Giải bài tập Giáo dục Kinh tế và Pháp luật 11 Bài 15: Quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân về khiếu nại tố tụng Kết nối tri thức với cuộc sống giúp các em học sinh có thêm nhiều gợi ý tham khảo để trả lời các câu hỏi phần luyện tập và vận dụng trang 87→93.
Giải GDKT&PL 11 Bài 15 Kết nối tri thức giúp các bạn học sinh lớp 11 hiểu rõ kiến thức về một số quy định cơ bản của pháp luật về quyền và nghĩa vụ của công dân về khiếu nại, tố cáo. Đồng thời có thêm tài liệu gợi ý, so sánh với kết quả mình đã làm, rèn luyện củng cố, bồi dưỡng và kiểm tra vốn kiến thức.
Giải GDKT&PL 11: Quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân về khiếu nại, tố tụng
Luyện tập Giáo dục Kinh tế và Pháp luật 11 Bài 15
Câu 1
Em hãy cho biết các ý kiến sau đúng hay sai? Vì sao?
a. Công dân chỉ có quyền khiếu nại trong lĩnh vực hành chính.
b. Hành vi vi phạm quyền và nghĩa vụ của công dân về khiếu nại, tố cáo có thể dẫn đến khủng hoảng chính trị đất nước.
c. Đăng bài lên mạng xã hội là việc làm thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo của công dân.
d. Thực hiện tốt quyền và nghĩa vụ của công dân về khiếu nại, tố cáo sẽ góp phần xây dựng nhà nước trong sạch, vững mạnh.
Gợi ý đáp án
a. Sai, vì ngoài lĩnh vực hành chính, công dân còn có quyền khiếu nại trong các lĩnh vực khác của đời sống xã hội như lao động, việc làm, giáo dục, y tế,...
b. Đúng, vì hành vi vi phạm quyền và nghĩa vụ của công dân về khiếu nại, tố cáo có thể khiến người dân tiếp nhận thông tin sai sự thật, dẫn đến hiểu nhầm, bất mãn với hoạt động của các cán bộ, cơ quan nhà nước và nảy sinh những hành vi chống đối. Nếu các thế lực phản động lợi dụng điều này để kích động người dân biểu tình, chống phá Nhà nước thì có thể dẫn đến khủng hoảng chính trị…
c. Sai, vì khi thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo, công dân phải gửi đơn khiếu nại, tố cáo đến cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết theo đúng quy định của pháp luật. Việc đăng bài lên mạng xã hội không có giá trị về mặt pháp lí nên sẽ không được giải quyết, đồng thời việc này còn có thể gây ra nhiều hậu quả xấu như khiến người khác hiểu nhầm, gây xung đột, mâu thuẫn...
d. Đúng, vì việc thực hiện tốt quyền và nghĩa vụ của công dân về khiếu nại, tố cáo sẽ hỗ trợ cho cơ quan nhà nước phát hiện những việc làm vi phạm pháp luật, xâm hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Trên cơ sở đó, Nhà nước có sự can thiệp, xử lí, ngăn chặn những hành vi vi phạm, khắc phục hậu quả, làm cho bộ máy nhà nước ngày càng trong sạch, vững mạnh.
Câu 2
Các chủ thể dưới đây thực hiện đúng hay vi phạm quyền và nghĩa vụ của công dân về khiếu nại, tố cáo? Vì sao?
a. Cán bộ T khuyên anh B nên rút đơn tố cáo để tránh bị trả thù nhưng anh B không đồng ÿ.
b. Lãnh đạo cơ quan X yêu cầu nhân viên tổ chức nhiều kênh tiếp nhận thông tin phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo, góp ý, phê bình của nhân dân tại cơ quan.
c. Công an G hướng dẫn anh D một số biện pháp đảm bảo an toàn cho bản thân sau khi tiếp nhận thông tin tố cáo của anh.
d. Bà S có tình cung cấp các thông tin sai sự thật khi tố cáo bà Á vi phạm pháp luật.
Gợi ý đáp án
a. + Hành vi của cán bộ T chưa thực hiện đúng quyền và nghĩa vụ của công dân về tố cáo, vì hành vi này chưa đúng với quy định của pháp luật, gián tiếp bao che cho người sai phạm, gây ảnh hưởng xấu đến quyền lợi của người tố cáo.
+ Hành vi của anh B đã thực hiện đúng quyền và nghĩa vụ của công dân về tố cáo vì hành vi này đã thể hiện trách nhiệm của một công dân đối với đất nước, thực hiện nghĩa vụ tuân thủ pháp luật của công dân và tham gia bảo vệ an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
b. Hành vi của lãnh đạo cơ quan X đã thực hiện đúng quyền và nghĩa vụ của công dân về khiếu nại, tố cáo. Hành vi này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo của mình, qua đó kịp thời tiếp nhận, xử lí, khắc phục những điều chưa tốt trong tổ chức và hoạt động của cơ quan, ngăn chặn những hành vi vi phạm pháp luật, giảm thiểu những hậu quả tiêu cực không mong muốn.
c. Hành vi của công an G đã thực hiện đúng quyền và nghĩa vụ của công dân về tố cáo. Hành vi của công an G đã thực hiện quyền được bảo vệ an toàn của người tố cáo. Qua đó sẽ hỗ trợ anh D biết cách tự bảo đảm an toàn cho bản thân, nhận biết những nguy cơ mất an toàn và giảm thiểu những hậu quả xấu.
d. Hành vi của bà S đã vi phạm quyền và nghĩa vụ của công dân về tố cáo. Hành vi này gây ảnh hưởng đến quyền lợi của bà A và gây khó khăn cho cơ quan chức năng trong quá trình xử lí sự việc.
