Phân tích nhân vật Giang trong tác phẩm Giang của Bảo Ninh mang đến gợi ý cách viết và bài văn mẫu hay nhất. Qua đó giúp các bạn lớp 10 có thêm nhiều gợi ý tham khảo để nhanh chóng biết cách viết bài văn phân tích nhân vật hay.
Qua phân tích nhân vật Giang nhà văn muốn gửi gắm niềm tin, tình yêu vào vẻ đẹp của những con người bình thường trong thời chiến. Dù ở nơi đâu, vùng quê nào chúng ta cũng có thể bắt gặp những cô gái như Giang. Vậy sau đây là bài văn mẫu phân tích nhân vật Giang mời các bạn cùng đón đọc.
Phân tích nhân vật Giang hay nhất
Dàn ý phân tích nhân vật Giang
I. Mở bài:
– Giới thiệu tác phẩm Giang của Bảo Ninh.
– Giới thiệu và nêu đánh giá khái quát về nhân vật Giang: Cô gái có tâm hồn đẹp đẽ, trái tim trong sáng, ấm áp và nhân hậu.
II. Thân bài:
– Mẹ mất, anh trai vừa đi Bê tháng trước.
– Được bố đón từ Hà Nội lên ăn Tết cùng.
– Ở trong một túp nhà nhỏ đơn sơ mà bố mượn được từ một người quen ở thị trấn.
– Sống cô đơn vì bố bận bịu việc chiến sự.
2. Tính cách, phẩm chất của nhân vật Giang.
– Giang ân cần, tinh tế và chu đáo:
- Múc nước hộ anh lính khi thấy tay anh lấm lem bùn đất.
- Xối nước cho anh lính rửa tay.
- Lặng lẽ tự mình gột rửa cho anh lính từ bàn chân, bắp chân, ngón chân đến cả đôi dép đúc.
– Hiếu khách và rất hồn nhiên, vô tư:
- Xởi lởi mời anh về nhà mình làm khách.
- Dọn cả cơm đề mời anh lính dùng bữa cùng hai bố con mình.
- Phịa ra cái tên Hùng và việc hai người là bạn cũ để bố đỡ làm khó anh lính.
- Nũng nịu nhờ bố xin phép cho anh lính khỏi điểm danh.
- Lấy cả xe đạp của bố để đưa anh lính về đơn vị cho kịp giờ.
- Mời anh lính Tết ra chơi cùng hai bố con.
– Ẩn chứa nhiều tâm sự:
- Kể rất nhiều chuyện về bản thân.
- Hoàn cảnh sống cô đơn tại nơi thị trấn nhàm chán khiến cô khao khát có một người bạn để chuyện trò, tâm sự.
- Tiếng thở dài trước khi chia tay anh lính trẻ.
– Trọng tình nghĩa: Thể hiện qua lời kể của vị tham mưu trưởng:
- “Giang nó cứ nhắc cậu mãi”.
- “Nó cứ buồn vì không gặp lại được cậu trước khi chúng ta lên đường”.
- “Giang nó có gởi cháu tấm ảnh của nó…”.
3. Nghệ thuật xây dựng nhân vật Giang.
– Xây dựng nhân vật chân thực, gần gũi.
– Tính cách nhân vật thể hiện qua hành động và lời nói.
– Lấy điểm nhìn từ nhân vật khác, giúp người đọc có cái nhìn khái quát, khách quan hơn.
III. Kết bài:
– Khẳng định lại cảm nghĩ của bản thân về nhân vật Giang.
– Liên hệ mở rộng.
Phân tích nhân vật Giang
Cuộc sống của con người trong thời chiến là một đề tài hết sức thú vị, được nhiều nhà văn, nhà thơ khai thác. Qua những trang sách, họ đã tái hiện vô số đau thương, mất mát mà chiến tranh mang lại. Truyện ngắn “Giang” của Bảo Ninh cũng vậy. Bằng giọng điệu điềm tĩnh, nhẹ nhàng, tác giả đã mang đến cho độc giả bức tranh đời thường giản dị của những người chiến sĩ cùng tình cảm quân – dân gắn bó, thân thiết. Người thể hiện được rõ ràng nhất chủ đề tác phẩm có lẽ chính là nhân vật Giang – cô gái trẻ hồn nhiên, vô tư mà cũng hết sức ân cần, chu đáo.
Trước hết, có thể thấy cô gái Phạm Nhật Giang đã phải sống trong một hoàn cảnh khá khó khăn. Nhà cô vốn ở Khâm Thiên, ngõ Chợ nhưng giờ lại phải chuyển sang sống tại một nơi đơn sơ, “mái gianh vách đất”, “không có đồ đạc gì”. Theo lời kể của nhân vật “tôi“, mẹ của Giang đã qua đời, anh trai cô thì lại vừa phải lên đường làm nhiệm vụ chi viện cho chiến trường miền Nam. Bố cô là một trung tá, ngày nào cũng hết sức bận rộn. Ông đã mượn được túp nhà nhỏ kia từ một người quen trong thị trấn để đón con gái lên ăn Tết cùng. Tuy vậy nhưng với tình hình chiến sự căng thẳng, các cuộc họp gấp về khuya ngày một nhiều nên ông cũng chẳng có mấy lúc ở cùng Giang. Mới từ Hà Nội lên, lại một thân một mình ở cái “thị trấn khỉ ho cò gáy”, “buồn ơi là buồn” này, cô gái chắc chắn đã rất vui khi bất ngờ tự tìm cho mình thêm một người bạn.
