Trang chủ Tài liệu Văn bản Pháp luật

Nghị định 67/2013/NĐ-CP - thuviensachvn.com

Nghị định 67/2013/NĐ-CP

Hướng dẫn Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá về kinh doanh thuốc lá

Nghị định 67/2013/NĐ-CP hướng dẫn Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá về kinh doanh thuốc lá do Chính phủ ban hành.

CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
----------------------------

Số: 67/2013/NĐ-CP

Hà Nội, ngày 27 tháng 06 năm 2013

NGHỊ ĐỊNH

QUY ĐỊNH CHI TIẾT MỘT SỐ ĐIỀU VÀ BIỆN PHÁP THI HÀNH LUẬT PHÒNG, CHỐNG TÁC HẠI CỦA THUỐC LÁ VỀ KINH DOANH THUỐC LÁ

Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Luật phòng, chống tác hại thuốc lá ngày 18 tháng 6 năm 2012;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công Thương,

Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá về kinh doanh thuốc lá.

Chương 1.

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá về kinh doanh thuốc lá về:

1. Điều kiện sản xuất, mua bán thuốc lá, chế biến nguyên liệu thuốc lá, đầu tư vùng trồng và kinh doanh nguyên liệu thuốc lá, tiêu thụ sản phẩm thuốc lá; xuất khẩu, nhập khẩu máy móc, thiết bị, nguyên phụ liệu thuốc lá và sản phẩm thuốc lá; phòng, chống buôn lậu và gian lận thương mại.

2. Đầu tư sản xuất sản phẩm thuốc lá, chế biến nguyên liệu thuốc lá, liên doanh sản xuất thuốc lá, chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp, chuyển quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp sản xuất thuốc lá.

3. Sản xuất, gia công thuốc lá xuất khẩu; chế biến, gia công chế biến nguyên liệu thuốc lá xuất khẩu.

4. Kiểm soát sản lượng thuốc lá tiêu thụ trong nước, công bố sản lượng thuốc lá được phép sản xuất và nhập khẩu.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Nghị định này áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động kinh doanh thuốc lá và các hoạt động khác có liên quan đến kinh doanh thuốc lá trên lãnh thổ Việt Nam.

2. Thương nhân nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam chịu sự điều chỉnh của Nghị định này và các văn bản pháp luật khác liên quan.

3. Nghị định này không áp dụng đối với việc nhập khẩu sản phẩm thuốc lá, kinh doanh sản phẩm thuốc lá tại cửa hàng miễn thuế (Duty Free Shop). Hoạt động kinh doanh thuốc lá tại khu phi thuế quan thực hiện theo quy định riêng của Thủ tướng Chính phủ.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Nghị định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. “Lá thuốc lá” là lá của cây thuốc lá có tên khoa học là Nicotiana tabacum L và Nicotiana rustica L là nguyên liệu đầu vào của quá trình chế biến nguyên liệu thuốc lá.

2. “Sản phẩm thuốc lá” là sản phẩm được sản xuất từ toàn bộ hay một phần nguyên liệu thuốc lá và được chế biến dưới dạng thuốc điếu, xì gà, thuốc lá sợi dùng để hút tẩu và các dạng sản phẩm khác đùng để hút, nhai, ngửi.

3. “Sợi thuốc lá” là sản phẩm được chế biến từ lá thuốc lá sau khi đã qua các công đoạn thái thành sợi.

4. “Thuốc lá sợi” là sản phẩm thuốc lá được sản xuất từ toàn bộ hoặc một phần nguyên liệu thuốc lá và được chế biến dưới dạng sợi thuốc lá dùng để hút tẩu, cuốn điếu để hút, nhai.

5. “Phụ liệu thuốc lá” là tất cả các loại vật tư khác ngoài nguyên liệu thuốc lá được sử dụng để sản xuất các sản phẩm thuốc lá.

6. “Thương mại nhà nước trong nhập khẩu sản phẩm thuốc lá” là cơ chế nhập khẩu trên cơ sở Nhà nước chỉ định doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu sản phẩm thuốc lá.

7. “Sản lượng thuốc lá được phép sản xuất và nhập khẩu” là sản lượng của doanh nghiệp có giấy phép sản xuất thuốc lá được phép sản xuất hoặc nhập khẩu để tiêu thụ trong nước.

