Nghị định 204/2004/NĐ-CP - thuviensachvn.com

Nghị định 204/2004/NĐ-CP

Chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức lực lượng vũ trang

Chính phủ đã ban hành Nghị định 204/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang. Nghị định bắt đầu có hiệu lực kể từ ngày 04/01/2005. Theo đó, Nghị định quy định về chế độ tiền lương gồm: mức lương tối thiểu chung; các bảng lương; các chế độ phụ cấp lương; chế độ nâng bậc lương; chế độ trả lương; nguồn kinh phí để thực hiện chế độ tiền lương; quản lý tiền lương và thu nhập đối với cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp của Nhà nước; cán bộ chuyên trách và công chức xã, phường, thị trấn; sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, chiến sĩ, công nhân trong các cơ quan, đơn vị thuộc lực lượng vũ trang. Nội dung chi tiết, mời các bạn cùng tham khảo tại đây.

Nội dung Nghị định 204/2004/NĐ-CP.

CHÍNH PHỦ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 204/2004/NĐ-CP

Hà Nội, ngày 14 tháng 12 năm 2004

NGHỊ ĐỊNH

VỀ CHẾ ĐỘ TIỀN LƯƠNG ĐỐI VỚI CÁN BỘ, CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC VÀ LỰC LƯỢNG VŨ TRANG

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Nghị quyết số 17/2003/QH11 ngày 04 tháng 11 năm 2003 về dự toán ngân sách nhà nước năm 2004 và Nghị quyết số 19/2003/QH11 ngày 16 tháng 11 năm 2003 về nhiệm vụ năm 2004 của Quốc hội khoá XI;

Căn cứ Nghị quyết số 730/2004/NQ-UBTVQH11 ngày 30 tháng 9 năm 2004 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về việc phê chuẩn bảng lương chức vụ, bảng phụ cấp chức vụ đối với cán bộ lãnh đạo của Nhà nước; bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ ngành Toà án, ngành Kiểm sát;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nội vụ và Bộ trưởng Bộ Tài chính,

NGHỊ ĐỊNH:

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Nghị định này quy định về chế độ tiền lương gồm: mức lương tối thiểu chung; các bảng lương; các chế độ phụ cấp lương; chế độ nâng bậc lương; chế độ trả lương; nguồn kinh phí để thực hiện chế độ tiền lương; quản lý tiền lương và thu nhập đối với cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp của Nhà nước; cán bộ chuyên trách và công chức xã, phường, thị trấn; sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, chiến sĩ, công nhân trong các cơ quan, đơn vị thuộc lực lượng vũ trang (lực lượng vũ trang gồm quân đội nhân dân và công an nhân dân).

Cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp của Nhà nước, cơ quan, đơn vị thuộc lực lượng vũ trang nói trên, sau đây gọi chung là cơ quan, đơn vị.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Nghị định này áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức và các đối tượng thuộc lực lượng vũ trang, bao gồm:

1. Các chức danh lãnh đạo của Nhà nước và các chức danh chuyên môn, nghiệp vụ ngành Toà án, ngành Kiểm sát quy định tại bảng lương chức vụ và bảng phụ cấp chức vụ ban hành kèm theo Nghị quyết số 730/2004/NQ-UBTVQH11 ngày 30 tháng 9 năm 2004 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về việc phê chuẩn bảng lương chức vụ, bảng phụ cấp chức vụ đối với cán bộ lãnh đạo của Nhà nước; bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ ngành Toà án, ngành Kiểm sát (sau đây viết tắt là Nghị quyết số 730/2004/NQ-UBTVQH11).

2. Các chức danh do bầu cử để đảm nhiệm chức vụ theo nhiệm kỳ thuộc Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh.

3. Công chức trong các cơ quan nhà nước quy định tại Điều 2 Nghị định số 117/2003/NĐ-CP ngày 10 tháng 10 năm 2003 của Chính phủ về việc tuyển dụng, sử dụng và quản lý cán bộ, công chức trong các cơ quan nhà nước (sau đây viết tắt là Nghị định số 117/2003/NĐ-CP).

