Nghị luận về đức tính siêng năng cần cù (6 mẫu) - Văn 9

Văn mẫu lớp 9: Bàn về đức tính siêng năng cần cù (Dàn ý + 6 mẫu)

Nghị luận về tư tưởng đạo lý

TOP 6 bài Nghị luận về đức tính siêng năng cần cù hay nhất của các bạn học sinh giỏi trong cả nước, giúp các em học sinh lớp 9 hiểu rõ hơn về vai trò, ý nghĩa của đức tính siêng năng.

Siêng năng, cần cù

Siêng năng, cần cù là luôn nỗ lực học tập, lao động không ngừng nghỉ. Người chăm chỉ, siêng năng thường luôn sẵn sàng tìm tòi, mày mò những điều mới mẻ, luôn cố gắng trong cuộc sống. Mời các em cùng theo dõi bài viết dưới đây của Download.vn để viết bài văn nghị luận tư tưởng đạo lý thật hay.

Dàn ý Nghị luận về đức tính siêng năng cần cù

1. Mở bài

Giới thiệu vấn đề cần nghị luận: đức tính siêng năng cần cù.

Lưu ý: Học sinh tự lựa chọn cách viết mở bài trực tiếp hoặc gián tiếp tùy thuộc vào năng lực của bản thân mình.

2. Thân bài

a. Giải thích

Siêng năng cần cù: nỗ lực học tập, lao động không ngừng nghỉ; luôn sẵn sàng tìm tòi, mày mò những điều mới mẻ, cố gắng hơn người khác trong cuộc sống → là một đức tính tốt đẹp mà con người ai cũng cần rèn luyện.

b. Phân tích

- Biểu hiện của người siêng năng cần cù:

  • Luôn nỗ lực vươn lên trong học tập, trong cuộc sống, tích cực trau dồi bản thân theo chiều hướng tốt đẹp để trở thành một công dân tốt, có ích cho xã hội.
  • Biết giúp đỡ mọi người xung quanh từ việc nhỏ đến việc lớn trong khả năng của mình: phụ giúp cha mẹ công việc nhà, giúp đỡ bạn bè, giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn.
  • Biết sắp xếp cuộc sống cá nhân của mình, có thời gian biểu hợp lí, không lãng phí thời gian vào những việc vô ích, luôn khiến bản thân mình bận rộn.

- Ý nghĩa của việc siêng năng cần cù:

  • Giúp bản thân ta tốt lên, trau dồi được nhiều đức tính tốt đẹp khác cũng như hoàn thiện mình theo chiều hướng tích cực hơn.
  • Cần cù chăm chỉ sẽ giúp con người tiến xa hơn trong cuộc sống, sẽ giúp ta hoàn thành công việc một cách tối ưu và khi tối ưu hóa được cuộc sống thì cuộc sống sẽ trở nên tốt đẹp hơn.
  • Sống cần cù chăm chỉ sẽ góp phần lan tỏa những thông điệp tốt đẹp ra cộng đồng, sẽ giúp cho cộng đồng ngày càng tốt đẹp hơn.

c. Chứng minh

Học sinh tự lấy những dẫn chứng về những con người siêng năng, cần cù, biết vươn lên trong cuộc sống để minh họa cho bài làm văn của mình.

d. Phản đề

Trong cuộc sống vẫn còn có nhiều người lười biếng, quen thói dựa dẫm, ỷ lại vào người khác, không chủ động trong cuộc sống của chính mình khiến cho công việc dồn đống không được giải quyết hoặc giải quyết sơ sài.

3. Kết bài

Khái quát lại vấn đề nghị luận: đức tính siêng năng chăm chỉ, đồng thời rút ra bài học cho bản thân.

Bàn về đức tính siêng năng cần cù - Mẫu 1

Siêng năng, cần cù là phẩm chất tốt đẹp của người lao động, mà học sinh chúng ta, tuổi trẻ chúng ta phải rèn luyện hằng ngày. Chăm chỉ làm việc và học hành một cách đều đặn, thường xuyên thì gọi là siêng năng cần cù nghĩa là chăm chỉ, chịu khó một cách thường xuyên trong bất cứ công việc nào, nhất là trong lao động và học tập.

Có quý trọng thì giờ, mới biết cần cù, siêng năng. Có biết coi thì giờ quý như vàng bạc thì mới có ý thức chăm chỉ, chịu khó trong lao động sản xuất, trong học hành luyện trí, luyện tài. Có siêng năng, cần cù mới có ý thức không để thì giờ trôi qua một cách vô ích. vô vị.

