Nghị luận Đói cho sạch rách cho thơm (6 mẫu) - Văn 9

Văn mẫu lớp 9: Nghị luận về câu tục ngữ Đói cho sạch, rách cho thơm

Dàn ý & 6 bài văn mẫu lớp 9 hay nhất

TOP 6 bài Nghị luận về câu tục ngữ Đói cho sạch, rách cho thơm hay, đặc sắc nhất, giúp các em học sinh lớp 9 thấy rõ vai trò, ý nghĩa câu tục ngữ mà cha ông ta muốn răn dạy con cháu để không ngừng cố gắng, hoàn thiện bản thân mình. 

Đói cho sạch, rách cho thơm

Câu tục ngữ "Đói cho sạch, rách cho thơm" là một lời khuyên cho mỗi chúng ta, rằng sống phải không được làm điều gì trái với lương tâm cho dù hoàn cảnh có khó khăn đến đâu. Mời các em cùng theo dõi bài viết dưới đây của Download.vn để ngày càng học tốt môn Văn 9:

Nghị luận về câu tục ngữ Đói cho sạch, rách cho thơm

pnqvdc">Nghị luận câu tục ngữ "Đói cho sạch, rách cho thơm"
  • Nghị luận Đói cho sạch, rách cho thơm - Mẫu 1
  • Nghị luận Đói cho sạch, rách cho thơm - Mẫu 2
  • Nghị luận Đói cho sạch, rách cho thơm - Mẫu 3
  • Nghị luận Đói cho sạch, rách cho thơm - Mẫu 4
  • Nghị luận Đói cho sạch, rách cho thơm - Mẫu 5
  • Dàn ý Nghị luận về câu tục ngữ “Đói cho sạch, rách cho thơm”

    1. Mở bài

    Giới thiệu vấn đề cần nghị luận: ý kiến: “Đói cho sạch, rách cho thơm”.

    Lưu ý: Học sinh tự lựa chọn cách mở bài trực tiếp hoặc gián tiếp cho bài làm văn của mình.

    2. Thân bài

    a. Giải thích

    Đói cho sạch, rách cho thơm: khuyên nhủ con người dù sống trong hoàn cảnh nào, khó khăn bần cùng đến bao nhiêu thì hãy luôn ngay thẳng, giữ cho mình những đức tính, phẩm chất tốt đẹp vốn có; không nên tha hóa theo cái xấu, theo những điều sai trái.

    b. Phân tích

    • Biểu hiện của người sống ngay thẳng

    • Luôn tôn trọng sự thật, lẽ phải, luôn làm đúng và nói đúng những gì đã xảy ra mà không thêm bớt.
    • Không bao che, giấu giếm cho người có hành vi gian dối, sẵn sàng đứng lên tố cáo để bảo vệ lẽ phải.
    • Luôn biết giữ mình trước những cám dỗ, không bán rẻ bản thân vì những lợi ích nhỏ nhoi trước mắt.

    • Lợi ích, ý nghĩa của việc sống ngay thẳng

    • Người sống ngay thẳng sẽ giữ được chữ tín, được mọi người tin tưởng, tín nhiệm và yêu quý.
    • Người sống ngay thẳng sẽ rèn luyện được những đức tính quý báu khác như: cương trực, bản lĩnh, tự tin,…
    • Khi sống trong một môi trường con người luôn trung thực, ngay thẳng với nhau sẽ tạo được khối xã hội trung thực.

    c. Chứng minh

    Học sinh tự lấy dẫn chứng về những con người sống ngay thẳng, dù có khó khăn vẫn không bán rẻ bản thân mình để minh họa cho bài làm của mình.

    Lưu ý: dẫn chứng xác thực, nổi bật, tiêu biểu, được nhiều người biết đến.

    d. Phản biện

    Trong cuộc sống, có những người sống gian dối, sẵn sàng chối bỏ sự thật vì lợi ích cá nhân, lại có người nói dối hòng trục lợi về cho bản thân. Bên cạnh đó, cũng có những người sống trong dối trá, ảo tưởng về những gì bản thân mình có,… những người này đáng bị xã hội lên án, chỉ trích.

