Trang chủ Học tập Lớp 8 Soạn Văn 8 Kết nối tri thức

Soạn văn 8 Lá cờ thêu sáu chữ vàng Kết nối tri thức

Soạn bài Lá cờ thêu sáu chữ vàng Kết nối tri thức

Ngữ văn lớp 8 trang 10 sách Kết nối tri thức tập 1

Đoạn trích Lá cờ thêu sáu chữ vàng, trích trong tác phẩm cùng tên của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng sẽ được tìm hiểu trong chương trình học môn Ngữ văn lớp 8.

Soạn bài Lá cờ thêu sáu chữ vàng
Soạn bài Lá cờ thêu sáu chữ vàng

Download.vn sẽ cung cấp tài liệu Soạn văn 8: Lá cờ thêu sáu chữ vàng. Bạn đọc có thể tham khảo để biết thêm những kiến thức hữu ích.

Soạn bài Lá cờ thêu sáu chữ vàng

Trước khi đọc

1. Chia sẻ cảm nghĩ của em về người anh hùng nhỏ tuổi Trần Quốc Toản ( qua các tài liệu lịch sử, sách báo, phim ảnh,... mà em đã đọc, đã xem).

Cảm nghĩ về người anh hùng nhỏ tuổi Trần Quốc Toản: ngưỡng mộ, khâm phục.

2. Ngoài Trần Quốc Toản, em còn biết thêm nhân vật thiếu nhi lỗi lạc nào trong lịch sử?

Một số nhân vật thiếu nhi lỗi lạc trong lịch sử: Kim Đồng, Võ Thị Sáu, Lê Văn Tám…

Đọc văn bản

Câu 1. Hoài Văn có những suy nghĩ gì khi thấy các vương hầu họp bàn việc nước?

Suy nghĩ của Hoài Văn: lúc này mà được xuống thuyền rồng và được bàn việc nước, sẽ quỳ xuống trước mặt quan gia và xin quan gia cho đánh.

Câu 2. Điều gì sẽ xảy ra khi Hoài Văn có hành động vượt khuôn phép?

Khi Hoài Văn có hành động vượt khuôn phép có thể sẽ phải chịu tội chết.

Câu 3. Hoài Văn giải thích như thế nào về hành động của mình?

Hoài Văn giải thích về hành động của mình: Dù biết mang tội lớn, nhưng trộm nghĩ rằng khi quốc biến, đến đứa trẻ cũng phải lo, huống hồ bản thân đã lớn. Chưa đến tuổi dự việc nước nhưng không phải là cây cỏ mà đứng yên được. Vua lo thì kẻ thần tử cũng phải lo, được chú dạy bảo những điều trung nghĩa nên liều chết đến để góp một vài lời.

Câu 4. Thái độ của Trần Quốc Toản thể hiện như thế nào qua lời nói?

Qua lời nói, thái độ của Trần Quốc Toản được thể hiện: tức giận, căm phẫn khi nghe có người chủ hòa.

Câu 5. Cách nhà vua xử lí hành động của Trần Quốc Toản có đúng như dự đoán của em không?

  • Theo dự đoán của bản thân để trả lời.
  • Gợi ý: cách nhà vua xử lí hành động của Trần Quốc Toản đúng với dự đoán của em (Không trị tội).

Sau khi đọc

Trả lời câu hỏi

Câu 1. Hãy tóm tắt nội dung của văn bản và cho biết câu chuyện dựa trên bối cảnh của sự kiện lịch sử nào.

- Tóm tắt văn bản:

Quân Nguyên mượn đường hòng sang xâm lược nước ta. Vì chưa đến tuổi trưởng thành, Trần Quốc Toản không được cùng vua và các vương hầu dự bàn việc đánh giặc. Lúc này, Quốc Toản giằng co với lính canh, chạy xuống thuyền rồng xin vua cho đánh, rồi đặt thanh gươm lên gáy chịu tội. Vua nghe xong không trị tội mà ban thưởng cho Quốc Toản vì thấy cậu còn trẻ mà đã biết lo việc nước. Quốc Toản bước lên bờ, vừa tức vừa tủi vì vua ban cam quý nhưng việc dự bàn vẫn không cho, mà bóp nát quả cam lúc nào không hay.

- Câu chuyện dựa trên bối cảnh của sự kiện lịch sử: quân Nguyên - Mông mượn đường sang xâm lược nước ta, vua Trần cùng các vương hầu dự bàn việc đánh giặc.

