Phân tích Viếng lăng Bác khổ 3 (9 mẫu) - Văn 9

Văn mẫu lớp 9: Phân tích khổ 3 bài thơ Viếng lăng Bác của Viễn Phương

2 Dàn ý & 9 bài văn mẫu lớp 9 hay nhất

TOP 9 bài Phân tích khổ 3 Viếng lăng Bác SIÊU HAY, giúp các em học sinh lớp 9 có thêm nhiều thông tin bổ ích, thấy được nỗi niềm xúc động trào dâng của tác giả Viễn Phương khi bước vào trong lăng.

Viếng lăng Bác

Khổ 3 bài thơ Viếng lăng Bác chứa đựng biết bao cảm xúc, để lại sự tiếc thương tột cùng cho bao thế hệ người Việt Nam yêu nước. Tuy Bác đã đi xa nhưng hình ảnh vẫn luôn hiện diện trong trái tim tất cả chúng ta. Mời các em cùng theo dõi bài viết dưới đây của Download.vn để ngày càng học tốt môn Văn 9.

Dàn ý phân tích Viếng lăng Bác khổ 3

Dàn ý 1

1. Mở bài

Giới thiệu tác giả Viễn Phương, bài thơ Viếng lăng Bác và dẫn dắt vào khổ thơ thứ ba.

Lưu ý: học sinh tự lựa chọn cách dẫn mở bài trực tiếp hoặc gián tiếp tùy vào năng lực của bản thân.

2. Thân bài

“Bác nằm trong giấc ngủ bình yên”: Bác đang nằm ở đó, nhẹ nhàng thanh thản như đang chìm trong một giấc ngủ ngon. Cả cuộc đời Người chỉ có một niềm mong ước, đó là đất nước được hòa bình. Vậy nên khi đất nước được hòa bình, độc lập Người đã được nghỉ ngơi trong giấc ngủ yên bình.

“Giữa một vầng trăng sáng dịu hiền”: Hình ảnh yên nghỉ của Bác vô cùng bình yên và tĩnh lặng. Ở Bác luôn toát lên vẻ dịu hiền như vầng trăng, bình yên như đất nước sau ngày được độc lập.

“Vẫn biết trời xanh là mãi mãi/Mà sao nghe nhói ở trong tim”: Bầu trời bao năm tháng vẫn xanh một màu trường tồn vĩnh cửu như một quy luật bất biến của tự nhiên, vậy mà vị Cha già của dân tộc đã phải ra đi. Vẫn biết quy luật sinh tử của tạo hóa nhưng vẫn thấy xót xa, đau đớn vô cùng. Sự ra đi của Bác không chỉ gây tiếc nuối cho đất nước mà còn khiến cho bao thế hệ sau này không khỏi xót thương.

→ Đoạn thơ không những miêu tả hình ảnh yên nghỉ yên bình của Bác Hồ mà còn thể hiện tình cảm, nỗi xót xa của tác giả cũng như bao thế hệ con người Việt Nam trước sự ra đi của Bác.

3. Kết bài

Khái quát lại giá trị nội dung, nghệ thuật của đoạn thơ cũng như của tác phẩm.

Dàn ý 2

1. Mở bài

  • Giới thiệu về khổ 3 bài thơ Viếng lăng Bác.

2. Thân bài

- Sự xúc động trào dâng khi gặp Bác:

  • Bác đang chìm trong giấc ngủ yên bình.
  • “Vầng trăng sáng dịu hiền”: hình ảnh thiên nhiên thơ mộng là ẩn dụ cho tình yêu thương, trân trọng của nhà thơ cũng như con người Việt Nam dành cho Bác.

--> Câu thơ đã miêu tả vừa khái quát nhưng cũng không kém phần tinh tế không gian trang nghiêm trong lăng Bác.

--> Bác dù đã ra đi nhưng trong mắt những người con Việt Nam, Bác chỉ đang ngủ một giấc yên bình, không còn những lo toan, trăn trở.

- Nỗi xót xa, nghẹn ngào trước sự ra đi của Bác:

  • Nghệ thuật tương phản “vẫn biết”- “mà sao” diễn tả sự mâu thuẫn, đối lập giữa lí trí và con tim.
  • Bác luôn sống mãi trong con tim mỗi người nhưng lại nhưng sự ra đi của Bác vẫn mang đến những nghẹn ngào, đau xót khôn xiết.

3. Kết bài

  • Cảm nhận chung.

Phân tích khổ 3 Viếng lăng Bác ngắn gọn

"Vì sao trái đất nặng ân tình
Nhắc mãi tên Người Hồ Chí Minh"

(Tố Hữu)

