Soạn bài Giọt nước và biển lớn giúp các em hiểu rõ ý nghĩa bài đọc, cũng như nội dung chính, luyện tập theo văn bản đọc, để nhanh chóng trả lời các câu hỏi trong SGK Tiếng Việt 2 tập 2 Kết nối tri thức với cuộc sống trang 23, 24, 25.
Bên cạnh đó, cũng giúp thầy cô nhanh chóng soạn giáo án Tập đọc Giọt nước và biển lớn - Tuần 21 của Bài 5 Chủ đề Vẻ đẹp quanh em theo chương trình mới. Chi tiết mời thầy cô và các em cùng theo dõi bài viết dưới đây của Download.vn để chuẩn bị thật tốt cho tiết học.
Soạn bài Giọt nước và biển lớn Kết nối tri thức với cuộc sống
Soạn bài phần Đọc - Bài 5: Giọt nước và biển lớn
Khởi động
Theo em, nước mưa rơi xuống sẽ đi đâu?
Gợi ý trả lời:
Theo em, nước mưa rơi xuống sẽ xuống suối, sông, ao hồ, ra biển.
Bài đọc
GIỌT NƯỚC VÀ BIỂN LỚN
Tí ta tí tách
Từng giọt
Từng giọt
Mưa rơi
Rơi rơi.
Góp lại bao ngày
Thành dòng suối nhỏ
Lượn trên bãi cỏ
Chảy xuống chân đồi.
Suối gặp bạn rồi
Góp thành sông lớn
Sông đi ra biển
Biển thành mênh mông.
Biển ơi, có biết
Biển lớn vô cùng
Từng giọt nước trong
Làm nên biển đấy!
(Nguyễn Bao)
Trả lời câu hỏi
1. Những gì tạo nên dòng suối nhỏ?
2. Bài thơ cho biết nước biển từ đâu mà có?
3. Kể tên các sự vật được nhắc đến trong bài thơ.
4. Nói về hành trình giọt nước đi ra biển.
Gợi ý trả lời:
1. Mưa rơi tạo nên dòng suối nhỏ
2. Bài thơ cho biết nước biển do suối nhỏ chảy xuống chân đồi, góp thành sông lớn, sông đi ra biển mà có.
3. Các sự vật được nhắc đến trong bài thơ: mưa, suối, sông, biển.
4. Mưa rơi xuống các con suối nhỏ. Các con suối men theo chân đồi chảy ra sông. Sông đi ra biển, thành biển mênh mông.
Luyện tập theo văn bản đọc
1. Mỗi từ dưới đây tả sự vật nào trong bài thơ:
2. Đóng vai biển, em hãy nói lời cảm ơn giọt nước
Gợi ý trả lời:
1. Mỗi từ dưới đây tả sự vật trong bài thơ:
- Nhỏ: Suối
- Lớn: Sông
- Mênh mông: Biển
2. Đóng vai biển, em hãy nói lời cảm ơn giọt nước:
Tôi là biển cả. Tôi mỗi ngày một mênh mông, bao la, rộng lớn. Nhờ có các em suối, sông góp thành nên tôi mới được như ngày hôm nay. Nhưng bạn mà tôi phải nói lời cảm ơn nhất đến là giọt nước. Nhờ có em ấy - những giọt nước trong veo chảy lượn từ bãi cỏ, qua chân đồi, góp thành sông lớn, sông lớn lại đi ra với tôi nên tôi mới trở nên thật bao la hùng vĩ.
- Chị cảm ơn em nhé - những giọt nước trong veo, mát lành.
Soạn bài phần Viết - Bài 5: Giọt nước và biển lớn
1. Viết chữ hoa: S
Trả lời:
- Quan sát chữ viết hoa S: cỡ vừa cao 5 li, cỡ nhỏ 2,5 li, gồm 2 nét cong dưới và móc ngược trái nối liền nhau tạo vòng xoắn to ở đầu chữ, cuối nét móc lượn vào trong.
- Cách viết: Đặt bút trên đường kẻ 6, viết nét cong dưới lượn lên đường kẻ 6, chuyển hướng bút lượn sang trái viết tiếp nét móc ngược trái tạo vòng xoắn to, cuối nét móc ngược lượn vào trong, dừng bút trên đường kẻ 2.
2. Viết ứng dụng: Suối chảy róc rách qua khe đá.
Trả lời:
Viết chữ hoa S đầu câu, cách nối chữ viết hoa với chữ viết thường, khoảng cách giữa các tiếng trong câu, vị trí đặt dấu chấm cuối câu.