    3. Kết bài

    Khái quát lại ý nghĩa và tầm quan trọng của câu tục ngữ “Đói cho sạch, rách cho thơm”; đồng thời rút ra bài học và liên hệ bản thân.

    pnqvdc" style="text-align:center">Nghị luận câu tục ngữ "Đói cho sạch, rách cho thơm"

    Chúng ta có thể sống ở nhiều hoàn cảnh khác nhau, có người no đủ, có người đói khổ. Nhưng trong bất cứ trường hợp nào hãy luôn nhớ giữ cho bản thân mình một bản chất tốt đẹp, đúng như ông cha ta đã từng dạy: “Đói cho sạch, rách cho thơm”.

    Câu tục ngữ này khuyên nhủ con người dù sống trong hoàn cảnh nào, khó khăn bần cùng đến bao nhiêu thì hãy luôn ngay thẳng, giữ cho mình những đức tính, phẩm chất tốt đẹp vốn có; không nên tha hóa theo cái xấu, theo những điều sai trái.

    Người sống ngay thẳng là những người luôn tôn trọng sự thật, lẽ phải, luôn làm đúng và nói đúng những gì đã xảy ra mà không thêm bớt. Họ cũng là những người không bao che, giấu giếm cho người có hành vi gian dối, sẵn sàng đứng lên tố cáo để bảo vệ lẽ phải và luôn biết giữ mình trước những cám dỗ, không bán rẻ bản thân vì những lợi ích nhỏ nhoi trước mắt.

    Việc sống ngay thẳng, sống đúng có vai trò to lớn và mang đến nhiều ý nghĩa đối với con người. Người sống ngay thẳng sẽ giữ được chữ tín, được mọi người tin tưởng, tín nhiệm và yêu quý. Ngoài ra, người sống ngay thẳng sẽ rèn luyện được những đức tính quý báu khác như: cương trực, bản lĩnh, tự tin,… Khi sống trong một môi trường con người luôn trung thực, ngay thẳng với nhau sẽ tạo được khối xã hội trung thực.

    Tuy nhiên, trong cuộc sống vẫn còn có có những người sống gian dối, sẵn sàng chối bỏ sự thật vì lợi ích cá nhân, lại có người nói dối hòng trục lợi về cho bản thân. Bên cạnh đó, cũng có những người sống trong dối trá, ảo tưởng về những gì bản thân mình có,… những người này đáng bị xã hội lên án, chỉ trích và cần khắc phục nếu muốn cuộc sống của mình thêm tốt đẹp hơn.

    Chúng ta chỉ có một lần được sống. Hãy tạo ra những giá trị tốt đẹp của bản thân và sống với lòng tự trọng, giữ cho mình những giá trị đó để cuộc đời thêm an yên, tươi đẹp hơn và cảm nhận được cuộc sống tươi đẹp hơn.

    Nghị luận Đói cho sạch, rách cho thơm - Mẫu 1

    “Đói cho sạch, rách cho thơm” là một lời khuyên răn đầy ý nghĩa. Về nghĩa đen của câu nói, ông cha ta muốn nhắc nhở với chúng ta về cách ăn uống vệ sinh thường ngày. Đó là thời kì phong kiến lúc mà người nông dân phải vất vả làm lụng trên đồng, một mình họ lại phải gánh trên vai đủ loại thuế má vô lí càn quấy, họ bị tước đoạt quyền lợi, bị đem ra để làm công cụ, những nạn đói, thiếu cái ăn, cái mặc, sự bóc lột của giai cấp trên đã khiến cho những nhu cầu thiết yếu nhất của con người là ăn và mặc cũng không thể tự đảm bảo.

    Trong hoàn cảnh ấy, người nông dân phải có một sự kiềm mình rất lớn, mọi người từ già trẻ gái trai đều theo ý thức, nhắc nhở nhau giữ lấy bản tính và trái tim trong sạch, lương thiện của mình. Ông cha ta luôn dùng những câu nói ngắn gọn, súc tích nhưng lại hàm chứa những ý sâu xa nhằm khuyên răn, nhắc nhở con cháu của mình luôn thực hiện tốt và đúng ý. Đó là dù trong bất kì hoàn cảnh khó khăn, nghiệt ngã đến nhường nào, cũng phải cố giữ lấy phần lương thiện trong sạch trong mình, không thể vì túng quá mà làm càn, huỷ hoại đi bản tính tốt đẹp của mình, ông cha ta đã khéo léo sử dụng cặp từ “đói”, “rách” để chỉ những nghiệt ngã, khó khăn của con người khi phải đối mặt với bao thế lực ngoại cảnh ảnh hưởng, dân gian còn ghép với cặp từ “sạch”, “thơm” ý để chỉ đức tính tốt đẹp cần được gìn giữ của con người. Như vậy, câu tục ngữ ngắn gọn nhưng là thông điệp ý nghĩa mà ông cha ta đã nhắn nhủ, đừng để mình cuốn vào vòng xoáy dơ bẩn mà phải giữ mình trong sạch.

