Nghị luận Cảnh ngày hè hay nhất (2 Mẫu) - Văn 10

Văn mẫu lớp 10: Nghị luận bài Cảnh ngày hè

Nghị luận văn học Cảnh ngày hè

Nghị luận văn học Cảnh ngày hè của Nguyễn Trãi gồm dàn ý chi tiết kèm theo 2 bài văn hay, ấn tượng nhất được Download.vn tuyển chọn từ bài làm đạt điểm cao của các bạn học sinh. Thông qua 2 bài nghị luận Cảnh ngày hè các bạn có thêm nhiều gợi ý tham khảo, hình dung được cách thức, các bước đi và hướng giải quyết vấn đề nêu ra trong đề bài. Từ đó nhanh chóng viết thành một bài văn hoàn chỉnh, hay.

Nghị luận bài Cảnh ngày hè để thấy được nỗi niềm tâm sự của Nguyễn Trãi trong thời gian ở Côn Sơn với tấm lòng yêu nước thương dân vẫn ngày đêm “cuồn cuộn nước triều Đông”. Ông yêu thiên nhiên cây cỏ say đắm. Và có lẽ chính thiên nhiên đã cứu Nguyễn Trãi thoát khỏi những phút giây bi quan của cuộc đời mình. Ngoài ra các bạn lớp 10 xem thêm bài văn mẫu: Phân tích Cảnh ngày hè, cảm nhận Cảnh ngày hè.

Dàn ý nghị luận Cảnh ngày hè

1. Mở bài

Giới thiệu tác giả, tác phẩm: Nguyễn Trãi một nhà thơ, nhà văn tài năng kiệt xuất của dân tộc, ông đã có nhiều đóng góp lớn cho nền văn học nước nhà. Cảnh ngày hè một bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp và tấm lòng yêu nước thương dân của tác giả.

2. Thân bài

- Bức tranh cảnh ngày hè nổi lên với bức tranh thiên nhiên ngày hè rực rỡ:

Cây hòe có sức sống mãnh liệt giờ tán là xanh che phủ cả khoảng không gian.

Sắc đỏ của cây thạch lựu tô đậm thêm cho khung cảnh ngày hè.

Hương hoa sen tỏa ngát bay theo làn gió.

→ Cảnh vật ngày hè tươi tắn tràn đầy sức sống.

- Nghệ thuật ngôn từ được sử dụng:

Từ láy: đùn đùn, lao xao, dắng dỏi…: Cảnh ngày hè xôn xao, náo nức, không khí rất nhộn nhịp.

Động từ: rợp, đùn, tiễn đưa khiến cho người đọc thấy được cảm giác sức sống trỗi dậy của cảnh vật mùa hè.

- Nhà thơ đã cảm nhận cái tinh tế, thú vị của ngày hè qua thị giác và thính giác:

Nhà thơ nhìn những tán là xanh cây hòe, màu đỏ rực của thạch lựu, tiếng ve kêu ran cả khoảng không gian và hình ảnh người dân làng chài mỗi sớm thức dậy và bóng người kéo lưới buổi chiều ta.

Ngày hè cảm nhận qua thính giác khi nhà thơ thấy được hương sen thoảng theo gió.

→ Tâm hồn nhà thơ Nguyễn Trãi được hòa vào thiên nhiên, nói lên được tác giả là người rất yêu đời, yêu cuộc sống.

- Tình yêu nước thương dân của Nguyễn Trãi:

Phong thái ung dung tự tại của nhà thơ khi về ở ẩn không muốn vướng bận đến chuyện quan trường.

Nhưng trong thâm tâm ông luôn nghĩ về dân, lo cho dân, lo cho nước, ông luôn khao khát nhân dân được hưởng một cuộc sống thái bình, no đủ.

Ca ngợi các đời vua ngự trị anh minh mang đến cuộc sống hạnh phúc, ấm no.

3. Kết bài

Nhấn mạnh lại tình yêu thiên nhiên của tác giả đồng ca ngợi đức tính tốt đẹp của bậc thi nhân dù xin cáo quan về ở ẩn nhưng vẫn một lòng lo cho sự nghiệp chung đất nước.