Câu 3
Em hãy đưa ra lời khuyên cho các nhân vật trong mỗi tình huống dưới đây:
a. Bố mẹ P nhận thấy mức bồi thường từ việc thu hồi một phần diện tích đất ở theo quyết định của Uỷ ban nhân dân huyện đối với gia đình mình để giải phóng mặt bằng, mở rộng đường giao thông là không hợp lí vì thấp hơn mức quy định của Nhà nước. Cả hai cùng băn khoăn về việc có nên gửi đơn khiếu nại hay không vì diện tích đất bị thu hồi cũng không quá lớn và lo ngại sau khi khiếu nại có thể gặp một số rắc rối, khó khăn.
Nếu em là P em sẽ khuyên bố mẹ như thế nào?
b. Y phát hiện chủ tiệm tạp hoá gần nhà nhiều lần bán pháo nổ và đồ dùng tự quấn pháo nổ cho trẻ em. Y chia sẻ sự việc với O và muốn tố cáo hành vi của chủ tiệm tạp hoá đó với cơ quan công an nhưng lại sợ bị trả thù, sợ người thân gặp nguy hiểm.
Nếu là O. em sẽ khuyên Y như thế nào?
Gợi ý đáp án
a. Nếu là P, em sẽ:
+ Giải thích cho bố mẹ hiểu về quyền và nghĩa vụ của công dân về khiếu nại, mục đích của việc khiếu nại là để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Khi phát hiện sai phạm mà không khiếu nại là gián tiếp bao che cho những hành vi vi phạm.
+ Khuyên bố mẹ nên thu thập thông tin và làm đơn khiếu nại để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình.
b. Nếu là O, em sẽ:
+ Giải thích cho Y hiểu hành vi của chủ tiệm tạp hoá có thể dẫn đến những hậu quả tiêu cực (ví dụ: nguy hiểm đến tính mạng, sức khoẻ,...), hiểu về quyền tố cáo của công dân.
+ Khuyên Y nên tố cáo hành vi của ông chủ tiệm tạp hoá. Khi thực hiện tố cáo, Y nên chia sẻ lo lắng của bản thân với cán bộ công an và yêu cầu họ giữ bí mật thông tin người tố cáo để đảm bảo an toàn cho bản thân và người thân của mình.
Câu 4
Theo em, học sinh có trách nhiệm như thể nào trong việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của công dân về khiếu nại. tố cáo?
Gợi ý đáp án
Trách nhiệm của HS trong việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của công dân về khiếu nại, tố cáo:
+ Chăm chỉ học tập, rèn luyện bản thân, nâng cao hiểu biết về quyền và nghĩa vụ của công dân về khiếu nại, tố cáo;
+ Tự giác thực hiện quyền và nghĩa vụ của công dân về khiếu nại, tố cáo bằng những việc làm phù hợp năng lực, độ tuổi;
+ Tuyên truyền, khuyến khích những người xung quanh hiểu và thực hiện các quy định của pháp luật về quyền và nghĩa vụ của công dân về khiếu nại, tố cáo;
+ Phê phán, đấu tranh, tố cáo các hành vi vi phạm pháp luật.
Vận dụng Giáo dục Kinh tế và Pháp luật 11 Bài 15
Câu hỏi: Em hãy viết một bài luận thể hiện ý nghĩa của quyền và nghĩa vụ khiếu nại, tố cáo của công dân và chia sẻ lại với các bạn trong lớp.
Gợi ý đáp án
Gợi ý:
- Ý nghĩa của các quy định pháp luật về quyền khiếu nại của công dân:
+ Là cơ sở pháp lí để bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của công dân;
+ Là điều kiện để công dân tham gia và nâng cao hiệu quả hoạt động quản lí nhà nước và xã hội;
+ Là hình thức thể hiện quyền làm chủ của công dân trong hoạt động quản lí nhà nước; phòng, chống các hành vi vi phạm pháp luật trong xã hội, giảm thiểu những hậu quả tiêu cực, góp phần xây dựng và phát triển một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh;...
- Ý nghĩa của các quy định pháp luật về quyền của công dân về tố cáo:
+ Là cơ sở pháp lí để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân;
+ Tạo điều kiện để công dân thực hiện tốt quyền của bản thân;
+ Ngăn chặn những việc làm trái pháp luật, xâm phạm lợi ích của cá nhân, cơ quan, tổ chức, Nhà nước và xã hội; góp phần bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội.