TOP 8 bài Phân tích nhân vật Đôn Ki-hô-tê trong truyện Đánh nhau với cối xay gió, kèm theo dàn ý chi tiết. Qua đó, giúp cho các em học sinh lớp 8 thấy rõ sự ngông cuồng, mê muội của hiệp sĩ Đôn Ki-hô-tê.
Qua đoạn trích “Đánh nhau với cối xay gió”, đã cho chúng ta thấy Đôn Ki-hô-tê là một con người có lí tưởng tốt đẹp nhưng vì mê muộn những tác phẩm tiểu thuyết kiếm hiệp lỗi thời nên hành động mê muội. Mời các em cùng tải miễn phí bài viết dưới đây để ngày càng học tốt môn Văn 8:
Phân tích nhân vật Đôn Ki-hô-tê trong truyện Đánh nhau với cối xay gió
- Dàn ý phân tích nhân vật Đôn Ki-hô-tê
- Phân tích nhân vật Đôn Ki-hô-tê - Mẫu 1
- Phân tích nhân vật Đôn Ki-hô-tê - Mẫu 2
- Phân tích nhân vật Đôn Ki-hô-tê - Mẫu 3
- Phân tích nhân vật Đôn Ki-hô-tê - Mẫu 4
- Phân tích nhân vật Đôn Ki-hô-tê - Mẫu 5
- Phân tích nhân vật Đôn Ki-hô-tê - Mẫu 6
- Phân tích nhân vật Đôn Ki-hô-tê - Mẫu 7
- Phân tích nhân vật Đôn Ki-hô-tê - Mẫu 8
Dàn ý phân tích nhân vật Đôn Ki-hô-tê
I. Mở bài
- Giới thiệu tác giả, tác phẩm: Tiểu thuyết “Đôn Ki-hô-tê” là tác phẩm tiêu biểu nhất của nhà văn Xéc-van-téc, nhà văn nổi tiếng của văn học Tây Ban Nha.
- Giới thiệu và khái quát nhân vật: Qua đoạn trích “Đánh nhau với cối xay gió”, nhân vật chính - Đôn Ki-hô-tê hiện lên với những phẩm chất của một người hiệp sĩ giang hồ dù đó chỉ là sự ngô nghê, ảo tưởng, hão huyền.
II. Thân bài
1. Nguồn gốc xuất thân và ngoại hình
- Đôn Ki-hô-tê là một lão quý tộc nghèo vì quá say mê truyện hiệp sĩ nên muốn trở thành hiệp sĩ giang hồ.
- Ngoại hình: gầy gò, cao lênh khênh, cưỡi trên lưng một con ngựa còm Rô-xi-nan-tê.
2. Phẩm chất, tính cách
* Lòng dũng cảm của một hiệp sĩ giang hồ trừ gian diệt ác, cứu người lương thiện
- Khi gặp những chiếc cối xay gió, Đôn Ki-hô-tê đã mường tượng chúng thành những kẻ khổng lồ xấu xa. Vì vậy ông đã quyết tâm một mình lao vào “giao chiến giết hết bọn chúng” và “quét sạch cái giống xấu xa này khỏi mặt đất”.
- Trên con đường phiêu lưu của mình, Đôn Ki-hô-tê luôn chọn những con đường có nhiều nguy hiểm bởi lẽ trên những con đường ấy mới có thể “gặp nhiều chuyện phiêu lưu khác nhau”.
- Sau khi thất bại ở cuộc chiến với cối xay gió, Đôn Ki-hô-tê dùng luôn 1 cành cây khô gắn cái mũi sắt để làm thành ngọn giáo, sẵn sàng chuẩn bị cho cuộc chiến tiếp theo.
=> Lòng dũng cảm, sẵn sàng đương đầu với khó khăn dù những điều đó chỉ là Đôn Ki-hô-tê tự tưởng tượng mà ra.
* Coi khinh những điều tầm thường, thực dụng của con người
- Dù bị thương sau trận chiến, Đôn Ki-hô-tê vẫn không kêu than, rên rỉ bơi theo ông, hiệp sĩ giang hồ sẽ chẳng hề gì mấy vết thương đau đớn thể xác, dù “xổ cả gan ruột ra ngoài”. Đây có lẽ là điều ông đã học tập được từ các hiệp sĩ giang hồ trong những truyện phiêu lưu ông đã đọc.
- Đặc biệt, Đôn Ki-hô-tê không lấy việc ăn uống, rượu chè làm thích thú. Bởi đó chỉ là những nhu cầu của những con người tầm thường, thực dụng.
=> Đôn Ki-hô-tê coi thường những nhu cầu tầm thường của con người
* Tình yêu say đắm và tấm lòng thủy chung
- Đôn Ki-hô-tê say đắm một phụ nữ nông dân, thậm chí còn ban cho chị ta cái tên công nương Đuyn-xi-nê-a.
- Trong trận chiến với cối xay gió, Đôn Ki-hô-tê vẫn nghĩ đến người phụ nữ trong lòng ông và cầu mong nàng cứu giúp cho ông khỏi hiểm nguy. Dù trong lúc nguy nan nhất, Đôn Ki-hô-tê vẫn nghĩ đến người yêu và lấy đó làm động lực để chiến đấu mạnh mẽ hơn.
- Suốt đêm không ngủ để nghĩ tới nàng Đuyn-xi-nê-a của lão.
- Không cần ăn uống vì chỉ nghĩ đến người yêu cũng thấy no.
=> Mặc dù chỉ là do lão tự tưởng tượng theo truyện hiệp sĩ nhưng cũng có thể thấy, Đôn Ki-hô-tê là một người yêu say đắm, chung thủy.
III. Kết bài
- Khái quát lại nhân vật: Đôn Ki-hô-tê dù có những phẩm chất tốt nhưng lại là nhân vật đại diện cho những con người mơ mộng, ảo tưởng, hão huyền, không thực tế.
- Liên hệ, đánh giá sự thành công trong nghệ thuật xây dựng nhân vật của nhà văn nổi tiếng Xéc-van-téc.
Phân tích nhân vật Đôn Ki-hô-tê - Mẫu 1
"Đôn Ki-hô-tê" là tác phẩm nổi tiếng của nhà văn Xéc-van-téc và của nền văn học Tây Ban Nha. Đoạn trích "Đánh nhau với cối xay gió" là đoạn trích tiêu biểu góp phần làm nổi bật tính cách nhân vật chính: nhân vật Đôn Ki-hô-tê, một con người có lí tưởng tốt đẹp nhưng vì mê muội bởi những tác phẩm tiểu thuyết kiếm hiệp lỗi thời nên hành động mê muội, đáng cười.
Trên đường đi thực hiện những ý định viển vông, hai thầy trò phát hiện thấy ba bốn chục chiếc cối xay gió giữa đồng. Đôn Ki-hô-tê tưởng tượng đó là những tên khổng lồ, và quyết giao chiến. Bỗng lúc đó gió nổi lên, cối xay gió bắt đầu chuyển động và Đôn Ki-hô-tê càng hăng máu xông vào. Giáo gãy, ngựa và người văng ra, Đôn Ki-hô-tê bị đau như trời giáng. Kết cục, hai thầy trò đi về phía cảng La-pi-xê, vì Đôn Ki-hô-tê nghĩ: "con đường này có lắm người qua lại chẳng thể nào không gặp nhiều chuyện phiêu lưu khác nhau".
