Khi kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia ngày càng đến gần, để có thể giúp cho các bạn học sinh có thêm tài liệu ôn thi, thì hôm nay chúng tôi xin giới thiệu tài liệu bài văn mẫu lớp 12: Nghị luận về ý kiến Gốc của sự học là học làm người.
Hy vọng rằng với tài liệu này thì các bạn sẽ có thêm nhiều cách viết bài văn nghị luận xã hội lớp 12 thật hay. Dưới đây sẽ là dàn ý chi tiết cùng với 3 bài văn mẫu nghị luận về ý kiến Gốc của sự học là học làm người, mời các bạn cùng tham khảo.
Bài văn mẫu lớp 12: Nghị luận về ý kiến Gốc của sự học là học làm người
Dàn ý nghị luận về ý kiến Gốc của sự học là học làm người
I. Mở bài:
- Giới thiệu câu nói: “Gốc của sự học là học làm người” (Rabindranath Tagore)
II. Thân bài:
- Trước hết, ta cần tìm hiểu khái niệm học: Học hay còn gọi là học tập, học hành, học hỏi là quá trình tiếp thu cái mới hoặc bổ sung, trau dồi các kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm, giá trị, nhận thức hoặc sở thích và có thể liên quan đến việc tổng hợp các loại thông tin khác nhau.
- Còn “gốc” ở đây có thể hiểu là bản chất, là nguồn gốc đồng thời cũng là mục đích cuối cùng của mọi điều.
- Và khái niệm cuối cùng cần làm rõ đó là “học làm người”
+ Học cách trở thành một cá nhân có ích cho cộng đồng
+ Học cách đối nhân xử thế với mọi người xung quanh
+ Học cách trở thành một người lương thiện, cách tôn trọng bản thân mình.
- Vì sao cái gốc của học lại là học làm người?: Biết cách làm người, bạn sẽ có nền tảng để làm tất cả những điều khác một cách lương thiện.
- Phải làm thế nào để có thể học làm người?
+ Cộng đồng phải cùng nhau chung tay tạo nên một môi trường học tập thuận lợi.
+ Gia đình giáo dục ngay từ nhỏ.
+ Bản thân mỗi người phải có ý thức rèn luyện, chống lại những yếu tố xấu xa làm ảnh hưởng đến quá trình hình thành nhân cách.
III. Kết bài:
Khẳng định một lần nữa tính đúng đắn của câu nói: “Gốc của sự học là học làm người” (Rabindranath Tagore)
Nghị luận về ý kiến Gốc của sự học là học làm người - Mẫu 1
Trong thời đại ngày nay, một đứa trẻ từ khi sinh ra đã mang trong mình nhiều kỳ vọng: trở thành một kỹ sư, một bác sĩ, một công an... có thể làm rạng danh gia đình. Cha mẹ nắm tay con mình bước vào trường học, nhắn nhủ con hãy học thật giỏi, mang về điểm cao. Dường như họ đã quên mất rằng học tập không chỉ là tích lũy kiến thức, mà còn là hoàn thiện nhân cách con người; như Rabindranath Tagore từng phát biểu: “Gốc của sự học là học làm người.”
Trước hết, ta cần tìm hiểu khái niệm học. Học hay còn gọi là học tập, học hành, học hỏi là quá trình tiếp thu cái mới hoặc bổ sung, trau dồi các kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm, giá trị, nhận thức hoặc sở thích và có thể liên quan đến việc tổng hợp các loại thông tin khác nhau. Học tập cũng như việc học tập bài bản không bắt buộc, tùy theo hoàn cảnh. Nó không xảy ra cùng một lúc, nhưng xây dựng dựa trên và được định hình bởi những gì chúng ta đã biết. Học tập có thể được xem như một quá trình, chứ không phải là một tập hợp các kiến thức thực tế và các hủ tục giáo điều. Việc học tập của con người có thể xảy ra như là một phần của giáo dục, đào tạo phát triển cá nhân.
Còn “gốc” ở đây có thể hiểu là bản chất, là nguồn gốc đồng thời cũng là mục đích cuối cùng của mọi điều. Bởi giống như gốc rễ của cây cối, đó là nơi bắt đầu sự sống của cây, là nền tảng cho sự phát triển và cũng là nơi chất dinh dưỡng mà cây hấp thụ đi xuống để nuôi dưỡng lấy cây.
