Xuất hiện và phổ biến tại thị trường Việt Nam từ năm 2013, các ứng dụng nhắn tin, gọi điện thoại miễn phí (gọi tắt là OTT) đã gây được ấn tượng lớn người dùng trong nước. Ngoài gã khổng lồ Viber, các sản phẩm có hỗ trợ tiếng Việt như: Line, Zalo và Kakao Talk cũng nhanh chóng tạo được chỗ đứng trong làng truyền thông bấy giờ.
Mocha, Halo, VietTalk - Cuộc chiến OTT của ba nhà mạng lớn nhất Việt Nam
Điện thoại - Điện thoại di động - Smartphone, mỗi nấc tiến hóa nhỏ của sản phẩm này lại song song và là tiền đề cho sự ra đời của hàng trăm ngàn các ứng dụng, game và tiện ích đi kèm. Việc sở hữu dễ dàng những chiếc điện thoại thông minh với khả năng truy cập Internet, kết nối 3G và làm thay các công việc của một chiếc máy tính đã bất ngờ tạo ra một môi trường cạnh tranh đặc biệt, một thị trường khốc liệt, gay cấn, phức tạp, là thứ mà người ta vẫn hay gọi là "miếng bánh OTT".
Nói qua một chút về vấn đề này, thay vì phải tốn tiền cho những tin nhắn, cuộc gọi khô khan và nhạt nhẽo theo kiểu truyền thống, giờ đây, với các ứng dụng gọi điện miễn phí, người dùng có thể phá cách và thoải mái chuyện trò mà không cần lo lắng về thời gian hay tiền bạc. Thứ duy nhất họ cần quan tâm, là pin còn nhiều hay không?
Trong khi cuộc đua song mã giữa Viber và Zalo còn chưa có hồi kết, thì tháng 7 vừa qua, thông tin Viber chính thức rút khỏi Việt Nam đã được đăng tải khắp các phương tiện thông tin đại chúng. Ứng dụng nhắn tin miễn phí từng có thời gian làm mưa làm gió tại Việt Nam đã phải rút lui, chưa biết tốt xấu, song, qua sự việc trên, đã có không ít người cho rằng, thị trường Việt Nam là "tử địa" đối với các OTT nước ngoài. Lần lượt là Line, Kakao Talk, ra đi trong âm thầm, cho tới các Tango, Whatsapp cũng chỉ lom đom duy trì nhóm khách hành trung thành. Cho dù ở nước họ, trên sân nhà, đó là những cái tên của các ông trùm thì ở Việt Nam, vị trí số một đã, đang, có lẽ vẫn luôn là của Zalo.
Tuy nhiên, khi thị trường này có vẻ như sẽ lắng dịu một thời gian thì đáng ngạc nhiên là gần đây, liên tục ba ứng dụng OTT từ ba nhà mạng lớn nhất Việt Nam là VietTalk của Vina, Halo của Mobile và Mocha Messenger của Viettel được cho ra mắt. Đây giống như mốc đánh dấu, sự khẳng định tham gia vào sân chơi này. Vẫn biết đây là miếng bánh không dễ nuốt, và ra đời quá muộn so với xu thế chung, không hiểu các nhà mạng này định thực hiện chiến lược ra sao? Nhưng thiết nghĩ, nếu không thay đổi, chính các nhà mạng này sẽ gặp khó khăn. Bởi, theo số liệu thống kê mới nhất, có tới hơn 40% người đang sử dụng OTT, dùng ứng dụng này thay cho thói quen liên lạc thông thường. Điều đó có nghĩa là, khách hàng của các nhà mạng đang mất đi, đồng nghĩa với tiền, doanh thu và thị phần bị giảm.
Việc cho ra mắt các sản phẩm của riêng mình không chỉ là một lời khẳng định, hay có thể hiểu là thách thức với Zalo, mà đồng thời, còn là hướng đi mới, mục tiêu mới mà theo đại diện của Viettel là "chuyển hóa doanh thu từ dạng này sang dạng khác". Không ai biết chắc những toan tính thực sự là gì? Chỉ biết họ tự tin với sức mạnh cốt lõi, đó là sự thấu hiểu việc liên lạc qua lại giữa người dùng OTT với các thuê bao cá nhân khác, sự kết hợp giữa các dịch vụ OTT và các dịch vụ truyền thống. Nhưng các sản phẩm của họ cho tới nay đã làm được những gì?