8. “Chế biến nguyên liệu thuốc lá” là hoạt động chế biến được thực hiện trên dây chuyền máy móc, thiết bị để tạo ra nguyên liệu thuốc lá.

9. “Nhà cung cấp sản phẩm thuốc lá” là doanh nghiệp sản xuất sản phẩm thuốc lá hoặc doanh nghiệp nhập khẩu sản phẩm thuốc lá hoặc chi nhánh, công ty trực thuộc doanh nghiệp sản xuất sản phẩm thuốc lá.

10. “Thương nhân phân phối sản phẩm thuốc lá” là thương nhân mua sản phẩm thuốc lá trực tiếp từ Nhà cung cấp sản phẩm thuốc lá để bán cho các thương nhân bán buôn sản phẩm thuốc lá.

11. “Thương nhân bán buôn sản phẩm thuốc lá” là thương nhân mua sản phẩm thuốc lá từ thương nhân phân phối sản phẩm thuốc lá và Nhà cung cấp sản phẩm thuốc lá để bán cho các thương nhân bán lẻ sản phẩm thuốc lá.

12. “Thương nhân bán lẻ sản phẩm thuốc lá” là thương nhân mua sản phẩm thuốc lá từ thương nhân bán buôn sản phẩm thuốc lá để bán trực tiếp cho người tiêu dùng.

13. “Đầu tư trồng cây thuốc lá” là việc doanh nghiệp bỏ vốn, kỹ thuật để tiến hành các hoạt động trồng, chăm sóc và thu hoạch các nguyên liệu lá thuốc lá hoặc trực tiếp bỏ vốn (tiền mặt, vật tư, hàng hóa...), kỹ thuật cho người trồng cây thuốc lá để tiến hành các hoạt động trồng, chăm sóc và thu hoạch thuốc lá.

14. “Năng lực sản xuất sản phẩm thuốc lá” là khả năng của máy móc, thiết bị đồng bộ để sản xuất sản phẩm thuốc lá.

Điều 4. Nguyên tắc quản lý kinh doanh thuốc lá

1. Nhà nước thống nhất quản lý đối với các hoạt động đầu tư, sản xuất, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu thuốc lá và các hoạt động khác liên quan đến kinh doanh thuốc lá và nguyên liệu thuốc lá.

2. Thuốc lá thuộc nhóm hàng hóa nhà nước hạn chế kinh doanh. Tổ chức, cá nhân sản xuất, mua bán thuốc lá; chế biến nguyên liệu thuốc lá, mua bán nguyên liệu thuốc lá và đầu tư trồng cây thuốc lá phải có giấy phép.

3. Nhà nước thực hiện kiểm soát về mức cung cấp thuốc lá ra thị trường (bao gồm sản lượng sản xuất và nhập khẩu thuốc lá); thực hiện thương mại nhà nước đối với nhập khẩu; kiểm soát việc tiêu thụ sản phẩm thuốc lá trên thị trường để giảm tác hại của thuốc lá.

4. Nhà nước tổ chức, sắp xếp lại các doanh nghiệp sản xuất thuốc lá theo hướng sắp xếp các doanh nghiệp kinh doanh không hiệu quả thành các doanh nghiệp đủ mạnh, có khả năng cạnh tranh trong nước và quốc tế.

5. Nhà nước kiểm soát chặt chẽ việc mua bán sản phẩm thuốc lá thông qua Quy hoạch hệ thống mạng lưới mua bán sản phẩm thuốc lá.

6. Máy móc, thiết bị chuyên ngành thuốc lá, nguyên liệu, giấy cuốn điếu, thuốc lá là hàng hóa thuộc diện quản lý chuyên ngành của Bộ Công Thương.

Chương 2.

ĐẦU TƯ, MUA BÁN VÀ CHẾ BIẾN NGUYÊN LIỆU THUỐC LÁ

Điều 5. Đầu tư trồng cây thuốc lá và sử dụng giống cây thuốc lá

1. Việc đầu tư phát triển vùng trồng cây thuốc lá ở từng địa phương phải phù hợp với quy hoạch vùng nguyên liệu thuốc lá được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt và quy hoạch sử dụng đất ở từng địa phương.