    Bởi một khi con người đã sa ngã, rơi vào sự dễ dãi của bản thân, nhất là với những việc đơn giản, nhu cầu thiết yếu nhất là ăn và mặc thì chắc chắn có lần một, rồi sẽ có lần hai và rồi lún chân sâu xuống hố đen đến mức không thể chạy ra ngoài. Càng dễ dãi, tự thuyết phục mình trước lỗi lầm thì con người lại càng đánh mất đi nhân phẩm của mình. Hơn nữa, người Việt vốn tin vào sự nhân quả, nếu như vì cái trước mắt mà đánh mất chính mình thì rồi cũng phải lãnh nhận hậu quả xứng đáng. Có biết bao người vì thế mà trở nên trắng tay, đến mức cứu vãn cũng không thể nữa.

    Chính vì vậy, khi con người giữ vững tinh thần trước cuộc sống, chính trực, ngay thẳng thì ta có thể rèn luyện bản thân trở nên dẻo dai, kiên cường hơn cho dù đứng trước bất kì thế lực đen tối nào cám dỗ, mà hơn nữa ta cũng có thể được nhận những phần quà xứng đáng với nỗ lực ấy. Giống như câu chuyện của chàng bồi bàn Kasey Simmons đang đứng trước chờ thanh toán, chợt anh phát hiện ra người đứng phía trước mình đang khóc và anh nghĩ rằng có lẽ là cô ấy không đủ tiền để thanh toán và anh đã sẵn sàng trả tiền hộ cô và mang đồ hộ. Hôm sau, một số tiền và lá thư cảm ơn được gửi đến nhà anh. Bức thư nói rằng cảm ơn anh vì đã biến một ngày buồn vì người thân của cô mất đã trở thành một ngày có ý nghĩa.

    Cho nên, ta thấy bất kì hành động nào cũng có điều ý nghĩa của nó. Ông cha ta thật sự đã khiến cho con cháu ta trong thời này phải suy nghĩ về thông điệp không đánh mất mình. Một đất nước đang vươn lên có những con người tốt đẹp thì sẽ càng phát triển và lan toả những điều trân trọng này tới mọi người khác.

    Nghị luận Đói cho sạch, rách cho thơm - Mẫu 2

    Trước hết, ta có thể hiểu câu tục ngữ là một lời khuyên của ông cha ta về cách ăn mặc của con người. Vế câu “đói cho sạch” muốn nói cho dù bản thân mình có đói đến đâu thì bản thân chúng ta cũng phải đảm bảo vệ sinh, ăn uống sạch sẽ; còn vế câu “rách cho thơm” ý muốn nói cho dù ta không có quần áo đẹp, trong xã hội xưa dù quần áo có phải vá, đụp, vụng về nhưng cũng phải tươm tất, chỉnh trang quần áo cho gọn gàng, sạch sẽ, tạo hảo cảm cho người đối diện.

    Nhưng sâu xa trong câu tục ngữ thoạt nhìn ngắn gọn, súc tích này, không chỉ đơn giản là lời khuyên răn về cách ăn, mặc sao cho phải, cha ông ta còn nhắn nhủ một lời khuyên quý báu về lối sống. Cặp hình ảnh " đói – rách" là nói về những khó khăn, thiếu thốn mà người dân khốn khổ phải đối mặt, là những nhu cầu thiết yếu nhất của con người; còn "sạch – thơm" là những từ chỉ đến nhân cách tốt đẹp, phẩm hạnh đáng mến của con người. Trước sự cắt nghĩa trên, ta càng thêm hiểu rõ về lời khuyên răn tốt đẹp của cha ông gửi gắm đến con cháu, cho dù là hoàn cảnh khó khăn, những nhu cầu thiết yếu nhất cũng không đầy đủ, nhưng cũng vẫn phải giữ trọn nhân cách, ứng xử phù hợp.