Và khái niệm cuối cùng cần làm rõ đó là “học làm người”, từ khi sinh ra ta đã là một con người rồi, vậy vì sao ta phải học làm người? Làm người ở đây không phải là hiểu về mặt bên ngoài, mà là về mặt bản chất, tinh thần, trí tuệ của con người. Học làm người thứ nhất là học cách trở thành một phần của cộng đồng, hòa hợp với mọi người, đóng góp một phần công sức trong việc xây dựng nên một cộng đồng trong sạch vững mạnh; hoặc chí ít là trở thành một cá nhân không gây phiền hà cho những người xung quanh. Thứ hai, học làm người còn là học cách đối nhân xử thế, học cách tôn trọng mọi người, đó là cha mẹ, là anh em, là thầy cô, là bạn bè; ta phải học cách chung sống sao cho đúng với đạo đức, đúng với pháp luật. Và cuối cùng, học làm người là học cách tôn trọng chính bản thân mình. Bởi việc học hành, trau dồi nhân cách, bản lĩnh, cũng chính là một cách trân trọng bản thân, và chỉ khi ta biết trân trọng bản thân, người khác mới trân trọng ta.
Vậy vì sao cái gốc của học lại là học làm người, mà không phải là học cách kiếm tiền, học cách thu nhặt kiến thức? Bởi nếu bạn biết cách làm người, bạn sẽ có nền tảng để làm tất cả những điều khác một cách lương thiện. Thật ra, nếu bạn là kẻ không lương thiện, bạn sống một cách xấu xa, bạn kiếm tiền bằng những thủ đoạn, bằng cướp giật, bằng cờ bạc, bạn vẫn có thể giàu có, bạn vẫn có thể sống trên cuộc đời này. Nhưng lúc ấy bạn có sống đúng nghĩa như một con người hay không? Bạn sẽ không nhận được sự tôn trọng từ những người xung quanh, bạn là một cá nhân gây ảnh hưởng đến cộng đồng, và hơn hết, bạn thậm chí còn không tôn trọng chính bản thân mình. Nếu bạn tôn trọng bản thân, bạn đã sống đúng với lương tâm, với đạo đức, sống sao cho bản thân có thể ngẩng cao đầu đầy hãnh diện với mọi người.
Vậy phải làm thế nào để có thể học làm người? Trước tiên, cần phải làm rõ rằng học ở đây không chỉ là học trong nhà trường, mà còn là học từ bạn bè, từ gia đình, những người xung quanh, học trong đời sống. Học tập là việc cả đời, không phải chỉ trong một chốc là xong ngay được. Quá trình tôi luyện khả năng, hình thành nhân cách cũng chính là một quá trình học tập lâu dài. Trước hết, đến từ những nhân tố khách quan, cộng đồng phải cùng nhau chung tay tạo nên một môi trường học tập thuận lợi. Giúp các em hiểu được rằng học tập là một điều thú vị, chứ không phải là một điều cực nhọc chỉ có đau khổ mà thôi. Gia đình có thể giáo dục các em ngay từ nhỏ, từ những điều tưởng như đơn giản nhất, để các em có thể thấy được ý nghĩa của những việc tốt, ý nghĩa của lương tâm, của đạo đức. Nhưng trên hết, bản thân mỗi người phải có ý thức rèn luyện, chống lại những yếu tố xấu xa làm ảnh hưởng đến quá trình hình thành nhân cách. Đương nhiên chúng ta ai cũng sẽ có sai lầm, có những lúc vấp ngã, chẳng ai là người hoàn hảo. Nhưng quan trọng là chúng ta luôn cầu tiến, không ngừng hoàn thiện bản thân, đứng dậy sau mỗi sai lầm của cuộc đời. Lúc ấy, ta sẽ trở thành một con người lương thiện.
Có thể nói, đích đến cuối cùng của con người chính là trở thành một người lương thiện, đó chính là cái gốc của sự học. Như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó, nhưng có tài mà không có đức thì là người vô dụng.”
Nghị luận về ý kiến Gốc của sự học là học làm người - Mẫu 2
Học vấn là một con đường đầy gian nan vất vả nhưng nó chính là con đường ngắn nhất để bạn đến với thành công. Con người ta học với nhiều mục đích có người học để hiểu, học để kiếm tiền nhưng có những người học để mở mang đầu óc kiến thức để giao lưu với xã hội. Thế nhưng có ai biết gốc của việc học là gì không? Bàn về cái sự học này Rabindranath Tagore từng nhận định rằng :“Gốc của sự học là học làm người”
Ý kiến của Rabindranath Tagore là hoàn toàn đúng đắn và để hiểu trọn vẹn nghĩa của nó bạn nên định nghĩa được “học” là gì? “Học” ở đây là quá trình tiếp thu kiến thức xã hội, tự nhiên để hành động và nhận thức đúng đắn việc mình làm. Học là để làm đẹp cho bản thân và cho xã hội. Việc học này có thể là học kiến thức trên sách vở nhưng cũng có thể là học những điều tốt đẹp trong xã hội, từ những cách ứng xử của mỗi người. Thế nhưng dù có với hình thức học nào, học ở đâu thì mục đích duy nhất đó chính là học để làm người. Học để hoàn thiện nhân cách, hoàn thiện con người mình với mục đích cao cả hơn là làm đẹp cho cộng đồng và xã hội văn minh.