Không một ngôn từ nào có thể diễn tả hết được sự vĩ đại của vị lãnh tụ dân tộc Hồ Chí Minh. Sự ra đi của Người đã để lại trong mỗi chúng ta niềm tiếc thương vô hạn. Và nhà thơ Viễn Phương đã thể hiện nỗi niềm tiếc thương, xót xa ấy qua bài thơ "Viếng lăng Bác". Khổ 3 của bài thơ đã tái hiện những nỗi niềm xúc động của tác giả khi bước vào trong lăng. Nhà thơ không giấu nổi sự xúc động khi được gặp di hài của Bác. Bác nằm đó mà cứ ngỡ Bác đang chìm trong giấc ngủ yên bình, thanh thản. Chìm vào giấc ngủ ngàn thu ấy, Người sẽ được nghỉ ngơi sau cả một chặng đường dài trăn trở, canh cánh nỗi lòng vì dân, vì nước. "Bảy mươi chín mùa xuân" cũng là bảy mươi chín năm Bác đã sống, cống hiến và làm đẹp cho cuộc đời. Bầu không khí bên trong lăng như được ngưng kết lại để tôn thêm sự trang nghiêm, thành kính. Giữa một vầng trăng sáng dịu hiền, gương mặt Người toát lên sự thanh cao và phong thái ung dung của một nhà lãnh đạo, một người yêu thiên nhiên và sống hòa hợp với thiên nhiên. Trăng đã đồng hành cùng Bác trong suốt cuộc hành trình kháng chiến gian khổ, giờ đây trăng lại trở thành người lính canh gác cho giấc ngủ của Bác. "Trời xanh" là hình ảnh ẩn dụ chỉ sự trường tồn vĩnh hằng. Bầu trời của tự do, của thiên nhiên, vũ trụ bao la sẽ tồn tại mãi mãi cùng năm tháng. Bác cũng giống như trời xanh, Bác luôn sống mãi trong trái tim mỗi con người Việt Nam. Ngày Bác ra đi, "đời tuôn nước mắt, trời tuôn mưa". Đó là một sự mất mát to lớn đối với toàn thể dân tộc. Động từ "nhói" đã bộc lộ trực tiếp nỗi đau xót đến tột cùng, quặn thắt khi cả dân tộc mất đi một vị lãnh tụ vĩ đại. Phép ẩn dụ chuyển đổi cảm giác đã giúp nhà thơ diễn tả nỗi đau mất mát lên tới đỉnh điểm. Cặp từ "vẫn" - "mà" thể hiện sự mâu thuẫn giữa lí trí và tình cảm của tác giả. Lí trí nhận thức được sự thật Bác đã ra đi vào cõi vĩnh hằng nhưng sâu thẳm trong trái tim nhà thơ vẫn chưa chấp nhận được hiện thực đau lòng ấy. Khổ thơ đã để lại sự tiếc thương tột cùng cho bao thế hệ người Việt Nam yêu nước. Tuy Bác đã đi xa nhưng hình ảnh Bác vẫn luôn hiện diện trong trái tim tất cả chúng ta.

Phân tích khổ 3 Viếng lăng Bác hay nhất

Hồ Chí Minh vị cha già kính yêu của dân tộc. Người là niềm tự hào của non sông đất nước ta.Nhưng ngày 2/9/1969 người cha ấy đã để lại cho dân tộc niềm tiếc thương vô hạn. Năm 1976, Viễn Phương cùng với đoàn đại biểu miền Nam ra thăm lăng Bác. Tình cảm xúc động đã khiến nhà thơ cho ra đời bài thơ “Viếng lăng Bác”. Đọc bài thơ, tác giả đã để những cảm xúc chân thành trong lòng độc giả với khổ thơ:

“Bác nằm trong giấc ngủ bình yên
Giữa một vầng trăng sáng dịu hiền
Vẫn biết trời xanh là mãi mãi
Mà sao nghe nhói ở trong tim”

Bài thơ là lòng cảm xúc chân thành, niềm tiếc thương vô hạn của nhà thơ dành cho Bác. Hai khổ đầu của bài thơ tác giả cho ta thấy được hình ảnh hàng tre trước lăng Bác và những suy nghĩ trực tiếp của nhà thơ về Bác. Đến khổ này, nhà thơ bộc lộ suy nghĩ về sự vĩnh hằng của Bác. Tiếp tục mạch cảm xúc của nhà thơ cảm nhận Bác nằm đây như là sự nuối tiếc của cuộc đời:

“Bác nằm trong giấc ngủ bình yên
Giữa một vầng trăng sáng dịu hiền”

Nhà thơ nhận ra một nỗi đau “Bác đã đi rồi sao Bác ơi”. Nhưng tác giả không tin đó là sự thật mà Bác chỉ đang nằm trong giấc ngủ, ngủ sau một chặng đời dài bảy chín mùa xuân cống hiến, xây dựng cho quê hương đất nước. Bác vẫn ở cùng chúng ta:

“Suốt cuộc đời Bác có ngủ ngon đâu
Nay Bác ngủ chúng con canh giấc ngủ”
(Chúng cháu canh giấc Bác ngủ, Bác Hồ ơi)

Hình ảnh “vầng trăng sáng” hiện lên thật đẹp thật dịu hiền, nó vừa diễn tả ánh sáng dịu nhẹ trong trẻo vừa khiến ta nghĩ đến tâm hồn cao đẹp trong sáng của Người. Nhắc đến trăng ta chợt nhớ Bác rất yêu trăng. Trăng đã từng đến với Bác giữa chốn tù đày, giữa “ cảnh khuya” của rừng núi Việt Bắc, trăng khi đi thuyền trên sông Đáy, khi trung thu trăng sáng như gương: “ Rằm xuân lồng lộng trăng soi”… Nhưng có bao giờ Bác được một lúc lòng trí thảnh thơi để thật sự đến cùng trăng. Bởi khi thì: “ Trong tù không rượu cũng không hoa”, khi thì “ việc quân đang bận”, khi thì “ nhớ thương nhi đồng”… Chỉ có bây giờ trong giấc ngủ bình yên Bác mới thật sự đến cùng trăng. Một lần nữa hình ảnh vầng trăng là biểu tượng của tâm hồn cao đẹp, của sức sống bất diệt Hồ Chí Minh.

Bác nằm đó, nhưng không ai tin, ta phải tự an ủi mình bằng lẽ trường cửu của cuộc đời nhưng trong lòng cảm thấy nhói đau:

“Vẫn biết trời xanh là mãi mãi
Ma sao nghe nhói ở trong tim”

Dù Bác đã đi xa nhưng Bác mãi là “trời xanh”, sẽ còn mãi với thời gian với dân tộc Việt Nam, sự vĩnh hằng của Bác nhà thơ Tố Hữu đã khái quát:

“Bác sống như trời đất của ta
Yêu từng ngọn lúa, mỗi cành hoa”
(Bác ơi)

