Mở rộng vốn từ: Quyền và bổn phận - Tuần 34 giúp các em học sinh lớp 5 nhanh chóng trả lời các câu hỏi SGK Tiếng Việt 5 Tập 2 trang 155, 156, để có thêm nhiều ý tưởng mới cho đoạn văn suy nghĩ về nhân vật Út Vịnh.
Qua đó, cũng giúp thầy cô tham khảo để soạn giáo án Luyện từ và câu Tuần 34 cho học sinh của mình. Vậy mời thầy cô và các em cùng tải miễn phí bài viết dưới đây để ôn tập thật tốt kiến thức cho tiết Luyện từ và câu: Mở rộng vốn từ Quyền và bổn phận.
Luyện từ và câu: Mở rộng vốn từ Quyền và bổn phận trang 155
Hướng dẫn giải Luyện từ và câu SGK Tiếng Việt 5 tập 2 trang 155, 156
Câu 1
Dựa theo nghĩa của tiếng quyền, em hãy xếp các từ cho trong ngoặc đơn thành hai nhóm:
a) Quyền là những điều mà pháp luật hoặc xã hội công nhận cho được hưởng, được làm, được đòi hỏi.
b) Quyền là những điều do có địa vị hay chức vụ mà được làm.
(quyền hạn, quyền hành, quyền lợi, quyền lực, nhân quyền, thẩm quyền)
Trả lời:
a) Quyền là những điều mà pháp luật hoặc xã hội công nhận cho được hưởng, được làm, được đòi hỏi: quyền lợi, nhân quyền.
b) Quyền là những điều do có địa vị hay chức vụ mà được làm: quyền hạn, quyền hành, quyền lực, thẩm quyền.
Câu 2
Trong các từ cho dưới đây, những từ nào đồng nghĩa với bổn phận?
nghĩa vụ, nhiệm vụ, chức vụ, chức năng, chức trách, trách nhiệm, phận sự, địa phận.
Trả lời:
Từ đồng nghĩa với bổn phận là: nghĩa vụ, nhiệm vụ, trách nhiệm, phận sự.
Câu 3
Đọc lại Năm điều Bác Hồ dạy thiếu nhi và trả lời câu hỏi:
Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào
Học tập tốt, lao động tốt
Đoàn kết tốt, kỉ luật tốt
Giữ gìn vệ sinh thật tốt
Khiêm tốn, thật thà, dũng cảm.
a) Năm điều Bác Hồ dạy nói về quyền hay bổn phận của thiếu nhi?
b) Lời Bác dạy thiếu nhi đã trở thành những quy định nào trong Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em mà em vừa học ?
Trả lời:
a) Năm điều Bác Hồ dạy nói về bổn phận của thiếu nhi.
b) Lời Bác dạy thiếu nhi đã trở thành những qui định được nêu trong điều 21 của Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em.
Câu 4
Viết một đoạn văn khoảng 5 câu trình bày suy nghĩ của em về nhân vật Út Vịnh trong bài tập đọc em đã học ở tuần 32.
Trả lời:
Mẫu 1:
Út Vịnh là một thiếu nhi có lòng yêu Tổ quốc, yêu đồng bào tha thiết. Út Vịnh tham gia tích cực phong trào "Em yêu đường sắt quê em". Vịnh còn thuyết phục mọi người hãy chung tay hành động tốt bảo vệ đường sắt quê hương. Út Vịnh là tấm gương dũng cảm bảo vệ tính mạng cho hai em nhỏ là bé Hoa và bé Lan. Sự xúc động đến lặng người của bố mẹ bé Lan đã nói lên thật nhiều lời khen ngợi, sự khâm phục và biết ơn dành cho Út Vịnh. Riêng em, em rất quý trọng Út Vịnh. Em nguyện sẽ học tập tấm gương đẹp đẽ đó của Út Vịnh.
Mẫu 2:
Tuy còn nhỏ nhưng Út Vịnh đã có ý thức trách nhiệm của một công dân. Vịnh không những thực hiện tốt nhiệm vụ giữ gìn an toàn đường sắt mà còn thuyết phục được Sơn không chơi dại thả diều trên đường tàu. Đặc biệt hơn nữa, Vịnh đã dũng cảm cứu sống một em nhỏ. Hành động đó của Vịnh rất đáng khâm phục. Là học sinh, chúng ta nên học tập theo Vịnh.
Mẫu 3:
Út Vịnh là một bạn nhỏ có ý thức công dân rất cao. Út Vịnh đã thực hiện tốt những quy định về an toàn giao thông, tham gia vào việc bảo vệ an toàn đường sắt quê nhà. Vịnh thuyết phục được Sơn – một bạn rất nghịch, hay thả diều trên đường ray. Không những vậy, Vịnh còn là một chú bé dũng cảm. Em đã cứu sống được bé Lan và bé Hoa trong gang tấc. Út Vịnh thật đáng khen.
>> Xem thêm: Đoạn văn suy nghĩ về nhân vật Út Vịnh