Quyết định số 930/QĐ-TTG - thuviensachvn.com

Quyết định số 930/QĐ-TTG

Về việc phê duyệt Đề án "Đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp các bệnh viện chuyên khoa sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ

Quyết định số 930/QĐ-TTG của Thủ tướng Chính phủ: Về việc phê duyệt Đề án "Đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp các bệnh viện chuyên khoa lao, tâm thần, ung bướu, chuyên khoa nhi và một số bệnh viện đa khoa tỉnh thuộc vùng miền núi, khó khăn sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ và các nguồn vốn hợp pháp khác giai đoạn 2009 - 2013".

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-----------

Số: 930/QĐ-TTg

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

-------------------------

Hà Nội, ngày 30 tháng 06 năm 2009

QUYẾT ĐỊNH
Về việc phê duyệt Đề án “Đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp các bệnh viện chuyên khoa lao,
tâm thần, ung bướu, chuyên khoa nhi và một số bệnh viện đa khoa tỉnh thuộc vùng miền núi, khó khăn sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ và các nguồn vốn hợp pháp khác giai đoạn 2009 - 2013”
----------------------

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Nghị quyết số 18/2008/QH12 ngày 03 tháng 6 năm 2008 của Quốc hội về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật xã hội hóa để nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân;

Căn cứ Quyết định số 153/2006/QĐ-TTg ngày 30 tháng 6 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống y tế Việt Nam giai đoạn đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020;

Căn cứ Quyết định số 30/2008/QĐ-TTg ngày 22 tháng 02 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển mạng lưới khám, chữa bệnh đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020;

Căn cứ Nghị định số 141/2003/NĐ-CP ngày 20 tháng 01 năm 2003 của Chính phủ về việc phát hành trái phiếu Chính phủ, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh và trái phiếu chính quyền địa phương;

Căn cứ Nghị định số 16/2005/NĐ-CP ngày 07 tháng 02 năm 2005 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình và Nghị định số 112/2006/NĐ-CP ngày 29 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 16/2005/NĐ-CP về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình; Nghị định số 12/2009/NĐ-CP ngày 12 tháng 02 năm 2009 về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình;

Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Y tế, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ trưởng Bộ Tài chính,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án “Đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp các bệnh viện lao, tâm thần, ung bướu, chuyên khoa nhi, truyền nhiễm và một số bệnh viện đa khoa tỉnh thuộc vùng miền núi, khó khăn và sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ và các nguồn vốn hợp pháp khác giai đoạn 2009 - 2013” với những nội dung chủ yếu sau đây:

1. Mục tiêu:

Đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp về cơ sở hạ tầng, mua sắm trang thiết bị và nâng cao năng lực chuyên môn của đội ngũ cán bộ y tế của các bệnh viện lao, tâm thần, ung bướu, chuyên khoa nhi/sản - nhi, truyền nhiễm ở trung ương và địa phương; các bệnh viện đa khoa tỉnh thuộc vùng miền núi, khó khăn; một số bệnh viện vùng và Trường Đại học Y Dược Cần Thơ để đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân trên địa bàn; tạo điều kiện thuận lợi cho người nghèo, người dân ở vùng nông thôn, vùng núi, vùng sâu, vùng xa có điều kiện tiếp cận các dịch vụ y tế có chất lượng ngày càng cao; góp phần làm giảm tình trạng quá tải của các bệnh viện tuyến cuối và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ y tế.

2. Yêu cầu:

a) Các dự án đầu tư, cải tạo, nâng cấp bệnh viện đa khoa tỉnh, bệnh viện lao, tâm thần, ung bướu, chuyên khoa nhi/sản nhi, truyền nhiễm phải phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống y tế Việt Nam giai đoạn đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020 (Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 153/2006/QĐ-TTg ngày 30 tháng 6 năm 2006); và quy hoạch phát triển mạng lưới khám, chữa bệnh đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020 (Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 30/2008/QĐ-TTg ngày 22 tháng 02 năm 2008).

b) Các dự án đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp về cơ sở hạ tầng phải tuân thủ tiêu chuẩn, quy phạm xây dựng và phù hợp với thiết kế điển hình do Bộ Xây dựng, Bộ Y tế ban hành; đồng thời tuân thủ nghiêm túc các quy định hiện hành về quản lý đấu thầu và quản lý đầu tư xây dựng cơ bản.

c) Việc mua sắm trang thiết bị y tế cho các dự án phải căn cứ vào nhu cầu sử dụng, phù hợp với danh mục do Bộ Y tế quy định và quy mô, phân tuyến kỹ thuật của từng bệnh viện; đồng thời bảo đảm việc khai thác, sử dụng có hiệu quả trang thiết bị này.