    Nhân cách của mỗi người là thước đo cần thiết cho bản thân, khẳng định bản thân mình, đồng thời giữ gìn phẩm cách tốt đẹp, con người càng kiên cường trước khó khăn thì bản lĩnh ngày càng được rèn luyện và mọi gian lao, thử thách sẽ dễ dàng vượt qua. Có những lúc mà vật chất là quan trọng đối với con người, khi đó để tranh giành, thoả mãn chính bản thân, con người sẽ không còn quan tâm đến nhân cách của bản thân, sẽ tự thuyết phục mình để dễ dàng thoả mãn nhu cầu trước mặt, bao nhiêu người còn đủ lí trí để giữ lại phần người trong mỗi chúng ta. Hơn thế nữa, ranh giới giữa nó rất mỏng manh, chỉ một hành động nhỏ cũng có thể khiến cho ranh giới mỏng manh đó đứt và không bao giờ gắn lại được nữa. Vì thế trong bất kì tình huống nào, ta cũng nhớ về những người đi trước đã lấy tấm gương cho ta, thầy giáo Chu Văn An, dù bị vua giáng chức vì dâng sớ xin chém đầu bảy tên tội thần, đã về ở ẩn và giữ cuộc sống làm thầy giáo thanh cao, giản dị, không màng sự đời. Cho dù, học trò, cả vua cũng xin ông về làm quan nhưng ông đều từ chối. Trong những khó khăn ấy, nếu như có thể vượt qua được tất cả, thì bản tính trong con người được rèn luyện trở nên vững chắc, tất yếu hơn. Có bảo toàn được lòng tự trọng thì con người trở nên trong sáng, nhẹ nhàng hơn, mạnh mẽ hơn. Bản thân câu nói đã gợi ra một thông điệp đầy ý nghĩa, nếu như con cháu làm theo lời ông cha, tất trở nên tốt đẹp hơn, bởi đó là kinh nghiệm của cha ông đã đúc kết được từ nhiều đời.

    Tôi có lần đọc được câu chuyện cảm động này: Vào một đêm khuya nọ, một người phụ nữ Mĩ đang đứng run rẩy bên lề đường cao tốc, cô ướt sũng bởi chiếc xe bị tắt máy giữa đường, người phụ nữ thì đang gấp gáp nên vẻ mặt trông tuyệt vọng. Một chiếc xe dừng lại và một người đàn ông Mĩ mời cô lên xe, việc này quá hiếm bởi chiến tranh đang bao trùm đầy thù hận. Người đàn ông chở cô đến nơi và giúp cô. Bảy ngày trôi qua, người đàn ông bất ngờ nhận được chiếc tivi màn hình phẳng – món quà quý lúc bấy giờ. Trên chiếc tivi là một tờ giấy note với dòng chữ: Cảm ơn anh rất nhiều vì đã giúp đỡ tôi vào đêm mưa bão ấy, chồng tôi đang trên giường bệnh, nhờ có anh nên tôi đã đến kịp bên chồng lúc anh ấy trút hơi thở cuối cùng.

    Nghị luận Đói cho sạch, rách cho thơm - Mẫu 3

    “Trong đầm gì đẹp bằng sen
    Lá xanh, bông trắng lại chen nhị vàng
    Nhị vàng bông trắng lá xanh
    Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”

    Trong cuộc sống, đôi khi con người ta vì một lý do nào đó mà không thể được lựa chọn môi trường, hoàn cảnh sống, nhưng dù thế nào đi chăng nữa thì con người vẫn cần lưu giữ những tâm tính tốt đẹp của chính mình, như ông cha ta đã khuyên rằng “ Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”.

    “Đói” và “rách” chính là những hoàn cảnh sống đầy khó khăn, đầy thiếu thốn. Trong hoàn cảnh sống như vậy, người ta rất dễ bị tha hóa, do đó cần phải giữ cho “thơm”, cho sạch”, nói cách khác là sống trong sạch, không biến mình trở thành nạn nhân của hoàn cảnh.

    Sở dĩ lại nói như vậy bởi con người sinh ra không có quyền quyết định, không có quyền lựa chọn số phận cho riêng mình. Hoàn cảnh sa cơ lỡ vận là điều chúng ta không thể tránh khỏi bởi cuộc đời trong sự đa đoan, đa chiều của nó, mọi những nghịch lý đều có thể xảy đến. Đặc biệt, trong xã hội phong kiến xa xưa, đại đa số là người nông dân lao động nghèo khổ, vất vả. Tầng lớp quý tộc, phong kiến bóc lột con người, đẩy họ vào những hoàn cảnh trớ trêu thì họ càng phải sống cho sạch, cho thơm, họ không vì đói nghèo mà trở thành kẻ cướp, cướp đi miếng ăn, thức uống của đồng loại mình, càng không vì đói, vì nghèo mà đánh mất nhân cách.

