Chi tiết giếng nước và ngọc trai là hai chi tiết giàu ý nghĩa góp phần giải quyết mâu thuẫn và mở nút bi kịch cho các nhân vật. Qua đó còn thể hiện thái độ của nhân dân ta, đó là sự khoan dung, là sự cảm thông và thương xót cho những người chịu số phận bất hạnh.
Vậy sau đây là 6 bài văn mẫu Phân tích chi tiết giếng nước, ngọc trai trong Truyện An Dương Vương và Mị Châu, Trọng Thuỷ. Mời các bạn lớp 10 cùng theo dõi và tải tài liệu tại đây.
Phân tích ý nghĩa chi tiết giếng nước, ngọc trai hay nhất
- Dàn ý phân tích chi tiết giếng nước, ngọc trai
- Phân tích chi tiết giếng nước, ngọc trai - Mẫu 1
- Phân tích chi tiết giếng nước, ngọc trai - Mẫu 2
- Phân tích chi tiết giếng nước, ngọc trai - Mẫu 3
- Phân tích chi tiết giếng nước, ngọc trai - Mẫu 4
- Phân tích chi tiết giếng nước, ngọc trai - Mẫu 5
- Phân tích chi tiết giếng nước, ngọc trai - Mẫu 6
Dàn ý phân tích chi tiết giếng nước, ngọc trai
I. Mở bài
- Giới thiệu về “Truyện An Dương Vương và Mị Châu - Trọng Thủy”.
- Dẫn dắt vào chi tiết “ngọc trai giếng nước”: Đây là chi tiết kì ảo đặc sắc mang nhiều ý nghĩa.
II. Thân bài
1. Vị trí của chi tiết
- Nằm ở phần cuối truyện.
2. Nội dung thể hiện của chi tiết
- Ngọc trai - sự hóa thân của Mị Nương:
- Trước khi bị cha chém đầu nàng đã khấn: “Thiếp là phận gái, nếu có lòng phản nghịch mưu hại cha chết đi sẽ biến thành cát bụi. Nếu một lòng trung hiếu mà bị người lừa dối thì sẽ biến thành châu ngọc để rửa sạch mối nhục thù”.
- Sau khi nàng chết máu chảy xuống biển, trai sò ăn được đều biến thành hạt châu.
- Giếng nước - tấm gương phản chiếu những lỗi lầm của Trọng Thủy:
- Sau khi Mị Châu chết, Trọng Thủy vô cùng thương xót, khi đi tắm nhìn xuống giếng tưởng thấy bóng dáng Mị Châu nên đã lao đầu xuống giếng mà chết.
- Người đời sau mò ngọc trai ở biển Đông lấy nước giếng này rửa thì càng sáng.
3. Ý nghĩa của chi tiết
- Giải oan cho Mị Châu:
- Mị Châu không chủ ý trở thành kẻ phản nghịch, chỉ vì quá nhẹ dạ cả tin, hành động cảm tính nên bị lừa gạt.
- Nhân dân hiểu được điều đó nên đã giải oan cho nàng.
- Lời khấn của nàng ứng nghiệm đã chứng tỏ cho tấm lòng trong sạch của nàng.
- Hóa giải hận thù trong lòng Mị Châu: Ngọc được rửa trong nước giếng sẽ càng sáng, là sự tha thứ của Mị Châu với Trọng Thủy.
- Sự thức tỉnh của Trọng Thủy:
- Trọng Thủy làm rể nước Âu Lạc ban đầu với tham vọng vừa có được nước Âu Lạc, vừa có được tình yêu, hạnh phúc với Mị Châu.
- Cái chết của Mị Châu khiến chàng nhận ra hạnh phúc tình yêu không thể tồn tại cùng chiến tranh.
- Trọng Thủy day dứt, ân hận và trả giá.
- Ca ngợi mối tình thủy chung, trong sáng của Mị Châu và Trọng Thủy.
- Mị Châu một lòng chung thủy với chồng.
- Trọng Thủy cũng rất yêu vợ nhưng vì nghĩa vụ với quốc gia, vì chữ hiếu nên đã phải lừa dối Mị Châu.
- Thái độ của nhân dân:
- Tấm lòng bao dung, cảm thông của nhân dân với Mị Châu - Trọng Thủy, làm giảm nhẹ nỗi đau và tội lỗi của họ.
- Sự khoan hồng, ân xá của nhân dân đối với những kẻ tội lỗi, thể hiện giá trị nhân văn cao đẹp của dân tộc.
- Bài học: Giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa cá nhân với cộng đồng, gia đình với quốc gia, dân tộc. Đặt lợi ích quốc gia lên trên lợi ích cá nhân.
4. Nghệ thuật thể hiện
- Là chi tiết kì ảo hoang đường mang giá trị thẩm mĩ cao.