Đoạn trích này làm hiện lên rất rõ tính cách của Đô Ki-hô-tê. Sự mê muội do đọc quá nhiều sách kiếm hiệp đã khiến người hiệp sĩ tưởng những chiếc cối xay gió là bọn khổng lồ gian ác, sau đó lại tưởng là phép thuật của pháp sư Phơ-re-xtôn. Vì thế mà, không một chút ngần ngại, lão hiệp sĩ đã lao vào để tiêu trừ cái lũ gian ác ấy. Ước mơ và khát vọng của người hiệp sĩ không phải là không tốt đẹp và dũng cảm nếu đối thủ là quân gian ác thực sự, nhưng nó lại là hành động thật nực cười bởi đối thủ của anh ta lại là... những chiếc cối xay gió. Tính cách của Đôn Ki-hô-tê còn được thể hiện rõ ờ đoạn tiếp theo: lão bị trọng thương những không hề rên rỉ (lão cần phải chứng tỏ mình là một hiệp sĩ giang hồ); lão cũng không quan tâm đến chuyện ăn, chuyện ngủ bởi lão còn đang mơ đến... "tình nương".
Tuy có nhiều khía cạnh tốt đẹp nhưng vì ngấm quá nhiều truyện kiếp hiệp nên Đôn Ki-hô-tê trở thành một nhân vật nực cười, vừa đáng trách lại vừa đáng thương.
Phân tích nhân vật Đôn Ki-hô-tê - Mẫu 2
Đôn-ki-hô-tê là tác phẩm nổi bật nhất của nhà văn Xec-van-tec và văn học Tây Ban Nha. Bằng tài năng của mình, tác giả đã khắc họa thành công tính cách của nhân vật chính Đôn-ki-hô-tê và những bài học nhân sinh giá trị trong cuộc sống. Đoạn trích Đánh nhau với cối xay gió tuy chỉ là một trích đoạn nhỏ song cũng phần nào thấy được những tính cách điển hình của nhân vật này.
Đôn-ki-hô-tê là một người đã lớn tuổi, người gầy gò, cao lênh khênh, đọc truyện hiệp sĩ quá nhiều sinh ra bệnh ảo tưởng.Chính vì vậy ông đã tự phong mình là hiệp sĩ và lấy con ngựa gầy gò làm người bạn đồng hành. Không chỉ vậy, để biến mình thành một hiệp sĩ thực thụ, ông còn lôi những dụng cụ của tổ tiên để lại như giáo, áo giáp nhưng đều đã bị han rỉ để khoác lên mình. Nhìn bề ngoài quả thật Đôn-ki-hô-tê vô cùng đáng cười. Nhưng bên trong sâu thẳm lại mang mục đích cao cả, tốt đẹp, diệt trừ bọn gian ác, đem lại cuộc sống yên ấm, hạnh phúc cho nhân dân.
Mở đầu đoạn trích, ta vừa thấy cái nực cười của ông lại vừa thấy mục đích tốt đẹp mà ông mang trong mình. Nhìn thấy những chiếc cối xay gió, Đôn-ki-hô-tê lại nhầm tưởng rằng đó là những gã khổng lồ, chuyên làm những việc xấu xa. Bởi vậy, Đôn-ki-hô-tê không ngần ngại xông vào chúng và khẳng định “ Chớ có chạy trốn, lũ hèn mạt nhát gan kia, bởi duy nhất chỉ có một hiệp sĩ tấn công bọn mi là ta đây” . Trong câu nói của lão ta thấy sự kiên gan, dũng cảm, thấy được khí phách của một kẻ anh hùng mang trong mình tư tưởng lớn lao, trượng nghĩa. Mục đích của Đôn-ki-hô-tê hết sức đẹp đẽ, dù biết đây là cuộc chiến điên cuồng và không cân sức với những tên khổng lồ, bỏ mặc sự can ngăn của giám mã, ông vẫn lao lên để thực hiện lí tưởng của mình.
Chỉ tiếc rằng đầu óc của lão quá hoang đường, ảo tưởng nên phải chịu kết quả thảm bại, cả người và ngựa bị văng ra xa. Có lẽ vết thương không hề nhẹ. Dù bị thất bại, lão vẫn kiên quyết không nhận ra mình ảo tưởng, mà cho đó là vì pháp thuật của pháp sư thâm thù với lão, đã làm lão thất bại, để tước đi vinh quang mà đáng ra lão sẽ phải được hưởng. Mục đích tuy cao cả tốt đẹp nhưng hành động lại điên cuồng, hoang tưởng, mang tính chất phá phách, cùng với cái thua đau đớn khiến cho người đọc không khỏi bật cười.
Trong giờ khắc gian nan sau chiến đấu, lại chịu thất bại thảm hại và bị thương, nhưng Đôn-ki-hô-tê vẫn không hề nản lòng, không hề ai oán, rên rỉ, trái lại vẫn mang trong mình một niềm tin cháy bỏng vào những hành động trượng nghĩa. Đây quả là bản lĩnh đáng khâm phục mà tất cả chúng ta phải học tập và noi theo.
Vì bệnh hoang tưởng, vì chỉ đọc sách hiệp sĩ mà không căn cứ vào tình hình thực tế, nên sau khi đánh nhau với cối xay gió, lão vẫn giữ trong mình những ý nghĩa hoang đường, lãng mạn: “Ta không kêu đau là ì các hiệp sĩ giang hồ có bị thương như thế nào cũng không được rên rỉ, dù xổ cả ruột gan ra ngoài” . Chính những người hiệp sĩ trong những cuốn sách kiếm hiệp kia đã động viên, khích lệ tinh thần cho lão. Lão không cần ăn uống gì mà chỉ cần nghĩ về tình nương của mình là đã đủ no rồi.
Nghệ thuật kể chuyện tài tình, đã tái hiện thành công trận chiến điên cuồng và không cân sức giữa Đôn-ki-hô-tê và cối xay gió. Ngoài ra, ngôn ngữ, cử chỉ hành động của nhân vật được miêu tả hết sức kĩ lưỡng. Kết hợp với biện pháp đối lập tương phản đã làm nổi bật tính cách của nhân vật.
Đánh nhau với cối xay gió tuy chỉ là một đoạn trích ngắn nhưng cũng đã giúp người đọc hình dung một cách tương đối đầy đủ tính cách nhân vật. Đằng sau vẻ gàn dở, hoang tưởng khác người là một tâm hồn cao đẹp, yêu tự do, công lý và sẵn sàng chiến đấu vì những lý tưởng mà mình đã đề ra. Đồng thời ra cũng thấy được bút pháp xây dựng nhân vật, và nghệ thuật kể chuyện bậc thầy của nhà văn Xéc-van-téc.
Phân tích nhân vật Đôn Ki-hô-tê - Mẫu 3
Đôn Ki-hô-tê của Xéc-van-tét (1547 - 1616) là một kiệt tác văn chương của thời đại Phục hưng. Tác phẩm đã ghi lại bao chiến tích của người hùng Đôn Ki-hô-tê mà đỉnh cao là cuộc phiêu lưu đánh nhau với cối xay gió. Sự ngông cuồng của hiệp sĩ Đôn Ki-hô-tê là đỉnh cao của sự mê muội.
Sau trận đánh nhau với bọn lái buôn, vì họ không công nhận công nương Đuyn-xi-nê-a là đẹp nhất trần gian, Đôn Ki-hô-tê bị nện một trận nhừ tử, bị bắt đưa về làng một thời gian, giờ đây lão ta lại ra đi với mộng chiến công. Lần này có thêm quan giám mã Xan-chô Pan-xa theo hầu.
Trận đánh diễn ra vào lúc ban trưa. Từ xa nhìn thấy bốn chục cối xay gió giữa đồng, hiệp sĩ xứ Man-tra reo lên vì vận may đã tới. Quân địch là ba bốn chục tên khổng lồ ghê gớm, mỗi tên có cánh tay dài tới gần hai dặm. Lão quyết tiêu diệt lũ khổng lồ yêu quái này, trước là để thu chiến lợi phẩm mà trở nên giàu sang, sau nữa là để quét sạch lũ xấu xa này khỏi trái đất và để phụng sự Chúa! Mặc dù đã nhìn gà hóa cáo, nhưng mục tiêu chiến đấu của Đôn Ki- hô-tê không kém phần thiêng liêng! Giám mã đã hết lời can ngăn nhưng lão ta bỏ ngoài tai hết. Lão nạt giám mã: “Nếu anh sợ thì hãy lánh ra xa mà cầu kinh…”. Với sát khí đằng đằng, lão già hiệp sĩ thét lớn: “Chớ có chạy trốn”, lũ hèn mạt nhát gan kia, bởi duy nhất chỉ có một hiệp sĩ tấn công bọn mi đây. Lão vung giáo, cảnh cáo: “Dù cho bọn người có vung nhiều cánh tay hơn cả gã khổng lồ Bri-a-rê-ô các ngươi cũng sắp phải đền tội”. Trước khi xung trận, lão ta không quên cầu cứu nàng tình nhân Đuyn xi-nê-a phù hộ cho trong cơn nguy biến này.
