Nghị định 29/2019/NĐ-CP - Hướng dẫn cấp phép hoạt động cho thuê lại lao động

Nghị định 29/2019/NĐ-CP

Hướng dẫn cấp phép hoạt động cho thuê lại lao động

Ngày 20/03/2019, Chính phủ đã ban hành Nghị định 29/2019/NĐ-CP về việc quy định chi tiết thi hành Khoản 3 Điều 54 Bộ luật Lao động về việc cấp phép hoạt động cho thuê lại lao động, việc ký quỹ và danh mục công việc được thực hiện cho thuê lại lao động. Nghị định có hiệu lực kể từ ngày 05/05/2019.

Theo đó, hai điều kiện cấp giấy phép cho thuê lại lao động bao gồm:

  • Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp thực hiện hoạt động cho thuê lại lao động phải bảo đảm điều kiện sau: Là người quản lý doanh nghiệp; Không có án tích; Đã làm việc trong lĩnh vực cho thuê lại lao động hoặc cung ứng lao động từ đủ 03 năm trở lên trong thời hạn 05 năm liền kề trước khi đề nghị cấp giấy phép.
  • Doanh nghiệp đã thực hiện ký quỹ 2 tỷ Việt Nam đồng tại ngân hàng thương mại hoặc chi nhánh ngân hàng nước ngoài thành lập và hoạt động hợp pháp tại Việt Nam.

CHÍNH PHỦ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 29/2019/NĐ-CP

Nội, ngày 20 tháng 3 năm 2019

NGHỊ ĐỊNH 29/2019/NĐ-CP

QUY ĐỊNH CHI TIẾT THI HÀNH KHOẢN 3 ĐIỀU 54 BỘ LUẬT LAO ĐỘNG VỀ VIỆC CẤP PHÉP HOẠT ĐỘNG CHO THUÊ LẠI LAO ĐỘNG, VIỆC KÝ QUỸ VÀ DANH MỤC CÔNG VIỆC ĐƯỢC THỰC HIỆN CHO THUÊ LẠI LAO ĐỘNG

Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Bộ luật lao động ngày 18 tháng 6 năm 2012;

Căn cứ Luật đầu tư ngày 26 tháng 11 năm 2014;

Căn cứ Luật doanh nghiệp ngày 08 tháng 12 năm 2014;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;

Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết thi hành Khoản 3 Điều 54 Bộ luật lao động về việc cấp phép hoạt động cho thuê lại lao động, việc ký quỹ và danh mục công việc được thực hiện cho thuê lại lao động,

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Nghị định này quy định điều kiện, thẩm quyền, trình tự, thủ tục cấp, gia hạn, cấp lại, thu hồi giấy phép hoạt động cho thuê lại lao động (sau đây gọi là giấy phép); việc ký quỹ của doanh nghiệp cho thuê lại lao động; danh mục công việc được thực hiện cho thuê lại lao động theo quy định tại Khoản 3 Điều 54 Bộ luật lao động.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Doanh nghiệp cho thuê lại lao động.

2. Bên thuê lại lao động.

3. Người lao động thuê lại.

4. Cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến hoạt động cho thuê lại lao động.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Nghị định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Doanh nghiệp cho thuê lại lao động là doanh nghiệp được thành lập theo quy định của Luật doanh nghiệp, được cấp giấy phép hoạt động cho thuê lại lao động, có tuyển dụng và ký hợp đồng lao động nhưng không trực tiếp sử dụng mà cho người sử dụng lao động khác thuê lại (sau đây gọi là doanh nghiệp cho thuê).

2. Bên thuê lại lao động là doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, hợp tác xã, hộ gia đình, cá nhân có nhu cầu sử dụng người lao động trong một thời gian xác định nhưng không trực tiếp tuyển dụng mà thuê lại người lao động của doanh nghiệp cho thuê.

3. Người lao động thuê lại là người lao động có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, được doanh nghiệp cho thuê tuyển dụng và ký hợp đồng lao động, sau đó làm việc và chịu sự điều hành của bên thuê lại lao động.

Điều 4. Mục đích của việc cho thuê lại lao động

1. Đáp ứng tạm thời sự gia tăng đột ngột về nhu cầu sử dụng lao động trong khoảng thời gian nhất định.

2. Thay thế người lao động trong thời gian nghỉ thai sản, bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hoặc phải thực hiện các nghĩa vụ công dân.