Soạn bài phần Nói và nghe - Bài 5: Giọt nước và biển lớn
1. Nghe kể chuyện
2. Kể lại từng đoạn của câu chuyện theo tranh
Gợi ý trả lời:
1. Kể chuyện theo tranh:
- Tranh 1: Khi nhìn bầy đom đóm nhỏ rước đèn lồng, bác đom đóm già nghĩ: Trông chúng giống như những ngôi sao nhỏ lấp lánh. Ôi chao! Mình thực sự già rồi!
- Tranh 2: Khi thấy ong non bị lạc đường, bác đom đóm già đã an ủi: “Đừng quá lo lắng, ta sẽ đưa cháu về”. Rồi bác thắp chiếc đèn lồng của mình lên đưa ong non về bên ong mẹ.
- Tranh 3: Bác đom đóm quay trở về nhưng chiếc đèn lồng của bác cứ tối dần rồi tắt hẳn. Bác đập nhẹ đôi cánh, chậm chạp bay trong bóng tối.
- Tranh 4: Đột nhiên, bầy đom đóm nhỏ xuất hiện soi đường cho bác đom đóm già. Bác cảm động, hạnh phúc.
2. Kể lại từng đoạn của câu chuyện theo tranh
* Đoạn 1:
Tối đến, bầy đom đóm nhỏ tuổi lại rước đèn lồng làm sáng rực cả con đường. Mỗi chú đom đóm nhỏ thật giống một ngôi sao lấp lánh. Bác đom đóm già ngồi nhìn bầy đom đóm rồi buồn rầu thở dài:
- Ôi chao! Mình thực sự già rồi.
* Đoạn 2:
Chợt bác nghe thấy tiếng khóc thút thít từ đâu phát ra. Lại gần chút nữa thì phát hiện ra dưới bãi cỏ có một chú ong non đang ôm mặt khóc. Có lẽ chú ta đang bị lạc đường. Bác đom đóm nhẹ nhàng vỗ về chú ong non:
- Đừng quá lo lắng, ta sẽ đưa cháu về.
Bác đom đóm an ủi ong non, rồi bác thắp chiếc đèn lồng của mình lên. Dùng đèn soi sáng đường đi để tìm đường về nhà cho ong non. Bay mãi, bay mãi, cuối cùng bác đom đóm cũng đưa được ong non về nhà.
* Đoạn 3:
Thế nhưng, trên đường bác đom đóm trở về nhà lại xảy ra chuyện. Chiếc đèn lồng của bác cứ từ từ tối dần rồi tắt hẳn. Chao ôi! Tuổi già thật phiền phức! Tuy nhiên, bác cũng rất vui vì chút ánh sáng cuối của mình cũng có thể giúp chú ong non tìm đường về bên mẹ. Bác đập nhẹ đôi cánh, chậm chạp bay trong bóng tối…
* Đoạn 4:
Đột nhiên, có những chiếc đèn lồng lung linh tiến về phía bác:
- Bác ơi! Bác đã đưa bạn ong về nhà. Chúng cháu đến đây để soi đường cho bác ạ!
Thì ra là bầy đom đóm nhỏ. Giọt nước mắt hạnh phúc tràn ra trên khuôn mặt nhăn nheo của bác đom đóm, bác cảm động nói:
- Các cháu ngoan lắm!
Thế rồi, những chú đom đóm nhỏ cùng nhau chiếu ánh đèn lồng đưa bác đom đóm già về tới tận nhà.
Soạn bài phần Vận dụng - Bài 5: Giọt nước và biển lớn
Kể cho người thân về bác đom đóm già trong câu chuyện “Chiếc đèn lồng”
Trả lời:
Khi nhìn bầy đom đóm nhỏ rước đèn lồng, bác đom đóm già nghĩ: Trông chúng giống như những ngôi sao nhỏ lấp lánh. Ôi chao! Mình thực sự già rồi! Khi thấy ong non bị lạc đường, bác đom đóm già đã an ủi: “Đừng quá lo lắng, ta sẽ đưa cháu về”. Rồi bác thắp chiếc đèn lồng của mình lên đưa ong non về bên ong mẹ. Bác đom đóm quay trở về nhưng chiếc đèn lồng của bác cứ tối dần rồi tắt hẳn. Bác đập nhẹ đôi cánh, chậm chạp bay trong bóng tối. Đột nhiên, bầy đom đóm nhỏ xuất hiện soi đường cho bác đom đóm già. Bác cảm động, hạnh phúc.