Mê muội và ngông cuồng, lão lấy khiên che kín thân, tay lăm lăm ngọn giáo thúc con Rô-xi-nan-tê phi thẳng tới chiếc cối xay gió gần nhất. Lão dâm thẳng mũi giáo vào cánh quạt cối xay. Tưởng là tên khổng lồ sẽ máu đổ xương tan. Ai ngờ, gió nổi lên, cối xay gió quay tít, ngọn giáo lão hiệp sĩ gãy tan tành. Trên chiến địa cả ngựa và người ngã văng ra xa. Lúc giám mã thúc lừa tới cứu thì đã thấy chủ tướng nằm không cựa quậy.
Cảnh đánh nhau với cối xay gió thật hóm hỉnh, hài hước. Nghệ thuật dựng cảnh và kể chuyện tài tình đã tái hiện một trận đánh thời trung cổ. Ngôn ngữ, cử chỉ, hành động của Đôn Ki-hô-tê cho thấy sự ngông cuồng và mụ mẫm đã lên tới cực độ! Nhà văn Xec-van-tex đã sử dụng thủ pháp đối lập tương phản, phóng đại, trào lộng rất thành công để châm biếm các hiệp sĩ Tây Ban Nha thời Trung cổ đã quá lỗi thời. Đằng sau nụ cười chế giễu là sự hóm hỉnh đề cao tình yêu tự do, công lí, lòng yêu đời… mang tính nhân văn.
Phân tích nhân vật Đôn Ki-hô-tê - Mẫu 4
Xéc-van-tét là một nhà văn người Tây Ba Nha. Tác phẩm nổi tiếng nhất của ông là tiểu thuyết Đôn Ki-hô-tê. Nổi bật trong toàn bộ tác phẩm là đoạn trích “Đánh nhau với cối xay gió” khi đã khắc họa được hình ảnh nhân vật Đôn Ki-hô-tê.
Đôn Ki-hô-tê xuất thân từ tầng lớp quý tộc nghèo, là một người gầy gò, cao lênh khênh và rất thích đọc tiểu thuyết hiệp sĩ. Chính vì vậy, ông ta đã cưỡi con ngựa gầy gò là Rô-xi-nan-tê, cùng với bác giám mã Xan-chô Pan-xa thực hiện chuyến phiêu lưu của mình. Đoạn trích “Đánh nhau với cối xay gió” kể lại việc hai thầy trò đang trên đường phiêu lưu thì bắt gặp hàng chục chiếc cối xay gió. Đôn Ki-hô-tê một mực cho rằng đó là những gã khổng lồ và quyết tâm đánh bại chúng bất chấp lời khuyên của Xan-chô Pan-xa. Để rồi đến cuối cùng cả người và ngựa đều bị thương nặng. Nhưng mặc dù bị thương nặng, Đôn Ki-hô-tê vẫn quyết không kêu đau. Không những vậy, chàng còn quyết không ăn uống gì mà chỉ cần nghĩ đến tình nương là cảm thấy no rồi. Xan-chô Pan-xa thấy vậy bèn bỏ rượu thịt ra chén một mình. Đôn Ki-hô-tê suốt đêm không ngủ và chỉ nghĩ tới tình nương.
Bản thân nhân vật Đôn Ki-hô-tê hiện lên với phẩm chất, tính cách tốt đẹp. Đó là lòng dũng cảm của một hiệp sĩ giang hồ trừ gian diệt ác, cứu người lương thiện. Khi nhìn thấy những chiếc cối xay gió, Đôn Ki-hô-tê đã cho rằng chúng là những tên khổng lồ xấu xa đang làm hại người dân vô tội. Vì vậy ông đã quyết tâm một mình lao vào “giao chiến giết hết bọn chúng” và “quét sạch cái giống xấu xa này khỏi mặt đất”. Trên con đường phiêu lưu của mình, Đôn Ki-hô-tê luôn chọn những con đường có nhiều nguy hiểm bởi lẽ trên những con đường ấy mới có thể “gặp nhiều chuyện phiêu lưu khác nhau”. Cuộc chiến diễn ra vốn không cân sức. Một bên là Đôn Ki-hô-tê với vũ khí hết sức thô sơ là một thanh kiếm đã gỉ, con ngựa chiến gầy gò là Rô-xi-nan-tê. Còn một bên là những gã khổng lồ mà thực chất là những chiếc cối xay gió với to lớn với những cánh quạt đang quay. Nhưng lão vẫn bất chấp lời can ngăn của Xan-cho Phan-xa mà lao vào giao chiến bởi lão cho rằng: “Chuyện chinh chiến thường biến hóa khôn lường chứ không như các chuyện khác”. Thậm chí Đôn Ki-hô-tê còn bẻ luôn một cành cây khô gắn cái mũi sắt để làm thành ngọn giáo, sẵn sàng chuẩn bị cho cuộc chiến tiếp theo. Lòng dũng cảm, sẵn sàng đương đầu với khó khăn dù những điều đó chỉ là Đôn Ki-hô-tê tự tưởng tượng mà ra.
Đôn Ki-hô-tê còn là một người coi thường những điều tầm thường, thực dụng của con người. Sau khi thất bại nặng nề ở cuộc chiến với cối xay gió, Đôn Ki-hô-tê vẫn nói với Xan-chô Pan-xa rằng: “Ta không kêu đau là vì các hiệp sĩ giang hồ có bị thương thế nào cũng không được rên rỉ, dù xổ cả gan ruột ra ngoài”. Đó là điều mà Đôn Ki-hô-tê đã học được từ những cuốn tiểu thuyết hiệp sĩ. Đặc biệt Đôn Ki-hô-tê không lấy việc ăn uống làm thích thú. Trong khi đó “Xan-chô ngồi lại cho thật thoải mái trên lưng lừa, lôi các thứ ở trong cái túi hai ngăn ra, vừa đi theo chủ vừa ung dung đánh chén, thỉnh thoảng lại tu bầu rượu một cách ngon lành khiến tay chủ quán rượu dễ thương nhất ở Ma-la-ga cũng phải phát ghen…”.
Cuối cùng, Đôn Ki-hô-tê cũng là một người có tình yêu say đắm và tấm lòng thủy chung. Trong trận chiến với cối xay gió, Đôn Ki-hô-tê vẫn nghĩ đến người phụ nữ trong lòng ông và cầu mong nàng cứu giúp cho ông khỏi hiểm nguy. Dù trong lúc nguy nan nhất, Đôn Ki-hô-tê vẫn nghĩ đến người yêu và lấy đó làm động lực để chiến đấu mạnh mẽ hơn. Sau khi trận chiến kết thúc, Đôn Ki-hô-tê lại nằm nghĩ tới tình nương của mình. Đó là Đuy-xi-a-na, một người phụ nữ vừa béo vừa xấu. Nhưng Đôn Ki-hô-tê vẫn đem lòng yêu mến. Có thể thấy, nhân vật Đôn Ki-hô-tê xuất hiện trong đoạn trích với những phẩm chất tốt đẹp xuất phát từ một tấm lòng hành hiệp trượng nghĩa. Nhưng hành động, suy nghĩ của ông lại thể hiện sự phi thực tế, thậm chí là điên rồ do đọc quá nhiều tiểu thuyết hiệp sĩ.