Biết dùi mài kinh sử, biết suy nghĩ vận động, vươn lên học hỏi những điều mới mẻ, những kiến thức khoa học hiện đại thì mới có thể nói là cần cù, siêng năng. Thức khuya dậy sớm. chăm chỉ làm ăn, vượt qua mọi khó khăn thì mới gọi là siêng năng, chịu khó.

Người thợ coi tám giờ lao động là vàng ngọc. Người nông dân cuốc bẫm cày sâu, một nắng hai sương đế làm nên những mùa vàng bội thu, những cánh đồng đầy khoai xanh tốt. cần cù, siêng năng để làm ra của cải vật chất, để sáng tạo nên mọi giá trị tinh thần để làm cho cuộc sống ngày một ấm no hạnh phúc, làm cho đất nước, xã hội ngày một thêm giàu có. Muốn được sống trong ấm no, hạnh phúc thì phải siêng năng, cần cù. "Có làm thì mới có ăn - Không dưng ai dễ đem phần đến cho" là một lời khuyên chí lí. Muốn dân giàu, nước mạnh thì người người phải lao động, nhà nhà phải lao động; lao động một cách cần cù, siêng năng.

Nhân dân ta, đặc biệt là người nông dân rất siêng năng, cần cù. Có biết bao bài ca dao ngợi ca phẩm chất cao quý của họ:

Lao xao gà gáy rạng ngày,
Vai vác cái cày, tay dắt con trâu.
Bước chân xuống cánh đồng sâu,
Mắt nhắm mắt mở đuổi trâu ra cày.

hay

Ai ơi, bưng bát cơm đầy,
Nhớ công hôm sớm cấy cày cho chăng.

Trên đời, xưa và nay. cái đáng quý là lao động, người đáng quý là người lao động. Chính nhân dân lao động đã giáo dục chúng ta lòng yêu nước và đức tính cần cù, siêng năng. Nhờ siêng năng, cần cù mà mỗi chúng ta không sợ khó, sợ khổ, biết bền bỉ. nhẫn nại trong làm ăn, trong học hành.

Trái với siêng năng, cần cù là lười biếng, là "nhác làm siêng ăn", là lãng phí thì giờ, trở thành kẻ sống thừa, vô tích sự.

Châm biếm kẻ lười biếng, nhân dân ta có câu ca:

Đời người chỉ một gang tay
Ai hay ngủ ngày còn một nửa gang.

Kẻ "hay ngủ ngày" là kẻ lười biếng,
Chỉ biết "há miệng chờ sung".

Học sinh chúng ta, tuổi trẻ chúng ta phải chăm học chăm làm, phải siêng năng thức khuya dậy sớm, chịu khó cần cù học hành, luyện tập thì mới nên người. Phải biết "học ngày chưa đủ, tranh thủ học đêm". Trong đợt ôn tập, kiểm tra, thi cử, học sinh phải siêng năng, phải cần cù ôn luyện. Có chịu khó, có nỗ lực cao thì mới có thể vươn lên học khá, học giỏi, mới giành được điểm cao trong thi cử?

Học tập hôm nay là để có ngày mai đúng ý nghĩa. Đó là một ngày mai lao động sáng tạo, ấm no, hạnh phúc. Siêng năng và cần cù hôm nay là để có một ngày mai tươi đẹp.

Bàn về đức tính siêng năng cần cù - Mẫu 2

Trong cuộc sống có rất nhiều những đức tính tốt, chúng ta cần phải học tập và noi theo những đức tính và chuẩn mực đó của xã hội. Và phải kể đến đó là đức tính siêng năng, cần cù của con người trong xã hội.

Luôn đề cao, tinh thần ham học hỏi, cần cù, sáng tạo trong công việc cũng như trong cuộc sống, sự chăm chỉ đó được biểu hiện ở việc họ luôn đam mê với công việc hay học tập, luôn tự giác làm những điều tốt nhất cho xã hội, tích cực chủ động hơn trong cuộc sống, trong công việc, luôn tích cực thể hiện được tinh thần sáng tạo, cần mẫn với tất cả mọi việc trong cuộc sống.

