Ngày 08/10/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 125/NQ-CP năm 2018 về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 28-NQ/TW về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội. Theo đó, sẽ có một loạt điều chỉnh liên quan đến chính sách bảo hiểm xã hội trong thời gian tới được Chính phủ yêu cầu thực hiện. Cụ thể như:
- Sửa đổi các quy định về tiền lương để thuận lợi cho việc xác định căn cứ đóng bảo hiểm xã hội trong doanh nghiệp ít nhất bằng 70% tổng tiền lương và các khoản thu nhập khác có tính chất lượng của người lao động;
- Điều chỉnh cách tính lương hưu theo nguyên tắc đóng - hưởng; tăng quyền lợi nếu bảo lưu thời gian tham gia bảo hiểm xã hội để hưởng hưu trí, giảm quyền lợi nếu hưởng bảo hiểm xã hội một lần;
- Thí điểm thực hiện gói bảo hiểm tự nguyện ngắn hạn linh hoạt để người lao động có nhiều sự lựa chọn tham gia và thụ hưởng.
- Quy định việc tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài và việc thụ hưởng chế độ bảo hiểm xã hội sau khi kết thúc thời gian làm việc ở nước ngoài;
CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 125/NQ-CP | Hà Nội, ngày 08 tháng 10 năm 2018 |
NGHỊ QUYẾT 125/NQ-CP
BAN HÀNH CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG CỦA CHÍNH PHỦ THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 28-NQ/TW NGÀY 23 THÁNG 5 NĂM 2018 CỦA HỘI NGHỊ LẦN THỨ BẢY BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG KHÓA XII VỀ CẢI CÁCH CHÍNH SÁCH BẢO HIỂM XÃ HỘI
CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23 tháng 5 năm 2018 của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội,
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Ban hành kèm theo Nghị quyết này Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23 tháng 5 năm 2018 của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội.
Điều 2. Nghị quyết này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.
Điều 3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Nghị quyết này./.
Nơi nhận: | TM. CHÍNH PHỦ |
CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG CỦA CHÍNH PHỦ
THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 28-NQ/TW NGÀY 23 THÁNG 5 NĂM 2018 CỦA HỘI NGHỊ LẦN THỨ BẢY BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG KHÓA XII VỀ CẢI CÁCH CHÍNH SÁCH BẢO HIỂM XÃ HỘI
(Ban hành kèm theo Nghị quyết số 125/NQ-CP ngày 08 tháng 10 năm 2018 của Chính phủ)
Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XII đã thông qua Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23 tháng 5 năm 2018 về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội (sau đây gọi tắt là Nghị quyết số 28-NQ/TW) với mục tiêu tổng quát là “Cải cách chính sách bảo hiểm xã hội để bảo hiểm xã hội thực sự là một trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội, từng bước mở rộng vững chắc diện bao phủ bảo hiểm xã hội, hướng tới mục tiêu bảo hiểm xã hội toàn dân. Phát triển hệ thống bảo hiểm xã hội linh hoạt, đa dạng, đa tầng, hiện đại và hội nhập quốc tế theo nguyên tắc đóng - hưởng, công bằng, bình đẳng, chia sẻ và bền vững. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội tinh gọn, chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu quả, tin cậy và minh bạch”.
Căn cứ các mục tiêu, nội dung cải cách, nhiệm vụ và giải pháp tại Nghị quyết số 28-NQ/TW, Chính phủ ban hành Chương trình hành động với những nội dung chính như sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Tổ chức nghiên cứu, quán triệt sâu rộng và thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Nghị quyết số 28-NQ/TW, tạo sự chuyển biến rõ rệt về nhận thức, hành động của lãnh đạo các ngành, các cấp, người lao động, người sử dụng lao động.
2. Xác định toàn diện các nhiệm vụ chủ yếu, cụ thể, khả thi, phát huy đầy đủ vai trò, trách nhiệm của các cấp, các ngành để Chính phủ và các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi tắt là bộ, ngành, địa phương) tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện thắng lợi mục tiêu tổng quát và mục tiêu cụ thể của Nghị quyết số 28-NQ/TW.
3. Căn cứ chức năng, nhiệm vụ và tình hình thực tế, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, người đứng đầu các cơ quan hành chính nhà nước có trách nhiệm chủ động tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp một cách đồng bộ, toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm với lộ trình phù hợp và quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả.