Nghị luận bài Cảnh ngày hè

Thiên nhiên là nguồn cảm hứng thơ bất tận, để người nghệ sĩ mài mực viết nên những trang hoa tờ hoa của mình. Đến với Cảnh ngày hè người đọc bắt gặp một bức tranh thiên nhiên mới mẻ, sinh động, giàu sức sống nội lực toát ra từ chính cảnh vật. Điều khiến bài thơ trở nên đặc biệt là ở chỗ, bức tranh cảnh ngày hè được pha trộn giữa những đường nét mới mẻ hiện đại, đậm chất sống nguyên sơ của cuộc sống đời thường - điều vô cùng hạn chế trong văn học trung đại, kết hợp với chất liệu cổ điển của một mùa hè đã đi vào điển tích, từ đó khiến bài thơ mang đậm dấu ấn riêng của hồn thơ Nguyễn Trãi.

“Rồi hóng mát thuở ngày trường”

Với cương vị là một bậc công thần của dân tộc, ngày ngày mang vác trên vai gánh nặng chính sự, quốc sự thì hình ảnh Nguyễn Trãi trong câu thơ đầu này quả thực có chút lạ lẫm. Nhưng “Hóng mát thuở ngày trường”, phần nào cho người đọc thấy một tâm thế khác của Nguyễn Trãi, ông phải chăng đã tạm gác việc triều chính, thế sự nhiễu nhương sang một bên, tạm lánh đục về trong, sống đời sống của một hiền nhân thanh cao không vướng bụi trần. Phần nào có lẽ cũng vì thế, mà tâm hồn thi sĩ, tình yêu thiên nhiên trong thi nhân đã khiến những cảnh sắc thiên nhiên vốn thân thuộc, bình dị trở nên mơn mởn sức sống sức xanh:

“Hòe lục đùn đùn tán rợp giương
Thạch lựu hiên còn phun thức đỏ
Hồng liên trì đã tiễn mùi hương”

Nếu trong thơ Mới ta bắt một thế giới hữu sắc đa hương, mang đậm dấu ấn cá nhân của người nghệ sĩ thì ngược dòng thời gian trở về trước, văn học trung đại còn kiềm tỏa sự sáng tạo và cái tôi nghệ thuật. Thiên nhiên cũng không được tự do thể hiện bản sắc đa dạng và sức sống nội lực của nó, thiên nhiên trong văn học trung đại vẫn là những ước lệ điển hình mà người sau kẻ trước noi theo. Thế nhưng, đến với Cảnh ngày hè của Nguyễn Trãi, ta dường như cảm nhận được một nội lực khác tỏa ra từ bài thơ. Vẫn là những hình ảnh quen thuộc của thiên nhiên ngày hè, nào hòe, nào lựu, và cả hồng liên trì. Cái mới lạ ở đây là cách Nguyễn Trãi gọi dậy sức sống ở trong từng loại thảo mộc, là ở ngòi bút rất có hồn của thi nhân như đã điểm bút lực vào cho cả những thứ tưởng rất đỗi vô tri. Các động từ mạnh “đùn đùn, phun, tiễn” cho thấy sức sống căng tràn, dồi dào, thấy được nhựa sống đang lên trong lòng vạn vật. Thơ trung đại ưa vẻ đẹp của cái tĩnh, thanh trong vị, đạm trong màu sắc, ít khi nào ta thấy thiên nhiên trong thơ trung đại có những chuyển động mạnh, ấy vậy mà trong thơ Nguyễn Trãi sự sống như đang phun trào từ chính bản thân của cảnh vật. Đó không chỉ là sức sống, mà còn là nội lực sống căng tràn, tưởng như đang chảy tràn trên trang sách. Nghe thấy được những chuyển động tế vi, mạch sống quý giá ấy bên trong cảnh vật thiên nhiên, Nguyễn Trãi qủa nhiên phải là một hồn thơ vô cùng tinh tế với những sợi tơ đàn bén nhạy đến độ. Có được cảm quan đó, hẳn đấy phải là một tâm hồn yêu thiên nhiên, và rạo rực với niềm tin vào cuộc sống, vào dòng lưu chuyển đất trời. Thiên nhiên trong thơ Nguyễn Trãi nhờ những chuyển động mạnh mẽ đầy nội lực ấy mà bớt đi vẻ đài các cao sang ước lệ của văn chương cổ điển, mà mang đậm hơi thở của cuộc sống:

“Lao xao chợ cá làng ngư phủ
Dắng dỏi cầm ve lầu tịch dương”.