3. Có nhu cầu sử dụng lao động trình độ chuyên môn kỹ thuật cao.

Chương II

ĐIỀU KIỆN, THẨM QUYỀN, TRÌNH TỰ, THỦ TỤC CẤP, GIA HẠN, CẤP LẠI, THU HỒI GIẤY PHÉP

Điều 5. Điều kiện cấp giấy phép

1. Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp thực hiện hoạt động cho thuê lại lao động phải bảo đảm điều kiện:

a) Là người quản lý doanh nghiệp;

b) Không có án tích;

c) Đã làm việc trong lĩnh vực cho thuê lại lao động hoặc cung ứng lao động từ đủ 03 năm (36 tháng) trở lên trong thời hạn 05 năm liền kề trước khi đề nghị cấp giấy phép.

2. Doanh nghiệp đã thực hiện ký quỹ 2.000.000.000 đồng (hai tỷ Việt Nam đồng) tại ngân hàng thương mại hoặc chi nhánh ngân hàng nước ngoài thành lập và hoạt động hợp pháp tại Việt Nam.

Điều 6. Thẩm quyền cấp, gia hạn, cấp lại, thu hồi giấy phép

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính có thẩm quyền cấp, gia hạn, cấp lại, thu hồi giấy phép đối với doanh nghiệp.

Điều 7. Giấy phép hoạt động cho thuê lại lao động

1. Giấy phép hoạt động cho thuê lại lao động in trên giấy bìa cứng có kích thước khổ A4 (21 cm x 29,7 cm); mặt trước ghi nội dung của giấy phép trên nền trắng có hoa văn màu xanh da trời, có hình quốc huy in chìm, khung viền màu đen; mặt sau có quốc hiệu, quốc huy và dòng chữ “GIẤY PHÉP HOẠT ĐỘNG CHO THUÊ LẠI LAO ĐỘNG” in trên nền màu xanh da trời.

2. Nội dung giấy phép hoạt động cho thuê lại lao động theo Mẫu số 01 quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định này.

3. Thời hạn của giấy phép được quy định như sau:

a) Thời hạn giấy phép tối đa là 60 tháng;

b) Giấy phép được gia hạn nhiều lần, mỗi lần gia hạn tối đa là 60 tháng;

c) Thời hạn giấy phép được cấp lại bằng thời hạn còn lại của giấy phép đã được cấp trước đó.

Điều 8. Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép

1. Văn bản đề nghị cấp giấy phép của doanh nghiệp theo Mẫu số 02 quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định này.

2. Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp theo quy định của pháp luật.

3. Bản lý lịch tự thuật của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp theo Mẫu số 04 quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định này.

4. Phiếu lý lịch tư pháp số 1 theo quy định pháp luật về lý lịch tư pháp của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp. Trường hợp người đại diện theo pháp luật là người nước ngoài không thuộc đối tượng được cấp phiếu lý lịch tư pháp của Việt Nam thì phiếu lý lịch tư pháp số 1 được thay thế bằng phiếu lý lịch tư pháp hoặc văn bản xác nhận người lao động nước ngoài không phải là người phạm tội hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự của nước ngoài cấp.

Các văn bản nêu trên được cấp trước ngày nộp hồ sơ không quá 06 tháng.

5. Văn bản chứng minh thời gian đã làm việc của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp quy định tại điểm c Khoản 1 Điều 5 Nghị định này là một trong các loại văn bản sau:

a) Bản sao được chứng thực từ bản chính hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp;

b) Bản sao được chứng thực từ bản chính quyết định bổ nhiệm (đối với người làm việc theo chế độ bổ nhiệm) hoặc văn bản công nhận kết quả bầu (đối với người làm việc theo chế độ bâu cử) của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp.

Trường hợp các văn bản quy định tại điểm a, điểm b Khoản này là văn bản bằng tiếng nước ngoài thì phải được dịch sang tiếng Việt.

6. Giấy chứng nhận ký quỹ kinh doanh cho thuê lại lao động theo Mẫu số 05 quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định này.

Điều 9. Trình tự, thủ tục cấp giấy phép

1. Doanh nghiệp gửi một bộ hồ sơ theo quy định tại Điều 8 Nghị định này đến Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là Sở Lao động - Thương binh và Xã hội) nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính để đề nghị cấp giấy phép.

2. Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép được tiếp nhận khi có đủ các giấy tờ quy định tại Điều 8 Nghị định này. Sau khi tiếp nhận hồ sơ, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cấp giấy biên nhận ghi rõ ngày, tháng, năm nhận hồ sơ.