Tuy ở trong hoàn cảnh sống cô đơn, buồn chán ấy nhưng Giang vẫn sáng lên với vẻ đẹp tâm hồn đáng quý cùng sự nhiệt tình của tuổi trẻ. Đây là một cô gái ân cần, chu đáo và tinh tế. Điều đó được thể hiện rất rõ qua cuộc gặp gỡ bất ngờ với anh bộ đội. Thấy chàng trai lấm lem bùn đất, cô chủ động đề nghị múc nước giúp anh rửa tay chân. Nhưng không chỉ vậy, cô còn tự tay kì cọ giúp chàng lính trẻ: “một tay nghiêng gầu nước dội nhè nhẹ, một tay cô cọ bùn đất ở bàn chân, ngón chân, bắp chân” anh, không quên cọ kĩ cả đôi dép đúc. Điều này khiến cho chàng trai kia “đứng yên”, “sững lặng” trước “cái ân tình hồn nhiên và bất ngờ ấy”.
Giang còn là một cô gái rất vô tư và hiếu khách. Cô nhiệt tình mời anh lính về nhà mình nghỉ ngơi uống nước, dọn cả cơm lên cho anh dùng. Có thể đó là vì Giang thấy anh là bộ đội, làm công việc bảo vệ Tổ quốc giống bố mình nên rất có thiện cảm. Khi bố hỏi, cô lập tức “phịa” ra cái tên Hùng và câu chuyện về người bạn học lâu không gặp để bố đỡ làm khó chàng lính. Cô nũng nịu nhờ bố xin cho anh khỏi phải điểm danh để ngồi trò chuyện thêm cùng mình, mượn cả xe đạp của bố để đưa anh về đơn vị cho kịp giờ. Thậm chí, Giang còn mời chàng lính Tết về chơi cùng hai bố con cô. Tất cả hành động trên thoạt nhìn có vẻ hơi quá, khiến cậu kia hoảng hốt, bối rối. Thực chất, đó lại là điều thể hiện sự hồn nhiên, vô tư của một cô gái trẻ. Điều này đã giúp kéo gần khoảng cách của đôi bạn, làm cho họ trở nên cởi mở, thoải mái chuyện trò hơn.
Không chỉ vậy, ta cũng thấy chất chứa trong lòng cô gái hồn nhiên ấy lại là vô vàn tâm sự. Trên đường đưa anh lính về đơn vị, cô kể rất nhiều chuyện về bản thân, bộc bạch nỗi lòng buồn chán của mình. Phải ở lại nơi thị trấn buồn chán một mình, Giang gần như không có ai để bầu bạn. Vậy nên cô đã phải vui biết bao khi tình cờ gặp được anh lính trẻ. Và đến sau cùng, không ai lí giải được tiếng thở dài của Giang khi chia tay là gì. Điều này lại càng khó để tìm hiểu hơn bởi đó là lần đầu cũng như lần cuối nhân vật “tôi” gặp Giang.
Ngoài ra, ta còn thấy được ở Giang một tấm lòng nghĩa tình sâu sắc. Điều này được thể hiện qua cuộc trò chuyện giữa nhân vật “tôi” với vị tham mưu trưởng: “Giang nó cứ nhắc cậu mãi”, “Nó cứ buồn vì không gặp lại được cậu trước khi chúng ta lên đường”, “Giang nó có gởi cháu tấm ảnh của nó…”. Từ đó, sự mong chờ và nhung nhớ của Giang dành cho anh lính trẻ hiện lên rất rõ ràng. Nhưng đó cũng là chi tiết khiến độc giả day dứt mãi bởi cuộc hội ngộ giữa hai người dường như không dễ để thành sự thực.
Qua nhân vật Giang, ta cũng thấy được ngòi bút xây dựng nhân vật hết sức tài ba của người nghệ sĩ. Tác giả Bảo Ninh đã miêu tả cô gái trẻ Phạm Nhật Giang một cách chân thực, sống động. Tính cách của nhân vật hoàn toàn được thể hiện qua những hành động nhiệt tình, tinh tế và lời nói hồn nhiên. Nhà văn đã đặt điểm nhìn vào người chiến sĩ trẻ, từ đó khắc họa nên bức chân dung về một cô gái tốt bụng, vô tư. Việc này khiến cho độc giả có được sự đánh giá khái quát nhất về nhân vật này.
Truyện ngắn Giang đã mang đến cho kho tàng văn học Việt Nam thêm một cô gái hồn nhiên, vui tươi và giàu lòng yêu thương trong thời bom đạn khốc liệt. Chiến tranh đi qua để lại biết bao hậu quả đau thương. Ta cũng không có thêm thông tin gì về cuộc sống của Giang sau khi vị trung tá hi sinh. Tất cả những gì đọng lại trong tâm trí của người đọc cũng như của chính nhân vật “tôi” chỉ là cô bé Nhật Giang hồn nhiên, vui vẻ, lạc quan bất chấp hoàn cảnh. Nhưng qua đó, ta cũng thấy được biết bao hi sinh của con người để đổi lại sự tự do cho dân tộc. Hãy biết yêu quý, trân trọng nền hòa bình mà ta đang có, đồng thời góp công xây dựng xã hội ngày một phát triển vững mạnh hơn.
Với một cốt truyện nhẹ nhàng, không có nhiều tình tiết li kì, truyện ngắn Giang của Bảo Ninh vẫn chiếm trọn tình cảm của độc giả. Hình ảnh cô gái người Hà Thành hoạt bát, sôi nổi, nhiệt tình Nhật Giang đã được ngòi bút của Bảo Ninh khắc họa bằng sự tin yêu, trân trọng. Nhân vật ấy chính là linh hồn của tác phẩm.