    Nhưng con người sinh ra cũng không phải vốn là nạn nhân của cuộc đời. Mỗi chúng ta có một dù bất hạnh đến đâu nhưng vẫn được tạo hóa ban cho một cái tên, một sự sống giữa cõi đời này, ấy chính là điều quý giá. Do đó, khi chúng ta không thể lựa chọn hoàn cảnh sống cho chính mình, thì hãy đừng để bản thân, đừng để nhân cách bị tha hóa, rơi vào cảnh đánh mất đi con người, phần tâm tính thiện lành. Chúng ta đã nhìn thấy một Lão Hạc dù bị đẩy vào đường cùng nhưng vẫn sống “sạch”, sống cho “thơm” bằng cách tự tử để giữ mãi vẻ đẹp của riêng mình. Ngược lại, những cảnh đói rách, nghèo khổ nếu đẩy con người ta vào đường cùng, con người rất dễ trỗi dậy phần bản năng bên trong và đánh mất chính mình.

    Con người cần sống “đói cho sạch, rách cho thơm” để xứng đáng với hai chữ “con người” của mình. Macxim Gorki từng khẳng định rằng tự hào và thiêng liêng làm sao hai chữ “con người” cũng bởi vậy.

    Khi chúng ta sống tốt đẹp, không bị dẫn dụ bởi hoàn cảnh, tự chúng ta cũng cảm thấy yêu chính mình hơn và nỗ lực không ngừng để thoát ra khỏi những nghịch cảnh đó. Chúng ta tự cảm thấy nhẹ nhàng, thanh thản với chính mình hơn bởi dù hoàn cảnh tác động mà ta vẫn không làm điều gì xấu ảnh hưởng đến mọi người xung quanh ta. Khi đó, chính chúng ta cũng được mọi người yêu quý và kính trọng.

    Nhưng thực ra không phải chỉ sống trong hoàn cảnh “đói”, “nghèo”, người ta mới đánh mất đi nhân tính của mình. Cuộc sống ngày càng phát triển, đời sống của con người ngày càng được nâng cao, nhưng có những người dù sống trong cảnh lâu đài xa hoa, trong lụa là gấm vóc mà vẫn trượt dài trong nhân cách. Do đó, dù sống trong hoàn cảnh nào thì con người cũng vẫn phải giữ lấy nhân cách tốt đẹp của mình.

    Câu tục ngữ đã đưa ra một bài học quý giá trong việc sống sao cho đúng mực. Mỗi chúng ta, khi đã hiểu sâu sắc về điều đó, hãy sống đúng với lương tâm, với tâm tính tốt đẹp của chính mình, để không hổ thẹn với bản thân. Hành trình sống của chúng ta cần lắm những nhân cách tốt đẹp.

    Nghị luận Đói cho sạch, rách cho thơm - Mẫu 4

    Trong cuộc sống, để có thể sống đẹp, sống tốt, sống đúng không phải là điều dễ dàng, nhưng cũng không phải là chuyện không thể. Giữa xã hội có nhiều vết nhơ hay trong một môi trường đầy cám dỗ, để có thể sống không hổ thẹn với lòng mình cần rất nhiều bản lĩnh. Bởi vậy cha ông ta đã có câu tục ngữ “Đói cho sạch, rách cho thơm”.

    Câu tục ngữ “Đói cho sạch, rách cho thơm” bao gồm hai vế, vừa đối lập vừa bổ sung hỗ trợ cho nhau để hoàn thiện điều khuyên răn mà người xưa muốn nhắn nhủ.

    Vế thứ nhất “Đói cho sạch” muốn nhắn nhủ với chúng ta rằng dù rơi vào hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn, cơm không có ăn thì cũng phải ăn uống cho sạch sẽ, không ăn uống mất vệ sinh. Như vậy vừa đảm bảo sức khỏe, vừa tạo thành thói quen về sau. Còn về tầng nghĩa chìm của vế này “đói” chính là chỉ sự nghèo khó, thiếu thốn còn “sạch” ở đây đã có hiện tượng chuyển nghĩa, không phải sạch theo ý nghĩa thông thường nữa. “Sạch” còn mang ý nghĩa chỉ tâm hồn, chỉ tấm lòng, chỉ cách suy nghĩ trong sáng, lành mạnh, không vướng đục.