3. Trong thời hạn 20 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đảm bảo theo quy định, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thẩm tra, trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp giấy phép hoạt động cho thuê lại lao động đối với doanh nghiệp.

Trường hợp hồ sơ không đảm bảo theo quy định, trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội có văn bản yêu cầu doanh nghiệp hoàn thiện hồ sơ.

4. Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ trình của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, cấp giấy phép đối với doanh nghiệp; trường hợp không cấp giấy phép thì có văn bản trả lời doanh nghiệp trong đó nêu rõ lý do không cấp giấy phép.

5. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh không cấp giấy phép đối với doanh nghiệp trong các trường hợp sau đây:

a) Không bảo đảm điều kiện theo quy định tại Điều 5 Nghị định này;

b) Đã sử dụng giấy phép giả để hoạt động cho thuê lại lao động;

c) Có người đại diện theo pháp luật đã từng là người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp bị thu hồi giấy phép hoạt động cho thuê lại lao động theo quy định tại các điểm d, đ, e và điểm g Khoản 1 Điều 12 Nghị định này trong 05 năm liền kề trước khi đề nghị cấp giấy phép hoạt động cho thuê lại lao động;

d) Có người đại diện theo pháp luật đã từng là người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp sử dụng giấy phép giả.

Điều 10. Gia hạn giấy phép

1. Doanh nghiệp được gia hạn giấy phép phải bảo đảm các quy định sau đây:

a) Bảo đảm các điều kiện quy định tại Điều 5 Nghị định này;

b) Không bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hoạt động cho thuê lại lao động từ 02 lần trở lên trong thời hạn của giấy phép liền kề trước đó;

c) Tuân thủ đầy đủ chế độ báo cáo quy định tại Nghị định này;

d) Hồ sơ đề nghị gia hạn giấy phép được gửi đến Sở Lao động - Thương binh và Xã hội trước thời điểm hết hiệu lực của giấy phép 60 ngày làm việc.

2. Hồ sơ đề nghị gia hạn giấy phép bao gồm:

a) Văn bản đề nghị gia hạn giấy phép của doanh nghiệp theo Mẫu số 02 quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định này;

b) Văn bản quy định tại các Khoản 2 và Khoản 6 Điều 8 Nghị định này;

c) Các văn bản quy định tại các Khoản 3, 4 và Khoản 5 Điều 8 Nghị định này đối với trường hợp doanh nghiệp đề nghị gia hạn giấy phép đồng thời thay đổi người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp.

3. Trình tự, thủ tục gia hạn giấy phép thực hiện theo trình tự, thủ tục cấp giấy phép quy định tại các Khoản 1, 2, 3 và Khoản 4 Điều 9 Nghị định này.

4. Đối với doanh nghiệp không đảm bảo quy định theo Khoản 1 Điều này hoặc thuộc trường hợp quy định tại Khoản 5 Điều 9 Nghị định này thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trả lời bằng văn bản cho doanh nghiệp biết và nêu rõ lý do không gia hạn.

Điều 11. Cấp lại giấy phép

1. Doanh nghiệp đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp lại giấy phép trong các trường hợp sau đây:

a) Thay đổi một trong các nội dung của giấy phép đã được cấp, gồm: tên doanh nghiệp; địa chỉ trụ sở chính; người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp;

b) Giấy phép bị mất hoặc bị cháy;

c) Giấy phép bị hư hỏng không còn đầy đủ thông tin trên giấy phép.

2. Hồ sơ đề nghị cấp lại giấy phép như sau:

a) Văn bản đề nghị cấp lại giấy phép theo Mẫu số 02 quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định này;

b) Văn bản quy định tại Khoản 2 Điều 8 Nghị định này đối với trường hợp thay đổi tên doanh nghiệp, địa chỉ trụ sở chính hoặc giấy phép bị hư hỏng không còn đầy đủ thông tin trên giấy phép;

c) Các văn bản quy định tại các Khoản 2, 3, 4 và Khoản 5 Điều 8 Nghị định này đối với trường hợp doanh nghiệp thay đổi người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp;

d) Các văn bản quy định tại các Khoản 2, 3, 4, 5 và Khoản 6 Điều 8 Nghị định này và giấy xác nhận về việc bị mất hoặc bị cháy của chính quyền địa phương nơi xảy ra sự việc đối với trường hợp giấy phép bị mất hoặc bị cháy;

đ) Giấy phép đã được cấp trước đó đối với trường hợp quy định tại điểm a, điểm c Khoản 1 Điều này.