4. Phấn đấu đạt các chỉ tiêu cụ thể:
a) Giai đoạn đến năm 2021:
Phấn đấu đạt khoảng 35% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội, trong đó nông dân và lao động khu vực phi chính thức tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện chiếm khoảng 1% lực lượng lao động trong độ tuổi; khoảng 28% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm thất nghiệp; có khoảng 45% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, bảo hiểm xã hội hàng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội; tỷ lệ giao dịch điện tử đạt 100%; thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 4; giảm số giờ giao dịch giữa cơ quan bảo hiểm xã hội với doanh nghiệp đạt mức ASEAN 4; chỉ số đánh giá mức độ hài lòng của người tham gia bảo hiểm xã hội đạt mức 80%.
b) Giai đoạn đến năm 2025:
Phấn đấu đạt khoảng 45% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội, trong đó nông dân và lao động khu vực phi chính thức tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện chiếm khoảng 2,5% lực lượng lao động trong độ tuổi; khoảng 35% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm thất nghiệp; có khoảng 55% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, bảo hiểm xã hội hàng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội; chỉ số đánh giá mức độ hài lòng của người tham gia bảo hiểm xã hội đạt mức 85%.
c) Giai đoạn đến năm 2030:
Phấn đấu đạt khoảng 60% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội, trong đó nông dân và lao động khu vực phi chính thức tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện chiếm khoảng 5% lực lượng lao động trong độ tuổi; khoảng 45% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm thất nghiệp; có khoảng 60% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, bảo hiểm xã hội hàng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội; chỉ số đánh giá mức độ hài lòng của người tham gia bảo hiểm xã hội đạt mức 90%.
II. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP CHỦ YẾU
1. Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức về chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, tạo sự đồng thuận trong cải cách chính sách bảo hiểm xã hội
a) Các bộ, ngành, địa phương phối hợp chặt chẽ với tổ chức đảng và cấp ủy cùng cấp tổ chức nghiên cứu, quán triệt nội dung của Nghị quyết số 28-NQ/TW, tập trung vào những mục tiêu, định hướng, nội dung cải cách, nhiệm vụ, giải pháp về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp đến toàn bộ đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc thẩm quyền quản lý; phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức Công đoàn và các tổ chức chính trị - xã hội lựa chọn những nội dung thiết thực về chính sách bảo hiểm xã hội và cải cách chính sách bảo hiểm xã hội để tuyên truyền, phổ biến sâu rộng tới người lao động và các tầng lớp nhân dân.
b) Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Bảo hiểm xã hội Việt Nam và các bộ, ngành liên quan nghiên cứu đổi mới toàn diện nội dung, hình thức và phương pháp tuyên truyền phù hợp với đặc điểm, tính chất đặc thù của từng nhóm đối tượng, vùng miền, bảo đảm hiệu quả công tác tuyên truyền gắn với phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, thu hút sự tham gia tích cực của nông dân, lao động khu vực phi chính thức; chú trọng, phát huy vai trò của những tổ chức, cá nhân có uy tín trong cộng đồng dân cư để vận động nhân dân tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.
c) Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan báo chí, phát thanh, truyền hình có kế hoạch tuyên truyền, phổ biến sâu, rộng và dành thời lượng phù hợp để tuyên truyền, phổ biến các nội dung của Nghị quyết số 28-NQ/TW nhằm tạo sự đồng thuận xã hội, các ngành, các cấp, các doanh nghiệp trong việc thực hiện cải cách chính sách bảo hiểm xã hội.
d) Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam chủ trì, phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bảo hiểm xã hội Việt Nam xây dựng chuyên mục, chuyên trang và dành thời lượng phát sóng định kỳ thích đáng để tuyên truyền, phổ biến, giải đáp chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội.
2. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về lao động, việc làm, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và pháp luật có liên quan để thể chế hóa các nội dung cải cách chính sách bảo hiểm xã hội
a) Rà soát tổng thể hệ thống pháp luật hiện hành về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và pháp luật có liên quan làm cơ sở đề xuất chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật để thể chế hóa các nội dung cải cách chính sách bảo hiểm xã hội.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan có liên quan rà soát hệ thống pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và pháp luật có liên quan về lao động, tiền lương, việc làm, bảo trợ xã hội, người có công, chính sách xã hội, pháp luật dân sự, hình sự, hành chính..., trình Thủ tướng Chính phủ giao cho cơ quan có thẩm quyền theo chức năng xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành văn bản sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ cho phù hợp.
b) Thí điểm thực hiện gói bảo hiểm xã hội tự nguyện ngắn hạn linh hoạt; ban hành chính sách khi đủ điều kiện.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu trình Thủ tướng Chính phủ thí điểm thực hiện chính sách về gói bảo hiểm xã hội tự nguyện ngắn hạn linh hoạt để người lao động có nhiều sự lựa chọn tham gia và thụ hưởng; theo dõi, tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện thí điểm để báo cáo Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định khi sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội.