Chăm chỉ, tìm tòi, phát hiện thêm những điều mới mẻ, chúng ta sẽ cảm thấy cuộc đời này thật ý nghĩa. Chăm chỉ còn biểu hiện ở đức tính luôn cố gắng làm mọi điều tốt nhất, sự cần mẫn trong công việc và cuộc sống, luôn chăm chỉ rèn luyện và phát triển bản thân mình mỗi ngày, thể hiện đức độ, đức tính cần mẫn của con người.

Mỗi chúng ta cần phải học hỏi đức tính tốt này, vì nó mang lại cho chúng ta nhiều điều giá trị cho cuộc sống của mình, luôn tích cực học hỏi, tìm tòi, cẫn mẫn với học tập và công việc của mình, sự cần cù, chăm chỉ đó tạo cho mỗi chúng ta những thói quen sống tốt, luôn biết cố gắng học hỏi, rèn luyện trong công việc.

Như dân gian ta đã có câu: “ cần cù bù thông minh”, chính vì thế sự cần cù mang lại cho chúng ta sự thành công, luôn tìm tòi, sáng tạo và học hỏi, luôn làm được mọi điều tốt nhất trong cuộc sống, từ đó con người có những quyết định đúng đắn hơn trong cuộc sống của mình, sự sáng tạo, cần mẫn, thể hiện sự dứt khoát, thái độ vững tin. Luôn thể hiện sự kiên trì, bền bỉ và sáng tạo của mình trước những vấn đề của cuộc sống, chính vì thế, mỗi chúng ta cần phải luôn thể hiện sự chăm chỉ, cần cù của mình trong cuộc sống.

Luôn thể hiện thái độ, tinh thần trách nhiệm, tích cực hơn với công việc, cuộc sống, có như vậy chúng ta mới có những đóng góp tích cực trong cuộc sống của mình, luôn thể hiện sự tự tin, chăm chỉ, cần mẫn của mình trong công việc và học tập, luôn thể hiện thái độ chăm chỉ, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, dám đối mặt với những vấn đề của cuộc sống.

Đức tính siêng năng, cần cù, từ xưa đến nay đã được dân gian ta coi trọng vì nó mang lại nhiều lợi ích cho con người, để cho chúng ta những bài học quý giá trong cuộc sống. Sự cần cù, siêng năng, giúp cho mỗi chúng ta có thể hoàn thành tốt được công việc, khi có đức tính chăm chỉ trong người, không có một điều khó khăn, hay vất vả nào có thể cản bước chúng ta, luôn kiên trì, sáng tạo, thể hiện được bản lĩnh của mình trước những vấn đề của cuộc sống.

Trong cuộc sống có rất nhiều tấm gương sáng, họ luôn kiên trì, chăm chỉ, siêng năng trong học tập điển hình như chủ tịch Hồ Chí Minh, bác luôn cần mẫn trong chiến đấu và đời sống, bước là tấm gương sáng cho mỗi chúng ta học tập và noi theo.

Mỗi chúng ta cần phải cố gắng học hỏi cho mình đức tính cần cù, siêng năng, nó là đức tính tốt, mỗi chúng ta cần phải tìm tòi, sáng tạo và học hỏi mỗi ngày.Như bác Hồ đã từng nói: “ không có việc gì khó chỉ sợ lòng không bền” chỉ cần cần cù, siêng năng, chúng ta sẽ làm được mọi việc.

Bàn về đức tính siêng năng cần cù - Mẫu 3

Siêng năng cần cù là một phẩm chất tốt đẹp của mỗi con người, từ học sinh cho tới người lao động ai cũng cần phải rèn luyện đức tính này hằng ngày bởi vì nó có tầm quan trọng tới cuộc sống chúng ta và hướng tới cho chúng ta những gì tốt đẹp nhất.

Vậy thì siêng năng cần cù là gì? Đó là chăm chỉ làm việc và chăm chỉ học tập một cách thường xuyên và đều đặn, đó người ta gọi là siêng năng. Còn cần cù là chăm chỉ chịu khó làm việc, cho dù khó khăn cũng không bỏ cuộc, nhất là trong học tập và trong lao động.

Người ta thường bảo thời gian quý như vàng như bạc , chính vì thế cho nên những ai biết quý trọng thời gian thì mới chịu khó làm việc, chịu khó siêng lao động, học hành. Có siêng năng cần cù thì mới có ý thức, không để cho thời gian của mình trôi qua một cách lãng phí bởi như vậy là vô ích.