3. Trình tự, thủ tục cấp lại giấy phép thực hiện theo trình tự, thủ tục cấp giấy phép quy định tại Điều 9 Nghị định này.

Điều 12. Thu hồi giấy phép

1. Doanh nghiệp bị thu hồi giấy phép trong các trường hợp sau đây:

a) Chấm dứt hoạt động cho thuê lại lao động theo đề nghị của doanh nghiệp;

b) Doanh nghiệp giải thể hoặc bị Tòa án ra quyết định tuyên bố phá sản;

c) Không bảo đảm một trong các điều kiện quy định tại Điều 5 Nghị định này;

d) Cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân khác sử dụng giấy phép;

đ) Cho thuê lại lao động để thực hiện công việc không thuộc danh mục công việc được thực hiện cho thuê lại lao động quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này;

e) Bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hoạt động cho thuê lại lao động từ 03 lần trong khoảng thời gian tối đa 36 tháng kể từ ngày bị xử phạt lần đầu tiên;

g) Doanh nghiệp có hành vi giả mạo các văn bản trong hồ sơ đề nghị cấp, gia hạn, cấp lại giấy phép hoặc tẩy xóa, sửa chữa nội dung giấy phép đã được cấp hoặc sử dụng giấy phép giả;

h) Các trường hợp khác theo yêu cầu của Tòa án.

2. Hồ sơ đề nghị thu hồi giấy phép đối với trường hợp quy định tại các điểm a và điểm b Khoản 1 Điều này, gồm:

a) Văn bản đề nghị thu hồi giấy phép theo Mẫu số 03 quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định này;

b) Giấy phép đã được cấp;

c) Báo cáo tình hình hoạt động cho thuê lại lao động của doanh nghiệp theo Mẫu số 09 quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định này.

3. Trình tự, thủ tục thu hồi giấy phép đối với trường hợp quy định tại các điểm a và điểm b Khoản 1 Điều này như sau:

a) Doanh nghiệp gửi một bộ hồ sơ theo quy định tại Khoản 2 Điều này đến Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính;

b) Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp nhận hồ sơ, kiểm tra và cấp giấy biên nhận ghi rõ ngày, tháng, năm nhận đủ hồ sơ. Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ đề nghị thu hồi giấy phép của doanh nghiệp, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội kiểm tra, rà soát các hợp đồng cho thuê lại lao động đang còn hiệu lực của doanh nghiệp và trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thu hồi giấy phép;

c) Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ trình của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thu hồi giấy phép. Quyết định thu hồi giấy phép theo Mẫu số 06 quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định này.

4. Trình tự, thủ tục thu hồi giấy phép đối với trường hợp quy định tại các điểm c, d, đ, e, g và điểm h Khoản 1 Điều này thực hiện như sau:

a) Khi phát hiện doanh nghiệp cho thuê thuộc trường hợp quy định tại các điểm c, d, đ, e, g và điểm h Khoản 1 Điều này, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thực hiện kiểm tra, thu thập các bằng chứng liên quan và trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thu hồi giấy phép;

b) Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ trình của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thu hồi giấy phép của doanh nghiệp;

c) Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được quyết định thu hồi giấy phép, doanh nghiệp cho thuê có trách nhiệm nộp lại giấy phép cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

5. Doanh nghiệp không được cấp giấy phép trong thời hạn 05 năm, kể từ ngày bị thu hồi giấy phép đối với trường hợp thu hồi giấy phép quy định tại các điểm c, d, đ, e, g và điểm h Khoản 1 Điều này.

Điều 13. Trách nhiệm của doanh nghiệp trong trường hợp bị thu hồi giấy phép hoặc không được gia hạn, cấp lại giấy phép

1. Trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về việc không gia hạn hoặc không cấp lại hoặc thu hồi giấy phép, doanh nghiệp cho thuê thực hiện thanh lý toàn bộ các hợp đồng cho thuê lại lao động đang thực hiện, giải quyết quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động thuê lại và bên thuê lại theo quy định của pháp luật lao động, đồng thời đăng công khai nội dung việc chấm dứt hoạt động cho thuê lại lao động trên một báo điện tử trong 07 ngày liên tiếp.

2. Doanh nghiệp cho thuê có trách nhiệm bố trí việc làm cho người lao động thuê lại theo hợp đồng lao động đã ký kết. Trường hợp người lao động phải ngừng việc thì người sử dụng lao động của doanh nghiệp cho thuê phải trả lương ngừng việc theo quy định tại Khoản 1 Điều 98 của Bộ luật lao động.