Câu 2. Hoài Văn Hầu Trần Quốc Toản có tâm trạng như thế nào khi phải đứng trên bờ nhìn quang cảnh một sự kiện đặc biệt đang diễn ra ở bến Bình Than?

- Khi buộc phải đứng ở trên bờ nhìn quang cảnh hội nghị của vua Trần và các vương bàn việc đối phó với giặc, Trần Quốc Toản có những biểu hiện cụ thể: Năn nỉ quân Thánh Dực mà vẫn không được xuống bến; “thẫn thờ” nhìn bến Bình Than; cảm thấy nhục nhã khi phải đứng ra rìa, không được dự họp; nhìn những lá cờ trên thuyền của các vương hầu đến “rách mắt”; ước ao được xuống thuyền rồng dự bàn việc nước và nói một tiếng “xin đánh”; muốn xô mấy người lính Thánh Dực để chạy xuống bến nhưng sợ tội chém đầu; so sánh điều nung nấu trong lòng với sự đồng tâm nhất trí của các bô lão ở hội nghị Diên Hồng, khẳng định thêm ý nguyện đánh giặc; sục sôi đến mức liều lĩnh làm trái khuôn phép.

- Ở vào tính thế đó, tâm trạng của Trần Quốc Toản có đủ sắc thái: ao ước được bàn việc nước đến cháy bỏng, có chút ganh tị với người anh em chỉ hơn mình mấy tuổi đã được dự họp, bức xúc vì phải đứng ngoài; tính chuyện liều lĩnh để được gặp vua.

=> Tất cả đều thể hiện lòng yêu nước, căm thù giặc, muốn góp sức mình để đánh đuổi quân xâm lược, đó là tâm trạng của người nhỏ tuổi nhưng trí lớn.

Câu 3. Khi bị quân Thánh Dực ngăn cản xuống bến gặp vua, Trần Quốc Toản có hành động gì khác thường? Vì sao Trần Quốc Toản có hành động như vậy?

- Hành động khác thường của Trần Quốc Toản: “xô mấy người lính Thánh Dực ngã chúi, xăm xăm xuống bến”; “tuốt gươm mắt trừng lên”; dọa chém người ngăn cản, đỏ mặt quát lớn trước mặt viên tướng, múa tít gươm khiến cho không ai có thể đến gần cản bước mình.

- Ở thời phong kiến, hành động của Trần Quốc Toản được xem là khinh thường phép nước, phạm trọng tội và có thể bị chém đầu. Dù biết rõ, nhưng vì quá lo cho vận mệnh đất nước, nóng lòng bày tỏ chủ kiến với nhà vua, Trần Quốc Toản mới hành động liều lĩnh như vậy.

Câu 4. Chứng kiến hành động và nghe lời tâu bày của Trần Quốc Toản, vua Thiệu Bảo có thái độ và cách xử lí như thế nào? Thái độ và cách xử lí đó cho thấy điều gì ở vị vua này?

- Thái độ và cách ứng xử của vua:

  • Mỉm cười gật đầu vì thấy ý nguyện đánh giặc của Quốc Toản hợp ý mình.
  • Biết tội làm trái phép nước nhưng tha thứ, thấy chí khí đáng trọng của một người còn trẻ mà biết lo cho đất nước.
  • Vua khuyên giải, động viên Hoài Văn Hầu nhẹ nhàng, ôn tồn…

- Thái độ và cách xử lí đó cho thấy: vua vừa nghiêm minh, vừa khoan dung, độ lượng, thể hiện tư cách của đấng quân vương đối với đứa em họ chưa trưởng thành; vua còn nhận ra phẩm chất đáng quý của chàng trai còn trẻ mà biết lo cho đất nước.

Câu 5. Trong lời người kể chuyện đôi chỗ xen vào những ý nghĩ thầm kín của nhân vật Trần Quốc Toản. Hãy nêu một vài trường hợp và phân tích tác dụng của sự đan xen đó.

  • Thì ra các con trai của… đẹp như gấm hoa.
  • Nó giả tiếng mượn đường, …bàn việc nước.

=> Sự đan xen chứng tỏ người kể chuyện ngôi thứ ba đồng điệu, đồng cảm với nhân vật Trần Quốc Toản. Những ước vọng, tâm tư của nhân vật cũng chính là điều mà người kể chuyện mong muốn.

Câu 6. Những nét tính cách nào của Trần Quốc Toản được thể hiện qua lời đối thoại với các nhân vật khác trong truyện?