Ở trên là bức tranh thiên nhiên rạo rực sức sống, thì ở dưới là hình ảnh cuộc sống bình dị, câu trên là dân dã thường ngày câu dưới lại vẫn pha chút ước lệ cổ điển của văn học trung đại. Rõ ràng, trong tâm niệm của người Việt, hình ảnh chợ biểu hiện phần nào chất lượng cuộc sống, ở câu thơ này, chợ cá “lao xao”, phần nào thấy được cuộc sống no đủ, tấp nập, buôn bán huyên náo của người dân chứ không còn “lác đác bên sông chợ mấy nhà nữa”. Chính những gợi ý nho nhỏ từ câu thơ này, mà ở dưới mong ước của bậc trung quân, yêu nước thương dân càng thêm sâu sắc, rõ nét:

“Dẽ có Ngu cầm đàn một tiếng
Dân giàu đủ khắp đòi phương".

Điển tích đàn Ngu cầm của vua Nghiêu Thuấn là hình ảnh về đời sống nhân dân an cư lạc nghiệp, thái bình thịnh trị. Từ đây, có thể hiểu tấm lòng tác giả đó là ông khao khát, mong muốn, mong mỏi nhân dân có cuộc sống an lạc, thái bình, không trải qua cảnh binh đao giày xéo. Chính ước mơ ấy đã phần nào giúp ta hiểu hơn về tấm lòng Nguyễn Trãi, một nhà thơ vĩ đại có một tấm lòng nhân đạo cao cả. Ông luôn nghĩ đến cuộc sống của nhân dân, chăm lo đến cuộc sống của họ.

Bằng việc sử dụng sinh động, linh hoạt các động từ mạnh mang đến nội lực từ bên trong sự vật, Nguyễn Trãi dường như không chỉ đang khắc họa bức tranh mùa hè mà còn đang khiến sự vật tự họa mình trên trang viết, tự thể hiện sức sống nội lực, căng tràn của chính nó, có lẽ vì thế mà dẫu sử dụng kết hợp một vài chất liệu cổ điển đã cũ đã quen, bài thơ của Nguyễn Trãi vẫn để lại dấu ấn riêng của hồn thơ ông. Đặc biệt, đằng sau bức tranh thiên nhiên, điều đọng lại làm xúc động trái tim người đọc là tấm lòng lo cho nước, thương dân của nhà thơ.

Bằng chiếc thuyền tâm hồn có mái chèo là ngòi bút, Nguyễn Trãi đã mang cả tâm hồn yêu thiên nhiên và cái đẹp vào trang viết, để khiến sự vật như hồi sinh và thể hiện sức sống nội lực bên trong cảnh vật. Bên cạnh đó, một cách giản dị và sâu sắc bài thơ còn khiến người đọc thêm ngậm ngùi và thấm thía bởi tấm lòng cao cả của Nguyễn Trãi khi luôn một lòng yêu nước, thương dân.

Nghị luận bài thơ Cảnh ngày hè

Nhắc đến Nguyễn Trãi người ta không chỉ nghĩ ngay đến một nhà quân sư, một nhà chính trị lỗi lạc mà còn nhắc đến một nghệ sĩ với tâm hồn tài ba, say mê cái đẹp, tha thiết với cuộc sống con người. Vẻ đẹp đó được thể hiện rõ nét qua bài thơ "Cảnh ngày hè", sức hút bài thơ vẫn là sức hút bông hoa nhân cách, một tâm hồn lộng gió của thời đại"- Phạm Văn Đồng đã nói về Nguyễn Trãi.