3. Quy mô đầu tư xây dựng và thời gian thực hiện:

Tổng số bệnh viện được đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp về cơ sở hạ tầng, trang thiết bị là 78 bệnh viện đa khoa tỉnh và trung ương; 55 bệnh viện lao, 40 bệnh viện/trung tâm tâm thần, 33 bệnh viện nhi/sản nhi và 9 bệnh viện/trung tâm ung bướu, 7 khoa ung bướu của các bệnh viện đa khoa thuộc Bộ Y tế, thuộc các bệnh viện đa khoa tỉnh, thành phố (theo danh mục cụ thể kèm theo); Viện các bệnh Truyền nhiễm và Nhiệt đới quốc gia và Trường Đại học Y Dược Cần Thơ để đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh cho nhân dân theo các chuyên khoa trên địa bàn và đào tạo cán bộ.

Việc điều chỉnh quy mô đề án phải được các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xem xét, quyết định.

- Thời gian thực hiện:

+ Các bệnh viện lao, tâm thần: từ 2009 - 2011

+ Các bệnh viện nhi/sản nhi, ung bướu: từ 2009 - 2012

+ Các bệnh viện đa khoa tỉnh: từ 2009 - 2013

+ Viện các bệnh Truyền nhiễm và Nhiệt đới quốc gia: từ 2010 - 2013

+ Trường Đại học Y Dược Cần Thơ: từ 2009 - 2013

4. Nguồn vốn đầu tư:

a) Tổng số vốn đầu tư thực hiện Đề án giai đoạn 2009 - 2013 khoảng 45.280 tỷ đồng, trong đó:

- Từ phát hành trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2009 - 2013 để hỗ trợ các địa phương khoảng 32.628 tỷ đồng.

- Ngân sách hàng năm của các địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác khoảng 10.002 tỷ đồng.

- Từ nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) khoảng 2.340 tỷ đồng.

- Kinh phí đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn cho cán bộ y tế khoảng 300 tỷ đồng trong dự toán chi thường xuyên hàng năm theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước.

- Kinh phí giám sát, kiểm tra việc thực hiện đề án của Ban Chỉ đạo trung ương và các cơ quan liên quan theo chức năng, thẩm quyền của mình khoảng 10 tỷ đồng trong dự toán chi thường xuyên theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước.

b) Cơ chế hỗ trợ từ nguồn trái phiếu Chính phủ

(1) Đối với 23 tỉnh miền núi, đặc biệt khó khăn, gồm 14 tỉnh miền núi phía Bắc, 05 tỉnh khu vực Tây Nguyên và các tỉnh mới chia tách, tỉnh có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn (Bình Phước, Trà Vinh, Hậu Giang, Sóc Trăng): hỗ trợ 100% nhu cầu đầu tư còn lại (tổng mức đầu tư được cấp có thẩm quyền phê duyệt trừ đi các nguồn vốn hợp pháp).

(2) Các tỉnh, thành phố có điều tiết về ngân sách trung ương dưới 50%, gồm Hải Phòng, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Cần Thơ và Hà Tây (cũ): hỗ trợ 60% nhu cầu đầu tư còn lại (tổng mức đầu tư được cấp có thẩm quyền phê duyệt trừ đi các nguồn vốn hợp pháp).

(3) Các tỉnh điều tiết về ngân sách trung ương trên 50%, gồm: Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh: hỗ trợ 30% nhu cầu còn lại (tổng mức đầu tư được cấp có thẩm quyền phê duyệt trừ đi các nguồn vốn hợp pháp).

(4) Các tỉnh còn lại: hỗ trợ 80% nhu cầu còn lại (tổng mức đầu tư được cấp có thẩm quyền phê duyệt trừ đi các nguồn vốn hợp pháp) cho các bệnh viện đa khoa, ung bướu, chuyên khoa nhi/sản nhi và hỗ trợ 100% nhu cầu còn lại cho các bệnh viện lao tâm thần.

(5) Các bệnh viện chuyên khoa nhi, ung bướu, Viện các bệnh Truyền nhiễm và Nhiệt đới quốc gia, Trường Đại học Y Dược Cần Thơ thuộc Bộ Y tế quản lý: hỗ trợ 100% nhu cầu còn lại (tổng mức đầu tư được cấp có thẩm quyền phê duyệt trừ đi các nguồn vốn hợp pháp).

c) Các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm bố trí ngân sách địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác để bảo đảm nguồn vốn để hoàn thành các dự án theo quy hoạch và danh mục đã đăng ký trong phạm vi của đề án.

