Nếu bạn như hầu hết những người dùng Windows khác thì trường hợp duy nhất mà bạn động đến Task Manager là khi một ứng dụng bị đóng băng và bạn cần đóng nó. Ngoài điều đó, bạn nên biết rằng Task Manager còn có một số tính năng hữu ích khác.
Khi Microsoft sửa lại Task Manager trên Windows 8, mọi người phàn nàn rằng Microsoft đã hủy hoại một thứ khác. Nhưng không phải tất cả đều không tồi tệ và với những cải tiến đáng kể trên Windows 10, Task Manager bây giờ thực sự rất tuyệt vời. Do đó, bài viết sau đây sẽ chia sẻ cho bạn những thủ thuật Windows Task Manager mà có thể bạn không biết.
Những thủ thuật Windows Task Manager mà bạn nên biết
- 1. Khởi chạy Task Manager
- 2. Tìm ra lý do ứng dụng bị đóng băng
- 3. Khởi động lại Windows Explorer
- 4. Theo dõi hiệu suất và tài nguyên
- 5. Tìm kiếm các tiến trình đáng nghi ngờ trực tuyến
- 6. Bổ sung thêm cột cho thông tin
- 7. Chuyển đổi giữa giá trị và phần trăm
- 8. Quản lý cửa sổ ứng dụng dễ dàng
- 9. Mở vị trí file của ứng dụng
- 10. Khởi chạy Command Prompt trực tiếp
- 11. Ctrl + Alt + Delete không phải phím tắt của Windows Task Manager
- 12. Windows Task Manager có thể chạy ở chế độ tài nguyên thấp
1. Khởi chạy Task Manager
Tính đến nay, có năm cách khác nhau để khởi chạy Task Manager. Một số được biết đến rộng rãi và thường được sử dụng, và một số thì ít rõ ràng, nhưng dễ sử dụng hơn và tốt hơn cho người dùng trung bình.
- Ctrl + Alt + Del: Đây là phương pháp mà gần như mọi người đều biết. Không có gì sai với nó, nhưng trên Windows 10, cách này không trực tiếp khởi chạy Task Manager. Thay vào đó, nó hiển thị cho bạn một sự lựa chọn và bạn phải click vào tùy chọn Task Manager để khởi chạy nó.
- Ctrl + Shift + Esc: Phím tắt này ngay lập tức mở Task Manager, không có những lựa chọn không cần thiết khác. Điểm tốt là bạn có thể thực hiện nó bằng một tay (không giống như Ctrl + Alt + Del, đòi hỏi bạn phải sử dụng hai tay).
- Taskbar: Nếu bạn click chuột phải vào taskbar ở phía dưới màn hình, có một tùy chọn mà có lẽ bạn bỏ qua lần này đến lần khác, đó là Task Manager. Đây là cách dễ dàng nhất để sử dụng nếu bạn không muốn sử dụng bàn phím.
- Power User Menu: Một số người không nhận ra được sự hữu ích của Power User Menu. Bạn có thể truy cập trình đơn này bằng phím tắt Windows + X hoặc bằng cách click vào nút Start. Đối với cả hai cách, bạn chọn Task Manager. Đây là một phương pháp mở Task Manager tuyệt vời khác mà chỉ cần dùng chuột.
- Lệnh Run: Mở hộp thoại Run với phím tắt Windows + R, sau đó nhập taskmgr và nhấn Enter. Bạn cũng có thể chạy lệnh này trên thanh địa chỉ của File Explorer hoặc trong thanh tìm kiếm Start Menu.
2. Tìm ra lý do ứng dụng bị đóng băng
Như đã đề cập ở trên, lý do phổ biến nhất để mở Task Manager là để đóng ứng dụng bị đóng băng. Nhưng lần tới nếu bạn ở trong trường hợp đó thì đừng vội sử dụng thủ thật này, vì có thể chương trình không bị đóng băng mà cần một thời gian để xử lý tác vụ.
Đóng một ứng dụng đang hoạt động sớm có thể dẫn đến mất dữ liệu, và thậm chí nếu bạn đang siêng năng tạo sao lưu thì bạn có thể không thể phục hồi mọi thứ. Đó là lý do tại sao, bất cứ khi nào có thể, bạn nên chờ xem liệu một ứng dụng bị đóng băng tự giải quyết được hay không.
Đó là khi tính năng Analyze Waut Chain trong Task Manager phát huy tác dụng của mình. Nó có thể cho bạn biết khi một tiến trình bị mắc kẹt, chờ đợi tiến trình khác, có thể giúp bạn xác định lý do tại sao một ứng dụng không phản hồi (tức là tiến trình đó là thủ phạm thực sự). Tất cả có sẵn trong tab Details.
