Hiện nay, có rất nhiều trẻ em chết do tiêm vắc-xin, chính vì điều nay mà vào ngày 14/6/2019 Bộ Y Tế đã ban hàn Quyết định 2470/QĐ-BYT về việc hướng dẫn khám sàng lọc trước khi tiêm chủng đối với trẻ em. Văn bản này có hiệu lực từ ngày được ban hành. Sau đây là nội dung của quyết định, mời các bạn cùng tham khảo và tải tại đây.
BỘ Y TẾ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2470/QĐ-BYT | Hà Nội, ngày 14 tháng 06 năm 2019 |
QUYẾT ĐỊNH 2479/QĐ-BYT
VỀ VIỆC BAN HÀNH HƯỚNG DẪN KHÁM SÀNG LỌC TRƯỚC TIÊM CHỦNG ĐỐI VỚI TRẺ EM
BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ
Căn cứ Nghị định số 75/2017/NĐ-CP ngày 22 tháng 6 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức Bộ Y tế;
Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh - Bộ Y tế,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Hướng dẫn khám sàng lọc trước tiêm chủng đối với trẻ em.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành. Bãi bỏ Quyết định số 2301/QĐ-BYT ngày 12 tháng 6 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc ban hành Hướng dẫn khám sàng lọc trước tiêm chủng đối với trẻ em.
Điều 3. Các ông, bà: Chánh Văn phòng Bộ, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Chánh Thanh tra Bộ, các Vụ trưởng, Cục trưởng của các Vụ/Cục thuộc Bộ Y tế; Giám đốc các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trực thuộc Bộ Y tế; Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Thủ trưởng y tế các Bộ, ngành; Thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| KT. BỘ TRƯỞNG |
HƯỚNG DẪN
KHÁM SÀNG LỌC TRƯỚC TIÊM CHỦNG ĐỐI VỚI TRẺ EM
(Ban hành kèm theo Quyết định số 2470/QĐ-BYT ngày 14 tháng 6 năm 2019)
I. Mục đích của khám sàng lọc:
Nhằm phát hiện trường hợp bất thường cần lưu ý để quyết định cho trẻ tiêm chủng, không tiêm chủng, hoãn tiêm chủng hoặc chuyển khám sàng lọc tại bệnh viện.
II. Khám sàng lọc trước tiêm chủng cho trẻ em ≥ 1 tháng tuổi:
1. Các trường hợp chống chỉ định:
a) Có tiền sử sốc hoặc phản ứng nặng sau tiêm chủng vắc xin lần trước (có cùng thành phần): sốt cao trên 39°C kèm co giật hoặc dấu hiệu não/màng não, tím tái, khó thở.
b) Suy giảm miễn dịch (bệnh suy giảm miễn dịch bẩm sinh, trẻ nhiễm HIV giai đoạn lâm sàng IV hoặc có biểu hiện suy giảm miễn dịch nặng) chống chỉ định tiêm chủng các vắc xin sống giảm độc lực.
c) Các trường hợp chống chỉ định khác theo hướng dẫn của nhà sản xuất đối với từng loại vắc xin.
2. Các trường hợp tạm hoãn:
a) Đối với cơ sở tiêm chủng ngoài bệnh viện:
- Có tình trạng suy chức năng các cơ quan (như suy hô hấp, suy tuần hoàn, suy tim, suy thận, suy gan, hôn mê...). Tiêm chủng khi sức khỏe của trẻ ổn định.
- Mắc các bệnh cấp tính, các bệnh nhiễm trùng. Tiêm chủng khi sức khỏe của trẻ ổn định.
- Sốt ≥ 37,5°C hoặc hạ thân nhiệt ≤ 35,5°C (đo nhiệt độ tại nách).
- Trẻ mới dùng các sản phẩm globulin miễn dịch trong vòng 3 tháng (trừ kháng huyết thanh viêm gan B): tạm hoãn tiêm chủng vắc xin sống giảm độc lực.
- Trẻ đang hoặc mới kết thúc đợt điều trị corticoid (uống, tiêm) liều cao (tương đương prednison ≥ 2mg/kg/ngày), hóa trị, xạ trị trong vòng 14 ngày: tạm hoãn tiêm chủng vắc xin sống giảm độc lực.
- Trẻ có cân nặng dưới 2000g: chuyển khám sàng lọc và tiêm chủng tại bệnh viện.
- Có tiền sử phản ứng tăng dần sau các lần tiêm chủng trước của cùng loại vắc xin (ví dụ: lần đầu không sốt, lần sau sốt cao trên 39°C...): chuyển khám sàng lọc và tiêm chủng tại bệnh viện.
