Nghị luận câu tục ngữ Có công mài sắt có ngày nên kim (13 mẫu) - Văn 9

Văn mẫu lớp 9: Nghị luận Có công mài sắt có ngày nên kim

2 Dàn ý & 13 bài văn nghị luận lớp 9 hay nhất

TOP 13 bài Nghị luận Có công mài sắt có ngày nên kim hay nhất của các bạn học sinh giỏi trong cả nước, giúp các em học sinh lớp 9 thấy rõ bài học quý giá về sự nỗ lực và kiên trì mà câu tục ngữ muốn gửi gắm.

Có công mài sắt có ngày nên kim

Chúng ta hãy ghi nhớ câu tục ngữ này để trên hành trình tìm đến đích thành công luôn nhắc nhở bản thân mình phải luôn cố gắng, nỗ lực hơn nữa để trở thành người có ích cho xã hội. Vậy mời các em cùng theo dõi bài viết dưới đây của Download.vn:

Dàn ý Nghị luận Có công mài sắt có ngày nên kim

Dàn ý 1

1. Mở bài

Giới thiệu vấn đề cần nghị luận: câu tục ngữ “Có công mài sắt, có ngày nên kim”.

Lưu ý: Học sinh tự lựa chọn cách viết mở bài trực tiếp hoặc gián tiếp tùy thuộc vào năng lực của bản thân mình.

2. Thân bài

a. Giải thích

  • Sắt: thanh kim loại to, có độ cứng rất cao.
  • Kim: Vật dụng rất nhỏ được làm từ chất liệu sắt dùng để khâu vá.

Từ một thỏi sắt làm thành một cây kim phải tiêu tốn rất nhiều thời gian và công sức giống như để trở thành một con người có ích cho xã hội mỗi chúng ta phải cố gắng rèn luyện bản thân rất cực khổ.

b. Phân tích

  • Mỗi con người không ai tự nhiên mà nên người, thành tài, tất cả những thứ đó chúng ta có được là do quá trình học tập rèn luyện, tích lũy kiến thức.
  • Người nào càng chăm chỉ, kiên nhẫn, chịu khó, tích cực trau dồi kiến thức thì càng thu về được những quả ngọt, mở mang tầm hiểu biết và có được thành công.
  • Xã hội có tiến bộ hay không, có phát triển hay không là do những công sức đóng góp của con người mà nên, con người phát triển được bao nhiêu thì xã hội tiến bộ bấy nhiêu.
  • Nếu mỗi chúng ta lười biếng, ỷ lại, dựa dẫm vào người khác, chúng ta mãi mãi không phát huy được năng lực của bản thân mà dần dần sẽ bị lạc hậu, tụt lùi về phía sau.

c. Chứng minh

Học sinh tự lấy dẫn chứng minh họa cho bài làm văn của mình về những con người kiên trì, nỗ lực vươn lên trong học tập, cuộc sống và đã đạt được thành tựu.

Lưu ý: dẫn chứng phải xác thực, gần gũi, tiêu biểu và được nhiều người biết đến.

Gợi ý: chủ tịch Hồ Chí Minh với tinh thần ham học hỏi nên đã biết được nhiều thứ tiếng và tìm ra con đường giải phóng cho đất nước; thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký dù bị liệt cả hai tay nhưng thầy đã kiên trì tập viết bằng chân và trở thành người thầy tài năng,…

d. Phản biện

Tuy nhiên trong cuộc sống vẫn còn có nhiều người ỷ lại, lười biếng, hay dựa dẫm vào người khác mà không biết tự phấn đấu vươn lên, lại có những người chỉ biết nghe theo sự sắp đặt, định hướng của người khác mà không có chính kiến của mình,… những người này đáng bị xã hội thẳng thắn lên án, chỉ trích.

3. Kết bài

Khái quát lại vấn đề nghị luận: câu tục ngữ “Có công mài sắt, có ngày nên kim”, đồng thời rút ra bài học, liên hệ bản thân.

Dàn ý 2

1. Mở bài

Giới thiệu vấn đề cần nghị luận.

2. Thân bài

a) Giải thích ý nghĩa câu tục ngữ (nghĩa đen, nghĩa bóng)

- Như một lời nói thông thường, giản dị, dễ hiểu câu tục ngữ đưa ra một hình ảnh cụ thể mang tính nguyên nhân, hệ quả: thỏi sắt thô cứng kia nếu ra sức mài giũa lâu ngày thì nó sẽ trở thành một cây kim sáng bóng, hữu dụng, phải có nghị lực, kiên trì thì mới đi đến thành công trong công việc.

=> Khẳng định ý nghĩa câu tục ngữ.

b) Phân tích, chứng minh, bình luận

  • Là một đức tính không thể thiếu được trong cuộc sống của mỗi chúng ta. Bởi lẽ bất cứ công việc gì muốn thành công đều phải trải qua một quá trình lao động một thời gian rèn luyện lâu dài. Có khi thành công đó lại được đúc rút kinh nghiệm từ những thất bại. Không cứ chỉ qua một lần làm việc mà dễ dàng mang lại kết quả tốt đẹp mà chính nghị lực, lòng trì, nhẫn nại mới là sức mạnh vô hình giúp ta đi đến thành công. Càng gian nan, chịu đựng càng dài thì sự thành công đó mới càng vinh quang và đáng tự hào.
  • Nếu chỉ mới thất bại mà vội nản lòng, nhụt chí, bỏ cuộc thì ta khó đạt tới đích. Phải nên nhớ rằng "Thất bại là mẹ thành công".

Dẫn chứng:

  • Một học sinh yếu môn Toán, cứ miệt mài chăm chỉ rèn luyện... chắc chắn có ngày sẽ khá lên.
  • Thầy Nguyễn Ngọc Kí tuy bị liệt cả hai tay nhưng với lòng quyết tâm cao, thầy đã kiên trì rèn luyện viết được bằng đôi chân. Đó chẳng phải là những tấm gương về lòng kiên trì, nhẫn nại đó sao.
  • Một em học tiểu học Thanh Hóa không có 2 cánh tay vẫn trở thành học sinh viết chữ đẹp.
  • Những nhà bác học đã giam mình trong phòng thí nghiệm hết ngày này ngày khác để tìm ra được những chất hóa học phục vụ cho nhân dân.

c) Mở rộng vấn đề

  • Trong xã hội ngày nay vẫn còn những kẻ "thấy sóng cả vội ngã tay chèo", để thụt lùi trước khó khăn, trở ngại, những kẻ đó dễ thất bại trên đường đáng phê phán.
  • Vận dụng ý chí, nghị lực, lòng kiên trì vào công việc phục vụ cho con người, cho xã hội là điều tốt. Ngược lại dồn sức để thực hiện cho một ý đồ xấu làm hại người khác thì đó là điều nên tránh.
  • Trong hoàn cảnh đất nước hiện nay, mỗi người cần ý thức để rèn luyện tính kiên trì nhẫn nại khi bắt tay vào việc đi đến thành công. Đó cũng là góp một phần nhỏ vào việc xây dựng cho xã hội ngày càng tiến lên.
  • Với người trẻ tuổi, việc học tập và rèn luyện đòi hỏi người ta phải nỗ lực không ngừng mới đạt được kết quả. Bởi vậy, không thể không "mài sắt" để "thành kim".

3. Kết luận

  • Câu tục ngữ: “Có công mài sắt, có ngày nên kim" là một bài học giáo dục lòng kiên trì, nhẫn nại không dành cho riêng ai và mãi mãi được thực hiện bất kì thời đại nào.
  • Đây là một đức tính không thể thiếu được ở mỗi người chúng ta lúc còn nhỏ đến lúc trưởng thành và khi vào đời.

Nghị luận Có công mài sắt có ngày nên kim ngắn gọn

Cuộc sống của mỗi người là do chính bản thân chúng ta định đoạt. Chính vì thế, chúng ta không thể ỷ lại, dựa dẫm vào người khác mãi được mà phải kiên trì, tự mình làm chủ cuộc sống. Để khuyên nhủ con người ta sống kiên trì, ông cha ta đã có câu: “Có công mài sắt có ngày nên kim”.