Chương III

KÝ QUỸ CỦA DOANH NGHIỆP CHO THUÊ LẠI LAO ĐỘNG

Điều 14. Sử dụng tiền ký quỹ

Tiền ký quỹ được sử dụng để thanh toán tiền lương, trợ cấp, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hoặc bồi thường cho người lao động thuê lại trong trường hợp doanh nghiệp cho thuê vi phạm hợp đồng lao động với người lao động thuê lại hoặc gây thiệt hại cho người lao động do không bảo đảm về quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động thuê lại.

Điều 15. Nộp tiền ký quỹ

1. Doanh nghiệp cho thuê thực hiện thủ tục nộp tiền ký quỹ theo đúng quy định của ngân hàng và tuân thủ quy định của pháp luật.

2. Ngân hàng nhận ký quỹ có trách nhiệm cấp giấy chứng nhận tiền ký quỹ hoạt động cho thuê lại lao động theo Mẫu số 05 quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định này sau khi doanh nghiệp cho thuê hoàn thành thủ tục ký quỹ. Trường hợp thay đổi một trong các thông tin trên giấy chứng nhận tiền ký quỹ hoạt động cho thuê lại lao động, gồm: tên doanh nghiệp; địa chỉ trụ sở chính; số tài khoản ký quỹ thì doanh nghiệp cho thuê gửi văn bản đề nghị và các tài liệu chứng minh việc thay đổi thông tin tới ngân hàng nhận ký quỹ để thay đổi giấy chứng nhận tiền ký quỹ hoạt động cho thuê lại lao động.

Điều 16. Quản lý tiền ký quỹ

1. Ngân hàng nhận ký quỹ có trách nhiệm phong tỏa toàn bộ số tiền ký quỹ của doanh nghiệp, quản lý tiền ký quỹ theo đúng các quy định tại Nghị định này và quy định của pháp luật về ký quỹ.

2. Ngân hàng nhận ký quỹ thực hiện cho doanh nghiệp rút tiền ký quỹ, trích tiền ký quỹ và yêu cầu doanh nghiệp nộp bổ sung tiền ký quỹ theo đúng quy định tại các Điều 17, 18 và Điều 19 Nghị định này.

3. Ngân hàng nhận ký quỹ không được cho doanh nghiệp rút tiền ký quỹ khi chưa có ý kiến chấp thuận bằng văn bản của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

Điều 17. Rút tiền ký quỹ

1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định cho phép doanh nghiệp rút tiền ký quỹ trong các trường hợp sau:

a) Doanh nghiệp cho thuê gặp khó khăn tạm thời, không đủ khả năng thanh toán tiền lương, trợ cấp, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đối với người lao động thuê lại theo quy định của pháp luật sau thời hạn 30 ngày, kể từ ngày đến thời hạn thanh toán;

b) Doanh nghiệp cho thuê gặp khó khăn tạm thời, không đủ khả năng bồi thường cho người lao động thuê lại trong trường hợp doanh nghiệp vi phạm hợp đồng lao động với người lao động thuê lại hoặc gây thiệt hại cho người lao động do không bảo đảm về quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động thuê lại sau thời hạn 60 ngày, kể từ ngày đến thời hạn bồi thường;

c) Doanh nghiệp không được cấp giấy phép;

d) Doanh nghiệp cho thuê bị thu hồi giấy phép hoặc không được gia hạn, cấp lại giấy phép;

đ) Doanh nghiệp cho thuê đã thực hiện ký quỹ tại một ngân hàng thương mại khác.

2. Hồ sơ đề nghị rút tiền ký quỹ gửi đến Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, gồm:

a) Văn bản đề nghị rút tiền ký quỹ do người đại diện hợp pháp của doanh nghiệp ký;

b) Phương án sử dụng số tiền rút từ tài khoản ký quỹ, gồm: lý do, mục đích rút tiền ký quỹ; danh sách, số lượng người lao động, số tiền, thời gian, phương thức thanh toán đối với trường hợp rút tiền ký quỹ quy định tại các điểm a và điểm b Khoản 1 Điều này;

c) Báo cáo việc hoàn thành nghĩa vụ và văn bản chứng minh việc hoàn thành nghĩa vụ đối với người lao động thuê lại trong trường hợp rút tiền ký quỹ quy định tại điểm d Khoản 1 Điều này;

d) Giấy chứng nhận tiền ký quỹ hoạt động cho thuê lại lao động tại ngân hàng thương mại khác đối với trường hợp rút tiền ký quỹ quy định tại điểm đ Khoản 1 Điều này.

