việt Nam - Lào - Camphuchia? Kết quả ra sao?
Lời giải:
- Thủ đoạn của Mĩ:
+ Sử dụng quân đội Sài Gòn như một mũi nhọn xung kích trong các cuộc hành quân mở rộng xâm lược Campuchia (1970), sang Lào (1971), nhằm thực hiện âm mưu “dùng người Đông Dương đánh người Đông Dương”.
+ Mĩ đã chỉ đạo tay sai làm đảo chính lật đổ Chính phủ trung lập Xihanúc của Campuchia ngày 18 - 3 - 1970, chuẩn bị cho cuộc phiêu lưu quân sự mới ở Đông Dương
- Kết quả:
+ Cuộc hành quân xâm lược của 10 vạn quân Mĩ và quân đội Sài Gòn sang Campuchia ( từ tháng 4 đến 6 - 1970) bị quân tình nguyện Việt Nam phối hợp với quân dân Campuchia đập tan, giải phóng nhiều vùng đất đai rộng lớn ở Đông Bắc Campuchia với 4,5 triệu dân.
+ Cuộc hành quân của 4,5 vạn quân Mĩ và quân đội Sài Gòn mang tên “Lam Sơn 719” nhằm án ngữ Đường 9 Nam Lào, chia cắt chiến trường Đông Dương đã bị quân tình nguyện Việt Nam phối hợp với quân dân Lào đập tan, buộc quân Mĩ và quân Sài Gòn rút khỏi Đường 9 Nam Lào, hành lang chiến lược Đông Dương được giữ vững.