3. Khởi động lại Windows Explorer
Đôi khi bạn có thể thấy rằng một số phần của hệ thống không phản hồi (như Taskbar, File Explorer, Start Menu...) trong khi các ứng dụng khác vẫn chạy bình thường. Khởi động lại máy tính sẽ giải quyết vấn đề, nhưng thay vào đó, có lẽ khởi động lại Windows Explorer là đã đủ.
Khởi động lại Windows Explorer sẽ đóng tác vụ và tự động khởi động. Đây là một cách đáng để thử khi Windows bị đóng băng nhưng các ứng dụng vẫn bình thường.
4. Theo dõi hiệu suất và tài nguyên
Đây là nơi Task Manager thực sự tỏa sáng. Nó không chỉ cung cấp một cái nhìn tổng quan về tất cả các tiến trình và ứng dụng đang chạy, mà còn có nhiều công cụ để quản lý hiệu suất hệ thống hiệu quả và cách thức phân bổ tài nguyên của bạn.
Tới tab Performance và đừng ngại áp dụng những mẹo sau:
Xem biểu đồ
Ở sidebar bên trái, bạn sẽ thấy các trường cho CPU, Memory, Disk và những tài nguyên khác trên máy tính. Click một biểu đồ để xem mức sử dụng hệ thống tại thời gian thực.
Nếu muốn để mắt tới thông tin này mà không cần mở đầy đủ Task Manager, click chuột phải vào vị trí bất kỳ trong sidebar bên trái và chọn Summary View để chỉ hiển thị sidebar đó. Ngoài ra, bạn có thể click chuột phải vào vị trí bất kỳ ở bảng bên phải và chọn Graph Summary View để chỉ hiện biểu đồ hiện tại.
Sao chép thông tin chẩn đoán
Với mọi kiểu tài nguyên được chọn ở bên trái, click chuột phải vào vị trí bất kỳ và chọn Copy để đưa ảnh chụp nhanh thông tin chẩn đoán vào clipboard. Sau đó, bạn có thể dán nó vào Notepad hoặc chia sẻ trên diễn đàn online để nhận giải pháp khắc phục sự cố.
Truy cập thông tin hữu ích
Mỗi kiểu tài nguyên đều chứa thông tin thú vị. Trong CPU, bạn sẽ thấy Up time, hiển thị thời gian tăng mức sử dụng CPU kể từ lúc khởi động lại máy tính.
Ở Memory, bạn có thể kiểm tra số Slots used để xem còn bao nhiêu dung lượng trống. Read speed và Write speed trong Disk cho bạn biết các phương tiện lưu trữ hoạt động nhanh như thế nào.
Mở giám sát tài nguyên
Nếu muốn biết nhiều thông tin hơn mà trên Task Manager không có, hãy click Open Resource Monitor ở bên dưới cửa sổ. Đây là cách nâng cao để xem dữ liệu hệ thống tại thời gian thực, bao gồm các luồng đã dùng, thời gian phản hồi đĩa, sự cố RAM và nhiều hơn thế nữa.
5. Tìm kiếm các tiến trình đáng nghi ngờ trực tuyến
Sau một thời gian, bạn có thể tìm thấy một số tên tiến trình đáng nghi trong Task Manager. Hầu hết chúng sẽ hợp pháp, nhưng bạn không bao giờ nên cho rằng một tiến trình là vô tội - đặc biệt là nếu bạn chưa bao giờ nhìn thấy hoặc nghe nói về nó trước đây.
Bạn có thể click chuột phải vào bất cứ tiến trình nào và chọn hành động Search Online. Điều này sẽ khởi chạy tìm kiếm trên trình duyệt với tên ứng dụng và tên tiến trình, mà sẽ giúp bạn xác định chúng an toàn hay độc hại.
6. Bổ sung thêm cột cho thông tin
Theo mặc định, Task Manager mới chỉ hiển thị 4 cột khi liệt kê các tiền trình, bao gồm Name, CPU, Memory, Disk và Network. Trong khi chúng là những thông tin quan trọng nhất thì bạn thực sự có thể thêm tới 6 cột bổ sung bằng cách click chuột phải vào khu vực tiêu đề. Các cột bổ sung là Type, Status, Publisher, OID, Process Name và Command Line.
7. Chuyển đổi giữa giá trị và phần trăm
Khi bạn duyệt danh sách các tiến trình, cột CPU có thể chỉ hiển thị bằng phần trăm, nhưng 3 cột mặc định khác có thể hiển thị giữa giá trị tuyệt đối và phần trăm.