Bác thực sự đã hóa thân vào thiên nhiên đất nước Việt Nam. Bác sẽ còn mãi với chúng ta với quê hương đất nước. Mặc dù vậy, lý trí vẫn nhắc nhở nhà thơ một sự thật về sự chia ly, một cảm giác đau nhói trong lòng nhà thơ cũng như bao người con dân tộc Việt Nam. Nỗi đau ấy nhói trong tim mỗi người như hàng ngàn mũi kim đâm vào trái tim thổn thức của chúng ta. Nỗi đau ấy làm sao có thể bù đắp được. Sự ra đi của Người đã làm thiên nhiên trời đất con người tiếc thương:

“Suốt mấy hôm rày đau tiễn đưa
Đời tuôn nước mắt, trời tuôn mưa…”

Như vậy, chỉ với bốn câu thơ trong một đoạn thơ,giọng điệu nhẹ nhàng cảm xúc, sử dụng hình ảnh biểu tượng “ mặt trời”. Khổ thơ đã hiện sự thành kính thiêng liêng trước sự vĩnh hằng của Người. Tạo nên những hình ảnh cao đẹp về Bác Hồ kính yêu. Để lại cho người đọc những cảm xúc chân thành. Bác của chúng ta là vậy. Người giàu tình yêu thương đức hi sinh và sống cuộc đời vô cùng giản dị. Đất nước ta mất Bác như mất người cha già vĩ đại, người cha luôn dành tình thương vô bờ bến cho nhân loại:

“Bác sống như trời đất của ta
Yêu từng ngọn lúa, mỗi cành hoa
Tự do cho mỗi đời nô lệ
Sữa để em thơ, lụa tặng già”.

Tóm lại, cả bài thơ là cảm xúc dâng trào dành cho con người vĩ đại của dân tộc. Nhưng khổ cuối bên cạnh dòng cảm xúc ấy là mong muốn là ước nguyện được gần gũi bên cạnh Bác. Nó cũng như lời hứa của cả dân tộc Việt Nam. Đọc khổ cuối mà dư âm của bài đọng mãi trong lòng người đọc.

Phân tích khổ thơ thứ 3 Viếng lăng Bác

Bác Hồ là người có công rất lớn đối với nước nhà. Người cũng trở thành nguồn cảm hứng sáng tác của nhiều nhà thơ, nhà văn, trong đó phải kể đến nhà thơ Viễn Phương với bài thơ Viếng lăng Bác. Bài thơ thể hiện tình cảm, sự kính yêu sâu sắc của một người con phương Nam lần đầu ra thăm lăng Bác. Ở khổ thơ thứ ba, tác giả đã mang đến cho bạn đọc một cái nhìn trực quan nhất về giấc ngủ ngàn thu của Bác:

Bác nằm trong giấc ngủ bình yên
Giữa một vầng trăng sáng dịu hiền
Vẫn biết trời xanh là mãi mãi
Mà sao nghe nhói ở trong tim

Bác đang nằm ở đó, nhẹ nhàng thanh thản như đang chìm trong một giấc ngủ ngon. Cả cuộc đời Người chỉ có một niềm mong ước, đó là đất nước được hòa bình. Vậy nên khi đất nước được hòa bình, độc lập Người đã được nghỉ ngơi trong giấc ngủ yên bình. Hình ảnh yên nghỉ của Bác vô cùng bình yên và tĩnh lặng. Ở Bác luôn toát lên vẻ dịu hiền như vầng trăng, bình yên như đất nước sau ngày được độc lập. Hình ảnh so sánh vô cùng chính xác và gợi tả, gợi cảm. Bác Hồ như vầng trăng soi sáng cho đất nước Việt Nam này, mang lại bầu trời thanh bình cho hàng triệu con người dân tộc. Bầu trời bao năm tháng vẫn xanh một màu trường tồn vĩnh cửu như một quy luật bất biến của tự nhiên, vậy mà vị Cha già của dân tộc đã phải ra đi. Vẫn biết quy luật sinh tử của tạo hóa nhưng vẫn thấy xót xa, đau đớn vô cùng. Sự ra đi của Bác không chỉ gây tiếc nuối cho đất nước mà còn khiến cho bao thế hệ sau này không khỏi xót thương.

Đoạn thơ không những miêu tả hình ảnh yên nghỉ yên bình của Bác Hồ mà còn thể hiện tình cảm, nỗi xót xa của tác giả cũng như bao thế hệ con người Việt Nam trước sự ra đi của Bác. Nhiều năm tháng qua đi nhưng hình ảnh, công lao của Bác vẫn còn sống mãi trong trái tim người Việt Nam ta cũng như bài thơ Viếng lăng Bác để lại nhiều dư âm đáng suy ngẫm đối với nhiều thế hệ bạn đọc.

Phân tích khổ 3 bài thơ Viếng lăng Bác - Mẫu 1

Viếng lăng Bác là bài thơ kết tinh trọn vẹn cảm xúc của Viễn Phương khi ở miền Nam lần đầu được ra Hà Nội và vào lăng viếng Bác. Nếu hai khổ thơ đầu miêu tả dòng cảm xúc của tác giả khi đứng trước lăng Bác và khi hòa vào cùng dòng người vào lăng thì khổ thơ thứ ba lại thể hiện nỗi niềm xúc động thiêng liêng của nhà thơ khi vào lăng viếng Bác:

"Bác nằm trong giấc ngủ bình yên
Giữa một vầng trăng sáng dịu hiền
Vẫn biết trời xanh là mãi mãi
Mà sao nghe nhói ở trong tim".

Hai câu thơ đầu tiên miêu tả cảm xúc của Viễn Phương khi nhìn thấy di hài của Bác:

"Bác nằm trong giấc ngủ bình yên
Giữa một vầng trăng sáng dịu hiền."