Vậy tại sao Rabindranath Tagore lại nói như thế? Học vấn là một quá trình vô cùng gian nan và vất vả con người phải đánh đổi rất nhiều thời gian công sức vào nó. Và tất nhiên khi bạn đã đánh đổi thì kết quả bạn nhân được cũng vô cùng ngọt ngào. Đó chính là những của cải vật chất bạn làm ra cho xã hội và sự ngưỡng mộ của người khác dành cho bạn. Thế nhưng, không phải vì thế mà bạn trở nên coi thường người khác coi mình là trung tâm của vũ trụ.
Suy cho cùng thì học cũng chính là con đường ngắn nhất để đưa con người ta đến với thành công. Và cũng chính là cách để con người có thể nhìn nhận giá trị bản thân mình một cách đúng đắn. Nếu như việc bạn học thật giỏi nhưng không thể vận dụng kiến thức vào thực tế cuộc sống không thể giúp ích cho cuộc đời thì học để làm gì? Học là việc bạn thay đổi suy nghĩ hành vi nhận thức của mình về thế gian quan, nhân sinh quan. Để bạn nhìn sự vật bằng hai mắt, nghe bằng hai tai và xử trí nó bằng một cái đầu tỉnh táo. CHứ không phải để dùng kiến thức mình đạt được đi đàn áp và chèn ép những người kém hơn mình.
Điều quan trọng nhất đối với một con người đó chính là nhân cách cũng như hành động và cách suy nghĩ. Nếu bạn không thể nhận thức được việc mình làm là đúng hay sai là có ích hay không thì mãi mãi bạn chỉ là kẻ bỏ đi mà thôi. Kiến thức lúc ấy hoàn toàn không có chút giá trị nào cả. Xã hội chỉ thực sự cần những con người vừa có kiến thức vừa có nhân cách chứ không dung nạp những kẻ dùng quyền lực để đàn áp lên quyền lợi của đồng loại.
Vì thế nên việc quan trọng nhất đối với việc học đó chính là học để làm người. Học để biết cái đúng cái sai. Biết mình nên làm gì cho phù hợp chứ không phải là học để gây lợi ích cho bản thân. Một giọt nước chỉ khi hòa vào biển cả mới trở nên bất diệt còn không sẽ bị bão hòa mà thôi. Cũng giống như con người, sống phải biết đến đồng loại đến cộng đồng. Chúng ta vẫn thường thấy khẩu hiệu được treo ở cổng trường trong lần đầu tiên đến trường “tiên học lễ, hậu học văn”. Bất kể trong giai đoạn nào, thời kì nào thì con người vẫn cần đề cao đó là nhân cách. Chỉ có học làm người trước thì mới trở thành người có ích được cho xã hội mà thôi. Còn nếu không thì bạn sẽ vĩnh viễn là kẻ bỏ đi, dư thừa trong xã hội.
Câu nói của nhà văn Rabindranath Tagore có một sức sống mãnh liệt với thời gian nó tổng kết cho nhân loại hiểu rằng dù có là ai dù bạn có đứng ở đâu thì điều quan trọng nhất là bạn phải có nhân cách có đạo đức. Nhân cách con người chính là cốt lõi quyết định tất cả. Vì thế chúng ta muốn trở thành những người có ích cho xã hội thì trước tiên hãy trau dồi cho mình một nhân cách một đạo đức cao đẹp. Bởi nó chính là nguồn cơn của mọi sự thành công trong cuộc sống.
Học để làm người , học để hiểu và hành động đó chính là một trong những phương châm cao đẹp mà xã hội hướng tới. Cho đến rất nhiều năm nữa thì câu nói này vẫn còn nguyên giá trị như một cách nhắc nhớ nhẹ nhàng con người ta hướng đến sự hoàn thiện và tốt đẹp hơn.
Nghị luận về ý kiến Gốc của sự học là học làm người - Mẫu 3
“Cái gốc của sự học là học làm người” là câu nói nổi tiếng của Ta-go. Ý nghĩa ở đây không phải chỉ học giỏi là đã tốt, mà cái chính phải là “đạo đức”, là “nhân cách”, là “cách đối nhân xử thế”.