4. Công chức dự bị quy định tại Điều 2 Nghị định số 115/2003/NĐ-CP ngày 10 tháng 10 năm 2003 của Chính phủ về chế độ công chức dự bị (sau đây viết tắt là Nghị định số 115/2003/NĐ-CP).

5. Viên chức trong các đơn vị sự nghiệp của Nhà nước quy định tại Điều 2 Nghị định số 116/2003/NĐ-CP ngày 10 tháng 10 năm 2003 của Chính phủ về việc tuyển dụng, sử dụng và quản lý cán bộ, công chức trong các đơn vị sự nghiệp của Nhà nước (sau đây viết tắt là Nghị định số 116/2003/NĐ-CP).

6. Cán bộ, công chức, viên chức thuộc biên chế nhà nước và hưởng lương theo bảng lương do Nhà nước quy định được cử đến làm việc tại các hội, các tổ chức phi Chính phủ, các dự án và các cơ quan, tổ chức quốc tế đặt tại Việt Nam.

7. Cán bộ chuyên trách và công chức ở xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là cán bộ chuyên trách và công chức cấp xã) quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 2 Nghị định số 121/2003/NĐ-CP ngày 21 tháng 10 năm 2003 của Chính phủ về chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn (sau đây viết tắt là Nghị định số 121/2003/NĐ-CP) và Điều 22 Nghị định số 184/2004/NĐ-CP ngày 02 tháng 11 năm 2004 của Chính phủ quy định chi tiết việc thi hành Pháp lệnh Dân quân tự vệ (sau đây viết tắt là Nghị định số 184/2004/NĐ-CP).

8. Người làm công tác cơ yếu trong tổ chức cơ yếu.

9. Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, chiến sĩ, công nhân trong các cơ quan, đơn vị thuộc lực lượng vũ trang.

Điều 3. Nguyên tắc xếp lương và phụ cấp chức vụ lãnh đạo, nguyên tắc trả lương và thực hiện chế độ tiền lương

1. Nguyên tắc xếp lương và phụ cấp chức vụ lãnh đạo

a) Cán bộ, công chức, viên chức được bổ nhiệm vào ngạch công chức, viên chức nào (sau đây viết tắt là ngạch) hoặc chức danh chuyên môn, nghiệp vụ nào thuộc ngành Tòa án, ngành Kiểm sát (sau đây viết tắt là chức danh) thì xếp lương theo ngạch hoặc chức danh đó.

b) Cán bộ giữ chức danh do bầu cử thuộc diện xếp lương chuyên môn, nghiệp vụ và hưởng phụ cấp chức vụ lãnh đạo thì xếp lương theo ngạch, bậc công chức hành chính và hưởng phụ cấp chức vụ lãnh đạo của chức danh bầu cử hiện đang đảm nhiệm.

c) Cán bộ, công chức, viên chức giữ chức danh lãnh đạo (bầu cử, bổ nhiệm) nào thì xếp lương chức vụ hoặc hưởng phụ cấp chức vụ theo chức danh lãnh đạo đó. Nếu một người giữ nhiều chức danh lãnh đạo khác nhau thì xếp lương chức vụ hoặc hưởng phụ cấp chức vụ của chức danh lãnh đạo cao nhất. Nếu kiêm nhiệm chức danh lãnh đạo đứng đầu cơ quan, đơn vị khác mà cơ quan, đơn vị này được bố trí biên chế chuyên trách người đứng đầu thì được hưởng thêm phụ cấp kiêm nhiệm.

d) Các đối tượng thuộc lực lượng vũ trang và cơ yếu quy định hưởng lương theo bảng lương nào thì xếp lương theo bảng lương đó.