c) Thực hiện điều chỉnh lương hưu độc lập tương đối trong mối tương quan với tiền lương của người đang làm việc.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng đề án thực hiện điều chỉnh lương hưu độc lập tương đối trong mối tương quan với tiền lương của người đang làm việc, thay đổi cách thức điều chỉnh lương hưu theo hướng chia sẻ, báo cáo Chính phủ xem xét, quyết định.
d) Nghiên cứu, xây dựng lộ trình điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu; sửa đổi quy định về tiền lương phù hợp nhằm tạo thuận lợi cho việc xác định căn cứ đóng bảo hiểm xã hội của khu vực doanh nghiệp trong quá trình sửa đổi, bổ sung Bộ luật Lao động.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, trình Chính phủ xem xét, trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung Bộ luật Lao động để thực hiện điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu theo lộ trình từ năm 2021; sửa đổi các quy định về tiền lương để thuận lợi trong việc xác định căn cứ đóng bảo hiểm xã hội của khu vực doanh nghiệp ít nhất bằng khoảng 70% tổng tiền lương và các khoản thu nhập khác có tính chất lương của người lao động; sửa đổi quy định về quản lý lao động, quan hệ lao động trong bối cảnh tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 để đạt mục tiêu mở rộng diện bao phủ bảo hiểm xã hội.
đ) Sửa đổi, bổ sung Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, đề xuất sửa đổi Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng để quy định việc tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, việc thụ hưởng chế độ bảo hiểm xã hội sau khi kết thúc thời gian làm việc ở nước ngoài; gắn với việc đẩy mạnh đàm phán, ký kết hiệp định song phương về bảo hiểm xã hội.
e) Tổng kết, đánh giá việc thực hiện chính sách hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bảo hiểm xã hội Việt Nam và các địa phương tiến hành tổng kết, đánh giá việc thực hiện chính sách hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện để làm cơ sở hoàn thiện chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện có sự hỗ trợ phù hợp từ ngân sách nhà nước cho nông dân, người nghèo, người có thu nhập thấp, lao động khu vực phi chính thức để mở rộng diện bao phủ bảo hiểm xã hội; nâng cao ý thức, trách nhiệm của người lao động đối với việc tự bảo đảm an sinh cho bản thân hướng tới hệ thống bảo hiểm xã hội đa tầng hiệu quả.
g) Sửa đổi, bổ sung chính sách bảo hiểm thất nghiệp, chính sách việc làm.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Luật Việc làm, chính sách bảo hiểm thất nghiệp, chính sách việc làm theo hướng chú trọng không chỉ các giải pháp xử lý hậu quả đối với người thất nghiệp thông qua việc chi trả trợ cấp thất nghiệp; đào tạo nghề, đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để đáp ứng yêu cầu của công việc mới, giới thiệu việc làm mà cần xây dựng các giải pháp phòng ngừa, giảm thiểu tình trạng thất nghiệp thông qua hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động duy trì việc làm, bảo đảm quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp và người lao động duy trì việc làm, bảo đảm quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp và người lao động nhằm tăng cường sự liên kết, hỗ trợ giữa các chính sách bảo hiểm xã hội cũng như tính linh hoạt của các chính sách nhằm đạt được mục tiêu mở rộng diện bao phủ.
h) Sửa đổi, bổ sung Luật Bảo hiểm xã hội.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, tổ chức có liên quan đánh giá kết quả 5 năm thi hành Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, Nghị quyết số 93/2015/QH13 ngày 22 tháng 6 năm 2015 của Quốc hội về việc thực hiện chính sách hưởng bảo hiểm xã hội một lần đối với người lao động, Luật An toàn, vệ sinh lao động về bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đồng bộ với việc nghiên cứu, đánh giá tác động của các đề xuất chính sách mới làm cơ sở báo cáo Chính phủ trình Quốc hội xem xét sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội theo hướng giảm điều kiện thời gian tham gia bảo hiểm xã hội tối thiểu để hưởng chế độ hưu trí; điều chỉnh cách tính lương hưu theo nguyên tắc đóng - hưởng, công bằng, bình đẳng, chia sẻ và bền vững; mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc sang các nhóm đối tượng khác; tăng quyền lợi nếu bảo lưu thời gian tham gia bảo hiểm xã hội để hưởng chế độ hưu trí, giảm quyền lợi nếu hưởng bảo hiểm xã hội một lần; sửa đổi các quy định về mức đóng, căn cứ đóng bảo hiểm xã hội để đạt mục tiêu mở rộng diện bao phủ bảo hiểm xã hội; điều chỉnh tỷ lệ tích lũy để đạt tỷ lệ hưởng lương hưu tối đa phù hợp với thông lệ quốc tế; hoàn thiện các chế tài xử lý vi phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội, nhất là đối với các hành vi trốn đóng, nợ đóng, trục lợi bảo hiểm xã hội.
3. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về bảo hiểm xã hội
a) Xây dựng và tổ chức thực hiện có hiệu quả Đề án giao chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội cho các địa phương.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bảo hiểm xã hội Việt Nam xây dựng Đề án giao chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội cho các địa phương; tổ chức tập huấn, quán triệt để bắt đầu triển khai thực hiện từ năm 2019.
b) Xây dựng Đề án đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và chất lượng, hiệu quả hoạt động tổ chức thực hiện bảo hiểm xã hội.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ, Bảo hiểm xã hội Việt Nam xây dựng Đề án đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và chất lượng, hiệu quả hoạt động tổ chức thực hiện bảo hiểm xã hội, trong đó xây dựng bộ tiêu chí đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ và chất lượng cung ứng dịch vụ của cơ quan bảo hiểm xã hội, chỉ số đánh giá mức độ hài lòng của người tham gia và thụ hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội.
c) Quản lý chặt chẽ việc đầu tư Quỹ bảo hiểm xã hội, bảo đảm an toàn, bền vững, hiệu quả.
Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bảo hiểm xã hội Việt Nam, các bộ, ngành liên quan xây dựng, trình Chính phủ Đề án nâng cao hiệu quả quản lý, đầu tư quỹ bảo hiểm xã hội theo hướng đa dạng hóa danh mục, cơ cấu đầu tư bảo đảm nguyên tắc an toàn, bền vững và hiệu quả; ưu tiên đầu tư vào trái phiếu chính phủ, nhất là trái phiếu chính phủ dài hạn; nghiên cứu từng bước mở rộng sang các lĩnh vực có khả năng sinh lời cao, từng bước và có lộ trình đầu tư một phần tiền nhàn rỗi của Quỹ thông qua ủy thác đầu tư tại thị trường trong nước và quốc tế bảo đảm an toàn, bền vững.
d) Tăng cường kết nối cơ sở dữ liệu về khám bệnh, chữa bệnh.
Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ Đề án tăng cường sự kết nối cơ sở dữ liệu về khám bệnh, chữa bệnh; dữ liệu về cấp hồ sơ, giấy tờ làm căn cứ thực hiện chế độ bảo hiểm xã hội, giải quyết, chi trả các chế độ bảo hiểm xã hội nhằm ngăn chặn các hành vi trục lợi, gian lận tiền bảo hiểm xã hội.
đ) Phối hợp, chia sẻ, kết nối thông tin, dữ liệu giữa cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư, tài chính, thuế, lao động và cơ quan bảo hiểm xã hội.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bảo hiểm xã hội Việt Nam và các cơ quan có liên quan xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ ban hành văn bản hướng dẫn việc tăng cường phối hợp, chia sẻ, kết nối thông tin, dữ liệu giữa các cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư, tài chính, thuế, lao động để nâng cao hiệu quả quản lý đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội và thực thi chính sách bảo hiểm xã hội.
e) Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Bảo hiểm xã hội Việt Nam và các cơ quan có liên quan tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các vi phạm, nhất là các hành vi trốn đóng, nợ đóng, gian lận, trục lợi tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp.
4. Nâng cao năng lực quản trị và hiệu quả tổ chức thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp
a) Hoàn thiện bộ máy tổ chức thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội.
Bảo hiểm xã hội Việt Nam chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành xây dựng Đề án nghiên cứu sắp xếp tổ chức bộ máy của Bảo hiểm xã hội Việt Nam tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo tinh thần Nghị quyết số 10/NQ-CP ngày 03 tháng 02 năm 2018 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25 tháng 10 năm 2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; Kế hoạch số 07- KH/TW ngày 27 tháng 11 năm 2017 của Bộ Chính trị thực hiện Nghị quyết số 18- NQ/TW và Nghị quyết số 56/2017/QH14 ngày 24 tháng 11 năm 2017 của Quốc hội về việc tiếp tục cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
b) Kiện toàn và nâng cao năng lực hoạt động của Hội đồng quản lý bảo hiểm xã hội.
Hội đồng quản lý bảo hiểm xã hội xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ Đề án kiện toàn và nâng cao năng lực hoạt động của Hội đồng quản lý bảo hiểm xã hội.
.........
Mời các bạn tải file tài liệu để xem thêm nội dung chi tiết