Nhà thơ cùng dòng người tiến vào lăng, chiêm ngưỡng Bác từ xa và liên tưởng Bác như đang đi vào giấc ngủ yên bình không mộng mị, ánh sáng dịu nhẹ của ngọn đèn lúc đó bỗng trở thành vầng trăng lan tỏa ánh sáng dìu dịu, sáng trong. Câu thơ đã miêu tả vừa khái quát nhưng cũng không kém phần tinh tế không gian trang nghiêm trong lăng Bác. Bác đã ra đi nhưng trong mắt tác giả, đó chỉ là một giấc ngủ dài thanh thản, không còn lo toan việc nước việc dân, không còn lắng lo trăn trở. Bầu không khí ấy bất kì người Việt Nam nào khi vào lăng viếng Bác cũng có thể cảm nhận được, Viễn Phương đã nói lên nỗi lòng và cảm xúc của triệu triệu con tim khi đứng trước di hài của Bác.

Nhìn thấy hình ảnh của Bác, Viễn Phương thốt lên nghẹn ngào:

"Vẫn biết trời xanh là mãi mãi
Mà sao nghe nhói ở trong tim".

Nghệ thuật tương phản giữa "vẫn biết" và "mà sao" diễn tả sự mâu thuẫn, đối lập giữa lí trí và trái tim. Lí trí thì khẳng định chân lí muôn thuở Bác vẫn sống mãi trong tâm trí của người dân Việt Nam, vĩnh hằng bất tử, nhưng trái tim thì vẫn xót xa, nghẹn ngào chấp nhận hiện thực rằng Bác đã ra đi mãi mãi. Nghệ thuật ẩn dụ chuyển đổi cảm giác "nghe" thấy điều chỉ có thể cảm nhận - "nhói ở trong tim" giúp khắc sâu, nhấn mạnh nỗi đau như đang quặn thắt, xót xa và đau đớn vô cùng. Người đọc chợt nhớ đến những vần thơ nghẹn ngào của Tố Hữu khi khóc Bác:

"Bác đã đi rồi sao Bác ơi!
Mùa thu đang đẹp nắng xanh trời."

Hai bài thơ tuy viết ở hai thời điểm khác nhau nhưng đều chung nỗi xót xa đau đớn, chạm đến tâm hồn của bạn đọc.

Khổ thơ bày tỏ cảm xúc của Viễn Phương khi vào lăng viếng Bác một lần nữa nói hộ tấm lòng tiếc thương của biết bao người. Những vần thơ như nghẹn lại, rưng rưng mà cảm động nhưng vẫn không kém phần trang trọng, chỉnh chu. Bác vẫn sống trong lòng mỗi chúng ta, bởi "trời xanh là mãi mãi".

Phân tích khổ 3 bài thơ Viếng lăng Bác - Mẫu 2

Khổ thơ thứ ba là những cảm xúc của tác giả khi vào trong lăng, đứng trước di hài Bác. Bao tình cảm ấp ủ bấy lâu, nên khi bắt gặp bóng dáng thân yêu của Bác là trào dâng thổn thức. Hình ảnh Bác nằm trong lăng được diễn tả rất xúc động qua hai câu thơ:

Bác nằm trong lăng giấc ngủ bình yên
Giữa một vầng trăng sáng dịu hiền

Câu thơ gợi được sự yên tĩnh, trang nghiêm, ánh sáng dịu nhẹ trong lành và hình ảnh đẹp đẽ của Bác. Bằng tình cảm, nhà thơ thấy Bác như đang ngủ trong giấc ngủ bình yên giữa thiên nhiên đẹp và thơ mộng, Bác vẫn ở cùng ta, như nhà thơ Hải Như đã viết:

Suốt cuộc đời Bác có ngủ ngon đâu
Nay Bác ngủ chúng con canh giấc ngủ
(Chúng cháu canh giấc Bác ngủ, Bác Hồ ơi)

“Vầng trăng sáng dịu hiền” là ánh sáng của tình thương mến, nâng niu, vầng trăng ấy như ru Bác ngủ. Giấc ngủ của Bác là giấc ngủ trong tình thương yêu. Nhà thơ Phạm Ngọc Cảnh cũng đã viết:

Trong lăng Bác vừa chợp nghỉ
Như sau mỗi việc làm.
Trăng ơi trăng biết thế
Nên trăng bước nhẹ nhàng.
(Trăng lên)

Hình ảnh vầng trăng dịu hiền cũng gợi nghĩ đến tâm hồn cao đẹp, sáng trong của Bác và những vần thơ tràn ngập ánh trăng của Người.

Đến đây, cảm xúc ngưỡng mộ như lắng xuống nhường chỗ cho nỗi xót đau không thể kìm nén:

Vẫn biết trời xanh là mãi mãi
Mà sao nghe nhói ở trong tim!

“Trời xanh” cũng như “mặt trời”, “vầng trăng” là những hình ảnh của vũ trụ kì vĩ, vĩnh hằng, là ẩn dụ sâu xa gợi suy ngẫm về cái cao cả, vĩ đại, bất diệt, trường tồn ở Bác. Bác vẫn còn mãi với non sông đất nước, như trời xanh còn mãi (Bác sống như trời đất của ta Tố Hữu). Người đã hóa thân vào thiên nhiên, đất nước, dân tộc. Sự nghiệp của Người là bất tử. Dù vẫn tin như vậy, nhưng tình cảm xót thương không chấp nhận sự mất mát thực tế, trái tim vẫn đau nhói khi nghĩ rằng Bác không còn nữa. Nỗi đau xót được biểu hiện cụ thể, trực tiếp: "Mà sao nghe nhói ở trong tim”. Đó là nỗi đau vô hạn, là lòng thương xót rất thật, không lí do nào khuây khỏa được. Đó là tình cảm của đứa con về muộn bên di hài người cha.