đ) Chuyển xếp lương cũ sang lương mới phải gắn với việc rà soát, sắp xếp biên chế của các cơ quan, đơn vị; rà soát, hoàn thiện tiêu chuẩn chức danh cán bộ, công chức, viên chức; rà soát lại việc xếp lương cũ, những trường hợp đã xếp lương hoặc phụ cấp chức vụ chưa đúng quy định của cơ quan có thẩm quyền thì chuyển xếp lại lương và phụ cấp chức vụ (nếu có) theo đúng quy định.

2. Nguyên tắc trả lương

Việc trả lương phải gắn với kết quả thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, công chức, viên chức và nguồn trả lương (từ ngân sách nhà nước cấp hoặc hỗ trợ và từ các nguồn thu theo quy định của pháp luật dùng để trả lương) của cơ quan, đơn vị.

3. Nguyên tắc thực hiện chế độ tiền lương

a) Cán bộ, công chức, viên chức và các đối tượng thuộc lực lượng vũ trang khi thay đổi công việc thì được chuyển xếp lại lương và phụ cấp chức vụ (nếu có) cho phù hợp với công việc mới đảm nhiệm. Trường hợp thôi giữ chức danh lãnh đạo (trừ trường hợp bị kỷ luật bãi nhiệm, cách chức hoặc không được bổ nhiệm lại) để làm công việc khác hoặc giữ chức danh lãnh đạo khác mà có mức lương chức vụ hoặc phụ cấp chức vụ thấp hơn thì được bảo lưu mức lương chức vụ hoặc phụ cấp chức vụ của chức danh lãnh đạo cũ trong 6 tháng, sau đó xếp lại lương hoặc phụ cấp chức vụ (nếu có) theo công việc mới đảm nhiệm.

b) Theo yêu cầu nhiệm vụ, cán bộ, công chức, viên chức và các đối tượng thuộc lực lượng vũ trang đang giữ chức danh lãnh đạo được luân chuyển đến giữ chức danh lãnh đạo khác có mức lương chức vụ hoặc phụ cấp chức vụ thấp hơn, thì được giữ mức lương chức vụ hoặc phụ cấp chức vụ theo chức danh lãnh đạo cũ. Trường hợp công việc mới được luân chuyển đến quy định xếp lương theo ngạch hoặc theo chức danh thấp hơn thì được giữ mức lương cũ (kể cả phụ cấp chức vụ nếu có) và được thực hiện chế độ nâng bậc lương theo quy định ở ngạch hoặc chức danh cũ.

c) Các đối tượng được chuyển công tác từ lực lượng vũ trang, cơ yếu và công ty nhà nước vào làm việc trong cơ quan nhà nước hoặc đơn vị sự nghiệp của Nhà nước thì được chuyển xếp lại ngạch, bậc lương và hưởng phụ cấp chức vụ (nếu có) theo công việc mới đảm nhiệm. Trường hợp xếp lương theo bảng lương cấp bậc quân hàm sĩ quan, hạ sĩ quan hưởng lương hoặc theo bảng lương quân nhân chuyên nghiệp thuộc quân đội nhân dân và chuyên môn kỹ thuật thuộc công an nhân dân, nếu có mức lương cũ cao hơn so với mức lương mới được xếp thì được bảo lưu phần chênh lệch cao hơn này theo quy định của pháp luật.

d) Thực hiện việc xếp lương, chế độ phụ cấp lương, nâng bậc lương, trả lương, quản lý tiền lương và thu nhập phải theo đúng đối tượng, phạm vi, nguyên tắc, điều kiện, chế độ được hưởng và các quy định khác của cơ quan có thẩm quyền.

đ) Thực hiện chế độ tiền lương phải gắn với cải cách hành chính; bảo đảm tương quan giữa các ngành, nghề và giữa các loại cán bộ, công chức, viên chức; bảo đảm ổn định chính trị - xã hội.

Chương II

MỨC LƯƠNG TỐI THIỂU CHUNG, CÁC BẢNG LƯƠNG VÀ CÁC CHẾ ĐỘ PHỤ CẤP LƯƠNG

Điều 4. Mức lương tối thiểu chung

Mức lương tối thiểu chung áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức và các đối tượng thuộc lực lượng vũ trang được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 203/2004/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ về mức lương tối thiểu.