5. Tổ chức thực hiện

a) Giao Ban Chỉ đạo Đề án đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp bệnh viện đa khoa huyện và đa khoa khu vực liên huyện (được củng cố theo Quyết định số 47/2008/QĐ-TTg ngày 02 tháng 4 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ, do Bộ trưởng Bộ Y tế là Trưởng ban, lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính là Phó Trưởng ban) có trách nhiệm giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo triển khai thực hiện Đề án này, nghiên cứu đề xuất các giải pháp để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định trong quá trình triển khai thực hiện Đề án. Ban Chỉ đạo có bộ phận giúp việc đặt tại Bộ Y tế do Bộ trưởng Bộ Y tế quyết định.

b) Bộ Y tế là cơ quan quản lý, thường trực Đề án, có nhiệm vụ:

- Củng cố và hoàn thiện Ban Chỉ đạo Đề án ở Trung ương, làm thường trực giúp việc Ban Chỉ đạo để chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương xây dựng lộ trình triển khai thực hiện đề án ở địa phương.

- Chủ trì, phối hợp với các địa phương đề xuất các bệnh viện cần được đầu tư, nâng cấp thuộc phạm vi của Đề án, xây dựng kế hoạch hàng năm và lộ trình để thực hiện Đề án; tổng hợp báo cáo cơ quan nhà nước có thẩm quyền việc điều chỉnh cần thiết.

- Tổng hợp, xây dựng dự toán chi hàng năm của đề án cho từng dự án, địa phương và phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính thống nhất danh mục và mức vốn đầu tư hàng năm trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định; xây dựng phương án phân bổ kinh phí từ nguồn ngân sách trung ương bổ sung cho các địa phương.

- Chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương triển khai thực hiện Đề án; phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương giải quyết những khó khăn vướng mắc theo thẩm quyền.

- Ban hành danh mục trang thiết bị chuẩn, quy chuẩn quốc gia về trang thiết bị và công trình y tế theo tuyến chuyên môn kỹ thuật, hướng dẫn các địa phương xây dựng và triển khai thực hiện.

- Sau khi nhận được thông báo giao kế hoạch vốn trái phiếu Chính phủ, triển khai việc phân bổ nguồn vốn cho từng dự án (đầu tư cho các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế).

- Hướng dẫn, đôn đốc các địa phương tổ chức quản lý, triển khai việc xây dựng, cải tạo, nâng cáo cơ sở hạ tầng, đấu thầu mua sắm trang thiết bị theo đúng các quy định hiện hành về quản lý đầu tư, xây dựng và đấu thầu của Nhà nước.

- Chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổng hợp nhu cầu và lập kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn cho cán bộ y tế, ưu tiên tập trung đào tạo, bồi dưỡng đối với những nơi đã được đầu tư để kịp thời phát huy hiệu quả đầu tư.

- Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức kiểm tra, đánh giá tiến độ thực hiện Đề án của các địa phương, định kỳ hàng quý và hàng năm báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện và đề xuất những biện pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.

c) Bộ Tài chính:

- Tổ chức phát hành trái phiếu Chính phủ theo kế hoạch và tiến độ thực hiện các dự án sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ. Bảo đảm nguồn vốn để triển khai thực hiện Đề án theo kế hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

- Phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong việc thống nhất danh mục, mức vốn trái phiếu Chính phủ hàng năm của Đề án và phương án phân bổ vốn cho các địa phương.

- Chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương sử dụng nguồn ngân sách và các nguồn vốn hợp pháp khác của địa phương để thực hiện Đề án theo thẩm quyền.

- Chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn các Bộ, ngành, địa phương quản lý, cấp phát, thanh toán, quyết toán vốn đầu tư các công trình; thực hiện hạch toán, quyết toán nguồn vốn trái phiếu Chính phủ và các nguồn vốn khác để thực hiện các dự án theo đúng quy định.

- Tham gia kiểm tra, đánh giá tiến độ, kết quả thực hiện Đề án của các Bộ, địa phương. Phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư giải quyết những vướng mắc, khó khăn theo thẩm quyền và trình Thủ tướng Chính phủ những vấn đề phát sinh vượt thẩm quyền trong quá trình thực hiện.

Download file tài liệu để xem thêm chi tiết

Liên kết tải về

downicon Quyết định số 930/QĐ-TTG

Chia sẻ

Chia sẻ qua Facebook Chia sẻ

Liên hệ hợp tác hoặc quảng cáo: gmail

Điều khoản dịch vụ

Copyright © 2021 HOCTAPSGK