- Xét về phương diện tổ chức cốt truyện, chi tiết là sự kết thúc hợp lý nhất cho Mị Châu, Trọng Thủy.
III. Kết bài
- Khái quát lại ý nghĩa của chi tiết.
- Nhấn mạnh vai trò của những chi tiết kì ảo đối với truyện truyền thuyết.
Phân tích chi tiết giếng nước, ngọc trai - Mẫu 1
Tình yêu - một thứ cảm xúc mạnh mẽ và đầy phức tạp. Tình yêu là sự tin tưởng, và yêu thương mù quáng. Thật vậy, trong tình yêu chẳng có gì là chắc chắn, tình yêu đôi khi mang đến cho người ta nhiều bi kịch, khổ đau. Và bi kịch về tình yêu ấy được thể hiện rất rõ trong mối tình ngang trái của Mị Châu và Trọng Thủy trong truyền thuyết về An Dương Vương và Mị Châu Trọng Thủy. Để hiểu rõ hơn về bi kịch ngang trái ấy sau đây chúng ta cùng ngược dòng thời gian, trở về với quá khứ để tìm về hiểu rõ hơn chi tiết giếng nước, ngọc trai.
Mị Châu, con gái của An Dương Vương, là người thiếu nữ mày ngài, mắt phượng, nhan sắc tuyệt trần. Cuộc đời nàng vẫn êm đẹp và yên bình cho đến khi rơi vào mối nghiệt duyên với Trọng Thủy, con trai của kẻ thù.
Tưởng rằng gặp được hắn là cái duyên cái số, là chân ái của cuộc đời mình, tưởng rằng đó là nơi mà mình có thể gửi gắm cuộc đời này thế nhưng tình yêu ấy lại khiến nàng rơi vào bế tắc, trở thành kẻ tội đồ làm xoay chuyển vận mệnh của cả một dân tộc. Yêu là cảm thông, là san sẻ gánh nặng cho nhau, là tin tưởng nhau mù quáng, thật vậy sự thủy chung của người thiếu nữ ấy lại bị kẻ bạc tình kia đem ra làm trò đùa, hắn đùa giỡn với tình cảm của nàng, coi nàng như công cụ để phục vụ cho bá nghiệp cướp nước của cha con hắn. Và rồi tình yêu ấy kết thúc đầy đau đớn trong sự dối lừa, càng đau xót hơn khi nó còn kéo theo bi kịch nước mất nhà tan, Trọng Thuỷ đã đạt được mục đích của mình nhưng hắn cũng đã chà đạp lên tình cảm của một người rất yêu mình.
Chi tiết giếng nước, ngọc trai nằm ở cuối truyện mang nhiều ý nghĩa sâu sắc. Ngọc trai là hiện thân cho tấm lòng trong sáng, một lòng trung hiếu của Mị Châu, nàng là người đáng thương nhưng cũng là kẻ đáng trách. Sau cùng chỉ vì quá yêu và tin tưởng người chồng của mình nên lòng tin ấy mới bị lợi dụng để rồi rơi vào cảnh nước mất nhà tan, bị chính cha đẻ mình chém đầu. Trước cái giây phút đau đớn ấy nàng đã nguyện cầu: "Thiếp là phận gái, nếu có lòng phản nghịch mưu hại cha chết đi sẽ biến thành cát bụi. Nếu một lòng trung hiếu mà bị người lừa dối thì sẽ biến thành châu ngọc để rửa sạch mối nhục thù". Đó chẳng phải là lời trăng trối, là lời thỉnh cầu cuối cùng của kẻ đã bị người yêu mình rũ bỏ, bị cha đẻ cự tuyệt hay sao. Và rồi lời khẩn cầu ấy cũng trở thành hiện thực, chứng minh cho sự trong sạch của nàng, sau khi nàng chết máu chảy xuống biển, trai sò ăn được đều biến thành hạt châu. Ngọc trai cũng trong sáng như tâm hồn nàng vậy, nó là lời minh oan cho con người với số phận nghiệt ngã, đồng thời cũng là sự đồng cảm, là lòng xót thương của nhân dân với Mị Châu, cuối cùng sau khi sự thật được sáng tỏ nàng không còn bị hắt hủi mà đã nhận được sự cảm thông, thương xót với mình.
Mị Châu rơi vào nghịch cảnh và kẻ tội đồ gây nên bao đau đớn cho cuộc đời nàng cũng phải chấp nhận những hình phạt xứng đáng. Tưởng rằng chà đạp lên cuộc đời người khác để đạt được mục đích của mình là sẽ thảnh thơi và không còn gì bận tâm thế nhưng khi Mị Châu chết đi, Trọng Thuỷ mới nhận ra tình cảm của mình. Thì ra hắn không phải là kẻ vô tâm đến thế, tự mình đùa giỡn với tình cảm của người khác thế nhưng hắn cũng không ngờ rằng mình lại có tình cảm với Mị Châu. Lúc nàng còn sống, còn ở cạnh thì hắn lại buông lời lừa dối làm nàng tổn thương sâu sắc để rồi khi nàng chết đi hắn lại hối hận, giằng xé giữa lý trí và con tim, dằn vặt đầy những ăn năn tội lỗi. Hắn xót thương, đau đớn, cảm nhận được sự mất mát, mất đi một người luôn quan tâm và yêu thương hắn. Và cái cảm giác tội lỗi ấy đã ám ảnh hắn để rồi cuối cùng lại nhảy xuống giếng nước tự vẫn kết thúc đời mình. Hình ảnh giếng nước là tấm gương phản chiếu tội lỗi của Trọng Thủy qua đó chúng ta cũng thấy được sự giằng xé đầy đớn đau cho kẻ tội đồ tay nhuốm máu.
Sau này người ta có truyền nhau rằng ngọc trai mà đem rửa ở giếng nước ấy thì trở nên sáng hơn. Qua chi tiết ấy ta có thể hiểu rằng hận thù trong lòng Mị Châu đã được hóa giải. Kiếp trước họ là hai kẻ bất hạnh ở hai thế giới khác nhau nhưng lại vô tình bị cuốn vào vòng quay định mệnh đầy bất hạnh ấy để rồi rơi vào bi kịch. Nhưng sau cùng cũng chẳng thể trách móc ai, hai con người đáng thương mỗi người mang vác trên vai một trọng trách khác nhau, hắn lừa dối nàng nhưng cũng bi lụy vì nàng. Kiếp trước họ đã đau đớn, đã trả đủ nên kiếp này họ sống với nhau, không còn ân oán hận thù.
Chi tiết giếng nước và ngọc trai là hai chi tiết giàu ý nghĩa góp phần giải quyết mâu thuẫn và mở nút bi kịch cho các nhân vật. Qua đó còn thể hiện thái độ của nhân dân ta, đó là sự khoan dung, là sự cảm thông và thương xót cho những người chịu số phận bất hạnh.
Phân tích chi tiết giếng nước, ngọc trai - Mẫu 2
“Truyện An Dương Vương và Mị Châu - Trọng Thủy” không chỉ thu hút bạn đọc ở nội dung hấp dẫn mà còn bởi hệ thống hình ảnh biểu tượng giàu ý nghĩa. Trong hệ thống những hình ảnh đó ta không thể không nhắc đến biểu tượng: ngọc trai - giếng nước. Một chi tiết nghệ thuật giàu ý nghĩa.
Quân Triệu Đà kéo sang xâm lược Âu Lạc lần hai, An Dương Vương chủ quan không phòng bị nên thất bại thảm hại, mang con gái bỏ chạy. Đến bờ biển bị giặc truy đuổi đến gần, ông cầu cứu sứ Thanh Giang đến cứu, Rùa Vàng hiện lên chỉ: “Kẻ ngồi sau lưng chính là giặc đó”. Mị Châu bị chính cha mình tuốt kiếm giết chết. Trước khi chết nàng có nói rằng: “Thiếp là phận gái, nếu có lòng phản nghịch mưu hại cha, chết đi sẽ biến thành cát bụi. Nếu một lòng trung hiếu mà bị người lừa dối thì chết đi sẽ biến thành châu ngọc để rửa sạch mối nhục thù”. Khi nàng chết đi, máu chảy xuống biến thành hạt châu. Trọng Thủy đến nơi chỉ thấy còn xác Mị Châu nên đem về an táng, vì nhớ thương, khi tắm tưởng là Mị Châu nên đã lao đầu xuống giếng mà chết. Người đời sau mò được ngọc ở biển rồi rửa với nước giếng ngọc càng sáng thêm.
Về kết cấu tổ chức tác phẩm đây là chi tiết hợp lý với sự phát triển của tác phẩm. Đây là kết thúc hợp lí cho số phận của Mị Châu và Trọng Thủy, thể hiện cách đánh giá của nhân dân đối với bi kịch tình yêu và bi kịch mất nước của cả hai nhân vật.
Mị Châu chết đi, biến thành ngọc châu, đúng như lời khấn của nàng. Vì nhẹ dạ, cả tin, vì quá yêu chồng và ngây thơ nên nàng vô tình trở thành kẻ bất hiếu, mang danh phản nghịch. Số phận của nàng vô cùng đáng thương, bất hạnh. Thấu hiểu cho tấm lòng của người con gái ngây thơ, khờ dại vì tình yêu nên đã vô tình gây nên tội lớn, khi nàng chết, máu chảy xuống biển đã biến thành những viên ngọc lấp lánh. Nó cũng một lần nữa khẳng định tấm lòng trong trắng của Mị Châu, nàng không hề có ý phản nghịch mưu hại cha, đẩy nhân dân vào cảnh mất nước. Vẻ ngọc sáng lấp lánh cũng chính là vẻ đẹp tâm hồn nàng. Hình ảnh ngọc châu được sáng tạo thể hiện sự cảm thông, xót thương của nhân dân với số phận bất hạnh của Mị Châu, là lời minh oan cho nàng.
Đối với Trọng Thủy, dành được chiến thắng, hoàn thành nghĩa vụ với vua, là một bề tôi trung thành, nhưng Trọng Thủy lại rơi vào bi kịch tình yêu. Trọng Thủy phải sống trong day dứt, dằn vặt vì đã lừa dối người vợ trong trắng, thủy chung. Hình ảnh giếng nước ở Loa Thành cũng chính là tấm gương phản chiếu tội lỗi của Trọng Thủy, hắn nhảy xuống giếng tự vẫn là kết thúc hoàn toàn hợp lý cho những tội lỗi mà mình đã gây ra. Trọng Thủy không được bất tử hóa như An Dương Vương và Mị Châu, chỉ nhắc đến sau này, nước giếng ấy mà đem sửa ngọc trai thì ngọc trai sáng đẹp hơn, trong sáng hơn. Kết thúc đó cũng thể hiện quan điểm, thái độ của dân gian với nhân vật này.
Chi tiết ngọc trai khi rửa ở giếng nước nơi Trọng Thủy tự vẫn là một chi tiết giàu ý nghĩa, một sáng tạo độc đáo của nhân dân ta. Về chi tiết này cũng gợi ra nhiều cách hiểu khác nhau. Có ý kiến cho rằng chi tiết ngọc trai - nước giếng là biểu tượng của mối tình chung thủy: kiếp này không thể trọn vẹn với nhau thì họ hẹn nhau ở kiếp sau. Hiểu như vậy là không thật đúng vì trước khi chết, Mị Châu ngộ ra trong quá trình chung sống với Trọng Thủy, nàng bị dối lừa và trong nàng chỉ còn lòng hận thù. Khi lý trí trở về, không còn nhầm chỗ để trên đầu, nàng không dễ dàng khôi phục tình yêu. Chi tiết ngọc trai rửa ở giếng nước trở nên sáng đẹp hơn chỉ là biểu hiện của sự tha thứ cho Trọng Thủy.
“Truyện An Dương Vương và Mị Châu - Trọng Thủy” là câu chuyện giàu ý nghĩa từ chính những biểu tượng của nó. Để Mị Châu biến thành ngọc châu, rửa với nước giếng nơi Trọng Thủy chết thể hiện tấm lòng nhân đạo bao dung của nhân dân ta. Trước những lầm lỗi luôn sẵn sàng tha thứ, nhưng đồng thời cũng có hình phạt thích đáng cho những kẻ có tội.
Phân tích chi tiết giếng nước, ngọc trai - Mẫu 3
Nhắc đến “Truyện An Dương Vương và Mị Châu - Trọng Thủy” người ta không thể quên một kết cục bi kịch. Đó hoàn toàn là những cái chết để trả giá cho những việc làm của bản thân mình. Đặc biệt là cái chết của Mị Châu và Trọng Thủy. Một hình ảnh được người ta nhớ đến khi nhắc đến mối tình của hai người đó là ngọc trai và giếng nước. Có thể nói đó là một hình ảnh đắt mang nhiều giá trị ý nghĩa.
Hình ảnh “ngọc trai” tượng trưng cho Mị Châu. Nàng là một người con gái ngoan hiền nghe lời cha nhưng vì quá ngây thơ nhẹ dạ cả tin mà nàng đã trở thành kẻ phản đồ làm cho thành bị chiếm nước Âu Lạc bị mất. Người cha của cô thì phải xuống biển cùng với thần rùa Kim Quy. Trong cái xã hội người ta chuộng đất nước như thế việc cô vô tình trở thành kẻ phản đồ phản nước đã buộc cha cô tuốt gươm chém đầu cô không thương tiếc. Vì theo quan niệm của người xưa tuy “hổ dữ không ăn thịt con” nhưng một khi đã phản lại quốc gia thì thân đến đâu cũng phải nhận cái chết làm kết cục. Mị Châu chết mà không biết tại sao. Và có lẽ chính vì thế mà khi nàng chết nàng hóa thành ngọc trai để thể hiện tấm lòng trong trắng của mình. Viên ngọc ấy thể hiện sự trong sáng trong tình yêu cũng như trong tình cha con đất nước của Mị Châu.
Còn về phần giếng nước chính là tấm gương phản chiếu hội tụ tất cả những tội lỗi mà Trọng Thủy mắc phải. Suy cho cùng thì Trọng Thủy cũng vì hiếu với cha cho nên đã lừa dối nàng Mị Châu chứ trong thật tâm chàng cũng yêu thương nàng một cách rất thật lòng. Sau những gì mà Trọng Thủy đã làm cũng như chứng kiến cái chết của vợ mình - người mà mình ngày đêm đầu ấp tay kề thương yêu hết mực, Trọng Thủy như ý thức được lỗi lầm nên vô cùng hối hận. Mị Châu chết đi đã ám ảnh Trọng Thủy. Giếng nước như phản chiếu mọi lỗi lầm ấy khiến cho chàng nhìn vào đó mà lòng không yên. Trọng Thủy đã quyết định nhảy xuống đó tự tử. Phải chăng chàng đã dùng giếng nước kia để rửa sạch những tội lỗi của bản thân mình?
Theo như tương truyền thì khi người ta lấy nước giếng ấy rửa ngọc thì càng rửa càng sáng. Với quan niệm yêu nước thì cha ông ta sẽ không bao giờ sáng tạo nghệ thuật để ngợi ca những ai đưa họ đến bi kịch mất nước. Vậy nên ở đây ta hiểu rằng ý nghĩa của hình ảnh nghệ thuật kia nhằm để nói đến sự tha thứ của Mị Châu dành cho Trọng Thủy. Người chồng kia đã cảm thấy ăn năn và quyết định tìm đến cái chết để chuộc mọi lỗi lầm.
Có thể nói hình ảnh “ngọc trai - giếng nước” đã thể hiện được tấm lòng bao dung của tác giả dân gian dành cho những con người mắc phải tội lỗi ấy. Nói một cách khách quan thì ở đây ta thấy trong tình hình chiến tranh của những vị vua thời xưa chính hai người con kia đã trở thành công cụ để cho cha mình thực hiện được mục đích cướp nước của mình. Cả hai chính vì thế mà tình cảm vợ chồng bị ảnh hưởng bị làm cho tan nát. Vậy nên sự chết đi hóa thành “ngọc trai - giếng nước” của họ là một lời bênh vực của nhân dân dành cho những người con ấy. Họ đâu có được quyền lợi gì trong chuyện ấy mà họ chỉ biết sống trọn tình trọn nghĩa với người thân của mình mà thôi. Mị Châu sống trọn tình với cha nhận lời cưới trọng Thủy. Nàng sống không lừa dối, không dấu với Trọng Thủy. Còn chàng thì chàng sống trọn tình với cha mình.
Như vậy qua đây ta có thể thấy rằng hình ảnh “ngọc trai - giếng nước” mang nhiều ý nghĩa sâu sắc của mối tình Trọng Thủy và Mị Châu. Cả hai người đều có lỗi nhưng cái lỗi ấy suy cho cùng cũng vì sự trung hiếu, vì tình cảm, sự ngây thơ dại khờ mà thôi. Thật tâm trong lòng họ đều không toan tính gì cả, lòng họ sáng như ngọc trai, trong như giếng nước kia vậy.
Phân tích chi tiết giếng nước, ngọc trai - Mẫu 4
“Truyện An Dương Vương và Mị Châu, Trọng Thuỷ” kết thúc với sự thất bại của Âu Lạc, An Dương Vương đi vào lòng biển, Mị Châu và Trọng Thuỷ phải chết. Tuy kết thúc có phần đau đớn song câu chuyện không vì thế mà quá bi thương bởi trong sâu thẳm vẫn sáng lên niềm tin, chất nhân văn sâu sắc qua hình ảnh “ngọc trai - giếng nước”.
Chúng ta có thể thấy rằng “ngọc trai - giếng nước” vừa là hình ảnh có giá trị thẩm mĩ cao, vừa là một tình tiết đắt xét về phương diện tổ chức cốt truyện. Nó là sự kết thúc duy nhất hợp lý cho số phận của đôi trai gái Mị Châu và Trọng Thủy. Cùng với sự thể hiện tư tưởng, tình cảm, cách đánh giá của nhân dân đối với bi kịch tình yêu này nói chung, nhân vật Mị Châu nói riêng.
Nàng Mị Châu bởi nhẹ dạ, cả tin làm nên nổi “cơ đồ đắm biển sâu”. Nàng đã phải nhận lấy cái chết cho danh nghĩa một kẻ bất hiếu, phản nghịch. Nhưng sâu xa, tác giả dân gian đã thấu hiểu nỗi lòng một người con gái ngây thơ, trong trắng vì tình yêu đã vô tình gây nên tội mà đã cho nàng được hoá thành những viên ngọc trai. Những viên ngọc trai lấp lánh như đáp lại lời cầu nguyện của nàng trước khi vua cha chém đầu. Nàng không phải là người có lòng phản nghịch muốn hại cha, nàng là người có lòng trung hiếu nhưng vô tình bị người ta lừa dối. Những viên ngọc ấy ẩn sâu trong lớp vỏ trai dưới làn nước đầy bụi bẩn vẫn thanh lọc để sáng lên như chính tâm hồn ngây thơ trong trắng của Mị Châu. Ánh sáng ngọc trai ám ảnh tâm trí người đọc, tìm sự chia sẻ, đồng cảm.
Tác giả dân gian đã có tấm lòng vô cùng độ lượng khi thấu hiểu và cảm thông với nàng Mị Châu. Để nàng được toại nguyện biến thành ngọc trai. Sự hoá thân ấy mang theo một ước mơ của nhân dân về những Mị Châu sáng suốt sau này, “vừa say đắm yêu thương vừa luôn luôn cảnh giác”.
Nói về Trọng Thuỷ. Hắn là một kẻ chiến thắng trên phương diện chính trị nhưng lại là kẻ thất bại thảm hại về phương diện tình cảm. Hắn đã mất đi người vợ yêu quý, mất đi sự thanh thản trong tâm hồn và càng ám ảnh hơn chính hắn gây nên cái chết Mị Châu trong trắng, ngây thơ hết lòng yêu thương hắn. Giếng nước ở Loa thành là tấm gương hội tụ và phản chiếu tất cả tội ác mà Trọng Thuỷ gây nên. Chính ở nơi này hắn nhìn thấy bản chất xấu xa của mình và thực lòng hối cải. Trọng Thuỷ nhảy xuống giếng tự vẫn, dòng máu hòa dòng nước nơi giếng ngọc là sự chứng nhận cho sự hối cải tội lỗi của hắn.
Từ tương truyền, nếu dùng nước giếng ở Cổ Loa mà rửa ngọc thì ngọc thêm sáng hơn, có người cho rằng, hình ảnh “ngọc trai - giếng nước” là hình ảnh ngợi ca mối tình thuỷ chung của Mị Châu - Trọng Thuỷ. Nhưng thiết nghĩ, với tinh thần yêu nước, cha ông ta sẽ không bao giờ sáng tạo nghệ thuật để ngợi ca những ai đưa họ đến bi kịch mất nước. Chỉ có thể lí giải rằng, hình ảnh ngọc sáng hơn bởi ở thế giới bên kia Mị Châu đã tha thứ, hoá giải tội lỗi cho Trọng Thuỷ. Màu ngọc ấy cũng sáng như tấm lòng yêu thương, vị tha của công chúa Mị Châu. Hư cấu chi tiết này, người xưa còn muốn giảm nhẹ bớt tội lỗi của nàng trong việc mất cảnh giác làm nước mất, nhà tan.
Để Mị Châu biến thành ngọc trai, Trọng Thuỷ tự vẫn nơi giếng nước và để hình ảnh “ngọc trai - giếng nước” sáng là tạo nghệ thuật đẹp tới mức hoàn mỹ. Đó chính là tấm lòng nhân đạo bao dung, nhân hậu của nhân dân. Nó thể hiện truyền thống nhân văn sâu sắc.
Chúng ta không thể không nhắc tới Trọng Thuỷ. Một nhân vật với vị trí và bản chất khá phức tạp trong cốt truyện. Trọng Thuỷ là con của Triệu Đà - luôn có âm mưu thôn tính Âu Lạc. Trọng Thuỷ sang Âu Lạc với mục đích giảng hòa để đánh cắp nỏ thần. Trước lúc cầu hôn Mị Châu, Trọng Thuỷ chưa hề có cảm tình mà chỉ là toan tính. Đến khi trở thành vợ chồng với Mị Châu, tình yêu của Trọng Thuỷ mới nảy nở. Nhưng ý thức làm con, làm tôi trung thành trong hắn vẫn lớn hơn. Hắn dối lừa người vợ cả tin, ngây thơ của mình để đánh cắp nỏ thần, thôn tính nước Âu Lạc, dồn An Dương Vương và Mị Châu đến bước đường cùng. Hắn đúng là tên gián điệp nguy hiểm trong cái nhìn của cha ông chúng ta. Hắn xứng đáng phải chịu nỗi ân hận vò xé tâm can khi dẫn đến cái chết của người vợ yêu quý. Không có nỗi khổ nào bằng sự day dứt lương tâm. Bản án đích đáng của Trọng Thuỷ là cái chết của Mị Châu đã trở thành nỗi ám ảnh. Nhân dân đã bày tỏ thái độ căm phẫn không tha thứ và không đội trời chung với kẻ cướp nước. Kẻ cướp nước sẽ bị tòa án lương tâm và lịch sử phán xét, sớm muộn chúng sẽ thất bại thảm hại trong cuộc chiến tranh chính nghĩa bảo vệ độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia. Đấy là niềm tin mạnh mẽ của nhân dân trước những thử thách của lịch sử. Song không vì lòng căm phẫn mà khiến dân gian đánh mất đi truyền thống nhân văn sâu sắc của dân tộc. Hình ảnh “ngọc trai - giếng nước” chính là sự khoan hồng, ân xá cho kẻ đã biết ân hận, khát khao được hoá giải tội lỗi như Trọng Thuỷ.
Mỗi nhân vật trong truyền thuyết này được nhìn nhận, đánh giá, định đoạt số phận một cách khác nhau. Ở đối tượng này có hơi dễ dãi, (như đối với An Dương Vương) ở đối tượng kia có phần hơi nghiêm khắc (như đối với Mị Châu). Song nhìn chung những nhân vật lịch sử, sự kiện lịch sử ấy đã được cảm nhận ghi lại bằng tất cả lòng nhiệt thành, tự tôn dân tộc. Và nhất là, cái sâu sắc nhất đọng lại sau mỗi số phận nhân vật là tình người, chất nhân văn truyền thống.
“Truyện An Dương Vương và Mị Châu - Trọng Thuỷ” là một truyền thuyết đẹp, để lại nhiều ấn tượng sâu sắc trong lòng người đọc. Câu chuyện là một cách giải thích nguyên nhân việc mất nước Âu Lạc. Qua đó nêu lên bài học lịch sử về tinh thần cảnh giác với kẻ thù và cách xử lý đúng đắn mối quan hệ giữa riêng và chung, giữa nhà với nước, giữa cá nhân với cộng đồng. Thể hiện chất trí tuệ sắc sảo, bản chất nhân đạo sâu sắc của dân tộc Việt Nam ta.
Phân tích chi tiết giếng nước, ngọc trai - Mẫu 5
“Truyện An Dương Vương và Mị Châu - Trọng Thủy” là một trong những tác phẩm văn học dân gian nổi tiếng. Truyện không chỉ có giá trị về nội dung mà còn giàu ý nghĩa biểu tượng. Trong đó phải kể đến chi tiết giếng nước, ngọc trai.
Chi tiết “ngọc trai - giếng nước” nằm ở phần cuối của truyện. Sau khi biết được bí mật, mượn cớ về thăm cha, Trọng Thủy đánh cắp nỏ thần đem về đưa cho Triệu Đà. Có nỏ thần trong tay, Triệu Đà tiến đánh Âu Lạc một lần nữa. An Dương Vương thấy giặc đến chân thành nhưng vẫn chủ quan vì nghĩ rằng đã có nỏ thần. Nỏ thần không phát huy tác dụng, thua trận, An Dương Vương cưỡi ngựa đem theo Mị Châu đi về phía biển. Nhưng đi đến đâu thì thấy quân giặc theo đến đấy. Thần Kim Quy hiện lên nói rằng kẻ thù ở ngay bên cạnh. An Dương Vương bèn rút kiếm ra chém chết Mị Châu rồi nhảy xuống biển tự vẫn. Trước khi bị cha chém chết, Mị Châu đã nói rằng: “Thiếp là phận gái, nếu có lòng phản nghịch mưu hại cha chết đi sẽ biến thành cát bụi. Nếu một lòng trung hiếu mà bị người lừa dối thì sẽ biến thành châu ngọc để rửa sạch mối nhục thù”. Và quả thật khi nàng chết đi, máu của nàng chảy xuống biển, con trai ăn được mới có ngọc châu. Ngọc trai chính là sự hóa thân của Mị Châu. Còn giếng nước lại là chi tiết phản chiếu những lỗi lầm của Trọng Thủy. Mị Châu chết đi khiến Trọng Thủy vô cùng hối hận, bèn nhảy xuống giếng Mị Châu thường tắm tự tử. Người đời sau đem ngọc châu rửa với nước giếng này thì thấy sáng lạ lùng.
Như vậy, chi tiết này là một sự giải oan cho Mị Châu. Nàng không chủ ý trở thành kẻ phản nghịch với đất nước. Mà chỉ vì tấm lòng ngây thơ cũng như sự cả tin mà dẫn đến sai lầm. Lời cầu khấn của nàng đã ứng nghiệm chứng tỏ tấm lòng trung thành của Mị Châu với đất nước. Sự thấu hiểu của nhân dân dành cho người con gái khờ dại vì tình yêu mà vô tình trở thành kẻ bất trung bất hiếu. Việc ngọc trai sáng lấp lánh cũng giống như vẻ đẹp tâm hồn của nàng. Còn đối với Trọng Thủy dù lấy được nỏ thần đem về cho Triệu Đà, giành được chiến thắng nhưng lại mất đi người mình yêu thương nhất. Chàng phải sống trong day dứt, dằn vặt vì lỗi lầm với Mị Châu. Có thể nói chính Trọng Thủy đã gián tiếp hại chết Mị Châu. Hình ảnh giếng nước ở Loa thành đã phản ảnh được tội lỗi của Trọng Thủy. Hành động nhảy xuống giếng tự tử là phù hợp với tâm lí của nhân vật này.
