Nghị quyết 102/NQ-CP về giải pháp biên chế sự nghiệp giáo dục và y tế, đã được Chính phủ ban hành vào ngày 03/07/2020. Văn bản pháp luật sẽ có hiệu lực bắt đầu từ ngày ban hành chính thức. Dưới đây là nội dung chi tiết của nghị quyết, xin mời các bạn cùng tham khảo.
CHÍNH PHỦ Số: 102/NQ-CP | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Hà Nội, ngày 03 tháng 7 năm 2020 |
NGHỊ QUYẾT 102/NQ-CP
Về giải pháp đối với biên chế sự nghiệp giáo dục và y tế
_________
CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25 tháng 10 năm 2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập;
Căn cứ Kết luận số 17-KL/TW ngày 11 tháng 9 năm 2017 của Bộ Chính trị về tình hình thực hiện biên chế, tinh giản biên chế của các tổ chức trong hệ thống chính trị năm 2015 - 2016; mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp giai đoạn 2017 - 2021;
Căn cứ Nghị quyết số 08/NQ-CP ngày 24 tháng 01 năm 2018 của Chính phủ về Chương trình hành động, của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập;
Căn cứ Nghị quyết số 100/2019/QH14 ngày 27 tháng 11 năm 2019 của Quốc hội về hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV;
Căn cứ Công văn số 9028-CV/VPTW ngày 11 tháng 3 năm 2019 của Văn phòng Trung ương Đảng thông báo kết luận của Bộ Chính trị về việc bổ sung biên chế sự nghiệp giáo dục và y tế;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nội vụ,
QUYẾT NGHỊ:
Tinh giản biên chế gắn với sắp xếp tổ chức bộ máy, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức là chủ trương lớn của Đảng, Quốc hội và Chính phủ, yêu cầu tất cả các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong hệ thống chính trị phải nghiêm túc thực hiện. Việc sắp xếp đơn vị sự nghiệp công lập, tinh giản biên chế phải gắn với nâng cao chất lượng cung ứng dịch vụ sự nghiệp công.
Hiện nay, biên chế sự nghiệp giáo dục và y tế hưởng lương từ ngân sách nhà nước chiếm trên 85% tổng biên chế viên chức do Chính phủ quản lý. Việc bố trí viên chức phải bảo đảm định mức giáo viên/lớp, học sinh/lớp, viên chức y tế/giường bệnh, viên chức y tế/dân số. Tuy nhiên, các định mức này hiện nay chưa phân biệt giữa các vùng đô thị, nông thôn, đồng bằng, miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và đều được ban hành trước khi có Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25 tháng 10 năm 2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập (sau đây viết tắt là Nghị quyết số 19-NQ/TW) nên đến nay không còn phù hợp với thực tiễn. Việc thực hiện xã hội hóa hoạt động giáo dục mầm non, phổ thông và y tế còn chậm. Do vậy, mặc dù Chính phủ đã bổ sung 20.300 biên chế giáo viên mầm non cho 14 tỉnh có mức tăng dân số cơ học cao và 05 tỉnh Tây Nguyên nhưng vẫn phát sinh một số khó khăn, vướng mắc, ảnh hưởng đến chất lượng cung ứng dịch vụ sự nghiệp giáo dục và y tế.
Để giải quyết khó khăn trước mắt cho các Bộ, ngành, địa phương, bảo đảm thực hiện chủ trương “có học sinh thì phải có giáo viên đứng lớp”, “có bệnh nhân thì phải có viên chức y tế”, trong khi chưa kịp sửa đổi, bổ sung, thay thế các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, đồng thời, thực hiện nghiêm túc Nghị quyết 19-NQ/TW, Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành và địa phương thực hiện các giải pháp sau:
1. Quán triệt, nghiêm túc triển khai thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW và Nghị quyết số 08/NQ-CP ngày 24 tháng 01 năm 2018 về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW.
2. Đơn vị sự nghiệp giáo dục và y tế công lập tự bảo đảm một phần chi thường xuyên được ký họp đồng lao động đối với các vị trí việc làm là giáo viên và viên chức y tế trong tổng số lượng người làm việc hưởng lương từ nguồn thu sự nghiệp được cơ quan có thẩm quyền giao; đồng thời, đơn vị phải tăng mức trích lập vào quỹ phúc lợi đủ để giải quyết chế độ, chính sách cho số hợp đồng lao động này khi chấm dứt hợp đồng lao động.