Từ một thỏi sắt to làm thành một cây kim nhỏ phải tiêu tốn rất nhiều thời gian và công sức đòi hỏi sự kiên trì, nhẫn nại giống như để trở thành một con người có ích cho xã hội mỗi chúng ta phải cố gắng rèn luyện bản thân rất cực khổ. Chúng ta ai cũng biết, tất cả mọi việc trên đời này không phải dễ dàng mà có, mà thành công được. Nó phụ thuộc vào nỗ lực, cố gắng, kiên trì của con người theo năm tháng. Nếu trong xã hội con người ai khi gặp khó khăn cũng bỏ cuộc thì xã hội sẽ không phát triển được như hiện nay bởi lẽ sự sống luôn vận động và phát triển.

Người không kiên trì, không vươn lên sẽ bị trì trệ, thụt lùi về phía sau và không bao giờ với tới được thành công. Người có lòng kiên trì xứng đáng là tấm gương sáng để chúng ta học tập và noi theo, giúp xã hội này tiến bộ hơn trong bất kì thời điểm nào dù là ngày xưa, ngày nay hay là mai sau.

Tuy nhiên, trong xã hội hiện nay vẫn còn có nhiều người nóng vội, muốn đạt được thành quả nhanh chóng mà sử dụng những mưu mô, toan tính. Lại có người dễ nản chí, lười biếng, sẵn sàng bỏ cuộc khi gặp khó khăn,… những người này sẽ không có được thành công, thành quả cho cuộc sống của mình, lâu dần sẽ bị xã hội đào thải.

Kiên trì là một đức tính tốt đẹp mà chúng ta cần rèn luyện trong quá trình hoàn thiện và phát triển bản thân. Không một ai là hoàn hảo, nhưng khi ta biết cố gắng hoàn thiện bản thân và vươn lên phía trước, chúng ta sẽ đạt được những thành quả xứng đáng với công sức bỏ ra.

Nghị luận Có công mài sắt có ngày nên kim hay

Từ những kinh nghiệm, bài học trong thực tiễn, ông cha ta đã đúc kết ngắn gọn mà sâu sắc trong những ca dao, tục ngữ. Đó đều là những lời khuyên quý báu để ta có thể học tập và hoàn thiện bản thân hơn trong cuộc sống. Một trong những câu tục ngữ hay phải kể đến câu: “Có công mài sắt, có ngày nên kim”.

Câu tục ngữ với hai vế đăng đối đã thể hiện ý nghĩa rất rõ ràng. Về nghĩa thực, tác giả dân gian muốn nói một thanh sắt to, thô kệch, xấu xí, vô dụng nếu bỏ công ra mài dũa thì một ngày nó cũng sẽ hao mòn, thành chiếc kim khâu bé nhỏ mà hữu dụng, giúp ích cho mọi người. Về nghĩa bóng, câu tục ngữ chứa đựng lời khuyên răn hữu ích rằng nếu chúng ta có lòng kiên trì, vượt khó thì một ngày chắc chắn sẽ nhận lại những thành quả xứng đáng. Thanh sắt chính là những khó khăn, thất bại, gập ghềnh mà ta gặp phải trong đời. Công mài sắt chính là lòng kiên trì, sự chịu khó, kim là thành quả nhận lại sau những nỗ lực của bản thân. Có thể nói câu tục ngữ đã khẳng định giá trị của lòng kiên trì với thành công của mỗi người.

Thực vậy, trong cuộc sống, ai cũng khao khát những thành công, đó là đích đến mà mỗi người hướng tới. Tuy nhiên, thành công không phải là thứ dễ dàng có được, để đạt những gì ta muốn phải đánh đổi mồ hôi, công sức rất nhiều. Lòng kiên trì, chịu khó là một trong những nhân tố giúp con người vươn tới thành công. Hơn ai hết, chúng ta đều biết không có con đường nào là bằng phẳng, đặc biệt là đường đời. Mỗi một hành trình chúng ta đi đến có những khó khăn, những vật cản hay thất bại mà cần phải có bản lĩnh để vượt qua. Nếu lỡ một lần thất bại mà đã đành bỏ cuộc, lỡ một lần vấp ngã mà chấp nhận lùi bước thì nào có được thành công. Bởi vậy mà lòng kiên trì là thứ cần thiết để con người biết đứng lên khi thất bại, biết cố gắng không từ bỏ dẫu cho gặp phải những trắc trở trong đời. Hơn thế nữa, như các bạn biết đấy, lòng kiên trì giúp chúng ta hoàn thiện bản thân hơn. Nuôi dưỡng lòng kiên trì mỗi ngày là nuôi dưỡng đam mê, ước mơ của mình. Người có lòng kiên trì sẽ luôn biết kiên định với mục tiêu của mình, biết nỗ lực để vươn tới thành công thay vì than vãn, bỏ cuộc. Bởi vậy mà có thể nói lòng kiên trì là một phẩm chất đáng quý và đáng trân trọng. Người có lòng kiên trì sẽ được mọi người yêu mến, tin tưởng trong công việc cũng như trong cuộc sống.

Kiên trì là một phẩm chất cần có của con người. Tuy vậy, hiện nay vẫn rất nhiều những bạn trẻ không có được điều ấy. Các bạn thường dễ buông xuôi, dễ bỏ cuộc khi gặp phải những khó khăn. Thay vì nỗ lực, cố gắng, các bạn ấy lại than vãn, lo sợ và chấp nhận thất bại. Cuối cùng thành quả không có, ước mơ dở dang, áp lực càng nặng nề, khó khăn ngày một nhiều thêm. Điều đó thật đáng phê phán. Là học sinh, chúng ta phải luyện tập cho bản thân lòng kiên trì mỗi ngày. Đừng bao giờ từ bỏ những mục tiêu mà ta đặt ra, hãy hướng về phía trước, lấy lòng kiên trì, chịu khó để nuôi dưỡng những ước mơ của mình.

Câu tục ngữ “Có công mài sắt có ngày nên kim” cho đến bây giờ và mai sau vẫn còn nguyên giá trị lâu bền. Nó là kim chỉ nam cho mỗi chúng ta để vững bước trên đường đời.

Nghị luận Có công mài sắt có ngày nên kim - Mẫu 1

Trong cuộc sống, bất cứ khi làm một việc gì nếu vội vàng hấp tấp ta thường bị hỏng. Trái lại, nếu cố gắng, bền chí, kiên trì thì dù việc đó có khó khăn đến đâu ta cũng có thể hoàn thành được. Cũng chính vì thế nên tục ngữ có câu “Có công mài sắt có ngày nên kim’’ để răn dạy con cháu đời sau.

Thật vậy, trong thực tế cuộc sống có nhiều tấm gương kiên nhẫn trong học tập, trong lao động đã để lại trong em những ấn tượng khó phai mờ. Từ đó, nó giúp em những hài học làm người thật ý nghĩa.

Chúng ta thử hình dung từ một thanh sắt thô sơ cứng cáp, ngày này sang ngày khác thanh sắt đổ được mài, mài mãi... cho đến một lúc nào đổ thanh sắt kia trở thành một cây kim bé nhỏ tiện dụng. Như vậy, muốn có được cây kim ấy người thợ đã bỏ biết bao công sức và thời gian đổ mài giũa thanh sắt. Nếu vật cứng như sắt mà ta mãi mãi cũng thành được cây kim thì bất cứ việc gì ta cũng có thể làm được, miễn sao ta phải biết chịu khó, biết nhẫn nại, kiên trì. Là học sinh, chắc ta không quen được anh học trò nghèo thông minh hiếu học Châu Trí. Vì nhà quá nghèo, anh phải vào chùa Long Tuyền hằng ngày quét lá đa để đốt lửa lấy ánh sáng mà học. Bản thân anh phải khắc phục mọi gian khổ và chịu khó trong học tập để cuối cùng anh được đỗ đầu kì thi Hương. Khi thành tài, người trong làng hết lời ca ngợi, thán phục.

Một anh học trò vào chùa Long Tuyền
Ai ngờ nay lại đỗ Giải nguyên
Ở đời chẳng có việc gì khó
Người ta lập chí phải nên kiên.