Phân tích khổ 3 bài thơ Viếng lăng Bác - Mẫu 3

Bác Hồ là vị lãnh tụ vĩ đại, vị cha già đáng kính của cả dân tộc Việt Nam. Vì thế, sự ra đi của Bác là một sự mất mát to lớn của toàn thể dân tộc. Đã có rất nhiều vần thơ thể hiện lòng nhớ thương của những người con Việt Nam đối với Bác. Tuy là một bài thơ ra đời khá muộn, nhưng "Viếng lăng Bác" của Viễn Phương vẫn để lại trong lòng người đọc những cảm xúc sâu lắng, bởi đó là tình cảm của một người con miền Nam lần đầu được gặp Bác. Toàn bài thơ là một lời tâm sự thiết tha, là nỗi lòng thành kính và tha thiết của một người con miền Nam đối với Bác Hồ. Nhà thơ thể hiện tình cảm thiết tha của một người con miền Nam rõ rệt nhất ở trong khổ 3:

Bác nằm trong giấc ngủ bình yên
Giữa một vầng trăng sáng dịu hiền
Vẫn biết trời xanh là mãi mãi
Mà sao nghe nhói ở trong tim

Bài thơ không những chỉ thể hiện dòng cảm xúc trào dâng của nhà thơ mà còn thể hiện hình tượng lãnh tụ Hồ Chí Minh bằng những hình ảnh vừa quen thuộc, vừa giàu sức khái quát, vừa lung linh gợi cảm. Bằng cảm xúc chân thực và ngôn ngữ thơ gợi cảm, Viễn Phương đã nói hộ chúng ta một chân lý: Bác Hồ vĩ đại sống mãi trong lòng nhân dân ta.

Khổ thơ thứ ba tiếp tục diễn tả trình tự vào lăng của dòng người nhưng khoảnh khắc bây giờ là tác giả được đứng chiêm ngưỡng Bác trong lăng. Cảm xúc dồn nén, chất chứa thương yêu đem lại sự lắng sâu về vẻ đẹp tâm hồn Bác. Ở trên, Bác được so sánh với "mặt trời" thì ở khổ này Bác lại được đặt vào ánh sáng "vầng trăng".

Bác nằm trong giấc ngủ bình yên
Giữa một vầng trăng sáng dịu hiền

Thực ra, vầng trăng này là một liên tưởng sáng tạo của Viễn Phương, bởi lẽ trong lăng nhưng tâm hồn Bác luôn có vầng trăng tri kỷ. Tâm hồn Bác là tâm hồn thi nhân, trăng từng làm bạn với Người trong bao bài thơ khi bị giam cầm, lúc đi kháng chiến... nên giờ đây khi Người vào "giấc ngủ bình yên" thì dường như trăng lại toả sáng cốt cách thi nhân của Bác. Toát lên từ khuôn mặt Bác là vẻ đẹp mà tác giả cảm nhận như giấc ngủ bình yên, giấc ngủ của con người thanh thản vì đã làm tròn sứ mệnh với dân tộc, hoàn thành sự nghiệp cách mạng của mình. Nhà thơ sử dụng biện pháp nói giảm nói tránh không chỉ để giảm nhẹ nỗi đau trong lòng những người con Việt Nam, mà còn để ca ngợi sự ra đi nhẹ nhàng mà thanh thản của Bác. Không gian trong lăng Bác ngời sáng một ánh sáng dịu hiền, như ánh sáng của vầng trăng, người bạn tri kỷ của Bác. Câu thơ gợi cảm giác nghiêm trang, đến lúc đó mới cảm thấy nỗi đau mất mát.

Trong khoảnh khắc thiêng liêng bên cạnh Bác, một cảm giác đau xót bất chợt trỗi dậy trong lòng nhà thơ:

"Vẫn biết trời xanh là mãi mãi
Mà sao nghe nhói ở trong tim"

Tác giả nghĩ về "trời xanh" cũng có nghĩa là nghĩ đến thời điểm đất nước thanh bình, nhưng cũng là cách ẩn dụ nói về con người Bác đã hoà nhập vào vũ trụ vĩnh hằng. "Trời xanh" là hình ảnh ẩn dụ ngợi ca lối sống đẹp của Bác. Hai dòng thơ cho thấy rõ sự đối lập trong suy nghĩ và tình cảm. Nhà thơ và mọi người vẫn biết rằng Bác vẫn sống mãi trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, nhưng sự ra đi của Bác vẫn là một mất mát to lớn cho mọi người và đất nước Việt Nam. Nỗi đau quá lớn, vì vậy mà mọi lập luận đều trở nên vô nghĩa.Ý thơ này giống như câu thơ của một cao tăng Nhật Bản là thiền sư Ry

ê Osini từng viết:

Trời xanh đón người cứu nước về
Đau lòng chúng sinh trên đường mê
Xưa nay hiếm bậc lão anh kiệt
Chiếc lá thu bay trời ủ ê.

Nỗi đau là có thật, xuất phát từ sâu thẳm trái tim của đứa con miền Nam ra thăm Bác ngày đất nước đã hoàn toàn thống nhất. Đây là lần đầu tiên Viễn Phương được gặp Bác. Trong suốt những năm đất nước bị chia cắt, nhân dân miền Nam quyết tâm chiến đấu, ai cũng mong có lúc:

"Miền Nam chiến thắng mơ ngày hội
Đón Bác vào thăm thấy Bác cười"

Nhưng, niềm mong ước ấy không bao giờ thành hiện thực. Bác đã ra đi khi chưa thực hiện được niềm mong ước cuối cùng là vào Nam gặp mặt đồng bào, những người con vẫn ngày đêm mong nhớ được gặp mặt Bác.

"Bác nhớ miền Nam nỗi nhớ nhà
Miền Nam mong Bác nỗi mong cha"

Vì vậy, sự ra đi của Bác là một mất mát to lớn không gì bù đắp được đối với một người con Nam Bộ như Viễn Phương. Ngày hội non sông không chứng kiến nụ cười của Bác rạng rỡ,.

Khổ thơ giàu chất trữ tình đằm thắm, thiết tha. Với giọng điệu và những hình ảnh ẩn dụ giàu tính biểu cảm đã thể hiện tình cảm chân thành, thiết tha, sâu sắc của nhà thơ và đồng bào miền Nam đối với Bác Hồ, vị lãnh tụ muôn vàn kính yêu của dân tộc. Bác tuy đã đi xa nhưng những phẩm chất cao đẹp, sự cống hiến to lớn, cao cả và sự nghiệp cách mạng vĩ đại của Bác sẽ luôn sống trong hàng triệu trái tim của những người con đất Việt.