Qua đoạn trích “Đánh nhau với cối xay gió” nói riêng và tiểu thuyết Đôn Ki-hô-tê nói chung, Xéc-van-tét đã khắc họa hình ảnh nhân vật Đôn Ki-hô-tê nhằm phê phán những tiểu thuyết hiệp sĩ phiêu lưu hão huyền trong xã hội đương thời.
Phân tích nhân vật Đôn Ki-hô-tê - Mẫu 5
“Đôn Ki-hô-tê” là tác phẩm nổi tiếng của nhà văn Xéc-van-tét. Nhân vật Đôn Ki-hô-tê được nhà văn Xéc-van-tét xây dựng thành công với những bài học ý nghĩa. Đoạn trích “Đánh nhau với cối xay gió” chỉ là một phần nhỏ trong tác phẩm nhưng cũng phần nào khắc họa được tính cách của nhân vật này.
Đầu tiên, Đôn Ki-hô-tê là một lão quý tộc nghèo, đam mê tiểu thuyết hiệp sĩ đến nỗi muốn biến mình thành hiệp sĩ để đi hành hiệp trượng nghĩa. Thân hình lão gầy gò, cao lênh khênh, cưỡi một con ngựa còm, mình mặc áo giáp, đầu đội mũ sắt, vai vác giáo dài, toàn là những thứ han gỉ của tổ tiên để lại. Mang trong mình lí tưởng làm hiệp sĩ để cứu giúp mọi người “quét sạch cái giống xấu xa này khỏi mặt đất là phụng sự Chúa đấy”. Nhưng thời đại của hiệp sĩ đã qua, khát vọng của Đôn Ki-hô-tê trở thành lỗi thời, nên mọi suy nghĩ, hành động của ông đều trở thành trò cười cho mọi người. Kh bắt gặp hình ảnh những chiếc cối xay gió, lão cứ đinh ninh cho rằng đó là những tên khổng lồ để rồi một mình lao vào “đánh nhau” với chúng mặc lời ngăn cản của Xan-chô Pan-xa. Lão Thúc con ngựa Rô-xi-na-tê xông lên, không để ý tới lời khuyên của Xan-chô Pan-xa. Đầu tiên, ão thét lên rất lớn: “Chớ có chạy trốn lũ hèn mạt nhát gan kia, bởi duy nhất chỉ có một hiệp sĩ tấn công bọn mi đây”; “Dù cho bọn ngươi… đền tội”. Sau đó, lão thầm cầu mong nàng Đuyn-xi-nê-a của mình cứu giúp trong lúc nguy nan này. Rồi lấy khiên che kín thân, tay lăm lăm ngọn giáo, thúc ngựa phi thẳng về phía chiếc cối xay gió gần nhất, đâm mũi giáo vào cánh quạt đang quay khiến nó gãy tan tành. Sau trận đánh thất bại thảm hại, một Đôn Ki-hô-tê gầy gò, ốm yếu đáng lẽ phải ăn uống và nghỉ ngơi. Thì lão lại nằm đó và nghĩ tới tình nương của mình. Thật là những suy nghĩ, hành động gàn dở, điên rồ.
Nhưng đằng sau những hành động đó là một lý tưởng thật cao đẹp: hành hiệp trượng nghĩa. Đôn Ki-hô-tê căm ghét cái ác, cái xấu đã gây ra những bất công cho con người và quyết tâm tiêu diệt bằng hết chúng. Nên ông quyết tâm trở thành hiệp sĩ đi cứu giúp mọi người. Trong cuộc đánh nhau với cối xay gió, một bên là bác giám mã nhát gan ra sức can ngăn mình, ông đã chế giễu tính nhút nhát của bác: “Nếu anh sợ thì hãy lánh xa ra mà cầu kinh trong lúc ta đương đầu với chúng trong một cuộc giao tranh điên cuồng và không cân sức”. Đôn Ki-hô-tê không chỉ có lí tưởng cao đẹp mà còn tràn đầy dũng cảm, sẵn sàng đương đầu với mọi khó khăn thử thách. Trong cuộc chiến với những chiếc cối xay gió, dù biết trước đó là một trận đấu không cân sức nhưng ông vẫn không ngần ngại mà ra tay trượng nghĩa: “Chớ có chạy trốn, lũ hèn mạt nhát gan kia, bởi duy nhất chỉ có một hiệp sĩ tấn công bọn mi đây”.
Như vậy, nhân vật Đôn Ki-hô-tê đã hiện lên với cái nhìn thật toàn diện. Bên cạnh những nét đẹp còn có những điều không tốt. Qua đó tác giả cũng muốn gửi gắm những tư tưởng nhân văn cao đẹp.
Phân tích nhân vật Đôn Ki-hô-tê - Mẫu 6
“Đánh nhau với cối xay gió” là văn bản được trích từ bộ tiểu thuyết Đôn Ki-hô-tê đồ sộ của nhà văn vĩ đại người Tây Ban Nha Xéc-van-tét. Tác phẩm tập trung chế giễu tàn dư lý tưởng hiệp sĩ phiêu lưu lỗi thời, phê phán thị hiếu tầm thường, lối sống thực dụng đang phổ biến trong xã hội. Trong đoạn trích này hẳn ta sẽ không thể quên được nhân vật Đôn Ki-hô-tê bên cạnh những mặt gàn dở còn mang trong nhiều phẩm chất tốt đẹp, đáng trân trọng khác.
Trước hết Đôn Ki-hô-tê là một kẻ gàn dở, đam mê tiểu thuyết đến điên cuồng, sự cuồng si đó còn biến thành hành động muốn trở thành hiệp sĩ để đi cứu giúp những người lương thiện. Thân hình lão gầy gò, cao lênh khênh, cưỡi một con ngựa còm, mình mặc áo giáp, đầu đội mũ sắt, vai vác giáo dài, toàn là những thứ han gỉ của tổ tiên để lại. Mang trong mình lí tưởng làm hiệp sĩ để cứu giúp mọi người, nhưng thời đại của hiệp sĩ đã qua, khát vọng của Đôn Ki-hô-tê trở thành lỗi thời, nên mọi suy nghĩ, hành động của ông đều trở thành trò cười cho mọi người. Cuộc đánh nhau với cối xay gió đã bộc lộ đầy đủ sự gàn dở, đầu óc hoang tưởng của Đôn Ki-hô-tê. Là một người luôn sống trong ảo tưởng nên khi nhìn thấy những chiếc cối xay gió, Đôn Ki-hô-tê lại tưởng đó là bọn khổng lồ gian ác, lão lao vào cuộc giao tranh điên cuồng và không cân sức, bất chấp lời can ngăn của bác giám mã Xan-chô để “quét sạch cái giống xấu xa này khỏi mặt đất". Cuối cùng, khi đâm mũi giáo vào cánh quạt, giáo gãy tan tành, cả người và ngựa ngã văng ra xa. Đau đớn, thất bại thảm hại nhưng Đôn Ki-hô-tê vẫn không nhận ra sự thật, vẫn khẳng định sự thất bại của mình là do lão pháp sư Phơ-re-xton đã biến những cối xay gió thành những tên khổng lồ để cướp đi công lao của mình. Sau trận đánh mệt rã rời, có lẽ Đôn Ki-hô-tê một người già cả, ốm yếu đã mệt và đói nhưng để cho giống những hiệp sĩ cho tiểu thuyết thì Đôn Ki-hô-tê chỉ cần nghĩ đến tình nương của mình là cũng đủ no rồi. Những suy nghĩ, hành động của Đôn Ki-hô-tê cho thấy ông ta là một kẻ luôn sống trong hoang tưởng, gàn dở, thật đáng lên án.
Nhưng đằng sau những hành động, lời nói điên khùng đó lại là Đôn Ki-hô-tê mang trong mình những phẩm chất tốt đẹp: lí tưởng cao đẹp, tinh thần anh dũng, dũng cảm trước những nguy hiểm của cuộc sống.