2. Việc sử dụng giống cây thuốc lá phải thực hiện theo các quy định của pháp luật về quản lý giống cây trồng.

Điều 6. Phân cấp nguyên liệu thuốc lá

1. Người trồng cây thuốc lá, doanh nghiệp trồng, chế biến, kinh doanh nguyên liệu thuốc lá phải tiến hành phân cấp nguyên liệu thuốc lá theo quy định của pháp luật.

2. Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan xây dựng tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia về phân cấp nguyên liệu thuốc lá.

Điều 7. Điều kiện cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện đầu tư trồng cây thuốc lá

Điều kiện để được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện đầu tư trồng cây thuốc lá, bao gồm:

1. Có đăng ký kinh doanh mặt hàng nguyên liệu thuốc lá.

2. Điều kiện về quy mô đầu tư, cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật và con người:

a) Có quy mô đầu tư trồng cây thuốc lá tại địa phương ít nhất 100 ha mỗi năm;

b) Diện tích của cơ sở kinh doanh nguyên liệu bao gồm khu phân loại, đóng kiện và kho nguyên liệu phù hợp với quy mô kinh doanh;

c) Có kho nguyên liệu thuốc lá với tổng diện tích không dưới 500m2. Kho phải có hệ thống thông gió và các trang thiết bị phù hợp yêu cầu bảo quản nguyên liệu thuốc lá bao gồm: Các nhiệt kế, ẩm kế kiểm tra nhiệt độ và độ ẩm tương đối của không khí trong kho, các phương tiện phòng, chống sâu, mối, mọt; phải có đủ các giá hoặc bục, kệ đỡ kiện nguyên liệu thuốc lá được sắp xếp cách mặt nền tối thiểu 20cm và cách tường, cột tối thiểu 50cm;

d) Người lao động có nghiệp vụ, chuyên môn, kinh nghiệm nghề nghiệp để quản lý đầu tư, hỗ trợ kỹ thuật và thu mua nguyên liệu, trình độ phải được đào tạo về kỹ thuật nông nghiệp từ trung cấp trở lên. Đảm bảo 01 (một) cán bộ kỹ thuật quản lý tối đa 50 ha ruộng trồng cây thuốc lá.

3. Điều kiện về quy trình kinh doanh nguyên liệu thuốc lá.

Phải có hợp đồng đầu tư trồng cây thuốc lá với người trồng cây thuốc lá phù hợp với quy mô kinh doanh.

4. Điều kiện về bảo vệ môi trường, phòng, chống cháy nổ.

Phải có đầy đủ các phương tiện, thiết bị phòng cháy, chữa cháy, bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật.

Điều 8. Hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện đầu tư trồng cây thuốc lá

1. Đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện đầu tư trồng cây thuốc lá.

2. Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

3. Bảng kê diện tích, sơ đồ kho tàng, nhà xưởng, văn phòng làm việc và các khu phụ trợ khác.

4. Bảng kê trang thiết bị: Hệ thống thông gió, phương tiện, thiết bị phòng cháy, chữa cháy, ẩm kế, nhiệt kế, các phương tiện phòng, chống sâu, mối, mọt; các giá hoặc bục, kệ đỡ kiện thuốc lá.

5. Bản kê danh sách lao động, bản sao hợp đồng lao động, văn bằng chứng chỉ được đào tạo về kỹ thuật nông nghiệp từ trung cấp trở lên đối với cán bộ quản lý đầu tư, hỗ trợ kỹ thuật và thu mua nguyên liệu.

6. Bản sao hợp đồng đầu tư trồng cây thuốc lá với người trồng cây thuốc lá và bản kê tổng hợp diện tích trồng, dự kiến sản lượng nguyên liệu lá thuốc lá.

Điều 9. Điều kiện cấp Giấy phép mua bán nguyên liệu thuốc lá

1. Doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật, có đăng ký kinh doanh mặt hàng nguyên liệu thuốc lá.

2. Có địa điểm kinh doanh cố định, địa chỉ rõ ràng.

3. Điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị con người:

a) Có phương tiện vận tải phù hợp với quy mô kinh doanh của doanh nghiệp; đáp ứng yêu cầu bảo quản chất lượng của nguyên liệu thuốc lá trong thời gian vận chuyển;

b) Có kho nguyên liệu thuốc lá với tổng diện tích không dưới 1.000m2. Kho phải có hệ thống thông gió và các trang thiết bị phù hợp yêu cầu bảo quản nguyên liệu thuốc lá bao gồm: Các nhiệt kế, ẩm kế kiểm tra nhiệt độ và độ ẩm tương đối của không khí trong kho, các phương tiện phòng, chống sâu, mối, mọt; phải có đủ các giá hoặc bục, kệ đỡ kiện nguyên liệu thuốc lá được sắp xếp cách mặt nền tối thiểu 20cm và cách tường, cột tối thiểu 50cm;

c) Người lao động có nghiệp vụ, chuyên môn, được đào tạo về kỹ thuật nông nghiệp từ trung cấp trở lên.