Cần cù siêng năng là biết dùi mài kinh sử, biết tìm tòi những cái khó trong học tập để vươn lên tầm cao mới, khám phá ra những kiến thức khoa học hiện đại. Thức khuya dậy sớm và chăm chỉ làm ăn , vượt qua những khó khăn, khổ cực thì đó mới gọi là siêng năng, chịu khó.

Người học sinh đi học thì cần phải biết cố gắng vươn lên trong học tập, bài nào không hiểu thì tìm tòi ra lời giải đáp . Đó mới gọi là cần cù.

Người thợ coi giờ lao động của mình là vàng ngọc cho nên cố gắng làm hết mình để không lãng phí thời gian. Người nông dân cày sâu cuốc bẫm một nắng hai sương là để làm nên mùa màng bội thu, họ cần cù siêng năng để làm ra từng hạt lúa hạt gạo, để có cuộc sống ấm no và hạnh phúc. Và muốn được no ấm và giàu có thì phải biết siêng năng cần cù, biết vươn lên trong từng thời khắc của cuộc sống.

Từ trước cho tới nay, cái đáng quý nhất là người lao động, và người đáng quý nhất đó là người lao động. Chính nhân dân lao động đã giáo dục cho chúng ta về lòng yêu nước và về đức tính cần cù. Nhờ có siêng năng cần cù mà mỗi chúng ta không sợ gian lao khó khăn hay vất vả gì, luôn nhẫn nại kiên trì trong làm ăn, trong học hành.

Trái với siêng năng cần cù là lười biếng , đó là những người “siêng ăn nhác làm” chỉ biết hưởng thụ chứ không chịu động não suy nghĩ hay làm việc, họ trở thành kẻ sống thừa và vô tích sự trước mặt người khác và luôn khiến cho người khác phải chê cười.

Là người học sinh, chúng ta phải biết chăm chỉ làm ăn, phải biết thức khuya dậy sớm chịu khó học hành thì mới nên người, mới xây dựng cho tương lai của bản thân và xã hội tốt đẹp được. Nhất là trong các kì thì thì cần phải siêng năng ôn luyện, không được thấy khó mà nản chí. Có chịu khó nỗ lực hết mình thì mới có thể vươn lên học khá học giỏi, mới giành được điểm tốt.

Những người siêng năng cần cù thường hay được mọi người kính nể và cũng là tấm gương đẹp để mọi người noi theo. Học sinh cần cù thì được thầy yêu bạn mến còn người lao động cần cù thì được mọi người thán phục.

Học tập hôm nay để có một ngày mai đúng nghĩa. Đó là một ngày mai ấm no, hạnh phúc tươi sáng hơn. Chăm chỉ cần cù đưa ta tới những thứ tốt đẹp trong cuộc sống cho nên chúng ta cần phải biết quý trọng hơn nữa.

Bàn về đức tính siêng năng cần cù - Mẫu 4

Cần cù là một đức tính tốt đẹp, một phẩm chất cao quý mà ai cũng cần rèn luyện, tu dưỡng. Chăm chỉ, chịu khó một cách thường xuyên thì gọi là cần cù. Gần nghĩa với cần cù là siêng năng. Ta thường nói: cần cù, siêng năng học hành; cần cù. siêng năng lao động, làm ăn. Mọi thành quả mọi hoa thơm trái ngọt trên đời đều do sức lao động cần cù làm ra:

“Bàn tay ta làm nên tất cả,
Có sức người sỏi đá cũng thành cơm"
(Hoàng Trung Thông)

Nhờ cần cù, siêng năng mới biến trí lực và thời gian thành kiến thức, học vấn, của cải vật chất, giá trị tinh thần. Người cần cù, siêng năng mới có cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Có thức khuya dậy sớm, có nấu sử sôi kinh hàng chục năm trời mới có thế thành ông tú, ông cử, ông nghè. Có thức khuya dậy sớm, cuốc bẫm cày sâu, một nắng hai sương, bán mặt cho đất, bán lưng cho trời mới làm nên những mùa vàng, những bát cơm đầy dẻo thơm. Làm ngày chưa đủ, tranh thủ làm đêm”, (‘mỗi người làm việc bằng hai ” là cần cù, siêng năng.