(Trích Luân lí giáo khoa thư)

Trên thế giới, nói đến tên hai nhà bác học người Pháp Pierre Curie và Marie Curie không ai là không biết. Để khám phá ra nguyên tố phóng xạ, ông bà đã kiên trì lao động vất vả hằng mấy năm trời, lọc đi lọc lại trong 8 tấn bã quặng mới thu được một phần mười gam chất phóng xạ ấy. Thế mới biết phát minh khoa học của nhân loại cũng đòi hỏi sự kiên trì mãnh liệt.

Ngày nay, tính kiên trì bền chí nhẫn nại được chúng ta coi như kim chỉ nam trong hành động, trong việc làm. Chính nhờ đó mà đã có biết bao người đã vượt qua mọi khó khăn, khắc phục được bệnh tật... như thầy Nguyễn Ngọc Ký đã viết hằng đôi chân... Điều này thật đáng tự hào biết hao!

Câu tục ngữ “Có công mài sắt có ngày nên kim” thật là một bài học vô cùng quý báu. Nó luôn nhắc nhở chúng ta phải rèn luyện ý chí, nghị lực và tự phấn đấu để dễ dàng đi đến thành công, bởi “nước chảy” tất “đá" phải mòn”. Đây là điều mà mỗi người chúng ta cần suy ngẫm khi bước vào đời, khi bắt tay vào công việc.

Nghị luận Có công mài sắt có ngày nên kim - Mẫu 2

Cuộc đời mỗi cá nhân là hành trình kiếm tìm những chân giá trị. Tôi còn nhớ, có ai đó đã từng nói rằng: đường đi khó không phải vì bản thân nó khó mà khó vì lòng người ngại núi, e sông. Thế mới biết, chỉ khi con người cần cù, siêng năng, kiên trì thì mới có thể tìm kiếm những giá trị mà bản thân hằng mong muốn và mới có thể vươn tới những thành công, những đỉnh cao trong cuộc sống. Bởi vậy, ông cha ta mới khuyên rằng “Có công mài sắt, có ngày nên kim”.

Nói đến “sắt” là ta nói đến một vật dụng bằng kim loại, được sử dụng để làm nhiều vật liệu khác nhau trong đời sống. Còn nói đến “kim” là nói đến một vật dụng vô cùng nhỏ bé, thường được sử dụng trong may vá. Nhờ hành động “ mài” mà “ sắt” mới có thể thành “ kim”. Trong tương quan giữa hai vật dụng, câu tục ngữ muốn nói với chúng ta rằng: kiên trì thì con người sẽ làm được nhiều điều có ích, gặt hái được nhiều thành công trong cuộc sống.

Đó là một điều hoàn toàn đúng đắn. Bởi kiên trì thể hiện sự nỗ lực, cố gắng không ngừng của con người. “ Sắt” không thể tự biến thành “ kim” được mà phải nhờ vào sự cố gắng tác động của con người. Triết học của Marx- Lenin cho rằng mọi sự biến đổi về lượng sẽ dẫn đến sự biến đổi về chất. Vì vậy, khi sự cố gắng, nỗ lực được tích lũy ngày càng tăng thì con người ta sẽ dần thay đổi, gặt hái được nhiều thành công hơn. Nhờ những tháng ngày không ngừng tích lũy bao bài học sau khi rời bỏ đại học mà Bill Gates mới có thể trở thành một trong những người giàu nhất thế giới đó thôi.

Sự nỗ lực, kiên trì còn cho thấy ít nhất một điều rằng: trong quá trình theo đuổi thành công, những chân giá trị của cuộc sống, chúng ta không bao giờ biết từ bỏ. Quá trình từ “ sắt” biến thành “kim” là một quá trình kéo dài, có khi liên tục mà nếu con người bỏ dở giữa chừng thì “ sắt” vĩnh viễn không thể biến thành “kim”. Nhà thám hiểm muốn thám hiểm ra những vùng đất mới mà giữa đường anh ta lại bỏ chừng thì sao có thể tìm thấy điều mình đang kiếm tìm? Một nhà leo núi muốn chinh phục được những đỉnh núi cao mà giữa đường anh ta bỏ chừng thì sao có thể đạt được mong muốn của đời mình? Cũng bởi vậy mà Thomas Edison mới có thể phát minh ra nhiều thứ phục vụ cuộc sống, đưa tên tuổi của ông còn mãi đến ngày hôm nay

Sự nỗ lực, kiên trì còn rèn luyện cho con người ta một bản lĩnh sống đến không ngờ. Khi đó, dù có gặp khó khăn đến đâu, ta cũng sẵn sàng và bằng lòng vượt qua. Hạnh phúc là ở ngay trong chính sự kiên trì và nỗ lực theo đuổi các giá trị của cuộc sống dù chưa biết ta có đạt được nó hay không. Chính trong sự kiện trì và nỗ lực đó mà con người có thêm những trải nghiệm cuộc sống tuyệt hơn bao giờ hết. Cuộc đời dù là hữu hạn nhưng cũng kéo dài đến trăm năm, khi nỗ lực con người ta mới có thể sống một cuộc đời có ích hơn bao giờ hết.

Tất nhiên không trong cuộc sống, cứ kiên trì là con người sẽ có được thành công. Để đạt được những thành công còn phải phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố nhưng có thể nói sự kiên trì, nỗ lực chiếm một tỉ trọng rất lớn. Nó cho ta hiểu ra một điều rằng sau những lần thất bại, đừng vì thế mà nản chí, thay vào đó, hãy biết vươn lên không ngừng, như loài xương rồng sống ở sa mạc vậy.

Vẫn biết rằng, có những lúc, dù ta đã cố gắng, nỗ lực đến không ngừng nhưng vẫn không thể nào gặt hái được thành công. Nhưng ta vẫn phải luôn kiên trì hết mình bởi khi một cánh cửa đóng lại thì sẽ có một cánh cửa khác mở ra và rồi dù thất bại, khi ngoảnh đầu nhìn lại ta vẫn sẽ mãi nở nụ cười bởi ta đã làm hết mình, đã cháy mình. Thất bại của ngày hôm nay nhưng luôn kiên trì, luôn nỗ lực không ngừng thì chiến thắng của ngày mai còn ngọt ngào và đáng trân trọng hơn bội phần.

Câu tục ngữ đã cho chúng ta một bài học quý giá về sự nỗ lực và kiên trì. Nó cho ta hiểu sâu sắc và thấm thía một điều rằng mọi thành công trong cuộc sống không thể tự nhiên mà có, nó chỉ có thể có nhờ những nội lực của bản thân ta. Bởi vậy, ngay từ ngày hôm nay, ta phải nỗ lực và kiên trì không ngừng!

Nghị luận Có công mài sắt có ngày nên kim - Mẫu 3

Nền văn học nước ta rất phong phú với nhiều câu ca dao, tục ngữ của ông cha ta để lại cho con cháu nhằm dạy cho các thế hệ sau nhiều bài học quý giá, kinh nghiệm trong cuộc sống hàng ngày. Từ lâu, chúng ta đã hiểu, làm việc gì cũng cần sự kiên trì không thể ngày một ngày hai là thành công được nên các cụ có câu “có công mài sắt có ngày nên kim” thể hiện lòng kiên nhẫn của mọi người.

Trong cuộc sống không phải mọi thứ tự nhiên mà có, tất cả đều phải có lao động mới làm ra, khi mỗi người có mục đích và cách sống riêng không ai giống ai cả, vì thế cần phải cố gắng và kiên trì để thực hiện những mục đích và ước mơ của mình đã đặt ra, hoàn thành tốt nhất theo cách của mình. Từ xa xưa đức tính ấy vẫn luôn được mọi người giữ gìn, và phát huy, như đã thấy, bao nhiêu năm kháng chiến, kháng chiến chống Pháp hàng nghìn năm đô hộ, vậy mà nhân dân ta vẫn kiên trì, vẫn tiếp tục đấu tranh để giành lại độc lập, giúp cho đất nước hòa bình như ngày hôm nay, không một thắng lợi nào mà không gặp những khó khăn, thử thách, không một thành công nào mà không phải bước qua bom đạn, chông gai.