Điều 5. Các bảng lương; bảng phụ cấp quân hàm hạ sĩ quan, chiến sĩ nghĩa vụ và bảng phụ cấp chức vụ lãnh đạo

Ban hành kèm theo Nghị định này các bảng lương; bảng phụ cấp quân hàm hạ sĩ quan, chiến sĩ nghĩa vụ và bảng phụ cấp chức vụ lãnh đạo như sau:

1. Các bảng lương:

a) Quy định 7 bảng lương sau:

Bảng 1: Bảng lương chuyên gia cao cấp.

Bảng 2: Bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ đối với cán bộ, công chức trong các cơ quan nhà nước (bao gồm cả cán bộ giữ chức danh do bầu cử thuộc diện xếp lương theo ngạch, bậc công chức hành chính và hưởng phụ cấp chức vụ lãnh đạo và công chức ở xã, phường, thị trấn).

Bảng 3: Bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ đối với cán bộ, viên chức trong các đơn vị sự nghiệp của Nhà nước.

Bảng 4: Bảng lương nhân viên thừa hành, phục vụ trong các cơ quan nhà nước và các đơn vị sự nghiệp của Nhà nước.

Bảng 5: Bảng lương cán bộ chuyên trách ở xã, phường, thị trấn.

Bảng 6: Bảng lương cấp bậc quân hàm sĩ quan quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan công an nhân dân.

Bảng 7: Bảng lương quân nhân chuyên nghiệp thuộc quân đội nhân dân và chuyên môn kỹ thuật thuộc công an nhân dân.

b) Người làm công tác cơ yếu trong tổ chức cơ yếu, tuỳ theo từng đối tượng được xếp lương theo bảng lương cấp bậc quân hàm sĩ quan quân đội nhân dân (bảng 6) với mức lương cao nhất bằng mức lương của cấp bậc quân hàm Thiếu tướng (trừ sĩ quan quân đội nhân dân và sĩ quan công an nhân dân được điều động, biệt phái) và bảng lương quân nhân chuyên nghiệp thuộc quân đội nhân dân (bảng 7).

c) Công nhân làm việc trong các cơ quan, đơn vị thuộc lực lượng vũ trang và tổ chức cơ yếu áp dụng thang lương, bảng lương quy định trong các công ty nhà nước.

2. Bảng phụ cấp quân hàm hạ sĩ quan, chiến sĩ nghĩa vụ thuộc quân đội nhân dân và công an nhân dân.

3. Bảng phụ cấp chức vụ lãnh đạo (bầu cử, bổ nhiệm) trong các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp của Nhà nước; cơ quan, đơn vị thuộc quân đội nhân dân và công an nhân dân.

Điều 6. Các chế độ phụ cấp lương

1. Phụ cấp thâm niên vượt khung:

áp dụng đối với các đối tượng xếp lương theo bảng 2, bảng 3, bảng 4 và bảng 7 quy định tại khoản 1 Điều 5 Nghị định này và bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ ngành Toà án, ngành Kiểm sát quy định tại Nghị quyết số 730/2004/NQ-UBTVQH11, đã xếp bậc lương cuối cùng trong ngạch hoặc trong chức danh.

a) Mức phụ cấp như sau:

a1) Các đối tượng xếp lương theo các ngạch từ loại A0 đến loại A3 của bảng 2, bảng 3, các chức danh xếp lương theo bảng 7 và các chức danh xếp lương theo bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ ngành Toà án, ngành Kiểm sát: Sau 3 năm (đủ 36 tháng) đã xếp bậc lương cuối cùng trong ngạch hoặc trong chức danh thì được hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung bằng 5% mức lương của bậc lương cuối cùng trong ngạch hoặc trong chức danh đó; từ năm thứ tư trở đi mỗi năm được tính thêm 1%.