Trước hết Đôn Ki-hô-tê mang trong mình lí tưởng cao đẹp. Ông là người căm ghét những bất công, ngang trái, kiên quyết diệt trừ cái ác, cái xấu để đem lại cuộc sống công bằng, bác ái cho mọi người. Bởi vậy, mặc dù tuổi đã cao, lại nghèo nàn nhưng ông vẫn quyết tâm trở thành hiệp sĩ, mang sức mình để giúp đỡ mọi người. Trong cuộc giao tranh với cối xay gió khi thấy sự can ngăn của giám mã Xan-chô ông đã chế giễu tính nhút nhát của bác: “Nếu anh sợ thì hãy lánh xa ra mà cầu kinh trong lúc ta đương đầu với chúng trong một cuộc giao tranh điên cuồng và không cân sức”.
Không chỉ mang lí tưởng cao đẹp, Đôn Ki-hô-tê còn có tinh thần dũng cảm, sẵn sàng đương đầu với thử thách. Trong cuộc đánh nhau với cối xay gió, ta không chỉ thấy sự gàn dở của ông, mà còn thấy được cả sự dũng cảm. Là người nghĩa hiệp, Đôn Ki-hô-tê muốn “quét sạch cái giống xấu xa này khỏi mặt đất”, ông một mình một ngựa bất chấp nguy hiểm, xông lên đánh nhau với những tên khổng lồ ấy. Dù tương quan hai bên chênh lệch rõ ràng, tự bản thân Đôn Ki-hô-tê cũng nhận ra điều đó, nhưng trước kẻ ác ông không ngần ngại mà ra tay trượng nghĩa: “Chớ có chạy trốn, lũ hèn mạt nhát gan kia, bởi duy nhất chỉ có một hiệp sĩ tấn công bọn mi đây”. Đó chính là tinh thần nghĩa hiệp, trượng nghĩa trong con người Đôn Ki-hô-tê ẩn đằng sau vẻ điên cuồng mà mọi người vẫn nhạo báng.
Để tô đậm ngoại hình cũng những tính cách Đôn Ki-hô-tê, tác giả đã vận dụng tài tình nghệ thuật đối lập, tương phản. Đứng bên Đôn Ki-hô-tê cao gầy, là bác giám mã Xan-chô béo lùn; tinh thần nghĩa hiệp dũng cảm của Đôn Ki-hô-tê càng làm nổi bật hơn sự nhút nhát của bác giám mã; tính thiết thực của bác nông dân lại giúp ta thấy rõ những hoang tưởng của người hiệp sĩ già. Ngoài ra bút pháp miêu tả, kể chuyện sinh động, hấp dẫn kết hợp với giọng kể hài hước, hóm hỉnh là những yếu tố góp phần vào sự thành công của tác phẩm.
Qua nhân vật Đôn Ki-hô-tê nói riêng và đoạn trích “Đánh nhau với cối xay gió” nói chung đã cho thấy những nét tính cách tốt đẹp và cả gàn dở trong nhân vật này. Bản thân mỗi chúng ta cũng có một phần của Đôn Ki-hô-tê, luôn mang trong mình những lí tưởng, khát vọng cao đẹp, nhưng quá trình thực hiện lại không ít những sai lầm, vấp váp, ngốc nghếch. Bởi vậy, bản thân mỗi người cần có sự cân bằng giữa lý tưởng và thực tế để không trở thành Đôn Ki-hô-tê thứ hai.
Phân tích nhân vật Đôn Ki-hô-tê - Mẫu 7
Xéc-van-tét (1547 - 1616) là một nhà văn lớn, yêu công lý, bác ái, đã thể hiện những giá trị nhân văn cao quý ở thời đại Phục hưng, là nhà văn nổi tiếng có tiểu thuyết Đôn Ki-hô-tê làm say mê bao thế hệ người đọc trên thế giới, Đôn Ki-hô-tê cũng là nhân vật chính trong tác phẩm vừa nói đã từ trong lòng sách bước ra cuộc đời, đi vào lòng người nhiều thế hệ, trên ba trăm năm nay. Thật vậy, từ bấy đến nay, đã có bao thế hệ yêu thích tác phẩm ấy, đặc biệt là nhân vật ấy, một nhân vật vừa đáng cười chê, lại vừa đáng thương yêu, khâm phục.
Đáng cười chê, bởi vì Đôn Ki-hô-tê đúng là một con người thiếu bình thường. Bình thường làm sao được, khi nhà quý tộc trứ danh xứ Man-tra này mê đọc sách kiếm hiệp đến mức cuồng dại. Ông đọc mải miết từ tối đến sáng, từ sáng đến tối, đọc đến mức do ngủ ít đọc nhiều nên đầu óc ông teo đi, mất cả trí khôn. Đã vậy, nhà quý tộc còn bán cả một phần ruộng đang cày cấy để mua sách kiếm hiệp về chất đống trong nhà. Bao nhiêu điều trong sách đều ăn sâu vào đầu óc ông. Có thể nói Đôn Ki-hô-tê mê sách tiểu thuyết hiệp sĩ đến mức cuồng tín, không còn biết phải trái, thực hư. Từ suy nghĩ đến hành động, ông đều bị nội dung sách kiếm hiệp chi phối. Bởi vậy, ông mới tự thấy mình là một nhà quý tộc tuổi đã ngũ tuần, ốm yếu, gầy gò là một trang hiệp sĩ dũng mãnh có thể chiến thắng tất cả mọi hiệp sĩ ở trên đời và con ngựa khốn khổ của chàng là con tuấn mã Rô Xi-man-tê. Nhà quý tộc trứ danh này cũng nhìn cái cối xay gió ra tên khổng lồ có cánh tay dài. Trong quãng đời làm hiệp sĩ của mình, nhà quý tộc đã lắm phen bị điêu đứng vì những ảo tưởng do tự mình tạo ra như thế.
Tuy vậy, trong các nhược điểm vừa nói vẫn bộc lộ ra những phẩm chất đáng yêu, đáng quý của nhà quý tộc, của trang hiệp sĩ này. Trong cuộc sống không gì quý hơn lí tưởng, bởi lẽ không lí tưởng cuộc sống của con người sẽ nhàm chán, vô vị. Cũng chính từ cuộc sống nhàm chán vô vị của gã quý tộc thôn quê mà Đôn Ki-hô-tê đọc sách, tìm ra cho mình một lý tưởng. Cũng vì say mê lý tưởng mà nhà quý tộc này đã vùi đầu vào sách đến mất ngủ quên ăn. ông đã mong ước trở thành một chàng hiệp sĩ giang hồ, một thương, một ngựa chu du thiên hạ, thực hiện chính nghĩa, bênh vực kẻ hèn yếu, tiêu diệt bất công, đạp bằng mọi gian nguy trên đời, để lại tiếng thơm truyền lưu hậu thế. Dẫu sao, lí tưởng đó vẫn là điều tốt đẹp nhất từ xưa đến nay. Lí tưởng ấy vượt xa mọi thứ lí tưởng vị kỷ tầm thường.
Đâu phải chỉ là mong ước, Đôn Ki-hô-tê còn hành động. Chàng coi việc cứu khốn phò nguy ấy là lẽ sống của cuộc đời chàng. Chàng quyết tâm rời bỏ cuộc sống bình yên, chỉ đọc sách và hưởng thụ ích kỷ. Chàng đã đánh bóng lại những vũ khí đã han rỉ, sửa chữa lại cái mũ. Đi thăm con ngựa cà khổ, chàng đặt tên mới cho nó là Rô Xi-man-tê. Chàng cũng không quên đặt biệt hiệu cho mình. Để rồi chàng đã mặc áo giáp, cắp giáo lên ngựa dấn thân vào con đường hành hiệp mà chàng đã biết trước là đầy thử thách, gian nguy, có thể phải hy sinh cả tính mạng mình. Hành động ấy của Đôn Ki-hô-tê dẫu là do ảo tưởng, nhưng cũng đẹp đẽ biết mấy.