Chi tiết ngọc trai, giếng nước đã thể hiện được giá trị nhân văn cao đẹp. Đó là thái độ bao dung của nhân dân dành cho Mị Châu và Trọng Thủy. Đồng thời là lời nhắc nhở người đời sau cần biết giải quyết mối quan hệ cá nhân - cộng đồng một cách hợp lý.
Tóm lại, ngọc trai - giếng nước là một chi tiết sâu sắc, giàu ý nghĩa biểu tượng. Đồng thời đem đến một bài học giá trị cho mỗi con người trong cuộc sống.
Phân tích chi tiết giếng nước, ngọc trai - Mẫu 6
Khi đọc “Truyện An Dương Vương và Mị Châu - Trọng Thủy” chắc hẳn người đọc sẽ thấy ấn tượng với chi tiết ngọc trai, giếng nước. Chi tiết trên chứa đựng nhiều ý nghĩa sâu sắc.
Sau khi Trọng Thủy biết được bí mật, lấy cớ thăm cha, Trọng Thủy đánh cắp nỏ thần đem về cho Triệu Đà. Có nỏ thần trong tay, Triệu Đà tiến đánh Âu Lạc một lần nữa. An Dương Vương thấy giặc đến chân thành nhưng vẫn chủ quan vì nghĩ rằng đã có nỏ thần. Thua trận, An Dương Vương cưỡi ngựa đem theo Mị Châu tiến về phía biển. Nhưng đi đến đâu thì thấy quân giặc theo đến đấy. Vua cầu cứu thần Kim Quy, thần hiện lên báo rằng: “Giặc ở sau lưng nhà vua đấy”. An Dương Vương tỉnh ngộ, liền rút gươm chém Mị Châu, rồi nhảy xuống biển tự vẫn. Trước khi bị vua cha chém chết, Mị Châu có nói rằng: “Thiếp là phận gái, nếu có lòng phản nghịch mưu hại cha chết đi sẽ biến thành cát bụi. Nếu một lòng trung hiếu mà bị người lừa dối thì sẽ biến thành châu ngọc để rửa sạch mối nhục thù”. Quân của Triệu Đà kéo vào chiếm đóng Loa thành, còn Trọng Thuỷ một mình một ngựa theo dấu lông ngỗng đi tìm Mị Châu. Đến bờ biển thấy xác vợ nằm đấy thì hối hận. Trở về, Trọng Thủy chôn cất cho Mị Châu cẩn thận rồi đâm đầu xuống giếng mà Mị Châu vẫn thường tắm tử tự.
Đây là một chi tiết giàu tính sáng tạo, thể hiện được ước muốn của nhân dân ta. Lời cầu khấn của Mị Châu đã trở thành sự thật, máu của nàng khi chảy xuống biển thì ngọc trai ăn được mới có ngọc châu. Viên ngọc sáng lấp lánh cũng giống như tấm lòng của nàng. Nàng không hề có ý định mưu nghịch cha, đẩy nhân dân vào cảnh nước mất nhà tan. Mà chỉ vì tình yêu dành cho Trọng Thủy đã che mờ đi lý trí. Sự nhẹ dạ, cả tin của nàng với Trọng Thủy đã khiến nàng vô tình tiết lộ bí mật quốc gia, thậm chí là dẫn giặc đi theo mình. Dù Mị Châu đáng trách nhưng cũng thật đáng thương. Đó chính là lời cảm thông, thương xót của nhân dân ta dành cho nàng.
Với Trọng Thủy và chi tiết giếng nước. Dù chiến thắng trong cuộc chiến tranh phi nghĩa. Dù hoàn thành nghĩa vụ với đất nước của mình. Nhưng chàng lại trở thành kẻ lừa dối người vợ hết lòng yêu thương mình. Hình ảnh giếng nước đã trở thành tấm gương phản chiếu tội lỗi của Trọng Thủy. Cái chết của Mị Châu khiến chàng nhận ra chiến tranh phi nghĩa không đem đến hạnh phúc. Sự ăn năn, hối hận đã khiến Trọng Thủy phải trả giá bằng cái chết mà bản thân tự lựa chọn.
Cuối cùng, chi tiết ngọc trai - giếng nước còn thể hiện được thái độ của nhân dân ta. Đó là tấm lòng bao dung, cảm thông của nhân dân với mối tình của Mị Châu và Trọng Thủy khi làm giảm nhẹ nỗi đau và tội lỗi của họ. Sự khoan hồng, ân xá của nhân dân đối với những kẻ tội lỗi - một giá trị nhân văn cao đẹp của dân tộc ta.
Truyện An Dương Vương và Mị Châu - Trọng Thủy cho thấy một bài học trong việc lựa chọn lợi ích cá nhân với lợi ích quốc gia, dân tộc. Mỗi người cần ý thức đặt lợi ích quốc gia lên trên lợi ích cá nhân.