Được viết trong thời gian Nguyễn Trãi về ở ẩn chốn Côn Sơn, xa lánh chốn quan trường, làm bạn với thiên nhiên thôn dã để di dưỡng tinh thần. Qua bài thơ ta không chỉ thấy được hiện thực cuộc sống nhà thơ miêu tả, chúng ta còn cảm nhận được vẻ đẹp tâm hồn của thi sĩ. Vì vậy, không phải ngẫu nhiên mà có ý kiến cho rằng:

"Người thơ phong vận như nhà thơ ấy"

Đến với cảnh ngày hè, ta cảm nhận được ở Nguyễn Trãi một tâm hồn đầy tinh tế, yêu thiên nhiên tha thiết, có sự giao hòa cao độ với thiên nhiên, đằng sau đó là một tinh thần lạc quan, một nghị lực sống mạnh mẽ.

"Rồi hóng mát………………..
………………lầu tịch dương".

Với tâm hồn tinh tế yêu thiết tha cảnh sắc thiên nhiên, quê hương, đất nước, Nguyễn Trãi đã tái hiện lại cảnh bức tranh mùa hè sinh động tươi mới với lòng yêu đời, cuộc sống. Một bức tranh đẹp vì nó là bức tranh có những gam màu nóng của mùa hè (lục - đỏ - hồng) tươi tắn, có hình khối, đường nét, đậm đà bất tận hương vị. Bức tranh là hình ảnh được cảm nhận bằng những giác quan: thị giác, khứu giác và bằng tất cả mọi sự tinh nhạy của tâm hồn người thi sĩ với những cảm nhận sâu sắc nhất.

Đặt bài thơ trong hoàn cảnh sáng tác Nguyễn Trãi phải cáo quan về ở ẩn trong tâm trạng không thanh thản. Khi đó, ta thấy được tinh thần lạc quan, nghị lực sống của thi nhân. Nhà thơ lắng nghe cuộc sống, nhịp sống tươi vui, ấm áp "lao xao, dắng dỏi" như đứng từ xa quan sát trong âm thanh không gian tươi vui cuộc sống bình yên. Âm thanh làm nên bức tranh sống động có đủ chiều rộng lẫn chiều sâu.

Đó còn là tấm lòng luôn lo lắng cho nhân dân, đất nước "yêu nước, thương dân", luôn "lo trước nỗi buồn thiên hạ, vui sau nỗi buồn thiên hạ". Vẻ đẹp ấy được thể hiện qua khát vọng lớn lao đầy cao cả.

"Dẽ có ngu……………….
…………….đòi phương "

Bằng bút pháp liên tưởng, nhà thơ liên tưởng đến cây đàn, khúc Nam Phong thời vua Ngu Thuấn mong muốn hạnh phúc cho muôn dân. Nhà thơ khát vọng, ý thức cuộc sống hạnh phúc, vững bền, nhân dân ấm no muôn đời. Đó là khát vọng của một nhà thơ " yêu nước, thương dân", "trung quân, ái quốc".

Nguyễn Trãi đã từng nói: "Dám mong bệ hạ chăm dắt cho muôn dân để khắp thôn cùng ngõ vắng không có tiếng hờn giận oán sầu. Chấm ấy là cái gốc nhạc vậy". Với Nguyễn Trãi thứ âm nhạc kì diệu nhất chính là tiếng bình yên, no đủ, ấm áp không có sự hờn giận oán sầu.

Khát vọng của Nguyễn Trãi sánh ngang tầm với những bậc hiền tài yêu nước thương dân. Khát vọng lí tưởng của một bậc quân vương thuộc con người đời thường với tinh thần nhân đạo, nhân nghĩa, khao khát về cuộc sống bình yên.

Bằng những câu thơ lục ngôn xen lẫn thất ngôn ngắn gọn thể hiện sự dồn nén cảm xúc, bài thơ "Cảnh ngày hè" đã khẳng định lại tâm hồn Nguyễn Trãi, một vẻ đẹp tâm hồn, sự kết tinh vẻ đẹp con người trần thế, con người vĩ đại, vẻ đẹp của một anh hùng ca.

Liên kết tải về

pdf Văn mẫu lớp 10: Nghị luận bài Cảnh ngày hè
doc Văn mẫu lớp 10: Nghị luận bài Cảnh ngày hè 1

Chủ đề liên quan

Học tập

Lớp 10

Văn mẫu 10 KNTT

Chia sẻ

Chia sẻ qua Facebook Chia sẻ

Liên hệ hợp tác hoặc quảng cáo: gmail

Điều khoản dịch vụ

Copyright © 2021 HOCTAPSGK