Ngày 05/06/2018, Quyết định 19/2018/QĐ-TTg do Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 19/04/2018 chính thức có hiệu lực. Quyết định quy định về tiêu chí, thẩm quyền, trình tự, thủ tục công nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Sau đây là nội dung chi tiết, mời các bạn cùng tham khảo.
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 19/2018/QĐ-TTg | Hà Nội, ngày 19 tháng 4 năm 2018 |
QUYẾT ĐỊNH
QUY ĐỊNH TIÊU CHÍ, THẨM QUYỀN, TRÌNH TỰ, THỦ TỤC CÔNG NHẬN DOANH NGHIỆP NÔNG NGHIỆP ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ CAO
Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật công nghệ cao ngày 13 tháng 11 năm 2008;
Căn cứ Luật đầu tư ngày 26 tháng 11 năm 2014;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định quy định tiêu chí, thẩm quyền, trình tự, thủ tục công nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Quyết định này quy định tiêu chí, thẩm quyền, trình tự, thủ tục công nhận có thời hạn đối với doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
2. Quyết định này áp dụng với Cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động công nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại Việt Nam.
Điều 2. Tiêu chí xác định doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao
Doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là doanh nghiệp đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo quy định tại khoản 1 Điều 19 Luật công nghệ cao, cụ thể:
1. Ứng dụng công nghệ cao thuộc Danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển quy định tại Điều 5 của Luật công nghệ cao để sản xuất sản phẩm nông nghiệp.
2. Tạo ra sản phẩm nông nghiệp có chất lượng, năng suất, giá trị và hiệu quả cao, doanh thu từ sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của doanh nghiệp đạt ít nhất 60% trong tổng số doanh thu thuần hàng năm.
3. Có hoạt động nghiên cứu, thử nghiệm ứng dụng công nghệ cao, chuyển giao công nghệ để sản xuất sản phẩm nông nghiệp, tổng chi cho hoạt động nghiên cứu và phát triển được thực hiện tại Việt Nam trên tổng doanh thu thuần hàng năm đạt ít nhất 0,5%; số lao động có trình độ chuyên môn từ đại học trở lên trực tiếp thực hiện nghiên cứu và phát triển trên tổng số lao động của doanh nghiệp đạt ít nhất 2,5%.
4. Áp dụng các biện pháp thân thiện môi trường, tiết kiệm năng lượng trong sản xuất và quản lý chất lượng sản phẩm nông nghiệp đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật của Việt Nam hoặc tiêu chuẩn quốc tế.
Điều 3. Thẩm quyền công nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao
1. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh là cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cho các doanh nghiệp đăng ký kinh doanh trên địa bàn tỉnh.
2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì tổ chức thẩm định hồ sơ đề nghị công nhận của doanh nghiệp và trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét quyết định công nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Điều 4. Trình tự, thủ tục cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao
1. Tổ chức, cá nhân lập hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gửi qua đường bưu điện hoặc gửi trực tiếp đến Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, nơi doanh nghiệp đăng ký kinh doanh.
2. Hồ sơ được lập thành 02 bộ, bao gồm:
a) Văn bản đề nghị công nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo Mẫu số 01 quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Quyết định này;
b) Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Giấy chứng nhận đầu tư hoặc Giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ doanh nghiệp đã được cấp;
c) Bản thuyết minh doanh nghiệp đáp ứng đủ các tiêu chí quy định tại Điều 2 theo Mẫu số 02 quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Quyết định này; các minh chứng cho các nội dung thuyết minh gồm: Bản sao báo cáo Tài chính của doanh nghiệp 02 năm liền kề trước khi đề nghị công nhận doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao; bản sao các hợp đồng nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, mua vật tư thiết bị phục vụ đổi mới công nghệ, sản phẩm... của Doanh nghiệp; bản sao hợp đồng lao động, bằng cấp của lao động có trình độ chuyên môn từ đại học trở lên đang trực tiếp thực hiện nghiên cứu và phát triển tại doanh nghiệp; bản sao Giấy chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn hoặc quy chuẩn còn hiệu lực của sản phẩm, hàng hóa do doanh nghiệp sản xuất; bản sao văn bản minh chứng về bảo vệ môi trường đã được cấp có thẩm quyền cấp.
3. Trình tự, thủ tục thẩm định, cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao
a) Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm kiểm tra tính đầy đủ, hợp lệ của hồ sơ, quyết định thành lập Tổ thẩm định hồ sơ công nhận doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao (sau đây gọi tắt là Tổ thẩm định) đối với các hồ sơ hợp lệ hoặc có văn bản thông báo cho doanh nghiệp về việc hồ sơ không đầy đủ, hợp lệ; thời gian doanh nghiệp bổ sung, hoàn thiện hồ sơ không tính vào thời gian thẩm định. Thành phần Tổ thẩm định có từ 7 đến 9 thành viên, gồm: Tổ trưởng là đại diện lãnh đạo và 01 thư ký là chuyên viên thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; các thành viên khác gồm đại diện các Sở: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Tư pháp, Tài nguyên và Môi trường, Khoa học và Công nghệ; ngoài ra có thể mời thêm một số chuyên gia có liên quan.