Nếu xét về danh tiếng, Mocha Messenger dường như nổi hơn, xét về ổn định và gọi thoại, Halo có sự vượt trội, còn xét về khả năng liên lạc qua lại giữa các mạng, VietTalk đang chiếm ưu thế. Tuy nhiên, nếu hỏi người dùng, sẽ không nhiều người biết tới những cái tên này, đó là sự thật khá phũ phàng mà Viettel, Mobile và Vinafone đang phải chấp nhận.
Ưu điểm chung của Halo, Mocha, VietTalk
- Có thể liên lạc miễn phí với những thuê bao không sử dụng ứng dụng này.
Nhược điểm chung của Halo, Mocha, VietTalk
- Chỉ có thể liên lạc nội mạng, trừ VietTalk.
- Miễn phí một chiều, người được liên lạc nếu gọi lại, trả lời tin nhắn sẽ mất tiền.
- VietTalk có thể liên lạc với các thuê bao cá nhân ở mạng khác, nhưng mất phí, cước phí bị tính khá lung tung, không rõ ràng, mập mờ và chất lượng thoại quá tồi.
Clip hướng dẫn cài đặt Halo cho điện thoại iPhone
Kể từ khi ra mắt, ba ứng dụng này thậm chí còn chưa được người dùng biết tới, nghe tới. Hoặc cho dù có, số lượng người cài đặt và sử dụng những ứng dụng này cũng không nhiều. Có thể nói qua một số lý do sau:
- Người dùng đã, đang quen với Viber, Zalo, những ứng dụng hỗ trợ cực tốt và xuất hiện trước Mocha, Halo hay VietTalk.
- Ứng dụng của ba nhà mạng chưa tạo được niềm tin với người dùng về chất lượng, hình thức cũng như sự tiện lợi.
- Người dùng Việt Nam với suy nghĩ cố hữu là thích những gì miễn phí, trong khi ba ứng dụng kia lại mất phí, hoặc chỉ dùng nội mạng.
- Tuy các liên lạc bắt buộc phải sử dụng ứng dụng để có thể liên lạc với nhau, nhưng sự ổn định, chất lượng dịch vụ mà Viber, Zalo mang lại hơn hẳn Mocha, Halo hay VietTalk.
- Việc chỉ dùng nội mạng khiến ba ứng dụng mới này trở nên cục bộ, liên lạc bị hạn chế và bất tiện khi muốn sử dụng để liên lạc cùng lúc với nhiều liên lạc ở các mạng khác nhau.
Chất lượng và dịch vụ của ba ứng dụng mới vẫn còn quá kém
Vẫn biết đây là chiến thuật để các nhà mạng thu hút khách hàng mới, níu kéo và tăng cường dịch vụ cho khách hàng hiện tại, khách hàng trung thành, nhưng họ trông chờ gì ở một đứa con tinh thần không hoàn thiện? Người dùng có chấp nhận, muốn sử dụng một sản phẩm khiếm khuyết trầm trọng như vậy?
Không thể trách cứ hay đòi hỏi gì hơn ở những sản phẩm vẫn còn trong quá trình hoàn thiện như Mocha, Halo, và VietTalk, tuy nhiên, họ đã, đang đi sau những ứng dụng cùng loại khác, và sẽ vẫn luôn như vậy nếu chỉ tập trung vào doanh thu, vào lợi nhuận. Khoan chưa nói tới Zalo, hãy nói tới ngài Á quân Viber, tuy đã rút khỏi Việt Nam, nhưng vẫn đang là đối thủ nặng ký cho các ứng dụng cùng loại, và dù là gì, thì cuộc đua vì lợi ích của khách hàng, hay cuộc chiến vì số 2 trong làng OTT Việt Nam vẫn còn là quãng đường dài đầy gian khó cho những "newbie" này.