Soạn bài Chuyện của thước kẻ giúp các em học sinh lớp 2 hiểu rõ ý nghĩa bài tập đọc, cũng như nội dung chính để nhanh chóng trả lời các câu hỏi đọc hiểu trong SGK Tiếng Việt 2 tập 1 Chân trời sáng tạo trang 114, 115, 116.
Nhờ đó, các em biết cách viết chữ hoa N, tìm từ chỉ sự vật, câu kiểu Ai thế nào. Đồng thời, cũng giúp thầy cô nhanh chóng soạn giáo án Tập đọc Chuyện của thước kẻ - Tuần 14 của Bài 1 chủ đề Bạn thân ở trường theo chương trình mới. Chi tiết mời thầy cô và các em cùng theo dõi bài viết dưới đây của Download.vn:
Soạn bài Chuyện của thước kẻ Chân trời sáng tạo
Soạn bài phần Khởi động - Bài 1: Chuyện của thước kẻ
Giới thiệu với bạn về một đồ dùng học tập em thích theo gợi ý:
Gợi ý trả lời:
Đó là cái hộp đựng bút màu hồng của em được mẹ tăng vào ngày em lên lớp Hai. Hộp được làm bằng nhựa tốt, dài hai mươi xăng-ti-mét. Em đựng nào là bút mực, bút chì, tẩy, gọt bút chì, thước kẻ mà vẫn vừa như in. Em rất thích chiếc hộp bút này, nó như một lời nhắc nhở động viên em học tập. Em sẽ giữ gìn hộp bút thật cẩn thận.
Soạn bài phần Khám phá và luyện tập - Bài 1: Chuyện của thước kẻ
Bài đọc
Chuyện của thước kẻ
Trong cặp sách, thước kẻ làm bạn với bút mực và bút chì. Chúng sống cùng nhau rất vui vẻ. Mỗi hình vẽ đẹp, mỗi đường kẻ thẳng tắp là niềm vui chung của cả ba.
Nhưng ít lâu sau, thước kẻ nghĩ bút mực và bút chì phải nhờ đến mình mới làm được việc. Nó thấy mình giỏi quá, ngực cứ ưỡn mãi lên. Thấy đường kẻ bị cong, bút mực nói với bút chì:
- Hình như thước kẻ hơi cong thì phải?
Nghe vậy, thước kẻ thản nhiên đáp:
- Tôi vẫn thẳng mà. Lỗi tại hai bạn đấy!
Bút mực bèn cầm một cái gương đến bên thước kẻ và nói:
- Bạn soi thử xem nhé!
Thước kẻ cao giọng:
- Đó không phải là tôi!
Nói xong, nó bỏ đi và lạc vào bãi cỏ ven đường.
Một bác thợ mộc trông thấy thước kẻ liền nhặt lên, đem về uốn lại cho thẳng. Thước kẻ cảm ơn bác thợ mộc rồi quay về xin lỗi bút mực, bút chì. Từ đó, chúng lại hoà thuận, chăm chỉ như xưa.
Theo Nguyễn Kiên
Câu 1
Đọc: Chuyện của thước kẻ
1. Ban đầu thước kẻ chung sống với các bạn như thế nào?
2. Vì sao thước kẻ bị cong?
3. Sau khi được bác thợ mộc uốn thẳng, thước kẻ làm gì? Vì sao?
4. Dòng nào dưới đây nêu đúng ý nghĩa của bài đọc?
- Khuyên chúng ta nên giúp đỡ bạn bè.
- Khuyên chúng ta không được kiêu căng.
- Khuyên chúng ta nên chăm sóc bản thân.
Gợi ý trả lời:
1. Ban đầu thước kẻ chung sống với các bạn rất vui vẻ.
2. Thước kẻ bị cong vì thước kẻ kiêu căng cứ ưỡn ngực mãi lên.
3. Sau khi được bác thợ mộc uốn thẳng, thước kẻ cảm ơn bác thợ mộc và về xin lỗi bút mực, bút chì.
4. Dòng nêu đúng ý nghĩa của bài đọc: Khuyên chúng ta không được kiêu căng.
Giọng ai cũng hay
Cùng các bạn đọc phân vai:
Trả lời:
Hướng dẫn phân vai kể lại câu chuyện như sau:
- Người dẫn chuyện: Trong cặp sách, thước kẻ làm bạn với bút mực và bút chì. Chúng sống cùng nhau rất vui vẻ. Mỗi hình vẽ đẹp, mỗi đường kẻ thẳng tắp là niềm vui chung của cả ba. Nhưng ít lâu sau, thước kẻ nghĩ bút mực và bút chì phải nhờ đến mình mới làm được việc. Nó thấy mình giỏi quá, ngực cứ ưỡn mãi lên. Thấy đường kẻ bị cong, bút mực nói với bút chì.
