Ôn tập về dấu câu (Dấu chấm, chấm hỏi, chấm than) - Tuần 29 giúp các em học sinh lớp 5 nhanh chóng trả lời các câu hỏi SGK Tiếng Việt 5 Tập 2 trang 110. Nhờ đó, các em sẽ biết cách sử dụng dấu chấm, dấu hỏi và chấm than trong câu.
Đồng thời, cũng giúp thầy cô tham khảo để soạn giáo án Luyện từ và câu Tuần 29 cho học sinh của mình. Vậy mời thầy cô và các em cùng tải miễn phí bài viết dưới đây để ôn tập thật tốt kiến thức cho tiết Luyện từ và câu.
Luyện từ và câu: Ôn tập về dấu câu (Dấu chấm, chấm hỏi, chấm than) trang 110
Hướng dẫn giải Luyện từ và câu SGK Tiếng Việt 5 tập 2 trang 110, 111
Câu 1
Tìm các dấu chấm, dấu hỏi và chấm than trong mẩu chuyện vui dưới đây. Cho biết mỗi dấu câu ấy được dùng làm gì
Kỉ lục thế giới
Một vận động viên đang tích cực luyện tập để tham gia thế vận hội. Không may, anh bị cảm nặng. Bác sĩ bảo:
- Anh sốt cao lắm! Hãy nghỉ ngơi ít ngày đi đã!
Người bệnh hỏi:
- Thưa bác sĩ, tôi sốt bao nhiêu độ?
Bác sĩ đáp:
- Bốn mươi mốt độ.
Nghe thấy thế, anh chàng ngồi phắt dậy:
- Thế kỉ lục thế giới là bao nhiêu?
MINH CHÂU sưu tầm
Trả lời:
- Các dấu chấm, dấu hỏi và dấu chấm than có trong mẩu chuyện vui đó là:
(1) Một vận động viên đang tích cực luyện tập để tham gia thế vận hội.
(2) Không may, anh bị cảm nặng.
(3) Bác sĩ bảo:
(4) – Anh sốt cao lắm!
(5) Hãy nghỉ ngơi ít ngày đã!
(6) Người bệnh hỏi:
(7) – Thưa bác sĩ, tôi sốt bao nhiêu độ?
(8) Bác sĩ đáp:
(9) – Bốn mươi một độ.
(10) Nghe thấy thế, anh chàng ngồi phắt dậy:
(11) – Thế kỉ lục thế giới là bao nhiêu?
- Tác dụng của những dấu câu ấy:
- Dấu chấm đặt cuối các câu 1, 2, 9: dùng để kết thúc các câu kể (*Câu 3, 6, 8, 10 cũng là câu kể, nhưng cuối câu đặt dấu hai chấm để dẫn lời nhân vật)
- Dấu chấm hỏi đặt ở cuối câu 7, 11: dùng để kết thúc các câu hỏi
- Dấu chấm than đặt cuối câu 4, 5: dùng để kết thúc câu cảm (câu 4), câu cầu khiến (câu 5)
Câu 2
Có thể đặt dấu chấm vào những chỗ nào trong bài văn sau? Viết lại các chữ đầu câu cho đúng quy định.
Thiên đường của phụ nữ
Thành phố Giu-chi-tan nằm ở phía nam Mê-hi-cô là thiên đường của phụ nữ ở đây, đàn ông có vẻ mảnh mai, còn đàn bà lại đẫy đà, mạnh mẽ trong mỗi gia đình, khi có một đứa bé sinh ra là phái đẹp thì cả nhà nhảy cẫng lên vui sướng, hết lời tạ ơn đấng tối cao.
Nhưng điều đáng nói là những đặc quyền đặc lợi của phụ nữ trong bậc thang xã hội ở Giu-chi-tan, đứng trên hết là phụ nữ, kế đó là những người giả trang phụ nữ, còn ở nấc cuối cùng là… đàn ông điều này thể hiện trong nhiều tập quán của xã hội chẳng hạn, muốn tham gia một lễ hội, đàn ông phải được một phụ nữ mời và giá vé vào cửa là 20 pê-xô dành cho phụ nữ chính cống hoặc những chàng trai giả gái, còn đàn ông: 70 pê-xô nhiều chàng trai mới lớn thèm thuồng những đặc quyền đặc lợi của phụ nữ đến nỗi có lắm anh tìm cách trở thành .. con gái.