Nghĩ là làm, Đôn Ki-hô-tê đã xông vào quyết tâm đánh chết những tên khổng lồ hung tợn, xấu xa, để giải phóng cho mọi người khỏi mối đe dọa khủng khiếp, chàng đã đánh nhau với cối xay gió. Đoạn trích Đánh nhau với cối xay gió kể về một trong những trận giao chiến của Đôn Ki-hô-tê. Nội dung xoay quanh mấy sự việc chính: Sự xuất hiện của cối xay gió. Đôn Ki-hô-tê đánh nhau với cối xay gió. Đôn Ki-hô-tê bị thương. Việc ăn ngủ của hai thầy trò trên đường đi. Qua đó, tính cách của hai nhân vật được bộc lộ rõ nét. Sự tương phản hoàn toàn giữa chủ và tớ đã tạo nên một cặp nhân vật bất hủ trong văn học thế giới. Tính cách của Đôn Ki- hô-tê thật nực cười, tuy vậy lão cũng có ít nhiều ưu điểm. Bác nông dân Xan-chô Pan-xa có những mặt tốt, song cũng có nhiều điểm đáng chê trách.
Hiệp sĩ Đôn Ki-hô-tê cao lênh khênh, gầy nhẳng, trông như một bộ xương biết đi. Lão mặc áo giáp, đầu đội mũ sắt, vai vác giáo dài, cưỡi trên lưng con ngựa già com nhom, hăng hái lên đường lập chiến công. Đang đi, chợt hai thầy trò phát hiện ba bốn chục chiếc cối xay gió giữa đồng và Đôn Ki-hô-tê vừa nhìn thấy liền nói với giám mã với giọng tràn đầy khí thế: “Vận may run rủi khiến cho sự nghiệp của chúng ta tốt đẹp quá sự mong muốn, vì kia kìa, anh bạn Xan-chô Pan-xa ơi, có đến ba chục hoặc trên ba chục tên khổng lồ ghê gớm, ta quyết giao chiến giết hết bọn chúng”.
- Lũ súc sinh kia không được chạy trốn! Có ta là hiệp sĩ, một thương một mã đến đọ sức với bọn ngươi đây.
- Dù cho bọn ngươi có vung nhiều cánh tay hơn cả tên khổng lồ đi nữa, các ngươi cũng sẽ phải đền tội.
Lời nói ấy chứng tỏ quyết tâm của chàng hiệp sĩ cho dù giám mã có can ngăn, bảo đó chỉ là cối xay gió. Đôn Ki-hô-tê háo hức tưởng tượng ra kết quả của cuộc giao chiến này là vừa thỏa chí bình sinh, vừa thu được chiến lợi phẩm, vừa hành động hợp với ý Chúa: Những chiến phẩm thu được, chúng ta sẽ bắt đầu giàu có. Bởi đây là một cuộc chiến đấu chính đáng và quét sạch cái giống xấu xa này ra khỏi mặt đất là phụng sự ý Chúa đấy.
Có thể chúng ta phì cười trước hành động của nhà quý tộc xứ Man-tra này, nhưng chúng ta không khỏi khâm phục trước quyết tâm trừ gian khử ác của chàng, dù là biết những tên khổng lồ này xảo quyệt và mạnh mẽ hơn mình bội lần. Mặc cho Xan-chô hết lời giải thích, Đôn Ki-hô-tê vẫn khăng khăng không chấp nhận sự thật. Thực ra, nếu hiểu theo nghĩa đen của câu chuyện, thì chàng hiệp sĩ này là một người nhầm lẫn, nhưng nếu ta hiểu theo một nghĩa "tượng trưng" và "triết lý" hơn, thì thực sự các cối xay gió là "những nhu cầu vật chất" luôn theo sát con người để hành hạ bao tử và tâm trí con người. Do đó, việc đánh nhau với cối xay gió vừa là màn hài kịch, vừa là một câu chuyện đầy triết lý của cuộc sống mưu sinh trần thế! Đôn Ki-hô-tê muốn ra tay tiêu trừ "khổng lồ xấu xa" ấy. Mục đích của lão rất tốt, ta hãy nghe chàng cao giọng phê phán bác giám mã Xan-chô: "Xem ra anh chẳng thành thạo gì về những chuyện phiêu lưu... Đấy là những tên khổng lồ, và nếu anh sợ thì hãy tránh xa ra mà cầu kinh trong lúc ta sẽ đương đầu với chúng trong cuộc giao tranh điên cuồng và không cân sức.
Rõ ràng trước mắt chàng hiệp sĩ là đám gió nhưng trong bụng vẫn đinh ninh phía trước là những tên khổng lồ nên Đôn Ki-hô-tê chằng những không nghe can ngăn của giám mã Xan-chô, mà khi đã tới gần cũng chẳng nhận ra đấy là những chiếc cối xay; đã thế, chàng ta còn thét lớn: "Chớ có chạy trốn, lũ hèn mạt nhát gan kia, bởi duy nhất chỉ có một hiệp sĩ tấn công bọn mi đây".
Cuộc giao chiến giữa người với vật được tác giả miêu tả bằng giọng văn hài hước, hóm hỉnh: Vừa lúc đó nổi lên một làn gió nhẹ và các cánh quạt lớn của những chiếc cối xay gió bắt đầu chuyển động; thấy thế, Đôn Ki-hô-tê liền "Dù cho bọn ngươi có vung nhiều cánh tay hơn cả gã khổng lồ Bri-a-rê-ô các ngươi cũng sắp phải đền tội". Nói xong, lão nhiệt tình thành tâm niệm cầu mong nàng Đuyn-xi-nê-a của mình cứu giúp cho trong lúc nguy nan này; rồi lấy khiên che kín thân, tay lăm lăm ngọn giáo, lão thúc con Rô-xi-nan-tê phi thẳng tới chiếc cối xay gió gần nhất ở trước mặt, và đâm mũi giáo vào cánh quạt; gió làm cánh quạt quay tít khiến ngọn giáo gãy tan tành, kéo theo cả người và ngựa ngã văng ra xa.
Dẫu sao, đó cũng là hành động của một con người dám hi sinh vì lý tưởng, sẵn sàng chấp nhận một cuộc đấu tranh không cân sức, chỉ vì muốn thực hiện lí tưởng cao đẹp của mình.
Nếu độc giả nhỏ tuổi hồn nhiên bật cười trước suy nghĩ ngớ ngẩn và hành động dại dột khi Đôn Ki-hô-tê khi cả người lẫn ngựa đã bị cánh quạt của chiếc cối xay gió văng trúng, ngã lăn ra đất thì người suy nghĩ sâu xa sẽ thấy vừa chua xót vừa thương hại cho chàng hiệp sĩ cao thượng nhưng chiến đấu vì một ảo ảnh quá xa vời.
Xan-chô Pan-xa vội thúc lừa chạy đến cứu, tới nơi thì thấy chủ nằm không cựa quậy. "Giúp tôi với, lạy Chúa!", Xan-chô nói, tôi đã chẳng bảo ngài rằng phải coi chừng cẩn thận đấy ư, rằng đó chỉ là những chiếc cối xay gió, ai chẳng biết thế, trừ kẻ nào đầu óc cũng quay cuồng như cối xay!". Giám mã Xan-chô nói rất đúng tâm trạng của Đôn Ki-hô-tê lúc này. Nhưng trong tình thế vừa cười vừa khóc ấy, lão vẫn ngoan cố cho rằng việc làm của mình là đúng và vẫn tự lừa dối bằng những lời hoa mỹ hoang đường, bịa đặt: Thôi im đi, anh bạn Xan-chô, ...chuyện chinh chiến thường biến hóa khôn lường chứ không như các chuyện khác; bởi lẽ, ta cho rằng, và đúng là như thế, chính lão pháp sư Phơ-re-xtôn trước đây đã đánh cắp thư phòng và sách vở của ta, bây giờ lại biến những tên khổng lồ kia thành cối xay gió để tước đi của ta niềm vinh quang đánh bại chúng, vì lão thâm thù ta lắm cơ; nhưng rồi các pháp thuật xấu xa của lão cũng sẽ không thể nào đối chọi với thanh kiếm lợi hại của ta. Đến nước này thì giám mã Xan-chô chỉ còn biết lắc đầu và cầu Chúa hết sức phù hộ cho và nâng Đôn Ki-hô-tê dậy, đỡ lão ngồi lại lên lưng con Rô-xi-nan-tê cũng bị toạc nửa vai!