Mải mê với thành tích, với điểm số, với những mục đích lo cho mình một tương lai ổn định, sung túc, nhiều người miệt mài học tập, nghiên cứu mà chẳng nhận ra đã có thêm những nếp nhăn vất vả trên khuôn mặt mẹ, dáng đi chậm chạp mệt mỏi của cha… không còn nhớ đã bao lâu rồi mình chẳng hỏi thăm mẹ cha dù một câu an lành lãng quên chữ “hiếu”.
Nhiều người vì mong muốn điểm số cao đã không ngại ngần gian lận trong khi thi cử, kiểm tra vứt bỏ sự “trung thực”.
Có những người, trong cuộc sống này thôi, dù đã có bằng cấp, được xã hội nể trọng với những chức vụ cao, những đóng góp, cống hiến… đang tâm chửi mắng một em nhỏ đánh giầy khi em bé kia vì mưu sinh cơm áo, tha thiết mời họ đánh một đôi giày không còn nhớ chữ “nhân”
Và cũng có nhiều người, khi thành công trên con đường công danh sự nghiệp, khi bạn bè thuở hàn vi đến chơi đã đóng cửa không tiếp mất đi chữ “nghĩa”.
Vậy thì con người học để làm gì? Thành công để làm gì? Khi không có nhân nghĩa, không biết trung thực, không biết hiếu thảo, không còn nhớ những đạo lý cơ bản nhất đó? Con người lúc ấy đâu có khác gì một cỗ máy vi tính thông minh, được lập trình, chỉ biết lo cho mình, làm công việc của mình mà quên đi người khác?
Có lẽ, chính vì vậy, Ta-go đã nói “Cái gốc của sự học là học làm người” Trước khi học tập, trau dồi tri thức, con người phải học tập, trau dồi đạo đức, nhân cách của bản thân, học cách sống, cách đối nhân xử thế. Đó là học làm người!
Học cách uốn lưỡi 7 lần trước khi nói, đừng để lời nói của mình tổn thương cho người khác. Đó là học làm người!
Học cách nhẫn nại, kiên trì trong công việc, bình tĩnh khi đối xử với mọi người. Đó là học làm người!
Học cách hỏi han khi thoáng thấy nét buồn trên gương mặt vốn vui tươi của bạn, cách chăm sóc khi cha mẹ ốm đau, cách quây quần bên ông bà đã già yếu chỉ mong được ở bên con cháu. Đó là học làm người!
Học cách giữ cho tâm hồn bình lặng để đón nhận cái tốt và phản chiếu cái xấu không bị méo mó, biến dạng, để trung thực trong cuộc sống, để dám dũng cảm đứng lên bảo vệ lẽ phải. Đó là học làm người!
Học làm người lương thiện, trong sạch, nhân hậu, có trái tim tràn ngập yêu thương và tâm hồn rộng mở, có cách sống đúng đắn và cách đối nhân xử thế đúng mực. Đó chính là học làm người!
Người đã học làm người biết sống chân thành và trung thực, biết cảm thông với những khó khăn, vất vả, những khổ đau của người khác. Người đã học làm người là người có đức, có nhân, biết sống và yêu cuộc sống.
Người đã học làm người dù có thể không có tài, nhưng họ sống một cuộc sống thật sự có ý nghĩa, họ cố gắng hết mình vì cuộc sống của mình và vì cuộc sống của cả người khác, họ sẵn sàng đưa tay ra giúp đỡ người khác lúc khó khăn, ôm chầm lấy một người bạn dù người bạn đó lấm lem bùn đất… họ sống một cách thanh thản, dễ dàng làm theo lẽ phải khi con tim mách bảo. Họ là Người với cái nghĩa vẹn nguyên nhất của nó.
Khi con người biết học làm người, thế giới sẽ tràn ngập yêu thương và hạnh phúc, không còn những xung đột, những cuộc chiến tranh đầy máu và nước mắt, những thù hằn đẫm màu buồn đau, không còn sự lạnh nhạt, dửng dưng mà đầy ấm áp, yêu thương.
Vậy thì, con người hãy học làm người, hãy lắng nghe trái tim, mở rộng tâm hồn, trao đi yêu thương để sống một cuộc sống thật sự có ý nghĩa… Đừng để thế giới chìm trong băng giá, lạnh lẽo của sự vô tâm, đừng để những đứa trẻ sinh ra chẳng nói chẳng cười, những trái tim khô khan sắt đá mang hình người, đừng để con người biến thành 1 bộ máy có kiến thức cao rộng, có học vấn uyên bác nhưng không có tình yêu và sự quan tâm. Hãy học làm người trước khi học tri thức bởi học làm người mới là cái gốc của sự học.