Soạn bài Bến quê (trang 100) - SGK Ngữ Văn 9 Tập 2

Soạn bài Bến quê

Soạn văn 9 tập 2 bài 27 (trang 100)

Truyện ngắn Bến quê đã thức tỉnh con người cần phải trân trọng cuộc sống gia đình, những vẻ đẹp bình dị của quê hương. Tác phẩm được tìm hiểu trong chương trình Ngữ văn lớp 9.

Soạn bài Bến quê
Soạn bài Bến quê

Download.vn sẽ giới thiệu bài Soạn văn 9: Bến quê, đến các bạn học sinh. Mời tham khảo nội dung chi tiết ngay sau đây.

Soạn bài Bến quê - Mẫu 1

Soạn bài Bến quê chi tiết

I. Tác giả

- Nguyễn Minh Châu (1930 - 1989) quê ở làng Thơi, xã Quỳnh hải (nay là Sơn Hải), huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An.

- Đầu năm 1950, ông gia nhập quân đội và theo học ở trường Sĩ quan Lục quân Trần Quốc Tuấn.

- Từ 1952 - 1958, ông công tác và chiến đầu tại Sư đoàn 320.

- Năm 1963, Nguyễn Minh Châu về Phòng Văn nghệ quân đội, sau đó chuyển sang tạp chí Văn nghệ Quân đội.

- Năm 2000, ông được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật.

- Một số tác phẩm tiêu biểu:

  • Tiểu thuyết: Cửa sông (1967), Dấu chân người lính (1972), Lửa từ những ngôi nhà (1977)...
  • Tập truyện ngắn: Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành (1983), Bến quê (1987)...
  • Các tác phẩm viết cho thiếu nhi: Từ giã tuổi thơ (tiểu thuyết, 1974), Đảo đá kỳ lạ (1985)...
  • Tiểu luận phê bình: Trang giấy trước đèn (1994)

II. Tác phẩm

1. Hoàn cảnh sáng tác

Truyện ngắn Bến quê được in trong tập truyện cùng tên, xuất bản năm 1985.

2. Ý nghĩa nhan đề

- “Bến quê” là hình ảnh vô cùng gần gũi, thân thương nhất với Nhĩ. Đó là những cành hoa bằng lăng đậm sắc với những cánh hoa màu tím thẫm; là cái bờ đất lở dốc đứng, có chuyến đò ngang chạy qua mỗi ngày; là cái bãi bồi màu mỡ, tươi tốt nằm phơi mình bên kia sông Hồng; là người vợ hiền thục, đảm đang, ân nghĩa, thủy chung sẵn sàng chịu đựng, hy sinh, dành tất cả tình cảm yêu thương, chăm chút cho anh trong những ngày tháng cuối đời; là bầy trẻ với những ngón tay “chua lòm mùi nước dưa”; là ông lão láng giềng sẵn sàng giúp đỡ, hỏi han, động viên anh mỗi ngày... Tất cả là những gì giàu có, đẹp đẽ, thuần phác, cổ sơ nhất của mảnh đất quê hương xứ sở- nơi đã sinh thành ra anh và sẽ đón nhận anh về khi anh nhắm mắt xuôi tay. Đó còn là mái ấm gia đình- điểm tựa để anh cất cánh bay cao đồng thời cũng là nơi nương tựa vững chắc, bình yên của anh trong những ngày tháng cuối đời. Đó là nơi neo đậu bình yên nhất của cuộc đời mỗi con người.

- Nhan đề “Bến quê” có ý nghĩa thức tỉnh mọi người sự trân trọng những vẻ đẹp và giá trị bình dị, gần gũi mà đích thực của cuộc sống, của quê hương. Đó cũng là thông điệp mà nhà văn muốn gửi gắm đến bạn đọc được cô đúc qua nhan đề của tác phẩm.