Cái chính là con người có kiên trì, có quyết tâm vượt qua hay không? Hiểu được điều đó, từ ngàn xưa nhân dân ta nhắc nhở nhau: “Có công mài sắt, có ngày nên kim”, cho thấy tầm quan trọng của câu tục ngữ, đến bây giờ câu nói đó, là học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường đều phải trải qua thời gian miệt mài học tập suốt mười mấy năm mới có thể đủ trí thức bước vào cuộc sống, qua quá trình học tập được thầy cô trang bị cho những kiến thức, giá trị trong cuộc sống với nhiều châm ngôn triết lý để giúp ta có hành trang bước vào đời như một nền tảng vững chắc, khi học mỗi chúng ta cần ra sức, chăm học hỏi để có thể tiếp thu những bài học hay, và đầy ý nghĩa.

Trong cuộc sống chúng ta cũng vậy phải không ngừng rèn luyện, tự học thì mới thành tài, các thầy cô cũng chỉ giúp ta một phần nào đó để hiểu hết, chủ yếu là bản thân mỗi người có cách tiếp thu khác nhau. Một người phải rèn luyện trong khó khăn, lao động chăm chỉ, cần cù mới có được tay nghề cao và làm ra được những sản phẩm tốt, làm giàu cho xã hội, có câu “thất bại là mẹ thành công”, chúng ta không biết trước được chúng ta sẽ gặp những vất vả, gian nan trong công việc, học tập, không có cái gì thành công luôn, qua những lần thất bại thì chúng ta mới lấy được những kinh nghiệm cho chính mình. Nhưng sự rèn luyện ấy không phải lúc nào cũng gặp thuận lợi hoàn toàn, cái chính là chúng ta phải biết làm chủ ý chí, nghị lực của mình để vượt qua những khó khăn ấy.

Không phải chúng ta cứ phấn đấu mà không đặt ra mục tiêu, sẽ khiến chúng ta sai lệch trong quá trình rèn luyện, phải tự đề ra phương pháp hợp lý, phù hợp cho bản thân từng người. Hơn nữa, trong cuộc sống chúng ta, tương lai luôn ở phía trước, hiện tại luôn cận kề bên ta nhắc ta không chỉ lúc nào cũng mơ đến một ngày mai tốt đẹp mà phải chịu rèn từ hôm nay. Nói tóm lại, muốn gặt hái được kết quả mỹ mãn, chúng ta phải kiên nhẫn đi từng bước một, mỗi một bước là một trải nghiệm, cuộc sống rất nhiều điều hay cần mỗi chúng ta kiên trì khám phá những điều tốt đẹp đó.Câu tục ngữ là một bài học ý nghĩa sâu sắc đối với tất cả mọi người. Những bài học rất quý giá cần con cháu lưu giữ và phát huy hết sức có thể. Đó là một lời khuyên rất chân tình, sâu sắc với những mọi người trong công việc và tăng thêm quyết tâm cho những người có ý chí muốn phấn đấu vươn lên.

Vì vậy mỗi người cần kiên trì cố gắng từng ngày để đạt những ước mơ của mình, để không phụ kì vọng của ông bà cha mẹ đối với mình, hãy luôn coi câu tục ngữ là phương châm là tấm gương để tự rèn luyện bản thân trở thành con người có ích cho chính mình và cho xã hội, để xã hội trở nên tươi đẹp hơn.

Nghị luận Có công mài sắt có ngày nên kim - Mẫu 4

Câu tục ngữ “có công mài sắt có ngày nên kim” được hợp thành từ những từ ngữ đơn giản, dễ hiểu nhưng lại mang một ý nghĩa vô cùng bổ ích và cần thiết cho con người. Về mặt nghĩa đen, câu tục ngữ muốn nói, nếu một người chịu bỏ công sức ra cố gắng mài khối “sắt” thì một ngày nào đó nó sẽ trở thành một cây “kim”. Song không chỉ đơn giản như vậy , khối “sắt” ấy còn được hiểu như những công việc to lớn, khó khăn nhất mà gần như không thể thực hiện được.Và hình tượng cây “kim” chính là kết quả, sự thành công mà ta đạt được sau một quá trình dài chăm chỉ, quyết tâm với thử thách. Từ đó ta thấy được, nếu biết cố gắng, chăm chỉ, kiên trì thực hiện thỉ dù là công việc hay thử thách gian nan nhất ta cũng có thể vượt qua được một cách dễ dàng. Vì thế, nói tính chăm chỉ là thành phần không thể thiếu của sự thành công thật đúng đắn.

Mặt khác, đức tính chăm chỉ không những tạo ra sự thành công, mà còn tô đậm thêm được đức tính tốt đẹp, cần thiết của một con người và đặc biệt là đối với một người học sinh. Ta có thể nhận thấy, nếu một người học sinh có sự thông minh, óc tư duy nhạy bén nhưng lại thiếu sự chăm chỉ thì sẽ không bao giờ đạt được thành công trong học tập cũng như trong cuộc sống. Trong đời sống có rất nhiều tấm gương về sự chăm chỉ và tiêu biểu nhất đó là vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc ta – Bác Hồ. Năm 1911, Bác ra đi tìm đường cứu nước chỉ với đôi bàn tay trắng, không hề thành thạo về ngôn ngữ của nước bạn nhưng cùng với sự chăm chỉ, Bác đã cố gắng học tiếng của họ. Bác tranh thủ học mọi lúc rảnh rỗi của mình. Từng ngày như thế đều đặn trôi qua, Bác đã rất thông thạo tiếng nước bạn, có thể giao tiếp, nói chuyện một cách thật dễ dàng và thậm chí Bác còn viết báo khi ở nước ngoài nữa. Quả thật là đáng nể đối với một người bình thường, không hề được học qua một trường lớp ngoại ngữ nào mà vẫn có thể sử dụng thành thạo nhiều thứ tiếng, chỉ với một sự trợ giúp đó là đức tính chăm chỉ của Bác.

Câu tục ngữ đã cho ta thấy quan niệm, kinh nghiệm của ông cha ta ngày xưa, chăm chỉ thật sự rất cần thiết cho con người. Ngoài ra vẫn có rất nhiều người không hề coi trọng tính chăm chỉ, đặc biệt là đối với một số học sinh khá giỏi, hay có tính tự cao về khả năng của mình và những học sinh ấy sẽ không thể nào nhận thức được cái hậu quả nghiêm trọng của việc lười biếng, thiếu chăm chỉ, cần cù gây nên. Thật dễ nhận thấy một điều, đó là nếu trong lớp ta không chép bài, làm bài đầy đủ, chỉ nghe cô giáo giảng bài một cách qua loa thì sẽ có một lỗ hổng của kiến thức hiện ra và ngày càng lớn dần. Cho đến một ngày nào đó, kết quả học tập sẽ tồi tệ và khiến ta nản chí trong học tập. Vậy, chỉ vì không chịu khó chăm chỉ mà từ một học sinh khá giỏi có thể dễ dàng trở thành một học sinh yếu kém, và ngược lại. Qua đó, ta thấy tính chăm chỉ quyết định nhiều điều quan trọng mà ta không thể nào nhìn thấy ngay lập tức như sự thành công, vinh quang trong học tập, công việc và cuộc sống.

Là một người học sinh, em sẽ cố gắng phát huy hơn nữa tính chăm chỉ của bản thân thông qua những việc dù là nhỏ nhoi như: học bài, làm bài tập, ghi chép bài học thật đầy đủ và cẩn thận…ngoài ra, tham khảo thêm trong sách cũng có thể phát huy được đức tính này. Có như thế, việc học hành của em mới ngày càng tiến bộ hơn và mong muốn vào Đại Học dù có khó khăn như việc mài sắt thành kim thì cũng sẽ thành công.

Câu tục ngữ “có công mài sắt có ngày nên kim” là một lời khuyên dạy của ông cha ta về tính quan trọng của sự chăm chỉ, cần cù cho con cháu đời sau. Để chúng ta biết được rằng, muốn đạt được kết quả hoàn mỹ nhất thì phải có tính chăm chỉ và chỉ có tính chăm chỉ mà thôi.

Nghị luận Có công mài sắt có ngày nên kim - Mẫu 5

Tục ngữ ca dao là kho tàng kinh nghiệm quý báu của nền văn học Việt Nam. Ông cha ta từ xa xưa đã khuyên dạy chúng ta rất nhiều điều qua những câu tục ngữ đó. Câu tục ngữ “Có công mài sắt có ngày nên kim” là lời khuyên đúng đắn về sự kiên trì nhẫn nại được cha ông ta gửi gắm tới thế hệ sau.