- Mắc các bệnh bẩm sinh hoặc bệnh mạn tính ở tim, phổi, hệ thống tiêu hóa, tiết niệu, máu, ung thư chưa ổn định: chuyển khám sàng lọc và tiêm chủng tại bệnh viện.
- Các trường hợp tạm hoãn tiêm chủng khác theo hướng dẫn của nhà sản xuất đối với từng loại vắc xin.
b) Đối với cơ sở tiêm chủng tại bệnh viện:
- Có tình trạng suy chức năng các cơ quan (như suy hô hấp, suy tuần hoàn, suy tim, suy thận, suy gan, hôn mê...). Tiêm chủng khi sức khỏe của trẻ ổn định.
- Trẻ mắc các bệnh cấp tính, các bệnh nhiễm trùng. Tiêm chủng khi sức khỏe của trẻ ổn định.
- Trẻ sốt ≥ 38°C hoặc hạ thân nhiệt ≤ 35,5°C (đo nhiệt độ tại nách).
- Trẻ mới dùng các sản phẩm globulin miễn dịch trong vòng 3 tháng (trừ kháng huyết thanh viêm gan B): tạm hoãn tiêm chủng vắc xin sống giảm độc lực.
- Trẻ đang hoặc mới kết thúc đợt điều trị corticoid (uống, tiêm) liều cao (tương đương prednison ≥2mg/kg/ngày), hóa trị, xạ trị trong vòng 14 ngày: tạm hoãn tiêm chủng vắc xin sống giảm độc lực.
- Trẻ mắc các bệnh tim bẩm sinh hoặc mạn tính kèm theo tăng áp lực động mạch phổi (≥40mmHg).
- Các trường hợp tạm hoãn tiêm chủng khác theo hướng dẫn của nhà sản xuất đối với từng loại vắc xin.
3. Các trường hợp cần khám sàng lọc và tiêm chủng tại bệnh viện:
Các trường hợp tạm hoãn tiêm chủng tại các cơ sở tiêm chủng ngoài bệnh viện cần chuyển tuyến để được khám sàng lọc, tiêm chủng tại bệnh viện:
a) Trẻ có cân nặng < 2000g.
b) Trẻ có tiền sử phản ứng tăng dần sau các lần tiêm chủng trước của cùng loại vắc xin.
c) Trẻ mắc các bệnh bẩm sinh hoặc bệnh mạn tính ở tim, phổi, hệ thống tiêu hóa, tiết niệu, máu, ung thư chưa ổn định.
III. Khám sàng lọc trước tiêm chủng cho trẻ sơ sinh
1. Các trường hợp chống chỉ định:
a) Không tiêm vắc xin BCG cho trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV mà mẹ không được điều trị dự phòng tốt lây truyền từ mẹ sang con.
b) Các trường hợp chống chỉ định khác theo hướng dẫn của nhà sản xuất đối với từng loại vắc xin.
2. Các trường hợp tạm hoãn:
a) Đối với cơ sở tiêm chủng ngoài bệnh viện:
- Có tình trạng suy chức năng các cơ quan (như suy hô hấp, suy tuần hoàn, suy tim, suy thận, suy gan, hôn mê…).Tiêm chủng khi sức khỏe của trẻ ổn định.
- Trẻ mắc các bệnh cấp tính, các bệnh nhiễm trùng. Tiêm chủng khi sức khỏe của trẻ ổn định.
- Trẻ sốt ≥ 37,5°C hoặc hạ thân nhiệt ≤ 35,5°C (đo nhiệt độ tại nách). Tiêm chủng khi thân nhiệt của trẻ ổn định.
- Trẻ có cân nặng dưới 2000g: chuyển khám sàng lọc và tiêm chủng tại bệnh viện.
- Trẻ sinh non có tuổi thai < 34 tuần: Nếu mẹ có HBsAg (-) tạm hoãn tiêm vắc xin viêm gan B sơ sinh, tiêm chủng khi trẻ đủ 34 tuần tuổi (tính cả tuổi thai). Nếu mẹ có HBsAg (+) hoặc mẹ không xét nghiệm chuyển khám sàng lọc và tiêm chủng tại bệnh viện.
- Trẻ sinh non có tuổi thai < 34 tuần tạm hoãn tiêm vắc xin BCG. Tiêm chủng khi trẻ đủ 34 tuần tuổi (tính cả tuổi thai).
- Mắc các bệnh bẩm sinh hoặc bệnh mạn tính ở tim, phổi, hệ thống tiêu hóa, tiết niệu, máu, thần kinh, ung thư chưa ổn định: chuyển khám sàng lọc và tiêm chủng tại bệnh viện.
- Các trường hợp tạm hoãn tiêm chủng khác theo hướng dẫn của nhà sản xuất đối với từng loại vắc xin.
b) Đối với cơ sở tiêm chủng tại bệnh viện:
- Trẻ có chỉ định cấp cứu. Tiêm chủng khi sức khỏe của trẻ ổn định.