3. Bố cục

Gồm 3 phần:

  • Phần 1. Từ đầu đến “trước cửa sổ nhà mình”: Tình cảnh của nhân vật Nhĩ qua cuộc trò chuyện của Nhĩ và Liên.
  • Phần 2. Tiếp theo đến “lá buồm cánh dơi in bật trên một vùng nước đỏ”: Hành trình sang bên kia sông của Tuấn.
  • Phần 3. Còn lại: Chuyến ghé thăm Nhĩ của cụ giáo Khuyến.

4. Tóm tắt

Nhĩ là người đàn ông từng đi nhiều vùng đất nhưng cuối đời lại bị cột chặt vào giường bệnh. Nhìn sang bãi bồi bên kia sông nơi bến quê quen thuộc, anh mới nhận ra vẻ đẹp bình dị, gần gũi của quê mình. Cũng khi trên giường bệnh, anh mới cảm nhận được nỗi vất vả, tình thương, đức hi sinh của vợ mình. Nhĩ khát khao đặt chân lên bãi bờ bên kia sông nhưng bệnh tật không cho phép, anh nhờ đứa con trai mình. Đứa con không hiểu ước muốn của cha, nó miễn cưỡng đi và bị hút vào trò chơi hấp dẫn trên đường làm lỡ chuyến đò ngang duy nhất trong ngày. Nhĩ chiêm nghiệm được cái quy luật đầy nghịch lí “con người ta khó tránh được cái vòng vèo, chùng chình, phải dứt ra khỏi nó để hướng tới những giá trị đích thực của cuộc sống”.

III. Đọc - hiểu văn bản

1. Hoàn cảnh của nhân vật Nhĩ

- Quá khứ: “đã từng đi tới không sót một xó xỉnh nào trên trái đất”.

- Hiện tại: bị bệnh, phải nằm một chỗ, cảnh vật duy nhất anh thấy là bãi bồi bên kia sông Hồng nhìn từ cửa sổ nhà mình.

=> Một hoàn cảnh nghịch lý, đau đớn để thấy được sự vô thường trong cuộc sống.

2. Những suy nghĩ của Nhĩ khi nằm trên giường bệnh

* Về vẻ đẹp thiên nhiên

- Điểm nhìn: khung cửa sổ trong căn phòng của mình.

- Khung cảnh thiên nhiên:

  • Những bông hoa bằng lăng cuối mùa đậm sắc hơn.
  • Vòm trời thu như cao hơn.
  • Vẻ đẹp trù phú của bãi bồi bên kia sông.

=> Không gian dường như vốn quen thuộc, gần gũi nhưng giờ đây lại trở nên mới mẻ với Nhĩ, tưởng như lần đầu tiên anh cảm nhận được tất cả vẻ đẹp và sự giàu có của nó.

* Cảm nhận về Liên

- Lần đầu tiên Nhĩ “để ý thấy Liên đang mặc tấm áo vá”, cảm nhận được “những ngón tay gầy guộc âu yếm vuốt ve bên vai”, nhận ra tất cả tình yêu thương, sự tần tảo và đức hy sinh thầm lặng của vợ.

- Nhĩ mới thực sự thấu hiểu với lòng biết ơn sâu sắc người vợ của mình: “Cũng như cánh bãi bồi đang nằm phơi mình bên kia, tâm hồn Liên vẫn giữ nguyên vẹn những nét tần tảo và chịu đựng hy sinh từ bao đời xưa, và cũng chính nhờ có điều đó mà sau những ngày tháng bôn tẩu tìm kiếm… Nhĩ đã tìm thấy được nơi nương tựa là gia đình trong những ngày này”.

* Cảm nhận về bản thân Nhĩ: Khao khát được đặt chân lên bãi bồi bên kia sông.

=> Nhà văn muốn gửi gắm rằng hãy trân trọng những giá trị bình dị nhất trong cuộc sống, quê hương và xứ sở.

Tổng kết: 

- Nội dung: Truyện ngắn đã thức tỉnh con người cần phải trân trọng cuộc sống gia đình, những vẻ đẹp bình dị của quê hương.