Trước hết ta cần hiểu “sắt” là vật liệu cứng, khó mài mòn. Còn “kim” là vật dụng nhỏ, làm bằng sắt, thường dùng để may vá. Để có thể “mài sắt” thành “kim” là một công việc vô cùng khó khăn, thậm chí khó có thể làm được. Do đó, câu tục ngữ “Có công mài sắt có ngày nên kim” có ý nghĩa nếu như chúng ta kiên trì, cần mẫn mài sắt thì sẽ có thể tạo thành kim. Từ đó khuyên chúng ta phải kiên trì, nhẫn nại khi làm việc thì nhất định sẽ đạt được thành công.

Ngay từ xa xưa, sự kiên trì nhẫn lại luôn là truyền thống tốt đẹp mà nhân dân ta quý trọng, hướng tới. Trong cuộc sống, có rất nhiều tấm gương gặp khó khăn nhưng vẫn kiên trì nhẫn nại và đã đạt được thành công. Tiêu biểu là tấm gương thầy Nguyễn Ngọc Ký- một nhà giáo ưu tú được rất nhiều người quý mến, kính trọng. Khi còn nhỏ, thầy đã bị liệt cả hai tay sau một trận sốt cao. Thế nhưng thầy vẫn mong muốn có thể đi học như bao bạn bè cùng trang lứa. Bởi vậy, thầy đã cần mẫn luyện viết bằng chân. Đó là một việc vô cùng khó khăn, rất nhiều lần thầy bị chuột rút đau đớn, bao lần muốn bỏ cuộc. Nhưng với tinh thần kiên trì nhẫn nại, ý chí quyết tâm đã giúp thầy tiếp tục chăm chỉ học tập, thầy đã thi đỗ Đại học, trở thành một giáo viên xuất sắc dìu dắt bao thế hệ học sinh.

Tại sao chúng ta phải có lòng kiên trì nhẫn nại? Bởi vì thành công được tạo nên từ muôn vàn khó khăn. Đó là quá trình gian khó cần đánh đổi từ mồ hôi, nước mắt, là sự cố gắng không ngừng nghỉ. Để đến với thành công, chắc chắn ai cũng phải trải qua những thất bại. Chính vì thế, chúng ta cần sự kiên trì nhẫn nại để có thể vượt qua những vấp ngã đó. Ví dụ như nhà bác học Thomas Edison để sáng tạo ra dây tóc bóng đèn cũng đã phải trải qua hơn 1000 thí nghiệm thất bại. Từ đó, ta có thể thấy được ý nghĩa to lớn của tinh thần kiên trì nhẫn nại. Giống như Bác Hồ cũng từng nói:

Không có việc gì khó
Chỉ sợ lòng không bền
Đào núi và lấp biển
Quyết chí ắt làm nên.

Kiên trì nhẫn nại là một đức tính tốt đẹp của con người, đặc biệt là đối với các bạn trẻ, tinh thần kiên trì nhẫn nại càng cần thiết hơn. Nó giúp chúng ta có trách nhiệm hơn đối với mỗi việc đang làm, giúp chúng ta có thêm ý chí nghị lực để hoàn thành công việc của mình. Ví như đứng trước một bài toán khó, một bài văn chưa biết hướng làm, sự nhẫn nại sẽ giúp chúng ta có quyết tâm tìm hiểu cách làm nó và giúp chúng ta cải thiện trình độ học tập của mình. Đó sẽ là tiền đề tốt đẹp cho thành công sau này. Người có tinh thần nhẫn nại chắc chắn sẽ có thể gây được thiện cảm cho những người xung quanh, được mọi người kính trọng, quý mến.

Câu tục ngữ “Có công mài sắt có ngày nên kim” là lời khuyên sâu sắc, đúng đắn về tinh thần kiên trì nhẫn nại trong cuộc sống. Từ đó chúng ta phải rèn luyện cho mình sự kiên trì, nhẫn nại khi làm bất cứ công việc nào. Chỉ có như vậy chúng ta mới có thể vượt qua những rào cản và đạt được thành công trong cuộc sống.

Nghị luận Có công mài sắt có ngày nên kim - Mẫu 6

Con người Việt Nam ta từ xưa đến nay được biết đến với nhiều truyền thống quý báu, luôn đoàn kết, yêu thương, giúp đỡ người khác. Một trong những đức tính, truyền thống tốt đẹp mà ta phải nhắc đến đó chính là sự kiên trì, nhẫn nại được thể hiện qua câu tục ngữ: “Có công mài sắt, có ngày nên kim”.

Để hiểu rõ về câu tục ngữ này, trước hết chúng ta cần cắt nghĩa từng chi tiết. Sắt được biết đến là thanh kim loại to, có độ cứng rất cao dùng để làm vật liệu xây dựng, phục vụ cuộc sống, chế tác thành nhiều đồ vật khác nhau. Còn kim là vật dụng rất nhỏ, một đầu nhọn, một đầu đục lỗ siêu nhỏ để xỏ chỉ được làm từ chất liệu sắt dùng để khâu vá. Từ một thỏi sắt to làm thành một cây kim nhỏ phải tiêu tốn rất nhiều thời gian và công sức đòi hỏi sự kiên trì, nhẫn nại giống như để trở thành một con người có ích cho xã hội mỗi chúng ta phải cố gắng rèn luyện bản thân rất cực khổ.

Thật vậy! Mỗi con người không ai tự nhiên mà nên người, thành tài, tất cả những thứ đó chúng ta có được là do quá trình học tập rèn luyện, tích lũy kiến thức. Người nào càng chăm chỉ, kiên nhẫn, chịu khó, tích cực trau dồi kiến thức thì càng thu về được những quả ngọt, mở mang tầm hiểu biết và có được thành công. Xã hội có tiến bộ hay không, có phát triển hay không là do những công sức đóng góp của con người mà nên, con người phát triển được bao nhiêu thì xã hội tiến bộ bấy nhiêu. Nếu mỗi chúng ta lười biếng, ỷ lại, dựa dẫm vào người khác, chúng ta mãi mãi không phát huy được năng lực của bản thân mà dần dần sẽ bị lạc hậu, tụt lùi về phía sau.

Thực tế đã có nhiều tấm gương về kiên trì, nhẫn nại mà chúng ta đáng để học tập, trong đó phải kể đến chủ tịch Hồ Chí Minh với tinh thần ham học hỏi, kiên trì, cố gắng nên đã nói được nhiều thứ tiếng và tìm ra con đường giải phóng cho đất nước, mang lại độc lập, tự do cho quê nhà. Một tấm gương khác chính là thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký dù bị liệt cả hai tay nhưng thầy đã kiên trì tập viết bằng chân và trở thành người thầy tài năng,… Mỗi tấm gương là một câu chuyện về nỗ lực mà chúng ta cần học tập theo.

Tuy nhiên trong cuộc sống vẫn còn có nhiều người ỷ lại, lười biếng, hay dựa dẫm vào người khác mà không biết tự phấn đấu vươn lên, lại có những người chỉ biết nghe theo sự sắp đặt, định hướng của người khác mà không có chính kiến của mình,… những người này đáng bị xã hội thẳng thắn lên án, chỉ trích.

“Có công mài sắt, có ngày nên kim” là một đức tính tốt đẹp mà chúng ta cần rèn luyện trong quá trình hoàn thiện và phát triển bản thân. Không một ai là hoàn hảo, nhưng khi ta biết cố gắng hoàn thiện bản thân và vươn lên phía trước, chúng ta sẽ đạt được những thành quả xứng đáng với công sức bỏ ra.

Nghị luận Có công mài sắt có ngày nên kim - Mẫu 7

Trong cuộc sống, con người ta đều có những thành công đạt được và những ước mơ muốn vươn tới. Và để thực hiện được điều đó thì ta phải có lòng kiên trì, bền bỉ, nỗ lực. Chính vì vậy ông cha ta đã có câu: “Có công mài sắt, có ngày nên kim” để động viên, khích lệ hay nói một cách khác là khuyên răn con cháu, dạy bảo những kinh nghiệm trong đời thường, cuộc sống. Câu tục ngữ được chia làm hai vế, mỗi vế có 4 từ. Hai vế này có hai cặp từ tương ứng với nhau: “Có công – có ngày; mài sắt – nên kim”. Một vế chỉ sự nỗ lực, một vế chỉ thành quả đạt được.