    Dù phải đối mặt với nhiều thiếu thốn, tiền bạc không có nhưng cũng phải giữ được tấm lòng trong sạch, không làm những điều trái với lương tâm. Như vậy thì cuộc sống dù khó khăn cũng thấy vui vẻ và hạnh phúc. Bản thân sẽ không thấy hổ thẹn, không thấy day dứt. Dù nghèo nhưng cũng không được trộm cắp, dù muốn cũng phải cắn răng chịu đựng. Có rất nhiều người lâm vào hoàn cảnh bế tắc nên đã làm “liều’ đi ăn trộm, đi đánh bài bạc, đi làm những việc xấu xa để mong có tiền tiêu.

    Thực ra đến bước đường cùng họ mới làm như vậy nhưng đây là điều không nên. Một lần rồi còn có lần thứ hai, thứ ba và cứ tiếp diễn như thế. Để tấm lòng mình thanh sạch, không bị phủ đục thì cuộc sống dù khó, dù thiếu vẫn thấy rằng mình thanh thản, không phải cắn rứt.

    Vế thứ hai của câu nói “Rách cho thơm” ý chỉ dù rách nát, quần áo không lành lặn thì cũng không được để bẩn, phải để chúng luôn thơm tho, để người khác nhìn vào không kì thị và không chỉ trọ. Chúng ta vẫn thấy rất nhiều người nghèo đói, quần áo không có mặc nhưng họ vẫn luôn giữ được sự thơm tho, sạch sẽ. Ý thứ hai của từ “thơm” cũng như từ “sạch”. Ý chỉ những điều trong sáng, đúng đắn, luôn giữ đúng đạo nghĩa, không khiến cho tâm hồn phải bận tâm suy nghĩ nhiều.

    Em đã từng thấy có hai mẹ con nghèo đến nỗi những bữa cơm cũng thiếu, nhiều khi còn phải nhờ sự giúp đỡ của mọi người nhưng vào căn nhà họ luôn sạch sẽ, tinh tươm. Đứa bé nhiều lúc đói, thấy người khác ăn cũng phát thèm nhưng kiềm chế và nhẫn nhịn chờ mẹ mamg chút gì đó về.

    Câu tục ngữ khuyên con người ta dù phải rơi vào thiếu thốn đến cùng cực thì hãy luôn giữ tấm lòng mình được thanh sạch, không bị những thứ xấu dụ dỗ, không bị những điều không nên lôi kéo vào. Bởi rằng nó sẽ tạo thành thói quen, thành một con đường không tốt về sau mà mọi người cứ mặc định bước vào.

    Khi chúng ta giữ được sự trong sáng của tâm hồn thì cuộc sống thiếu thốn vật chất nhưng niềm vui và sự thanh thản trong tâm hồn vẫn luôn hiện hiển trong đôi mắt thánh thiện ấy.

    Cha ông ta có câu “Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn” cũng nhằm nhắn nhủ điều này đối với mọi người. Sống đẹp, sống đúng là cách sống mà chúng ta cần vươn tới.

    Đối với những người trẻ, đừng để bị cuốn vào vòng quay của xã hội mà đánh mất đi cái tốt đẹp của bản thân mình

    Thật vậy, câu tục ngữ đã có ý nghĩa vô cùng to lớn đối với cuộc sống của mỗi người. Giúp chúng ta sống tốt, sống đẹp, sống hạnh phúc hơn, trở thành người có ích cho xã hội.

    Nghị luận Đói cho sạch, rách cho thơm - Mẫu 5

    Trong kho tàng tục ngữ, ca dao của cha ông ta có rất nhiều câu nói mang ý nghĩa răn dạy lối sống lành mạnh để ngày càng hoàn thiện bản thân mình. Câu tục ngữ "Đói cho sạch, rách cho thơm" thể hiện rõ nét lối sống mà con người cần hướng tới đó.