- Nghệ thuật: miêu tả tâm lí tinh tế, hình ảnh giàu tính biểu tượng, cách xây dựng tình huống, trần thuật theo dòng tâm lí của nhân vật…

Soạn văn Bến quê ngắn gọn

I. Trả lời câu hỏi

Câu 1. Nhân vật Nhĩ trong truyện ở vào hoàn cảnh như thế nào? Xây dựng tình huống ấy, tác giả nhằm thể hiện điều gì?

- Nhân vật Nhĩ trong truyện ngắn này ở vào một cảnh ngộ éo le: Là một người từng đi khắp mọi nơi trên Trái Đất có thể nói là không thiếu một xó xỉnh nào, những đến cuối đời Nhĩ lại bị buộc chặt vào giường bệnh bởi một căn bệnh quái ác khiến anh gần như bị liệt toàn thân và sự sống của anh đã gần cạn kiệt. Anh không thể nào tự mình dịch chuyển được dù chỉ là nửa người trên giường bệnh. Để rồi từ đó, Nhĩ mới phát hiện ra cái bãi bồi màu mỡ ngay bên kia sông, nơi bến quê thân thuộc đó, vẻ đẹp bình dị mà hết sức quyến rũ.

- Xây dựng tình huống ấy, Nguyễn Minh Châu nhằm phát hiện những quy luật của đời sống và chiêm nghiệm triết lý về cuộc đời con người: “Con người ta trên đường đời thật khó có được những cái điều vòng vèo hoặc chùng chình”. Và sự giàu có lẫn với mọi vẻ đẹp rất gần gũi như cái bãi bồi bên kia sông hay người vợ tảo tảo, giàu tình yêu và đức hi sinh thì phải đến lúc này khi sắp giã biệt cuộc đời, Nhĩ mới cảm nhận, thấm thía được.

Câu 2. Trong những ngày cuối cùng của cuộc đời mình, khi nằm trên giường bệnh, Nhĩ đã nhìn thấy những gì qua khung cửa sổ và anh khao khát điều gì? Vì sao Nhĩ lại có niềm khao khát ấy và điều đó có ý nghĩa gì?

- Nhĩ đã nhìn thấy: “Những chùm hoa bằng lăng cuối mùa thưa thớt nhưng lại đậm sắc hơn, sông Hồng màu đỏ nhạt, mặt sông như rộng thêm ra, vòm trời như cao hơn... Trong con mắt của một người sắp từ giã cõi đời, cảnh vật trước mắt bỗng đẹp và đáng yêu kì lạ. Hình ảnh người vợ gầy guộc với bàn tay yêu thương đã trở thành “nơi nương tựa là gia đình” trong những ngày này”

- Nhĩ khao khát: được một lần đặt chân lên bãi bồi bên kia sông

- Ý nghĩa: sự thức tỉnh về những điều tưởng chừng như gần gũi mà con người thường lãng quên.

Câu 3. Vì sao có thể nói ngòi bút miêu tả tâm lí của Nguyễn Minh Châu ở thiên truyện này rất tinh tế và thấm đượm tinh thần nhân đạo? Phân tích sự miêu tả tâm lí nhân vật Nhĩ để khẳng định nhận xét ấy.

Sự miêu tả tâm lí nhân vật: từ những cử chỉ ngại ngùng “không dám nhìn vào mặt con”, đến những câu hỏi Liên vì sợ rằng mình trở thành gánh nặng cho gia đình. Ngượng nghịu khi nói ra yêu cầu kì quặc của mình đối với đứa con trai. Lo sợ đứa con trai vì mải chơi mà không kịp chuyến đò. Tưởng tượng mình là đứa con trai đang ở trên chuyến đò đó. Thu nhặt hết chút sức lực cuối cùng để nhô mình ra ngoài cửa sổ, khoát khoát đứa con trai.

Câu 4. Ở đoạn kết, tác giả đã tập trung miêu tả chân dung và cử chỉ của nhân vật Nhĩ với vẻ rất khác thường. Hãy giải thích ý nghĩ của các chi tiết ấy.

