Văn mẫu lớp 11: Nghị luận xã hội về tôn trọng sự khác biệt gồm 2 mẫu cực hay đạt điểm cao kèm theo gợi ý cách viết. Qua đó giúp các bạn có thêm nhiều tư liệu ôn luyện trau dồi kiến thức để nhanh chóng biết cách viết đoạn văn nghị luận hay.
Tôn trọng sự khác biệt trong văn hóa ứng xử là một phần quan trọng của cuộc sống trong xã hội. Điều này thể hiện sự thông minh và sức mạnh tinh thần của con người. Chính vì thế hãy luôn hiểu rõ giá trị của sự khác biệt và sẵn sàng thích nghi với những điều mới mẻ để thấy cuộc sống thêm phong phú và đáng trải qua. Vậy dưới đây là 2 bài văn mẫu hay nhất mời các bạn cùng đón đọc. Bên cạnh đó các bạn xem thêm bài văn mẫu: nghị luận về sự cần thiết của việc học ngoại ngữ, nghị luận xã hội về thực hành lối sống xanh.
Viết bài văn nghị luận về tôn trọng sự khác biệt
Dàn ý nghị luận về tôn trọng sự khác biệt
1. Mở bài
Giới thiệu và dẫn dắt vào vấn đề cần nghị luận: quan điểm cần phải biết tôn trọng sự khác biệt.
Lưu ý: Học sinh tự lựa chọn các dẫn mở bài trực tiếp hoặc gián tiếp tùy thuộc vào năng lực của bản thân.
2. Thân bài
a. Giải thích
- Sự khác biệt: những cá tính, nét riêng, đặc trưng của một người, một sự vật nào đó mà khi chỉ cần nhắc về đặc điểm đó ta sẽ hình dung ra ngay người, vật ấy.
- Mỗi người, mỗi vật đều có những nét đặc trưng riêng, sự khác biệt riêng, chúng ta cần biết tôn trọng những đặc điểm đó.
b. Thân bài
- Người biết tôn trọng sự khác biệt là người biết lắng nghe những quan điểm, chia sẻ, góc nhìn của người khác một cách trân trọng và tỉ mỉ. Chúng ta có thể đồng ý hoặc không đồng ý với quan điểm của người khác nhưng không tìm cách vùi dập hoặc coi thường suy nghĩ của họ.
- Từ những quan điểm, góc nhìn của người khác, chúng ta biết chọn lọc và rút ra ý nghĩa từ quan điểm đó làm bài học cho chính bản thân mình, việc rút ra bài học từ quan điểm của người khác giúp chúng ta có bài học và hoàn thiện bản thân mình hơn.
c. Chứng minh
Học sinh tự lấy dẫn chứng về những người biết tôn trọng người khác, tôn trọng sự khác biệt của người khác để minh họa cho bài làm văn của mình.
d. Phản đề
Bên cạnh đó vẫn còn có nhiều người không biết tôn trọng quan điểm của người khác, sự khác biệt của người khác, luôn cho mình là nhất, quan điểm của mình là đúng và người khác là sai,… chúng ta không nên học theo những người này bởi đây là lối suy nghĩ chưa đúng đắn.
e. Liên hệ bản thân
Mỗi chúng ta có những sự khác biệt và người khác cũng vậy. Hãy biết tôn trọng người khác, tôn trọng chính mình để xây dựng một xã hội bình đẳng, bác ái, con người hòa đồng với nhau hơn.
3. Kết bài
Khái quát lại vấn đề cần nghị luận: quan điểm cần phải biết tôn trọng sự khác biệt.
Nghị luận xã hội về Tôn trọng sự khác biệt
Cuộc sống của con người diễn ra trong một xã hội đa dạng, nơi mà sự đa dạng luôn tồn tại giữa mọi người. Điều quan trọng là chúng ta phải học cách chấp nhận và tôn trọng những sự khác biệt này.
Sự khác biệt thực sự làm nên sự đa dạng và phong cách riêng của mỗi con người. Điều này có thể thể hiện ở nhiều khía cạnh, từ ngoại hình, thói quen, quan điểm, đến lối sống và cách ứng xử. Tôn trọng sự khác biệt không chỉ là một việc làm đúng mà còn là một sự tôn vinh cho quyền tự do của mỗi người. Sự đối lập giữa chúng ta tạo ra một sự phong phú cho cuộc sống, và như Coco Chanel đã từng nói: "Để không bị thay thế, bạn phải thật khác biệt." Sự khác biệt giúp chúng ta hiểu và thấu hiểu nhau hơn, khuyến khích tinh thần kiên nhẫn và đồng lòng để cùng phát triển. Tôn trọng sự khác biệt còn thể hiện tình thương và lòng nhân ái, góp phần gắn kết con người lại với nhau.
Trong cuộc sống gia đình, việc hiểu và chấp nhận những sự khác biệt giúp làm mờ đi những khoảng cách thế hệ. Khi chúng ta biết tôn trọng sự riêng tư của người khác, chúng ta cũng nhận được sự tôn trọng tương tự. Không bao giờ nên phê phán ai vì những điểm khác biệt như ngoại hình, màu da, giọng điệu, phong cách sống hay bất kỳ đặc điểm nào khác. Sự đa dạng này đã tạo ra những điều tuyệt vời trong cuộc sống, và nếu không có nó, thế giới sẽ không bao giờ biết đến các vĩ nhân như Newton, Edison, hay J.K. Rowling.
Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại, vẫn còn tồn tại những người bảo thủ và cố chấp, luôn cố gắng áp đặt quan điểm cá nhân lên người khác, gây khó khăn và mâu thuẫn. Ngoài ra, một số người lợi dụng khái niệm "sự khác biệt" để tự vinh danh và thúc đẩy lợi ích cá nhân, không tôn trọng tập thể xung quanh. Điều quan trọng là chúng ta phải thể hiện sự cân bằng giữa quan điểm cá nhân và tinh thần đoàn kết, sử dụng bản sắc của mình để làm phong phú cuộc sống thay vì lợi dụng hoặc xem thường sự đa dạng.
Mỗi người chúng ta chỉ có một cuộc đời để sống và tỏa sáng. Hãy luôn tự hào về bản sắc của mình, chăm sóc bản thân và yêu thương những người xung quanh.
Nghị luận về Tôn trọng sự khác biệt
Tôn trọng sự khác biệt là văn hóa ứng xử tối thiểu cần phải có của một người sống trong xã hội này. Tôn trọng sự khác biệt cũng chính là sức mạnh của trí tuệ. Vì tâm đắc với điều này mà tôi khá nể nhạc sĩ Quốc Trung khi mới đây, bình về phát ngôn gây sốc của Thanh Lam, Quốc Trung điềm đạm: "Với một cá nhân có thực tài và bản lĩnh luôn bình thản và đón nhận những ý kiến đánh giá khác nhau…”, và "Thế hệ trẻ Việt Nam ngày nay cần được rèn luyện về bản lĩnh và văn hóa ứng xử với những lời khen chê”.
Một nghệ sĩ cũng như một người trọng văn hóa ứng xử, hơn bất kỳ ai phải hiểu rõ điều đó. Nhìn sự việc một cách tích cực, hành động và phát ngôn của nhạc sĩ này cho thấy sự liêm chính trong học thuật vẫn được tôn trọng. So sánh trường hợp Quốc Trung với những trường hợp "bình loạn, ném đá cho hả” cho thấy rõ hơn sự khác biệt mang tính văn hóa trong việc ứng xử với những bất đồng ý kiến…
Tôn trọng sự khác biệt bởi vậy, là biểu hiện của khoa học, văn hóa, lòng nhân ái và tính nhân đạo. Nhưng vì sự khác biệt chỉ là tính chất, không phải mục đích cho nên tôn trọng sự khác biệt đơn thuần chỉ là tôn trọng tính chất đa dạng, mà mục đích cuối cùng đều dành cho sự phát triển đi lên, hướng tới "chân lý, hoàn thiện và hoàn mỹ”.
Nhiều người trên khắp nước từng phê phán và muốn phải "trừng phạt” hai ca sĩ trẻ "đào ngũ” do không tham gia chương trình biểu diễn ở Lào mới đây. Họ lí giải rằng những người mang danh xưng nghệ sĩ lớn, giảng viên ĐH mà bất chấp nhiệm vụ để chạy sô thì đó là một vết nhơ của nền nghệ thuật, và họ sẽ không còn uy tín để giảng dạy được. Mặc dù vậy, hai nghệ sĩ lại nhận được sự đồng cảm của nhiều đồng nghiệp. Họ đã xin lỗi mọi người về những "sai sót” không thể tha thứ đó. Có thể nói quyết định xin lỗi đó lại là một dấu hiệu tích cực cho nghệ thuật. "Khác biệt tiêu cực” ở họ đã được chính họ điều chỉnh tích cực.
Vậy là, điều quan trọng để thành công trong cuộc sống không hẳn là tài năng hay kinh nghiệm, mà chính là thái độ. Thái độ đúng ở đây là thái độ cầu thị và thái độ khiêm tốn.
Người lớn có đức này sẽ truyền được được cho thế hệ con cháu, nhưng quan trọng hơn, họ biết tôn trọng sự khác biệt của chính con em mình, để có thể làm người bạn lớn của chúng. Đó là mối quan hệ vô giá.
Ngay từ nhỏ, nhiều trẻ đã bộc lộ những khác biệt về văn hóa so với cha mẹ. Các bậc phụ huynh sống và làm việc trong những cơ quan khác nhau, có những người bạn khác nhau và họ ít khi nghĩ rằng chính thái độ tôn trọng người khác ở họ lại có ảnh hưởng đến các con nhiều như vậy. Những hành động độ lượng và tôn trọng người khác của cha mẹ trong cuộc sống hàng ngày chính là một thông điệp hoàn hảo giúp con cái học được cách tôn trọng và đánh giá cao những khác biệt giữa mỗi người.
Tôi hiểu rằng khuyên mình sống và ứng xử thế nào cho có văn hóa vốn không dễ. Diễn đàn này cần có sự vào cuộc của các nhà văn hóa, nhà văn hay giáo sư nổi tiếng. Nhưng nền giáo dục của chúng ta cũng cần bổ sung môn "văn hóa ứng xử” cho trẻ em để phù hợp với thời đại mới.
Một gia đình, một cá nhân có thể may mắn giàu có lên trong một năm hay dăm ba năm gì đó. Nhưng để biết cư xử có văn hóa, cần gấp nhiều nhiều lần thời gian như thế, với sự tu luyện, học hỏi, quan sát không ngừng. Tôn trọng sự khác biệt của mình, chắc chắn sẽ hạn chế làm người khác tổn thương chỉ vì những định kiến và nông nổi.