b) Trong thời hạn 07 ngày làm việc sau khi có quyết định thành lập, Tổ thẩm định tiến hành họp thẩm định hồ sơ khi có ít nhất hai phần ba số thành viên có mặt. Tổ thẩm định có trách nhiệm đánh giá hồ sơ do doanh nghiệp lập về tính đầy đủ, chính xác, đáp ứng các điều kiện theo quy định; lập biên bản họp gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
c) Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày họp, trên cơ sở kết quả họp Tổ thẩm định, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét quyết định cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
d) Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ khi nhận được kết quả tổng hợp từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm quyết định cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và gửi cho doanh nghiệp, trường hợp từ chối cấp Giấy chứng nhận phải thông báo bằng văn bản cho doanh nghiệp và nêu rõ lý do.
đ) Kinh phí họp Tổ thẩm định lấy từ ngân sách của địa phương, mức chi theo quy định hiện hành.
4. Mẫu Giấy chứng nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo Mẫu số 03 quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Quyết định này.
Điều 5. Hiệu lực của Giấy chứng nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao
1. Giấy chứng nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao có hiệu lực 05 năm kể từ ngày cấp.
2. Giấy chứng nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là căn cứ để doanh nghiệp được hưởng chính sách ưu đãi theo quy định tại khoản 2 Điều 19 Luật công nghệ cao và các ưu đãi khác theo quy định của pháp luật.
Điều 6. Cấp lại Giấy chứng nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao
1. Trước thời hạn Giấy chứng nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao hết hiệu lực 45 ngày, doanh nghiệp lập hồ sơ đề nghị cấp lại Giấy chứng nhận.
2. Hồ sơ được lập thành 02 bộ, bao gồm:
a) Văn bản đề nghị công nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo Mẫu số 01 quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Quyết định này;
b) Bản thuyết minh theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 4 Quyết định này.
3. Trình tự, thủ tục thẩm định hồ sơ công nhận lại doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo quy định tại khoản 3, khoản 4 Điều 4 Quyết định này.
4. Đối với Giấy chứng nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao bị mất hoặc bị hư hỏng trong thời gian còn hiệu lực nhưng không thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, doanh nghiệp gửi văn bản đến Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp lại Giấy chứng nhận cho doanh nghiệp. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ khi nhận được đề nghị của doanh nghiệp, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm cấp lại Giấy chứng nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và gửi cho doanh nghiệp.
Điều 7. Thu hồi Giấy chứng nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao
1. Doanh nghiệp bị thu hồi Giấy chứng nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Dừng hoạt động sản xuất kinh doanh liên tục từ 12 tháng trở lên trong thời hạn có hiệu lực của Giấy chứng nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã được cấp;
b) Giả mạo hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao;
c) Vi phạm một trong các điều cấm của Luật công nghệ cao;
d) Trong quá trình hoạt động không còn đáp ứng một trong các quy định tại Điều 2 Quyết định này.
2. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ra quyết định thu hồi Giấy chứng nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đối với doanh nghiệp vi phạm một trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, gửi thông báo đến doanh nghiệp bị thu hồi Giấy chứng nhận, cơ quan thuế thuộc tỉnh và thông tin rộng rãi quyết định thu hồi trên trang thông tin điện tử của tỉnh.
Điều 8. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh
1. Cấp, thu hồi Giấy chứng nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cho doanh nghiệp đăng ký kinh doanh trên địa bàn tỉnh; quản lý, giám sát hoạt động của các doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; kiến nghị địa phương khác hoặc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (trường hợp Giấy chứng nhận do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp) thu hồi Giấy chứng nhận khi doanh nghiệp vi phạm trên địa bàn tỉnh.
2. Định kỳ (hàng tháng, hàng năm), hoặc đột xuất tổng hợp báo cáo kết quả công nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại địa phương, gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các bộ ngành liên quan để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Điều 9. Trách nhiệm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương kiểm tra, thanh tra việc thực hiện Quyết định này; cơ quan đầu mối tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình công nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và trình Thủ tướng Chính phủ những vấn đề vượt quá thẩm quyền.
Điều 10. Hiệu lực và trách nhiệm thi hành
1. Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày 05 tháng 6 năm 2018.
Quyết định này thay thế Quyết định số 69/2010/QĐ-TTg ngày 03 tháng 11 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ Quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục công nhận Doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Bãi bỏ Thông tư số 50/2011/TT-BNNPTNT ngày 15 tháng 7 năm 2011 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn thực hiện Quyết định số 69/2010/QĐ-TTg ngày 03 tháng 11 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ về thẩm quyền, trình tự, thủ tục công nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
2. Giấy chứng nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp cho doanh nghiệp trước thời điểm Quyết định này có hiệu lực vẫn tiếp tục có giá trị đến hết thời hạn ghi trên Giấy chứng nhận. Thủ tục cấp lại Giấy chứng nhận đã hết thời hạn thực hiện theo quy định tại Điều 6 Quyết định này.
3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các cơ quan liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: | KT. THỦ TƯỚNG |