Theo tạp chí THẾ GIỚI MỚI
- Đặc quyền đặc lợi: những quyền lợi dành riêng cho một số ít người có địa vị cao
- Pê-xô: đơn vị tiền tệ của Mê-hi-cô
Trả lời:
Thiên đường của phụ nữ
Thành phố Giu-chi-tan nằm ở phía nam Mê-hi-cô là thiên đường của phụ nữ. (1) Ở đây, đàn ông có vẻ mảnh mai, còn đàn bà lại đẫy đà, mạnh mẽ. (2) Trong mỗi gia đình, khi có một đứa bé sinh ra là phái đẹp thì cả nhà nhảy cẫng lên vui sướng, hết lời tạ ơn đấng tối cao.
Nhưng điều đáng nói là những đặc quyền đặc lợi của phụ nữ. (3) Trong bậc thang xã hội ở Giu-chi-tan, đứng trên hết là phụ nữ, kế đó là những người giả trang phụ nữ, còn ở nấc cuối cùng là… đàn ông. (4) Điều này thể hiện trong nhiều tập quán của xã hội. (5) Chẳng hạn, muốn tham gia một lễ hội, đàn ông phải được một phụ nữ mời và giá vé vào cửa là 20 pê-xô dành cho phụ nữ chính cống hoặc những chàng trai giả gái, còn đàn ông: 70 pê-xô. (6) Nhiều chàng trai mới lớn thèm thuồng những đặc quyền đặc lợi của phụ nữ đến nỗi có lắm anh tìm cách trở thành .. con gái.
Theo tạp chí THẾ GIỚI MỚI
Câu 3
Khi chép lại mẩu chuyện vui dưới đây, bạn Hùng đã dùng sai một số dấu câu. Em hãy giúp bạn chữa lại những lỗi đó.
Tỉ số chưa được mở
Nam: - Hùng này, hai bài kiểm tra Tiếng Việt và Toán hôm qua, cậu được mấy điểm.
Hùng: -Vẫn chưa mở được tỉ số.
Nam: - Nghĩa là sao!
Hùng: - Vẫn đang hòa không – không?
Nam: ?!
MINH CHÂU sưu tầm
Trả lời:
- Câu 1 là câu hỏi ⟶ Phải sửa dấu chấm thành dấu hỏi
Sửa lại: Hùng này, hai bài kiểm tra Tiếng Việt và Toán hôm qua, cậu được mấy điểm?
- Câu 3 là câu hỏi ⟶ Phải sửa dấu chấm than thành dấu hỏi
Sửa lại: Nghĩa là sao?
- Câu 4 là câu kể ⟶ Phải sửa dấu hỏi chấm thành dấu chấm
Sửa lại: Vẫn đang hòa không – không.
Bài tập Ôn tập về dấu câu
Câu 1: Với nội dung sau đây, con hãy đặt một dấu câu phù hợp:
Bày tỏ sự yêu thích của con trước cái áo mà bạn con đang mặc
A. Bạn mặc chiếc áo này đẹp đấy?
B. Bạn mặc chiếc áo này đẹp đấy.
C. Bạn mặc chiếc áo này đẹp đấy!
D. Bạn mặc chiếc áo này đẹp đấy
Đáp án: C
Câu 2: Với nội dung sau đây, con hãy đặt một dấu câu phù hợp:
Thể hiện yêu cầu, nguyện vọng mong muốn bạn mình thực hiện.
A. Trời nóng quá, mở cửa giúp tớ với.
B. Trời nóng quá, mở cửa giúp tớ với?
C. Trời nóng quá, mở cửa giúp tớ với!
D. Trời nóng quá, mở cửa giúp tớ với:
Đáp án: C
Câu 3: Với nội dung sau đây, con hãy đặt một dấu câu phù hợp:
Bày tỏ sự tò mò, thắc mắc trước một vấn đề mà con còn chưa được rõ
A. Cậu là Minh có phải không?
B. Cậu là Minh có phải không!
C. Cậu là Minh có phải không.
D. Cậu là Minh có phải không:
Đáp án: A
Câu 4: Khi chép lại mẩu chuyện vui dưới đây, bạn Hùng đã bỏ quên một số dấu câu. Con hãy giúp bạn điền thêm các dấu câu vào chỗ trống:
Tỉ số chưa được mở
Nam: - Hùng này, hai bài kiểm tra Tiếng Việt và Toán hôm qua, cậu được mấy điểm?
Hùng: - Vẫn chưa mở được tỉ số.
Nam: - Nghĩa là sao?
Hùng: - Vẫn đang hòa không – không.
Nam: ?!
Đáp án:
Tỉ số chưa được mở
Nam: - Hùng này, hai bài kiểm tra Tiếng Việt và Toán hôm qua, cậu được mấy điểm?
Hùng: - Vẫn chưa mở được tỉ số.
Nam: - Nghĩa là sao?
Hùng: - Vẫn đang hòa không – không.
Nam: ?!