Cuộc đối thoại

Nội dung đối thoại

Nét tính cách được bộc lộ

Giữa Trần Quốc Toản với quân Thánh Dực

hai bên cãi cọ, xung đột nhau khi Trần Quốc Toản vượt quá giới hạn cho phép

sự bức xúc, nóng nảy, thiếu kiềm chế, điều có thể dẫn đến nguy hiểm

Giữa Trần Quốc Toản với Chiêu Thành Vương

hai bên đối đáp, làm rõ nguyên nhân Trần Quốc Toản đến bến Bình Than gây náo loạn

suy nghĩ chín chắn trước tình thế đất nước đối diện với họa ngoại xâm

Giữa Trần Quốc Toản với vua Thiệu Bảo

Trần Quốc Toản đã nói được với vua điều nung nấu trong lòng; vua phán xử độ lượng hành động nóng nảy của Trần Quốc Toản

mạnh mẽ, ngay thẳng, dám làm dám chịu, đặt vận mệnh đất nước cao hơn tính mạng bản thân

Câu 7. Trong truyện này, ngôn ngữ người kể chuyện và ngôn ngữ nhân vật đều mang đậm màu sắc lịch sử. Hãy nêu một số ví dụ và cho biết tác dụng.

- Lời người kể chuyện có các từ ngữ gọi đúng chức tước, địa vị, vật dụng của các nhân vật: quan gia, đấng thiên tử, vương hầu, Hưng Đạo Vương, Chiêu Minh Vương, Chiêu Quốc Vương, Hoài Văn Hầu, quân Thánh Dực, thuyền ngự, đồ nghi trượng, người nội thị,...

- Ngôn ngữ đối thoại giữa các nhân vật: “Quân pháp vô thân, hầu không có phận sự ở đây, nên trở ra cho anh em làm việc. Nhược bằng khinh thường phép nước, anh em tất phải chiếu theo thượng lệnh”; “Ta xuống xin bệ kiến quan gia, không kẻ nào được giữ ta lại. Lôi thôi thì hãy nhìn lưỡi gươm này!”

=> Tác dụng: câu chuyện sinh động và chân thực, làm rõ được bối cảnh lịch sử lúc bấy giờ, đưa người đọc nhập tâm vào câu chuyện được kể và làm nổi bật chủ đề của tác phẩm

Câu 8. Hãy khái quát chủ đề của văn bản và cho biết căn cứ vào đâu em khái quát như vậy.

- Chủ đề: thể hiện tấm lòng yêu nước, căm thù giặc của người anh hùng nhỏ tuổi Trần Quốc Toản, qua đó cho thấy hào khí, tinh thần chống xâm lược của cha ông ta ở thời Trần.

- Căn cứ vào nội dung của văn bản, cũng như qua phẩm chất được thể hiện của nhân vật Trần Quốc Toản.

Viết kết nối với đọc

Viết đoạn văn (khoảng 7 - 9 câu) phân tích chi tiết Trần Quốc Toản bóp nát quả cam.

Gợi ý:

Lá cờ thêu sáu chữ vàng là một tác phẩm nổi tiếng của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng. Nội dung của tác phẩm kể về việc quân Nguyên mượn đường hòng sang xâm lược nước ta. Vì chưa đến tuổi trưởng thành, Trần Quốc Toản không được cùng vua và các vương hầu dự bàn việc đánh giặc. Lúc này, Quốc Toản giằng co với lính canh, chạy xuống thuyền rồng xin vua cho đánh, rồi đặt thanh gươm lên gáy chịu tội. Vua nghe xong không trị tội mà ban thưởng cho Quốc Toản vì thấy cậu còn trẻ mà đã biết lo việc nước. Quốc Toản bước lên bờ, vừa tức vừa tủi vì vua ban cam quý nhưng việc dự bàn vẫn không cho, mà bóp nát quả cam lúc nào không hay. Chi tiết bóp nát quả cam đã bộc lộ phẩm chất ngay thẳng, tinh thần yêu nước cũng như lòng căm thù giặc sâu sắc của Quốc Toản.

Liên kết tải về

doc Soạn bài Lá cờ thêu sáu chữ vàng Kết nối tri thức
pdf Soạn bài Lá cờ thêu sáu chữ vàng Kết nối tri thức 1

Chia sẻ

Chia sẻ qua Facebook Chia sẻ

Liên hệ hợp tác hoặc quảng cáo: gmail

Điều khoản dịch vụ

Copyright © 2021 HOCTAPSGK