Có nhiều bài ca dao ca ngợi đức tính cần cù, siêng năng, chịu khó của người dân cày Việt Nam mà hầu như ai cũng thuộc:

Cày đồng đang buổi ban trưa,
Mồ hôi thánh thót như mưa ruộng cày.
Ai ơi, bưng bát cơm đầy,
Dẻo thơm một hạt, đắng cay muôn phần

Người thợ mỏ có cần cù, chịu khó mới chui vào hầm lò khai thác than, mới đứng bên máy suốt tám tiếng đồng hồ để sản xuất.

Cần cù, siêng năng gắn liền với sáng tạo. Vì thế mới có câu: “Cần cù bù thông minh”. Trái với cần cù là lười nhác, lười biếng, là nhác làm siêng ăn. Nhân dân ta đã châm biếm những kẻ lười biếng:

“Đời người có một gang tay
Ai hay ngủ ngày còn một nửa gang
Kẻ nhác làm siêng ăn thật đáng chê
Ăn no rồi lại nằm khoèo,
Nghe giục trống chèo vác bụng đi xem"

Học sinh biết chăm học, chăm làm, tích cực tham gia vào phong trào “Nghìn việc tốt ”, để xây dựng trường lớp, không chỉ để gắn liền học đi đôi với hành mà còn để rèn luyện, tu dưỡng đức tính cần cù, siêng năng.

Người cần cù, siêng năng thì luôn tay làm việc, đầu óc luôn suy nghĩ, mới cảm thấy thì giờ là vàng ngọc. Cần cù, siêng năng là phẩm chất cần có để phát huy tài năng và trí sáng tạo. Cuộc đời của các nhà bác học là tấm gương sáng về đức tính cần cù học tập, nghiên cứu, lao động bền bỉ… để tuổi trẻ chúng ta noi theo.

Suy nghĩ về tính siêng năng

Xã hội hiện nay vốn vô cùng phức tạp, từng người phải chen chúc nhau mà sống. Cuộc sống bây giờ cũng vậy, ai cũng mong bản thân mình được thành công. Nhưng nếu muốn thành công trước tiên ta phải là một con người siêng năng. Siêng năng sẽ là con đường dẫn dắt ta tiến tới thành công trong mọi việc và giúp ta đạt được những gì ta mong muốn.

Siêng năng là sự cần cù, tự giác, miệt mài trong công việc, làm việc thường xuyên và đều đặn, không tiếc công sức. Trái với siêng năng là lười biếng, không muốn làm việc, hay lần nữa, trốn tránh công việc, ỷ lại vào người khác hoặc đùn đẩy việc cho người khác.

Siêng năng còn là sự say mê học hỏi từ người khác, khám phá mọi thứ mình chưa biết. Những người siêng năng thường vô cùng cần cù, biết tự giác và miệt mài làm việc. Chăm chỉ học tập từ bạn bè hoặc người khác. Siêng năng, kiên trì giúp cho con người thành công trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.

Người có tính siêng năng chắc chắn là một người yêu lao động. Họ lấy lao động làm niền vui, miệt mài làm việc. Người siêng năng luôn làm tốt công việc và không đề cao khen thưởng. Nếu có yếu kém, họ biết lấy cần cù, chăm chỉ để bù khả năng của mình. Thành quả trong lao động là kết quả của công sức, sự siêng năng và kiên trì.

Một học sinh siêng năng luôn đi học chuyên cần; chăm chỉ học bài và làm bài. Tích cực tham gia xây dựng bài ở lớp; có kế hoạch học tập khoa học và thực hiện tốt kế hoạch đã đặt ra; khi gặp bài tập khó trong học tập thì không nản chí, nản lòng mà có sự quyết tâm làm đến cùng. Siêng năng luôn có ý thức tự giác học bài và làm bài, không làm việc riêng trong giờ học.

Một học sinh không siêng năng thường có thói lười biếng, ỷ lại, làm việc hời hợt, cẩu thả, ngại khó, ngại khổ,làm việc mau chán, uể oải, chểnh mảng. Sau khi tan học về họ sẽ quăng cặp ở đó rồi mở máy chơi game. Chơi game đến khi mệt thì lên giường ngủ. Tập vở không bao giờ được mở ra hay chỉ lướt qua một lần. Những người như thế sẽ chẳng khi nào làm được gì. Tuy rằng lời này hơi nặng nhưng họ thật sự là gánh nặng của gia đình và xã hội này. Xã hội bây giờ có nhiều mặt xấu thế này đa số cũng từ những loại người này mà ra.