Cây kim tuy nhỏ nhưng nó rất có ích, tròn trịa, trơn bóng, sắc nét. Để mài được một cây kim như vậy thì thật là khó. Câu tục ngữ này mượn hình ảnh cây kim để nói lên được phẩm chất cao quý truyền thống của dân tộc Việt Nam từ hàng nghìn đời nay. Từ những việc nhỏ như quét nhà, nấu cơm đến những việc lớn như xây dựng đất nước, chống giặc ngoại xâm.

Những thành tựu hiện nay mà ông cha ta đạt được đã minh chứng cho điều đó. Những tháp chùa cổ kính có giá trị, một số công trình nghệ thuật nổi tiếng như tháp Chương Sơn, chuông chùa Trùng Quang… với những đường nét hoa văn thanh thoát, mạnh mẽ, thể hiện tinh thần thượng võ, yêu nước. Và một thành tựu lớn nhất của ông cha ta đó chính là xây dựng nên được một quốc gia văn minh, nhân dân đồng lòng, đất nước yên bình. Công cuộc dựng, giữ, phát huy, đổi mới đất nước đó đã thể hiện được sự bền bỉ, chịu thương chịu khó, sự sáng tạo, lao động kiên cường của ông cha ta. Trong lao động sản xuất, nhân dân ta cũng đã có những việc làm và kết quả đạt được để khẳng định ý nghĩa của câu tục ngữ trên là hoàn toàn đúng.

Từ xưa tới giờ, đất nước ta đã gặp phải những khó khăn rất lớn, từ những thảm hoạ thiên nhiên như lụt lội, bão bùng đến những cuộc chiến tranh do con người tạo ra nhưng nhờ sự cố gắng, chịu đựng, vượt khó mà chúng ta đã khắc phục được những trở ngại đó. Và trong học tập thì điều đó lại càng được khẳng định rõ nét hơn. Những em bé chập chững bước vào lớp một, tập toẹ đánh vần, viết chữ đến những năm tháng tiếp theo lên lớp, phải kiên trì cần cù mới mong đạt được kết quả tốt trên con đường học tập của mình.

Trong đường đời cũng vậy, những danh nhân, thương gia, thi sĩ, nhà nho, nhà văn nổi tiếng cũng từng phải vất vả, hi sinh, sử dụng những kiến thức mình có nhưng không thể thiếu đi và phải luôn gắn liền với sự kiên trì, chuyên cần, sáng tạo mới có thể thành đạt.

Những tấm gương chăm học, những tấm gương chịu khó như Bác Hồ là một điển hình rõ nét nhất. Bác đã phải vất vả làm việc, chịu khó học tiếng nước ngoài, đi bôn ba khắp nơi để tìm đường cứu nước. Thật hiếm ai như vậy! Và cũng nhờ những sự nỗ lực đó mà đất nước ta mới được tự hào về một danh nhân, một vị lãnh tụ vĩ đại nổi tiếng mà khắp năm, châu bốn bể đều biết tới.

Câu tục ngữ trên với hình thức ngôn từ dân dã nhưng thật ngắn gọn súc tích, bao hàm những ý nghĩa sâu xa. Đó chính là những đúc kết lâu đời trong quá trình lao động, kinh nghiệm chiến đấu, sản xuất và cả trong đời thường cuộc sống của ông cha ta. Nó như một bài học quý báu, một thông điệp hữu dụng, một lời dạy chân tình rằng: “Hãy biết tu dưỡng, rèn luyện những đức tính, phẩm chất kiên trì, nhẫn nại, chịu khó, cần cù, sáng tạo, kết hợp với khả năng vốn có của bản thân để làm nên một sức mạnh vô địch vượt mọi gian truân, vất vả trong cuộc sống, những trở ngại éo le nhất mà đi tới thành công, thắng lợi”. Nào chúng ta hãy bắt đầu bằng những việc nhỏ nhất như học tập chăm chỉ, lao động cần cù để trở thành con ngoan trò giỏi, trở thành chủ nhân tương lai của đất nước nhé!

Nghị luận Có công mài sắt có ngày nên kim - Mẫu 8

Câu tục ngữ “Có công mài sắt, có ngày nên kim” thật sự là một nguồn cảm hứng và bài học quý báu trong cuộc sống. Câu tục ngữ này nhắc nhở chúng ta rằng mọi thành công đều đòi hỏi sự kiên trì và nỗ lực không ngừng nghỉ. Trong cuộc sống, chúng ta thường phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức và thử thách. Không có con đường nào đến thành công mà không có những khó khăn cản trở. Tuy nhiên, điều quan trọng là chúng ta có kiên nhẫn và quyết tâm để vượt qua mọi khó khăn hay không.

Câu tục ngữ “Có công mài sắt, có ngày nên kim” là một lời nhắc nhở mạnh mẽ về tầm quan trọng của sự kiên nhẫn và nỗ lực trong cuộc sống. Đây không chỉ là một câu nói, mà còn là một triết lý sống giúp chúng ta đối mặt với cuộc sống một cách mạnh mẽ và đạt được thành công.

Hình ảnh mài sắt để nên kim là một biểu tượng mạnh mẽ cho quá trình tự cải thiện và phát triển. Khi một viên sắt được đặt trong lò luyện kim và trải qua quá trình nung nóng và rèn dập liên tục, nó mới có thể biến thành một thanh kim loại cứng cáp và giá trị. Tương tự, con người cũng cần phải trải qua những khó khăn và thử thách để trở nên mạnh mẽ và thành công.

Những thách thức và khó khăn trong cuộc sống không phải lúc nào cũng dễ dàng vượt qua. Có những lúc chúng ta gặp thất bại, thất bại và thất bại nữa. Tuy nhiên, điều quan trọng là không bao giờ từ bỏ. Chúng ta cần kiên nhẫn và quyết tâm để vượt qua mọi khó khăn.

Một điều quan trọng cần nhớ là thành công không đến tức thì. Nó đòi hỏi thời gian, công sức và kiên nhẫn. Đôi khi, chúng ta có thể cảm thấy mình đang mài sắt mà không thấy bất kỳ kết quả nào. Tuy nhiên, đó chính là thời điểm quan trọng nhất để tiếp tục nỗ lực. Có thể mất rất nhiều thời gian trước khi chúng ta thấy mình đã nên kim, nhưng mỗi bước tiến là một bước gần hơn đến thành công.

Câu tục ngữ này cũng nhắc nhở chúng ta rằng không có gì có thể đạt được mà không có sự đầu tư và nỗ lực. Điều quan trọng là chúng ta phải biết tận dụng cơ hội và làm việc hết mình. Không có con đường ngắn gọn đến thành công, và chúng ta cần phải chuẩn bị tinh thần cho cuộc hành trình dài hơi.

Câu tục ngữ này còn là một lời khuyên quý báu cho người trẻ. Trong thế giới hiện đại, nhiều người mong muốn đạt được thành công nhanh chóng và dễ dàng. Tuy nhiên, họ thường bỏ lỡ quá trình quý báu của sự phát triển và tự cải thiện. Có công mài sắt, có ngày nên kim, và chỉ khi bạn hiểu và áp dụng điều này trong cuộc sống, bạn mới có thể đạt được thành công đích thực.

Trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta cần phải nhớ câu tục ngữ này và áp dụng nó vào mọi khía cạnh của cuộc sống. Không bao giờ từ bỏ, kiên nhẫn và quyết tâm là chìa khóa để đạt được mọi mục tiêu và thành công trong cuộc sống.

Để đảm bảo rằng chúng ta có thể gặt hái được những kết quả mỹ mãn trong cuộc sống và công việc của mình, câu tục ngữ “Có chí thì nên” là một hướng dẫn quý báu. Điều này đòi hỏi sự kiên nhẫn và nỗ lực không ngừng nghỉ, giống như quá trình mài sắt để nó trở thành kim loại quý giá.