a2) Các đối tượng xếp lương theo các ngạch loại B, loại C của bảng 2, bảng 3 và nhân viên thừa hành, phục vụ xếp lương theo bảng 4: Sau 2 năm (đủ 24 tháng) đã xếp bậc lương cuối cùng trong ngạch thì được hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung bằng 5% mức lương của bậc lương cuối cùng trong ngạch đó; từ năm thứ ba trở đi mỗi năm được tính thêm 1%.

b) Các đối tượng quy định tại điểm a (a1 và a2) khoản 1 Điều này, nếu không hoàn thành nhiệm vụ được giao hàng năm hoặc bị kỷ luật một trong các hình thức khiển trách, cảnh cáo, cách chức hoặc bị bãi nhiệm thì cứ mỗi năm không hoàn thành nhiệm vụ hoặc bị kỷ luật bị kéo dài thêm thời gian tính hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung 1 năm (đủ 12 tháng) so với thời gian quy định.

c) Phụ cấp thâm niên vượt khung được dùng để tính đóng và hưởng chế độ bảo hiểm xã hội.

2. Phụ cấp kiêm nhiệm chức danh lãnh đạo:

áp dụng đối với các đối tượng đang giữ chức danh lãnh đạo (bầu cử, bổ nhiệm) ở một cơ quan, đơn vị, đồng thời được bầu cử hoặc được bổ nhiệm kiêm nhiệm chức danh lãnh đạo đứng đầu cơ quan, đơn vị khác mà cơ quan, đơn vị này được bố trí biên chế chuyên trách người đứng đầu nhưng hoạt động kiêm nhiệm.

Mức phụ cấp bằng 10% mức lương hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có). Trường hợp kiêm nhiệm nhiều chức danh lãnh đạo cũng chỉ hưởng một mức phụ cấp.

3. Phụ cấp khu vực:

áp dụng đối với các đối tượng làm việc ở những nơi xa xôi, hẻo lánh và khí hậu xấu.

Phụ cấp gồm 7 mức: 0,1; 0,2; 0,3; 0,4; 0,5; 0,7 và 1,0 so với mức lương tối thiểu chung. Đối với hạ sĩ quan và chiến sĩ nghĩa vụ thuộc lực lượng vũ trang, phụ cấp khu vực được tính so với mức phụ cấp quân hàm binh nhì.

4. Phụ cấp đặc biệt:

Áp dụng đối với các đối tượng làm việc ở đảo xa đất liền và vùng biên giới có điều kiện sinh hoạt đặc biệt khó khăn.

Phụ cấp gồm 3 mức: 30%; 50% và 100% mức lương hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có) hoặc phụ cấp quân hàm hiện hưởng đối với hạ sĩ quan, chiến sĩ thuộc lực lượng vũ trang.

5. Phụ cấp thu hút:

áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức đến làm việc ở những vùng kinh tế mới, cơ sở kinh tế và đảo xa đất liền có điều kiện sinh hoạt đặc biệt khó khăn.

Phụ cấp gồm 4 mức: 20%; 30%; 50% và 70% mức lương hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có).

Thời gian hưởng phụ cấp từ 3 đến 5 năm.

6. Phụ cấp lưu động:

áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức làm việc ở một số nghề hoặc công việc thường xuyên thay đổi địa điểm làm việc và nơi ở.

Phụ cấp gồm 3 mức: 0,2; 0,4 và 0,6 so với mức lương tối thiểu chung.

7. Phụ cấp độc hại, nguy hiểm:

áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức làm những nghề hoặc công việc có điều kiện lao động độc hại, nguy hiểm và đặc biệt độc hại, nguy hiểm chưa được xác định trong mức lương.

Phụ cấp gồm 4 mức: 0,1; 0,2; 0,3 và 0,4 so với mức lương tối thiểu chung.