Phân tích khổ 3 bài thơ Viếng lăng Bác - Mẫu 4

Chủ tịch Hồ Chí Minh – vị cha già kính yêu của dân tộc Việt Nam, danh nhân văn hóa thế giới – Người đã cống hiến trọn đời vì sự nghiệp giải phóng đất nước. Bác ra đi khi bước sang tuổi 79, để lại biết bao nỗi thương nhớ và xót xa cho Tổ quốc. Có nhiều nhà thơ, nhà văn đã viết về Bác bằng niềm trân trọng, xót thương vô hạn, trong đó “Viếng lăng Bác” của Viễn Phương là một trong những bài thơ xuất sắc nhất. Bài thơ thể hiện cảm xúc của nhà thơ cũng như người dân Nam bộ ra viếng lăng Bác đều bồi hồi, xúc động.

Khi hòa vào dòng người cùng nhau vào viếng lăng Bác, khi nhìn thấy Bác nằm ngủ ngon thì cảm xúc của nhà thơ lại được đẩy lên cao, niềm cảm xúc đó được thể hiện rõ trong khổ 3 của bài thơ “viếng lăng Bác” của Viễn Phương:

“Bác nằm trong giấc ngủ bình yên
Giữa vầng trăng sáng dịu hiền”

Viễn Phương nhìn thấy Bác và miêu tả bằng phép nói giảm, nói tránh. Câu thơ nói lên sự bình yên, thanh thản của Bác Hồ trong giấc ngủ ngàn thu, phải là một người sống có ích, hy sinh cho nước, cho dân, vì thế đến phút cuối người ra đi mà không hề ân hận, tiếc nuối. Vì thế dù đã về cõi vĩnh hằng, người say giấc ngủ ngàn thu mà chúng ta vẫn thấy được sự bình yên, thư thái, thanh thản. Bác vẫn chỉ “ngủ” mà thôi, ý nói là Bác vẫn còn sống mãi cùng chúng ta.

Nhìn vào giấc ngủ của Bác mà ta có thể liên tưởng tới một vầng ánh sáng dịu dàng bao phủ quanh nơi Bác nằm, vầng sáng ấy giúp nhà thơ liên tưởng tới vầng trăng. Vầng trăng vốn là người bạn tâm giao của Bác, trong suốt cuộc đời của mình, bác đã nhiều lần trò chuyện, tâm sự và làm thơ cùng với và về trăng, trăng là hình ảnh dịu nhẹ, thanh tịnh. Những vần thơ đẹp của Bác về vầng trăng vẫn nói cho chúng ta về tình yêu thiên nhiên, về tâm hồn thi sĩ, về niềm lạc quan, yêu đời, vui sống của Bác. Và khi Viễn Phương nhắc tới hình ảnh “vầng trăng” đã cho ta liên tưởng tới tâm hồn cao đẹp, lãng mạn và trong sáng của Bác Hồ.

Nhìn thấy Bác nỗi đau của nhà thơ không thể nào kìm nén:

“Vẫn biết trời xanh là mãi mãi
Mà sao nghe nhói ở trong tim.”

Tác giả sử dụng hình ảnh “trời xanh” để nói tới sự bất tử của Bác. Con người ai cũng vậy đều phải theo quy luật sinh, lão, bệnh, tử nghĩa là ai được sinh ra, lớn lên và già đi, rồi đến lúc mất, đi vào thiên thu, cõi vĩnh hằng, Bác cũng không ngoại lệ. chúng ta ai cũng biết rằng Bác đã mất những hình ảnh của Bác vẫn sống mãi trong trái tim dân tộc Việt Nam, Bác vẫn luôn luôn song hành và dõi theo từng bước đi của dân tộc. Thế nhưng nhận thức là như vậy nhưng trái tim vẫn có lý lẽ riêng của nó, trái tim của nhà thơ vẫn nhói đau, “nhói” là sự biểu cảm như nỗi đau xót đến xé lòng của tác giả.

Tác giả sử dụng từ ngữ biểu cảm, phép đối lập giữa lý trí và cảm xúc thể hiện một cách trực tiếp nỗi đau xót, niềm tiếc thương của nhà thơ, nỗi đau ấy bất chấp cả nhận thức của lý trí, của con tim và tưởng rằng dường như có thể xoa dịu được nhưng thật sự nó vẫn đau, nỗi đau không thể nào kìm nén được.

Giáo sư Trần Đình Sử cũng đã cảm nhận rất hay về hai câu thơ trên: “dù biết Bác vẫn sống vĩnh hằng như trời xanh, thì cũng không che giấu được sự thật mất mát, đau nhói con tim. Câu thơ nghe như một tiếng khóc nghẹn ngào”

Một con người có tâm hồn thanh bạch, sáng trong đã cống hiến cả cuộc đời mình cho nước non, cho dân tộc, khi người ra đi, niềm tiếc thương vô bờ bến đã khiến những người con như Viễn Phương ra thăm Bác mà trong lòng không day dứt nỗi đau, dù đã cố kìm nén nhưng đứng trước Bác thì nó cứ tự tuôn ra và không ngừng được. Vẫn biết Bác là trường tồn, là vĩnh cửu vậy sao vẫn đau nhói ở trong tim, ai cũng thế, nhà thơ cũng vậy dù đã dặn lòng mình không cho phép bản thân được khóc trước Bác nhưng thực tế không làm được.

Cảm nhận ý nghĩa khổ 3 bài thơ Viếng lăng Bác

Khổ thơ 3 bài thơ “Viếng lăng Bác” thể hiện sâu sắc và cảm động cảm xúc thiêng liêng nhất của nhà thơ đối với Bác Hồ kính yêu. Sau những cảm tưởng, nhà thơ hướng về Bác, nhìn ngắm người trong niềm xúc động thiêng liêng:”

“Bác nằm trong giấc ngủ bình yên
Giữa một vầng trăng sáng dịu hiền
Vẫn biết trời xanh là mãi mãi
Mà sao nghe nhói ở trong tim”.