Khi thấy con đò ngang vừa chạm vào mũi đất, Nhĩ đã thu hết tàn lực “anh đang cố thu nhặt hết mọi chút sức lực cuối cùng còn sót lại để đu mình nhô người ra... giơ tay khoát khoát như đang khẩn thiết ra hiệu cho một người nào đó” anh đang thôi thúc cậu con trai hãy mau kẻo lỡ chuyến đò duy nhất trong ngày. Có một ý nghĩa sâu xa hơn là anh muốn gào lên với mọi người đang mê muội đắm chìm vào những con đường xa xôi lầm lạc rằng: “Hãy mau mau hướng đến những giá trị đích thực, đừng mất thời giờ cho những rong chơi, những do dự chùng chình... trước khi quá muộn!”

=> Lời thức tỉnh con người cần tránh xa những thứ “chúng chình”, bởi những giá trị đích thực luôn rất gần gũi.

Câu 5. Nhiều hình ảnh, chi tiết trong truyện này mang tính biểu tượng. Hãy tìm một số hình ảnh, chi tiết như vậy và nêu ý nghĩa biểu tượng của chúng.

- Hình ảnh bãi bồi: vẻ đẹp của đời sống bình dị, gần gũi, thân thuộc của quê hương xứ sở.

- Những bông hoa bằng lăng cuối mùa màu sắc như đậm hơn, tiếng những tảng đất lở ở bờ sông bên này đổ sụp vào giấc ngủ của Nhĩ lúc gần sáng: sự sống của nhân vật Nhĩ đã ở vào những ngày cuối cùng.

- Đứa con trai ham chơi: sự chùng chình, vòng vèo trong đời sống của con người.

Câu 6. Truyện ngắn này chứa đựng những suy ngẫm, trải nghiệm của nhà văn về con người và cuộc đời. Tìm trong văn bản đoạn văn thể hiện tập trung chủ đề của truyện và nêu cảm nhận của em về đoạn văn.

- Đoạn văn đó là: Thì ra thằng con trai của anh chỉ mới đi được đến hàng cây bằng lăng bên kia đường. Thằng bé vẫn cắp cuốn sách bên nách đang sà vào một đám người chơi phá cờ thế trên hè phố. Suốt đời Nhĩ cũng đã từng chơi phá cờ thế trên nhiều hè phố, thật là không dứt ra được. Không khéo rồi thằng con trai anh lại trễ mất chuyến đò trong ngày. Nhĩ nghĩ một cách buồn bã, con người ta trên đường đời thật khó tránh được những cái điều vòng vèo hoặc chùng chình, vả lại, nó đã thấy có gì đáng hấp dẫn ở bên kia sông đâu? Họa chăng chỉ có anh đã từng trải, đã từng in gót khắp mọi chân trời xa lạ mới nhìn thấy hết sự giàu có lẫn mọi vẻ đẹp của một cái bãi bồi sông Hồng ngay bờ bên kia, cả trong những nét tiêu sơ, và cái điều riêng anh khám phá thấy giống như một niềm mê say pha lẫn với nỗi ân hận đau đớn, lời lẽ không bao giờ giải thích hết.

- Cảm nhận về đoạn văn: giàu ý nghĩa biểu tượng, thể hiện triết lý sâu sắc về cuộc sống.

II. Luyện tập

Câu 1. Đọc đoạn đầu của truyện và nhân xét nghệ thuật miêu tả thiên nhiên trong truyện.

Hình ảnh thiên nhiên gần gũi, quen thuộc, mà vẫn ánh lên vẻ bình dị của một hàng cây, một con thuyền, dòng sông, bến đò. Hình ảnh những bông hoa bằng lăng nhợt nhạt gợi nhắc sự tàn úa cũng như những giây phút cuối cùng của Nhĩ trong cuộc đời.

Câu 2. Nêu cảm nghĩ về đoạn văn trong SGK.

Đoạn văn trên là lời gửi gắm của tác giả về triết lý cuộc đời thông qua dòng suy nghĩ của nhân vật Nhĩ. Những dòng suy nghĩ ấy đã đánh thức trong mỗi người đọc về nghịch lý của cuộc sống. Con người trong cuộc sống sẽ gặp phải những vòng vèo, chùng chình khiến ta lãng quên mất những giá trị hạnh phúc, những vẻ đẹp bình dị mà bền lâu ở ngay xung quanh chúng ta như bãi bồi bên kia sông. Cũng giống như khi còn trẻ, con người chỉ chăm chăm tìm kiếm những vẻ đẹp nơi phương xa mà không nhận ra chính gia đình, quê hương mình mới là những giá trị, những cái đẹp đích thực. Nhưng đến khi nhận ra được điều này thì đã muộn, cũng như Nhĩ, vì căn bệnh khiến liệt nửa người dưới mà anh không còn cơ hội để đặt chân lên bãi bồi bên kia sông nữa.

Soạn bài Bến quê - Mẫu 2

Câu 1. Nhân vật Nhĩ trong truyện ở vào hoàn cảnh như thế nào? Xây dựng tình huống ấy, tác giả nhằm thể hiện điều gì?

- Hoàn cảnh của nhân vật Nhĩ: Khi còn trẻ, Nhĩ đã từng đi hầu khắp mọi nơi trên Trái Đất, không thiếu một xó xỉnh nào. Đến cuối đời, anh lại bị buộc chặt vào giường bệnh bởi một căn bệnh quái ác, để từ đó anh mới phát hiện ra vẻ đẹp của người vợ tần tảo, vẻ đẹp của bãi bồi bên kia sông.

- Xây dựng tình huống ấy, tác giả nhằm gửi gắm những quy luật của đời sống và chiêm nghiệm triết lý về cuộc đời con người. Và sự giàu có lẫn với mọi vẻ đẹp rất gần gũi như cái bãi bồi bên kia sông hay người vợ tảo tảo, giàu tình yêu và đức hi sinh thì phải đến lúc này khi sắp giã biệt cuộc đời, Nhĩ mới cảm nhận, thấm thía được.

Câu 2. Trong những ngày cuối cùng của cuộc đời mình, khi nằm trên giường bệnh, Nhĩ đã nhìn thấy những gì qua khung cửa sổ và anh khao khát điều gì? Vì sao Nhĩ lại có niềm khao khát ấy và điều đó có ý nghĩa gì?

- Trong những ngày cuối cùng của cuộc đời mình, khi nằm trên giường bệnh, Nhĩ đã nhìn thấy: “Những chùm hoa bằng lăng cuối mùa thưa thớt nhưng lại đậm sắc hơn, sông Hồng màu đỏ nhạt, mặt sông như rộng thêm ra, vòm trời như cao hơn…”; Hình ảnh người vợ gầy guộc với bàn tay yêu thương đã trở thành “nơi nương tựa là gia đình” trong những ngày này”.

- Nhĩ khao khát được một lần đặt chân lên bãi bồi bên kia sông. Vì anh chợt nhận ra mình đã bỏ quên những điều đẹp đẽ, bình dị gần gũi ngay ở quê hương của mình.

- Ý nghĩa: Sự thức tỉnh về những điều tưởng chừng như gần gũi mà con người thường lãng quên.

Câu 3. Vì sao có thể nói ngòi bút miêu tả tâm lí của Nguyễn Minh Châu ở thiên truyện này rất tinh tế và thấm đượm tinh thần nhân đạo? Phân tích sự miêu tả tâm lí nhân vật Nhĩ để khẳng định nhận xét ấy.

- Sự tinh tế: Thiên nhiên qua con mắt của Nhĩ hiện ra thật đẹp (chùm bằng lăng, con sông Hồng màu đỏ nhạt...); Những suy nghĩ, chiêm nghiện về cuộc đời rất cụ thể và sâu sắc.

- Tinh thần nhân đạo: Nhân vật được đặt vào hoàn cảnh hiểm nghèo làm bật lên khát vọng sống; Vào những ngày cuối đời, Nhĩ vẫn luôn có gia đình là nơi nương tựa.

Câu 4. Ở đoạn kết, tác giả đã tập trung miêu tả chân dung và cử chỉ của nhân vật Nhĩ với vẻ rất khác thường. Hãy giải thích ý nghĩ của các chi tiết ấy.

- Chân dung và cử chỉ của nhân vật Nhĩ với vẻ rất khác thường: Khi thấy con đò ngang vừa chạm vào mũi đất, Nhĩ đã thu hết tàn lực “anh đang cố thu nhặt hết mọi chút sức lực cuối cùng còn sót lại để đu mình nhô người ra... giơ tay khoát khoát như đang khẩn thiết ra hiệu cho một người nào đó” anh đang thôi thúc cậu con trai hãy mau kẻo lỡ chuyến đò duy nhất trong ngày.

- Ý nghĩa: Lời thức tỉnh rằng “Hãy mau mau hướng đến những giá trị đích thực, đừng mất thời giờ cho những rong chơi, những do dự chùng chình trước khi quá muộn!”.

Câu 5. Nhiều hình ảnh, chi tiết trong truyện này mang tính biểu tượng. Hãy tìm một số hình ảnh, chi tiết như vậy và nêu ý nghĩa biểu tượng của chúng.

- Hình ảnh bãi bồi: vẻ đẹp của đời sống bình dị, gần gũi, thân thuộc của quê hương xứ sở.

- Những bông hoa bằng lăng cuối mùa màu sắc như đậm hơn, tiếng những tảng đất lở ở bờ sông bên này đổ sụp vào giấc ngủ của Nhĩ lúc gần sáng: sự sống của nhân vật Nhĩ đã ở vào những ngày cuối cùng.

- Đứa con trai ham chơi: sự chùng chình, vòng vèo trong đời sống của con người.

Câu 6. Truyện ngắn này chứa đựng những suy ngẫm, trải nghiệm của nhà văn về con người và cuộc đời. Tìm trong văn bản đoạn văn thể hiện tập trung chủ đề của truyện và nêu cảm nhận của em về đoạn văn.

- Đoạn văn: Thì ra thằng con trai của anh chỉ mới đi được đến hàng cây bằng lăng bên kia đường. Thằng bé vẫn cắp cuốn sách bên nách đang sà vào một đám người chơi phá cờ thế trên hè phố. Suốt đời Nhĩ cũng đã từng chơi phá cờ thế trên nhiều hè phố, thật là không dứt ra được. Không khéo rồi thằng con trai anh lại trễ mất chuyến đò trong ngày. Nhĩ nghĩ một cách buồn bã, con người ta trên đường đời thật khó tránh được những cái điều vòng vèo hoặc chùng chình, vả lại, nó đã thấy có gì đáng hấp dẫn ở bên kia sông đâu? Họa chăng chỉ có anh đã từng trải, đã từng in gót khắp mọi chân trời xa lạ mới nhìn thấy hết sự giàu có lẫn mọi vẻ đẹp của một cái bãi bồi sông Hồng ngay bờ bên kia, cả trong những nét tiêu sơ, và cái điều riêng anh khám phá thấy giống như một niềm mê say pha lẫn với nỗi ân hận đau đớn, lời lẽ không bao giờ giải thích hết.

- Cảm nhận về đoạn văn: Đoạn văn ngắn nhưng lại giàu ý nghĩa biểu tượng, thể hiện được những chiêm nghiệm của tác giả về cuộc đời.

Liên kết tải về

pdf Soạn bài Bến quê
doc Soạn bài Bến quê 1

Chủ đề liên quan

Học tập

Lớp 9

Soạn Văn 9

Chia sẻ

Chia sẻ qua Facebook Chia sẻ

Liên hệ hợp tác hoặc quảng cáo: gmail

Điều khoản dịch vụ

Copyright © 2021 HOCTAPSGK