4. Có hợp đồng nhập khẩu ủy thác nguyên liệu thuốc lá với doanh nghiệp sản xuất sản phẩm thuốc lá, doanh nghiệp chế biến nguyên liệu thuốc lá hoặc hợp đồng xuất khẩu ủy thác nguyên liệu thuốc lá với doanh nghiệp đủ điều kiện đầu tư trồng cây thuốc lá, doanh nghiệp chế biến nguyên liệu thuốc lá.

5. Điều kiện về bảo vệ môi trường, phòng, chống cháy nổ.

Phải có đầy đủ các phương tiện, thiết bị phòng cháy, chữa cháy, bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật.

Điều 10. Hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép mua bán nguyên liệu thuốc lá

1. Đơn đề nghị cấp Giấy phép mua bán nguyên liệu thuốc lá.

2. Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

3. Bảng kê diện tích, sơ đồ kho tàng, văn phòng làm việc và các khu phụ trợ khác, phương tiện vận tải.

4. Bảng kê trang thiết bị: Hệ thống thông gió, phương tiện, thiết bị phòng cháy, chữa cháy, ẩm kế, nhiệt kế, các phương tiện phòng, chống sâu, mối, mọt; các giá hoặc bục, kệ đỡ kiện thuốc lá.

5. Bản kê danh sách lao động, bản sao hợp đồng lao động, văn bằng chứng chỉ được đào tạo về kỹ thuật nông nghiệp từ trung cấp trở lên đối với cán bộ thu mua nguyên liệu.

6. Bản sao hợp đồng nhập khẩu ủy thác nguyên liệu thuốc lá với doanh nghiệp sản xuất sản phẩm thuốc lá, doanh nghiệp chế biến nguyên liệu thuốc lá hoặc hợp đồng xuất khẩu ủy thác nguyên liệu thuốc lá với doanh nghiệp đủ điều kiện đầu tư trồng cây thuốc lá, doanh nghiệp chế biến nguyên liệu thuốc lá.

Điều 11. Thẩm quyền, trình tự cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện đầu tư trồng cây thuốc lá, Giấy phép mua bán nguyên liệu thuốc lá

1. Thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện đầu tư trồng cây thuốc lá, Giấy phép mua bán nguyên liệu thuốc lá.

Sở Công Thương tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là Sở Công Thương) là cơ quan cấp, cấp lại, sửa đổi bổ sung Giấy chứng nhận đủ điều kiện đầu tư trồng cây thuốc lá, Giấy phép mua bán nguyên liệu thuốc lá cho doanh nghiệp có trụ sở chính đóng trên địa bàn tỉnh mình để đầu tư trồng cây thuốc lá, mua bán nguyên liệu thuốc lá.

2. Trình tự cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện đầu tư trồng cây thuốc lá, Giấy phép mua bán nguyên liệu thuốc lá:

a) Doanh nghiệp đầu tư trồng cây thuốc lá, doanh nghiệp mua bán nguyên liệu thuốc lá nộp 01 bộ hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện đầu tư trồng cây thuốc lá, Giấy phép mua bán nguyên liệu thuốc lá cho Sở Công Thương;

b) Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Sở Công Thương xem xét và cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện đầu tư trồng cây thuốc lá, Giấy phép mua bán nguyên liệu thuốc lá. Trường hợp doanh nghiệp không đáp ứng được điều kiện theo quy định, Sở Công Thương sẽ có văn bản trả lời từ chối cấp phép và nêu rõ lý do;

c) Trường hợp chưa đủ hồ sơ hợp lệ, trong vòng 05 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ, Sở Công Thương có văn bản yêu cầu doanh nghiệp bổ sung.