Không gian trong lăng thanh khiết, yên tĩnh; ánh sáng dịu nhẹ như ánh sáng toả ra từ vầng trăng hiền hoà. Tuy ý thức rằng Bác vẫn còn sống mãi trong sự nghiệp cách mạng và tâm trí của nhân dân như bầu trời xanh vĩnh viễn trên cao, nhưng nhà thơ vô cùng đau xót vì Bác đã về cõi vĩnh hằng.

Nhà thơ vào lăng, được thấy Bác nằm trong giấc ngủ bình yên giữa một vầng sáng nhẹ nhẹ, dịu hiền. Ánh sáng ấy nơi Bác nằm được nhà thơ miêu tả như ánh sáng một vầng trăng dịu hiền:

“Bác nằm trong giấc ngủ bình yên
Giữa một vầng trăng sáng dịu hiền”

Ánh sáng của những ngọn đèn mờ ảo trong lăng gợi nhà thơ liên tưởng thú vị: ánh trăng. Tác giả thể hiện sự am hiểu của mình về sự liên tưởng kì lạ đó. Bởi trăng với Bác từng là người bạn tri âm, tri kỉ.

Ánh trăng bát ngát đã cùng Bác nơi rừng núi: “Trăng lồng cổ thụ, bóng lồng hoa”. Trăng đến tâm sự cùng người như người bạn thân: “Trăng vào cửa sổ đòi thơ”. Trăng đồng hành cùng Người trong những nhiệm vụ: “Khuya về bát ngát trăng ngân đầy thuyền”. Trăng theo gót chân người nhà lao, trên chiến trận, giờ đây trăng cũng đến bên giấc ngủ của Người. Người bạn thủy chung ấy luôn ở cạnh Người, không bao giờ lìa xa.

Với hình ảnh vầng trăng sáng dịu hiền dụng ý của nhà thơ muốn tạo ra một hệ thống hình ảnh vũ trụ để ví với Bác. Người có lúc như mặt trời rực rỡ ấm áp, có lúc dịu hiền như ánh trăng rằm. Bác của chúng ta là như vậy. Mặt trời, ánh trăng, trời xanh đó là những cái mênh mông, bao la bất diệt của vũ trụ được nhà thơ ví với cái bao la, rộng lớn trong tình thương của Bác. Đó cũng là biểu hiện vĩ đại, rực rỡ cao siêu của con người và sự nghiệp của Bác.

Niềm xúc động thành kính và nỗi đau xót của nhà thơ đã được thể hiện rất chân thành và sâu sắc:

Vẫn biết trời xanh là mãi mãi
Mà sao nghe nhói ở trong tim”

Đây là cái giật mình thảng thốt, một sự mâu thuẫn giữa lí trí và tình cảm. Lí trí tin rằng Bác vẫn còn sống mãi cùng non sông đất nước, như trời xanh còn mãi trên đầu: “Bác sống như trời đất của ta” (Tố Hữu). Nhưng trái tim lại không thể không đau nhói, xót xa vì sự ra đi của Bác. Đó là nỗi đau oà ra từ đáy sâu của trái tim: Bác mất rồi! Bác không thể gặp mặt với những đứa con miền Nam mà Người hằng chờ mong.

Khổ thơ 3 khép lại nghẹn ngào. Dẫu biết Bác mãi mãi còn đó nhưng nhưng giờ người không thể chứng kiến nền độc lập của dân tộc và cùng nhân dân tận hưởng nền hòa bình. Nghĩ về điều đó, nhà thơ tuôn trào nước mắt.

Cảm nhận khổ 3 bài thơ Viếng lăng Bác

“Bác nhớ miền Nam nỗi nhớ nhà
Miền Nam mong Bác nỗi mong cha”.

Bác Hồ, một lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam, một người cha kính yêu mà ai ai cũng đều ngưỡng mộ và yêu mến. Trong cuộc đời hoạt động sự nghiệp của mình, đã có nhiều khó khăn, thử thách đã đến với đất nước Việt Nam nhưng chưa một lần Bác từ bỏ và luôn tìm cách để giúp đất nước ta được hòa bình và thống nhất. Bác là một người vừa giản dị, vừa hội tụ đầy đủ những phẩm chất tốt đẹp đáng để học hỏi và ngưỡng mộ.

Nhưng giờ đây, Bác đã không còn nữa, Bác đã đi xa nhưng chắc rằng người cha vĩ đại ấy sẽ luôn sống mãi trong lòng dân tộc Việt Nam. Và, với Viễn Phương, một người con miền Nam vô cùng thương yêu và kính trọng Bác, đã có dịp ra thăm lăng Bác với những cảm xúc vô cùng nghẹn ngào và bồi hồi khi được nhìn thấy Bác trong một giấc ngủ yên bình.

“Bác nằm trong giấc ngủ bình yên
Giữa một vầng trăng sáng dịu hiền
Vẫn biết trời xanh là mãi mãi
Mà sao nghe nhói ở trong tim”.

Bài thơ Viếng lăng Bác được tác giả Viễn Phương sáng tác trong một hoàn cảnh hết sức đặc biệt. Khi đó, đất nước ta vừa trải qua cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước để rồi đất nước Việt Nam đã được thống nhất toàn vẹn. Cùng lúc đó, tác giả đã có dịp ra thăm lăng Bác dù khoảng cách có xa xôi đến đâu thì cuối cùng tác giả đã được nhìn thấy Bác.

Để rồi bài thơ được ra đời bằng những cảm xúc chân thật và xúc động của một người con miền Nam dành cho Bác. Đặc biệt là khổ 3 của bài thơ đã diễn tả đầy đủ những cảm xúc và niềm tiếc thương sâu sắc của Viễn Phương dành cho chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại:

“Bác nằm trong giấc ngủ bình yên
Giữa một vầng trăng sáng dịu hiền”.