- Trẻ sốt ≥ 37,5°C hoặc hạ thân nhiệt ≤ 35,5 °C (đo nhiệt độ tại nách), tiêm chủng khi thân nhiệt của trẻ ổn định.
- Trẻ có tuổi thai < 28 tuần. Tiêm chủng vắc xin viêm gan B khi trẻ đủ 28 tuần tuổi (tính cả tuổi thai).
- Trẻ có tuổi thai < 34 tuần tạm hoãn tiêm vắc xin BCG. Tiêm chủng khi trẻ đủ 34 tuần tuổi (tính cả tuổi thai).
- Trẻ có cân nặng < 2000g mà mẹ có HbsAg (-). Trường hợp mẹ có HbsAg (+) hoặc không xét nghiệm cho mẹ thì cần tiêm vắc xin viêm gan B cho trẻ.
- Trẻ mắc các bệnh tim bẩm sinh có tăng áp lực động mạch phổi (≥40mmHg).
- Các trường hợp tạm hoãn tiêm chủng khác theo hướng dẫn của nhà sản xuất đối với từng loại vắc xin.
3. Các trường hợp cần khám sàng lọc và tiêm chủng tại bệnh viện:
Các trường hợp tạm hoãn tiêm chủng tại các cơ sở tiêm chủng ngoài bệnh viện cần chuyển tuyến để được khám sàng lọc, tiêm chủng tại bệnh viện:
a) Trẻ có cân nặng < 2000g và mẹ có HBsAg (+) hoặc mẹ không xét nghiệm.
b) Trẻ có tuổi thai < 34 tuần và mẹ có HBsAg (+) hoặc mẹ không xét nghiệm.
c) Trẻ mắc các bệnh bẩm sinh ở tim, phổi, hệ thống tiêu hóa, gan, thận, máu, thần kinh, ung thư, chưa ổn định.
IV. Một số lưu ý khi khám sàng lọc trước tiêm chủng tại bệnh viện
1. Trẻ có tiền sử dị ứng với vắc xin hoặc nghi ngờ dị ứng với vắc xin:
a) Nếu trẻ có bằng chứng dị ứng với loại vắc xin tiêm lần trước: không tiêm chủng cho trẻ.
b) Trẻ có tiền sử nghi ngờ dị ứng với vắc xin: Khám, đánh giá nguyên nhân và mức độ dị ứng.
2. Trẻ có vàng da sơ sinh:
a) Không chống chỉ định và không tạm hoãn tiêm chủng đối với trường hợp vàng da sinh lý có nồng độ bilirubin huyết thanh ≤ 7mg/dL. Trong trường hợp không thực hiện xét nghiệm thì dựa vào phân vùng vàng da Krammer.
b) Tạm hoãn tiêm chủng với trường hợp vàng da bệnh lý hoặc vàng da sinh lý có nồng độ bilirubin máu > 7mg/dL.
3. Trẻ đẻ non hoặc nhẹ cân so với tuổi, suy dinh dưỡng, mổ đẻ:
a) Không có chống chỉ định và không tạm hoãn tiêm chủng đối với trẻ có cân nặng ≥ 2.000g hoặc mổ đẻ. Thực hiện tiêm chủng đúng lịch cho trẻ.
b) Không có chống chỉ định và không tạm hoãn tiêm chủng vắc xin viêm gan B đối với trẻ sinh non có tuổi thai 28-36 tuần.
c) Không có chống chỉ định và không tạm hoãn tiêm chủng vắc xin BCG đối với trẻ sinh non có tuổi thai 34-36 tuần. Tính tuổi của trẻ để xác định ngày tiêm chủng theo ngày tháng năm sinh của trẻ.
4. Trẻ đang điều trị kháng sinh: Khám, đánh giá lý tình trạng bệnh lý, nếu trẻ không có chống chỉ định hoặc tạm hoãn: Thực hiện tiêm chủng cho trẻ theo lịch.
5. Trẻ nhiễm hoặc nghi nhiễm HIV nhưng chưa ở trong giai đoạn AIDS: Nếu trẻ không có các chống chỉ định hoặc tạm hoãn, tiêm chủng cho trẻ theo lịch kể cả vắc xin sống giảm độc lực.
6. Trẻ có bệnh bẩm sinh hoặc bệnh mạn tính ở tim, phổi, hệ thống tiêu hóa, gan, thận, máu, ung thư, thần kinh
a) Nếu tình trạng bệnh của trẻ đang ở giai đoạn ổn định, trẻ không ở trong tình trạng cấp tính, không có chỉ định can thiệp điều trị cấp cứu: Không chống chỉ định hoặc tạm hoãn tiêm chủng. Thực hiện tiêm chủng cho trẻ theo lịch.
b) Nếu trẻ thiếu yếu tố đông máu: truyền yếu tố đông máu bị thiếu trước khi tiêm chủng.