Trong thực tế cuộc sống, chúng ta thường gặp phải những khó khăn và thách thức. Tuy nhiên, có những người thể hiện sự quyết tâm và kiên nhẫn trong việc vượt qua mọi trở ngại, và họ trở thành tấm gương tốt cho chúng ta. Tuy nhiên, cũng có những người khác có thể nản lòng dễ dàng trước những bài toán phức tạp, bài học khó khăn, hoặc họ coi thường những điều đơn giản và quan niệm rằng họ đã đủ thông minh để không cần nỗ lực.

Thậm chí, trong xã hội hiện đại, có những người không coi trọng việc học và rèn luyện, cho rằng nó không có ý nghĩa và không cần thiết. Những người này thường coi thường việc rèn luyện kiên nhẫn và tự cải thiện bản thân. Tuy nhiên, họ thường không đạt được những kết quả mà họ mong muốn.

Câu tục ngữ “Có chí thì nên” nhấn mạnh rằng sự kiên trì và nỗ lực là quan trọng nhất để đạt được mục tiêu. Một người có tài năng tự nhiên chỉ là một phần nhỏ của công thức thành công. Chín mươi chín phần còn lại là sự lao động và kiên nhẫn. Những nhà bác học và những người thành công trên khắp thế giới đã phải đối mặt với rất nhiều khó khăn và thất bại trước khi họ có thể đạt được thành tựu đỉnh cao và đóng góp cho xã hội.

Quá trình rèn luyện kiên nhẫn không chỉ mang lại lợi ích cho cá nhân mà còn cho cả đất nước. Xã hội chúng ta còn nhiều khó khăn và thách thức, và việc mỗi người chúng ta đóng góp trong quá trình rèn luyện bản thân cũng đồng nghĩa với việc xây dựng và phát triển đất nước.

Chúng ta không nên từ bỏ trước khó khăn, và câu tục ngữ này là một lời khuyên quý báu về tầm quan trọng của kiên nhẫn và sự nỗ lực trong cuộc sống hàng ngày. Có công mài sắt, có ngày nên kim, và chỉ khi chúng ta hiểu và áp dụng điều này trong cuộc sống, chúng ta mới có thể đạt được thành công đích thực.

Nghị luận Có công mài sắt có ngày nên kim - Mẫu 9

Để trở thành một người thành đạt, ngoài những đức tính ham học hỏi, nhạy bén thì sự kiên nhẫn, cần cù cũng là một yếu tố quan trọng góp phần lớn vào sự thành công của một con người. Để khẳng định tầm quan trọng của lòng kiên nhẫn và động viên tinh thần cho các thế hệ sau vượt qua khó khăn trên con đường đầy chông gai, ông cha ta đã đúc kết những kinh nghiệm xương máu một cách ngắn gọn trong câu tục ngữ “Có công mài sắt có ngày nên kim”.

Cây kim là một vật dụng quen thuộc trong mỗi gia đình. Nó thật nhỏ bé nhưng cũng rất hoàn hảo. Thân kim tròn nhỏ, đầu nhọn và cuối thân có một lỗ bé xíu để luồn chỉ qua. Ông cha ta từ xa xưa muốn làm nên cây kim ấy không có cách nào khác là mài giũa những thanh sắt thô ráp, to lớn qua bao nhiêu ngày tháng mới thành.

Từ sắt để nên kim là cả một quá trình tôi luyện kì công, không chỉ tôi luyện thanh sắt mà đó còn là thử thách sự kiên nhẫn của lòng người. Ai có công mài sắt sẽ có ngày nên kim, đức kiên nhẫn, bền bỉ chính là yếu tố quan trọng để dẫn đến thành công.

Quan điểm “Có công mài sắt có ngày nên kim” là một quan điểm đúng đắn. Thực tế đã chứng minh rằng nếu chỉ dựa vào trí thức và may mắn thì rất khó để có thể thành công mà còn phải dựa vào sự nỗ lực không ngừng nghỉ của bản thân mỗi người. Đó có thể là con đường đầy chông gai và khó khăn nhưng rất xứng đáng.

Với mỗi người con đất Việt thì kí ức về những cuộc chiến tranh vẫn còn mãi. Đó là dẫn chứng sống động cho câu tục ngữ này. Suốt cả thế kỉ XX dân tộc ta đã phải trải qua những cuộc chiến trường kì để có thể bảo vệ vững chắc độc lập của dân tộc. Chính sự đấu tranh bền bỉ không ngừng nghỉ, lòng kiên trì, quyết tâm trong mỗi trái tim người con Việt Nam đã khiến cho quân địch phải đầu hàng.

Trong đời sống hằng ngày cũng có nhiều tấm gương về lòng kiên trì rất đáng ngưỡng mộ. Có thể kể đến thầy giáo Nguyễn Ngọc Kí với đôi bàn tay kém may mắn bị liệt. Thầy đã không bỏ cuộc mà hằng ngày, từng chút một thầy tập viết bằng đôi bàn chân vụng về của mình.

Sự miệt mài ấy đã sớm hái được quả ngọt khi thầy dù bằng một cách khác người đặc biệt đã trở thành một thầy giáo nổi tiếng ở Việt Nam và là nhân chứng sống động cho sự quyết tâm, bền bỉ của con người.

Trong học tập, đức kiên trì lại càng cần thiết để giúp ta thành công. Nếu ngay từ đầu chúng ta không kiên trì nắn nót từng chữ viết thì sẽ không thể viết chữ đúng, ngay ngắn, thẳng hàng. Nếu chúng ta không nhẫn nại làm từng phép toán đơn giản thì không thể nào làm được những bài toán khó hơn.

Học tập là một quá trình dài và vất vả, nếu không kiên trì luyện tập, cố gắng học hành thì làm sao có thể đạt được kết quả tốt. Sự kiên trì của mỗi cá nhân sẽ lớn thêm từng ngày cùng với những thử thách của cuộc sống. Chỉ cần chúng ta lơ là một chút thôi thì sẽ bị thua cuộc và bỏ lại phía sau.

Đây mà một đức tính quan trọng và đầu tiên để giúp chúng ta có thể gặt hái thành công, bài học “Có công mài sắt, có ngày nên kim” vì thế đã được dạy ngay từ bài học đầu tiên của lớp 2 là để chúng ta nhận thức rõ về điều này.

Nói về lòng kiên trì, Bác Hồ cũng đã bằng những kinh nghiệp hoạt động cách mạng lâu dài của mình để dạy các thanh niên rằng:

“Không có việc gì khó
Chỉ sợ lòng không bền
Đào núi và lấp biển
Quyết chí ắt làm nên”

Câu tục ngữ ngắn gọn, súc tích nhưng bao hàm ý tứ sâu xa, là kết quả của một quá trình dài chiến đấu và lao động của ông cha ta nhằm khuyên nhủ mọi người phải kiên trì, nhẫn nại để có thể vượt qua những khó khăn trong cuộc sống, đi đến thành công.

Trong hoàn cảnh hiện nay, ngoài sự kiên trì, thế hệ trẻ cần phải tích cực học tập, nhạy bén với thời cuộc, không ngường sáng tạo để đạt hiệu quả cao nhất trong học tập và công việc, góp phần xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh.

Nghị luận Có công mài sắt có ngày nên kim - Mẫu 10

Trong cuộc sống, tất nhiên ai cũng muốn thành công, nhưng con đường dẫn đến thành công thường quanh co khúc khuỷu và lắm chông gai. Để động viên con cháu vững chí, bền gan phấn đấu và tin tưởng ở thắng lợi, ông cha ta có câu tục ngữ: Có công mài sắt, có ngày nên kim.

Câu tục ngữ nêu lên hai vế. Vế đầu là điều kiện: Có công mài sắt. Vế sau là kết quả đạt được: có ngày nên kim. Hai vế đều có bốn tiếng, trong đó hai tiếng một tương ứng với nhau: có công / có ngày, mài sắt / nên kim. Trong hoàn cảnh xã hội thời xưa, muốn biến sắt thành kim, không có phép màu nào cả ngoài công sức lao động cần cù của con người.