3. Đơn vị sự nghiệp giáo dục và y tế công lập tự bảo đảm một phần chi thường xuyên và đơn vị sự nghiệp giáo dục và y tế công lập do ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên được ký hợp đồng lao động (dưới 12 tháng) đối với các vị trí việc làm là giáo viên và viên chức y tế trong phạm vi số lượng biên chế viên chức được cấp có thẩm quyền giao và theo định mức quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Y tế để kịp thời thay cho số giáo viên và viên chức y tế nghỉ thai sản và nghỉ hưu theo chế độ (chưa kịp tuyển dụng thay thế) và để bố trí giáo viên dạy buổi thứ 02 trong ngày (đối với những cơ sở giáo dục dạy 02 buổi/ngày). Hằng năm, cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng viên chức phải tổ chức tuyển dụng để thay thế cho số giáo viên và viên chức y tế còn thiếu, bảo đảm đủ số lượng người làm việc được cơ quan có thẩm quyền giao. Không để kéo dài hợp đồng lao động làm chuyên môn quá 12 tháng đối với vị trí việc làm là giáo viên và viên chức y tế.
4. Đối với cấp học mầm non, tiểu học tại các địa bàn thuộc vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, phải bảo đảm bố trí đủ biên chế giáo viên dạy 02 buổi/ngày theo quy định.
5. Tổ chức thực hiện:
a) Bộ Giáo dục và Đào tạo:
- Rà soát, sửa đổi định mức học sinh/lớp quy định tại Điều lệ các bậc học và định mức giáo viên/lớp quy định tại Thông tư liên tịch số 06/2015/TTLT-BGDĐT-BNV ngày 16 tháng 3 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ trưởng Bộ Nội vụ quy định về danh mục khung vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập và Thông tư số 16/2017/TT-BGDĐT ngày 12 tháng 7 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn danh mục khung vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục phổ thông công lập cho phù hợp với việc triển khai đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông và điều kiện thực tế của từng vùng, miền, hoàn thành trong Quý IV năm 2020.
- Chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính và các Bộ, cơ quan có liên quan rà soát, đánh giá thực trạng về cơ chế, chính sách đối với các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông ngoài công lập để đề xuất các giải pháp đồng bộ, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các cơ chế, chính sách nhằm tạo điều kiện, khuyến khích các tổ chức cá nhân thành lập các trường tư thục.
- Đề xuất giải pháp thực hiện xã hội hóa buổi học thứ 02 trong ngày đối với cấp học mầm non và tiểu học, trình Chính phủ trong Quý III năm 2020.
b) Bộ Y tế:
Rà soát, sửa đổi định mức viên chức y tế/giường bệnh, viên chức y tế/dân số quy định tại Thông tư liên tịch số 08/2007/TTLT-BYT-BNV ngày 05 tháng 6 năm 2007 của Bộ trưởng Bộ Y tế và Bộ trưởng Bộ Nội vụ hướng dẫn định mức biên chế sự nghiệp trong các cơ sở y tế Nhà nước, hoàn thành trong Quý IV năm 2020; đồng thời khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ được Chính phủ giao tại Nghị quyết số 08/NQ-CP ngày 24 tháng 01 năm 2018 về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW.
c) Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương:
- Thực hiện nghiêm túc việc tinh giản biên chế gắn với sắp xếp lại tổ chức các đơn vị sự nghiệp công lập, cơ cấu lại và đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ của đội ngũ viên chức ngành giáo dục và y tế theo đúng quy định của Đảng, Quốc hội, Chính phủ.
- Khẩn trương chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị quyết này để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông và các cơ sở y tế công lập thuộc phạm vi quản lý, bảo đảm thực hiện tốt các giải pháp nêu tại Nghị quyết này.
- Kịp thời tổng hợp các kiến nghị, khó khăn và vướng mắc trong phạm vi được giao quản lý để xử lý hoặc trình cơ quan có thẩm quyền giải quyết.
d) Bộ Nội vụ:
- Nghiên cứu về cơ chế hợp đồng lao động làm chuyên môn, nghiệp vụ đối với vị trí việc làm được xác định là viên chức trong đơn vị sự nghiệp công lập, trình Chính phủ trong tháng 3 năm 2021.
- Chủ trì, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Y tế hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra các địa phương triển khai thực hiện; tổng hợp các kiến nghị, khó khăn, vướng mắc của các địa phương, báo cáo Thủ tướng Chính phủ./.
Nơi nhận: | TM. CHÍNH PHỦ THỦ TƯỚNG Nguyễn Xuân Phúc |