Không có thành quả nào tự nó hình thành. Tất cả là kết tinh của sức lao động, sự siêng năng và kiên trì. Trên bước đường thành công, không bao giờ có dấu chân của kẻ lười biếng. Siêng năng là khởi đầu của mọi thành công.

Không siêng năng trong lao động, công việc sẽ trì trệ, kéo dài, thậm chí là thất bại. người không siêng năng thường không có ý chí, không có khát vọng thành công. Họ sống yếu đuối, hèn kém, dễ dàng bỏ cuộc khi vấp phải khó khăn, trở ngại.

Lười biếng là kẻ thù của mọi thành tựu. Kẻ lười biếng là người sống ích kỉ, dựa dẫm. Họ thường bị người khác khinh chê, xa lánh. Ngược lại, người siêng năng, dẫu năng lực có yếu kém hay thất bại trong công việc, họ vẫn được người khác tôn trọng, yêu thương và giúp đỡ.

Đối với những người siêng năng họ có được thành quả là cả một quá trình dài. Họ siêng năng làm việc rồi bước lên từng bậc để đạt được thành công. Siêng năng là một phẩm chất cần thiết của con người. Nó chỉ có lợi chứ không có hại. Nếu không siêng năng thì “trang sách” cuộc đời rồi sẽ khép lại. Cuộc đời của họ sẽ chấm dứt tại đây. Cuộc đời của họ sẽ chỉ có một màu ánh sáng tối bao quanh lấy họ.

Đối với học sinh, thì cần phải rèn luyện từ ngay bây giờ. Hãy cố gắng cần cù, siêng năng trước khi mọi thứ quá trễ. Để rèn luyện được siêng năng thì cũng cần có một khoảng thời gian dài. Đâu phải ta muốn siêng năng thì có thể làm được ngay. Hãy bắt đầu từ việc chăm chỉ học tập rồi khám phá mọi thứ mình chưa biết. Những điều mình biết rồi chỉ là một phần rất nhỏ trong mọi thứ mình chưa biết.

Tự đánh giá được hành vi của bản thân và của người khác về siêng năng, kiên trì trong học tập, lao động, trong sinh hoạt hàng ngày. Tự bản thân rèn luyện đức tính siêng năng, kiên trì ở mọi nơi, mọi lúc. Quý trọng những người siêng năng, kiên trì. Không đồng tình với những biểu hiện của sự lười biếng, hay nản lòng.

Phải biết rèn luyện kỹ năng của bản thân từ mọi thứ nhỏ nhất. Học tập và phải có lòng quyết tâm, kiên trì. Từng việc nhỏ nhất sẽ làm thành một việc lớn. Thế nên đừng nản lòng, mọi thứ rồi sẽ thành công nếu bạn siêng năng, kiên trì. Hãy cứ như thế để có đủ khả năng phát triển bản thân, đất nước và xã hội. Đất nước của ta sẽ phụ thuộc vào ta hôm nay.

Thành công sẽ đến với ta nếu ta biết siêng năng, chăm chỉ. Đừng bao giờ lười biếng nó chẳng giúp được gì cho ta. Hãy luôn kiên trì rồi mọi điều tốt đẹp sẽ đến với bạn. Bản thân ta sẽ hạnh phúc hơn rồi gia đình cũng như thế. Cuộc sống của ta sẽ nhuộm một “màu hồng hạnh phúc”.

Nghị luận về tính siêng năng và kiên trì trong công việc

Để thành công trong cuộc sống, mỗi con người cần hình thành và rèn luyện cho mình nhiều đức tính tốt đẹp. Một trong những đức tính cần có là tính siêng năng và kiên trì trong công việc. Đặc biệt là đối với lứa tuổi học sinh, những con người trẻ tuổi đang từng ngày kiên trì rèn luyện mình trên ghế nhà trường.

Siêng năng trong công việc thể hiện sự cần cù, tự giác, miệt mài trong công việc, làm việc một cách thường xuyên, đều đặn, không tiếc công sức. Trái với siêng năng là tính lười biếng, không muốn làm việc, hay lần lữa, trốn tránh công việc, ỷ lại vào người khác hoặc đùn đẩy việc cho người khác.

Kiên trì trong công việc là quyết tâm làm đến cùng, không bỏ dở giữa chừng mặc dù có khó khăn, gian khổ hoặc trở ngại. Trái với tính kiên trì hay nản lòng, chóng chán, làm được đến đâu hay đến đó, không quyết tâm và thường không đạt được mục đích gì cả.