Phần trăm tốt hơn khi bạn cần biết sự sử dụng tài nguyên của một tiến trình như thế nào so sánh với tổng tài nguyên hiện có. Để bật điều này, bạn chỉ cần click chuột phải vào bất cứ tiến trình nào, điều hướng đến trình đơn phụ Resource Values, chọn loại tài nguyên mà bạn muốn thay đổi và chọn giữa Values và Percents.
8. Quản lý cửa sổ ứng dụng dễ dàng
Task Manager kém xa so với các công cụ quản lý cửa sổ chuyên dụng, nhưng nó có một số hành động mà bạn có thể thấy hữu ích. Để truy cập vào chúng, bạn phải click vào mũi tên quay xuống bên cạnh tiến trình bạn muốn quản lý. Điều này chỉ hoạt động cho danh mục được liệt kê dưới phần Apps của tab Processes.
Sau khi bạn mở menu kéo xuống cho một mục, hãy click chuột phải và bạn sẽ nhìn thấy 5 hành động cửa sổ cho ứng dụng đó:
- Switch to: Tập trung vào ứng dụng và thu nhỏ Task Manager vào Taskbar.
- Bring to Front: Tập trung vào ứng dụng, nhưng không thu nhỏ Task Manager. Không hoạt động nếu ứng dụng khác ở trạng thái luôn luôn trên đầu (Always on Top).
- Minimize: Thu nhỏ ứng dụng mà không tập trung vào cửa sổ ứng dụng.
- Maximize: Mở rộng ứng dụng mà không cần tập trung vào cửa sổ ứng dụng.
- End Task: Đóng ứng dụng hoàn toàn.
9. Mở vị trí file của ứng dụng
Bạn có thấy rằng mình thường xuyên cần điều hướng đến vị trí cài đặt của một chương trình cụ thể không? Có lẽ bạn cần tinh chỉnh một số file cấu hình hoặc có lẽ bạn muốn thả một số file chủ đề mới cho chương trình đó.
Thông qua File Explorer là một cách để làm điều đó, nhưng bạn sẽ mất khá nhiều thời gian và công sức. Thay vào đó, nếu một chương trình đã chạy, Task Manager có thể giúp bạn đến đó trong thời gian kỷ lục.
Bạn chỉ cần click chuột phải vào bất cứ tiến trình nào và chọn Open File Location. Điều này sẽ mang bạn trực tiếp đến thư mục chứa file thực thi của tiến trình. Nó hoạt động tốt cho ứng dụng, tiến trình nền và tiến trình Windows.
10. Khởi chạy Command Prompt trực tiếp
Trong Task Manager, bạn có thể đi đến trình đơn File và chọn Run New Task để khởi chạy Run. Nó là một cách tốt nhất để khởi động lại Windows Explorer bị đóng băng thủ công trong các phiên bản trước của Windows.
Nếu bạn nhấn giữ phím Ctrl cùng lúc khi bạn nhấn vào hành động Run New Task, nó sẽ khởi chạy Command Prompt thay vì Run. Không chắc chắn lý do tại sao điều này được ẩn đằng sau một điều chỉnh Ctrl bí mật bởi vì nó thực sự là một thủ thuật khá gọn gàng mà nhiều người không biết.
Có một số cách khác để khởi chạy Command Prompt, nhưng vẫn tốt để biết rằng thủ thuật này tồn tại. Bạn không bao giờ biết khi nào bạn có thể cần sử dụng nó.
11. Ctrl + Alt + Delete không phải phím tắt của Windows Task Manager
Ctrl + Alt + Delete là một tổ hợp phím phổ biến mà hầu hết người dùng máy tính đều biết. Nó giúp bạn mở Task Manager thật nhanh mỗi khi có chương trình nào đó dừng hoạt động.
Thế nhưng, thực tế, Ctrl + Shift + Esc cũng có chức năng tương tự. Nó cực hữu ích bất cứ khi nào File Explorer không hoạt động.
12. Windows Task Manager có thể chạy ở chế độ tài nguyên thấp
Phần mềm có thể biết khi nào tài nguyên máy tính ở mức thấp và tự động mở ở chế độ hoạt động tối thiểu. Nghĩa là nó sẽ chỉ chạy các tab cần thiết tùy thuộc vào vấn đề đang xảy ra. Ví dụ, Windows Task Manager sẽ chạy tab Processes nếu cần tới nó để duy trì hoạt động của máy tính.
Nhìn chung, đối với người dùng thông thường, Task Manager là phương tiện cung cấp đủ thông tin hệ thống cần thiết, từ theo dõi mức sử dụng tài nguyên tới vị trí các quá trình bị sập bất ngờ… Hi vọng những mẹo dùng trình quản lý tác vụ của Windows kể trên hữu ích với các bạn.