    Cha ông ta lấy bối cảnh nghèo khó của xã hội để thử thách lòng người. Câu tục ngữ gồm hai vế, sóng đôi bổ sung ý nghĩa cho nhau. Xét về nghĩa đen câu tục ngữ muốn nói đến những thói quen sinh hoạt trong cuộc sống. Mặc dù đói nghèo thì việc ăn uống cũng cần phải sạch sẽ, hợp vệ sinh, không nên ăn thức ăn bẩn, ôi thiu sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của bản thân. Nhà dù có nghèo, quần áo dù có rách rưới thì ít nhất cũng cần phải giữ thơm tho. Đây là lối sống sạch, sống đẹp, sống thơm tho. Điều kiện vật chất thiếu thốn nhưng trước hết thì chúng ta cần phải giữ được sự sạch sẽ trong cách sống. Như vậy thì vẻ bề ngoài cũng như nhân phẩm của con người phần nào cũng sẽ được đánh giá.

    Xét về nghĩa bóng thì ý câu tục ngữ muốn nhắn nhủ đến mọi người rằng dù có sống trong bần hàn, nghèo khổ thì cũng phải luôn giữ cho lương tâm mình trong sạch. Đây là lối sống cần phải trân trọng và rèn luyện hằng ngày. Điều kiện vật chất là rất cần thiết nhưng cũng không nên vì "tiền", vì "danh lợi" mà đánh mất đi nhân phẩm của mình. Điều này thật không nên và nó ảnh hưởng đến cốt cách của mỗi con người.

    Để giữ cho bản thân mình trong sạch, không bị vướng bẩn khi xung quanh có nhiều kẻ muốn dụ dỗ, lôi kéo bạn vào những con đường mờ ám. Bản lĩnh của bạn là phải vượt qua được những cám dỗ, lôi kéo ấy. Nhân cách con người không thể bị đánh mất bởi những thứ hào nhoáng bên ngoài.

    Trong thực tế, có nhiều gia đình nghèo và thiếu thốn đủ điều nhưng vẫn được người khác ngưỡng mộ và khâm phục. Đó chính là vì họ có được một nhân cách đang được tôn trọng. Dù nghèo, dù đói nhưng tấm lòng sạch trong và đáng kính.

    Chúng ta bắt gặp rất nhiều người trong những tác phẩm như Lão Hạc, Làng, Chị Dậu. Họ là những con người bần hàn, bị đẩy đến tận cùng của xã hội nhưng tấm lòng của họ, chữ tâm của họ vẫn luôn khiến người đọc ngưỡng mộ và khâm phục.

    Tuy nhiên có một thực tế đáng buồn chính là việc nhiều người vì thiếu thốn vật chất mà dẫn đến những hành động sai trái, đi ngược với lương tâm và nhân cách của bản thân mình. Khi đã có suy nghĩ tiêu cực thì sẽ dẫn đến những hành động tiêu cực, ảnh hưởng đến bản thân và cả xã hội.

    Mỗi người chúng ta là một tế bào của xã hội, việc sống lành mạnh, không hổ thẹn với lương tâm sẽ tạo nên một tương lai tốt đẹp hơn. Điều này sẽ khiến cho bản thân có thể hoàn thiện mình, vừa trở thành một người có ích, đóng góp sức lực vào xây dựng đất nước.

    Bản thân học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường thì cần nhìn nhận bản thân mình cần trở thành một học trò chăm ngoan, học giỏi, không chạy theo bệnh thành tích.

    Câu tục ngữ "Đói cho sạch, rách cho thơm" chính là lời nhắn nhủ của cha ông ta đối với con người. Hãy không ngừng hoàn thiện bản thân, đừng để cái xấu xa dụ dỗ, lôi kéo, như thế mỗi người sẽ trở thành công dân có ích cho xã hội hơn.

    Liên kết tải về

    pdf Văn mẫu lớp 9: Nghị luận về câu tục ngữ Đói cho sạch, rách cho thơm
    doc Văn mẫu lớp 9: Nghị luận về câu tục ngữ Đói cho sạch, rách cho thơm 1

    Chủ đề liên quan

    Học tập

    Lớp 9

    Văn 9

    Chia sẻ

    Chia sẻ qua Facebook Chia sẻ

    Có thể bạn quan tâm

    Được tải nhiều nhất

    Bài viết mới nhất

    Liên hệ hợp tác hoặc quảng cáo: gmail

    Điều khoản dịch vụ

    Copyright © 2021 HOCTAPSGK