Ai cũng biết cây kim thật bé nhỏ nhưng cũng thật hoàn hảo. Thân kim tròn và nhỏ. Đầu kim nhọn, phần cuối có một lỗ bé xíu để luồn chỉ qua. Cây kim là một vật có ích được làm bằng sắt. Từ sắt nên kim là một quá trình tôi luyện, mài dũa công phu. Ai có công mài sắt sẽ có ngày nên kim. Đức kiên nhẫn, bền bỉ chính là yếu tố quan trọng dẫn đến thành công.

Thực tế cuộc sống cho ta thấy lời khẳng định trên là hoàn toàn có cơ sở. Trong lịch sử chống ngoại xâm, dân tộc ta thường phải thực hiện chiến lược trường kì kháng chiến. Từ cuộc kháng chiến chống quân Minh của vua tôi nhà Lê cách đây mấy thế kỉ cho đến cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mĩ của nhân dân ta trong suốt mấy chục năm qua, tất cả đều thể hiện ý chí, nghị lực kiên cường, bất khuất của toàn dân tộc. Cuối cùng, chúng ta đã thắng lợi vẻ vang, giữ vững chủ quyền độc lập, tự do thiêng liêng của đất nước.

Trong đời sống lao động sản xuất, nhân dân ta cũng đã thể hiện đức tính kiên nhẫn, bền bỉ đáng khâm phục. Nhìn con đê sừng sững ven sông Hồng chúng ta mới hiểu được tổ tiên ta đã kiên trì, nhẫn nại tới mức nào để tạo ra bức tường thành ngăn dòng nước lũ, bảo vệ mùa màng.

Trong học tập, đức kiên trì lại càng cần thiết để giúp ta thành công. Từ một em bé sáu tuổi vào học lớp Một, bắt đầu cầm phấn tập viết chữ O đầu tiên cho đến khi biết đọc, biết viết, biết làm toán rồi lần lượt mỗi năm một lớp, phải mất 12 năm mới tiếp thu xong những kiến thức phổ thông. Trong quá trình lâu dài ấy, nếu không kiên trì luyện tập, cố gắng học hành, làm sao có thể đạt được kết quả tốt.

Người bình thường đã vậy, với những người tật nguyền như Nguyễn Ngọc Kí, ý chí phấn đấu càng phải cao hơn gấp bội để vượt mọi khó khăn. Vốn bị liệt hai tay từ nhỏ, anh đã luyện viết và làm mọi việc bằng chân. Đức kiên trì đã giúp anh chiến thắng số phận. Anh học xong phổ thông, đại học và trở thành thầy giáo, một nhà giáo ưu tú.

Từ những kinh nghiệm đúc kết trong cuộc đời hoạt động cách mạng, Bác Hồ đã khuyên thanh niên:

Không có việc gì khó
Chỉ sợ lòng không bền.
Đào núi và lấp biển
Quyết chí ắt làm nên.

Việc tu dưỡng, rèn luyện của mỗi con người phải được tiến hành thường xuyên, liên tục. Kinh nghiệm của thế hệ trước sẽ là bài học quý báu, là lời cổ vũ động viên thanh thiếu niên không ngừng phấn đấu trong cuộc sống.

Câu tục ngữ ngắn gọn, súc tích nhưng bao hàm ý tứ sâu xa. Ông cha ta đã đúc kết kinh nghiệm từ cuộc sống chiến đấu và lao động, nhằm khuyên nhủ mọi người phải kiên trì, nhẫn nại để có thể vượt qua những khó khăn, thử thách, đi tới thành công.

Trong hoàn cảnh hiện nay, ngoài đức tính kiên trì nhẫn nại, theo em còn cần phải vận dụng óc thông minh, sáng tạo để đạt được hiệu quả cao nhất trong học tập, lao động; góp phần vào sự nghiệp xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh.

Suy nghĩ về câu tục ngữ Có công mài sắt có ngày nên kim

Nền văn học Việt Nam là một nền văn học đã theo suốt cả chiều dài lịch sử của dân tộc, luôn đi chung đường với Tổ quốc và đồng lòng với nhân dân. Mỗi chặng đường lịch sử, đều có những tác phẩm có giá trị mang đậm dấu ấn của lịch sử, đã đóng góp quan trọng cho văn học Việt Nam và nền văn học thế giới và sự tiến bộ của loài người.

Trong đó ca dao tục ngữ đã để lại dấu vết rõ rệt nhất trong ngôn ngữ văn học. Nó là những kinh nghiệm, bài học quý báu của cha ông từ xa xưa truyền miệng nhau thông qua câu ca dao, tục ngữ ngắn gọn mà ẩn chứa nhiều hàm ý giúp cho con cháu, thế hệ trẻ noi theo. Trong những câu ca dao đó tôi ấn tượng nhất là câu “Có công mài sắt có ngày nên kim”.

Đã là người Việt thì trong cuộc đời chưa ai chưa nghe qua câu ca dao này. Chỉ tám chữ ngắn gọn thế nhưng lại ẩn chứa một bài học quý giá cho bất kỳ ai gặp khó khăn. Nhìn bề ngoài một thanh sắt thô kệch, xấu xí tưởng chừng như vô dụng nhưng nhờ bàn tay khéo léo, kiên nhẫn và đánh đổi thời gian công sức mài giũa mới trở thành cây kim sáng bóng, sắc bén giúp người thợ may làm ra những bộ trang phục đẹp.

Câu ca dao không phải là một sự phê phán về việc tốn thời gian để tạo ra một thứ nhỏ bé. Nó cũng không phải là nói về những người rỗi việc ngồi làm chiếc kim bằng mài dũa. Thay vì thế, hãy nghĩ đến những chiều hướng sâu xa hơn, rộng lớn hơn. Mượn hình ảnh đồ vật “thanh sắt” và “cây kim” đối lập nhau để mô tả hết sức sinh động về tính kiên nhẫn của con người khi gặp khó khăn. “ Thanh sắt” như đại diện cho khó khăn thử thách của con người khi gặp phải. “ cây kim” tượng trưng cho thành quả kết quả cuối cùng của ta khi vượt qua khó khăn.

Ông cha ta mượn hình ảnh quen thuộc gần gũi trong cuộc sống để đề cao giá trị của sự bền bỉ, lòng kiên trì trong mỗi con người. Đời người là một con đường dài, có bằng phẳng cũng có gập ghềnh. Đoạn đường khó đi đó như những khó khăn ta phải đối mặt, hãy vững bước đi về phía trước ta có thể đi chậm hơn, tạm dừng lại để nghỉ ngơi nhưng tuyệt đối đừng quay đầu lại và vội vàng bỏ cuộc sớm.

Dù hoàn cảnh khiến chúng ta không có quyền lựa chọn được con đường trước mặt nhưng chúng ta sẽ cố gắng khiến nó trở nên có ý nghĩa hơn bằng tất cả nỗ lực và ý chí bất phục. Bên cạnh đó vẫn tồn tại một số thành phần trong xã hội có tính cách thiếu kiên nhẫn khi làm việc, ỷ lại người khác, nghe theo sự sắp đặt mà không có chính kiến, lười biếng thấy khó liền bỏ chạy. Những người như vậy thật đáng chê trách và lên án.

Câu ca dao là một bài học ý nghĩa sâu sắc với tất cả mọi người được cha ông ta đúc kết lâu đời trong quá trình lao động, kinh nghiệm chiến đấu, sản xuất và cả trong đời thường cuộc sống của ông cha ta. Hãy biết tu dưỡng, rèn luyện những đức tính, phẩm chất kiên trì, nhẫn nại, chịu khó, cần cù, sáng tạo, chăm chỉ. Bởi nó là một đức tính không thể thiếu được ở mỗi người chúng ta từ lúc còn nhỏ đến lúc trưởng thành và cho đến khi vào đời.

Liên kết tải về

pdf Văn mẫu lớp 9: Nghị luận Có công mài sắt có ngày nên kim
doc Văn mẫu lớp 9: Nghị luận Có công mài sắt có ngày nên kim 1

Chủ đề liên quan

Học tập

Lớp 9

Văn 9

Chia sẻ

Chia sẻ qua Facebook Chia sẻ

Liên hệ hợp tác hoặc quảng cáo: gmail

Điều khoản dịch vụ

Copyright © 2021 HOCTAPSGK