Tuy bị trọng thương nhưng Đôn Ki-hô-tê không hề rên rỉ. Tinh thần chịu đựng kiên cường ấy cũng đáng khen nhưng rất tiếc đấy lại là do lão cố bắt chước đúng như các hiệp sĩ giang hồ... trong sách: “Ta không kêu đau là vì hiệp giang hồ có bị thương thế nào cũng không được rên rì, dù xổ cả ruột gan ra ngoài”.
Tương phản với Đôn Ki-hô-tê là giám mã Xan-chô Pan-xa béo lùn, thực dụng và láu cá. Bác ta nhận làm giám mã cho Đôn Ki-hô-tê với hi vọng sau khi công thành danh toại, ông chủ sẽ cho bác làm thống đốc, cai trị một vài hòn đảo giữa biển khơi. Suốt cuộc phiêu lưu, giám mã đủng đỉnh cưỡi lừa đi theo chủ và lúc nào cũng mang theo bầu rượu cùng cái túi hai ngăn đựng đầy thức ăn ngon.
Đầu óc Xan-chô hoàn toàn tỉnh táo. Khi chủ khẳng định mấy chục chiếc cối xay gió trước mặt là những tên khổng lồ, bác ngạc nhiên hỏi: Những tên khổng lồ nào cơ? Rồi giải thích thật cặn kẽ: Thưa ngài, xuất hiện ở kia chẳng phải là các tên khổng lồ đâu mà chỉ là những cối xay gió, và cái vật trông giống cánh tay là những cánh quạt, khi có gió thổi, chúng sẽ quay tròn làm chuyển động cối đá bên trong. Chủ vẫn khăng khăng muốn đánh nhau, bác ra sức can ngăn. Khi chủ lâm nạn, bác ta vội thúc lừa tới cứu và xót xa vì chủ bị ngã quá đau. Cách xử sự đó chứng tỏ bác ta tử tế và biết thương người. Bên cạnh đó, bác ta là người sống rất thực tế. Đoạn miêu tả cung cách ăn uống thể hiện khá rõ tính cách ấy: Xan-chô nhắc chủ đã đến giờ ăn. Đôn Ki-hô-tê đáp là lúc này chưa cần ăn, nếu Xan-chô đói thì cứ tự nhiên. Được phép, Xan-chô ngồi lại cho thật thoải mái trên lưng lừa, lôi các thứ ở trong cái túi hai ngăn ra, vừa đi theo chủ vừa ung dung đánh chén, thỉnh thoảng lại tu bầu rượu một cách ngon lành khiến tay chủ quán rượu dễ thương nhất ở Ma-la-ga cũng phải phát ghen. Vừa đi vừa chè chén như thế, Xan-chô chẳng còn nhớ gì đến những lời hứa hẹn của chủ và cảm thấy cái nghề đi tìm kiếm chuyện phiêu lưu này dù có nguy hiểm đến đâu cũng chẳng vất vả gì mà lại thoải mái nữa là khác... Trong khi giám mã Pan-xa ngủ say như chết, Đôn Ki-hô-tê thức trắng suốt đêm, sáng ra lại không cần ăn sáng nữa, tất cả chỉ vì "đã là hiệp sĩ thì phải như thế". Phải có một nghị lực phi thường, một quyết tâm sắt đá mới có thể làm được như thế! Việc ngủ của hai thầy trò cũng được tác giả miêu tả rất đúng với tính cách từng người. Suốt đêm, Đôn Ki-hô-tê không cần ngủ mà thức trắng để suy nghĩ viển vông:... Đêm hôm ấy, hai người ở dưới các vòm cây và Đôn Ki-hô-tê bẻ một cành khô, rút cái mũi sắt ở chiếc cán gãy lắp vào làm thành ngọn giáo. Đôn Ki-hô-tê suốt đêm không ngủ để nghĩ đến nàng Đuyn-xi-nê-a của lão, bắt chước những hiệp sĩ lão từng đọc trong sách thức trắng nhiều đêm ròng ở trong rừng hoặc nơi hoang mạc liên tưởng nhớ tới tình nương...
Ở chương khác, khi thấy một thiếu phụ ngồi trong xe, Đôn Ki-hô-tê tin rằng đó là một nàng công chúa, một người lương thiện bị bọn cướp giam cầm ức hiếp bức hại. Thế là chàng hiệp sĩ xông vào sống mái với hai thầy tu, chẳng cần đếm xỉa đến hậu quả tai hại sẽ đến với bản thân mình.
Yêu chính nghĩa, khao khát công lý, sẵn sàng trừ gian diệt ác, đó chính là đặc điểm của tính cách nhân vật Đôn Ki-hô-tê. Chính vì say mê lý tưởng, chàng hiệp sĩ đã kiên trì. Không một phút nào chàng nao lòng, chán nản, cho dù bao lần phải ngã quỵ vì thương tích. Dù bị thương, chàng không hề than vãn nửa lời, chỉ cắn răng cam chịu đau đớn vì: "Đã là người hiệp sĩ thì có bị thương cũng không rên rỉ dù là xổ cả ruột ra ngoài.
Trái lại, Xan-chô Pan-xa thì không thể, bởi vì dạ dày no căng toàn là rượu thịt, bác ngủ một mạch và nếu như chủ không gọi, thì dù ánh nắng chiếu thẳng vào mặt và vô số tiếng chim líu lo đón mừng một ngày mới có lẽ cũng không đủ để đánh thức bác. Vừa ngủ dậy, bác vớ ngay lấy bầu rượu, thấy nó nhẹ hơn tối hôm trước nên buồn rầu vì xem chừng trên quãng đường này khó đào đâu ra rượu ngay để đổ vào cho đầy.
Nhân vật Đôn Ki-hô-tê tuy có nhiều điều đáng trách, nhưng cũng có lắm chỗ đáng yêu. Trong tính cách của nhân vật Đôn Ki-hô-tê tuy có một số điều tốt đẹp như căm ghét áp bức bất công, sẵn sàng xả thân, mong muốn lập lại trật tự xã hội, đem lại công lý cho người nghèo.... Những điều tốt đẹp đó còn xuất phát từ động cơ là vì tình nương Đuyn-xi-nê-a! Gạt bỏ đi những tưởng tượng vớ vẩn, xa rời thực tế, nhược điểm thời đại, giai cấp đã sản sinh ra, thì Đôn Ki-hô-tê đã phản ánh ước mơ của con người thời đại Phục hưng ở Tây Ban Nha thời ấy. Chàng hiệp sĩ xứ Man-tra này đeo đuổi một lí tưởng công bằng và bác ái cao cả, đẹp đẽ, nhưng đã nhầm lẫn kẻ thù và dùng cách thức chiến đấu đã lỗi thời nên chuốc lấy thất bại.
Đây cũng là tính cách chung của một hạng người trong xã hội đương thời mà tác giả muốn phê phán. Rõ ràng đấu tranh với sai lầm của bản thân cũng là một cuộc chiến gay go, gian khổ.