3. Hồ sơ rút tiền ký quỹ gửi ngân hàng nhận ký quỹ, gồm:

a) Văn bản đề nghị rút tiền ký quỹ do người đại diện hợp pháp của doanh nghiệp ký;

b) Văn bản chấp thuận rút tiền ký quỹ của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh theo Mẫu số 07 quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định này;

c) Chứng từ rút tiền ký quỹ theo quy định của ngân hàng nhận ký quỹ (nếu có).

4. Trình tự, thủ tục rút tiền ký quỹ được thực hiện như sau:

a) Doanh nghiệp cho thuê nộp 01 bộ hồ sơ quy định tại Khoản 2 Điều này tại Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính;

b) Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp nhận hồ sơ, kiểm tra và cấp giấy biên nhận ghi rõ ngày, tháng, năm nhận đủ hồ sơ. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ đề nghị rút tiền ký quỹ của doanh nghiệp, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội kiểm tra việc hoàn thành nghĩa vụ đối với người lao động thuê lại của doanh nghiệp cho thuê và trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cho phép doanh nghiệp rút tiền ký quỹ;

c) Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ trình của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có văn bản chấp thuận rút tiền ký quỹ và phương án sử dụng tiền ký quỹ (nếu có) gửi doanh nghiệp và ngân hàng nhận ký quỹ;

d) Sau khi có văn bản chấp thuận rút tiền ký quỹ của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, doanh nghiệp cho thuê nộp hồ sơ theo quy định tại Khoản 3 Điều này tại ngân hàng nhận ký quỹ;

đ) Ngân hàng nhận ký quỹ tiếp nhận và kiểm tra hồ sơ rút tiền ký quỹ của doanh nghiệp, nếu hợp pháp, hợp lệ thì ngân hàng nhận ký quỹ cho doanh nghiệp thực hiện rút tiền ký quỹ. Trường hợp rút tiền ký quỹ theo quy định tại các điểm a và điểm b Khoản 1 Điều này thì việc thanh toán, bồi thường cho người lao động do ngân hàng nhận ký quỹ trực tiếp chi trả theo phương án đã được Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chấp thuận sau khi trừ chi phí dịch vụ ngân hàng.

Điều 18. Trích tiền ký quỹ khi doanh nghiệp cho thuê không thực hiện nghĩa vụ đối với người lao động cho thuê lại

1. Trích tiền ký quỹ của doanh nghiệp để thanh toán các chế độ, quyền lợi cho người lao động thuê lại quy định tại Điều 14 Nghị định này trong trường hợp sau 60 ngày kể từ ngày đến thời hạn thanh toán mà doanh nghiệp không thực hiện thanh toán và không có văn bản đề nghị rút tiền ký quỹ để thanh toán các chế độ, quyền lợi cho người lao động thuê lại.

2. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm kiểm tra, xác minh và yêu cầu doanh nghiệp cho thuê báo cáo danh sách người lao động thuê lại, số tiền chưa được thanh toán, bồi thường của từng người. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được yêu cầu của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, doanh nghiệp cho thuê phải hoàn thành việc báo cáo nêu trên. Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được báo cáo của doanh nghiệp, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổng hợp, trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định việc trích tiền ký quỹ của doanh nghiệp để thực hiện chi trả theo quy định tại Khoản 1 Điều này.

3. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đề nghị của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định trích tiền ký quỹ của doanh nghiệp. Quyết định trích tiền ký quỹ theo Mẫu số 08 quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định này.

4. Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được quyết định của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về việc trích tiền ký quỹ, ngân hàng nhận ký quỹ thực hiện trích tiền ký quỹ của doanh nghiệp và trực tiếp chi trả theo phương án và danh sách kèm theo quyết định của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, sau khi trừ chi phí dịch vụ ngân hàng.

5. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm giám sát việc thực hiện thanh toán, bồi thường cho người lao động thuê lại theo quy định tại Khoản 1 Điều này và báo cáo kết quả thực hiện về Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

………………….

Mời các bạn tải file tài liệu để xem thêm nội dung chi tiết

Liên kết tải về

pdf Nghị định 29/2019/NĐ-CP
doc Nghị định 29/2019/NĐ-CP 1

Chia sẻ

Chia sẻ qua Facebook Chia sẻ

Liên hệ hợp tác hoặc quảng cáo: gmail

Điều khoản dịch vụ

Copyright © 2021 HOCTAPSGK