Người có tính siêng năng và kiên trì trong công việc thường chăm chỉ, cần cù, chịu khó làm việc. Không bao giờ ta thấy họ than vãn hay ngại khó ngại khổ. Trong công việc, họ luôn hoàn thành tốt, hướng đến thành công. Trước những khó khăn, họ kiên nhẫn tìm cách vượt qua. Họ miệt mài lao động với một tình yêu lớn dành cho công việc đang làm.

Người có tính siêng năng, kiên trì không bao giờ bỏ cuộc hay đầu hàng khó khăn, thử thách. Họ luôn biết giúp đỡ người khác trong công việc. Họ luôn là động lực để người khác cố gắng. Bởi thế, họ luôn được mọi người yêu mến và giúp đỡ.

Cuộc sống luôn đặt ra những thử thách để con người vượt qua. Không có việc gì dễ làm mà mang lại kết quả lớn. Thử thách càng cao, phần thưởng càng lớn. Bởi thế, đừng mong việc dễ làm mà hãy dũng cảm đối diện thử thách để rèn luyện bản thân và gặt hái thành công.

Siêng năng và kiên trì trong công việc giúp con người không chán nản hay bỏ cuộc trước khó khăn, trở ngại. Để làm nên việc lớn, nhất định phải làm tốt việc nhỏ. Từ những cái nhỏ tích cóp thành cái lớn. Không thành quả nào tự nhiên mà có. Tất cả đều được xây dựng bởi sức lao động cần mẫn của con người.

Người có tính siêng năng và kiên trì luôn được người khác yêu mến và giúp đỡ. Bởi thế, họ dễ thành công trong cuộc sống này.

Trước hết, phải có ý thức tự rèn luyện bản thân tốt đẹp theo chuẩn mực xã hội. Từ ý thức đi đến hành động cụ thể trong công việc và trong đời sống thường ngày.

Trong học tập, phải biết tuân thủ nội quy, kỉ luật trường lớp. Đi học chuyên cần, đều đặn, không trốn tiết hay viện lí do để nghỉ học. Gặp bài học khó không nản chí mà phải tìm cách thấu hiểu và giải quyết cho kì được.

Trong lao động, phải biết tìm tòi sáng tạo. Mỗi ngày một suy nghĩ mới sẽ làm cho cuộc sống thêm tươi vui, tinh thần vững mạnh. Chăm chỉ làm việc nhà, không ngại khó, tiết kiệm… Tích cực giúp đỡ người khác.

Trong việc rèn luyện thân thể, luôn kiên trì tập thể dục thể thao. Tích cực cùng mọi người giữ gìn vệ sinh, bảo vệ môi trường sống lành mạnh, tiến bộ. Kiên trì chống tệ nạn xã hội.

Trái ngược với tính siêng năng, kiên trì là thói lười biếng, ỷ lại. Những người lười biếng, thiếu nhẫn nại thường sống hời hợt, cẩu thả. Trong công việc, họ hay so đo tính toán thiệt hơn, ngại khó ngại khổ và đùn đẩy cái khó cho người khác. Họ luôn sống dựa dẫm, dựa dẫm và ăn bám người thân và bạn bè. Bởi thế, họ thường sống trong nghèo khó và bị mọi người chê cười, xa lánh.

Siêng năng và kiên trì giúp con người thành công trong công việc, trong cuộc sống. Là học sinh phải rèn luyện được tính siêng năng, kiên trì để học tập thành công và sống tốt đẹp.

Nếu chăm chỉ mang đến cho chúng ta sự may mắn thì kiên trì giúp ta gặt hái thành công. Những thành tựu vĩ đại không phải được gặt hái bằng sức mạnh mà chính bằng lòng kiên trì. Siêng năng và kiên trì là những đức tính cần thiết mà mỗi học sinh hôm nay cần phải có.

Liên kết tải về

pdf Văn mẫu lớp 9: Bàn về đức tính siêng năng cần cù (Dàn ý + 6 mẫu)
doc Văn mẫu lớp 9: Bàn về đức tính siêng năng cần cù (Dàn ý + 6 mẫu) 1

Chủ đề liên quan

Học tập

Lớp 9

Văn 9

Chia sẻ

Chia sẻ qua Facebook Chia sẻ

Liên hệ hợp tác hoặc quảng cáo: gmail

Điều khoản dịch vụ

Copyright © 2021 HOCTAPSGK