Hình tượng Đôn Ki-hô-tê đã sống trên ba trăm năm nay, được biết bao thế hệ yêu mến. Đối chiếu giữa Đôn Ki-hô-tê và Xan-chô Pan-xa về mọi mặt, ta sẽ thấy mục đích của nhà văn là cố tình xây dựng một cặp nhân vật tương phản hoàn toàn. Đôn Ki-hô-tê gầy gò, cao lênh khênh lại cưỡi trên lưng con ngựa còm nên trông như càng cao thêm. Xan-chô Pan-xa đã béo lùn lại ngồi trên lưng lừa nên càng lùn tịt. Đôn Ki-hô-tê có khát vọng cao cả, Xan-chô Pan-xa chỉ có ước muốn tầm thường. Đôn Ki-hô-tê khao khát giúp ích cho đời, Xan-chô Pan-xa chỉ nghĩ đến quyền lợi cá nhân. Đôn Ki-hô-tê sống với ảo ảnh và lí tưởng, Xan-chô Pan-xa sống với rượu thịt và thực tế. Đôn Ki-hô-tê dũng cảm, Xan-chô Pan-xa hèn nhát… Đặt cạnh nhau, người này sẽ làm cho tính cách của người kia nổi bật.
Khi nào trên quả đất này còn “những tên khổng lồ hung tợn”, còn những người bị ức hiếp, bức hại, giam cầm, thì Đôn Ki-hô-tê còn được yêu mến.
Phân tích nhân vật Đôn Ki-hô-tê - Mẫu 8
Đánh nhau với cối xay gió là văn bản được trích từ bộ tiểu thuyết Đôn-ki-hô-tê đồ sộ của nhà văn vĩ đại người Tây Ban Nha Xéc-van-téc. Tác phẩm tập trung chế giễu tàn dư lí tưởng hiệp sĩ phiêu lưu lỗi thời, phê phán thị hiếu tầm thường, lối sống thực dụng đang phổ biến trong xã hội. Trong đoạn trích này hẳn ta sẽ không thể quên được nhân vật Đôn-ki-hô-tê bên cạnh những mặt gàn dở còn mang trong nhiều phẩm chất tốt đẹp, đáng trân trọng khác.
Trước hết Đôn-ki-hô-tê là một kẻ gàn dở, đam mê tiểu thuyết đến điên cuồng, sự cuồng si đó còn biến thành hành động muốn trở thành hiệp sĩ để đi cứu giúp những người lương thiện. Thân hình lão gầy gò, cao lênh khênh, cưỡi một con ngựa còm, mình mặc áo giáp, đầu đội mũ sắt, vai vác giáo dài, toàn là những thứ han gỉ của tổ tiên để lại. Mang trong mình lí tưởng làm hiệp sĩ để cứu giúp mọi người, nhưng thời đại của hiệp sĩ đã qua, khát vọng của Đôn-ki-hô-tê trở thành lỗi thời, nên mọi suy nghĩ, hành động của ông đều trở thành trò cười cho mọi người. Cuộc đánh nhau với cối xay gió đã bộc lộ đầy đủ sự gàn dở, đầu óc hoang tưởng của Đôn-ki-hô-tê.
Là một người luôn sống trong ảo tưởng nên khi nhìn thấy những chiếc cối xay gió, Đôn-ki-hô-tê lại tưởng đó là bọn khổng lồ gian ác, lão lao vào cuộc giao tranh điên cuồng và không cân sức, bất chấp lời can ngăn của bác giám mã Xan-chô để “quét sạch cái giống xấu xa này khỏi mặt đất”. Cuối cùng, khi đâm mũi giáo vào cánh quạt, giáo gãy tan tành, cả người và ngựa ngã văng ra xa. Đau đớn, thất bại thảm hại nhưng Đôn-ki-hô-tê vẫn không nhận ra sự thật, vẫn khẳng định sự thất bại của mình là do lão pháp sư Phơ-re-xton đã biến những cối xay gió thành những tên khổng lồ để cướp đi công lao của mình. Sau trận đánh mệt rã rời, có lẽ Đôn-ki-hô-tê một người già cả, ốm yếu đã mệt và đói nhưng để cho giống những hiệp sĩ cho tiểu thuyết thì Đôn-ki-hô-tê chỉ cần nghĩ đến tình nương của mình là cũng đủ no rồi. Những suy nghĩ, hành động của Đôn-ki-hô-tê cho thấy ông ta là một kẻ luôn sống trong hoang tưởng, gàn dở, thật đáng lên án.
Nhưng đằng sau những hành động, lời nói điên khùng đó lại là Đôn-ki-hô-tê mang trong mình những phẩm chất tốt đẹp: lí tưởng cao đẹp, tinh thần anh dũng, dũng cảm trước những nguy hiểm của cuộc sống.
Trước hết Đôn-ki-hô-tê mang trong mình lí tưởng cao đẹp. Ông là người căm ghét những bất công, ngang trái, kiên quyết diệt trừ cái ác, cái xấu để đem lại cuộc sống công bằng, bác ái cho mọi người. Bởi vậy, mặc dù tuổi đã cao, lại nghèo nàn nhưng ông vẫn quyết tâm trở thành hiệp sĩ, mang sức mình để giúp đỡ mọi người. Trong cuộc giao tranh với cối xay gió khi thấy sự can ngăn của giám mã Xan-chô ông đã chế giễu tính nhút nhát của bác: “nếu anh sợ thì hãy lánh xa ra mà cầu kinh trong lúc ta đương đầu với chúng trong một cuộc giao tranh điên cuồng và không cân sức”.
Không chỉ mang lí tưởng cao đẹp, Đôn-ki-hô-tê còn có tinh thần dũng cảm, sẵn sàng đương đầu với thử thách. Trong cuộc đánh nhau với cối xay gió, ta không chỉ thấy sự gàn dở của ông, mà còn thấy được cả sự dũng cảm. Là người nghĩa hiệp, Đôn-ki-hô-tê muốn “quét sạch cái giống xấu xa này khỏi mặt đất”, ông một mình một ngựa bất chấp nguy hiểm, xông lên đánh nhau với những tên khổng lồ ấy. Dù tương quan hai bên chênh lệch rõ ràng, tự bản thân Đôn-ki-hô-tê cũng nhận ra điều đó, nhưng trước kẻ ác ông không ngần ngại mà ra tay trượng nghĩa: “Chớ có chạy trốn, lũ hèn mạt nhát gan kia, bởi duy nhất chỉ có một hiệp sĩ tấn công bọn mi đây”. Đó chính là tinh thần nghĩa hiệp, trượng nghĩa trong con người Đôn-ki-hô-tê ẩn đằng sau vẻ điên cuồng mà mọi người vẫn nhạo báng.
Để tô đậm ngoại hình cũng những tính cách Đôn-ki-hô-tê, tác giả đã vận dụng tài tình nghệ thuật đối lập, tương phản. Đứng bên Đôn-ki-hô-tê cao gầy, là bác giám mã Xan-chô béo lùn; tinh thần nghĩa hiệp dũng cảm của Đôn-ki-hô-tê càng làm nổi bật hơn sự nhút nhát của bác giám mã; tính thiết thực của bác nông dân lại giúp ta thấy rõ những hoang tưởng của người hiệp sĩ già. Ngoài ra bút pháp miêu tả, kể chuyện sinh động, hấp dẫn kết hợp với giọng kể hài hước, hóm hỉnh là những yếu tố góp phần vào sự thành công của tác phẩm.
Qua nhân vật Đôn-ki-hô-tê nói riêng và đoạn trích Đánh nhau với cối xay gió nói chung đã cho thấy những nét tính cách tốt đẹp và cả gàn dở trong nhân vật này. Bản thân mỗi chúng ta cũng có một phần của Đôn-ki-hô-tê, luôn mang trong mình những lí tưởng, khát vọng cao đẹp, nhưng quá trình thực hiện lại không ít những sai lầm, vấp váp, ngốc nghếch. Bởi vậy, bản thân mỗi người cần có sự cân bằng giữa lí tưởng và thực tế để không trở thành Đôn-ki-hô-tê thứ hai.