Chỉ vỏn vẹn hai dòng thơ nhưng Viễn Phương đã mang đến cho người đọc những cảm xúc vô cùng thiêng liêng và xúc động khi cuối cùng tác giả đã được tận mắt chứng kiến gương mặt của Bác trong giấc ngủ vô cùng bình yên và nhẹ nhàng. Trong cuộc đời hoạt động sự nghiệp của mình, đã có những khó khăn tưởng chừng như không thể giải quyết được, nhưng Bác chưa một lần từ bỏ.

Bằng những sự cố gắng của mình, bằng phong thái thanh cao luôn toát ra ở con người Bác thì những khó khăn ấy chẳng là gì. Bác đã có một cuộc đời vô cùng vất vả và gian lao, phải luôn lo nghĩ cho sự bình yên của đất nước, phải luôn quan tâm đến từng miếng cơm manh áo của dân tộc Việt Nam.

Phải có một tình yêu thương lớn lao đến thế nào thì Bác mới dành trọn tâm huyết của mình cho dân tộc và đất nước Việt Nam. Vì, Bác đã từng phải đối diện với chiến tranh và bom đạn của kẻ thù, Bác đã từng rơi vào hoàn cảnh đất nước có nguy cơ rơi vào tay giặc khi bị giặc xâm lược nhưng Bác đã hoàn thành sự nghiệp cách mạng của cuộc đời mình một cách xuất sắc để rồi sau tất cả, đất nước Việt Nam đã được thống nhất nhưng Bác thì đã đi xa mãi và chẳng bao giờ quay trở về.

Khi Viễn Phương được nhìn thấy Bác, Bác đang trong một giấc ngủ vô cùng yên bình và nhẹ nhàng. Ngay cả khi ngủ, cái sự thanh cao, cái phong thái ung dung vẫn hiện rõ qua nét mặt của Bác. Giấc ngủ của Bác chẳng còn phải lo nghĩ một điều gì nữa, vì giờ đây đất nước đã được thống nhất, Bác có thể yên tâm và không phải lo lắng thêm điều gì. Viễn Phương đã mang vầng trăng sáng dịu hiền đến bên cạnh Bác, vì vầng trăng đã gắn bó với con người trong bao khoảnh khắc, dù là khi chiến tranh hay khi thời bình, vầng trăng ấy đã luôn gắn liền với hình ảnh con người.

Vầng trăng đẹp đẽ ấy đã từng là một người bạn thân thiết với Bác trong những ngày tháng kháng chiến vô cùng vất vả và gian lao, vầng trăng ấy đã từng gắn bó với Bác của những ngày đất nước chưa được hòa bình để rồi giờ đây vầng trăng ấy sẽ tỏa sáng cho giấc ngủ của Bác được bình yên và nhẹ nhàng. Giờ đây, trăng sẽ là một người bạn, sẽ là một người lính canh gác cho Bác được ngủ ngon giấc và Bác sẽ chẳng bao giờ cô đơn một mình vì luôn có trăng và có tất cả những người con của đất nước Việt Nam luôn dõi theo và bên cạnh Bác.

Giữa những cảm xúc vô cùng trào dâng và mãnh liệt ấy, cuối cùng Viễn Phương cũng đã chấp nhận một sự thật rằng, Bác đã đi xa mãi mãi nhưng hình ảnh đẹp đẽ của Người vẫn luôn nằm một góc nhỏ trong tim không chỉ riêng tác giả mà còn có cả bao thế hệ của dân tộc Việt Nam:

“Vẫn biết trời xanh là mãi mãi
Mà sao nghe nhói ở trong tim”.

Cảm nhận khổ 3 bài Viếng lăng Bác đặc biệt trong hai câu cuối ta thấy Viễn Phương đã sử dụng hình ảnh ẩn dụ về trời xanh để muốn nói rằng giấc ngủ của Bác tựa như trời xanh vậy. Trời xanh thì luôn tồn tại và hiện hữu mãi trong mọi khoảnh khắc của con người, và giấc ngủ của Bác cũng vậy, dù Bác đã thật sự đi xa nhưng chỉ là Bác đang ngủ một giấc ngủ dài thật bình yên và sẽ không còn điều gì khiến Bác phiền lòng nữa.

Bác ra đi để lại một nỗi mất mát quá lớn đối với đất nước và dân tộc Việt Nam nhưng hình ảnh của Bác vẫn sẽ luôn xuất hiện và tồn tại mãi trong lòng mọi người.

Khổ thơ thứ 3 với những cảm xúc vô cùng chân thật của tác giả đã đưa người đọc trở về những khoảnh khắc vô cùng thiêng liêng của vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc. Tác giả đã sử dụng những thủ pháp nghệ thuật so sánh, nhân hóa vô cùng thành công để so sánh Bác với những điều đẹp đẽ của thiên nhiên đất trời và để diễn tả những cảm xúc và tình cảm của một người con miền Nam dành cho Bác. Bác Hồ sẽ sống mãi trong lòng mọi người dân Việt Nam, dù Bác đã đi xa nhưng tài năng, sự hết lòng vì đất nước của Bác sẽ được mọi người khắc ghi trong lòng để rồi Bác sẽ là một tấm gương sáng để bao thế hệ noi theo.

Liên kết tải về

pdf Văn mẫu lớp 9: Phân tích khổ 3 bài thơ Viếng lăng Bác của Viễn Phương
doc Văn mẫu lớp 9: Phân tích khổ 3 bài thơ Viếng lăng Bác của Viễn Phương 1

Chủ đề liên quan

Học tập

Lớp 9

Văn 9

Chia sẻ

Chia sẻ qua Facebook Chia sẻ

Liên hệ hợp tác hoặc quảng cáo: gmail

Điều khoản dịch vụ

Copyright © 2021 HOCTAPSGK