8. Các chế độ phụ cấp đặc thù theo nghề hoặc công việc:

a) Phụ cấp thâm niên nghề:

áp dụng đối với sĩ quan và quân nhân chuyên nghiệp thuộc quân đội nhân dân, sĩ quan và hạ sĩ quan hưởng lương thuộc công an nhân dân, công chức hải quan và người làm công tác cơ yếu trong tổ chức cơ yếu.

Mức phụ cấp như sau: Sau 5 năm (đủ 60 tháng) tại ngũ hoặc làm việc liên tục trong ngành hải quan, cơ yếu thì được hưởng phụ cấp thâm niên nghề bằng 5% mức lương hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có); từ năm thứ sáu trở đi mỗi năm được tính thêm 1%.

b) Phụ cấp ưu đãi theo nghề:

áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức làm những nghề hoặc công việc có điều kiện lao động cao hơn bình thường, có chính sách ưu đãi của Nhà nước mà chưa được xác định trong mức lương.

Phụ cấp gồm 10 mức: 5%, 10%, 15%, 20%, 25%, 30%, 35%, 40%, 45% và 50% mức lương hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có).

c) Phụ cấp trách nhiệm theo nghề:

áp dụng đối với các chức danh xếp lương theo bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ và bảng lương chức vụ thuộc ngành Tòa án, Kiểm sát, Thanh tra và một số chức danh tư pháp.

Phụ cấp gồm 5 mức: 10%; 15%; 20%, 25% và 30% mức lương hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có).

Đối tượng được hưởng chế độ phụ cấp trách nhiệm theo nghề quy định tại điểm này thì không hưởng chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề quy định tại điểm b khoản 8 Điều này.

d) Phụ cấp trách nhiệm công việc:

d1) Những người làm việc trong tổ chức cơ yếu được hưởng phụ cấp trách nhiệm công việc bảo vệ cơ mật mật mã.

Phụ cấp gồm 3 mức: 0,1; 0,2 và 0,3 so với mức lương tối thiểu chung.

d2) Những người làm những công việc đòi hỏi trách nhiệm cao hoặc đảm nhiệm công tác quản lý không thuộc chức danh lãnh đạo (bầu cử, bổ nhiệm) thì được hưởng phụ cấp trách nhiệm công việc.

Phụ cấp gồm 4 mức: 0,1; 0,2; 0,3 và 0,5 so với mức lương tối thiểu chung.

đ) Phụ cấp phục vụ quốc phòng, an ninh:

áp dụng đối với các đối tượng không thuộc diện xếp lương theo bảng 6 và bảng 7 quy định tại khoản 1 Điều 5 Nghị định này làm việc trong các cơ quan, đơn vị thuộc lực lượng vũ trang và cơ yếu.

Phụ cấp gồm 2 mức: 30% và 50% mức lương hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có).

Chương III

CHẾ ĐỘ NÂNG BẬC LƯƠNG, CHẾ ĐỘ TRẢ LƯƠNG, QUẢN LÝ TIỀN LƯƠNG VÀ THU NHẬP

Điều 7. Chế độ nâng bậc lương

1. Thực hiện nâng bậc lương thường xuyên trên cơ sở kết quả hoàn thành nhiệm vụ của cán bộ, công chức, viên chức và thời gian giữ bậc trong ngạch hoặc trong chức danh.

Thời gian giữ bậc trong ngạch hoặc trong chức danh để xem xét nâng bậc lương thường xuyên quy định như sau:

a) Đối với chức danh chuyên gia cao cấp, nếu chưa xếp bậc lương cuối cùng của bảng lương thì sau 5 năm (đủ 60 tháng) giữ bậc lương trong bảng lương chuyên gia cao cấp được xét nâng lên một bậc lương.

Download file tài liệu để xem thêm nội dung chi tiết.

Liên kết tải về

pdf Nghị định 204/2004/NĐ-CP
doc Nghị định 204/2004/NĐ-CP 1

Chia sẻ

Chia sẻ qua Facebook Chia sẻ

Liên hệ hợp tác hoặc quảng cáo: gmail

Điều khoản dịch vụ

Copyright © 2021 HOCTAPSGK