- Bút mực: Hình như thước kẻ hơi cong thì phải?
- Người dẫn chuyện: Nghe vậy, thước kẻ thản nhiên đáp:
- Thước kẻ: Tôi vẫn thẳng mà. Lỗi tại hai bạn đấy!
- Người dẫn chuyện: Bút mực bèn cầm một cái gương đến bên thước kẻ và nói:
- Bút mực: Bạn soi thử xem nhé!
- Người dẫn chuyện: Thước kẻ cao giọng:
- Thước kẻ: Đó không phải là tôi!
- Người dẫn chuyện: Nói xong, nó bỏ đu và lạc vào bụi cỏ ven đường. Một bác thợ mộc trông thấy thước kẻ liền nhặt về uốn lại cho thẳng. Thước kẻ cảm ơn bác thợ mộc tồi quay về xin lỗi bút mực, bút chì. Từ đó, chúng lại hòa thuận, chăm chỉ như xưa.
Câu 2
Viết: Nói hay làm tốt.
Trả lời:
- Cấu tạo: Gồm nét móc ngược trái, nét xiên trái và nét móc phải.
- Cách viết:
- Bước 1: Đặt bút dưới ĐK ngang 2, viết một nét móc ngược trái, hơi lượn sang phải, dừng dưới ĐK ngang 4, bên phải ĐK dọc 2.
- Bước 2: Không nhấc bút, viết tiếp nét xiên trái, dừng trên ĐK ngang 1, trước ĐK dọc 3.
- Bước 3: Không nhấc bút, viết nét móc phải, hơi lượn vòng tại điểm bắt đầu và dừng bút trên ĐK ngang 3, trước ĐK dọc 4.
Câu 3
Thực hiện các yêu cầu dưới đây:
a) Giải câu đố
Nhỏ như cái kẹo
Dẻo như bánh giày
Học trò ngày ngày
Vẫn cần đến tớ?
(Là cái gì)
Da tôi màu trắng
Bạn cùng bảng đen
Hãy cầm tôi lên
Tôi làm theo bạn.
(Là cái gì?)
b) Tìm 3-4 từ ngữ chỉ đồ vật và màu sắc của đồ vật đó.
M: bảng - đen
Gợi ý trả lời:
a) Cục tẩy, Viên phấn.
b) Tìm từ chỉ đồ vật và màu sắc của vật đó:
- Chỉ đồ vật: bàn, ghế, sách, hộp bút, thước, ..
- Chỉ màu sắc: xanh, đỏ, vàng, tím,..
Câu 4
Thực hiện các yêu cầu dưới đây:
a) Đặt 2-3 câu có từ ngữ tìm được ở bài tập 3.
M: Em thích quả bóng màu xanh.
b) Đặt câu hỏi cho các từ ngữ in đậm:
- Thân trống sơn màu đỏ.
- Mẹ mua cho em cái giá sách màu nâu.
M: - Cái bảng của lớp em sơn màu đen.
→ Cái bảng của lớp em sơn màu gì?
Gợi ý trả lời:
a) Đặt câu:
- Em thích cái bàn màu vàng.
- Em có chiếc ghế màu đỏ.
- Quyển sách của em màu xanh.
b) Đặt câu:
- Thân trống sơn màu gì?
- Mẹ mua cho em cái giá sách màu gì?
Soạn bài phần Vận dụng - Bài 1: Chuyện của thước kẻ
Chơi trò chơi Họa sĩ nhí:
- Vẽ một đồ dùng học tập em thích.
- Đặt tên và giới thiệu bức vẽ với mọi người.
Trả lời:
- Đây là bức tranh em vẽ về cái hộp bút màu xanh của em.
- Hộp bút được tranh trí họa tiết hình đám mây ngộ nghĩnh.
- Hộp bút rất rộng, có 2 ngăn, giúp em đựng được: tẩy, bút mực, bút chì, thước kẻ, compa,…
- Em rất quý cái hộp bút của em.