V. Tổ chức thực hiện:
1. Đối với cơ sở tiêm chủng ngoài bệnh viện
a) Người thực hiện
- Bác sĩ, y sĩ: trực tiếp thăm khám cho trẻ và ghi các thông tin của trẻ, trực tiếp đo và ghi kết quả nhiệt độ của trẻ khi không có điều dưỡng viên, hộ sinh viên. Cán bộ y tế khám sàng lọc trước tiêm chủng phải được tập huấn chuyên môn về tiêm chủng theo quy định tại Nghị định số 155/2018/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2018.
- Điều dưỡng viên, hộ sinh viên: Ghi các thông tin của trẻ, trực tiếp cân trẻ, đo và ghi kết quả nhiệt độ của trẻ.
b) Phương tiện
- Nhiệt kế, ống nghe.
- Bảng kiểm trước tiêm chủng cho đối tượng từ 1 tháng tuổi trở lên (phụ lục I)
- Bảng kiểm trước tiêm chủng cho trẻ sơ sinh (phụ lục II)
c) Các bước thực hiện khám sàng lọc trước tiêm chủng
Các bước thực hiện và điền theo bảng kiểm trước tiêm chủng bao gồm:
- Hỏi tiền sử và các thông tin có liên quan
- Đánh giá tình trạng sức khỏe hiện tại
- Kết luận
d) Ghi chép việc khám sàng lọc và lưu bảng kiểm
Toàn bộ nội dung khám sàng lọc được ghi theo bảng kiểm, lưu tại các điểm tiêm chủng. Thời gian lưu: 15 ngày.
2. Đối với cơ sở tiêm chủng tại bệnh viện:
a) Người thực hiện
- Bác sĩ, y sĩ khám sàng lọc trước tiêm chủng: khám, đánh giá, phối hợp với các thầy thuốc chuyên khoa (nếu cần), đưa ra nhận xét và kết luận về chỉ định tiêm chủng cho trẻ.
- Bác sĩ chuyên khoa: khám, đánh giá tình trạng bệnh lý của trẻ theo chuyên khoa; phối hợp với bác sĩ tư vấn tiêm chủng để đưa ra kết luận về chỉ định tiêm chủng cho trẻ.
- Cán bộ y tế có liên quan đến tư vấn, tiêm chủng vắc xin và theo dõi phản ứng sau tiêm chủng.
b) Phương tiện
- Có đủ phương tiện để thực hiện việc khám sàng lọc và khám chuyên khoa.
- Phiếu khám sàng lọc trước tiêm chủng cho đối tượng từ 1 tháng tuổi trở lên (phụ lục III) và phiếu khám sàng lọc trước tiêm chủng cho trẻ sơ sinh (phụ lục IV).
c) Các bước thực hiện
- Bác sĩ tư vấn, khám sàng lọc tiêm chủng: khám đánh giá toàn diện các điều kiện tiêm chủng cho trẻ; tham vấn thầy thuốc chuyên khoa về tình trạng bệnh lý theo chuyên khoa (nếu cần). Đưa ra kết luận về điều kiện tiêm chủng cho trẻ.
- Bác sĩ chuyên khoa: khi được yêu cầu, đánh giá đầy đủ về tình trạng bệnh lý theo chuyên khoa cần tham vấn; đưa ra nhận xét, đề nghị liên quan đến tiêm chủng về tình trạng bệnh lý của trẻ. Phối hợp với cán bộ tiêm chủng thực hiện tiêm chủng và theo dõi sau tiêm chủng cho trẻ khi cần.
d) Ghi chép việc khám sàng lọc và lưu hồ sơ
- Thực hiện việc ghi chép, lưu giữ cơ sở dữ liệu tiêm chủng theo quy định hiện hành và các quy định về ghi chép sổ khám bệnh, hồ sơ bệnh án như đối với trẻ đến khám, điều trị ngoại trú, nội trú tại bệnh viện.
- Trường hợp có hồ sơ bệnh án tại bệnh viện: toàn bộ nội dung khám sàng lọc trong bảng kiểm và y lệnh chỉ định tiêm phải được ghi trong hồ sơ bệnh án hoặc phiếu khám sàng lọc trước tiêm chủng được lưu cùng hồ sơ bệnh án theo quy định.
- Trường hợp không có hồ sơ bệnh án tại bệnh viện: Phiếu khám sàng lọc trước tiêm chủng được lưu tại điểm tiêm chủng. Thời gian lưu là 15 ngày.