3. Lập và lưu giữ Giấy chứng nhận đủ điều kiện đầu tư trồng cây thuốc lá, Giấy phép mua bán nguyên liệu thuốc lá.

Giấy chứng nhận đủ điều kiện đầu tư trồng cây thuốc lá, Giấy phép mua bán nguyên liệu thuốc lá được lập thành 04 bản: 02 bản lưu tại Sở Công Thương, 01 bản gửi Bộ Công Thương, 01 bản gửi doanh nghiệp được cấp.

4. Giấy chứng nhận đủ điều kiện đầu tư trồng cây thuốc lá, Giấy phép mua bán nguyên liệu thuốc lá có thời hạn 05 năm. Trước thời điểm hết hiệu lực của giấy phép 30 ngày, tổ chức, cá nhân nộp 01 bộ hồ sơ xin cấp lại Giấy chứng nhận đủ điều kiện đầu tư trồng cây thuốc lá, Giấy phép mua bán nguyên liệu thuốc lá trong trường hợp tiếp tục hoạt động. Hồ sơ, trình tự thủ tục cấp lại được quy định tại Điều 39 của Nghị định này.

Điều 12. Điều kiện cấp Giấy phép chế biến nguyên liệu thuốc lá

1. Là doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật, có đăng ký kinh doanh chế biến nguyên liệu thuốc lá.

2. Điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật và con người:

a) Diện tích của cơ sở chế biến nguyên liệu bao gồm khu phân loại, khu chế biến, đóng kiện và kho nguyên liệu phải phù hợp với quy mô kinh doanh, có tổng diện tích không dưới 5.000 m2;

b) Có kho riêng cho nguyên liệu thuốc lá chưa chế biến và đã qua chế biến phù hợp với quy mô kinh doanh. Kho phải có hệ thống thông gió, các nhiệt kế, ẩm kế để kiểm tra nhiệt độ và độ ẩm tương đối của không khí trong kho, các phương tiện phòng, chống sâu, mối, mọt; phải có đủ các giá hoặc bục, kệ đỡ kiện thuốc lá được sắp xếp cách mặt nền tối thiểu 20cm và cách tường, cột tối thiểu 50cm;

c) Có dây chuyền máy móc thiết bị chuyên ngành đồng bộ tách cọng thuốc lá hoặc chế biến ra thuốc lá sợi, thuốc lá tấm và các nguyên liệu thay thế khác dùng để sản xuất ra các sản phẩm thuốc lá. Dây chuyền chế biến nguyên liệu phải được chuyên môn hóa, đáp ứng các tiêu chuẩn vệ sinh công nghiệp, an toàn lao động và vệ sinh môi trường;

d) Có các trang thiết bị kiểm tra để thực hiện đo lường kiểm tra chất lượng nguyên liệu trước và sau chế biến;

đ) Toàn bộ máy móc thiết bị phải có nguồn gốc hợp pháp;

e) Có hợp đồng với người lao động có trình độ nghiệp vụ, chuyên môn về cơ khí, công nghệ, trình độ từ cao đẳng trở lên.

3. Có hợp đồng đầu tư trồng cây thuốc lá với người trồng cây thuốc lá hoặc hợp đồng mua bán nguyên liệu với doanh nghiệp đầu tư trồng cây thuốc lá.

4. Điều kiện về tiêu chuẩn nguyên liệu thuốc lá.

Phải đáp ứng các yêu cầu về chất lượng theo tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia và các quy định hiện hành về chất lượng.

5. Điều kiện về bảo vệ môi trường và phòng, chống cháy nổ.

Phải có đầy đủ các phương tiện, thiết bị phòng cháy, chữa cháy và bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật.

6. Điều kiện về địa điểm đặt cơ sở chế biến.

Địa điểm đặt cơ sở chế biến phải phù hợp Chiến lược, Quy hoạch sản xuất sản phẩm thuốc lá và vùng nguyên liệu thuốc lá được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Download file tài liệu để xem thêm chi tiết

Liên kết tải về

doc Nghị định 67/2013/NĐ-CP

Chủ đề liên quan

Tài liệu

Văn bản Pháp luật

Chia sẻ

Chia sẻ qua Facebook Chia sẻ

Liên hệ hợp tác hoặc quảng cáo: gmail

Điều khoản dịch vụ

Copyright © 2021 HOCTAPSGK